"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

012 - Vẻ Đẹp Cách Sống Trung Đạo

"Tôi đến thành phố Madison đúng vào mùa thu
Và ở đó cũng đã hai mùa thu.

Ở đây,
Mùa thu California không đẹp như ở đó,

Tôi nhớ đến một tín đồ Phật Giáo,
Tên tâm linh là Phúc Tuệ,
Định cư tại Madison một phần tư thế kỷ.
Tôi có dịp quan sát Phúc Tuệ hơn một năm.
Người con Phật ấy năm nay độ chừng tuổi sáu mươi,
Có hai người con trai đã lớn.
Một người là bác sĩ, nguời kia là nhân viên một công ty.
Hai vợ chồng và hai con luôn bên nhau từ ở quê nhà.
Từ tinh thần, tình cảm gia đình và vật chất,
Họ như vẹn toàn,
Đủ ăn, đủ ở, đủ thương yêu,
Đủ sự giúp đỡ kẻ cần giúp đỡ,
Và thường an tâm.
Thật là hiếm thấy.
Tôi có thể khẳng định điều nầy:
Tất cả những bậc Đại Giác Ngộ, Đại Trí Tuệ,
Trước khi từ bỏ xác thân,
Đều ca ngợi rằng,
Hạnh phúc chân thật,
Hay sự nghiệp chân thật,
Hay thành tựu chân thật và cao đẹp của mỗi cá nhân
Chính là sự bình yên của tâm hồn.

Người con, người học trò chân chính của Phật, Phúc Tuệ
Đến lúc nầy đã giữ được điều ấy,
Và đang xây dựng một Quốc Độ Phật cho cuối đời mình.

Tôi quan sát và nhận ra rằng,
Người ấy đã sống đúng con đường Trung Đạo,
Con đường mà Phật Thích Ca khám phá rồi thành Đạo.

Con người ấy sống hiền lành nhưng trí tuệ,
Biết dùng trí tuệ Trung Đạo để điều hòa cuộc sống
Trong gia đình, nơi làm việc và bằng hữu.
Giải quyết mọi việc trong giao tiếp,
Rất ôn hòa và bình đẳng,
Nhưng cũng rất giữ nguyên tắc minh bạch trong việc làm.

Sống thực sự biết đủ,
Biết vừa lòng với những gì trong tầm tay,
Không tham tưởng trong suy nghĩ và hoạch định theo tham vọng;
Thường phát sinh trí tuệ từ thực tại cuộc sống.

Chuẩn bị cuộc sống thật giản đơn cho thời kỳ hưu trí;
Không luyến tiếc, ân hận,
Ray rức, oán hờn hay thành kiến gì với quá khứ;
Không có gì để sám hối hay cầu xin;
Thật sự sống trọn vẹn với những gì đang có.

Về phước thiện,
Phúc Tuệ là người con của Phật ưa thích giúp người;
Đã gần hai mươi năm thường xuyên cho học bổng các học sinh nghèo nơi quê nhà;
Làm được việc gì để giúp người dù là rất nhỏ hay khó khăn,
Cũng toàn tâm, toàn trí mà làm.

Người Phật Tử ấy rất sâu sắc và tế nhị với chung quanh mình;
Lắng nghe và lắng nhìn những điều bất ổn của người,
Để chia sẻ niềm vui cho họ, dù là nhỏ nhất.

Khi tôi quan sát cung cách cư xử của Phúc Tuệ
Với nột người đồng đạo cô đơn và già nua.
Người đồng đạo ấy,
Tuổi gần tám mươi,
Sống cảnh gà trống nuôi con
Từ khi đứa con trai lên hai tuổi,
Mà nay cháu ấy đã sắp học xong hai bằng cao học.

Người bạn già đồng đạo ấy,
Một hôm đang dạy tôi lái xe và nói rằng :

-“Thưa Thầy, Phúc Tuệ làm việc đâu ra đó,
Không biết lớn tiếng với ai,
Rất nguyên tắc trong công việc,
Và vừa nguyên tắc vừa tình cảm trong cư xử.
Trong hơn hai mươi năm qua,
Tôi tự coi anh ấy như là một Bồ Tát,
Đôi khi tôi tự coi anh ấy,
Như là một tu sĩ đạo cao đức trọng
Vượt lên trên cách tu hình thức;
Tôi thật sự kính trọng.”

Không phải chỉ có người bạn già đồng đạo nầy nói vậy.
Một số người Việt và Mỹ trong thành phố ấy mà tôi quen,
Họ cũng chia sẻ những nhận xét tương tư như vậy.

Đến đây làm tôi nhớ lại,
Những lần thăm viếng Vị Vua Sãi Thái Lan và Lào,
Khi trao đổi về cách truyền giáo,
Các Ngài cũng nói rằng:

“Cách truyền những lời dạy của Đức Phật tốt nhất
Là cách sống trung đạo của người tu sĩ Phật Giáo
Gây ảnh hưởng tốt cho những người chung quanh.”

Có lẽ,
Cách sống Trung Đạo tự nhiên như Đạo Hữu Phúc Tuệ,
Người đã được hầu hết trong những mối quan hệ,
Từ gia đình, bà con, bạn hữu và nơi làm việc vừa mến vừa trọng
Là một người truyền thông điệp Trung Đạo của Đức Phật thật sống động;
Thật hiệu quả, mà những ai đã từng cùng với không thể quên được.

Tôi muốn giới thiệu tấm gương nầy,
Đến những đệ tử gần xa thấy rằng,
Trung Đạo là con đường có thật,
Con đường của người ngộ đạo.

Và qua đây,
Thầy nhắc nhở các đệ tử rằng,
Không phải người ngộ đạo là người xuất gia tu hành từ nhỏ,
Không phải là người biết thực hành các khóa lễ trước bàn thờ,
Không phải là người có chiếc áo của “người tu”.
Đừng bị hai chữ “người tu”
Dẫn dắt mình vào cõi viển vông trái luật hai mặt của hành tinh nầy
Đừng nghĩ rằng ai đó có nhiều người đến lễ lạy mà cho rằng ngộ đạo.
Đừng lấy sự tạm thành tựu về vật chất mà cho rằng người ấy ngộ đạo.

Người ngộ đạo sống giản đơn, không hình thức cầu kỳ;
Người từ chối sự trọng vọng hay tôn vinh của người đời đối với họ;
Người không có tâm phân biệt cao thấp trọng khinh;
Người không tự cho mình là phước đức cao dày;
Người thản nhiên sống đúng luật hai mặt của thế giới nầy;
Người không màn đến danh vọng;
Người thoát ly khỏi mọi chỗ dựa, kể cả Thánh Hiền;
Người sống cùng trời đất là một;
Người có trái tim nhạy cảm với nổi đau của con người, động vật và cây cỏ;
Người luôn giữ sự bình an cho tâm hồn.

Người ngộ đạo hiểu rằng,
Toàn bộ sự sống tồn tại của hành tinh nầy
Là sự tồn tại cùng một lúc hai mặt đối nghịch.
Không ai chối bỏ được.
Chỉ khác nhau cách thể hiện mà thôi:
Một sự thể hiện bình thường tự nhiên theo luật tự nhiên;
Và mặc khác là,
Sự thể hiện gượng gạo méo mó và bệnh hoạn.

Chính sự tưởng tượng quá đáng của đa số tín đồ,
Đã đẩy nhiều tu sĩ vào đường khó xử.
Các Đệ Tử hãy bản lãnh mà sống tự nhiên;
Sự ngộ đạo là thuộc về cõi tâm huyền diệu;
Không thuộc về hình thức.
Hoa sen thanh cao khoe sắc trong bùn,
Đó là ý nghĩa thực sự của hình ảnh giải thoát."
- Master Duy Tuệ -