Đối với một số người, bằng cách đuổi Adam và Eva ra khỏi Địa đàng, Tạo hóa đã cảnh cáo các nhà không tưởng, xã hội lý tưởng không thể có ở thế giới này, mà chỉ có thể có ở thế giới bên kia.
Nếu như con người biết cách nghe lời cảnh cáo này, thì thất bại của Địa đàng chắc chắn đã giúp chúng ta tránh được nhiều thất vọng lớn; chúng ta đã không phải chịu đựng cảnh những xã hội sáng lạn bị đắm chìm một cách tất yếu trong chế độ chuyên chế, trong điên cuồng, trong tra tấn hay trong diệt chủng, hay những thành phố quyết diệt trừ cái ác khỏi trái đất, nhưng thực ra lại làm ngược lại.
Thật không may, lời khuyên của Thánh kinh đã rơi vào tai những kẻ điếc. Kể từ khi có loài người biết nghĩ, các nhà không tưởng đã miệt mài trên mặt bàn thiết kế số phận của mình, vẽ ra những kế hoạch đồ sộ đẹp đẽ và phác ra những cõi tiên.
Họ tự nhủ rằng cuộc sống ở Địa đàng tuy có thoải mái, đầy thiện chí thật đấy, nhưng hơi khoan hòa và rất là lộn xộn, thậm chí vô chính phủ nữa. Thật là khủng khiếp! Do vậy, họ đã đưa ra những mô hình Thiên đường hiện đại hơn, độc ác hơn và được cai trị tốt hơn. Các nhà không tưởng nghi ngờ tất cả mọi người. Họ đề ra những khuôn khổ, ấn định những quy tắc chặt chẽ, thay thế tình yêu bằng sự tính toán, trục xuất những kẻ lang thang và mơ mộng, xử tử những kẻ sai lệch lạc sai trái, xóa bỏ cả gia đình, cả số phận cá nhân và cả thời gian.
Vậy là họ sản xuất ra những con người giống hệt nhau, thuần khiết và đơn điệu. Họ áp đặt cho các xã hội tuyệt vời của họ những tấm áo bó thân bằng sắt, giam hãm tự do, xóa bỏ mọi mâu thuẫn, tiêu diệt các vi trùng tội lỗi, và con người có phải chết hay phải làm nô lệ cũng mặc. Ở xứ sở không tưởng, bầu trời lẽ ra phải xanh ngắt, nhưng thật ra đen xì.
Hippodamos và Platon
Ở thế kỷ thứ 5 trước CN, Hippodamos người Milet, sống ở một miền đất tốt lành ven biển Egée ở tiểu Á tên là Ionia, nơi những đặt tính quý báu của người Hy Lạp được nâng lên đến mức cao nhất. Chính nơi đây, giữa biển và trời đã nở rộ một nền văn minh thanh tao, thảnh thơi, tươi vui. Rủi thay các đạo quân của Darius, vua xứ Ba Tư ở bên kia núi Taurus, thèm khát nhòm ngó vùng bờ biển đẹp đẽ này. Người dân Ionia đã kháng cự, đốt cháy thành Sardes. Vua Darius bừng bừng nổi giận, tung quân tiến đánh Inoia. Thành phố Milet, nằm giữa Halicarnasse và Ephèse, đã biến mất vào năm 494.
Kiến trúc sư Hippodamos rất hài lòng. Đó là một dịp may hiếm có để ông chế tạo ngay một lần toàn bộ một thành phố, giống như sau này, ở thế kỷ 20, Niemeyer dựng lên Brasillia trên một địa điểm không mang một vết tích lịch sử nào. Trong tác phẩm Chính trị của mình, Aristote viết: "Hippodamos đã phát minh ra thiết kế hình học cho các thành phố. Ông dự định xây một thành phố có 10.000 dân chia làm ba hạng: hạng thợ thuyền, hạng nông dân và hạng bảo an có trang bị vũ khí."
Ta hãy ghi nhớ cái "thiết kế hình học cho các thành phố", thiết kế đã làm Hippodamos trở thành nhà không tưởng đầu tiên được biết. Kiến trúc sư người Milet đã có tham vọng hiệu chỉnh và hầu như xóa bỏ thiên nhiên, tạo ra một cái khuôn để đúc ra một xã hội có ngăn nắp, đồng đều, sạch sẽ, mang tính cộng đồng và duy lý.
Platon còn đi xa hơn Hippodamos. Trong cuốn Luật pháp, ông đã miêu tả một xã hội tươi vui và trình bày hoạt động của nó trong cuốn Cộng hòa.
Ở trung tâm thành phố là Vệ thành trên đồi, từ đó tỏa đi 12 đường phố chia thành phố thành 12 phần: các phố đều thẳng tắp, các quảng trường đều có hình tròn và mọi ngôi nhà đều giống nhau. Thật khác xa với Athènes, thành Athènes thực sự, một búi phố phường quanh co, bẩn thỉu, nhưng thú vị. Thành phố trong cuốn Luật pháp như thành phố của Hippodamos là một thành phố kỷ hà học, một tổ ong với các ngăn có người ở. Các trò giải trí rất hiếm, chỉ gồm nhạc và múa. Mọi sự đổi mới đều bị ngăn cấm. Các nhà thơ, vốn là những kẻ mơ mộng bẩn thỉu, tính khí bất định, đều bị tống khứ. Mọi người ăn tại nhà ăn công cộng. Các nhiệm sở dân sự được trông nom tuyệt vời, và trong thành phố này, không có những cá nhân mà chỉ có các công dân. Kẻ vô công rỗi nghề, kẻ mơ mộng hão, kẻ nghiện ngập và kẻ tứ cô vô thân đều không được chấp nhận.
Thành phố có dạng toán học này hoạt động như một máy tính điện tử, không hề nhầm lẫn hay trục trặc. Mục đích là bắt tâm hồn tuân theo mệnh lệnh của thành phố và bắt thành phố tuân theo mệnh lệnh của vũ trụ, cái "được sắp đặt ngăn nắp". Platon muốn bảo vệ xã hội chống lại tính khí bất thường tai hại của "thiên nhiên nơi trần thế", chống lại những sự việc khủng khiếp đẫm máu của lịch sử.
Xã hội của Platon được chia thành ba tầng cao nhất là các "nhà triết học" có nhiệm vụ đảm bảo sự liên kết của Nhà nước và đưa ra các qui định. (Thành phố lý tưởng vì không bị vấp phải những tình huống bất ngờ và thói trái tính trái nết của lịch sử nên không cần đến một chính phủ mạnh. Trong các chủ nghĩa không tưởng cực đoan hơn xuất hiện sau này, chính phủ sẽ teo đi và biến mất. Thành phố tự điều khiển, lặp lại những động tác giống hệt nhau. Vũ trụ cũng chẳng cần ai điều khiển. Nó tự quay và không bao giờ trục trặc).
Thế nhưng Platon còn giữ lại một chính phủ bao gồm các nhà triết học, được sự trợ giúp của những lính canh, hay còn gọi là chó canh gác, "vừa nóng nảy vừa là triết gia", và chỉ huy giai cấp thứ ba, giai cấp những người sản xuất, gồmthợ thuyền và nông dân.Lính canh rất hung hãn, vì những người sản xuất là những kẻ không có giáo dục, "một tâm hồn luôn thèm muốn" và chỉ làm những điều ngu xuẩn. Những kẻ tiện dân không có đầu óc này thậm chí còn cho phép mình có những xung động, những tình cảm, cho phép mình yêu vợ hàng xóm, nuông chiều con cái, buồn bã khi mẹ của họ qua đời; nói tóm lại, họ tự cho phép mình nuôi dưỡng một đống vi trùng mà Platon, vốn là một bác sĩ lành nghề, ra sức tiêu diệt. Platon là một nhà vệ sinh cuồng nhiệt. Ông muốn có một xã hội trong suốt, những công dân không có niềm say mê, không ký ức, không trí tưởng tượng - một bộ sưu tập buồn tẻ những "con người không có thuộc tính".
Tổ ong hay tổ kiến
Những “triết gia” cai trị thành phố trong cuốn Luật pháp của Platon làm việc không mệt mỏi. Ngày đêm cảm thấy có một tình cảm, một ham muốn, một sự mềm yếu nào đó len lỏi vào trong cái thành phố pha lê này, họ lập tức nhảy bổ đến và trấn áp. Kẻ thù của họ là “cái hữu cơ”. Họ muốn thay thế nó bằng “tổ chức”.
Vì vậy, một trong những mục tiêu ưa thích của họ là gia đình. Chính gia đình sẽ là vấn đề đau đầu, nỗi thống khổ và sự thất bại của nhà không tưởng. Trong gia đình lúc nhúc cái xấu xa nội tạng, cái nguyên sơ, cái mờ ám, cái hữu cơ. Cố nhiên, Nhà nước có thể thương lượng với gia đình, hoặc nói cho đúng hơn là trói buộc gia đình bằng những quy định chặt chẽ. Sau này, rất nhiều Nhà nước chuyên chế sẽ đi theo con đường này, nhưng các Nhà nước đó đều sẽ bị gãy răng mẻ trán khi đụng đến gia đình. Khôn ngoan hơn, Platon chọn giải pháp triệt để: ông thủ tiêu gia đình, vì biết rằng gia đình sẽ luôn luôn cản trở Nhà nước chuyên chế.
Trẻ con bị bứt ra khỏi gia đình và trao cho Nhà nước. Vậy là sẽ không còn mẹ, không còn bố; không còn cả anh chị em họ. Thế là nhẹ nợ! Gia đình bị căng ra đến giới hạn của thành phố, và do đó, bị hòa tan.
Tiêu diệt gia đình như vậy vừa điên rồ vừa hợp lý. Nó hợp lý, vì một xã hội mang tính chất toán học trên thực tế không thể dung thứ sự rối ren, cái ấm áp, nhưng đòi hỏi, sự thân mật lẫn không khí tối tăm của gia đình. Nó điên rồ, vì gia đình rất ngoan cường, nó chống cự và sẽ mãi mãi chống lại mọi cuộc tiến công của Nhà nước.
Đôi khi người ta ngạc nhiên là các động vật có vú không có khả năng tạo nên những xã hội hợp lý. Ngay cả đến rái cá cũng vẫn là vô chính phủ, côn đồ, mang tính tài tử nếu ta so sánh chúng với kiến, ong và mối. Sự bất tài về chính trị của động vật có vú được giải thích bằng sự kháng cự của gia đình, của mối ràng buộc giữa chồng và vợ, giữa mẹ và con chống lại bất kỳ bạo lực nào của Nhà nước.
Chính ở điểm này ta thấy thể hiện rõ thiên tài của các côn trùng sống thành xã hội: trong các tổ ong và tổ kiến, con nhỏ được Nhà nước chăm sóc nên không có bất kỳ gắn bó tình cảm hay bất kỳ sự dịu dàng nào ràng buộc cha mẹ với con cái. Dửng dưng trước dòng thời gian, bất động và phục tùng, coi khinh các quyền tự do cá nhân, hoàn thành một cách mù quáng một chương trình định trước, tổ kiến thực hiện giấc mơ phi lý của lý trí tuyệt đối. Chính đây là sai lầm của Platon và của mọi nhà không tưởng đi theo ông: sinh vật chính trị, không phải là con người, mà là con kiến. Platon là nhà triết gia cho loài ong và loài mối.
Đồng hồ
Các đề án của Platon đã không trở thành hiện thực. Tên độc tài Denys II ở thành Syracuse bỏ ngoài tai lời khuyên của Platon. Dẫu sao, nghề triết học do Platon khởi đầu vẫn có một đội ngũ hậu sinh đông đảo, cho đến tận Thomas More, Etienne Cabet và Robert Owen.
Ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng khác đã dựng lên những thành phố lý tưởng. Triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ Iamboulos vẽ ra 7 "Hòn đảo hạnh phúc". Nhưng những hòn đảo mà không có gì hấp dẫn. Nếu như ta lạc vào đấy, ta sẽ chỉ có một ý muốn duy nhất là chạy ra bờ biển và chạy trốn khỏi đảo. Dân cư trên mỗi đảo được chia thành từng nhóm 400 người một. Việc sinh con đẻ cái và giáo dục chúng do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo sự công bằng vật chất cho mọi đứa trẻ. Mọi công dân đều giống nhau, khó phân biệt được người này với người khác. Sự bình đẳng trí tuệ và tinh thần được đảm bảo nhờ những thời gian biểu làm việc đơn điệu, lặp đi, lặp lại không ngừng.
Thời Trung cổ thường bị các nhà nghiên cứu lịch sử chủ nghĩa không tưởng coi nhẹ. Điều đó không đúng. Các thế kỷ đen tối này đã sản sinh ra hai vật không tưởng chủ nghĩa quan trọng.
Trung cổ phát minh tu viện, nhà dòng và trường dòng, như những đảo nhỏ yên bình, những xã hội hài hòa và bất động giữa sự xáo động của cuộc đời trân thế. Platon mê say những xã hội như vậy: không còn gia đình, không còn cá nhân , cả đến tên tuổi của thầy tu cũng bị xóa. Quy tắc của Thánh Benoit hoàn hảo và nghiêm khắc đến mức các linh mục trưởng tu viện hay các đấng bề trên chỉ còn mỗi nhiệm vụ là quản lý sự bất động, sự lặp đi lặp lại tẻ nhạt và sung sướng những thủ tục không đổi. Đó là sự thành công tuyệt đẹp, một trong những thành công hiếm hoi của chủ nghĩa không tưởng. Thành công của việc này là do tu viện xây dựng các kiến trúc đẹp đẽ của mình trong các lĩnh vực vĩnh hằng chứ không phải trong các lĩnh vực lịch sử.
Phát minh thứ hai mang tính không tưởng của Trung cổ lại khá là xa hoa. Đó là chiếc đồng hồ, ra đời một cách ngẫu nhiên trong một tu viện, tức là một nơi đậm màu không tưởng; cơ chế máy móc của phát minh tuyệt vời này không thay đổi, không bao giờ sai lầm, lạnh lùng và nghiêm ngặt khắt khe, không bất nhất và cũng không thất thường, và không bị những trói buộc của lịch sử, như một xã hội hoàn hảo vậy. Chính bởi vì nó nằm ngoài thời gian mà đồng hồ có thể chỉ thời gian.
Chủ nghĩa không tưởng của Platon dựa trên một mô hình vũ trụ, và ngầm phỏng theo một mô hình khác là tổ kiến. Các nhà không tưởng đông lên nhiều sau thời Phục hưng, có một mô hình thứ ba: nuôi dưỡng những hoang tưởng duy lý của họ: đó là chiếc đồng hồ.
Gilles Lapouge(*)
Nguồn: Tạp chí Người đưa tin Unesco, tháng 2/1991, trang 16-20. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
(*) Gilles Lapouge là nhà văn và là nhà báo Pháp, đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, trong đó có Lespirates (1987), những cuốn du ký như Equinoxiales (1977) và hai tiểu luận về chủ nghĩa không tưởng: Utopies et civilizations và Le Singe de la montre (1982).