I - Thân Thế
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258), là con của vua Trần Thánh Tông và Nguyên thánh Hoàng Thái Hậu. Khi mới sinh, màu da toàn thân như vàng ròng, sáng chói. Vua cha đặt tên là Phật Kim. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi: “Được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần tuý, nhan sắc như vàng ròng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng… Bên tả có một nốt ruồi đen, các nhà tướng số cho rằng, ngày sau sẽ gánh vác việc lớn.”
Từ nhỏ, Nhân Tông đã sùng kính đạo phật. Năm 16 tuổi (1274) được vua Thánh Tông phong trưởng tử Khâm làm Hoàng thái tử. Ngài không chịu, muốn nhường cho em nhưng vua cha không chấp nhận. Cũng trong năm này, Nhân Tông đã kết duyên cùng với trưởng nữ của Quốc mẫu Nguyên Từ. Duyên cầm sắt tuy hài hoà nhưng lòng thái tử hình như muốn thoát tục. Vào giờ tý một đêm, Ngài đã vượt thành ra đi, định lên núi Yên Tử tìm đạo. Khi đến chùa Đông Cứu thì trời vừa hừng sáng, thân thể mệt mỏi, Nhân Tông vào nghỉ trong tháp của chùa. Vị sư thấy người thanh niên tướng mạo khác thường, tỏ lòng ái mộ, bèn dọn cơm thết đãi. Hôm sau, Thái hậu thuật lại ý định vượt thành xuất gia của Đông cung Thái tử. Vua Thánh Tông sai quân thần tìm kiếm. Khi phát hiện thấy ở chùa Đông Cứu, quần thần mời Thái tử về và sau đó Ngài lên ngôi.
II/ Sự Nghiệp
a) Tại gia
Năm 20 tuổi (1278), Trần Nhân Tông lên ngôi, lấy hiệu là Thiếu Bảo (22/10 năm Mậu Dần). Khi lên ngôi, dù có của cải, quyền hành nhưng vua vẫn giữ mình thanh tịnh. Thường đêm ngày nghỉ ở chùa Tư Phúc. Một hôm nằm nghỉ trong chùa, vua mộng thấy từ rốn mình mọc lên một hoa sen lớn như bánh xe, trên có đức phật vàng. Bên cạnh có người chỉ vào vua hỏi: “Biết đức Phật này chăng? Đó là đức Biến Chiếu Thế Tôn.”. Sau khi tỉnh mộng, Ngài bèn thuật lại cho Thượng hoàng Thánh Tông nghe. Thánh Tông cho là chuyện lạ thường. Từ đó vua chay tịnh, long nhan hơi gầy, Thượng hoàng trông thấy bèn hỏi lí do. Vua thưa rõ ý định xuất trần. Thượng hoàng khóc nói: “Cha nay đã già, chỉ trông cậy vào con, nếu con mà như thế thì sự nghiệp của tổ tông sẽ như thế nào?”. Cả hai cha con đều rưng rưng nước mắt!
Vua Nhân Tông sáng suốt, đa tài, hiếu học, thông hiểu kinh sách. Vua thường mời các vị thiền sư vào cung đàm đạo. Nhân Tông nhờ Thượng Sĩ Tuệ Trung mà thâm nhập phật lí. Với khí tiết hào hùng trong việc trị nước an dân, Ngài là đấng Minh Quân biết thu phục lòng dân trong hai cuộc hội nghị Bình Than và Diên Hồng, tiêu biểu cho khí thế hào hùng của người dân Việt. Hai lần đánh bại đại quân tàn bạo Nguyên Mông xâm lược Đại Việt, tỏ rõ tài thao lược, điều binh khiển tướng vào những năm lịch sử oai hùng sáng chói 1285 và 1289. Ngài đã làm rạng danh các tướng lĩnh như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Khắc Chung, Trần Nhật Duật. Thời ấy, siêu cường Nguyên Mông đã phải chịu thảm bại trong những cuộc xâm lăng Đại Việt. Các sử gia trong và ngoài nước đã nhận định về cuộc chiến thắng của nhân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông như sau:
- Nhà vua anh minh.
- Tướng tá tài giỏi.
- Quân dân một lòng, cả nước ra sức.
- Phát huy truyền thống yêu nước của người Việt.
b) Xuất gia
Nhà vua đã kế thừa được sự nghiệp của các bậc tiền nhân và nhận thấy rõ, chỉ có trí tuệ phật mới đưa đất nước và con người đến đỉnh cao của hạnh phúc, mới đem đến sự sống an lành cho dân tộc. Nhà vua thấy rõ, chỉ có ánh đạo vàng mới xoá bỏ được bất công và thù hận. Vì thế, năm Quý Tỵ (1293), Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng.
Năm 1295, Ngài đến chùa Vũ Lâm, huyện Gia Khánh (nay là Hoa Lư - Ninh Bình) tập sự xuất gia. Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia cho Ngài. Cảnh sống đạo của Ngài được thể hiện qua bài thơ Trăng:
“Đèn chong chênh chếch, bóng sách đầy giường
Đêm vắng song thu lác đác sương
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết
Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương.”
Tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299, 41 tuổi), Ngài vào núi Yên Tử, chính thức tu hạnh Đầu Đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Với sự sống an vui, tự tại, Ngài chuyển pháp luân trang trải ánh đạo vàng trên khắp quê hương nước Việt. Ngài thu nhận Đông Kiên Cương làm đệ tử, sau này được đặt hiệu là Pháp Loa nhị tổ. Nhị tổ truyền cho Huyền Quang tam tổ. Về sau được giới phật tử tôn xưng Trúc Lâm tam tổ.
Những tác phẩm của Ngài gồm có:
- Thiền Lâm Chỉ Ngữ Lục.
- Trúc Lâm Hậu Lục.
- Thạch Thất Mỵ Nữ.
- Đại Hương Hải Ấn Thi Tập…
Những tác phẩm này đã mất mát nhiều, nay chỉ còn 28 bài thơ chữ Hán, một bài kí, hai bài văn Nôm là Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca.
III/ Viên Tịch
Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân (1308, Ngài 51 tuổi), Hương Vân Đại Đầu Đà uỷ thác cho Pháp Loa kiết hạ chùa Báo Ân. Từ đó, Ngài đi khắp núi non. Đến ngày 21/10, bầu trời ảm đạm, gió rít thê lương, tuyết phủ đầy cỏ, Ngài bảo đồ chúng: “Thời tiết đã đến, có lẽ ta sắp đi!”
Đêm 01/11, sao trời lại tỏ. Hương Vân hỏi: “Bây giờ là giờ gì?”
Thị giả Bảo Sát thưa: “Giờ tý”.
Hương Vân đưa tay ra hiệu mở cửa sổ, Ngài nhìn trăng và nói: “Giờ này ta đi!”
Bảo Sát hỏi: “Tôn Đức đi đâu?”
Hương Vân bảo:
“Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư phật thường hiện tiền
Đâu có gì đi lại.”
Bảo Sát hỏi: “Nếu như không diệt thì sao?”
Hương Vân lấy tay che miệng Bảo Sát, bảo: “Chớ nói mê!”
Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử an nhiên viên tịch, thọ 51 tuổi.
Niên hiệu Long Hưng thứ 16, năm 1308, được tin Điều Ngự viên tịch, vua Anh Tông cùng đình thần lên núi Ngoạ Vân đảnh lễ, rồi nghênh đón ngọc cốt và xá lợi rước về kinh đô. Cả nước để tang trong 15 ngày, toàn dân đều cầu nguyện.
Khi tang lễ xong, vua Anh Tông dâng tôn hiệu cho Hương Vân Đại Đầu Đà là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Ngọc cốt tôn trí tại lăng Quy Đức, phủ Hưng Long. Xá lợi chia làm hai phần, một phần đựng vào tháp bảo và một phần đựng vào bảo tháp chùa Vân Yên, núi Yên Tử. Vua Anh Tông đúc tượng Điều Ngực Giác Hoàng bằng vàng, một thờ ở chùa Báo Ân, một thờ ở chùa Vân Yên.
Theo: Những Điều Dạy Về Phật Của Trần Nhân Tông - Tác giả Duy Tuệ - NXB Văn hóa thông tin ấn hành