"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Tham khảo: TTVMPT 07 - Alexander Đại Đế (Alexander the Great)

Ông kiếm tìm sự vĩ đại trong bất kỳ việc gì mình làm. Chỉ trong vòng vài năm, ông thống trị toàn bộ thế giới tại thời điểm đó và được nhiều người coi là một vị thánh chứ không phải con người. Khi ra đi, ông để lại sau lưng một đế chế rạn vỡ, một nền tảng văn hóa Hy Lạp chung và một hoài niệm lôi cuốn loài người.



Năm 401 TCN, hoàng tử Ba Tư xuất quân với một đội quân rất lớn, khoảng 12.000 lính đánh thuê Hy Lạp tiến đánh nhà vua, anh trai mình để chiếm ngôi Hoàng đế Ba Tư. Vị hoàng tử đó đã tử thương ngay trong trận đánh lớn đầu tiên. Nhưng quân đánh thuê của ngài vẫn đánh bại đội quân Ba Tư khổng lồ và tiến vào trung tâm đất nước này. Họ tiến rất gần đến Babylon. Không đồng minh, không chỉ huy, họ hành quân vượt 1000 dặm để tới bờ Hắc Hải và đi thêm 500 dặm dọc bờ biển để tới Byzantium qua những địa hình hiểm trở và biết bao nhiêu trận đánh. Nhưng cuối cùng họ cũng đến nơi. Cuộc hành quân huyền thoại này đã làm cho cả những người trong và ngoài Hy Lạp tin rằng đội hình lính đánh thuê của họ - đội hình bộ binh trang bị nặng nêm chặt với nhau – là bất khả chiến bại. Và còn chứng minh được nhiều hơn thế , rằng nếu bộ binh Hy Lạp được kỵ binh yểm trợ thì không kẻ thù nào trên thế giới có thể đứng vững. Lời tiên đoán này càng có vẻ mơ hồ bao nhiêu thì cuối cùng nó càng chính xác bấy nhiêu.


Câu chuyện về những người lính đánh thuê – nổi tiếng với tên gọi”Đội quân vạn người” – được truyền lại bởi một trong số họ, Xenophon – một người lính thành Athen. Khi Xenophon qua đời, khoảng năm 355 TCN, một thế lực mới đang trỗi dậy trong thế giới cổ đại khởi nguồn từ hào khí của hành trình thần thánh của Đội quân vạn người – thế lực Macedon. Người Macedonia thực ra chính là người Hy Lạp nhưng dân Hy Lạp không bao giờ công nhận điều đó cũng như mãi đến thế kỷ 16 người Scotland mới được coi là người Anh. Đây là di sản của người Macedon (ảnh).


Trở lại thế kỷ thứ 5 TCN, Macedonia vẫn là một xứ mông muội với hệ thống phong kiến tổ chức dưới hình thái bộ lạc, thị tộc. Ngôi vua được truyền theo dòng dõi và nhà vua là đấng tối cao về tôn giáo và quân đội đối với toàn lãnh thổ và dân chúng – ít nhất cũng về mặt hình thức.


Mặc dù cung điện của vua chúa và giới quý tộc Macendon chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp và bị Hy Lạp hóa rất nhiều. Vùng đất này cho đến giữa thế kỷ thứ 4 TCN vẫn là một xứ chậm tiến. Khi quốc vương Philips chinh phục được các lãnh chúa khác bằng cách bắt tòng quân tất cả đàn ông tự do hoặc đưa họ vào quân đội hoàng gia thường trực dưới quyền những tướng tá của chính ông. Philips tiếp thu phương pháp của “đội quân vạn người” xưa kia nhưng có cải tiến. Ông kết hợp đội hình cài nêm với lực lượng bộ binh trang bị nhẹ và quan trọng hơn nữa là kỵ binh được trang bị nặng, đó là điều “đội quân vạn người” không có. Macedonia có thể huy động 1 lực lượng kị binh khổng lồ bởi đất nước họ có những cánh đồng bao la và những tràng đất rộng, là nơi cưỡi ngựa của những thanh niên quý tộc.


Đúng như lời dự đoán 50 năm trước, không một thế lực nào trên thế giới có thể cản bước họ. Philips khởi binh, uy hiếp hoặc chinh phạt hầu như tất cả các thành bang Hy Lạp và ông thành công rực rỡ. Không những vì ông có lực lượng mạnh hơn – chặt chẽ hơn và rất trung thành – mà còn vì nội bộ Hy Lạp khi ấy đang lục đục, thậm chí còn mâu thuẫn nặng nề hơn bình thường. Người Ba Tư đã tốn nhiều công để chia rẽ họ, làm cho họ luôn tranh chấp với nhau thay vì chiến đấu chống đế chế Persian. Philips dễ dàng đánh bại các thành bang Hy Lạp nhưng cách duy nhất để tập hợp họ dưới trướng của mình là phù dụ họ, không phải với tư cách một người Athen hay Corin mà là một người Hy Lạp. Philips biết rõ rằng, vào thời này là người Hy Lạp nghĩa là được tự do – ngược lại với những người nô lệ khốn cùng của đế chế Ba tư. Cuộc chiến Salamis và Platea, được ông nhắc đến như những chiến công chói lọi trước đế chế Ba Tư. Nhưng mục đích tối hậu là để thổi bùng lên ngọn lửa căm thù đối với kẻ xâm lược trong quá khứ - những kẻ ngày nay vẫn chiếm cứ những thành bang phía đông của họ. Trả thù không chỉ để chiếm lại đất đai, của cải từ những thành bang phí đông mà còn tiếp nối những huyền thoại như Hercules – vị anh hùng đã lập nhiều kỳ tích ở phương Đông.


Thực vậy, năm 334 TCN con trai vua Philips, đại đế Alexander đã tràn quân sang châu Á. Ông đã đi một vòng thăm thành cổ Troy và tuyên bố với dân chúng rằng chính ông ta – thần Asin tái sinh – đang chuẩn bị thanh toán mối thù truyền kiếp giữa Hy lạp và châu Á. Do đó, từ đầu thế kỷ thứ 4 TCN, một nguyện vọng dấy lên trong lòng những người dân Hy Lạp về một cuộc chiến báo thù dội lên đầu người Ba Tư – một cuộc chiến sẽ khiến mọi tranh chấp nội bộ lắng xuống để hướng toàn bộ lực lượng và sức mạnh ra ngoài lãnh thổ quê hương. Cuộc chiến này cũng mở ra chân trời mới cho giao thương và thuộc địa hóa. Từ trước, Hy Lạp vấp phải một trở ngại ở phía Tây bởi thành bang Carthage hùng mạnh. Và họ gặp phải sự chống cự của người dân địa phương đối với việc họ biến Ý thành thuộc địa. Trên thực tế, hệ thống thuộc địa của Hy Lạp không còn được mở rộng từ thế kỷ thứ 7 -6 TCN. Trong khi họ rất cần mở rộng nó. Chiến tranh liên miên đã tiêu tốn rất nhiều của cải và tàn phá nền nông nghiệp khiến không đủ thóc gạo để nuôi dưỡng dân chúng. Vì vậy, Hy Lạp gửi một phần dân số dư thừa như thợ thủ công, thợ rèn, những người trẻ tuổi thích phiêu lưu, nghệ nhân, học giả, kỹ sư và nhà buôn – nhưng họ không thể thành lập thêm thành bang mới và vấn đề dư thừa dân số vẫn là một bài toán mà lời giải duy nhất là chiến tranh. Người Macedonia kêu gọi cứ binh đánh Ba Tư, nhưng không phải luôn luôn có hiệu quả bởi vì rất nhiều người Hy Lạp ghét người Macedonia không kém gì người Pesia, những kẻ ở rất xa và chẳng có gì giống họ và người Macedonia. 

Tuy nhiên với tư cách là vương giả thống lĩnh trong thế giới Hy Lạp, cha con Philips và Alexander dù không thể khiến một vài thành bang biến thành đồng minh của họ thì ít nhất cũng giữ được họ ở thế trung lập. Người Macedonia cũng cố gắng hăm dọa lính đánh thuê người Hy Lạp – những người luôn bán mình cho kẻ trả giá cao nhất – điều này rất nguy hiểm vì Hoàng đế vĩ đại của đế chế Ba Tư có nhiều tiền hơn Philips và Alexander rất nhiều. Nhưng rất nhanh chóng, quân đội đánh thuê nhận được 1 thông điệp khi họ bị tuyên bố là phản bội lại quyền lợi quốc gia – quyền lợi của Hy Lạp – rồi bị xử tử hoặc bị đày đi những khu mỏ như nô lệ và chịu đựng cuộc sống tồi tệ hơn cả cái chết. Và như thế, cuộc chiến toàn dân chống lại đế chế Ba Tư ở châu Á trở thành 1 kế hoạch vĩ đại. Mặc dù vua Philips bị ám sát vào năm 336 TCN, trước khi ông kịp phát động cuộc chiến. Alexander, con trai ông tỏ ra rất xứng đáng với sứ mạng đó.


Alexander lên ngôi vua lúc vừa tròn 20 tuổi, ông là học trò của Aristotle, đã đọc câu chuyện của Xenophon và ông biết rõ mình có thể làm được những gì và đạt được những gì ở châu Á. Năm 334 TCN, ông dẫn đầu liên minh Hy Lạp – Macedonia vượt qua eo Hellenspont tiến vào Tiểu Á. Sau đó ông lật đổ vương triều Ba Tư, cả vùng đất rộng lớn kéo dài từ Lybia đến Afganistan giờ nằm trong tay ông. Ông lập nên đế chế Hy Lạp – Macedonia, đưa con người và văn hóa Hy Lạp tỏa đi khắp các xứ sở phương Đông. Tất cả chỉ vỏn vẹn trong 11 năm. Sau đó ông mất vị bệnh sốt rét ở Babylon, lúc 32 hoặc 33 tuổi.


Alexander thực sự là 1 trong những vị thống soái vĩ đại nhất của loài người và ông cũng muốn được coi là vĩ đại. thời gian đã xóa mờ mặt tàn độc của ông ta, nhưng cần nhớ rằng ngay cả Cassander, một vị tướng tàn ác của Macedonia – người biết Alexander từ lúc còn trẻ cũng phải rùng mình khi đi ngang qua tượng của ông. Bởi vì kế hoạch của Alexander nghe có vẻ như vô phương thực hiện nên ngoại trừ những người quen biết ông ra thì những người còn lại đều nghĩ ông không phải là 1 anh hùng mà còn hơn thế, ông là một vị thần. Rất nhanh chóng, Alexander quyết định mình nên được coi là 1 vị thần. Điều đó khá hợp lý bởi vì trong truyền thống châu Á, một vị vua phải được thần thánh hóa để duy trì quyền lực.


Một trong những di dản quý giá nhất mà Alexander để lại cho loài người là tham vọng được trở thành bất tử cùng với những nghi lễ thờ phụng vây quanh ông. Dần dà, nó hấp dẫn được cả vị quốc vương tham vọng và tàn nhẫn. Kỳ tích của ông là ước mơ vươn tới của biết bao nhiêu thiên tài về sau này, những người như Ceasar, như Napoleon…Một dị biệt khác của người đàn ông này là ông ta thường cư xử như một nhà vua hiền triết – giống như miêu tả của Plato mà có lẽ ông ta học được từ người thầy Aristotle. Alexander đảm bảo rằng các triết gia và nhà khoa học là phần không thể thiếu trong các cuộc chinh phục của mình. Họ được mang theo để quan sát và ghi chép lại tất cả và ông tìm kiếm sự vĩnh cửu ở bất cứ việc gì ông làm. Ông thiêu rụi cung điện Ba Tư ở Persepolis để trả thù hoàng đế Ba Tư đã đốt thành Athen 150 năm trước. Sau đó ông tổ chức những đám cưới tập thể khổng lồ giữa những thiếu nữ Ba Tư và  các tướng lĩnh Hy Lạp – biểu tượng của mối bang giao mà ông muốn gây dựng giữa Hy Lạp và các dân tộc khác với mục đích lập nên một đế chế vĩ đại vĩnh viễn trường tồn. Nhưng giấc mơ của Alexander không thể trở thành hiện thực. Các xứ sở mà ông tập hợp khác xa nhau và khi ông mất, chúng lại bị chia tách. Những đế chế và văn hóa mới này đều không phải thuần Hy Lạp hay châu Á mà là cả hai. Bởi vậy chúng không được miêu tả bằng từ Hellenic – nghĩa là thuần Hy Lạp – mà chỉ được miêu tả là Hellenistic (có đặc điểm Hy Lạp).


Giai đoạn sau đó được đặt tên là Thời Đại Hy Lạp Hóa kéo dài suốt 300 năm đầy biến động bắt đầu từ cái chết của Alexander năm 323 TCN đến cái chết của Cleopattra năm 30 TCN, hậu duệ của một trong những tùy tướng của Alexander. Đó là 1 thời kỳ sôi nổi như thời đại của chúng ta ngày nay. Quyền lực được chuyển giao từ chính thể đại diện sang một chế độ độc tài; cũng là sự chia tách về tâm lý và thẩm mỹ; cũng là sự nổi lên của xu hướng phản duy lý; cũng là thái độ chỉ quan tâm tới bản thân mình; cũng là sự đam mê đến bệnh hoạn đối với của cải và tôn giáo ngoại lai; cũng là những sở thích kỳ dị, chiêm tinh, ma thuật và dục vọng; cũng là sự thích thú với những thứ đồ sộ xa rời quê hương với 1 cảm giác không mấy dễ chịu “cả thế giới chỉ là một thành bang lớn”; cũng là mâu thuẫn giai cấp và chủ nghĩa thực dân; cũng là chiến tranh, giải phóng dân tộc để đánh đuổi kẻ xâm lược và để các lực lượng địa phương thanh toán lẫn nhau; cũng cái thói quan cách hách dịch lo áp đặt ách đô hộ hơn là lo cải tiến cách làm ăn; cũng là sự phủi tay khỏi chính trị; cũng là sự sa sút của phẩm chất con người ở những siêu đô thị, thành phố mà ngày nay vẫn tồn tại ở Hy Lạp – thành Arcadia. Vậy hãy xem xét kỹ hơn thời đại giống chúng ta một cách kỳ lạ này.


Những đất nước mà các tùy tướng của Alexander lập ra trong Thời Đại Hy Lạp Hóa như nước Ai Cập của Ptolemy hay nước Babylon của Seleucus. Những nước này từ trước đều theo chế độ quân chủ mang mô hình quan lại và đã qua nhiều lần điều chỉnh nhưng những thành phố, những triều đình hoàng gia, quân đội và những trọng thần cao nhất hầu hết đều là người Hy Lạp với những giá trị đồng nhất của người Hy Lạp. Mặc dù người Hy Lạp và Macedonia đã kết hôn với người bản xứ và rất nhiều dân bản xứ cũng được đồng hóa nhưng sự hòa nhập không có gì là chặt chẽ. Có một khoảng cách quá xa giữa những con người đô thị tương đối văn minh, tương đối tự do, hiểu biết và nói tiếng Hy Lạp sống ở đô thị với những nông dân, nô lệ ở những xứ sở rộng lớn nơi vua chúa có quyền sinh quyền sát với họ. Người Hy Lạp miễn cưỡng chấp nhận triều đình độc tài được nhân dân thần phục kiểu phương Đông này nhưng họ cũng không lầm tưởng rằng họ là thần thánh hoặc không bao giờ sai lầm. Ngược lại, những người Hy Lạp vẫn duy trì pháp luật và chính thể của họ, vốn là sản phẩm của lý trí  chứ không phải là sự soi rọi thần bí nào. Vậy nên văn hóa không thực sự được hòa trộn trong Thời Đại Hy Lạp Hóa. Hình ảnh: Syria và Macedonia đang quan sát nhau – hai nền văn hóa cùng tồn tại, vừa nghi kị mặc dù sống cạnh nhau. Một trong các phương thức xem xét sự đô hộ của người Hy Lạp – Macedonia trong thời đại này là so sánh họ với những khu định cư của người Anh khi họ đặt chân lên Ấn Độ thế kỷ thứ 19, 20. 

Trong cả hai trường hợp, kẻ thống trị xa xứ giữa một biển dân bản địa giữ cho cờ của họ luôn bay trên nóc các hội quán, doanh trại giữ các quy tắc xã hội riêng của họ với mục đích không phải để đồng hóa mà để tách biệt và phân cấp. Sự phân rẽ như vậy khiến cho sự hợp nhất không những không thể nảy nở mà còn khiến nó bị ghét bỏ từ cả 2 phía. Nhưng nó cũng mang đến cho người bản xứ những mô phạm khác lạ tương tự như người Anh mang luật pháp, mô hình xã hội, ngôn ngữ Anh và cả môn thể thao cricket tới Ấn Độ, được người Ấn Độ tiếp nhận và thích nghi cả bên ngoài khu vực mà nước Anh kiểm soát. Sống tách biệt trong thế giới xa lạ, những người Hy Lạp và Macedonia trong thời đại Hy Lạp Hóa trở thành sứ giả mang nền văn hóa, chế độ xã hội, tư tưởng, phong cách và ngôn ngữ đến tận như nơi xa xôi như Afganistan và Ấn Độ. 

Hãy xem một ví dụ với những gì còn sót lại của một thành phố Hy Lạp cổ ở biên giới phía bắc Afganistan, vùng Ai Khanoum. Chúng ta biết rằng người lập nên thành phố này có lẽ đến từ Thessaly, miền trung Hy Lạp. Và qua các bút tích trên cột trụ chúng ta cũng biết rằng một người Hy Lạp khác, có thể là một triết gia đã vượt qua một chặng đường rất dài để tới đây. Có lẽ ông biết trước rằng tại đây ông sẽ tìm thấy những người thích nghe ông giảng bài. Khu di chỉ này mới được phát hiện 20 năm trước. Nó đặc biệt ở chỗ có cả một đấu trường cho thanh niên luyện tập và thảo luận – đây là văn hóa và cách huấn luyện rất riêng của người Hy Lạp. Ở đây còn có cả một cơ quan quản lý trong đó có một thư viện. Một mẩu tài liệu bằng giấy papyrus được tìm thấy trong khu vực thư viện và nó được viết bằng tiếng Hy Lạp. và có một ngôi đền trong thành và khu dân cư với mặt sàn khảm. Tất cả những thứ đó đều là điển hình của một thành cổ Hy Lạp. Những mô phạm và phong tục của người Hy Lạp đều rất sống động ở đây, nơi tận cùng thế giới cho đến khi thành phố này bí phá hủy vào cuối thế kỷ thứ 2 TCN bởi một bộ tộc di cư từ thảo nguyên xuống. Đó là cách người Hy Lạp mở rộng nền văn hóa thị dân của họ ra toàn thế giới, một thế giới ngày một rộng lớn hơn, ngày một thống nhất hơn bất cứ thứ gì trước đây.


Khi cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế kết thúc, thế giới của người Hy Lạp được mở rộng gấp 4 lần trước kia, điều đó là sự thúc đẩy thần kỳ đối với các hoạt động du lịch và thương mại. Phần lớn những thương mại quốc tế được thực hiện bởi những đoàn thương nhân chở hàng hóa trên lưng những đoàn gia súc, vượt qua những chặng đường gian truân. Nhưng các triều vua Persia cũng xây dựng được nhiều đoạn đường đưa thư rất hoành tráng dài tổng cộng 1500 dặm từ thành Sardis bên bờ biển đến kinh đô của họ ở Susa. Dọc đường có rất nhiều trạm thay ngựa, nhà trọ và các pháo đài. 

Trong suốt Thời đại Hy Lạp Hóa, các con đường phục vụ chủ yếu cho tướng tá và quân lính nhưng họ cũng góp phần chuyên chở hàng hóa nếu không thể dùng đường thủy. Nhưng tất nhiên là chở hàng hóa bằng đường thủy dễ hơn nhiều. Và các hoạt động buôn bán trở nên cực ký phát đạt bởi vì của cải của những kẻ thống trị và các thành bang ngày càng phụ thuộc nhiều vào buôn bán với các vùng miền khác. Trên thực tế, những kẻ thống trị trong thế giới Hy Lạp hóa chính là những ông vua – nhà buôn thực thụ. Họ thực hiện cả những chuyến du hành – buôn bán sang tận châu Phi, Ả Rập và Ấn Độ để mua voi, trầm hương, gia vị và nô lệ. Trọng tải của những chiếc tàu buôn cũng ngày càng tăng. Và dân vùng Syracus, thuộc đảo Sicily còn đóng cả chiếc tàu với sức chứa tới 4500 tấn. Lượng tiền lưu thông cũng ngày càng lớn.


Trong thời gian này, thổ ngữ Hy Lạp được gọi là Koine trở thành ngôn ngữ chung cho nhân dân từ eo biển Gibralta tới biển Caspian. Điều này khiến thương mại dễ dàng hơn nhiều và văn hóa Hy Lạp cũng được truyền bá rộng rãi hơn. Một tri thức Hy Lạp có thể sống tại Alexandria (Ai Cập) hoặc Syracuse ( đảo Sicily) mà cảm thấy thoải mái như ở nhà. Những kép hát toàn xứ liên lạc với nhau và họ có chi hội ở tất cả các thành bang lớn như phường hội của những nghệ nhân nấu rượu. Các vận động viên cũng có đoàn thể của họ kiểu như liên đoàn đấm box quốc tế. Hoặc nếu bạn muốn thờ cúng một vị thần như Isis, bạn có thể đến các nhà thờ, chúng nằm rải rác khắp nơi.


Và cứ như thế, 200 năm trước khi chúa Jesus ra đời – tư tưởng, kiểu cách, hàng hóa đã được lưu thông cực kỳ thuận lợi. Nhưng trớ trêu thay, đó lại là thời kỳ suy tàn của những thành bang cổ Hy Lạp – sau mấy trăm năm được sùng kính. Sự suy tàn này tạo điều kiện để các vùng khác nổi lên. Nó làm cho người ta có quan niệm mở hơn với thế giới bên ngoài Hy Lạp và bắt đầu thời đại của một thế giới thống nhất hơn kể cả con người – cũng đoàn kết với nhau hơn. Sự suy tàn của các thành bang Hy Lạp cũng làm suy yếu các nguyên tắc cũ – về mặt kỷ luật, về tính khắc khổ hay chí ít ở một mức độ thiếu cá tính người. Quan hệ giữa các thành bang xấu đi, và các nguyên tắc không còn nghiêm ngặt nữa tạo điều kiện cho một tinh thần chiết trung mới phát triển. Đó là dấu hiệu riêng của thời đại Hy Lạp. Chúng ta sẽ xem điều này thay đổi cách mà người xưa nhìn nhận thế giới bấy giờ và cách chúng ta nhìn nhận thế giới ra sao trong phần tiếp sau.     

DDTphiên tả và chuyển thể - 5.2011