"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

128 - Diệt Khổ


A.“Bắt nguồn từ khổ đau của chúng sanh mà Đức Phật đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để đi tìm phương cách mở Thánh trí cứu chúng sanh thoát vòng đau khổ. Cuối cùng Ngài khám phá ra trạng thái tâm vô nhiễm quý báu có sẵn trong chính bản thân mình cũng như trong mỗi chúng sanh. Sau đó Ngài đem chứng ngộ ấy truyền bá để giúp cho chúng sanh giải quyết nỗi khổ đau.” 



“Tuy nhiên trải qua mấy ngàn năm, kinh kệ hiện nay đã có quá nhiều, từ kinh Nguyên Thủy đến kinh Đại Thừa rồi kinh Mật Tông. Tất nhiên nội dung kinh nào cũng đề cập đến nguyên nhân của khổ đau và đề ra phương cách giúp chúng sanh tiêu diệt đau khổ, nhưng do số lượng sách kinh quá nhiều nên khó có ai đọc được hết. Ngoài ra một số sách kinh có phần khó hiểu nên ít người ứng dụng có hiệu quả.”


B.“Đã sinh ra đời liệu có ai thoát khỏi khổ đau? Hay có người nào chẳng hề phải lo lắng gì? Hoặc giả không buồn phiền gì cả? Câu trả lời là có, đó chính là các cháu thiếu nhi. Chỉ có thiếu nhi mới không khổ đau, chẳng ưu tư lo lắng hay buồn phiền điều gì. Trẻ thơ thường không có gì phải đau khổ cả, mới khóc đó rồi lại cười ngay và vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Đến khi bước sang độ tuổi thiếu niên mới bắt đầu có vấn đề. Tất cả mọi rắc rối nảy sinh từ lúc chúng ta biết suy tư và từ đó dẫn tới đau khổ chỉ là một bước!”


“Việc tìm ra phương cách để giải quyết khổ đau thật không hề đơn giản. Quả là vô cùng khó khăn. Giả sử chúng ta cố gắng tìm cách làm theo toàn bộ những lời Phật đã dạy thì rõ ràng không dễ, bởi vì đời người vốn vô cùng ngắn ngủi cho nên không biết phải ứng dụng ra sao cho mau có kết quả? Thật khó vô vàn!”


C.“Riêng tôi cảm nhận rằng hình như Trời Phật cho mình đầu thai lại trong kiếp này, kinh qua biết bao gian nan khổ cực, đổ bao nhiêu nước mắt, trải qua nhiều lần vào sinh ra tử rồi mới có được hạnh phúc nhờ đến với Giáo Pháp của Phật. Đôi khi tôi nghĩ rằng có lẽ định mệnh của mình là sinh ra đời để gánh chịu thử thách, chết đi sống lại nhiều lần, nhờ vậy tích lũy được một ít kinh nghiệm bản thân để giờ đây có thể chia sẻ với quý vị hầu tìm ra giải pháp nhằm diệt nỗi khổ đau.”


“Tôi có lẽ được Trời Phật sinh ra để chứng nghiệm nỗi khổ đau cho nên cả cuộc đời thấm đẫm nước mắt. Do đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống nên chúng tôi mới mong muốn đi tìm những phương cách nhằm giải quyết nó. Sau khi suy tư trăn trở rất nhiều, cuối cùng tôi quyết tâm từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải quyết khổ đau. Tôi có được phước duyên sống cuộc đời cô độc một thân một mình, nhờ vậy mà có nhiều thì giờ để quán xét lại toàn bộ những khổ đau không chỉ của riêng mình mà kể cả nỗi khổ đau của mọi người.”

1.“Cuộc đời của chúng ta quả là tràn đầy nước mắt, nhưng nói chung những cái khổ lớn lao nhất đều thuộc về tinh thần nhiều hơn là thể xác. Nếu tìm đến các loại kinh điển của tôn giáo, kể cả đạo Phật, để giải quyết khổ đau thì chúng ta sẽ thấy quá tràng giang đại hải. Những phương pháp mà các kinh sách ghi lại quá nhiều và nếu không khó hiểu thì cũng khó áp dụng. Trong khi đó cuộc đời vốn ngắn ngủi, đa số chúng ta đều quay cuồng theo nhịp sống hối hả, mặc dù không ai có thể biết được khi nào và bao giờ mình sẽ lìa đời.


Ngay khi còn sống chúng ta cũng chẳng có quyền lực gì đối với xác thân. Chẳng hạn như giờ phút này mọi người đều đang thở nhưng không ai có quyền hạn gì đối với việc này, không thể bắt mình đừng thở cũng như không có quyền ra lệnh cho nó phải thở. Tuyệt đối không ai có cái quyền đó. Vì vậy chúng ta cố gắng tu tập không phải để có được cái quyền điều khiển xác thân hay chủ động trong việc thở, điều ấy không bao giờ có được. Chúng ta không đi tu để có thể muốn thở khi nào thì thở, hoặc không muốn thì không thở.


Do vậy chúng ta tìm đến với kinh Phật là chỉ cốt tìm ra giải pháp để giải quyết nỗi khổ đau.
Một điều chúng ta nên nhớ trạng thái Phật chính là tâm của ta đây chứ không phải ai khác. Tất cả quý vị đều là Phật và ngoài ra không có Phật nào khác. Do đó chúng ta phải trân trọng và giữ gìn thân thể mình. Hãy thử quan sát một người gầy ốm, bệnh hoạn, dù vì bất cứ lý do gì nhưng hình ảnh một người kéo lê tấm thân tàn tạ quả là bi đát. Một người lâm vào tình trạng ốm đau bệnh tật thì không thể nghĩ bàn gì được nữa mà chỉ có mỗi một việc là chờ chết, cuộc đời chìm đắm trong đau khổ, lo âu, kiệt sức và không một chút bình yên.”


2. “Thế nhưng Phật là gì? Trong mỗi chúng ta đều có một vị Phật ngự trị, không ai là không có. Đặc điểm của Phật là gì? Đặc điểm trước nhất của Phật là không có ý tưởng gì cả, không suy nghĩ, không tính toán, không buồn không vui, không giận hờn cũng không hơn thua với ai. Một đặc điểm nữa là điều gì Phật cũng biết, hễ lửa tới thì biết lửa, nước tới biết nước, canh tới biết canh, cơm tới biết cơm … Và tuy biết hết nhưng Phật không hề bày tỏ ý kiến, không mang cái tâm phân biệt, không hơn thua với ai mà luôn sáng suốt và rất tỉnh táo, tùy duyên mà xử sự”


3. “Hễ mình mặt sưng mày sỉa hay là để cho trí tưởng tượng tha hồ bay bổng đó là ma nổi dậy, khi mình thèm khát mọi thứ đó là quỷ nổi dậy, hoặc mình muốn hơn thua với ai bằng lời lẽ và hành động có nghĩa là súc sinh nổi dậy.


Còn nếu ta có lòng nhân, biết thương xót mọi người và sống một cách hiền hòa thì đó là tính người nổi dậy. Vừa hiền hoà vừa có tầm nhìn xa trông rộng là tính của Trời nổi dậy, còn nếu mình không ham muốn điều gì cả ngoài việc thực hành thiền định cho tâm được an ổn thì đó là tính Thanh văn Duyên giác nổi dậy. Thấy chúng sanh khổ não hay cần đến sự giúp đỡ mà mình sẵn lòng xả thân cứu giúp là tính Bồ Tát nổi dậy. Và cuối cùng khi trong ta nảy sinh một tình cảm, một tình yêu trổi dậy mà không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào thì đó là tính Phật nổi dậy.”


4. “Tình yêu sở hữu đó không phải là tình yêu của Đức Phật. Đức Phật thường nói rằng điều quan trọng nhất là từ bi tức là tình yêu lớn lao không điều kiện và không do duyên sinh. Tình yêu của Đức Phật là tình yêu của tự do, một thứ tự do tuyệt đối, chúng ta đừng nên quên điều này. Tình yêu của Phật, lòng từ bi của Phật luôn tràn đầy để an ủi chúng sanh, cũng như tình thương của Quán Thế Âm Bồ Tát phát ra phủ lên chúng sanh chẳng khác gì một nguồn suối không bao giờ cạn và không kèm theo điều kiện nào. Tình yêu vĩnh hằng của chư Phật như suối nguồn tuôn chảy phù hộ độ trì cho toàn bộ chúng sanh mà không thu về bất cứ thứ gì. Cho nên tình yêu của Đức Phật là tình yêu tự do tuyệt đối. Nó từ cõi tự do mà ra và lan toả tự do khắp các cảnh giới.”


5. “Có những lúc quả thật tự do còn quý hơn thứ tình yêu. Vì vậy một khi chúng ta phát tâm thương ai mà không xuất phát từ sự tự do tuyệt đối của “Phật tính” thì không phải là tình thương của Phật trong chúng ta. Đó có thể là tình thương của ma, tình thương của quỷ, hoặc có thể là tình thương của con người bình thường chứ không phải tình thương mang tính Phật. Thế nên đừng nghĩ rằng hễ đem lòng thương ai là ta muốn làm trời làm đất gì thì làm, tuyệt đối không được như thế. Ta nên hết sức lưu ý điều này.


6. “Mỗi người chúng ta đều có ông Phật bên trong, khi ta sẵn sàng làm mọi điều để giúp đỡ người khác mà không đưa ra bất kỳ điều kiện gì, không hề mong muốn được đáp trả, không cần cho họ biết rằng mình thương yêu họ, lúc bấy giờ chúng ta mới xác định rằng đó chính là tình thương của ông Phật trong mình tuôn ra.


7. ” Sau khi tôi trình bày thời pháp này với quý vị thì Phật trong tâm của mỗi người đã bắt đầu được khơi gợi rồi. Nếu tâm của quý vị hoàn toàn trống rỗng, giống y như con trẻ, sau khi chúng tôi gieo mầm tâm Phật vào thì hạt mầm ấy sẽ bắt đầu nảy nở kể từ nay. Quý vị hãy luôn nhớ đến nó, nhờ đến cái tâm Phật này giúp cho ta được hạnh phúc. Mang tâm trẻ thơ nhưng lại biết chủ động sắp đặt đời mình thì thật là phước báu.”


8. ” Nếu từ đây về sau chúng ta tập sống theo trạng thái Phật của tâm mình thì tự nhiên tâm mình là Phật. Hễ sống được với tâm Phật rồi thì thân cũng sẽ là thân Phật. Có người ngại rằng hễ đề cập tới Phật, tới tôn giáo thì e rằng nảy sinh chuyện rắc rối, nhưng thật ra chúng ta không có điều gì phải sợ cả. Tôi phơi bày tất cả những điều này vì tấm lòng đối với chúng sinh chứ không nghĩ rằng cần phải giữ kín bí quyết này để hưởng thụ riêng mình. Chúng tôi đề nghị giờ đây quý vị cứ theo cách ấy mà sống thì sẽ được sung sướng, xin hãy cứ thử nghiệm một lần cho biết. Một khi quý vị luôn chú tâm nghĩ đến ông Phật của mình thì mỗi khi có điều gì lo âu băn khoăn, quý vị sẽ nhớ rằng nỗi lo ấy không phải của ông Phật, cái lo đó là do tính người chứ không phải là tính Phật của mình. Cái lo đến với ta chỉ vì ta chưa đủ lòng tin mà giao cho Phật trong ta ứng phó, do vậy chúng ta hãy cầu nguyện Phật trong và Phật ngoài cố gắng giải quyết cho ta. Mình cứ thành tâm khẩn cầu vậy thôi, tự nhiên các ngài sẽ có cách giải quyết.”


9. “Có những người tự cho mình giỏi, mình hiểu biết nhiều nên viết sách bàn luận Phật nghĩ thế này, Phật nghĩ thế kia, Phật nghĩ thế nọ… rối tung cả lên. Theo chúng tôi những quyển sách chuyên chú trọng lý giải về Phật hoàn toàn không đáng tin cậy. Liệu ai dám nói chắc rằng Phật nghĩ sao mà lý giải? Chúng tôi đề nghị một phương cách như thế này: mỗi người chúng ta hãy tự suy nghĩ về bản thân xem thử liệu có lý giải nổi cuộc đời của mình hay không? Chúng ta sống qua một quãng đời khá dài, có ăn có học, có trí tuệ, tài giỏi, nhiều năm lăn lộn với đời, đã làm việc cật lực từ khi còn trẻ cho tới nay đã hai thứ tóc trên đầu. Quý vị hãy thử lý giải cuộc đời đã qua của mình xem sao? Chúng tôi tin rằng không ai trong chúng ta lý giải nổi! Thế thì nếu đã không lý giải được cuộc đời phàm tục thì làm sao lý giải được công đức Phật của mình?”


10. “Không ai có thể lý giải được! Cho nên Phật mới nói thế này: “Phật là bất khả tư nghì”. Đồng thời Phật nhấn mạnh: “Chúng sinh cũng bất khả tư nghì”. Nếu nắm rõ được ý của câu này thì tức khắc chúng ta là Phật liền, tuy đơn giản nhưng mà khó thấy vì nhiều người chưa sống được với niềm tin mà chỉ dựa vào tri thức và suy nghĩ chủ quan. Hễ ai nói rằng có thể lý giải được cuộc đời của mình thì vẫn là người vô trí. Nhưng tôi dám đoán chắc rằng không ai lý giải được đâu. Mới ngày nào cậu bé này còn đi chăn bò, ngày hôm nay trở thành kỹ sư rồi sau đó làm lãnh tụ, làm sao lý giải được những sự việc ấy?


Việc này tôi có kinh nghiệm cá nhân rất rõ: bỗng nhiên do cơ duyên mà tôi trở thành người đi nói chuyện Đạo suốt ngày. Tôi không biết lý do gì và không sao lý giải được. Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao tôi làm công việc này? Ai muốn lý giải ra sao thì tùy, riêng tôi không thể nào hiểu được, không thể lý giải được tại sao tôi đi nói chuyện Phật Pháp? Tôi không lý giải được. Chẳng qua là cuộc đời đưa đẩy, tôi thấy vậy thì biết vậy thôi. Tôi cũng không biết trước ngày mai mình còn làm công việc này nữa hay không? Không biết ngày mai tôi còn ăn chay nữa không, ngày mai tôi còn nói Pháp được nữa không? Tôi không biết! không thể biết được!


Nói như vậy để quý vị thấy rằng quý vị phóng tâm ra cũng vô ích, phóng tâm ra chỉ chuốc lấy sầu não thôi chứ không mang lại niềm vui gì. Cho nên vị Phật trong tâm mình là không tính toán chi hết. Tuy nhiên cũng do chúng ta quen suy nghĩ rồi nên thoạt đầu dễ cho rằng điều này không hợp lý. Chỉ đến khi nào tập sống được như vậy quý vị sẽ thấy rằng có một sự hợp lý rất mầu nhiệm, một sự hợp lý hết sức đặc biệt mà người đời không thể giải thích được. Cái hợp lý đó quý vị tự biết lấy và chúng tôi đảm bảo rằng người nào tập được như thế thì sẽ chiêm nghiệm được rằng đây là một điều rất khoa học và hợp lý, hoàn toàn hợp lý. Khoa học là gì? Là điều mình biết được. Còn cái mình chưa biết thì gọi là chưa biết chứ chẳng phải là không khoa học.


Một khi quý vị tập sống theo như những điều tôi vừa trình bày, quý vị sẽ biết một điều mà không ai có thể dùng lời lẽ để diễn tả, cái chuyện không ghi ra được trên giấy cũng như không thể giải thích bằng lời, giống như một người câm tuy biết hết mọi việc nhưng không nói ra được. Dù công nhận rằng điều này hết sức khoa học, hết sức hợp lý nhưng ta không thể diễn tả được.


Do đó ở đây chúng tôi trình bày những phương pháp giúp quý vị đạt tới một cảnh sống, một phương cách sống mà không cần biện giải nhiều.


Điều quan trọng là phải có đức tin. Nếu yêu cầu giải thích thì tôi không sao giải thích được. Chỉ khi nào “ngộ” được thì quý vị mới thấy điều đó quả thật là khoa học và hết sức lô gích. Nhưng lô gích của khoa học này là của cảnh giới mầu nhiệm mà suy nghĩ hay lý lẽ không can thiệp vào được. Nó có cái luật riêng của nó, tri thức và lý trí của chúng ta không can thiệp vào được.”


11. “Trong tâm ta có sẵn cảnh giới Phật, nếu quý vị năng tu tập để lúc nào cũng nhận ra được ông Phật của mình, nhận ra trạng thái Phật trong tâm thì quý vị sẽ đi vào một cảnh giới đặc biệt ở đó chỉ có chính mình tự biết lấy mình.


Cảnh giới đó ở ngay bên ta, chung quanh ta, do chưa có nhân duyên nên ta chưa vào được mà thôi. Quý vị cứ chú ý tập thì sẽ vào được cái thế giới vô ưu, không lo ăn, không lo mặc, không lo nhà ở. Hễ sa vào suy nghĩ, buồn giận hay lo âu nhiều quá thì mình ý thức ngay rằng cái này không phải Phật. Khi nổi giận mình biết rằng đó không phải là Phật. Gặp những cảnh ngộ như vậy chúng tôi thường đùa rằng đó là lúc ông Phật của mình bị siết cổ nên phải lè lưỡi ra, Phật của mình lâm vào tình cảnh khó khăn rồi. Hễ buồn quá nghĩa là ông Phật của mình bị khó khăn, hễ tính toán quá là ông Phật đang gặp khó khăn. Mà quý vị phải nhớ rằng mình tính không bằng Phật tính. Phật có cách tính riêng mà mình không hiểu được, cho nên phải tin vào Phật tính, tin vào phước đức của Phật.”


12. “Nếu mình tin tuyệt đối vào công đức của Phật, tin vào phúc đức của Phật thì tự nhiên sẽ thay đổi. Còn người nào chỉ tin vào sự hiểu biết của mình, tin vào nhận định của mình mà không tin vào bản chất của tâm thì luôn luôn gặp khó khăn, lúc nào cũng không hài lòng và do đó đánh mất hạnh phúc.


Chúng ta cứ tin vào cảnh giới của Phật nơi lý trí không thể phân tích thì chúng ta sẽ có hạnh phúc. Còn nếu chúng ta cứ tin vào suy nghĩ và tính toán của mình, tin vào sự hiểu biết của mình thì dễ cảm thấy không vừa ý người này, không bằng lòng người kia và suốt đời sẽ khổ sở. Nhận biết nhưng đừng thắc mắc gì cả thì hay hơn, tự nhiên cuộc đời mình sẽ thay đổi.”

Và một khi chúng ta chú tâm tới Phật bên trong tự nhiên Phật trong tâm sẽ kêu lên “Hay thay, hay thay”, giống y như trong phẩm Hiện Bảo Tháp, khi cái tháp ở dưới đất bay vọt ra thì ông Đa Bảo thốt lên rằng: “Hay thay, hay thay”. 


Hễ quý vị để ý tới ông Phật của chúng ta thì sẽ nghe được âm thanh rất vi diệu ở sâu tận đáy lòng phát lên: “Hay thay, hay thay”. 


Chúng ta cố hết sức tập trung rồi sẽ nghe thấy tiếng nói “Hay thay, hay thay”. Suốt bốn năm ngày đầu quý vị có thể không nghe thấy gì, nhưng khoảng mươi bữa sau sẽ bắt đầu nghe văng vẳng tuy chưa rõ ràng. Rồi quý vị lắng nghe mãi, tu tập hoài thì tự nhiên âm thanh “Hay thay, hay thay” đó xuất phát tận trong sâu thẳm lòng mình và ngày càng lớn hơn. Đến khi nghe rõ rồi thì quý vị biết rằng đã đến lúc sống được cuộc đời giàu sang phú quý không ai sánh nổi. Mọi việc chỉ đơn giản như vậy.


Cố gắng nghe tiếng nói “Hay thay, hay thay” của ông Phật Đa Bảo, chúng ta sẽ thấy có sự mầu nhiệm. Khi đã nghe được rõ ràng rồi, lúc bấy giờ quý vị bắt đầu sống cuộc đời an nhiên tự tại như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cần thị hiện điều gì thì thị hiện, không bị chướng ngại gì nữa.

Toàn bộ bí quyết để diệt mọi khổ đau của cuộc đời này là làm sao lắng nghe được âm thanh “Hay thay, hay thay” của ông Phật ở trong tâm chúng ta.


Chúng ta phải nương nhờ niềm tin đối với chư Phật mười phương và Đức Phật Thích Ca thì sẽ nhận ra được âm thanh của Phật Đa Bảo. “Hay thay, hay thay” là một mật chú và là âm thanh hoàn hảo của Phật trong chúng ta.


Tại sao tôi dám đoán chắc “Hay thay” là một âm thanh hoàn hảo? Vì dù ai có muốn giải thích thế nào cũng không giải thích được, muốn viết ra không viết được, muốn thuyết giảng không thuyết giảng được. Muốn sờ mó cũng không được, muốn nhìn thấy bằng mắt cũng không được, muốn chia sẻ với người khác cũng không chia sẻ được!


Thế thì chỉ còn một cách là “Hay thay, hay thay”. Không làm gì được nên chỉ có thể ngửa mặt lên trời, giơ hai tay ra và giậm chân vui sướng thốt lên “Hay thay, hay thay”. Một khi không còn phải lo cơm ăn, không lo áo mặc, không lo nhà ở thì phải hoan hỉ thốt lên rằng: “Hay thay, hay thay”.


“Hay thay, hay thay” là một mật âm nói lên điều vi diệu trong cõi sâu lắng của chúng ta mà không thể giải thích được bằng hình ảnh, không có tên gọi, không có lời nói, không có chữ viết, không có hình dạng, không màu sắc, không mùi vị, không rõ lớn nhỏ ra sao, không biết diễn tả thế nào nên đành phải nói: “Hay thay, hay thay”. Do đó quý vị hãy luôn nhớ ông Phật Đa Bảo của chúng ta lên tiếng rằng: “Hay thay, hay thay”, chỉ cần biết như thế thôi.


Vậy thì nếu chẳng may vị nào không đủ tiền nuôi con ăn học thì cũng cứ “Hay thay”, mà nuôi con ăn học tới nơi tới chốn cũng “Hay thay”. Đang thiếu thốn cùng cực cũng “Hay thay”, khổ sở quá cũng “Hay thay”, ai làm buồn lòng cũng “Hay thay, hay thay”, mà ai đem tiền tới cho cũng “Hay thay”. Hễ cứ “Hay thay” tức thì ông Phật trong tâm sẽ xuất hiện. Cứ đọc câu chú “Hay thay” lập tức sẽ gặp Phật.


Nếu điều rủi ro xảy đến ta hãy cứ “Hay thay, hay thay” mà chấp nhận, đắng cay đó sẽ trở thành “Hay thay, hay thay”. Rồi những ngọt bùi đến với mình cũng cứ “Hay thay, hay thay”, nghĩa là không hề phân biệt gì cả. Cái tâm của ta lúc bấy giờ là tâm Phật và cũng tựa như mặt đất: thỏi vàng rớt xuống cũng “Hay thay” mà con bò thải phân xuống đất vẫn “Hay thay”, thế thôi. Không có việc con bò đi qua ỉa xuống đường mà đất vùng vẫy phản ứng, rồi người ta đi ngang đánh rơi thỏi vàng thì đất mừng rơn, hoàn toàn không có điều đó.


Rõ ràng quý vị thấy rằng tập sống được với cái tâm Phật của mình thì rất hay. Đặc biệt là các cụ già, con cháu sơ suất làm điều gì khiến mình buồn quá thì cũng cứ “Hay thay, hay thay” chứ không nên tức giận, đừng để cho lòng phiền não. Tập riết rồi sẽ quen, khi đó tự nhiên sẽ xuất hiện một uy lực trong người, đó là cái lực Phật có tác dụng xoa dịu hết những người chung quanh rồi tự nhiên mọi việc sẽ thay đổi.


Lỡ con cháu có hư đốn cũng “Hay thay”, cái lực Phật của mình phát ra tự nhiên sẽ gia trì cho con cháu, nhờ vậy chúng trở nên tốt hơn. Con cháu vốn là núm ruột của mình, sao mình không thương, không nóng ruột? Nhưng bây giờ ta dùng trí não, dùng kinh nghiệm của mình để dạy dỗ chúng mà không có kết quả thì thôi đành mượn cái âm “Hay thay”, mượn phước đức của Phật để gia trì tự nhiên mọi việc sẽ được cải thiện. Ngay như tôi tuy nhìn thấy rõ nhiều tu sĩ hư đốn nhưng vẫn cứ “Hay thay”, không đem lòng đố kỵ gì hết.


Trong Kinh A Di Đà có đề cập đến vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức, mà vô lượng quang chính là ánh sáng của ông Phật trong mình. Hễ mình “Hay thay” ánh sáng sẽ tỏa đều, mình mà nhăn nhó là ánh sáng tắt liền. Mình phấn khởi, mình cười to quá ánh sáng cũng tắt. Chỉ khi nào ta bình thản, mắt sáng, miệng nói “Hay thay” thì ánh sáng mới phát ra và vô lượng quang tỏa đi tất cả các cảnh giới.


Khi vô lượng quang phát ra chỗ nào cũng có Phật hết. Khi vô lượng quang không phát, ta cảm thấy mình già, mình nghèo, mình giàu, mình xấu, mình đẹp, đủ thứ việc phức tạp và toàn là những chuyện không thuộc cảnh giới của Phật.


Nơi cảnh giới của Phật đất bằng phẳng, nước trong mát, ngọt ngào, không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi thông reo cũng tựa như nghe diễn nói Phật Pháp, tức là một âm thanh phát ra mà gợi được cái sâu lắng nhất trong lòng người. Vì vậy quý vị không cần mơ tưởng đến cảnh Tây phương chẳng biết ở phương trời xa xôi nào mà chỉ cần đến Đà Lạt và đứng yên dưới gốc thông. Quý vị đừng suy nghĩ gì hết mà hãy để tâm hồn lắng lại và đồng cảm với cây thông. Khi hết sức thành tâm lắng nghe tiếng thông reo, quý vị sẽ nhận biết cái âm thanh sâu lắng tận đáy lòng của mình phát ra: tiếng thông reo đó chính là tiếng Pháp được diễn.


Nếu chúng ta không để tâm trí lo âu sầu não mà tập trung nghe con chim se sẻ kêu từng tiếng, từng tiếng, ta chú ý lắng nghe rồi để cho âm thanh bên trong phát ra, hòa nhập được với tiếng hót bên ngoài thì chẳng khác gì con chim se sẻ đang nói “Tứ diệu đế”. Cho nên chúng ta đừng có chấp việc nó đang nói điều gì, nội dung ra sao. Bất cứ một loại âm thanh gì mà nếu tâm chúng ta không lăng xăng, tâm chúng ta lắng đọng để nghe một cách vô tư thì âm thanh vi diệu bên trong cũng sẽ phát ra: đó chính là diễn nói Chánh Pháp.


Chúng tôi cũng cho rằng lắng nghe chim hót thông reo có khi còn quý hơn nghe con người nói chuyện. Mười người nghe chim hót thì hết chín người hạnh phúc, chứ còn mười người nghe lời nói, nghe thuyết giảng thì hết chín người đi đến ngạo mạn hoặc chán ngán, bực mình, sự thật là như thế. Chúng ta mặc sức tỏ ra ngạo mạn, mặc dù đêm về ôm gối khóc ròng vì không sao giải quyết được nỗi đau khổ trong nội tâm của chúng ta, nhưng bước ra ngoài lại đóng vai một con người hạnh phúc, hoặc có chăng cũng chỉ là niềm vui tạm.”


13. “Tôi xin nhắc lại trong chúng ta có một cõi giới cực kỳ thanh tịnh, cõi giới ấy có vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức.


Vô lượng thọ ở đây không phải là sống lâu mà hàm chỉ cái tâm thức không phân biệt về thời gian và nơi chốn, dòng họ này dòng họ khác, không phân biệt mọi chuyện mà chỉ là một tâm thức hoàn toàn rỗng không, chỉ thuần về bản chất và khả năng nhận biết thôi.


Vô lượng công đức là lúc nào cũng thấy bình yên và cái yên tĩnh của mình tạo ra một làn sóng êm dịu cho những người chung quanh. Chính vì vậy giờ đây tôi cảm nhận rằng nơi nào mình đi qua, chỗ đó có được sự bình yên. Chẳng hạn như lúc này tôi đang trao đổi với quý vị, quý vị nghe âm thanh từ tôi phát ra và nhìn thấy vẻ ngoài của tôi. Bên cạnh âm thanh và tướng mạo bên ngoài lại có một lực bí mật đi vào bên trong quý vị, làm cho tâm quý vị tựa như được tắm mát. Tôi tin rằng chắc chắn quý vị sẽ cảm nhận một sự mát mẻ chứ chẳng phải là không, đó chính là cái luồng Phật lực mạnh mẽ mà không ai thấy được.”


14. “Quý vị nhớ lưu ý chúng ta có vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Chúng ta hãy dựa vào vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức của chính chúng ta, nhưng chúng ta phải nhờ chư Phật mười phương, nhờ những bậc thầy giác ngộ giúp cho chúng ta. Giống như trong phẩm Hiện Bảo Tháp của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật Đa Bảo kêu “Hay thay” nhưng mà ta chưa thấy, phải nhờ đến Phật Thích Ca mở cửa tháp. Lúc bấy giờ cửa tháp mở kêu “rét” một tiếng và Phật Đa Bảo hiện ra, cũng có nghĩa là quý vị nghĩ đến ông Phật Đa Bảo của mình. Tiếng “rét” ấy tượng trưng cho điều gì? Đó chính là tiếng đổ vỡ của những thèm khát, là nỗi niềm giận hờn đã đổ vỡ, sự ganh ghét đổ vỡ, lòng đố kỵ đổ vỡ…


Tôi hy vọng nội dung buổi nói chuyện hôm nay tạm đủ cho quý vị Phật tử suy ngẫm trong dịp cuối tuần. Người nào lắng nghe mà thấy lòng phấn khởi nhẹ nhàng thì biết rằng đang trên đường về cõi Phật nơi tâm mình.


Cầu nguyện cho quý vị và những người có nhân duyên với quý vị luôn được chư vị Giác Ngộ thương tưởng.


Chúng ta cùng hồi hướng công đức sáng nay cho tất cả chúng sanh được khai mở tâm trí.


Cầu nguyện cho mọi người đều được an lạc.


Master Duy Tuệ: Bí Quyết Diệt Khổ – 2001