"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

134 - Thế nào là ‘Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền’?



Quý vị phải chú ý coi chừng mình hiểu nhầm là đối cảnh thì vô tâm, cứ như vậy thì sẽ giống như gỗ đá, giống như con rô bốt thôi.

Ở đây phải hiểu người ta nói đến một phương pháp để giữ sự bình tâm trước sự việc xảy ra bằng việc dùng cái thấy, sự chú tâm của mình để quan sát mà không được xúc cảm, không được suy luận, không được thành kiến, không được đánh giá, không được tính toán. Giữ tâm bình lặng, quan sát trong trạng thái đó sẽ phát sinh ra những trí tuệ phù hợp với cái thấy phù hợp.

Nếu để xúc cảm phát sinh thì chúng ta chỉ có thể thấy được một chiều hay hai chiều. Ngược lại, nếu không có xúc cảm hay đánh giá thì cái thấy sẽ đa chiều và khi cần xử lí việc gì thì từ cái thấy đa chiều đó phóng ra những giải pháp mà chúng ta không hề định sẵn. Cho nên, dù có học những gì mang tính chất kiến thức cũng không giúp được gì nhiều cho chúng ta.

Quý vị phải coi chừng mình đang hiểu nhầm đối cảnh thì vô tâm. Ví dụ như khi thấy con mình bị một cậu bé khác đi xe đạp tông phải, chẳng lẽ đối cảnh như vậy mình lại vô tâm ?! Quý vị phải hiểu ý nghĩa của nó như thế này : là mình phải hết sức bình tĩnh, không quá hoảng hốt, khoan hãy đổ lỗi cho ai mà quan sát vấn đề. Khi ấy sẽ biết việc cần phải giải quyết là đỡ đứa bé lên hay không đỡ, lật nó qua hay không lật… tức là hành động như thế nào cho chính xác, đúng với hoàn cảnh và luật pháp thì phải căn cứ trên sự bình tĩnh. Bình tĩnh là trong tâm mình khoan vội xuất hiện những vấn đề khác, chỉ chú ý quan sát sự việc đang diễn ra như thế nào, từ sự bình tĩnh ấy sẽ có cách xử lí phù hợp. Sau khi xử lí xong xuôi hết rồi mới nói tới chuyện phải trái, đúng sai. Cái gì làm trước, cái gì làm sau sẽ diễn ra rất thứ tự chứ không phải thấy cậu bé tông con mình té, con mình đang nằm chảy máu dưới đường, mình lại đi tìm cậu bé kia mà chửi nó : “Mày đi mất dạy, lỗi tại mày !” - Chuyện đó tính sau.

Cho nên với trạng thái tĩnh lặng, tập trung chú ý và quan sát như vậy, trong đầu sẽ cho cách giải quyết theo thứ tự việc nào trước việc nào sau trong trạng thái ổn định, tĩnh lặng nhất và trạng thái tránh những xúc cảm tiêu cực. Chỉ có xúc cảm tích cực vì đau 
lòng, cần được giải quyết.

Trích Master Duy Tuệ - Ánh Sáng Kỳ Diệu và Bóng Tối Điên Đảo - 26.4.2011

133 - Hãy suy tư về điều này!


Tạo hoá đã sản sinh ra vô vàn vật thể,
Một con bướm, một cái hoa, một con người,
Rất cân đối và hài hoà.
Mọi thứ mà con người học được là từ tạo hoá.
Các nhà bác học cũng là những người có được tri thức từ tạo hoá.

Tạo hoá hình như rất thông minh, rất lo-gic, rất hoàn chỉnh,
Tạo hoá làm ra trùng trùng điêp điệp vật thể hữu hình và vô hình,
Nhưng dường như chẳng có gì thừa hay thiếu.
Nhưng đến lượt con người nhìn vào,
Thì thấy thừa và thiếu ngay!
Giỏi và uyên thâm như tạo hoá,
Nhưng con người không thể nói tạo hoá là nhà bác học hay khoa học được.

Tâm của các vị Phật cũng vậy,
Cũng giống tạo hoá, hay như tâm của tạo hoá.
Tâm Phật cũng mầu nhiệm và huyền bí như tạo hoá vậy.
Con người cũng không thể luận bàn hay phong tước gì cho TÂM PHẬT được.

Điều lý thú là,
Chính mỗi con người đều có tâm này!
Hãy suy tư về điều này.

Trích Master Duy Tuệ - Tâm Phật (Thuyết giảng cho Phật Tử Norway - Madison, 10/7/2004)

130 - Mở Tầm Nhìn Cho Người 'Sợ Chết'


"Khi một người bị bệnh hay người già hay người đang sống bình thường… thì đều sợ chết cả. Khi nói, khi bàn và nghĩ tới cái chết thì ai cũng rất sợ. Vậy quý vị giải quyết làm sao? Giúp họ mở tầm nhìn như thế nào? Đây là vấn đề cần đi sâu vào bên trong. 

Con người bất sinh bất diệt và con người sinh diệt

Quý vị đã đọc nhiều bài viết cũng như đã nghe nhiều bài giảng của thầy.

Quý vị hãy chỉ cho họ biết thế này:

Trong con người của họ có hai con người, một con người có sinh, có diệt, có sống, có chết và một con người bất tử. Vấn đề này chưa phải là sâu nhưng khi quý vị truyền giảng đến nó thì cũng đã rất sâu. Quý vị chỉ cần giảng một cách rất đơn giản là: “Trong con người họ có hai con người, một con người bất tử và một con người có sinh có tử”.

Con người bất sinh bất diệt

Con người bất tử là con người như thế nào? Ví dụ, quý vị đói bụng thì biết đói bụng và cần ăn cơm. Hay biết đi qua phải, qua trái, giữ đúng luật, biết chuyện này, chuyện kia… Như vậy, con người chỉ có biết không thôi chính là con người bất tử. Khi đau thì biết đau, sắp chết thì biết sắp chết, đau chỗ nào thì biết mình đau ở đó, đang thương, đang giận ai đó thi biết đang thương, đang giận hay đang buồn thì biết đang buồn về chuyện gì, đang lo lắng thì biết đang lo lắng chuyện gì… Con người chỉ có biết không thôi là con người thật của mỗi người và con người ấy bất tử, không chết.

Con người sinh diệt

Con người có cảm xúc lo, buồn, sợ, bệnh hoạn… là con người có sinh, có diệt. Như vậy, nếu có chết thì con người có sinh, có diệt chết. Chết tức là cảm xúc, nỗi buồn, niềm vui, thân xác sẽ chết. Thân xác được sinh ra rồi vận hành, bệnh hoạn, trục trặc, thông đạt rồi cuối cùng bắt buộc phải chết, không có cách nào khác. Nhưng bên cạnh cái chết ấy, có một con người không bao giờ chết và đó chính là con người thật. Do đó, cùng lắm có chết là chết suy nghĩ, lo sợ, niềm vui, nỗi buồn, thân tứ đại chứ chắc chắn không bao giờ sự biết có thể chết. Và sự biết cũng chính là con người thật của tất cả mọi người.

Biết được như vậy thì đừng bám vào con người sinh diệt nữa. Nếu lỡ con người sinh diệt chết đi thì thôi vì vẫn còn con người bất tử. Nếu con người sinh diệt còn mạnh khoẻ, giữ được lành mạnh thì thưởng thức thêm. Lỡ không giữ con người sinh diệt lành mạnh được nữa thì tuy cái xác chết đi nhưng con người thật vẫn ở đó. Ở bất cứ chỗ nào, trời nào, cõi nào cũng có con người thật ở đó và nó không ở trong một không gian, khu vực địa lí, khoảng thời gian cụ thể nào. Con người Biết tồn tại không bị ảnh hưởng bởi thời gian, không gian và không hề có tuổi."

Trích Master Duy Tuệ - Nói cho Hg có sứ mệnh - 23.7.2009

127 - Số Đời Một Hơi Thở


Đức Phật Trần Nhân Tông từng nói : 

Số đời một hơi thở
Lòng người hai biển bạc
Cung ma chật hẹp lắm
Nước Phật khôn xiết xuân 

(Đây là lời nói của một vị vua. chúng ta hết sức lưu ý điều này) 

“Đời người một hơi thở”

Con người thường nói “trút hơi thở cuối cùng” là gì? Khi người chết là hơi thở trút ra mà không thở vào được, thế là chết. Đức Phật đã chọn quán hơi thở làm một trong những phương pháp điều tâm để đạt thánh trí. Nhưng đa số độc giả đọc đến bài kinh tứ niệm xứ thường không quan tâm đặc biệt về giá trị  thực tiễn của bài kinh mà hay phóng tâm đi tìm những chuyện phức tạp, rắc rối và có vẻ ”mật không phổ biến” mới thoả mãn tâm lý của mình. Chúng ta thường bị tâm trí đánh lừa, tâm trí thường dẫn dắt con người ra khỏi thực tại để dấn thân vào mơ mộng. Kỹ thuật kiểm soát hơi thở chính là phường pháp rất  hữu hiệu giúp ta ở trong tình trạng của thực tại. Thực tại là vắng bóng của tâm trí, thực tại sẽ phát huy sự mầu nhiệm của tâm để đời sống tâm linh của chúng ta làm chủ tâm trí và lúc ấy chúng ta sẽ được hạnh phúc. Nhờ vào phương pháp kiểm soát hơi thở mà thánh trí phát sinh mới nhận ra được “đời người một hơi thở”. 

Cuộc đời chúng ta thật quý giá nhưng luôn bị đe doạ giống như một người đang giữ một vật quí báu nhất trần gian  thì mạng sống luôn bị đe doạ từ nhiều phía vậy. Con người thật sự quý giá vô cùng, không vật gì, thứ gì  quý giá hơn nhưng lại bị đe doạ trầm trọng bằng một hơi thở! Đừng tin tưởng rằng thở ra, thở vào là quyền của chúng ta. Chúng ta thật sự không có quyền đó. Luật vô thường mới có quyền đó. Nhưng chúng ta lại không thể mua chuộc hay nịnh bợ  hoặc thoả thuận gì được với luật vô thường. Do vậy con người phải thức tỉnh được điều này mà dừng bớt lại bao nhiêu tham vọng , bao nhiêu ý đồ, bao nhiêu mưu lược để hơn thua nhau, để chiếm đoạt nhau, để nhận chìm nhau, tiêu diệt nhau. 

Do vậy đừng tin tưởng vào quyền năng của lý trí, của ý muốn mà hãy quay về thực tại và ý thức về luật vô thường, thiết kế lại đời sống của mình trong tình trạng chúng ta không thoả thuận gì được với luật vô thường. Phải biết rằng “đời người một hơi thở”, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sống với ý thức ấy trong cuộc đời của mình. 

“Lòng người hai biển bạc”

Nếu thánh trí phát sinh ta dễ thấy được “lòng người hai biển bạc”. Lòng người ở đây là tâm của con người. Tâm vốn thênh thang không bị giới hạn, không bị cột chặt vào bất cứ thứ gì. Tuy thế tâm con người lại thường bị lệ thuộc vào hai cảnh giới mộng ảo đó là lòng tham về danh và lòng tham về lợi. Hai lòng tham này cũng vô bờ bến tạo ra hai thế trận chôn chặt thân tâm con người. Tâm không ngã vào lợi thì cũng ngã vào danh, hai thế trận này đã trở thành tâm thường xuyên của con người! Và con người khó vượt ra hai biển tham danh, tham lợi quá. Từ gọng kiềm của hai biển tham danh, tham lợi này mà phát sinh ra vô lượng tâm trí để phục vụ cho hai biển tham này. 

Ở đây chúng ta cũng có thể thêm vào một biển nữa là biển tình ái. Biển tình ái cũng mênh mông và chôn chặt con người không ít, có nhiều khi cả đời người. Khi về già thì  biển  tham danh, tham lợi có thể cạn nhưng chưa chắc biển ái tình đã cạn. Trong lúc còn sức khoẻ thì biển ái tình này thường pha lẫn vào hai biển tham danh, tham lợi, nhưng khi càng về già, nhất là sự già nua của tứ đại thì biển tình ái dần tách ra hai biển kia và chi phối con người về mặt tâm lý nên trong thực tế cuộc sống cũng không ít người già bị biển ái tình hành hạ làm khổ đời mình và làm khổ nhiều người khác, làm khổ lây cho xã hội. 

Do vậy, con người phải thường xuyên tỉnh táo, nhận biết tác hại của các biển tham danh, tham lợi, tham ái tình để tâm chúng ta trở lại cõi tự do mênh mông của nó - cõi niết bàn. Ở cõi tự do ấy có sự khoái lạc đặc biệt mà sự khoái lạc của sự thoả mãn danh, lợi, ái tình không thể sánh được. Mà thực ra có ai thoã mãn được với ba biển tham lam ấy đâu. Lòng tham là vô đáy thì làm gì có chuyện thoã mãn. 

Các biển tham ấy đã tạo ra địa ngục, tạo ra cung ma cai quản  đời người nên đức Phật Trần Nhân Tông đã nêu lên trong bài kinh “Cung ma cai quản chặt”. Con người phải biết tỉnh táo và nhận biết về cung ma nơi chính tâm mình. Tâm mình đã trở thành cung ma thì cảnh vật xung quanh cũng là thế giới ảo của ma vì cảnh bên ngoài là ảnh của tâm vậy. Hằng ngày hằng giờ chúng ta phải thường kiểm điểm xem tâm mình có đang là cung ma của chính mình hay không? Khi con người nhận biết được tình trạng ấy thì cung ma dần dần sẽ tan biến để trả lại cho tâm của chúng ta tính linh nguyên thuỷ của nó. 

Lời kinh ghi: “Cõi Phật khôn xiết xuân” 

Thế nào là cõi Phật? Ở đây một thực tế đầy hấp dẫn nhưng ít ai thưởng thức được. Thực tế đó là trạng thái tâm vô nhiễm của chính chúng ta. Tâm không nhiễm phàm cũng không nhiễm thánh. Thực tế ấy có sẵn ở mọi người. Nếu chúng ta nhận biết được điều này thì hạnh phúc hiện tiền. 

Những ai đã từng yêu, từng sống với tình yêu nam nữ và thực hiện các nghĩa vụ trách nhiệm trong tình yêu ấy đều thừa nhận rằng tình yêu có đẹp đến đâu, có tuyệt vời đến đâu rồi cũng không bằng giá trị của tự do. Trong trạng thái tự do thực sự cao quý hơn nhiều so với tình yêu nhưng tại sao con người lại ít ca ngợi tự do như ca ngợi tình yêu vậy ? Quả thực con người có được bao nhiêu người sống với tâm trạng tự do. Chỉ có vài bậc thánh thôi ư? Không phải vậy đâu. Khi con người đã có kinh nghiệm ngự trị trong trạng thái tự do thì suối nguồn tình yêu chân chính sẽ tuôn chảy mãi không ngừng. Tình yêu của trạng thái tâm tự do là tình yêu tràn đầy, tình yêu được ban cho chứ không phải tình yêu để được thứ gì đó. Vậy khi con người muốn hưởng được cực lạc của tình yêu siêu việt thì phải tỉnh táo, nhận ra được trạng thái tự do của tâm Phật chúng ta. 

Lời kinh nói “Cõi Phật khôn xiết xuân” nghĩa là ở đó chỉ có tình yêu vô điều kiện, thứ tình yêu ban cho mà không bao giờ hết, ban cho không điều kiện, không nhu cầu nhận lại điều chi. Đức Jêsu, đức Phật Thích Ca đã sống như vậy, đức Phật Trần Nhân Tông cũng đã sống như vậy cho hết trọn đời mình.  Mùa xuân là mùa sinh sôi nẩy nở của thế giới, là mùa thảnh thơi của con  người . Nếu chúng ta đừng để các lòng tham ái khống chế tâm thì tâm lập tức là “Cõi Phật khôn xiết xuân”.

 Trích Master Duy Tuệ - Số Đời Một Hơi Thở