"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

141 - Điều Hệ Trọng

Từ ngày điều nhiệm mầu hiện ra trong trí thầy
Ngày đêm thầy chỉ sống với niềm vui bất tận
Với cái thấy bao la và
Dành hết thời gian và công sức cho các đệ tử.

Thầy có cần tiền, cần danh, cần những thứ hầu hết con người mơ ước để sống không?
Đôi khi thầy cũng nói, "Tiền cũng cần như phương tiện để sống"
 


Thật ra,
Thầy hoàn toàn không cần những thứ này.
Những phương tiện này
Không cần thật sự.
Thầy sẽ nôn mửa thấu mật xanh
Nếu thấy cần tiền để sống.

139 - Cái mình biết được rất nhỏ so với cả thế giới còn nằm trong bí mật và rất nhiệm màu

 1.Trong tính linh có một chỉ số đo tương đối chính xác mà đầu óc kinh nghiệm không biết được vì đầu óc kinh nghiệm đòi hỏi phải đầy đủ dữ liệu thì may ra nó mới phán xét được. Nếu đầu óc kinh nghiệm chưa thể phán xét thì tính linh bên trong sẽ làm việc. Khi nó làm việc thì nếu có cái gì mình thấy không yên tâm thì bỏ đi, đừng tiếc. Cái đó, đa số, là do tính linh báo cho đầu óc kinh nghiệm biết. 

Ví dụ quý vị đi mua một lô đất, người bán đang cần tiền nên bán gấp và khá rẻ, trong khi quý vị thấy ở đó khá hoang vu và cũng chưa có tài liệu quy hoạch chính thức gì về vùng đất đó. Vì nó chưa quy hoạch nên quý vị cũng chưa biết mua rẻ để làm gì. May ra 10 năm sau nó làm sân bay mua còn có lí, mình chờ 10 năm. Còn cái này thấy rẻ quá mà mua những không biết để làm gì, không biết bao giờ mới kiếm lời được từ lô đất này hay là để cho con cháu chăng? Khó xử lí quá! Nhiều khi vận may mà mình không biết được. Nên mình phải làm thinh, tối ngủ lắng nghe tâm hồn mình thêm vài ngày. Mình thấy người ta bán rẻ quá giống như cho mà mình mua thì không biết để làm gì? Mà chôn vốn vô đây thì cũng kẹt, cũng mấy tỷ. Mình thấy thôi, chưa yên tâm, chưa trả lời được. Mà không mua thì cũng tiếc vì rẻ quá - Nếu thấy vậy thì đừng tiếc nữa mà hãy bỏ đi.

Còn nếu vẫn chưa biết mua để làm gì, cũng chưa có quy hoạch, chưa có tương lai sáng sủa gì, nhưng thấy trong người thấy vui lắm cũng không để ý đến chuyện chôn vốn nữa thì mua. Và, rất nhiều người trúng nhờ như vậy, không có suy tư hy vọng gì mà chỉ thấy hồ hởi trong lòng. Tự nhiên thời gian sau có quy hoạch thật thì người ta được trúng. Tính linh sẽ giúp cho mình hành động hay không hành động chứ không có căn cứ gì cụ thể. 

Một ví dụ khác, quý vị đang đi ngoài đường, tự nhiên có một bà nào đó nói khan khan : Cẩn thận nha, cẩn thận đó, từ nay về sau cẩn thận nha! Người đó nói xong rồi bỏ đi mất thì thể nào quý vị cũng bị tác động rồi suy nghĩ không hiểu người ta dọa dẫm mình vì lí do gì, mà mình lại không quen biết họ, rồi xét tới xét lui. Những gia đình nào có con trai một hay bị kẻ lợi dụng dọa dẫm : Coi chừng thằng bé này năm nay bị hạn nha!  Người ta nói khan khan vậy thôi. Mình bắt đầu sợ, chạy đi kiếm người về cúng, bởi vì lỡ nghe rồi giờ biểu yên tâm làm sao yên tâm cho được? Mà cái ban cúng tể có tha cho đâu, họ tiếp tục bày hết hạn này tới hạn khác, thế là mình bị dính luôn vào mấy cái hạn đó.

2. Quý vị may mắn vì đã có tên phật, đã có cõi mầu nhiệm bên trong rồi. Đầu óc kinh nghiệm vì quen sợ nên lỡ nghe như vậy thì sợ quá. Đầu óc kinh nghiệm phải hỏi đầu óc không kinh nghiệm, mình cầu nguyện cho đầu óc kinh nghiệm yếu đi để đầu óc không kinh nghiệm cưu mang dùm nỗi lo sợ vu vơ này. Rồi mình bắt đầu nghiên cứu và phát triển tính sáng này, chỉ tin vào con người có tên phật hay tin vào cõi không có kinh nghiệm.  

Còn đây chỉ là cõi kinh nghiệm, mình nghe mình sợ vậy thôi. Mình cứ tin vào cõi không kinh nghiệm mặc dù mình vẫn chưa biết nó là cái gì. Rõ ràng, một bên là kinh nghiệm thì bên còn lại là không kinh nghiệm. Mình bỏ phần kinh nghiệm đi thì phần còn lại là không kinh nghiệm. Đơn giản vậy thôi! Mình giao cái mạng mình cho phần không kinh nghiệm kia thì mức độ sợ sẽ giảm xuống. Khi mức độ sợ giảm xuống thì phần tính linh kia đã bắt đầu hoạt động rồi, còn nó hoạt động như thế nào thì mình không thể biết được. Nhưng nó sẽ làm cho mình yên ổn. Cho nên, quý vị tập đừng có dựa vào những gì mình đã biết mà luôn luôn cố gắng hy vọng và tin vào điều mình chưa biết.

Hãy cố gắng hy vọng vào chuyện tốt lành trong không gian mà mình chưa biết nhưng cũng bớt tin, bớt dựa, bớt vui sướng vào những chuyện đang tốt lành, đang thuận lợi. Đó là cách làm giảm ảnh hưởng của đời sống kinh nghiệm. 

3. Cái mình chưa biết lớn lao vô cùng, còn cái mình biết và đang xảy ra mà mình cho rằng lớn hoặc cũng chưa phải là lớn so với người khác; hoặc chấp nhận được, nhưng vẫn luôn luôn là nhỏ so với cả thế giới còn nằm trong bí mật mà mình chưa biết. Cái đó không phải ở trên trời cao, trên chín tầng mây mà nó ở ngay bên trong đầu óc chúng ta, ở ngay xung quanh chúng ta, ở ngay trên hành tinh này. Khi chúng ta tin và chờ đợi cái chưa thấy thì cái tầng ánh sáng trong đầu chúng ta sẽ phát ra. Cái đó câu thông làm một với thế giới rộng lớn mà chúng ta không hiểu được. Chúng ta sẽ sống bằng lực đẩy của sự thống nhất này. Luật của lực đẩy này sẽ đẩy chúng ta trong quy luật đó, mà luật đó chúng ta cũng chưa có khả năng biết. Đó là bàn tay vô hình của tạo hóa.

Quý vị thấy đó, một con chó cứ 3 tháng thì nó phải nhảy đực để làm cái việc truyền giống, mà qua ngày đó giờ đó thì nó không làm chuyện đó nữa. Đến ngày giờ đó, đúng chu kì đó là nó phải làm. Nó réo, nó hú, nó phát ra mùi, phát ra ánh sáng, tức là sự nhiệm mầu của tạo hóa đã sắp đặt hết rồi. Còn con người thì lên kế hoạch, sắp xếp, tuy cũng có mặt tốt nhưng phải lãnh hậu quả do kế hoạch do chính mình sáng tạo ra. Tức là mặt được và mặt mất sẽ đi liền với nhau. 

Đời sống tâm lý của mình khổ vì mình có quy định, có quy ước nên khi nó không xảy ra theo đúng như mình quy ước. Nếu mình cứ thuận theo lực và luật tự nhiên của tạo hóa thì đâu có bị ảnh hưởng xúc cảm khổ đau của tinh thần. Quý vị phải tập, tập hy vọng, tập chờ đợi chuyện tốt đẹp chưa biết sẽ đến.

Cho nên, cái gì mình đang có và đang mất, nếu mình không hướng nhận thức của mình về cõi chưa biết kia thì khi mình mất, mình đau lòng sẽ dẫn đến tự tử hay gây chiến tranh đoạt lại ; hay là mình đã đạt thì thấy tự mãn một chút ít thôi rồi sau đó cũng không thấy tự mãn gì nữa và cảm thấy bực bội, chật chội trở lại. Đầu óc chiến tranh cứ phát triển hoài cho nên hòa bình không có được. Lĩnh vực này, quý vị phải tập và nhận ra từ từ. 

4. Tôi cũng trao đổi nhiều lần, quý vị muốn mở trí đặc biệt không phải là đi đúc kết và phát triển kiến thức từ những gì tôi giảng dạy hoặc những tài liệu khác mà thành trí tuệ được. Tôi chỉ dùng ngôn ngữ ám chỉ, quý vị phải hướng nhận thức về cái tôi ám chỉ, cái mà mình chưa biết thì trí riêng sẽ phát. Đồng thời những gì quý vị đọc quý vị có thể tiêu thụ được và biến thành của mình, lúc ấy quý vị sẽ dùng được một cách tự tin.

Điều mà quý vị còn bị dính nhiều đó là cách đặt câu hỏi. Quý vị nên đặt những câu hỏi liên quan đến việc làm sao để mở trí riêng của mình, tức là chúng ta không đi vào kho kiến thức của thế gian mà chúng ta đi vào sự huyền bí của đầu óc và vũ trụ. Còn quý vị bàn làm sao để cập nhật kiến thức của nhân loại lại là chuyện khác. Làm sao để chúng ta thường phát sinh ra trí riêng? Những câu hỏi như vậy sẽ giúp cho quý vị đi vào cõi huyền bí chung quanh chúng ta, của trời đất. Mình gọi huyền bí tức là sẽ đi vào cái lực và luật mầu nhiệm của tạo hóa cũng như lực và luật mầu nhiệm của đầu óc tự do. 

Cho nên, chúng ta hãy quên đi mấy quyển sách cũ xưa. Tôi thấy việc nhân loại lập ra các viện nghiên cứu sách xưa đúng là phí phạm một cách ghê gớm. Internet đâu có sách gì liên quan đến ba quyển sách cổ xưa đâu? Mấy cái đó toàn nói chuyện hăm dọa, hứa hẹn. Ngày xưa, người ta dùng nó để tập hợp lực lượng nhằm chống lại một thế lực khác. Xã hội chưa có luật pháp nên người ta mới đặt ra một số quy định cho tập đoàn đó để tập trung lực lượng lại. 

Ví dụ như thế này, quý vị cứ nghiên cứu thử quyển sách của phật giáo thôi. Sách nói có một ông Phật Thích Ca ra đời và ông này lấy sự bình đẳng, lấy khoa học làm chính. Ngay như điểm đó đã hoàn toàn không có trong kinh sách rồi. Thứ nhất phải xem ai là người có khả năng để soạn ra những quyển sách này ? Phải là những người biết chữ thì mới soạn ra được chứ ! Nhưng những người biết chữ từ thời xa xưa của Ấn độ thì đương nhiên là những người thuộc giai cấp trên. Mà gốc của Ấn độ là gốc sống bằng giai cấp, mãi đến giờ này quan hệ xã hội của Ấn độ vẫn là giai cấp. Vì thế những người biết chữ không thuộc giai cấp bần cùng nhưng họ nắm hết quyền lực, chưa làm bá chủ trong giai cấp của họ nên họ tách ra họ viết câu chuyện này để xây dựng lực lượng. Bởi vì người đọc và người thực hành theo quyển sách này thì đều là nô lệ hết. Khi tôi đọc quyển sách này, tôi có cảm giác là người thống trị viết cho người đọc và người đọc nếu không phải nô lệ thì cũng phải trở thành nô lệ. Còn người nô lệ đọc cái này thì cảm thấy yên lòng, không muốn tiến lên nữa, chấp nhận thân phận nô lệ của mình, kể cả phụ nữ. Vậy thì, người biên tập sách này, bản chất của họ, gốc gác của họ, đầu óc kinh nghiệm của họ là kẻ thống trị, là tầng lớp thống trị. Cho nên họ viết ra sặc mùi thống trị và sặc mùi nô lệ nhưng ở cái cách thánh hóa vấn đề đi thôi. Do vậy cái gọi là tín đồ là những kẻ nô lệ thôi, còn đại diện cho thần linh, thần quyền là những người cai trị. Vậy thì mối quan hệ này rõ ràng là mối quan hệ của kẻ thống trị và kẻ bị trị. Người bị trị đem hết tài sản và tâm hồn của mình ra cung phụng cho kẻ thống trị. Kẻ thống trị dù ngu dốt gấp mấy mà ngồi được vào cái ghế thống trị thì vẫn thống trị, ăn trên ngồi trước.

5. Nếu quý vị có đầu óc khoa học, quý vị đọc lại hết tất cả những sách xưa đi sẽ thấy cái này. Nó thể hiện sự thống trị và bị trị. Đồng thời thể hiện lực lượng này chống lực lượng kia, có kẻ đi theo, có kẻ làm chủ, có kẻ làm tớ để đi theo chống lại thế lực khác. Đơn giản chỉ có vậy thôi! Quý vị đọc kỹ đi, các vị là nhà nghiên cứu đó coi lại xem tôi nói có đúng không? Đừng có thấy thần linh gì trong đó hết, chỉ cần lấy một tính chất đó để nghiên cứu thì sẽ thấy tất cả. 

Có kẻ dốt, có kẻ nô lệ nào mà biên tập được sách đó đâu? Khi người ta biên tập thì làm sao người ta thoát ra khỏi kinh nghiệm của người ta được? Người ta phải ở trong kinh nghiệm đó mà biên tập. Dĩ nhiên cũng có một số câu chuyện giá trị nếu chúng ta biết sử dụng, nhưng tôi chỉ nói một góc độ mà ít khi quý vị để ý tới đó là đa số tín đồ chính thống là nô lệ, học phương pháp nô lệ, thực hiện tính cách nô lệ. 

Không có gì để phải sợ cả, ngay như trong hàng ngũ chính trị trên toàn thế giới : anh trị nước mà anh độc tài hay anh nối dòng nối họ sao đó thì cuối cùng vẫn có những cuộc cách mạng xảy ra. Chỉ có những loại sách tín ngưỡng là khéo léo mà cuối cùng kẻ nô lệ chấp nhận tinh thần nô lệ. Nhưng tín đồ châu Âu da trắng thì khác, ít khi nào chấp nhận tinh thần nô lệ lắm mà họ đứng lên khai phá, sửa lại và làm những cuộc cách mạng đời sống tâm linh. Chỉ châu Á mình không có thôi chứ còn châu Âu thì rất là mạnh bạo. 

Như vừa rồi Duy Minh có bảo bên Đan Mạch vừa treo bảng bán 300 nhà thờ. Không phải nghe nói bán nhà thờ là bên phật giáo sẽ mạnh lên đâu. Đừng có nghĩ như vậy. Đến cái lúc mà con người nhận ra rằng, vai trò đó sự thật không còn tác dụng nữa. Con người ta thông minh, không có ngu mà làm nô lệ cho anh nữa. Người ta vẫn giữ đức tin trong tâm hồn, trong tim, người ta vẫn cầu nguyện thượng đế, cầu nguyện phật, cầu nguyện những vị mà người ta tôn thờ chứ không cần tới nhà thờ, chùa chiềng, cũng chả cần kinh sách làm chi nữa. Chỉ cần cầu nguyện là đủ rồi. Người ta buồn, người ta khó khăn thì kêu Phật, Chúa là được rồi. Người ta thành công thì cảm ơn Phật nếu anh theo Phật, cảm ơn Chúa nếu anh theo Chúa, đã cho con thành công. Thực hiện đức tin như vậy là đủ rồi. Mà tối cao của đức tin chính là đạo đức. Cho nên đâu cần phải đến nhà chùa hay nhà thờ gì nữa đâu. 

Con người ta càng ngày càng thông minh, nên người ta treo bảng bán nhà thờ là vì vậy. Bên Mỹ cũng có nhiều chùa bị ngân hàng thu hồi. Một cái chùa xài không biết bao nhiêu là tiền mỗi tháng, hàng trăm ngàn đô la trong khi dân chúng thì nghèo, không có việc làm thì lấy đâu ra tiền mà đóng góp. 

6. Đâu phải đến chùa là có Phật ?! Phật trong tâm hồn, trong đầu óc chúng ta. Phật ở trên ngọn cây, ngọn cỏ. Phật ở ngoài bờ suối, bụi tre. Phật có trên từng mảnh đất. Chắc chắn 100% không có Phật nào ở trong chùa. Chả có chùa nào mà phật vô cả, 1000% là không có ! Phật chỉ ở ngoài bờ, ngoài bụi, ngoài cây, ngoài cối. Phật ở trong đại dương, trong gió, trong mấy, trong ánh sáng mặt trời, trong không khí, trong lòng người, trong từng cái hoa, trong từng cái lá… Không có ông Phật nào khờ dại mà vào trong chùa ở bao giờ! Ở trong đó nội khói không đã ngợp mà chết rồi. Rồi nó tụng ê a suốt ngày thì cũng nhức đầu chết rồi. Không có ông Phật nào vào ở trong chùa cả ! Chắc chắn là như vậy ! 

Quý vị ra ngoài bờ ruộng kêu, Phật ứng liền. Quý vị vô bờ núi kêu, Phật ứng liền. Quý vị ra bụi hoa kêu, Phật ứng liền… Nhưng quý vị tới mấy chỗ kia là không có. Phật ở cùng khắp các nơi, Chúa cũng ở cùng khắp các nơi, mà nơi Phật hay Chúa ngự là nơi rộng thoáng mát, lúc nào cũng giống như mùa xuân. 

Cho nên ngài Giê-su nói rất là đúng: Cha ta không bao giờ chui vô đây đâu. Chỉ có phật giáo là chưa có ai nói. Nếu tôi đóng vai con của đức Thích Ca, tôi làm La Hầu La đó thì tôi sẽ đi vòng vòng tới mấy cái chùa tôi bảo : Tôi nói cho mấy ông biết, cha ta không có ở mấy chỗ này đâu à !  Cha ta ngày xưa khi còn sinh sống, cha ta hay dẫn đệ tử đi đây đi đó ngoài trời đất bao la, cả cung vàng điện ngọc cha ta không thèm ở nói chi chỗ này. Mấy ông làm mấy ông ở thôi, rồi kéo bà con dòng họ vào ở chứ cha ta không có trong này đâu. Ta là La Hầu La, con của đức Thích Ca đây! 

Trích Master Duy Tuệ - Ánh Sáng Kỳ Diệu và Bóng Tối Điên Đảo trong đầu óc – 26.4.2011 (Tên bài trích đăng do BBT tạm đặt)

137 - Phát Triển Sự Rõ Ràng Và Tính Thấy Nhiệm Màu Trong Đầu Óc


1.Nếu cái đầu không mở ra được thì không bao giờ quý vị hiểu được chuyện gì. Quý vị thấy người ta khổ nhưng không biết có phải người ta khổ hay không? Quý vị tưởng người ta sướng nhưng không biết có phải họ sướng thật hay không? Quý vị thấy người ta hồ hởi, người ta sung sướng thì cho rằng có lẽ họ không có gì để buồn cả. Hay là mình thấy một người đang rầu rĩ, chép miệng, lo lắng thì mình nghĩ chắc là họ đang khổ.

Nếu còn thấy người ta khổ hoặc không khổ thì cái học đó không đi tới đâu cả! Bởi vì, con đường mà tôi hướng dẫn là để quý vị thấy họ đang kẹt cái gì trong đầu họ mà họ kêu khổ, hoặc họ kêu là đang sung sướng quá. Có nghĩa là mình phải thấy trạng thái cái đầu của họ chứ không nói là người ta sướng hay khổ. Vì có thể nay người ta thấy khổ mai họ lại thấy sướng. Vấn đề không phải là anh chạy đi giải mã, chứng minh cái chuyện nó khổ hay sướng. Quý vị học như vậy thì học để làm gì?

2. Quý vị học là để khám phá cho được bí mật của cái đầu để bất cứ cái gì quý vị cũng có thể giải mã được hết, không gì là không thể! Lúc cần làm thinh thì làm thinh, cần nói thì nói, cần la thì la, cần cãi thì cãi. Do hiểu tận tường nên mình tùy nghi mà ứng xử. 

Tôi cho rằng tôi nói như vậy là dễ hiểu lắm rồi. Người nào để ý thật sâu sắc sẽ nhận ra được bí quyết của vấn đề. Khi nhận ra được thì quý vị sẽ không còn những thắc mắc kiểu như tại sao nó mê cái đó quá, tại sao nó cực đoan quá. Vì quý vị biết rõ hết rồi. 

3. Những gì tôi nói, ngoài việc hướng dẫn, đào tạo, khai mở cái gốc cho quý vị, thì nhiệm vụ còn lại là tôi góp phần giúp cho dân tộc Việt Nam bớt cực đoan, đầu óc của người dân phải thông thoáng, rộng mở chứ không phải có bao nhiêu kiến thức, có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu tiền. 

Tức là cái đầu không dính vào hướng này hay hướng khác để chiến đấu - chiến đấu với vợ, với chồng, với bạn mình, với hàng xóm. Phải thật là khôn! Khôn thì có nhiều loại khôn. Khi nói tới chữ khôn thì quý vị lại giở Lão tử ra và thắc mắc tại sao Lão tử nói khôn cũng chết, dại cũng chết còn thầy Duy Tuệ dạy phải khôn. Tôi có quyền nói Lão tử dốt. Ai cấm tôi được? Hoặc là tôi bảo: “Lão tử không nói câu đó, câu đó do mấy thằng cha bá láp nói. Tôi gặp Lão tử rồi, Lão tử bảo ổng không nói gì hết. Mấy đứa sau này nó bày ra vậy thôi. Ổng bảo ‘’Thầy Duy Tuệ biết tôi rồi, làm sao tôi nói được vì nói ra cái gì là kẹt cái đó nên ngu gì tôi nói? Tôi đâu phải người ngu. Chúng nó thấy con mắt tôi nhướng nhướng lên, cái miệng tôi nhép nhép nên chúng nó bày ra vậy chứ tôi không có nói cái gì cả!’’. 

Chính khuynh hướng cực đoan bên trong đầu óc con người đã gây nên sự chia rẽ trong lòng dân tộc một cách sâu sắc. Nó làm cho gia đình mình chia rẽ, nó làm cho những bản chất tốt đẹp của con người không thể phát huy ra được. Cho nên, tôi nói một dân tộc văn minh đúng đắn thì tôn giáo sẽ tốt, tôn giáo sẽ biết làm chuyện gì cho người khác vui. 

Giống như một người khôn ngoan, trí tuệ họ sử dụng của cải khác so với người không khôn ngoan, không có trí tuệ. Cũng cùng một lượng vàng, người có trí tuệ dùng khác so với người không có trí tuệ. Người không có trí tuệ đem vàng ra khoe thì bị thằng ăn trộm nó lấy mất. 

Quý vị phải tập, phải có phương pháp nhìn vấn đề, cái gì có khả năng biết được, phân tích được thì phải nhìn cho hết tất cả các góc cạnh của vấn đề. Còn lại là những gì mình chưa biết, và cái đó rất nhiều. 

4. Cái đầu của mình nó kỳ cục như vậy nên tôi khuyên quý vị nếu có suy nghĩ thì nên suy nghĩ đến những vấn đề tích cực, đến những người đau khổ, đến những vấn đề giúp mình phát triển lòng thương người chứ đừng suy nghĩ tiêu cực mà đầu óc lại suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm. Không nên hờn giận ai, không nên trách móc ai, không nên có những ý tưởng có những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Bởi cái đầu mình rất tiêu cực, mình huấn luyện nó thế nào nó sẽ ra như vậy nên ba cái chuyện hồn ma, bóng vía cũng không nên để ý tới vì để ý tới thì cái đầu sẽ đi theo hướng như vậy. 

Do đó phải ráng cố gắng phát triển cái đầu của mình theo khuynh hướng tích cực. Lúc nào cũng nghĩ mình may mắn, đừng có nghĩ mình xui. Lỡ có té cũng nghĩ mình may mắn: ‘’May quá, té vậy mà chưa chết, mới gãy chân thôi’’. Chứ đừng nghĩ: ‘’Tháng này xui quá là xui, gãy cha cái chân rồi’’. Thay vì nghĩ vậy, anh nghĩ khác đi: ‘’Trời ơi, sao hôm nay nó hên quá là hên, đáng lẽ chết rồi mà nó không chết, chỉ gãy chân thôi à!’’.

Giữa suy nghĩ tích cực với suy nghĩ tiêu cực thì suy nghĩ tích cực luôn luôn tốt hơn nhiều chứ? Không được nghĩ tiêu cực! Người ta có lỡ thất hứa với mình thì mình cũng không nghĩ tiêu cực: Thằng cha đó xấu quá, lưu manh quá. Thằng đó nó thất hứa này kia khác. Không, phải suy nghĩ tích cực lại. 

Cho nên, tôi nói hãy thánh hóa cái nhìn của mình. Thánh hóa là làm sao? Chẳng những nghĩ tích cực mà còn cao hơn nữa. Tôi hay dùng chữ mầu nhiệm là vì nó ít dính tới chuyện thế gian, chuyện tranh cãi. 

5. Vấn đề của đầu óc là cực kì phức tạp. Nó luôn luôn có khuynh hướng cực đoan hoặc dễ chấp nhận hoặc khó chấp nhận. Hễ khoái thì nó chấp nhận, không khoái thì nó chống lại chứ nó không biết đâu là thật hay không thật, đâu là ý nghĩa của vấn đề, đâu là mục tiêu của người bày ra chuyện.

Tôi có khả năng bày ra nhiều chuyện hay nhưng tôi chỉ chọn một chuyện đó là làm sao cho dân tộc mình thông minh, đĩnh ngộ; đất nước phú cường, dân tộc khôn ngoan. Tôi có cái may mắn, khi cái đầu mở, không còn kẹt trong cái thế dễ tin, không còn tin vào những câu chuyện, chữ nghĩa, quan điểm, lập trường… Cái đầu tôi tự do hoàn toàn nên tha hồ muốn thiết lập cái gì là tùy tôi thôi. Nhưng mục đích cuối cùng của tôi là dành hết cuộc đời cho trí tuệ của dân tộc, dân tộc phát trí khôn ra và không để cho ai lừa phỉnh, dọa nạt. 

Tôi thấy không biết bao nhiêu câu chuyện trong các sách đều đã biến hết thành sự thật. Hễ đọc vào là tin có thật, thành ra cứ sống với sự thật ấy, chấp và cực đoan, không cách chi thay đổi được. Cái chết của dân tộc ta là ở chỗ này, bị dính nhiều lắm chứ không phải ít! Thử hỏi anh có bỏ được chuyện xem ngày tốt giờ tốt không? Anh làm đám cưới anh có coi ngày không ? Anh có bỏ được không? - Không! Anh làm đám ma anh có coi ngày chôn không? - Dứt khoát có! Anh bỏ được không ? – Không ! Anh xây nhà, anh dám bỏ chuyện coi ngày không? – Không ! Anh cho cái chuyện đó là có thiệt. Cái đầu anh chỉ có bây nhiêu mà anh còn không điều khiển được thì nói được gì nữa bây giờ ? Trong khi anh biết rất rõ chuyện đó hết sức vô duyên, không có thật mà anh không dám bỏ. 

Có rất nhiều hiền giả bỏ được và họ sướng, sướng ghê lắm ! Họ viết thư bày tỏ sự sung sướng với tôi chẳng hạn như cô Nghĩa Tuệ ở Quảng Ngãi, cô Diệu Ngôn Tuệ ở Hà Nội. Các vị ấy sung sướng vì cởi trói được nỗi lo sợ về ngày tháng, về cúng quải. Quý vị thấy đó, mới bỏ được chuyện đó mà đã sung sướng mê ly.

Anh có cái đầu tự do, anh mới chế biến sáng tạo được chứ ! Anh cũng có thể chế bùa chú, chế sao La hầu, Kế đô – muốn chế sao thì chế để anh giúp những người yếu đuối còn phải dựa dẫm vào chuyện này chuyện kia. Anh có khả năng chế cho những người này, còn những người cứng đầu anh không chế được. Đối với người cứng đầu phải dọa bằng cách khác. Khi cái đầu tự do rồi thì quý vị tha hồ sáng tạo, sáng tạo để cứu người. 

Tại sao có người bị vợ bỏ thì vui, có người lại buồn ? Anh lại bảo người vui khi vợ bỏ là vô đạo đức còn cái người buồn là đạo đức quá. Anh không thể nói như thế được. Cho nên cái khổ về tâm lý là cái khổ có điều kiện. Khi điều kiện cho cái cảnh xảy ra mất đi thì trong đầu nó đâu còn gì mà khổ. Tất cả do cái nhìn trong đầu, nếu cái nhìn không thoáng, không rộng mở, không chuẩn thì nó có nỗi khổ về tâm lý. Khi giải tỏa xong sự việc thì hết khổ ! 

Những người đi ăn xin ngoài đường ít khi có nỗi khổ về tâm lý mà có nỗi khổ về tiền bạc, vật chất. Tuy nhiên, chưa chắc nói vậy là người ta chịu. Thiếu gì người ăn xin được phát đất, người ta không nhận mà thích lết về thành phố kiếm ăn hàng ngày. Quý vị nhìn rồi cho là người ta khổ ?! Mình không nói người này khổ, chỉ cần biết người này không có nhà cửa, xe cộ, không có học hành. Dùng khái niệm khổ là không đúng vì nó đi xin xong tối về nó uống bia, ăn nhậu thì sao?

Quý vị cứ nhìn theo kinh nghiệm của quý vị rồi cho là người ta khổ. Có chắc là khổ không? Cho nên người ta ra làm sao thì nhìn đúng y như vậy, đây là người ăn xin, người ta không có nhà cửa đàng hoàng, người ta sống thế này, còn tâm lý ra sao mình không biết. Chớ có đem quan niệm của mình ra mà đánh giá: Đây là những người đau khổ!

Cái đầu đã rõ ràng thì nhìn cái gì, thấy cái gì cũng rõ ràng mồn một. Nó không liên quan gì đến thành kiến hay nhận định của mình. Đó là mục tiêu mà quý vị phải tiến tới : Để cái đầu tự do. Tôi cũng không biết là có khó hay không ? Nhưng quý vị phải chú ý, cố gắng thực hành những gì tôi đã chia sẻ rất nhiều lần, đó là ưu tư về những chuyện không thể hiểu trong đầu óc. 

Trích Master Duy Tuệ - Sự Hòa Hợp Của Các Loại Tình Thương – 30.4.2011 - (Tựa bài trích đăng do BBT tạm đặt)

136 - Tự Giải Mã Bằng Trí Thấy Của Mình


Khi nghe hay đọc mình phải lưu ý khi người ta nói và viết điều gì đó với mục đích gì, những hình ảnh được người ta đưa ra thường có nhiều mục tiêu, nhiều ý nghĩa.

Nếu như quý vị cứ mải tranh luận đúng hay sai thì không bao giờ mở trí được. Tất cả các câu hỏi quý vị đặt ra từ trước tới giờ đều là những thắc mắc ở cái ngọn rồi đi giải quyết chuyện của cái ngọn. Với cách học như thế này, nếu có đầu thai một tỷ kiếp thì quý vị cũng sẽ không đi tới đâu, không có chút tiến bộ gì. Tôi đã nhắc biết bao nhiêu lần mà quý vị vẫn không chịu để ý, không chịu áp dụng, không chịu thực hành. Quý vị luôn luôn muốn biết, muốn hiểu cái chuyện có thể phân tích được. Nếu quý vị cứ giữ mãi khuynh hướng này thì vĩnh viễn sẽ không đi tới đâu hết. Cuối cùng mình chỉ trở thành ông thầy cãi mà thôi. Mình cãi người ta không nghe thì mình lại nổi giận. 

Đến khi nào quý vị mới có thể suy luận và diễn giải bất cứ cái gì mà không cần hỏi ai cũng không cần đọc sách ? Mà sự thật là chẳng có sách nào giải mã trúng cả. Anh phải có sự thông thái để anh tự giải mã bằng trí thấy riêng của anh. Khi nhìn một vấn đề, anh phải nhìn năm, bảy kiểu khác nhau chứ không thể nhìn một kiểu được và anh có khả năng giải thích theo cách nhìn của anh. Anh có thể chọn một trong bảy kiểu nhìn đó để phục vụ cho mục đích của anh chứ không giải thích hết tất cả các cách nhìn đó. 

Người nào học mà để ý một cách sâu sắc những gì tôi hướng dẫn thì đến hôm nay quý vị tiến nhanh lắm rồi. Mình không thể nhìn thấy hệ thống thần kinh bên trong bộ não thì hãy nhìn bàn tay của mình, nếu mình nắm con gà mà không biết cách thì con gà sẽ nhảy ra khỏi tay mình. Tương tự như với hệ thần kinh, nếu nó chụp thông tin một cách hời hợt thì thông tin đó, tức là việc học, chẳng có giá trị gì hết. Học đâu quên đó, không sâu sắc mà rất hời hợt nên không đủ khả năng, không đủ bản lĩnh suy luận theo đường lối riêng của mình.

Từ nhiều góc độ nhìn khác nhau anh phát triển bản lĩnh giải thích, và giải thích vì mục tiêu gì. Một sự việc quý vị có thể giải thích hàng trăm cách khác nhau, nhưng phải xác định cho được mục đích, từ đó sẽ chọn cách nhìn nào để giải thích cho phù hợp với mục đích đó nên phải học những cách đó. Ví dụ, người ta nói ăn mặn là có tội thì quý vị phải có đủ can đảm bảo rằng ăn mặn rất tốt. Nếu người khác nói ăn chay rất tốt thì quý vị bảo ăn chay không tốt. 

Quý vị phải đủ bản lĩnh và trí tuệ để vận dụng cái thấy của mình để đưa ra giả thuyết, vấn đề hay đường lối nhằm giải quyết mục đích của mình. Có như vậy quý vị mới giúp người khác được. 

Dĩ nhiên khi quý vị học với tôi, tôi không sử dụng phương pháp ngoại giao. Bởi vì tôi mong mỏi quý vị thực sự có khả năng giúp đỡ người khác. Quý vị đang ở trong một lò luyện rất nghiêm khắc chứ không phải ở trường đại học mà nói chuyện ngoại giao. Tôi nói rất nặng, tôi dùng rất nhiều cách thức khác nhau để làm cho cái đầu vỡ ra.

Nếu quý vị liên tưởng, liên kết tất cả những câu hỏi với dụ ngôn hang động của Platon thì quý vị sẽ giải mã được hết. Ông Platon đưa ra bức phóng dụ như vậy vì ông ấy thấy khó mà diễn đạt cho người ta hiểu cái thấy của ông. Cái thấy của ông là gì ? Ông thấy đầu óc con người buồn cười lắm, nó cứ chấp vào cái bóng và cho là thật. 

Ở Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự kể về người thiếu phụ Nam Xương có chồng đi lính xa nhà. Chồng đi chưa được nửa tháng thì cô sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách và nói đùa với con là ‘’Bố kia kìa!’’. Một ngày nọ bố nó về thì người mẹ bảo đó mới là bố của con. Thằng bé giãy nãy không chịu, nó nói bố con tối mới về. Do thằng bé chỉ biết người xuất hiện trên vách tường là bố nó, lâu ngày nó tưởng thật. Đến khi bố nó về thì nó lại sợ, nó nói ông này lạ quá, tối nay con về con mách với bố. Ông chồng kia mới nghe qua loa không thèm suy xét đã nổi cơn lên quát vợ buổi tối có thằng nào tới kiếm bà mà bây giờ nó làm bố cái thằng này. Ông chồng bất kể tình cảm vợ chồng bao nhiêu năm chửi bới đánh đập vợ. Người vợ buồn quá trầm mình dưới sông tự vẫn chết. Sau này, ông chồng mới vỡ lẽ là thằng bé thấy cái bóng hắt lên vách tường ban đêm. Câu chuyện này rất hay cho thấy cách làm việc rất ư là kì cục của con người. Dù anh có thanh minh, giải thích gì đi chăng nữa thì cũng tốn công. Dụ ngôn hang động của Platon cũng vậy, những kẻ tù nhân chỉ tin vào những cái bóng hắt lên tường, nên nếu mình có giải thích cho nó thì nó cũng nói mình khùng. 

Hiện nay, người dân Việt Nam thậm chí là các hiền giả Minh Triết vẫn bị dính và tin câu chuyện Mục Kiền Liên là có thật. Tôi giả sử nay mai có một ông đạo Bà La Môn hay Hinđu gì đó, cũng kể một câu chuyện y chang như vậy, nhưng bà mẹ thay vì không khinh mấy ông sư đạo Phật mà khinh mấy ông đạo Hinđu. Rồi mình thấy cái gì cũng thiệt, giết con gà con chó hay con heo cũng y như giết ông nội mình luôn. Nếu hồi đó trong sách nói bà chặt cây trên rừng là bà chặt ông nội bà, bà đốt rừng là đốt ông nội bà ở kiếp trước thì chẳng lẽ cứ vào rừng là toàn thấy ông nội mình sao. Thành ra đụng đâu dính đó, đã dính vào đầu là thấy nó thiệt 100%.

Tất cả những câu chuyện trong kinh sách, quý vị đừng cho là thật, về mặt ý nghĩa thì có nhiều ý nghĩa lắm. 

Nhưng tôi thật sự không hiểu tại sao quý vị lại không hiểu khi tôi nói mỗi một sự việc có nhiều ý nghĩa, mà quý vị lại cứ muốn ‘’ Xin thầy cho biết bao nhiêu ý nghĩa’’. Bây giờ, tôi sẽ không dùng cụm từ ‘’nhiều ý nghĩa’’ nữa mà dùng cụm từ khác. Tôi bảo: ‘’Mỗi một sự việc, anh muốn dùng nó kiểu gì thì kệ anh’’.

Ví dụ, anh ra đường chơi bời bồ bịch, về anh nói dối vợ trăm bề, anh bảo cái chuyện anh đi với cô gái ấy có nhiều ý nghĩa lắm tức là anh muốn nói gì thì nói miễn sao vợ anh đừng có nghi anh, để gia đình anh hạnh phúc. Đằng này khi tôi nói: ‘’Cái việc cậu đó đi với cô đó có nhiều ý nghĩa lắm, thì quý vị lại đòi ‘’Xin thầy giảng nghĩa cho con được hiểu’’. Vậy thì tôi phải giảng cái đó ra làm sao? Có bao nhiêu ý nghĩa? Anh muốn có bao nhiêu thì có chứ, anh muốn ba mươi nghĩa hay một trăm nghĩa cũng được. Anh muốn không có nghĩa nào cũng được, tùy anh chứ ? 

Tôi nói như vậy không biết quý vị có hiểu được không? Hay lại tiếp tục chạy đi liệt kê các ý nghĩa? Hay tình cờ nghe được, đọc được trong kinh rồi xuýt xoa: ‘’Chà, Đức Phật nói gì ra cũng vô lượng nghĩa. Như vậy chắc đức Phật biết hết tất cả mấy nghĩa này!’’. Điều này cũng có thể đúng nhưng ai lại đi hiểu như vậy? 

Anh phải luôn luôn bám vào mục đích, tìm hiểu cho rõ xem người ta nói vậy để làm cái gì ?Ví dụ như dụ ngôn hang động của Platon, ông ấy vẽ cái hang ra như vậy để làm gì ? Giống như tôi thấy quý vị trích từ bài giảng nào đó và đưa lên trên web một câu đại ý là cái gì mình thấy được thì nhỏ xíu nhỏ xiu còn cái còn lại thì nhiều lắm, mình muốn nói gì thì nói. 


Đừng dựa vào những chuyện có khả năng phân tích

Có thời kỳ tôi đã dùng luôn cụm từ ‘’hãy thánh hóa cái nhìn của mình’’ nhưng quý vị học mà không chịu để ý và suy tư sâu sắc cách thức tôi hướng dẫn, dùng chữ cũng như mục đích của tôi. Bởi tôi thấy mọi việc hết sức rõ ràng nên tôi bỏ công bỏ sức ra chia sẻ những điều sâu sắc vô cùng. Tôi đã đem hết nhiệt tâm thì quý vị cũng phải đón nhận bằng nhiệt tâm, bằng sự sâu sắc, lắng đọng tâm tư của mình chứ! Cho nên những gì tôi nói thì quý vị hãy ráng mà lắng nghe. 

Như sáng nay bé Tịnh Hiếu chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn về chiếc bình vôi, kể về một thằng ăn trộm sống bên cạnh ngôi chùa. Chùa không trị nó được vì sợ phạm luật của Phật. Mấy ông thầy chùa thì trông cho nó chết quách đi cho rồi nhưng nó cứ sống sờ sờ ra đó. Một hôm nó sang chùa sám hối thế là ông thầy chùa bày cách cho nó chết. Ổng bày cho nó leo lên cái cây đó rồi nhảy xuống một cái là coi như Phật rước đi luôn. Lý do là vì nó đã sám hối rồi. Nhưng trong thâm tâm, ổng muốn cho nó chết. Thằng ăn trộm này chẳng cần suy nghĩ gì, nó cứ làm thinh làm theo, và khi nó làm thì nó lại không chết. 

Chính cái chi tiết nhảy xuống không chết này rất là thú vị. Bởi ngay bản thân tôi đã có trải nghiệm: Tôi dám chấp nhận sống và không biết sống làm sao. Nếu như tôi biết phải sống như thế nào thì đâu có cái gì hay xảy ra?! Tôi đi cũng không biết tôi đi đâu, hoàn toàn không có cái đích để đến và cũng không biết làm chuyện gì. Thì bỗng dưng lọt vào chuyện hay. 

Ông hòa thượng kia khi thấy thằng ăn trộm đã được lên cõi trời. (Quý vị đừng có tin cõi trời là có thật vì câu chuyện này có mục đích khác, không phải nghe gì là tin ngay). Ông hòa thượng mới thắc mắc tại sao mình đi tu lâu như vậy, từ lúc 6 tuổi, mà không thấy có gì mầu nhiệm hết. Trong khi thằng ăn trộm lại được phước lớn nên tự nhủ hay là mình cũng leo lên nhảy đại thử xem. Khi ổng leo lên thì ổng rớt xuống trúng một cành cây, bị đâm thủng bụng và chết luôn. 

Tôi luôn luôn hướng dẫn quý vị hãy dựa vào cái chuyện không thể biết và cái hay nằm ở chỗ này. Thế nhưng, quý vị lại không làm được mà chỉ toàn  dựa vào những chuyện có khả năng phân tích. Tôi ráng đưa quý vị tới chỗ không có khả năng hiểu biết, phân tích, chứng minh nhưng cái đầu của quý vị thì tìm mọi cách làm ngược lại. Chính vì vậy nên cuộc sống của quý vị không có gì xảy ra, gặp toàn chuyện xui rủi và không được may mắn. Và quý vị cứ mải đi theo con đường này.

Tôi hướng dẫn cho quý vị chứ không nói cho người thường. Đối với người thường tôi sẽ nói khác. Bởi tôi biết quý vị là ai, tôi nói vì mục đích gì và tôi nói theo kiểu đó. Còn người thường tôi không có nói giống như vậy được.


Trích Master Duy Tuệ - Sự Hòa Hợp Của Các Loại Tình Thương – 30.4.2011