"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Các bài đăng trên báo Pháp luật Việt Nam





Kỳ I: Nhập môn Thiền Minh Triết

Thiền và cuộc sống là chuyên mục đặc biệt của Số chuyên đề - Báo Pháp luật Việt Nam (Cơ quan của Bộ Tư pháp). Bắt đầu từ số báo chuyên đề này, chúng tôi xin gửi tới quý bạn đọc phương pháp Thiền Minh Triết Duy Tuệ.

Với mục tiêu đi thẳng vào cuộc sống để giúp mỗi người đạt được các mục đích, lợi ích chân thực của thiền ở ngay chính hoàn cảnh của mình, nhờ vào sự thấu suốt và tỏ tường chính bản thân. Và huân tập thói quen thánh thiện là luôn quan sát tỉ mỉ chi tiết diễn biến của đầu óc, luôn tỉnh thức với từng suy nghĩ, cảm xúc đang diễn ra trong mình, để tạo dựng cuộc sống vui nhiều khổ ít, sống bình an!

Xưa nay, thế giới đã xuất hiện nhiều kiểu, phương pháp hay hình thức thiền khác nhau. Về mặt lịch sử và nhân vật, khái niệm thiền với các phương pháp bắt đầu được công khai và rộng mở từ thời kì Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi Ngài trải nghiệm những trạng thái đặc biệt của đầu óc dưới cội Bồ Đề. Từ Taichi đến Yoga, thiền Tứ niệm xứ, thiền quán hơi thở… đều có mục đích chung là giảm stress, phát triển sự chú ý và tập trung của đầu óc, giảm sự lo lắng, an định nội tâm và tinh thần, khai thông nguồn năng lượng sáng tạo, phát triển tình yêu thương, nhân cách và phẩm hạnh. Các tu sĩ Phật giáo và tôn giáo khác đều học thiền, hành thiền, mà hình thức nhiều nhất là tu thiền trong tu viện và am thất. Nhưng thực tế cho thấy, hiện tượng tiêu cực không phải nhỏ và ngày càng gia tăng. 

Nguyên nhân hay lí do vì đâu?

Mặc dù, thiền ngày càng được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Nhưng không mấy người nhận thức đầy đủ và rõ ràng về thiền trong đời sống thực tiễn, nên cảm thấy thiền rất xa lạ cuộc sống và có phần huyền bí. Sự thật, thiền là gì, nhận thức và sống thiền như thế nào?

Lợi ích của thiền nói chung đều để phục vụ thực tiễn cuộc sống hiện tại của con người, nó chỉ gắn liền và có giá trị với diễn biến cuộc sống đang hiện diện, chứ không mông lung, mơ hồ và huyền bí kiểu huyễn hoặc hay tưởng tượng. Lợi ích chân thực của thiền vô cùng quý báu đối với đời sống mỗi người, nhưng sử dụng phương pháp nào và lấy gì để đo lường hay chứng thực kết quả? Việc thực hành và ứng dụng thiền trong cuộc sống hàng ngày có cầu kì, kiểu cách, kiêng cữ, khó khăn, tốn kém thời gian và tiền của không? Nó có phải là tài sản của riêng những người am hiểu kinh điển, tu học hay nghiên cứu kinh điển lâu năm không?

Bằng trải nghiệm của chính mình thông qua thực hành các phương pháp do Đạo sư Duy Tuệ sáng tạo và chỉ dẫn, có tên tạm là Thiền Minh Triết mà Chuyên mục giới thiệu, bạn sẽ tự tỏ tường mọi vấn đề, sống và hưởng thụ trọn vẹn lợi ích của thiền!

Các phương pháp này giúp bạn nhận thức tỏ tường về thiền là cuộc sống chân thực, mà con người từ 6 tuổi trở nên bắt đầu thực hành, ứng dụng được trong cuộc sống của mình. Trong khi thực hành, bạn sẽ tự mình nhận thức rõ về thực chất của thiền, và khái niệm thiền, kiến thức và hình thái về thiền gần như không còn tồn tại, bởi vì, bạn đã đi vào trạng thái sống thiền - một cuộc sống đặc biệt đang diễn ra (sống bằng trực giác). Nói cách khác, ở trạng thái sống thiền, thì không còn khái niệm, quan niệm, kiến thức, tư thế hay hình thức về thiền nữa, bạn đã hợp nhất thiền với cuộc sống chính mình. Nghĩa là, bạn sẽ đi vào trạng thái sống trực giác từng phút giây, để chất lượng cuộc sống hoàn hảo mà chữ thiền hay mọi khái niệm về thiền và hình thức thiền không còn tồn tại nữa.

Thiền Minh Triết diệt tận gốc các vấn đề trong đầu óc, để an định nội tâm thực sự với tính chất bền vững. Nghĩa là, dùng khả năng nhận thức, ý chí để khám phá, hiểu biết và giải quyết tận gốc những vấn đề gây ra bất an cho đầu óc. Từ đó, giảm stress và khổ đau, mở ra sự thấy rõ về con đường sống sung sướng, hạnh phúc và bình an, làm lợi lạc cho cộng đồng. Trong số hàng ngàn người là đệ tử hay theo học với Đạo sư Duy Tuệ, thì 99,9% đạt kết quả như vậy. Điều đặc biệt là, họ vẫn đang sống và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh viên, học sinh, thiếu nhi, người lớn tuổi, tại chức, nhân viên hành chính, doanh nghiệp… cả trong và ngoài nước. Họ minh mẫn, đoàn kết, thân thiện, vui vẻ, bình tĩnh hơn trong mọi hoàn cảnh. Với kết quả thực tế trải nghiệm như vậy, khẳng định rằng, mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội đều có thể học, ứng dụng Thiền Minh Triết và đạt kết quả tốt cho tinh thần như sự tập trung, thấy rõ con đường hạnh phúc, bình tĩnh trước mọi sự việc, sống hòa bình, phát triển trí nhớ, phát triển cuộc sống sung túc, hạnh phúc bản thân, gia đình, góp phần ổn định xã hội.

Theo Chuyên đề số 4/ Tháng 1.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam




Kỳ II: Thiền Minh Triết, đặc điểm và phương pháp

Để hiểu được những đặc điểm của các phương pháp này, bản thân bạn cần thực hành và trải nghiệm. Tuy nhiên, có thể tạm tóm tắt một số đặc điểm như sau:

Đặc điểm của Thiền Minh Triết

Để hiểu được những đặc điểm của các phương pháp này, bản thân bạn cần thực hành và trải nghiệm. Tuy nhiên, có thể tạm tóm tắt một số đặc điểm như sau:

- Là phương pháp kích hoạt (activate) không gian tĩnh lặng vô tận của đầu óc, để quan sát mọi dấu hiệu hay hiện tượng đang xảy ra và vận hành trong chính nó như các suy nghĩ, ý tưởng, đánh giá, suy luận, hơn thua, thèm thuồng, nhớ tưởng về chuyện đã qua, tưởng tượng chuyện sắp đến. Làm như vậy, sẽ lấy lại được bầu trời thanh bình dễ chịu và minh mẫn, ứng xử tự nhiên và thành công, phù hợp mọi hoàn cảnh mà đầu óc vẫn luôn gìn giữ được sự hồn nhiên.

- Là thường xuyên nhận biết các cảm xúc (emotion) như lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đau buồn, tức giận, thất vọng, tuyệt vọng… đang chạy trên cơ thể để qua đó chúng mất đi và đầu óc trở lại bình yên dễ chịu, tỉnh táo và sáng suốt trước mọi biến động của hoàn cảnh.

- Là các phương pháp thực hành để dừng sự tin tưởng hay lòng chấp của mình vào ý nghĩ hay ý tưởng trong đầu óc. Khi đó, một không gian tỉnh thức vô tận sẽ mở ra và cho mọi trí tuệ cần thiết để tồn tại trong niềm vui hoà bình và hạnh phúc thật sự! Kết quả của đời sống Minh Triết là đầu óc lúc nào cũng bình yên, an lạc và một tình yêu không bị bất cứ điều kiện nào của cuộc sống hình thức và ý tưởng chi phối. Tình yêu này sẽ dâng trào và là vẻ đẹp tuyệt hảo của con người! Tình yêu này cũng cho con người hạnh phúc vô tận bởi sự chứng ngộ tình yêu chân thật, chứ không phải tình yêu theo ý nghĩ và thoả mãn ý nghĩ của mình.

- Là bí quyết thưởng thức niềm vui và hạnh phúc bên trong tâm hồn.

Phương pháp

Thực hành và ứng dụng Thiền Minh Triết không phải là vấn đề tu hành, mà là phát triển những phẩm chất cao quý nhất của con người, trong đó, có phẩm chất mở rộng tầm vóc của sự thấy, thấy rõ ràng mọi sự việc, sự kiện diễn biến trong đầu óc hay nội tâm và bên ngoài. Nói theo một nghĩa nào đó, thì Thiền Minh Triết không mang khái niệm tu hành, nó là những phương pháp để luôn có phong cách sống hiện đại, phù hợp với môi trường xung quanh và thế giới đang hoặc sẽ diễn ra! Người thực hành sẽ phát triển phong cách sống hiện đại từ bên trong đầu óc và trở thành thói quen bên ngoài, xây dựng. Phần bên trong của phong cách sống hiện đại là ý thức, ý tưởng, ý chí và phần bên ngoài là thói quen thực hành. Phong cách sống hiện đại mở rộng và phát triển tầm nhìn riêng, vượt thoát ra khỏi kho tàng kiến thức và kinh nghiệm, hình thành không gian sáng tạo đặc biệt trong đầu óc.

Việc thực hành Thiền Minh Triết không cầu kì, không mất thời gian, thực hành và ứng dụng ngay trong từng việc hàng ngày với tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hành và ứng dụng sẽ có lúc thành công, lúc thất bại do chưa hình thành thói quen. Nhưng quan trọng là không nản chí, chăm chú thực hành và ứng dụng đúng phương pháp. Một trong các phương pháp cụ thể là kết hợp giữa nghe pháp âm và thực hành, đồng thời, trao đổi kinh nghiệm thực hành để rút kinh nghiệm.

Tính chất chung nhất của Thiền Minh Triết là mở ra không gian vô tận trong đầu óc, được chia thành trình độ căn bản và chuyên sâu.

Trình độ căn bản để giảm stress, đầu óc bình yên vì thiếu vắng hoạt động của suy nghĩ. Người thực hành tập sống đi vào giai đoạn thăng hoa tinh thần. Chuyển hoá từ khổ đau sang chấm dứt khổ đau và trở thành người sáng tạo, hạnh phúc và yêu thương.

Trình độ sâu thẳm là đi vào nhận rõ bản chất của suy nghĩ, các ý tưởng, tư tưởng để có thể làm giảm sự tàn phá của chúng đối với đời sống tinh thần, thể chất. Ở trình độ này, người thực hành sẽ thưởng thức những sự nhiệm màu của tỉnh thức và gần như chủ động đến 99% tách ý nghĩ ra khỏi tỉnh thức.
Trình độ căn bản rất thiết thực cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm các tư thế như ngồi, đi, đứng, nằm, làm việc, nói năng và quan sát các suy nghĩ trong đầu. Có thể sáng tạo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kĩ thuật thiền hay kĩ thuật quan sát và lắng nghe, để không gian tỉnh thức bừng sáng và làm chủ suy nghĩ. Khi người thực hành quen rồi thì tự sáng tạo ra các phương pháp phù hợp với hoàn cảnh riêng.

Trình độ căn bản giúp người thực hành tập một thói quen hoàn hảo cho đầu óc. Thay vì để đầu óc tự do suy nghĩ, thì đưa đầu óc về sự thường biết thông qua thói quen quan sát và lắng nghe, thói quen này chính là mục tiêu. Hạnh phúc, niềm vui cũng như những điều kì diệu mà người thực hành thụ hưởng nằm trong thói quen thánh thiện và hoàn hảo đó, và có nhiều lợi ích gần như không giới hạn. Lợi ích dễ thấy ngay là giảm stress, lo lắng, đầu óc bình yên, kiểm soát được các cảm xúc do suy nghĩ gây ra, có được thói quen thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc bên trong, khi cái đầu trở nên yên lặng.

Theo Chuyên đề số 8/ Tháng 2.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam



Kỳ III: Lợi ích thiết thực có thật và lâu dài của Thiền Minh Triết

Thiền Minh Triết đem lại ngay nhiều lợi ích không sao kể hết được, cả hữu hình và vô hình. Trước nhất và trên hết là một thực tại an lạc nội tâm sẽ xuất hiện và mọi điều kì diệu, mọi lợi ích đều bắt đầu từ nguồn gốc này. Xin nêu một số lợi ích ở mức bình thường, nhưng cần thiết với mong ước đời thường trong thời gian đầu thực hành, coi như là phần thưởng khuyến khích người thực hành sống Minh Triết.

1. Giúp phục hồi và tăng cường sức khỏe

Trạng thái đầu óc con người liên quan mật thiết đến tình trạng sức khoẻ cơ thể. Nó có sức mạnh gây ra bệnh tật, làm suy yếu sức khoẻ (phát tác từ bên trong). Ngược lại, nó giúp cân bằng hay ổn định (trường hợp duy trì sức khoẻ dẻo dai), phục hồi và tăng cường sức khoẻ (trường hợp bị bệnh tật, bao gồm cả nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài).

Có ba nguyên nhân chính trong đầu óc gây nguy hại cho sức khoẻ. Thứ nhất là do cái đầu làm việc hay hoạt động quá mức mà hiệu quả không như mong chờ. Trường hợp này, áp lực của dòng suy nghĩ và các cảm xúc buồn lo, tức giận, không toại nguyện hoặc chưa vừa ý… gây ra các bệnh hiểm nghèo ở các cơ quan tim mạch, thận, gan, dạ dày, não bộ... Thứ hai là do cái đầu làm việc theo hướng tin vào kinh nghiệm chủ quan, đến nỗi tạo ra thói quen mà bản thân không chống nổi, đặc biệt là thói quen ăn uống theo khẩu vị không còn phù hợp với tình trạng cơ thể. Nguyên nhân thứ ba rất quan trọng là cái đầu không thật sự bình yên, do chưa hiểu chính nó nên không thể lắng nghe và thấu hiểu quy luật vận hành tự động của bộ máy huyền nhiệm của cơ thể mà tạo hóa ban. Tình trạng này dẫn đến bệnh hoạn cho cơ thể, đời sống tinh thần cũng dễ bị suy nhược, rối loạn.

Người thực hành Thiền Minh Triết, thì dễ khôi phục tính tự nhiên của đầu óc và cơ thể. Do vậy, sức khoẻ nhanh chóng được cân bằng hay ổn định, hồi phục và tăng trưởng.

2. Đem lại may mắn cho cuộc sống cá nhân và gia đình

Mọi người đều mong cầu may mắn cho cuộc sống cá nhân và gia đình. Khi trẻ, đầu óc hồn nhiên hơn nên may mắn tự nhiên đến nhiều hơn, đó là lí do hầu hết ai cũng có một thời may mắn trong đời. Qua thời gian, kinh nghiệm cá nhân tích tụ và phát sinh nhiều, rồi con người tin vào kinh nghiệm riêng ấy nên lực hồn nhiên của tạo hóa nơi đầu óc không còn đủ sức chiêu cảm may mắn, xui rủi lại dễ đến và đến nhiều hơn. Con người bắt đầu phải làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng vẫn khó khăn, đối phó trăm bề và đầy phức tạp.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm và cảm xúc xui rủi của những người chung quanh cũng ảnh hưởng xấu, làm cho bản thân thêm khó khăn hơn. Ngoài ra, sự vật, con người và hoàn cảnh luôn thay đổi, trong khi đó, cái đầu lại bám lấy kinh nghiệm cũ kĩ, cứng nhắc rất tai hại.

Nghe và thực hành Thiền Minh Triết, đầu óc, tâm hồn được khôi phục dần trạng thái tự nhiên và sức mạnh tự nhiên của đầu óc sẽ tái tạo sự may mắn. Thực hành lúc nào, hưởng lúc ấy. Người thực hành thường xuyên, sẽ sống trong từ trường may mắn đến cuối đời.

Do trạng thái đầu óc bình yên mà phát triển trí sáng, để nhìn thấy mọi việc tỏ tường. Từ đây, sinh ra cách ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh. Đặc biệt, nghe pháp âm và thực hành, giúp cái đầu trở về trạng thái bình yên sơ khai của nó. Sự bình yên này được kích hoạt bởi nhận thức thanh tịnh của đầu óc về chính nguồn năng lực bình yên sơ khai. Đây là khám phá đặc biệt mà tôi tình cờ trải nghiệm, như có sự sắp đặt, để chia sẻ với mọi người. Thực hành Thiền Minh Triết thông qua nghe pháp âm với các phương pháp cụ thể (sẽ đăng tải ở các kì tiếp theo), chắc chắn sẽ ngăn chặn được rủi ro, câu thông nhiều may mắn. Dù điều này hoàn toàn logic và khoa học, nhưng không dễ hiểu bằng đầu óc đơn thuần, chỉ sau một thời gian thực hành mới tự thấy rõ ràng.

3. Giúp hình thành nhân cách sống Minh Triết (thói quen bình tĩnh, tính chất minh mẫn)

Nhân cách Minh Triết hay tạm gọi là phẩm chất minh mẫn, khôn ngoan của con người, gồm hai phần là đầu óc hay tâm hồn minh mẫn bên trong và phong cách sống hiệu quả bên ngoài. Hai phần này đem lại giá trị sống chân chính và tạo sức chiêu cảm rộng lớn, ảnh hưởng tốt đẹp cho cá nhân và cộng đồng.

Phần bên trong là bộ não hoạt động chuẩn xác, hoàn hảo, hiệu quả, từ sự thấy đến các quyết định không lầm lạc. Để được vậy, phải thường nhận biết bốn tình trạng cơ bản trong đầu óc: nhận biết về tính biết của chính mình; nhận biết các ý tưởng đang xuất hiện khi đối cảnh hay nhớ tưởng về quá khứ; nhận biết đầu óc đang nảy sinh nhiều suy nghĩ từ ý tưởng; nhận biết các cảm xúc sinh khởi do suy nghĩ. Chỉ cần nhận biết và thường xuyên nhận biết rõ là được. Nghĩa là, chỉ cần luôn nhận biết (thấy rõ) các tình trạng ấy đang diễn ra trong đầu óc, chứ không cần điều chỉnh chúng. Sự nhận biết sẽ giúp bộ não trở lại tình trạng tốt và ổn định hơn. Song song với sự luôn nhận biết những tình trạng trên, trong đầu phải được xây dựng giấc mơ (ước nguyện) lớn cho quê hương, dân tộc được thế giới tôn trọng. Để thực hiện được, phải tập phát triển tình yêu của mình với dân tộc, quê hương. Tình yêu này sẽ mở ra tình yêu lớn với nhân loại. Cần biết rằng, tình yêu từ con tim nuôi dưỡng cái đầu và như vậy, cái đầu sẽ không hủy hoại con tim.

Phần bên ngoài là phong cách sống, phong cách hành xử mà người khác dễ thấy. Do tình trạng cái đầu tốt, ổn định nên hiện ra nét lạc quan trên gương mặt, thể hiện nụ cười hòa ái, dễ gây thiện cảm chung quanh. Phong cách đi đứng nằm ngồi thong thả, phong độ, tạo cảm mến và tôn trọng của mọi người. Từng cử chỉ, từ lời ăn tiếng nói (lời nói không bao giờ tiêu cực hay ủy mị, yếu đuối.) đến cái bắt tay… cũng thể hiện tính trong sáng, sự lộng lẫy của tâm hồn. Nói chung, bên ngoài thể hiện chất liệu sống bên trong cái đầu và con tim.

Tóm lại, khi thực hành Thiền Minh Triết sẽ phát triển sự sáng suốt, bình tĩnh, tâm hồn thoải mái, tạo ra nhiều cảm hứng hữu ích cho chính bản thân và cộng đồng.

4. Giúp phát triển tinh thần lạc quan thường xuyên trong cuộc sống

Người thực hành Thiền Minh Triết, thì cảm giác hài lòng, thoả mãn luôn hiện hữu, tạo ra sự lạc quan trong cuộc sống. Giúp tuôn chảy năng lực yêu đời, tỉnh táo và sáng tạo trước mọi hoàn cảnh, để bản thân thường thấy thoải mái hay toại nguyện với cuộc sống cá nhân và cuộc đời đầy phức tạp. Sáng tạo ra cách ứng xử rất tự nhiên với mình, với đời mà không nhọc công suy nghĩ.

Các phương cách thiền hay định tâm thông thường đang được phổ biến trên thế giới như quán âm thanh, hơi thở, tập trung tỉnh thức, tài chi hay khí công, yoga… chỉ tạm thời đem lại sự bình yên cho đầu óc lúc thực hành. Sau đó, đầu óc vẫn trở lại tình trạng bất an. Còn trạng thái thường hài lòng, mãn nguyện từ thực hành Thiền Minh Triết hiện hữu là do tính hiểu biết và tính thương cảm nhiệm màu có sẵn bên trong được kích hoạt, nên tác động rất đặc biệt đến não và giúp đầu óc người thực hành mở ra cái thấy đa chiều với thế giới chung quanh. Đặc biệt, nó tự thấy rõ ràng các trạng thái trong chính nó.

Tóm lại, do biết dùng nhận thức khởi động tính thấy biết và tính thương cảm, nên não thường hoạt động ở trạng thái tích cực, giúp người thực hành thấy biết thật rõ đầu óc mình, thấy biết rõ cơ thể và đời sống tinh thần của mình. Bên cạnh đó, người thực hành đồng thời thấy biết hay thấu rõ sâu thẳm cách làm việc của đầu óc, hiểu được bản chất thế giới rộng lớn. Những thấy biết đó đưa đến kết quả tự nhiên là sống hạnh phúc, tươi vui giống như mãn nguyện hoàn toàn cuộc đời mình, cách hành xử như sống trong đời lại tự do hoàn toàn với cuộc đời. Thật tuyệt vời!

5. Giúp chuyển hóa tình trạng bế tắc sang thuận lợi

Trong cuộc sống, mọi người luôn phải đương đầu với những khó khăn, nan giải mà đầu óc đã tận lực nhưng vẫn không hiệu quả hay đã thấy thất bại rõ ràng. Với các tình huống như vậy hay tương tự, người thực hành Thiền Minh Triết sẽ hợp nhất được sức mạnh vô hình màu nhiệm của trạng thái thấy biết, tĩnh lặng trong đầu óc với sức mạnh nhiệm màu tĩnh lặng tự nhiên của tạo hóa. Lực và luật của sự hợp nhất tự động chuyển hóa tình hình đang bế tắc sang thuận lợi (lực màu nhiệm này chỉ xuất hiện với người thực hành thường xuyên). Do đầu óc thông thường của con người không thể biết được bí mật màu nhiệm của sự chuyển hoá đó (vì không thể diễn giải hay mô tả bằng lời lẽ và chữ nghĩa), nên nghĩ là chuyện không tưởng. Nhưng thực tế, nhiều người đã thực hành và thu đạt kết quả kinh ngạc mà đầu óc không thể lí giải được, chỉ thấy và biết rõ kết quả vậy thôi.

6. Giúp trẻ em phát triển trí thông minh và khôn ngoan

Trẻ em có sẵn bản tính hồn nhiên, sự trong sáng, do chưa nhiễm nhiều kiến thức, kinh nghiệm của cuộc sống nên tiếp cận Thiền Minh Triết với tính tự nhiên, không bị vướng mắc khái niệm về thiền. Các em thực tập thông qua lắng nghe, hỏi – đáp và áp dụng hàng ngày, giúp phát triển tính tập trung học tập, kích hoạt khả năng quan sát và lắng nghe xung quanh, hay hỏi về những vấn đề đang diễn ra trong bộ não và cuộc sống bên ngoài, phát triển những thói quen tốt là lưu tâm, thắc mắc về bộ não của mình. Thiền Minh Triết tập cho các em tiểu học, nhất là trung học quan tâm đến sức mạnh tinh thần, tập thắc mắc về sự hình thành các ý tưởng trong đầu óc - điều vô cùng quan trọng, vì sẽ giúp các em đi thẳng vào trạng thái khai mở trí sáng và tính khoa học trong đầu óc mình.

Nhiều em từ 6 – 14 tuổi, ở trong cũng như ngoài nước đã thực hành và phát triển tính chú ý học tập tốt, đạt kết quả cao. Hàng ngày, các em biết cách ứng xử khôn ngoan, bình tĩnh, phát triển tính trách nhiệm với chính mình, biết cách cảm ơn và giúp đỡ cha mẹ, người giúp đỡ mình. Đặc biệt là các em biết cách tự bảo vệ sự trong sáng của đầu óc mình, bởi vì, càng ngày các em càng hiểu được tính chất của bộ não. Tất cả trẻ em thực hành đều đạt thành quả vậy. Với trẻ em, Thiền Minh Triết là phương pháp giáo dục rất giá trị, mang tính toàn cầu!

7. Cung cấp cho tuổi trẻ hành trang vào đời đầy tự tin và yêu đời

Giới trẻ thực hành Thiền Minh Triết là chuẩn bị đầy đủ hành trang bước vào đời tự tin nhất. Khi thực hành, đầu óc tuổi trẻ dần sáng tỏ, minh mẫn để biết rõ mục đích lâu dài và trước mắt mà bản thân cần theo đuổi, biết rõ cần ưu tiên làm gì và làm thế nào để có kết quả tốt nhất. Lúc đang học tại trường thì rất dễ đạt điểm cao và có nhiều sáng tạo trong học tập.

Thiền Minh Triết giúp tuổi trẻ biết phát triển trí chủ (sự thấy hay kiến thức riêng mình) bên cạnh phát triển kiến thức trong nhà trường. Do sự quan tâm phát triển trí chủ ngay lúc đang học, nên tuổi trẻ biết cách tiếp thu và phát triển kiến thức ở trường theo hướng chủ động và sáng tạo của trí chủ, để có lợi nhất sau tốt nghiệp. Vì nhận thức về phát triển trí chủ cùng lúc với kiến thức trong trường học, tuổi trẻ có khả năng sáng tạo trong đầu óc bức tranh cuộc đời mình với tính khoa học cao, gần gũi với thực tiễn. Trong bức tranh ấy, họ biết cái gì là mới và quan trọng nhất cho đời mình, để khi tốt nghiệp, sẵn sàng làm một cuộc đổi đời đầy tự tin và yêu đời bằng cách biến bức tranh thành hiện thực.

Thiền Minh Triết đơn giản, tự nhiên, rất dễ và được thực hành ngay lúc đang học tập. Việc thực hành giống như đang giải trí, nên không bị căng thẳng.

Thiền Minh Triết không phải là một cách thực hành tâm linh của tôn giáo nào đó, mà là cách giúp cho tính biết hay khả năng hiểu biết có sẵn tác động thật tốt lên não, làm cho não bộ hoạt động hoàn hảo và thường hướng về phát triển tình yêu với dân tộc, yêu đúng nghĩa chính bản thân, yêu cả nhân loại, yêu cuộc sống vốn đầy sinh động và phức tạp. Trong trường hợp hoàn hảo, tình yêu này giúp trái tim phát triển màu nhiệm, rộng lớn vô tận. Vì vậy, trí thấy biết của tuổi trẻ sẽ phát triển không thể ngờ được.

Người tuổi trẻ thực hành Thiền Minh Triết, chắc chắn sẽ phát triển trí thấy đa chiều rộng lớn; lòng trắc ẩn với dân tộc mình và thế giới chung quanh; phát triển lòng quả cảm cùng ý chí mãnh liệt cho cuộc sống riêng và dân tộc, gắn liền vinh quang với toàn nhân loại; phát minh những giấc mơ tuyệt hảo, để dẫn đường và làm động lực tích cực cho cả đời.

Nhiều bạn trẻ trong nước đang học phổ thông và đại học thực hành Thiền Minh Triết đã thay đổi lớn lao về cuộc đời và phong cách sống theo hướng hài lòng, yêu đời. Các bạn trẻ có thể tiếp xúc với những người rất trẻ trong Đại gia đình Minh Triết, để hiểu rõ thêm và được giúp đỡ thực hành.

8. Giúp phát triển phẩm chất lành mạnh và khả năng sáng tạo lạ kì trên tri thức chuyên môn

Tất cả người thực hành Thiền Minh Triết đúng cách sẽ phát triển các phẩm chất lành mạnh. Nhiều người đã thay đổi hẳn cái nhìn và cách cư xử theo hướng tiến bộ, ôn hoà, bình đẳng, công bằng, tôn trọng đời sống và nét riêng của người khác. Họ phát triển suy nghĩ tích cực và giảm tối đa suy nghĩ tiêu cực. Họ kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực, ăn nói ôn hoà, lịch sự, nhã nhặn. Đặc biệt, nhiều gia đình tránh được bất hoà, phát triển sự thương yêu, đoàn kết. Nhiều trường hợp từ một người thực hành, sau đó, cả gia đình lớn cũng thực hành và tạo sự thay đổi lớn. Gương này ngày càng được phát triển rộng, từ trong đến nước ngoài.

Đối với người đang có tri thức chuyên môn, Thiền Minh Triết giúp phát triển khả năng sáng tạo kì lạ trên lĩnh vực chuyên môn tương ứng. Mỗi người đang đảm đương vị trí xã hội, đều phát huy được kết quả đẹp nhất, do việc thực hành giúp con tim và cái đầu luôn hoạt động trong tình yêu thương rộng lớn và vô điều kiện.

9. Giúp người già sống và ra đi nhẹ nhàng, bình an

Các đặc điểm trong người lớn tuổi phổ biến nhất như cố chấp về những cái nhìn và đánh giá của mình; hay hồi tưởng và để dòng suy tư trở về quá khứ; thường có những cảm xúc lo lắng, băn khoăn, sợ hãi vì biết bản thân sẽ phải đối diện cái chết đang đến dần; lo lắng và thắc mắc sau cái chết là gì; lo lắng cho những người ở lại, làm cho người già luôn bất an, đời sống tinh thần rất nặng nề và dẫn tới sức khoẻ không ổn định.

Người già thực hành Thiền Minh Triết, sẽ ngộ ra được những điều đang trói buộc hay tra tấn đời sống tâm linh thật của mình. Từ đó, đầu óc trở nên như bầu trời trong sáng, không gợn bóng mây và sẽ phát triển những kiến thức riêng rất khoa học, rõ ràng về tâm linh mình: Hiểu thế nào là tâm linh chân thật; thấy khi ngừng hơi thở thì đời sống tâm linh chân thật sẽ như thế nào. Từ đó, chấm dứt các ý tưởng ảo huyền, lo sợ vu vơ và lúc ấy, đầu óc họ như đang ở trong một thiên đàng mà con người chưa từng biết tới. Kiến thức đặc biệt đó giúp họ có đời sống hết sức nhẹ nhàng và ra đi bình an khi thời điểm đến. Nhưng lưu ý rằng, những điều vừa nêu chỉ được hiểu trong quá trình thực hành.

Tóm lại, người lớn tuổi thực hành Thiền Minh Triết giúp phá tan lòng chấp, phá tan kí ức sâu dày, tận hưởng được những ngày tháng cuối đời êm đềm với cảm xúc yêu thương thuần khiết, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trong vinh quang sau một cuộc đời làm người!

10. Giúp người bị bệnh hiểm nghèo, đang khủng hoảng tinh thần bình tĩnh và thanh thản hơn
Người mắc bệnh hiểm nghèo thường bị khủng hoảng tinh thần do lo lắng về cái chết và hậu quả của nó, nên đầu óc giống như đang sống trong địa ngục. Thiền Minh Triết sẽ giúp họ nhìn thấy đời sống lành mạnh và hoàn hảo bên cạnh đời sống đang mang bệnh.

Nhờ Thiền Minh Triết với những phương pháp đơn giản như quan sát hơi thở, lắng nghe âm thanh chính mình, lắng nghe và hiểu tình trạng làm việc hay lo lắng quá đáng của đầu óc mình mà đầu óc người bệnh phát triển nhẹ nhàng hơn, giúp lưu thông máu huyết, tăng lượng oxy vào cơ thể. Thiền Minh Triết giúp người bệnh dần dần cảm nhận được con người màu nhiệm, không tật bệnh ngay trong cơ thể họ. Sự cảm nhận này vô cùng quan trọng, vì nó tạo ra sức mạnh tâm linh vĩ đại để người bệnh chấp nhận thực tại của cơ thể. Người bệnh thường đưa đầu óc mình về con người màu nhiệm huyền bí đó, thì sức mạnh tâm linh có khả năng khôi phục dần sức khoẻ, cân bằng được cơ thể, để cơn bệnh hiểm nghèo thuyên giảm, vượt thoát sự đau đớn thể xác do bệnh tật hành hạ. Bí quyết này đã giúp rất nhiều bệnh nhân vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Trường hợp không vượt qua được, thì bí quyết giúp họ ra đi mãn nguyện, và những người thân cũng cảm nhận được sự an lạc lạ kì khi không may người thân mất. Một trong những người áp dụng thành công bí quyết này là Hiền giả Minh Triết Tuệ Từ (Nguyễn Hồng Công, cô gái mắc bệnh thận rất hiểm nghèo, hiếm thấy, phải chạy thận nhân tạo đăc biệt, để lại cho đời một biểu tượng nụ luôn lạc quan, yêu đời, tràn đầy sinh lực sống, tác giả của “Khát vọng sống để yêu”, “Ở trọ trần gian” và “Nụ cười ở lại”), mà nhiều người đã biết.

Thiền Minh Triết là phương pháp kì diệu trên thế gian cho người mang bệnh hiểm nghèo tìm hiểu, thực hành, khi điều trị và an dưỡng. Chí ít, cũng có tinh thần lạc quan, sức sống tươi mới và để lại yêu thương cho đời, an vui tự tại lúc ra đi.

11. Giúp cho người khiếm thị sống lạc quan

Người khiếm thị không có khả năng nhìn thấy bên ngoài bằng mắt thịt, hay bị gieo vào tâm trí những ý tưởng về “nghiệp chướng”, “nhân quả”, “quả báo”… nên thường sống bi quan, khép mình và có thành kiến không tốt với người khác.

Nhiều người khiếm thị đang thực hành và sống rất lạc quan, tự tin. Họ phá bỏ những quan niệm sai lạc về “nghiệp chướng”, “quả báo”, cũng như những ác mộng ảo huyền về kiếp trước kiếp sau. Từ đó, khai thông dòng tâm thức và tự biết kích hoạt, sử dụng tốt hơn khả năng thấy biết qua các giác quan còn lại như sự nghe và hiểu qua tai, hiểu vị qua lưỡi, hiểu mùi qua mũi và cảm giác qua làn da.
Điển hình là gia đình khiếm thị ở Tuy Hoà (hai vợ chồng và cậu con trai), sau thời gian ngắn thực hành đã không còn mặc cảm, biết phát triển khả năng của các giác quan còn lại. Đặc biệt, họ biết hồn nhiên thưởng thức cuộc sống, yêu đời và làm điều lợi ích cho người khác như hoặc hơn cả người không khiếm thị. Cậu con trai tuy nhỏ tuổi nhưng rất yêu âm nhạc và đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ như là phương tiện phục vụ cuộc sống. Người khiếm thị thực hành Thiền Minh Triết, sẽ giúp cuộc đời thay đổi hoàn toàn, theo hướng sống có ích, giá trị và tươi vui!

Theo Chuyên đề số 12/ Tháng 3.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam




Kì IV: Nội dung thực hành Thiền Minh Triết

Nội dung thực hành Thiền Minh Triết

Các bài sử dụng hơi thở để thiền

Nội dung thực hành

Nội dung thực hành của Thiền Minh Triết gồm hai phần là pháp âm và bài tập.

Phần nghe pháp âm

Pháp âm có tác dụng làm cho đầu óc được khai thông, không còn bế tắc bởi các kinh nghiệm sống chồng chất lâu đời. Nhờ thế, đầu óc bắt đầu xuất hiện bình yên, ổn định và phát triển cách nhìn về chính mình, về những vấn đề liên quan đến mình mới hơn và thoát ra khỏi các ảnh hưởng hay khuôn mẫu định sẵn, trí làm chủ bắt đầu hoạt động. Bên cạnh đó, cái nhìn về thế giới chung quanh cũng khác lạ hơn trước. Nghĩa là, mở ra tầm nhìn Minh Triết hoàn hảo, không sai lầm và các lực vô hình Minh Triết trong đầu óc tự do sẽ tham gia vào cuộc sống hàng ngày theo hướng tích cực, giúp người thực hành toại nguyện những nỗ lực chính đáng. Quý bạn đọc truy cập các website: duytue.org; duytuequote.com; duytuechildgenius.com để nghe hoặc liên hệ với chuyên mục.

Phần sử dụng hơi thở để thực hành
Các bài thiền ở trình độ căn bản phát triển các tính chất rất quan trọng thuộc về nâng cao chất lượng bộ não, bao gồm:
- Phát triển lực tỉnh thức và kiểm soát hay làm chủ các suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc.
- Phát triển lực tỉnh thức và khả năng tập trung hay chú ý mức cao nhất của bộ não.
- Khôi phục lại tính tự nhiên của hệ thần kinh và não bộ, để trung tâm não được vận hành tự nhiên và tự động xử lí, đáp ứng các tình huống xảy ra cho đời sống, sinh mệnh của ta.
- Phát triển không gian sáng tạo trong đầu óc ngày càng nhiều, để thường xuyên có những sáng tạo mới phù hợp với thực tế xảy ra.
- Phát triển cảm giác dễ chịu để tăng năng lượng làm việc.
- Phát triển thói quen mới cho đầu óc và dần dần giúp tình trạng của não, tế bào thần kinh trở về tính chất tự nhiên. Nghĩa là, đưa đầu óc hoạt động và làm việc theo luật tự nhiên của nó, chứ không theo lối mòn kinh nghiệm.
Chú ý: Trong khi thực hành mà thấy những “hình ảnh” lạ là hoàn toàn sai.
Nghe và thực hành cùng lúc hai nội dung trên, có lợi ngay tức thời và cứ thế thực hành mỗi ngày. Bạn hãy ứng dụng vào ngay lúc làm việc, để tập phát triển khả năng chú ý hay tập trung của đầu óc; phát triển khả năng nhận thức và kiểm soát các ý tưởng, cảm xúc. Trong quá trình thực hành, cần chia sẻ với người đã (hay cùng) thực hành, để được giúp gỡ dần những chỗ còn vướng trong đầu óc kinh nghiệm.
Các bài thực hành căn bản về hơi thở

Sử dụng hơi thở để thiền hay tập được thói quen thánh thiện là tập trung chú ý – quan sát – nhận biết (thấy rõ) là căn bản và dễ thực hành nhất, gồm ba bài, với mục đích lớn nhất là làm cho lực tỉnh thức (sự thấy biết thuần tuý) bùng dậy và hiện hữu. Nếu thiếu sự thấy biết thì không được coi là thiền. Ai cũng tự động thở 24/24, nhưng không chú ý vào hơi thở và không đưa sự biếttrên hơi thở nên không gọi là thiền được. Có nghĩa, nói tới thiền là nói tới sự tập trung chú ý, quan sát và thấy biết rõ ràng, chứ không có gì khác.

Điểm lưu ý

Mô tả chung: Trong các bài thiền về hơi thở, tạm hình dung quan sát và lắng nghe là tập trung toàn bộ sự chú ý của đầu óc hướng về đối tượng được quan sát, để nhận biết rõ đối tượng (hơi thở). Có nghĩa, tập trung quan sát và lắng nghe bằng khả năng trong não bộ và thấy rõ, biết rõ tình trạng của hơi thở trong lúc đang được ứng dụng để thiền. Ví dụ, thấy rõ hơi thở dài hay ngắn, âm thanh to hoặc nhỏ, hơi thở vào - ra rất nhẹ nhàng hay im lặng.

Có thể sáng tạo nhiều hình thức thiền khác nhau về hơi thở, nhưng không được quên đặt sự biếttrên tình trạng hơi thở đang vào - ra. Có thể điều chỉnh cách thở ngày càng nhu nhuyễn, ngắn dần, nhỏ dần để sự quan sát và lắng nghe tập trung hơn.

Tinh thần: Nên phát ý nguyện, “Tôi nguyện tập thói quen sống trong lực tỉnh thức (awakening) của cái đầu, không để các suy nghĩ, ý tưởng hay các cảm xúc tự do tàn phá đời sống tinh thần và che lấp thế giới minh mẫn của tôi là lực tỉnh thức. Thói quen này sẽ đem lại niềm vui lớn cho tôi!”

Ăn uống: Theo nhu cầu và phù hợp với sức khoẻ của thân thể.

Quần áo: Mặc sao cũng được, miễn là thật thoải mái, không vướng bận.

Địa điểm: Bất cứ đâu. Nhưng nếu có dịp thực hành nơi thiên nhiên yên tịnh thì đừng bỏ qua, vì riêng cảnh yên tịnh của thiên nhiên cũng đã giúp đạt trên 50% kết quả. Bởi lẽ, bản chất yên lặng của thiên nhiên và trạng thái tỉnh thức là một, nên rất có lợi.

Thời gian: Không nên làm theo lịch trình trong ngày, vì ngược với bản chất của thiền chân chính là thật tự nhiên và thoải mái. Làm lịch trình cứng nhắc dễ lọt vào thiền hình thức, thực chất, không được hưởng thụ thiền. Cần biết, thực hành thiền là tập thói quen thánh thiện để thụ hưởng hạnh phúc và niềm vui bên trong ngay khi thực hành - lúc cái đầu bắt đầu yên lặng. Bất cứ khi nào thấy có nhu cầu hay hứng thú thì thực hành.
Thời lượng: Tuỳ thích nhưng ít nhất từ năm phút và không quá lâu, vì dễ chìm trong trạng thái không suy nghĩ mà vẫn mất lực tỉnh thức. Nên đặt chuông báo để ấn định thời gian muốn thực hành, khi quen rồi thì không cần nữa.

Thời lượng: Tuỳ thích nhưng ít nhất từ năm phút và không quá lâu, vì dễ chìm trong trạng thái không suy nghĩ mà vẫn mất lực tỉnh thức. Nên đặt chuông báo để ấn định thời gian muốn thực hành, khi quen rồi thì không cần nữa.

Tư thế: Tất cả các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Thiền ngồi cần thiết nhưng không để chiếm nhiều thời gian. Có thể ngồi xếp bằng, ngồi bán già, kiết già, nửa nằm nửa ngồi, ngồi trên ghế. Ngồi trên ghế thì toàn bộ hai lòng bàn chân phải chạm trên nền, hai lòng bàn tay đặt lên hai đùi. Ngồi trên nền thì nên ngồi trên một cái gối, hai tay để lên đùi sao cho thoải mái nhất. Lưng và đầu thẳng cho khí huyết dễ lưu thông. Miệng ngậm và đưa đầu lưỡi lên phía trên vòm họng để khỏi khô họng. Ngồi thật thoải mái, hai tay xoa mặt, tai, xoa nhẹ trên hai mắt cho thật dễ chịu. Nếu thiền nằm thì gối đầu lên chiếc gối mỏng hoặc không cần gối, nằm ngửa, thẳng, hai tay xuôi theo thân hoặc đặt lên bụng. Thiền đứng thì hai chân ngang bằng vai, cột sống và đầu thẳng, hai tay xuôi tự nhiên theo thân. Thiền đi thì giống như đi bộ thể thao trong trạng thái ung dung nhất, đang nghỉ ngơi 100%.

Theo Chuyên đề số 16/ Tháng 4.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam




Kì V: Ba bài thiền hơi thở căn bản

Bài thứ nhất: Quan sát và đếm hơi thở

a. Cách thức định vị thị giác: Bạn khép mắt lại, hướng cái nhìn về đầu mũi (không nhất thiết phải thấy đầu mũi).

b. Cách thức quan sát hơi thở: Để sự biết hay lực tỉnh thức hiện hữu thường xuyên 100%, bạn dùng khả năng nhìn bên trong đầu óc để quan sát và thấy rõ tình trạng hơi thở nơi đầu mũi đang đi vào - ra, dài hay ngắn thế nào. Gần giống như bạn ngồi trên một đồi cao và nhìn ra bờ biển bằng mắt thịt, rồi bạn nhắm mắt lại và dùng khả năng nhìn bên trong đầu óc mô tả lại rõ ràng quang cảnh bờ biển.

c. Cách thức thở: Khoảng hai phút đầu, bạn thở bình thường, tự nhiên nhưng hơi kéo dài hơn thông thường một chút, cho khí oxy vào nhiều hơn để tăng thêm sức khoẻ sau nhiều giờ “quên thở”. Sau đó, bạn đi vào trạng thái thở thật nhỏ, nhẹ, thở mà như không thở. Nghĩa là, không ai nghe thấy, kể cả chính bạn. Và bạn bắt đầu đếm hơi thở.

d. Cách đếm hơi thở: Một chu kì của hơi thở (một vòng hít vào và thở ra) tính là một lần. Bạn hít vào lần thứ nhất thì đếm một và thở ra lần thứ nhất cũng đếm một, hít vào lần thứ hai thì đếm hai và thở ra lần thứ hai cũng đếm hai… cứ đếm vậy cho đến 20 chu kì thì quay lại từ đầu. Trong quá trình quan sát và đếm, sẽ thấy ý nghĩ xen vào làm quên lượt đang đếm. Nếu quên thì phải đếm lại từ đầu. 

Lúc không quên là ở trạng thái lực tỉnh thức tuyệt đối và ngược lại. Nếu bạn chưa quen với thời thiền 20 chu kì, thì bắt đầu thời thiền ngắn với 5 chu kì. Bạn thành công thời thứ nhất với 5 chu kì, thì tiếp tục thời thứ hai cũng với 5 chu kì. Cứ vậy, bạn chia nhỏ thành từng thời thiền, cộng lại là 20 chu kì. Sau đó, bạn nâng trình độ thực hành lên mỗi thời thiền là 10 và 20 chu kì.

Bài quan sát và đếm hơi thở là căn bản nhất, không được xem thường, chịu khó thực hành thì sẽ thấy ngay sự màu nhiệm.

Bài thứ hai: Quan sát và điều động hơi thở (không đếm)

Cách thức định vị thị giác, quan sát hơi thở, cách thức thở của bài tập này giống như bài thứ nhất. Điểm khác là, sự tập trung chú ý và lực tỉnh thức không dựa trên cách đếm chu kì hơi thở vào - ra. Khả năng phát triển lực tỉnh thức và tập trung chú ý của đầu óc dựa trên sự quan sát và theo dõi chặt chẽ, để biết rõ tình trạng hơi thở đang luân chuyển (đường đi của hơi thở trong cơ thể bạn) như thế nào khi đi vào - ra khỏi mũi. Giống như bạn đang quan sát một dòng chảy không khí, chảy từ bên trong ra và từ ngoài vào thông qua mũi.

Tiếp tục từ cách thở ở phần (c) trong bài thứ nhất, bạn bắt đầu điều động hơi thở nhẹ nhàng và quan sát - biết rõ đường đi của nó vào các cơ quan sau:

a. Quan sát và điều động hơi thở vào phổi: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy luồng khí trong sạch đang chầm chậm đi vào từ đầu mũi, nhẹ nhàng vào hai buồng phổi, rồi dừng lại một chút để rửa hai lá phổi. Bạn đẩy nhẹ nhàng dòng không khí với màu sẫm nâu như khói bẩn trong hai buồng phổi đi ra đầu mũi. Bạn cảm thấy hai buồng phổi tươi trẻ lại.

b. Quan sát và điều động hơi thở vào não: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy luồng khí trong sạch đang từ từ đi vào hai lỗ mũi, rồi nhẹ nhàng vào não, làm tăng oxy cho não. Sau đó, bạn điều động và quan sát sự vận hành của hơi thở có mang theo cặn bã mệt mỏi trong não đang đi ra đầu mũi. Bạn cảm thấy sảng khoái.

c. Quan sát và điều động hơi thở vào bụng: Bạn điều động hơi thở và quan sát bằng khả năng trong não, thấy hơi thở trong lành đang nhẹ nhàng vào từ đầu mũi, rồi đi vào bụng. Bụng bạn mở to hơn, cho hơi thở tươi mát rửa sạch các mùi hôi trong bụng. Và bạn điều động hơi thở mang theo những khí dơ bẩn trong bụng đi ra ngoài, qua hai lỗ mũi. Bạn cảm thấy khoang bụng dễ chịu hơn nhiều.

Trong quá trình tập trung quan sát và theo dõi đường đi của hơi thở, nếu suy nghĩ can thiệp vào làm mất khẳn năng điều động và sự biết về hơi thở đang diễn ra, thì bạn kéo sự tập trung chú ý của đầu óc về hơi thở, để tiếp tục vận hành, quan sát và biết rõ hơi thở đang lưu chuyển. Lúc đang thấy rõ hơi thở và đường đi của nó, là bạn đang ở trạng thái lực tỉnh thức tuyệt đối, ngược lại, bạn không đang biết rõ (do bị suy nghĩ chen lấn vào) tình trạng hơi thở đang diễn ra là mất lực tỉnh thức.

Ngoài mục đích chính đã nêu, điều động và quan sát hơi thở còn có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe thân thể. Khi đã thành thói quen (chỉ sau vài tháng thực hành thực sự), bạn dễ dàng điều động hay dẫn dắt hơi thở đến một số cơ quan, bộ phận trong cơ thể để tăng cường sức đề kháng và khả năng hoạt động sung mãn hơn. Đặc biệt, bạn sẽ có thói quen sử dụng hơi thở để kiểm soát, chế ngự các ý tưởng và cảm xúc tiêu cực, khiến chúng ngừng sản xuất những hóa chất độc hại cho các cơ quan như tim, máu, gan, thận…

Bài thứ ba: Quan sát và lắng nghe sự im lặng thông qua hơi thở

Bài tập này phát triển khả năng lực tỉnh thức và sự tập trung của não, dựa trên sự lắng nghe âm thanh của hơi thở và sự yên lặng qua hơi thở. Nghĩa là, quan sát hơi thở để lắng nghe âm thanh hơi thở và khám phá cõi yên lặng bên dưới hơi thở. Đây là bài tập khó nhưng rất hấp dẫn, li kì và hết sức quyến rũ hành giả. Bởi vì, chỉ sau thời gian rất ngắn, tùy mức độ cố gắng, thành tâm và tập trung mà đạt được hai kết quả bất ngờ. Một là khám phá bí mật nền tảng của tất cả các hình thức gọi là hữu tướng. Hai là, bỗng dưng xuất hiện một năng lực bí mật, kì lạ từ bên trong mà người thực hành chưa từng trải nghiệm, làm cho hành giả hết sức sung sướng (an lạc)!

a. Quan sát và lắng nghe sự im lặng bên dưới hơi thở:

- Khép mắt và định vị thị giác trên đầu mũi.
- Bắt đầu thở vào và ra đều, nhẹ nhàng. Thở chậm hơn bình thường một chút.
- Theo dõi hơi thở đi vào và đi ra bình thường chừng từ hai đến 5 chu kì.
- Bắt đầu lắng nghe âm thanh của hơi thở vào và ra. Bạn cho hơi thở mạnh lên một chút, sao cho, bạn nghe được âm thanh của hơi thở như nge tiếng gió thổi vậy.
- Bạn từ từ hạ dần âm thanh, hơi thở bắt đầu chậm rãi và nhẹ hơn.
- Nghe nhỏ dần, nhỏ dần, và hình như bạn không nghe âm thanh của hơi thở nữa.
- Bạn vẫn biết rõ hơi thở vào và ra đang hiện hữu nhưng không còn nghe thấy âm thanh của nó.
Đến đây, bạn đang đi vào trạng thái nghe sự yên lặng của hơi thở.
Hãy chú ý! Sự nghe vẫn tiếp diễn bình thường, hơi thở vẫn đang hiện hữu.
“Quên” hơi thở… Chỉ còn sự nghe đang tiếp diễn… không ngừng. Bạn đang nghe âm thanh của sự im lặng! Bạn đang là chính bạn! Bạn chìm đắm trong một chiều sâu mà bạn chưa từng biết!
Hạnh phúc hiện hữu! Trí chủ sâu thẳm của bạn sẽ xuất hiện. Cuộc đời bạn bắt đầu thay đổi, và hoàn toàn là một kiếp sống khác hoàn hảo chưa từng có.
Hãy bắt đầu lên đường! Chúc bạn may mắn!

b. Quan sát và lắng nghe sự im lặng giữa hai hơi thở:
Bạn tập trung chú ý, quan sát và lắng nghe âm thanh của hơi thở đi vào. Trước khi hơi thở đi ra, có một khoảng im lặng. Nghĩa là, giữa điểm cuối của hơi thở đi vào và điểm đầu của hơi thở đi ra, có một khoảnh khắc im lặng. Bạn hãy cố gắng quan sát, nhận biết và lắng nghe khoảng yên lặng đó. Rồi hơi thở đi ra, ban lại tiếp tục lắng nghe âm thanh của nó. Cứ thế, bạn tập nghe cả âm thanh của hơi thở vào - ra và nghe sự yên lặng ở giữa khoảng cách của hơi thở đi vào và ra.

Bạn phải tập nghe nhuần nhuyễn cả âm thanh (tiếng động) của hơi thở và sự im lặng. Khi bạn nghe được rõ ràng sự im lặng, là thực hành có kết quả rồi!

Bài tập thứ ba, ngoài phát triển khả năng lực lực tỉnh thức, sự tập trung của đầu óc và những giá trị như nêu ở phần đầu, bạn sẽ khám phá chân lí của các hình thức.

Theo Chuyên đề số 20/ Tháng 5.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam

Kì VI: Quan sát và lắng nghe tiếng động để phát triển lực tỉnh thức

Các bài sử dụng tiếng động hay âm thanh, ngoài phát triển lực tỉnh thức, sự tập trung của đầu óc và những giá trị nêu ở các kì trước, bạn sẽ khám phá chân lí của các hình thức.

Chỉ sau thời gian rất ngắn, tùy mức độ cố gắng, thành tâm và tập trung mà đạt được hai kết quả bất ngờ. Một là khám phá bí mật nền tảng của tất cả các hình thức gọi là hình tướng. Hai là, bỗng dưng xuất hiện năng lực bí mật, kì lạ từ bên trong hết sức sung sướng (an lạc) mà bạn chưa từng trải nghiệm trong đời.

Giúp bạn hình thành thói quen chú ý lắng nghe và thấy rõ nội tâm người đang tiếp xúc, giao tiếp với bạn. Từ đó, bạn ứng xử phù hợp với những điều sâu thẳm trong tâm hồn người khác, không bị lệ thuộc hay chi phối bởi lời nói với khái niệm chữ nghĩa họ đang dùng.

Bạn dùng khả năng quan sát và lắng nghe trong đầu óc để thấy hay nghe rất rõ tiếng động hay âm thanh được dùng để thực hành thời thiền. Khi tiếng động hay âm thanh dừng, bạn nhận thức và nghe rất rõ sự im lặng xuất hiện. Bởi vì, sự nghe hay khả năng nghe vẫn đang tồn tại, chỉ âm thanh tạm thời biến mất. Bài tập này, bạn mượn tiếng động hay âm thanh để nhận biết và chú ý lắng nghe sự im lặng khi âm thanh tạm dừng. Đây là bài tập rất thú vị và chắc chắn bạn thành công! Bạn sẽ rất sung sướng và hạnh phúc, như chưa bao giờ bắt gặp trong đời. Trải nghiệm này tạo ra dấu ấn về hạnh phúc chân thật và bạn không bao giờ quên được. (Đọc kĩ hướng dẫn trước khi thực hành).

Bài thứ nhất: Quan sát, lắng nghe tiếng động, rồi nhận thức và lắng nghe sự im lặng bên trong

Bạn thực hành như bài quan sát và lắng nghe sự im lặng thông qua hơi thở, trong phần ba bài thiền hơi thở căn bản ở kì trước. Chỉ khác ở chỗ là nhận biết và lắng nghe sự im lặng.

Bạn phải tập nghe nhuần nhuyễn cả âm thanh (tiếng động) của hơi thở và sự im lặng. Khi bạn nghe được rõ ràng sự im lặng, là thực hành có kết quả rồi!

Phần quan sát và lắng nghe tiếng động của suy nghĩ, sự im lặng trong đầu óc, sẽ được giới thiệu ở các kì tiếp theo.

Bài thứ hai: Quan sát, lắng nghe tiếng động, rồi nhận thức và lắng nghe sự im lặng bên ngoài

a. Sử dụng tiếng động nhân tạo

* Chọn loại tiếng động và không gian

Bạn tuỳ chọn một loại tiếng động, trong phạm vi không gian nhất định, tương ứng với điều kiện nơi bạn đang hiện diện và phù hợp với sự thực hành. Bạn chỉ tập trung chú ý lắng nghe và thấy rõ duy nhất loại tiếng động mà bạn đang sử dụng. Ví dụ, bạn dùng tiếng “tíc – tắc” của chiếc đồng hồ trong một căn phòng, thì tiếng “tíc – tắc” là tiếng động duy nhất mà bạn tập trung lắng nghe và thấy rõ. 

Các tiếng động hay âm thanh khác vẫn diễn ra, nhưng không nằm trong sự chú ý lắng nghe của bạn. Tức là, bạn quy ước không gian thực hành là tiếng “tic – tắc”, và sự im lặng là khoảng không tiếng động, gián đoạn giữa tiếng “tíc” và “tắc” của đồng hồ.

Bạn nên chọn hoặc sáng tạo ra loại tiếng động hay âm thanh có nhịp độ tương tự tiếng “tíc – tắc” của đồng hồ để thực hành. Chẳng hạn, bạn sử dụng bản nhạc không lời (tốt hơn là không thuộc lời bài nhạc) có tiết tấu âm rõ ràng như piano, ghi ta… với các nốt nhạc ngắt quãng dứt điểm (không ngân nga) và to rõ. Như vậy, bạn tập trung chú ý lắng nghe, nhận biết rõ nốt nhạc vang lên và sự im lặng giữa hai nốt nhạc liền kề.

* Sử dụng tiếng “tíc – tắc” của đồng hồ trong căn phòng cách âm tốt.

Bạn lấy căn phòng cách âm thật tốt làm không gian chuẩn, lấy tiếng kêu “tíc – tắc” của chiếc đồng hồ trong căn phòng làm đối tượng tập trung quan sát và lắng nghe. Có nghĩa, bạn quy ước tiếng động duy nhất trong căn phòng là “tíc” và “tắc”. Còn sự im lặng trong không gian căn phòng là khi không có tiếng “tíc” hoặc “tắc”.

Bạn khép mắt, thả lỏng cơ thể, tập trung sự chú ý lắng nghe của đầu óc và nhận biết rõ tiếng “tíc” và “tắc”. Lúc này, sự nghe của bạn chỉ nghe tiếng động là “tíc” và “tắc” của chiếc đồng hồ mà thôi (ý niệm hay hình ảnh về chiếc đồng hồ cũng không tồn tại trong đầu óc bạn). Trong quá trình chú ý lắng nghe, nếu bạn vẫn nghe và nhận biết các tiếng động khác với “tíc” và “tắc”, hoặc thấy các hình ảnh khác là đầu óc chưa tập trung lắng nghe đúng đối tượng “tích” và “tắc”. Bạn bị phân tâm, mất sự chú ý quan sát và lắng nghe. Nếu vậy, bạn hãy hướng sự chú ý tập trung lắng nghe trong đầu óc vào tiếng “tíc” và “tắc” để nghe cho rõ.

Tiếp đến, bạn tập trung lắng nghe sự im lặng giữa hai tiếng “tíc” và “tắc”. Giữa hai tiếng “tích” và “tắc” là sự im lặng. Bạn phải tập trung để nghe được khoảng im lặng đó bằng nhận thức rõ sự im lặng và lắng nghe nó. Đến đây, bạn đã tạm quen nghe sự im lặng qua tiếng động của đồng hồ. Bạn tắt tiếng động của đồng hồ đi, để nghe sự im lặng trong toàn không gian căn phòng (cả căn phòng là không gian im lặng tuyệt đối). Sự lắng nghe của bạn vẫn đang hiện hữu và tiếp diễn. Bạn đang nghe sự im lặng bên ngoài, và đầu óc không tồn tại bất cứ suy nghĩ nào nữa. Bạn sẽ thấy, cõi im lặng của căn phòng là nền tảng cho tiếng “tíc – tắc”. Điều thú vị là bạn sẽ chạm vào thế giới tuyệt đối, và rồi, chính bạn bất ngờ với nhiều điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến.


Theo Chuyên đề số 28/ Tháng 7.2011 – Báo Pháp luật Việt Nam