"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Giới thiệu bài mới: Tầm nhìn của Hiền giả Minh Triết



8h30 tối thứ ba 29/03/2011, Thầy Duy Tuệ đã có buổi thuyết giảng cho Đại Gia  Đình Minh Triết. Thầy nói:

“Các thành viên của gia đình Minh Triết phải là những người có tâm và có tài, làm việc đầy cảm xúc và năng động. Không thể làm tới đâu hay tới đó. Mỗi người cần phải cố gắng, không được chậm chạp, thiếu tập trung, thiếu trách nhiệm, và không toàn tâm toàn ý cho công việc. Chúng ta là những tấm gương sáng để người khác nhìn vào mà thay đổi, dẫn đến một dân tộc thay đổi. Chúng ta quyết tâm thay đổi chính chúng ta, đừng quan tâm đến chế độ chính trị hay các hình thức tôn giáo mà hãy nghĩ đến những điều lớn hơn với tầm nhìn xa hơn. Tầm nhìn của chúng ta là 100, 200, 500 hay 1000 năm về sau chứ không phải là 5, 10 năm. Khi có tầm nhìn như vậy thì đầu óc của chúng ta làm việc sẽ khác hơn. Hãy nhắm mắt lại để hình dung viễn cảnh ấy. Với cách làm việc như vậy thì mình sẽ chẳng thấy đau lòng, khó chịu, dễ chịu, tự cao, tự hào hay tự ti gì cả. Đầu óc chúng ta sẽ bớt đi thói quen hưởng thụ theo kiểu lịch sử thường tình của loài người.

Có hai loại hưởng thụ: sự hưởng thụ hời hợt (hưởng thụ từ sự mất tự do) và sự hưởng thụ sâu sắc (hưởng thụ từ sự tự do của đầu óc và tâm hồn). Những ai muốn củng cố quyền lực, tiền bạc, củng cố sức mạnh để chứng tỏ sự khôn ngoan, lanh lợi hay hạnh phúc của mình đều là những kẻ mất tự do. Người cần chứng minh và thể hiện cho người khác thấy anh hạnh phúc thì thực sự là những kẻ bất hạnh. Hạnh phúc thật sự là điều gì đó không thể diễn đạt được. Chúng ta phải cố gắng vượt qua những thói quen hưởng thụ kiểu đó. Nếu không vượt qua được các quan niệm hưởng thụ từ sự mất tự do trong đầu óc, các dây thần kinh trong não chúng ta sẽ bị tổn thương. Do đó tầm nhìn của chúng ta cũng sẽ bị hạn chế. Những người tưởng tượng một thế giới khác sau khi chết và những kẻ chỉ biết vơ vét khi đang sống cũng là những kẻ mất tự do.

Hiền giả Minh Triết phải tỉnh táo. Dù ở nước nào hay nền văn hóa nào mà đắm chìm trong sách vở thì quả là quá ngu muội. Cuộc sống thật hoàn toàn khác. Giữa cuộc sống thật và ý tưởng từ trong sách vở là hoàn toàn khác xa. Phải bám vào thực tế mà một trong những thực tế là nguyện vọng hay tình cảm mà con người đang sống. Trong cuộc sống của chúng ta, khó mà nói rằng ai là người hạnh phúc, dù giàu hay nghèo. Người nhiều tham vọng dù giàu có đến mấy cũng đầy bất hạnh.

Còn người có ước mơ thì lại khác. Người lao động cực khổ có ước mơ thì đời sống sẽ dễ chịu hơn những người quá nhiều tham vọng và muốn thực hiện chúng bằng được.”

Thầy nhắc lại:

“Điều quan trọng mà người hiền giả Minh Triết phải làm là liên tục mở mắt mình ra. Dĩ nhiên nghe và thực hành pháp âm thì cũng tốt, nhưng không chỉ có vậy, còn nhiều vấn đề khác nữa. Ví dụ anh phải có quyết tâm thay đổi chính anh và có lý tưởng để phụng sự xã hội và con người, coi đó là niềm vui lớn của anh. Bên cạnh đó phải luôn có mục đích là mở mắt mình ra và lấy lý tưởng phụng sự nhân loại làm điều kiện để mở mắt.

Trong cuộc sống, không lấy việc phải có nhà đẹp hay thành tựu là mục đích của đời mình. Cũng đừng bao giờ nói dối hay nói sai sự thật. Đây cũng là những phẩm chất có thể giúp dẫn đến đầu óc tự do. Chính sự nhiệm màu của tha lực và nỗ lực của bản thân mình đã dẫn đến những sự thay đổi lớn. Tha lực nghĩa là gì? Một người bạn giúp mình cũng là một tha lực. Một quả trứng không có hơi ấm thì không thể nở được. Người ta thì chỉ luôn nhìn thấy con gà mà không nhìn xuyên suốt quá trình hình thành từ quả trứng cho đến con gà. Do đó đừng bao giờ cho rằng mình học đã đủ rồi. Một ngày nào đó chúng ta có ý tưởng đó thì ý tưởng đó ngăn không cho sự màu nhiệm xuất hiện’’.

Thầy cũng trình bày một chút về quyển sách tôn vinh hiền giả Duy Chính Niệm và những dòng nhật ký còn lại của anh. Những gì anh viết là vô cùng giá trị nếu đem so với những gì mà người ta cho là chứng đạo hay chứng đắc. Những trải nghiệm của anh phong phú, sâu thẳm hơn rất nhiều. Đây là một niềm vui hiện tại của gia đình Minh Triết và là sự hãnh diện của dân tộc chúng ta trong tương lai, ít nhất là trên con đường thiền học.

Thầy khẳng định:

“Chúng ta phải thừa nhận sự thật và giá trị của người Việt Nam với đầu óc tự do, không theo đường lối cũ. Chúng ta phải bảo vệ sự tự do cho chính chúng ta mà không ảnh hưởng bởi bất kỳ một nền văn hóa nào cả. Chúng ta giữ sự thanh bạch của dân tộc mình. Và chính sự thanh bạch đó sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Chúng ta sẽ mở ra một chương mới của dân tộc chúng ta khi chia sẻ niềm hạnh phúc trong đời sống tinh thần của chúng ta đến với thế giới. Chúng ta phải từ bỏ văn hóa của kẻ đi xin, từ bỏ đưa tay ra nhận để tạo ra phong cách mới đó. Chúng ta hoàn toàn có khả năng cho. Chúng ta có thể tạo ra những câu chuyện huyền thoại và có thực, chỉ thiếu những cây bút tự do, những cây bút tốt nghiệp từ trường học mở mắt tự do…

Các bạn trẻ đừng để sự tha thiết sở hữu vật chất trong đầu óc mình phát triển vì nó sẽ không làm cho tầm vóc của anh lớn mạnh được. Dân tộc chúng ta cần những người có tầm vóc. Nếu không có khả năng viết văn thì hãy đem các khả năng khác như kinh doanh để mở rộng tầm vóc của mình. Trong tương lai không xa, dân tộc Việt Nam sẽ có rất nhiều hiền giả Minh Triết đi chia sẻ cái thấy từ đầu óc tự do của mình cho thế giới. Chúng ta có quyền học tập cái hay, cái đẹp của các dân tộc khác để mở mắt mình ra, chứ không phải học để làm nô lệ cho những thứ đó.

Chúng ta cũng cần những hiền giả Minh Triết làm công việc truyền trao cái thấy cho những người khác. Hãy tập diễn đạt và chia sẻ. Khi anh đi diễn đạt, tầm nhìn của anh mở thì nó dẫn anh đến một nhân sinh quan khác, một năng lượng sống khác. Chính tầm nhìn tạo ra một lực vô hình. Lực vô hình này được chi phối bởi một lực vô hình khác…”

Hỏi và Trả Lời
Hỏi: Thưa Thầy, tại sao một số người cùng một môi trường nhưng sao không đồng quan điểm học hỏi, nguyên nhân sâu thẳm là ở đâu hay do chư thiên phân định mỗi người diễn một vai như vậy?

Quý vị hãy thử tìm hiểu cái gì khiến mình thấy rằng mình không đồng quan điểm với người khác.

Hỏi: Cái gì tạo nên tính cách của một đứa bé khoảng 2-3t, đứa thì quá bạo dạn và đứa quá nhút nhát trong khi gia đình đó rất hòa thuận? Chuyện “hồn nhập” là như thế nào?

Quý vị hãy chấp nhận tính cách của những đứa bé như vậy thì từ từ chúng sẽ thay đổi.

Mình không nên quan tâm những chuyện linh tinh như vậy vì nó không phải là phổ biến. Mọi chuyện đều có thể có nhưng mình hãy lo phát triển tầm nhìn của mình, đó mới là điều quan trọng. Quý vị phải thanh lọc lại cái thấy của mình. Những thắc mắc này sẽ làm quý vị mãi luẩn quẩn, không thoát ra được. Những chuyện như nhập hồn, bóng ma… không làm cho quý vị mở tâm trí được. Vấn đề quý vị cần biết là người nhập về nói chuyện gì? Có ích gì cho quý vị? Có người nói vong linh bảo nó đói và lạnh nên cần gửi tiền và quần áo! Bao nhiêu người khổ đau, nghèo đói và lạnh lẽo sao chúng ta không giúp mà đi giúp cho những vong linh.

Hỏi: Con người có thể tồn tại mà không có đức tin hay không? Đức tin có sẵn hay do con người tạo ra?

Đức tin cần khi chúng ta biết chúng ta tin cái gì và biết tại sao chúng ta tin như vậy. Không cần bàn đến chuyện có hay không. Thí dụ đầu óc chúng ta nhỏ nhen quá, ích kỷ quá, để ý đến cá nhân mình nhiều quá thì mình cần đức tin. Vì càng để ý đến cá nhân của mình thì mình sẽ càng đau buồn, cô đơn… thì mình cần đức tin để xoa dịu những nỗi khổ sở đó. Còn nếu không để ý đến cá nhân mình thì cũng không cần đến đức tin để làm gì.

Mình cũng có thể tin cái gì đó nếu cái đó nó giúp mình mở thêm được tầm nhìn. Hoặc mình đang cần sống làm sao để tự tại, lúc nào cũng vui được và có người nói có thể làm được điều đó thì mình cứ tin. Không cần biết có hay không và không cần chứng minh. Tuy nhiên, có những đức tin phải chứng minh.
Nói tóm lại, chữ “đức tin” có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn theo nghĩa tích cực, nếu anh tin có đấng vô hình thì anh bớt làm chuyện sai trái. Nhưng cũng khó mà nói chuyện gì là sai trái mà chuyện gì là không. Còn những đức tin mà người ta cho là tuyệt đối, không ai biết, buộc người khác phải tin thì đó là những đức tin ngông cuồng. Bởi vì nó không làm cho đầu óc anh bình an mà nó đem lại cho cái đầu anh sự hiếu chiến thì đức tin đó quá nguy hiểm. Đây là đức tin do con người tạo ra.

Lịch sử phát triển đức tin tới giờ phút này là lịch sử đi liền với sự cai trị, thống trị, bóc lột và chiến tranh. Đức tin đã mang lại việc làm cho một số người, họ xây dựng hệ thống, lấy của cải của người ngu dốt và cả tin. Thần có linh cũng nhờ tầng lớp trung gian này. Phật có linh cũng bởi tầng lớp tăng lữ, Chúa có linh cũng nhờ đến tầng lớp tu sĩ, thần thánh có linh cũng bởi do người giữ đền, giữ đình…

Giá trị lớn nhất, thực tiễn nhất và duy nhất của đức tin là sống trong tinh thần đạo đức. Đạo đức nghĩa là quan hệ giữa mình với người khác là bình đẳng, sòng phẳng và tin tưởng, mình tin người khác và người khác tin mình. Nó tạo ra một xã hội tin tưởng lẫn nhau. Lúc ấy, sự chia sẻ tài sản của thế giới này sẽ xảy ra, không cần sự sở hữu. Nhưng mục đích đó các đức tin vẫn chưa làm được hoặc chỉ thực hiện được đối với những người trong cảnh khổ đau với nhau.
Các hiền giả Minh Triết phải tin vào năng lực của mình, năng lực thấy biết mà mình chưa khám phá hết.

Hỏi: Thầy cho con một câu “khấn” để nói trong ngày giỗ của ông bà!

Mình cứ nói gì cho vui cũng được. Chẳng hạn quý vị đốt nhang lên nói “Thưa ông/bà/cha/mẹ. Hôm nay nhân ngày này chúng con có làm mâm cơm để cảm ơn và tưởng nhớ ông/bà/cha/mẹ đã nuôi dưỡng chúng con…”

Mình nói vậy thôi chứ những người đã khuất đó chẳng cười, nói gì được cả. Ông, bà, cha, mẹ chúng ta đang ở trong da thịt của chúng ta đó thôi. Ngày giỗ thì mình kể chuyện vui ngày xưa cho nhau nghe, đừng có nhậu nhẹt, quậy phá, đánh nhau cho mệt… Nếu lúc họ còn sống mà mình không lo được thì bây giờ hãy lo cho những người khác. Đó cũng là một cách trả ơn.”

Mời quý vị nghe đầy đủ bài giảng tại đây -->Nghe pháp âm

Giới thiệu bài mới:Mở To Mắt - 27.3.2011



Sáng ngày 27/03/2011, Thầy Duy Tuệ đã có bài giảng dành cho Tuổi Trẻ khi chia sẻ về mối quan tâm trong việc lập gia đình của hiền giả Tuệ Như Tâm Định.

Theo Thầy, mình chỉ quan tâm và chia sẻ cho những người cần chúng ta chia sẻ. Mình làm sao cho người khác vui bởi nhu cầu được quan tâm là nhu cầu có thật của con người. Ngay cả trong đời sống vợ chồng cũng vậy. Cả hai vợ chồng phải có thái độ cư xử ý tứ, lịch sự, tế nhị, bình đẳng, chia sẻ,… trong cả cuộc đời, chứ không phải chỉ lúc còn son trẻ. Cần tập trung chú ý cao độ khi chia sẻ với nhau. Chia sẻ một cách mãnh liệt, đầy cảm xúc chứ không hời hợt. Đầu óc phải vô tư, không tính toán lợi hại cho bản thân mình trong việc chia sẻ. Không chia sẻ để người khác hiểu lầm về mình. Sau khi chia sẻ xong thì không lưu luyến gì nữa, hãy để đầu óc hoàn toàn tự do.

“Có một năng lượng sâu thẳm nhất trong con người hay năng lượng gốc sẽ hình thành sự thấy biết khi phối hợp với não. Năng lượng gốc đó nó có quy luật riêng, nó phối hợp với não tạo thành cơ chế hoạt động nhiệm màu. Nhưng ngược lại, khi trong não chúng ta có những tư tưởng, khái niệm, thói quen… thì sẽ gây ra thói quen hay tì vết cho não. Nó cũng tạo ra một khả năng nhìn thấy, một cái lực, một sự logic, một thế giới riêng của nó nhưng theo một mức độ tùy theo thói quen của nó. Nó sẽ đi theo cái lợi và hại, sẽ tính toán theo cái kiểu khiến con người cứ quẩn quanh ở đó và gây ra khổ đau. Do đó, chúng ta phải cảnh giác với các thói quen này của não. Trong đời sống vợ chồng, người chồng hay người vợ nếu cứ sống bằng tì vết hay thành kiến bên trong não thì những trở ngại sẽ luôn xuất hiện. Họ tự cột mình lại với nhau, lâu dần sẽ dẫn đến sự đổ vỡ.

Sau khi đổ vỡ, nhiều người lại bộc lộ sự trí trá để khai thác, trừng trị và lợi dụng người hôn thê thứ hai của mình. Ở lần kết hôn đầu thì họ lại bộc lộ sự vụng về. Cho nên người hiền giả MT phải hiểu tần số sâu trong đầu óc mình. Như chúng ta thấy, một lực lượng mới với một cái nhìn mới nổi lên chống lại lực lượng cai trị cũ hủ lậu thì gọi là cách mạng. Nhưng khi nắm được quyền lực thì anh lại dùng thủ đoạn để cai trị và rồi lớp người khác lại nổi lên. Và cứ thế nó tái diễn hoài. Nhưng nếu một lực lượng tổ chức và điều hành một cách minh triết, truyền tải cảm xúc yêu thương của mình cho dân chúng thì sẽ không còn cách mạng nữa. Cũng như trong đời sống vợ chồng, nếu ánh sáng minh triết lan tỏa hoài thì sẽ không có sự nhàm chán…

Trong việc lập gia đình, thà rằng mình ở vậy còn hơn lấy một người mà không có lòng tự trọng, không có tinh thần độc lập, làm biếng, không trung thực, suy nghĩ tiêu cực, nhu nhược… Mình phải lựa chọn trên những tiêu chuẩn ấy, chứ không phải nhắm mắt lấy đại cho xong, đến khi khổ sở nghe người ta nói là do mang nặng nghiệp thì lại cam chịu suốt cả đời. Trong trường hợp muốn có con thì có thể dùng khoa học kỹ thuật, đến bệnh viện để họ cấy ghép cho có con, chuyện đó là bình thường. Đừng cho rằng mình phải có người đàn ông hay đàn bà thì mình mới tồn tại được.”

Hãy “Mở To Mắt” Mình Ra

“Ngày xưa người ta nói lấy chồng muộn là kém phước, không có chồng mà ở vậy thì không có phước. Nhưng quan niệm đó đã lỗi thời. Bây giờ có chồng muộn thì có phước, không chồng thì phước lại nhiều hơn. Không để ý đến chuyện người đời bàn tán. Anh sống cho anh chứ không sống cho người đời. Nếu sống mà không có giá trị gì cho mình thì sống làm gì!

Có người bảo muốn hợp tác với tôi để độ chúng sinh, độ những người khổ đau. Tôi mới nói tôi đâu biết pháp gì mà hợp tác. Người kia nói tôi có năng lực đặc biệt còn họ có pháp “bỏ vọng theo chân”. Tôi mới hỏi thế nào là “vọng” và thế nào là “chân”. Người đó giảng giải rằng những cái gì thay đổi thường xuyên là “vọng”, còn những cái không thay đổi là “chân”. Tôi trả lời rằng vậy thì tôi không làm được. Vì tôi là người thích quản lý những cái mà người ấy gọi là vọng, chứ không thích mấy cái gọi là chân. Tiền cũng sớm nắng chiều mưa, người cũng sớm nắng chiều mưa, chùa chiền cũng sớm nắng chiều mưa,… tôi sẽ quản lý hết mấy cái đó còn nhường cái nào gọi là “chân” cho họ. Nhưng họ nào dám đưa những cái đó cho tôi giữ…

Do vậy, hiền giả Minh Triết phải tỉnh táo để nhìn nhận sự việc, không nghe lời người khác, phải có trí chủ, đừng tưởng rằng đó là chân lý mà lạy lục người ta.
Chuyện quan trọng của con người không phải là đúng hay sai, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, tà hay chánh, vọng hay chân… mà là sự “mở mắt”, “mở mắt”, liên tục “mở to mắt” mình ra, mở nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Chúng ta chỉ bàn đến chuyện đó, không bàn đến chuyện khác. Công việc của các hiền giả Minh Triết là như vậy. Bởi thế khi lập gia đình thì phải xem con mắt của người phối ngẫu của mình đã mở hay chưa. Nhiều khi mình nhận thức đúng nhưng không đủ bản lĩnh để sống theo nhận thức đó. Cần phải cố gắng!”

Quý vị muốn tìm hiểu kỹ hơn bài giảng xin vui lòng nghe pháp âm tại đây -->Nghe pháp âm và video: