"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Tham khảo: Từ Arictoteles đến thời Phục Hưng

Khi bị dân thành Sparte bao vây và đánh bại vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch, Athènes, bà mẹ của triết học và nghệ thuật Hy Lạp, bị mất hết ưu thế chính trị, và hùng khí cùng nền độc lập của tâm thức Athènes cũng suy tàn. Khi vào năm 399 tTL Socrate bị kết án tử hình, thì linh hồn của Athènes cũng chết theo ông, chỉ còn lảng vảng nơi Platon, người môn đệ kiêu hãnh. Và khi vua Philippe xứ Macédoine đánh bại quân Athènes ở Charonea vào năm 388 tTL và 3 năm sau, khi Alexandre phóng hoả san bằng đô thị Thèbes rộng lớn, chỉ ngạo nghễ chừa lại ngôi nhà của Pindare, thì rõ ràng là nền độc lập của Athènes về chính trị và tư tưởng đã bị phá huỷ vô phương phục hồi. Sự thống trị triết học Hy Lạp do người ở thành Macédoine là Aristote phản ánh sự thuần thục chính trị của Hy Lạp đối với những dân tộc trẻ trung, hùng tính hơn đến từ phương Bắc.

            Cái chết của Alexandre (năm 323 tTL) đã thúc nhanh quá trình này. Vị hoàng tử con trai vẫn còn bán khai sau mọi sự giáo huấn của Aristote, cũng đã học được sự kính trọng nền văn hoá giàu có của Hy Lạp, và đã có mộng ước lan truyền nền văn hoá ấy khắp phương đông theo dấu những đội quân đắc thắng của mình. Sự phát triển thương mãi Hy Lạp và sự tăng bội những trạm thương mãi Hy Lạp suốt miền Á châu nhược tiểu, đã cung cấp một căn bản kinh tế cho sự thống nhất miền nầy như phần tử của một đế quốc Hy Lạp; và Alexandre hy vọng rằng từ những trạm rộn rịp nầy, tư tưởng Hy Lạp, cũng như hàng hoá Hy Lạp, sẽ toả ra để chinh phục. Nhưng ông đã đánh giá quá thấp sự trơ lì và sức chống kháng của tâm thức Đông phương, cũng như chiều sâu và khối lớn của văn hoá Đông phương. Chung quy, đấy chỉ là một tưởng tượng của tuổi trẻ, khi giả thuyết rằng một nền văn minh thiếu trưởng thành và không bền vững như văn minh Hy Lạp có thể đè đầu một nền văn minh vô cùng lan rộng hơn và có gốc rễ trong những truyền thống cổ kính nhất. Số lượng của Á châu rõ ràng là quá nhiều đối với phẩm chất của Hy Lạp. Ngay chính Alexandre, vào giờ phút chiến thắng, cũng đã bị chinh phục bởi linh hồn của phương Đông; ông cưới (trong số nhiều bà) con gái của Darius, ông du nhập vào Âu châu quan niệm đông phương về uy quyền thiêng liêng của vua chúa; và cuối cùng ông đã làm cho một Hy Lạp hoài nghi phải ngạc nhiên khi công bố, theo kiểu long trọng đông phương, rằng ông là một vị trời. Hy Lạp đã phì cười; và Alexandre đã uống rượu cho tới chết.

            Sự tan hoà tinh tế nầy của một linh hồn Á châu vào trong thể xác mỏi mệt của một vị chúa tể Hy Lạp được tiếp nối mau chóng bởi làn sóng thờ phụng và tín ngưỡng đông phương vào Hy Lạp được tiếp nối mau chóng bởi làn sóng thờ phụng và tín ngưỡng Đông phương vào Hy Lạp dọc theo chính những con đường giao thông mà vị vua chiến thắng trẻ tuổi đã mở ra; những con đê vỡ mở lối cho đại dương tư tưởng Đông phương du nhập vào những đồngbằng của tâm thức Á châu còn niên thiếu. Những đức tin thần bí dị đoan cắm rễ trong những người nghèo của xứ Hy Lạp cổ xưa bấy giờ được tăng cường và lan khắp; tinh thần thản nhiên chịu đựng của Đông phương cũng đã tìm được một mảnh đất sẵn sàng trong xứ Hy Lạp tuyệt vọng. Sự du nhập nền triết học khắc kỷ vào Athènes do thương gia người Phoenicia là Zénon (khoảng năm 310 tTL) chỉ là một trong nhiều sự xâm nhập của Đông phương. Cả hai thuyết  khắc kỷ và hưởng lạc  - sự thản nhiên chấp nhận thất bại và nỗ lực để quên thất bại trong vòng tay của lạc thú - là những lý thuyết về cách thức làm sao có thể hạnh phúc trong khi vẫn bị phục tòng hay nô lệ; hệt như thuyết khắc kỷ kiểu Đông phương bi quan của Schopenhauer và thuyết hưởng lạc tuyệt vọng của Renan vào thế kỷ 19, đã là những biểu tượng của một nền cách mạng tan rã và một nước Pháp điêu linh.

Không phải những phản đề tự nhiên nầy của lý thuyết đạo đức hoàn toàn mới mẻ đối với Hy Lạp. Người ta gặp chúng trong một Héraclite buồn thảm và "triết gia cười" Démocrite; và người ta thấy những môn đệ của Socrate chia phân thành ra hai phái dưới sự lãnh đạo của Anthisthènes và Aristippel, một bên tán dương sự thản nhiên chịu đựng, một bên ca tụng hạnh phúc. Tuy nhiên ngay cả vào thời ấy, đây cũng là những hình thái tư tưởng hầu như xa lạ: đô thị Athènes vương giả không quen thuộc với chúng. Nhưng khi Hy Lạp đã thấy Chaeronea trong máu và Thèbes thành tro, nó mới lắng nghe Diogène, và khi vinh quang đã rời bỏ Athènes thì đô thị nầy thuần thục sẵn sàng đón Zénon và Epicure. Zénon xây dựng triết học ông về tánh thản nhiên trên một thuyết tất mệnh mà một nhà khắc kỷ sau này, Chrysippus, nhận thấy rất khó phân biệt với thuyết định mệnh của Đông phương. Khi Zénon, người không tin chủ nghĩa nô lệ, đánh đập người nô lệ mình vì một lỗi nào đó, người nô lệ đã bình thản biện hộ rằng, theo triết học của chủ, y đã bị số phận từ vô thỉ phải phạm lỗi ấy; Zénon đã trả lời rằng ông cũng thế, đã có phần số phải đánh y vì lỗi kia. Cũng như Schopenhauer cho rằng ý chí cá nhân chống lại ý chí phổ quát là việc vô ích, nhà khắc kỷ cũng lý luận rằng thái độ lãnh đạm triết lý là thái độ hợp lý duy nhất trong một đời sống mà sự tranh đấu sống còn phải chịu số phận oan uổng là luôn luôn đưa đến thất bại tất yếu. Nếu sự chiến thắng là hoàn toàn bất khả thì đáng nên khinh bỉ nó. Bí quyết của sự bình an không phải là thực hiện cho kỳ được những ham muốn, mà ham muốn thật ít để có thể thực hiện. Seneca, nhà khắc kỷ La Mã (mất năm 65) bảo: "Nếu những gì bạn có dường như không đủ cho bạn, thì dù bạn sở hữu cả thế giới bạn cũng vẫn còn khổ sở".

Một nguyên tắc như thế kêu lên thấu trời để đòi hỏi nguyên tắc đối lập nó, và Epicure -mặc dù chính ông là một người khắc kỷ trong cuộc sống như Zénon- đã cung cấp đối lập ấy. Theo Fénelon, Epicure "đã mua một khu vườn xinh đẹp, mà tự ông chăm bón, ở đấy ông lập trường học và sống một đời êm đềm dễ chịu với các môn đệ trong khi ông đi dạo và làm việc... Ông cho rằng không gì cao quý hơn áp dụng chính bản thân mình vào triết học". Khởi điểm của ông là một niềm xác tín rằng sự buồn thảm không thể có và khoái lạc  - mặc dù không nhất thiết là khoái lạc giác quan -  là cứu cánh duy nhất có thể quan niệm  và hoàn toàn chính đáng của đời sống và hoạt động. "Thiên nhiên hướng dẫn mọi cơ thể để ưa thích tiện nghi cho riêng nó hơn mọi sự tốt đẹp khác"; ngay cả người khắc kỷ cũng tìm thấy niềm vui tế nhị trong sự khước từ. "Ta không được tránh lạc thú, nhưng phải tuyển chọn chúng". Như vậy, Epicure không phải là kẻ hưởng lạc; ông ca tụng những nguồn vui của trí thức hơn là của giác quan; ông cảnh cáo chống lại những khoái lạc kích động và quấy rối linh hồn mà đáng lẽ chúng phải làm cho an tĩnh và lắng dịu. Cuối cùng ông đề nghị tìm kiếm không phải khoái lạc trong nghĩa thông thường, mà ataraxia -sự an tĩnh, bình lặng, yên nghỉ của tâm hồn, tất cả điều ấy đều rất gần với nỗi thản nhiên chịu đựng kiểu Zénon.

Những người La Mã đến cướp phá Hy Lạp vào năm 146 tTL, tìm thấy những học thuyết thù nghịch này đang phân chia chiến trường triết học và không có sự nhàn rỗi cũng như tế nhị để tự mình tư duy, đã mang những triết học ấy theo cùng với những của cải lượm  được chở về La mã. Những nhà tổ chức vĩ đại, cũng như những kẻ nô lệ tất yếu, đều hướng về tư thái lạnh lùng thản nhiên, thật khó mà làm chủ hay tớ nếu người ta quá nhạy cảm. Bởi thế nền triết học La Mã phần lớn thuộc học phái Zénon, dù nơi Marc Aurele vị đế vương hay nơi Épictète kẻ nô lệ; và ngay cả Lucrèce cũng nói về chủ nghĩa khoái lạc một cách  khắc kỷ  (như người Anh của Heine buồn bã hưởng lạc), và kết thúc Phúc âm khắc khổ về khoái lạc bằng cách tự tử. Bản trường ca cao thượng của ông nhan đề "Về bản chất của sự vật" mô phỏng Epicure trong việc ca ngợi khoái lạc để mà chỉ trích nó. Hầu như đồng thời cới César và Pompey, ông sống ở giữa sự náo động và hỗn loạn; ngòi bút bất an của ông luôn luôn viết những lời nguyện cầu cho an lạc hoà bình. Người ta hình dung ông như một linh hồn rụt rè mà tuổi trẻ đã bị những nỗi sợ hãi tôn giáo làm cho đen tối; vì ông không bao giờ chán bảo độc giả rằng không có địa ngục, trừ ở đây, và không có những vị thiên thần trừ những thiên thần cốt cách sống trong một khu vườn của Epicure trong những đám mây, và không bao giờ xen vào những công việc của người. Đối lập sự thờ phụng thiên đường và địa ngục đang thịnh hành trong dân chúng La Mã, ông đưa ra một thuyết duy vật tàn bạo. Linh hồn và tâm trí đều cùng tiến triển với thể xác, lớn lên với sự lớn lên của thể xác, đau với sự đau của thể xác, và chết với cái chết của xác. Không gì hiện hữu ngoài ra nguyên tử, không trung và định luật; và định luật của những định luật là định luật thành hoại lan khắp.

Không một vật gì dừng trụ, mọi sự đều tuôn chảy.

Mảnh này bám lấy mảnh kia; vạn vật cứ thế lớn dần.

Cho đến khi ta biết và đặt tên chúng.

Dần dần chúng tan rã, và không còn là những vật ta biết.

Được kết thành hình cầu từ những nguyên tử rơi nhanh hay chậm

Tôi thấy những mặt trời và những thái dương hệ thành hình;

Và ngay những thái dương hệ cùng những mặt trời ấy

Sẽ từ từ trở về chu kỳ vần xoay bất tận

Ngươi nữa, hỡi quả đất - đế quốc ngươi, đất, biển và những ngôi sao nhỏ nhất trong ngân hà,

Cũng như chúng, ngươi thành hình từ cơn xoay vần và cũng như chúng,

Ngươi sẽ đi. Ngươi đang đi, từng giờ một

Không vật gì dừng trụ: Biển của ngươi từ từ biến mất.

Những bãi cát trăng soi rời bỏ chỗ chúng;

Và nơi hoàng sa kia sẽ có những biển khác đến xoá tan bờ vịnh bằng những lưỡi hái trắng ngần (Lucretius on life and death.  pp.15-16 -Mallock diễn ra Anh ngữ- !)

Cộng thêm vào sự thành hoại của các tinh tú là sự khởi nguyên và tận diệt của các loài:

Ngày xưa quả đất cũng  đã sản xuất nhiều quái vật, những con vật này có mặt mày chân tay kỳ dị...; có những con không chân, có những con không tay, có những con không mồm, có những con không mắt,... Mọi quái vật thuộc loài ấy quả đất đã sản xuất, nhưng vô hiệu; vì thiên nhiên không để chúng tăng trưởng, chúng không thể đạt đến tuổi hoa niên mong mỏi, cũng không kiếm ăn được, cũng không phối hợp được trong hôn nhân; ... và nhiều loài chắc đã phải diệt dần như thế và không thể sinh con hay tiếp tục sinh sống. Vì trong trường hợp mọi sinh vật mà ta thấy hô hấp hơi thở của sự sống, từ khởi thuỷ mỗi loài đều có hoặc tài năng hoặc can đảm, hoặc vận tốc đã che chở và bảo tồn cho nó... Những loài mà thiên nhiên không cho một đặc tình nào kể trên đều sẽ bị phó mặc làm mồi cho những loài khác, cho đến khi thiên nhiên đưa chúng đến chỗ tận diệt (p. 830ff, Munro dịch).

Các quốc gia cũng như cá nhân, từ từ lớn lên và chắc chắn phải chết: "một vài quốc gia trổi lên, vài quốc gia khác tàn tạ, và trong một khoảng ngắn thời gian, những sinh vật bị biến đổi, và cũng như những kẻ chạy đua, chuyền lại ngọn đèn của sự sống". Trước chiến tranh và cái chết không thể tránh, không có sự khôn ngoan nào ngoài ra trong thái độ an nhiên ataraxia, - "nhìn mọi sự với cõi lòng bình an". Ở đây, rất rõ, niềm vui vô thần cũ về cuộc đời đã mất, và một tinh thần hầu như xa lạ đang chạm một chiếc đàn cầm đã gãy vỡ. Lịch sử, vốn chỉ là một trò khôi hài, chưa bao giờ đùa dai cho bằng khi nó tặng danh từ "hưởng lạc" cho con người yếm thế bi tráng và tiết độ nầy.

Và nếu đây là tinh thần của môn đồ Epicure, thì ta hãy tưởng tượng niềm lạc quan phấn khởi của những nhà khắc kỷ rõ rệt như Aurèle, hay Épictète. Không có gì trong mọi nền văn học lại buồn thảm bằng những bài "nghị luận" của người nô lệ, trừ phi những bài "Trầm tư" của vị hoàng đế. "Đừng tìm cách làm cho sự vật xảy ra như ngươi muốn, mà tốt hơn chúng xảy ra thế nào thì hãy lựa chọn thế ấy; như vậy ngươi sẽ sống phong phú" (Enchiridion and Dissertations of Epictetus, de Rolleston, p. 81). Dĩ nhiên bằng cách ấy ta có thể làm chủ tương lai và cũ trụ. Chuyện kể rằng người chủ Epictète thường xuyên đối xử tàn nhẫn với ông, một ngày kia khởi sự vặn bẻ một ống chân Epictète để tiêu khiển. Epictète bảo: "Nếu ngài tiếp tục, ngài sẽ làm gãy chân tôi". Người chủ cứ tiếp tục và cái chân gãy thật. Epictète ôn tồn nhận xét: "Đấy, há tôi đã chẳng bảo ngài sẽ làm gãy chân tôi đấy sao ?. Tuy nhiên có một vẻ gì cao thượng huyền bí trong triết lý này, như trong sự can đảm yên lặng của một người chủ hoà kiểu Dostoevski. "Đừng bao giờ bảo rằng : tôi đã mất vật nọ vật kia; mà phải nói : tôi đã trả nó về. Con của bạn chết chăng ? - nó được trả về. Vợ bạn chết chăng ? - nàng được trả về. Bạn bị tước mất hết tài sản chăng ? - há chẳng phải nó cũng  được trả về đấy hay sao ?" Trong những đoạn văn như thế ta thấy gần giống với Kitô giáo và những thánh tử đạo anh dũng của tôn giáo này; quả thế, há chẳng phải nền đạo đức Kitô giáo về sự quên mình, lý tưởng chính trị Kitô về tình huynh đệ  - gần như kiểu cộng sản -  giữa người với người và thuyết mạt thế Kitô giáo về sự thiêu huỷ cuối cùng của toàn thế giới - chính là những mảnh vụn của chủ thuyết khắc kỷ đang trôi nổi trên dòng tư tưởng. Trong Epictète, linh hồn Hy Lạp - La Mã đã mất tính cách vô thần của nó, và sẵn sàng cho một niềm tin mới. Sách của ông  có hân hạnh đặc biệt là được giáo đường Kitô sơ thuỷ áp dụng như một cuốn yếu lược tôn giáo. Từ những "Nghị luận" này và những "Trầm tư" của Aurèle đến "Sự mô phỏng đấng Kitô" chỉ cách nhau một bước.

Trong lúc ấy bối cảnh lịch sử đang hoà vào trong những cảnh tượng mới hơn. Có một đoạn văn đặc sắc trong Lucrèce tả sự suy tàn của nông nghiệp trong cuốn La Mã, và quy sự suy tàn ấy cho lý do đất đã kiệt lực. Dù nguyên nhân nào đi nữa, sự giàu có của La mã cũng đã nhường bước cho cảnh nghèo nàn, tổ chức trở thành phân hoá, quyền lực và niềm kiêu hãnh trở thành sự suy vi và nỗi thản nhiên chịu đựng. Các đô thị rơi vào tình trạng những miền nội địa không có gì đặc sắc; đường xá rơi vào tình trạng thiếu sửa chữa và không còn tấp nập việc mậu dịch thương mãi; những gia đình nhỏ của người La mã có giáo dục bị lấn lướt bởi những giòng giống Đức mạnh mẽ vô giáo dục hằng năm len lỏi qua biên giới; văn hoá vô  thần nhường bước cho tín ngưỡng Á đông; và dần dà, một cách tinh vi, đế quốc trở thành Giáo quốc của nhà thờ Công giáo La mã.

Giáo đường, vào những thế kỷ đầu tiên, được ủng hộ bởi những vị vua dần dần bị lấn quyền, phát triển nhanh chóng về số lượng, tài sản và tầm ảnh hưởng. Vào thế kỷ 13, nó đã chiếm một phần ba đất Âu châu (Robinson và Beard: Outlines of European History, Boston, 1914, I, 443) và những tủ sắt của nó đầy nhóc những tặng dữ (?) từ người giàu và kẻ nghèo. Trong một nghìn năm, với bùa phép của một tín điều không thay đổi, nó đã thống nhất phần lớn dân tộc của một lục địa; chưa bao giờ trước đấy, và từ đấy đến nay, có một tổ chức nào lan rộng đến thế hay hoà bình đến thế. Nhưng sự thống nhất này, theo giáo đường nghĩ, đòi hỏi một đức tin chung được tăng cường bằng những hình phạt siêu nhiên ở bên ngoài chuyển biến và sự ăn mòn của thời gian; bởi thế những giáo điều cố định và được giải thích kỹ càng được đúc nên như một cái vỏ cứng trên tâm thức mới lớn của Âu châu thời trung cổ. Chính trong giới hạn lớp vỏ này nền triết học kinh viện đã di chuyển hạn hẹp từ đức tin đến lý trí và trở lại, mắc kẹt quanh quẩn trong một vòng tròn gồm những giả thuyết không được phê phán và những kết luận có trước. Vào thế kỷ mười ba, tất cả tín đồ Kitô giáo phải giật mình và kích động trong bản dịch tác phẩm Aristote ra tiếng Ả-rập và Do thái; những uy lực của giáo đường vẫn còn có đủ qua thánh Thomas d' Aquin và những người khác để biến hoá Aristote thành một nhà thần học trung cổ. Kết quả đấy là sự khôn khéo tinh ranh, chứ không phải minh triết. "Trí khôn và tâm thức con người - Bacon bảo- nếu tác động trên vật chất, nó sẽ tuỳ thuộc vào nguyên liệu mà tác động, và do đó bị nguyên liệu hạn chế. Nhưng nếu nó tác động trên chính nó như nhện giăng tơ, tằm làm kén, thì nó thành ra vô tận, và quả thế mang lại những mạng nhện của sự uyên bác, đáng phục vì công trình tinh vi song lại không thực chất vì vô bổ". Sớm muộn gì tri thức Âu châu cũng sẽ nhảy ra khỏi lớp vỏ này.

Sau một ngàn năm chăm bón, đất nở hoa trở lại; hàng hoá được tăng bội thành một số thặng dư buộc phải có mậu dịch; và việc mậu dịch ở những con đường chéo của nó lại dựng lên những đô thị mới, nơi đó người ta có thể cộng tác để bồi dưỡng văn hoá và dựng lại văn minh. Những cuộc thánh chiến mở những con đườmg đến Âu châu, và để tràn vào một dòng xa xỉ phẩm và tà thuyết làm tiêu ma chủ nghĩa khắc khổ và giáo điều. Bấy giờ giấy du nhập rất rẻ từ Ai-cập, thay thế loại da thuộc đắt đỏ đã làm cho việc học trở thành độc quyền của giới tu sĩ; sự ấn loát, từ lâu chờ đợi một phương tiện ít tốn kém, bây giờ bừng lên như một chất nổ được châm ngòi, và lan rộng khắp nơi ảnh hưởng phá hoại và soi sáng của nó. Bấy giờ những thủy thủ gan dạ lại được trang bị địa bàn, dám phiêu lưu vào biển cả hoang vu và chinh phục sự ngu dốt của con người về trái đất; những nhà quan sát kiên nhẫn với những ống viễn vọng kính, phiêu lưu ra ngoài giới hạn của giáo điều, và chinh phục được sự ngu dốt của con người về bầu trời. Khắp nơi, trong những đại hoc đường, trong các chủng viện và những nơi ẩn dật xa xôi, người ta thôi tranh luận và bắt đầu tìm tòi. Từ nỗ lực biến kim khí loại thấp thành vàng, thuật luyện kim dò dẫm chuyển thành hoá học; từ khoa chiêm tinh con người dò đường vừa táo bạo vừa rụt rè, đến khoa thiên văn học; và từ những chuyện ngụ ngôn về loài vật biết nói, khoa động vật học ra đời. Sự bừng tỉnh ấy bắt đầu với Roger Bacon (chết năm 1294); phát triển với Leonardo da Vinci (1452 - 1519); và viên mãn với nền thiên văn của Copernic (1473 - 1543) và Galilée (1564 - 1642), với những nghiên cứu của Gilbert (1544 - 1603) về nam châm và điện, của Vesalius (1514 - 1564) về giải phẫu học, và của Harvey (1578 - 1657) về sự tuần hoàn của máu. Khi hiểu biết tăng, nỗi sợ hãi giảm; con người bớt nghĩ đến việc thờ phụng cái vô hình, và nghĩ nhiều hơn đến việc thắng lướt nó. Mọi sinh lực được nâng cao với một niềm tin tưởng mới; những hàng rào bị phá huỷ; bấy giờ không còn giới hạn nào cho những gì con người có thể làm. "Nhưng sự kiện những chiếc tàu nhỏ, như những thiên thể, được dong buồm quanh khắp địa cầu, chính là niềm hạnh phúc của thời đại chúng ta. Bây giờ chính là lúc ta sử dụng từ ngữ plus ultra - xa thêm nữa- "nơi mà những người xưa dùng từ ngữ non plus ultra" (Bacon; The Advancement of Learning; P.II, chương 10. Một châm ngôn trung cổ báo cho tàu quay lui ở Gibraltar vào Địa trung hải, với hàng ghi: Non plus ultra - Đừng đi xa hơn). Đấy là thời đại của những công trình, của hy vọng và sự hùng mạnh, của những bắt đầu và những khởi công mới trong mọi địa hạt; một thời đại đang chờ đợi một tiếng nói, một linh hồn tổng hợp có thể nói trọn một cách vắn tắt tinh thần và quyết định của nó. Chính Francis Bacon, "tâm thức hùng mạnh nhất của thời đại tân tiến" (Epicure.J. Payne trong The Cambridge Modern History, I, 65) là người đã "rung chuông triệu tập những đại trí lại cùng nhau", và công bố Âu châu đã đến tuổi trưởng thành.


Nguồn: The Story of Philosophy - Will Durant
Trí Hải và Bửu Đích dịch
Nha Tu Thư và Sưu Khảo
Viện Đại Học Vạn Hạnh (1971)