"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

116 - Sự suy nghĩ và tính toán là kẻ thù giết chết đời mình

Không biết có quý vị nào đã thấm thía với những suy nghĩ của mình chưa? Nếu chưa thì việc học của quý vị còn hời hợt lắm, khó mà tạo ra sự thay đổi ghê gớm! Quý vị phải thấy cho được, phải thấm nhuần được rằng sự suy nghĩ và tính toán chính là kẻ thù giết chết đời mình và nó đang rình rập để làm khổ sở mình từng ngày từng giờ, không cho mình sống. Có vị nào thấy được điều đó chưa? Tức là suy nghĩ tính toán cho cá nhân của mình: “Mình không thể chấp nhận mất mà phải được!” Được tiền, được quyền, được này kia nọ, được theo ý mình. Có người nào thấy những cái đó làm cho mình mệt mỏi chưa? Có thấy những cái đó là kẻ thù của mình chưa? Có thấy những cái đó là nguyên nhân gây khổ đau về mặt cảm xúc, về mặt tinh thần của mình chưa?  

Câu chuyện của Hg LTT: 

- Con LTT xin chia sẻ về sự mệt mỏi do suy nghĩ gây nên. Thời gian qua con cũng có nhiều suy nghĩ...
 
- Suy nghĩ có liên quan gì đến quyền lợi của mình không? – Thầy hỏi.
-  Dạ... không.

-  Nếu nó không có liên quan đến quyền lợi, liên quan đến sự được mất cho cá nhân mình, đến gia đình mình thì tại sao nó lại hành hạ, nó làm cho mình mệt mỏi được? Nhiều khi nó nằm sâu lắm, mình không thấy nên mình tưởng là không phải.

Con cũng có nhiều suy nghĩ nhưng suy nghĩ nhiều nhất là dành cho gia đình con.

-  Ừ.. Thì đó, đó chính là cái liên quan đến mình đó. Không ai không ai cho rằng chuyện mình lo cho gia đình là liên quan đến quyền lợi của mình cả. Nhưng chuyện đó sự thật hoàn toàn như vậy, đúng 100%, có bắn tôi chết thì tôi cũng cho là đúng. Do vậy nên mình cứ bám mãi vào đó.

Con cũng có nhiều chuyện để chia sẻ lắm... Con cũng không biết bắt đầu từ đâu... (nghẹn ngào)

- Buồn cười ha, tự nhiên mình rớt ra, sinh ra giữa trời đất này thế là mình dính tới hết gia đình này đến gia đình khác, dính chặt vô rồi phải lo. 

Có nhiều cách để lo cho gia đình lắm. Trong đó có cách lo cho gia đình bằng cách không lo gì hết. Nếu quý vị lo cho gia đình bằng cách không lo thì tôi cho rằng có nhiều thú vị hơn. Còn lo bằng cách tập trung hay âm thầm lo thì nhiều khi còn làm cho mình rắc rối và nhỏ bé lại. 

-  Dạ, con cũng cảm thấy như vậy. Cảm thấy nghẹt thở. 

- Mình phải có gan, cây cối trong rừng thì có cây mạnh, cây yếu, có cây sống lâu có cây chết nhanh. Phải có cái gan! Cùng lắm thì một số người thân nào đó sẽ chết. Nhưng họ chết hay sống không phải do mình, tại mình thấy mình nóng ruột và lo vậy thôi. Mà lo thì rối bời ngay!  

Quý vị học 1 năm, 2 năm, 5 năm, 10 năm, thông đạt trí tuệ này kia đủ thứ nhưng cứ để trong đầu óc lúc hiện lúc tan cái khái niệm có liên quan đến việc thỏa mãn một phần nào đó quyền lợi cá nhân hay gia đình mình, hay quyền lợi cá nhân đó ít ra thỏa mãn được một phần thú vui riêng của mình và mình đeo đuổi sự thỏa mãn đó thì tôi cho rằng người đó không phải là người khôn, không phải người có trí. 

Tôi không nói chuyện đạo đức! Người đó tưởng là mình khôn, tưởng là mình có trí nhưng thiệt ra dưới con mắt nhìn của tôi thì người đó là người ngu, người vô trí. 

Trong người của anh nó có khả năng thưởng thức vô lượng cảm xúc đặc biệt, có khả năng rộng lớn để thưởng thức những cảm xúc rộng lớn khác nhau. Nhưng anh chỉ biết vài ba cái cảm xúc ăn, ngủ, bồ bịch, thành tựu hay thất bại về mặt nghề nghiệp, tiền bạc. Anh chỉ có bấy nhiêu đó thôi chứ anh không biết trong đầu anh có vô lượng khả năng hưởng thụ với vô lượng cảm xúc mới lạ mà anh cần phải biết, nên biết để đừng đánh mất cơ hội làm người. 

Chúng ta cứ luẩn quẩn mãi với cái cảm xúc khi kiếm được chút tiền, kiếm chút sự nghiệp, kiếm chút khoe khoang, kiếm chút thỏa mãn, kiếm  chút thú vui ta thế này, ta thế kia. Đó chính là cái thỏa mãn dễ thấy nhất mà ai cũng đeo đuổi rồi tự thấy mình là trung tâm vũ trụ, mình làm cái bất kỳ ai cũng muốn, tức là ai cũng muốn cái mà họ đã biết. 

Còn nếu đem mấy cảm xúc về thú vui của anh ra so với trải nghiệm về những khả năng và cảm xúc vô hạn, thì những cảm xúc ấy của anh chẳng khác nào cảm xúc của mấy con ruồi, con nhặng thấy đống phân khoái chí rồi kêu to. Đó đâu phải là cảm xúc hay ho đâu! Đó là thứ cảm xúc ruồi nhặng! Tuy rằng nó làm ra vẻ hùng hùng hổ hổ, lên gân lên guốc ghê lắm! Nhưng thật tiếc khi anh chẳng biết rằng con người có khả năng thưởng thức vô tận các cảm xúc mới lạ khác nhau. 

Quý vị ngồi lấy sổ ra ghi thử quý vị có bao nhiêu loại khả năng thưởng thức cảm xúc, cũng chỉ loanh quanh chuyện ăn ngủ, làm tình, khoe của, khoe bằng… Đó là những thứ cảm xúc mà ai cũng biết và mơ ước. 

Trong khi khả năng thưởng thức của chúng ta lớn lao vô cùng. Mỗi người mới chỉ thưởng thức vài ba món đó mà còn chưa xong! Sáng cười, chiều khóc, tối ngủ không được – lập đi lập lại có bấy nhiêu ! 

Trong khi trời đất thì mênh mông, quyền lợi dành cho con người thì mênh mông. Khả năng thưởng thức thì vô tận, cảm xúc trào dâng trong tâm hồn là vô biên. Chúng ta mới thưởng thức có chút xíu mà cứ trồi lên rớt xuống mãi mà vẫn không dám bỏ. Kẹt ở chỗ đó! Bỏ thì sợ người ta chê, sợ khác người, sợ bình luận, sợ bị nói là bệnh thần kinh. 

Tôi đã từng nói, người đời không bao giờ có thể khám phá được cái thế giới bí mật của hạnh phúc, vĩnh viễn không bao giờ thấy được. 

Khái niệm hạnh phúc chẳng qua chỉ là khái niệm thuộc về ước mơ của con người trong đời sống chịu đựng căng thẳng, thoải mái ít mà căng thẳng nhiều, cười ít mà khóc nhiều nên con người mơ ước đến hạnh phúc nào đó mà con người chưa đạt đến. 

Mà hạnh phúc không phải là không có. Có! Nhưng những người đạt được cái đó người ta không nói ra được, không có văn bản nào để lại được, không có bức tranh nghệ thuật nào để lại được. Các tài liệu đó không để lại được. 

Còn những tài liệu để lại được về các vĩ nhân hoặc các bức tranh nổi tiếng được lưu lại trị giá đến hàng trăm triệu thì đó toàn là đau khổ thôi. Con người chỉ toàn ca ngợi khả năng chịu đựng sự đau khổ hay ca ngợi nghệ thuật diễn đạt tâm hồn đau khổ sâu thẳm thôi. 

Còn tôi cho rằng, phải viết bên dưới mỗi tài liệu là: «Người đời có ca ngợi thì ca ngợi nhưng không nên đề cao vì đây là những điều không hay. Tôi viết lại cảm xúc thất bại và khổ đau do tôi sống không được hạnh phúc. Tôi viết ra những áng văn như thế này nhưng tôi khuyên là người đời đừng cho nó là có giá trị.»

Cái cách người đời tán thán và thưởng thức thì quý vị cũng thấy rồi đó, toàn là tán thán và thưởng thức những chuyện thất bại, những chuyện khổ đau, những tuyệt vọng, những tiếng rên của kẻ tuyệt vọng, chứ có ai thưởng thức được âm thanh rên rỉ của kẻ sung sướng. 

Cũng là âm thanh xúc cảm nhưng âm thanh của người sung sướng, hạnh phúc vô tận thì người đời không nghe, không thấy được và người đời chỉ nghe và thấy những âm thanh rên rỉ của những kẻ thất vọng, thất bại, chưa thỏa mãn, chưa bao giờ toại nguyện với cuộc sống. 

Người đời nghe được, thấu hiểu được vì lẽ sao nó giống mình quá ! Người đời chỉ ca ngợi được tới đó thôi, đầu óc còn nghèn nàn lắm! Cho nên người ta đi thờ cái sự chịu đựng. 

Qua đó, cho thấy sự hiểu biết, sự tôn thờ của con người chỉ ở mặt tiêu cực, rất nhỏ, rất dở, còn mặt tuyệt hảo thì người đời chưa thấy, không thấy được nên làm sao chỉ cho người ta được. Làm sao có những dấu hiệu gì để cho người khác theo được? Không có! Hy vọng gia đình Minh Triết, hiền giả Minh Triết có thể chứng minh được điều đó! 

LTT chia sẻ tiếp đi, nói ra để cho các đồng đạo của mình thấy mà tránh. Quý vị phải tự do, quý vị phải rộng mở cái đầu. Lúc ấy hoàn cảnh gia đình và những người thân trong gia đình bắt buộc phải thay đổi! Và họ phải tự thay đổi.  Còn quý vị không thể  thay đổi được họ! Quý vị dùng tiền thay đổi cũng không được, dùng tình thay đổi cũng không được, không cách chi được cả! Quý vị chỉ có một lực duy nhất để giúp người khác thay đổi đó là lực thay đổi chính mình. Phải dùng lực đó, cái lực ấy bao bọc hết tất cả, tác động đến chung quanh và giúp cho người khác tự thay đổi. Quý vị cũng không được đem ý tưởng thay đổi người khác ở trong đầu của mình để tạo ra sự thay đổi cho người ta được. 

Quý vị cứ gieo hạt giống xuống dưới đất, hạt nào mọc được thì mọc, không mọc được thì thôi, kệ nó! Nếu quý vị không kiên quyết tạo ra sự thay đổi ghê gớm trong chính mình thì đừng bao giờ nghĩ tới một khả năng nào có thể giúp đỡ được cho gia đình. Không bao giờ có! 

Quý vị làm ra tiền, có chút ít tiền, quý vị có dùng tiền thay đổi được ai không? Chắc chắn không! Chỉ làm cho sự thay đổi phức tạp, chỉ khiến người ta dựa dẫm vào đó, làm khó mình hơn, bu vào mình nhiều hơn, cuối cùng mình sa vào bẫy của người ta. Bởi trong đầu mình có con ma rắc rối, nếu không khéo nó sẽ càng ngày càng lớn, mọc hàng trăm cái tay, hàng trăm cái đầu, làm khó mình mãi. Con ma đó to lắm đó!

Quý vị cố gắng tạo sự thay đổi lớn lao nhất cho chính mình trước đã! Không có nói tới gia đình, người thân được. Giờ người thân anh đang khó khăn về tiền bạc, anh nói: Thôi! Giờ tôi còn phải đi mò khoai, mót củi để mua mắm muối cho gia đình. Đó là cái chuyện thực tế nhất, không nói chuyện viển vông. 

Hoặc có người lì là bỏ nhà đi quách, chẳng hạn đi nước ngoài học 3 năm liền. Nếu chẳng may trong lúc vắng mình, gia đình mình có chết thì chấp nhận. Nhưng có khi trong lúc vắng mình gia đình mình sẽ tốt hơn thì sao? Mình không thể biết được gia đình sẽ tốt hơn hay không tốt hơn khi có mình. Và nhất là đừng bao giờ tin rằng có mặt mình thì gia đình sẽ tốt hơn. Niềm tin đó chưa chắc đã đúng, đa số đều bị dính chỗ này, đều cho rằng có mặt mình thì gia đình tốt hơn. Phải coi chừng, đừng nhầm lẫn! 

Tôi có nghe qua một câu chuyện đại khái là ông nọ có 4 đứa con, trong đó có 1 đứa rất ngỗ nghịch, làm biếng và hay ghen tỵ với mấy đứa khác. Ông tuổi đã già, bà vợ thì mất sớm vì bệnh, chỉ còn ông nuôi dưỡng mấy đứa con và kinh doanh tiệm thuốc bắc. Ông buồn rầu kể với tôi rằng: “ Tôi có một thằng con nói hoài không nghe, hồi mẹ nó sống nó gây rắc rối cho mẹ nó, bây giờ thì nó gây rắc rổi cho tôi và mấy đứa em nó”. Mà thằng này lại là thằng con trai trưởng mới chết. Ổng mời sư, mời đủ thứ người tới giúp cũng chẳng giúp được gì cho cậu con trai này. Một hôm ông tự bảo: ‘’Thôi bây giờ mình phải bỏ nhà đi xứ khác sốn. Kệ nó, cái đám này sống dai lắm không chết đâu mà sợ’’. Ông vẫn tiếp tục nghe ngóng, 3 đứa con kia vẫn tốt, còn thằng con trai trưởng chỉ ngồi ngóng xem cha nó làm cái gì, em nó làm cái gì cho nó mà thôi. Sau 3 năm sống ở nước ngoài, nó vẫn không có gì thay đổi. Ông bèn nghĩ ra kế khác, ông nhờ một người quen gửi tài liệu về chứng minh rằng ông đã chết do bạo bệnh và nhờ người thiêu xác. Khi nghe tin đó, 3 đứa con kia khóc ròng, khóc chết bỏ luôn. Thằng lớn lúc đó vẫn chưa khóc, nó còn nghi ngờ, nó còn đang tìm cách thỏa mãn cái đầu óc của nó. Đến ngày thứ 5, thứ 6 mấy đứa em vì thương nhớ bố quá nên bỏ việc. Lúc ấy không hiểu thế nào mà nó lên tiếng an ủi mấy đứa em đừng buồn nữa. Tự nhiên nó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người anh trai trưởng đối với mấy đứa em và thay đổi rất tốt. Mấy đứa em mừng lắm! Người cha theo dõi suốt từ nước ngoài, khi thấy thằng con tốt rồi thì ông quyết định trở về nói rõ lý do. Cả 4 anh em vô cùng mừng rỡ. Ông bố cũng mừng vì thấy các con đoàn kết, người con cả cũng biết làm ăn. Lúc đó, người con cả mới xin lỗi mấy đứa em, xin lỗi bố và quyết tâm thay đổi tốt. 

Câu chuyện đó có cái thú vị là mình cứ nghĩ rằng mình ở bên cạnh nó mới xong. Nhưng sự thật là nếu bỏ hẳn luôn thì tự nhiên sẽ xong! 

Quý vị thấy cách giáo dục của châu Âu đối với con cái khác xa so với cách của người châu Á. Người châu Âu rất sợ đụng chạm đến lòng tự ái, lòng tự trọng của con cái. Người châu Á thì không sợ cái đó, chỉ sợ con mình không giỏi chứ không ngại chạm đến tự ái của nó. Ví dụ, người châu Âu đâu có dám chửi con mình: “Mày là cái đồ hư hỏng, mày là cái đồ vứt đi, học hành không ra gì, mày là cái đồ lười biếng, ăn bám”! Mà họ nói rất nhẹ nhàng, tình cảm: “Con tốt lắm, con yêu thương của bố mẹ, con xứng đáng lắm, bố mẹ tự hào về con lắm, con ráng lên chút nữa đi con”. 

Người châu Á thẳng thừng hơn: “Mày là cái đồ vứt đi. Một là mày đi chăn bò, hai là mày ra làm quan. Mày muốn chăn bò hay làm quan? Tao dòm cái tướng mày là đi chăn bò, tao không muốn thấy cái mặt chăn bò của mày nha mày! Từ nay về sau mày phải làm cho đàng hoàng nha mày, học là phải điểm cao nha mày, không được điểm thấp nha mày! Mày dốt hả mày, mày lười hả mày, mày là cái thằng mất dạy!» Đó là cách giáo dục của người châu Á. 

Thật ra mình không thể nói cái nào tốt hay xấu được, tùy theo văn hóa mỗi xứ. Người châu Á dạy con mặc dù cứng rắn hùng hổ nhưng cũng có cái hay của hùng hổ. Người châu Âu dạy theo kiểu không dám đụng đến lòng tự trọng, tự ái của con cái cũng có cái hay riêng. Nhưng có nhiều trường hợp nó không nghe, nó muốn làm gì nó làm thì sao đây?

Ví dụ theo văn hóa châu Á, cha mẹ bảo: “Tao đẻ mày ra, tao hi sinh cả cuộc đời cho mày. Mày con tao mày phải nghe tao.” Con cái đáp: “Dạ dạ, con mang ơn bố mẹ nhiều.”Còn theo văn hóa châu Âu, lỡ nó nói: “Tôi đâu có muốn làm con ông bà, ông bà đẻ tôi ra thì phải lo cho tôi chứ, tôi có muốn làm con mấy người đâu?” thì quý vị tính sao?

Thật ra cái này không nói đúng hay sai được, do văn hóa mỗi vùng thôi! Quý vị là hiền giả Minh Triết thì cũng đừng có chấp vào con đường mòn. Cứ mạnh dạn làm ngược lại thử xem, làm thử coi ai chết? Đừng sợ đau! Mà người châu Á lại dễ làm hơn người châu Âu à! Vì người châu Á không sợ người khác đau! “Mày có lòng tự trọng, tự ái hả? Tao muốn mày dẹp cái lòng tự trọng qua một bên được không? Mày chả có lòng tự trọng, tự ái gì hết! Bỏ đi!” Còn người châu Âu không được à! Đụng tới lòng tự trọng, tự ái của nó là ghê lắm à! Không có dám đụng tới đâu à! Mặc dù, nó là con mình à!

Coi vậy chứ phương pháp ngược có ưu điểm trong đó nên đừng có sợ mà không dùng. Không phải ngày đêm đeo bám là được đâu. Cho đứt một khoảng luôn! Nhiều khi tình thế sẽ tốt hơn. Nhiều trường hợp nó dựa anh hoài, nó dựa miết dẫn tới nó bám anh cả đời, nó chẳng thay đổi gì hết. Và chính anh là người tạo cơ hội cho nó hư luôn. Nếu anh dứt khoát, nghiêm khắc tiêu diệt lòng tự trọng của nó ngay từ đầu thì sẽ khác. Bây giờ đã cuối đời rồi mà nó vẫn bám vào anh mãi. Anh đã tạo cho nó một sự hư hỏng rồi nên không còn thuốc chữa nữa! Do đó, phải cố gắng làm ngược.

Tôi nói thực tế chung quanh có những lực vô hình nhiệm mầu khó thấy và thực tế trong tương lai sẽ có những điều tốt đẹp đến với chúng ta. Nhưng chúng ta cứ muốn định hình cho tương lai trong khi chúng ta không thể định hình cho tương lai được. Chúng ta không thể biết trước được tương lai nhưng chúng ta có quyền làm những chuyện tốt đẹp nhất ở hiện tại mà không cần nghĩ tới tương lai, tương lai chỉ là kết quả tất nhiên, không có gì phải bàn, phải lí luận, chả cần phải nói tới chuyện làm cái này để cho ngày mai. Nếu có dạy thì dạy con mình ra đường phải cẩn thận, coi chừng người ta dụ dỗ, bắt cóc, phải ráng học, phải làm siêng, phải dẹp hết lòng tự ái, tự trọng qua một bên và lo học hành. Tương lai nếu không có tsunami, động đất hay chiến tranh mà nó còn sống thì nó sẽ tốt thôi. 

Chứ không phải nói tao lo cho mày thì tương lai mày nhất định phải như thế. Không phải vậy! Anh định cho con anh một tương lai, anh phải coi chừng vì cái đời của anh, cái đầu của anh chỉ tới cỡ đó thôi. Còn cái đầu của nhân loại rộng lớn hơn, nhiều chuyện lớn tốt đẹp xuất hiện mà anh đâu có biết được. Mà nhiều khi anh định cho nó bây giờ như thế, nó không biết gì nhưng lại ráng theo anh thì nó đánh mất bao nhiêu cơ hội tốt đẹp khác. Bởi nó không đủ sức tiếp nhận sự hay ho khác bao la bát ngát mà muốn tiếp nhân sự hay ho, bao la bát ngát thì buộc nó phải trải qua sự giáo dục về khả năng đặc biệt. Còn bây giờ anh đã định cho nó một tương lai theo đường lối của anh rồi cho nên nó không đủ khả năng để tiếp nhận những niềm vui lớn lao khi anh đã qua đời. Cho nên không được quyền đặt tương lai theo định kiến riêng của mình được.

Cha mẹ làm sao biết ngày hôm nay tôi sống như thế nào? Làm sao biết được! Ông bà nội tôi làm sao biết được! Cũng như chúng ta làm sao biết được ngày mai, con cái chúng ta ra sao mà vẽ ra tương lai?  

Dù hôm nay hay ngày mai thì cũng do cái đầu quyết định, chúng ta chỉ dạy cho chúng phương pháp để làm sao cái đầu của chúng tốt nhất, bất cứ tương lai thế nào, hoàn cảnh như thế nào, với cái đầu thật tốt thì chúng có khả năng vô tận tiếp nhận tương lai của chúng. 

Cho nên anh chuẩn bị cho chúng cái đầu thôi, chứ chớ có dại mà chuẩn bị cho chúng ý tưởng. Nhưng muốn chuẩn bị cái đầu thì đôi khi anh phải dùng ý tưởng, chứ ý tưởng không phải là mục tiêu nói tới mà chỉ là phương tiện để giúp cho chúng mở cái đầu. 

Khi cái đầu đã mở thì ý tưởng về tương lai không còn giá trị nữa, nó sẽ làm chuyện khác. Ý tưởng luôn luôn vẫn là điều làm cho cái đầu ổn định. Ý tưởng thuộc về sáng tạo, nên nó thay đổi thường xuyên, nhưng ý tưởng tích cực lúc nào cũng giúp cho cái đầu mở. 

Trích Master Duy Tuệ - Suy Nghĩ Và Tính Toán Đánh Mất Hạnh Phúc  - 19.4.2011 (* Tựa đề do người ghi tạm đặt)