"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

102 - Sự vĩnh hằng chính là tình yêu mà chúng ta yêu được

Thầy cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần điều quan trọng nhất đối với hiền giả Minh triết là cách sống với nhau. Chứ không phải là mình chứng cái đạo gì, mình thành phật, thành tiên gì, chuyện ngộ đạo…mà người ta bày ra, điều đó không có đúng! Chúng ta không có nghe lời mấy cái chuyện đó! Nó thể hiện cái quan trọng nhất là cách mà chúng ta cư xử với nhau hàng ngày: không làm cho người khác buồn, không làm cho người khác đau lòng, không ích kỷ - chỉ biết nghĩ tới mình…Đó là cách để lại yêu thương cho đời. Khi chết rồi thì đâu có còn gì! Tình yêu của mình dành cho người khác và tình yêu của người khác dành cho mình mới là sự tồn tại vĩnh viễn. Tình yêu của con người tồn tại vĩnh viễn, nó không tan biến được.

Khi người ta nói tới sự giải thoát, tức là người ta nói tới một niệm tưởng về vấn đề gì đó tới khi nào nó chấm dứt. Vì niệm tưởng gây ra buồn phiền. Khi con người mất đi, phần năng lực thấy vô hình thì nó không hiện hữu nữa vì nó không còn phần hữu tướng để hiện hữu. Nhưng nó lại hiện hữu ở trong tình yêu của người đó để lại. Tình yêu thì nó không thể giải thoát được. Tình yêu nó là sự vĩnh hằng! Tình yêu chính là sự sống vĩnh hằng và năng lực thấy biết nó hiện hữu trong tình yêu đó. Nó tồn tại mãi từ ngàn năm này tới ngàn năm khác. 

Sự vĩnh hằng chính là cái này! Đó là những gì mà mình yêu được người khác, mình yêu được cỏ cây, mình yêu được thiên nhiên, mình yêu được chính mình…Nó xuất phát từ trong năng lực nhiệm màu của tính thấy. Khi mà nó hình thành được rồi thì chính nó trở thành mạng sống vĩnh hằng. Và năng lực thấy biết nó nương vào sinh mạng đó, nó nuôi dưỡng vĩnh viễn luôn sinh mạng đó. Tức là tình yêu mà trong quá trình chúng ta sống, chúng ta phát triển được tình yêu bình đẳng và vô điều kiện, không có riêng tư gì trong đó.

Có thể là sự ra đi đột ngột của Duy Chính Niệm để chứng minh điều đó! Giống như là một nhân duyên để Thầy thuyết bài pháp này. Đây là một bài pháp hết sức vĩ đại. Có lẽ bài pháp này chưa có trong kinh sách.

Thầy nhấn mạnh: Sự vĩnh hằng chính là tình yêu mà chúng ta yêu được ai đó, yêu được con người, yêu được nhân loại, yêu được sự sống.... Chính sự yêu được đó là sự sống vĩnh hằng, hay là thân mạng vĩnh hằng. Nó cưu mang luôn tính thấy biết nằm trong đó, nó chuyển tính thấy biết từ hình tướng của cơ thể sang sinh mạng này.

Bài pháp hôm nay rất quan trọng, sự ra đi của Chính Niệm là nhân duyên cho bài pháp này được công bố ra : tình yêu chân thật, vô tư của chúng ta xuất phát từ trong tính thấy biết kết hợp với cách thức làm việc của bộ não. Cho nên, thầy mới nói lấy tình yêu quê hương làm gốc sẽ dễ hơn, đặc biệt hơn các thứ tình yêu khác, từ đó mới phát triển ra. Tình yêu để chúng ta yêu được biến thành mùi thơm, mình mượn danh từ phật giáo gọi là huệ mạng, tức là một mạng sống sáng suốt, được hình thành từ trong nền tảng là tính thấy biết cộng với hướng đi, kích hoạt của bộ não. Khi huệ mạng (lòng bi mẫn, tính đại bi) thành tựu rồi thì nó không tan biến. Người ta dùng chữ “huệ” cũng đúng nhưng mình cần định nghĩa lại đó là, bao gồm phần sáng suốt cộng với sự yêu (tình yêu) của mình mà mình đã phát triển với chính mình, với chung quanh, với cây cỏ một cách bình đẳng, vô tư, vô điều kiện - quan trọng nhất là bình đẳng và tự do! Tự do nghĩa là không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện gì mà do sự thấy sáng suốt tạo ra mạng sống vĩnh hằng này. Cho nên để an toàn thì hằng ngày chúng ta tập sống phát triển tình yêu này vì lỡ có hữu tướng của mình có ra đi đột ngột thì huệ mạng tự động lưu lại, không phụ thuộc – độc lập với ý muốn, ý căn. Bởi vì quá trình hình thành huệ mạng này là quá trình tự do với ý chí, ý muốn. Nó tự do với tất cả nên nó độc lập hoàn toàn. Giống như huệ mạng trở thành một thân hữu tướng khác của tính biết.

Chúng ta đang học bài này trong lúc chúng ta còn minh mẫn. Cho nên, thầy nói chúng ta phải giữ bộ não cho tốt và trong lúc bộ não đang còn tốt thì hãy tập hình thành huệ mạng này. Tập thể hiện trong cung cách cư xử giữa mình với người khác như mình có thương được ai chưa, mình có quan tâm được ai chưa, tâm hồn mình có tha thiết được với những điều bất trắc của người khác không hay chỉ lúc nào cũng nghĩ cho mình tức là làm để người khác nghĩ đến mình chứ không phải làm trong điều kiện tự do, tức là quên mình đi – chỉ biết đó là công việc, là sứ mệnh của mình, mình vui vì được phụng sự người khác.

Quý vị thấy đó, đâu cần phải dư dả tiền bạc gì, đủ ăn đủ sống có nhà ở là được rồi, bây giờ hãy lo tạo huệ mạng của mình – tạo mạng sống mới của mình để lỡ có thiên tai bão lụt có xảy ra thì mạng sống của mình vẫn tồn tại, tồn tại vô điều kiện. Chứ không phải mình hơn thua với nhau từng lời ăn tiếng nói, việc làm, sự khôn ngoan hay tu hành chứng ngộ, chứng đạo gì đó. Thầy nói chuyện tu hành là không có mà chuyện có là anh có thương và làm được gì cho người khác một cách sáng suốt nhất, minh mẫn nhất, khoa học nhất, hết sức rõ ràng, không lầm lẫn và mơ hồ hay không?



Anh in một quyển kinh, anh nói phước báu trong khi không ai hiểu quyển kinh đó cả, chính bản thân anh đang làm một việc rất mơ hồ vậy thì phước đức ở đâu? Anh cho rằng hành động đó là yêu người khác – chuyện đó không thể có được! Hành động yêu được ai đó, nếu có một trăm người thì đúng một trăm người thừa nhận thì đây là sự rõ ràng, không mơ hồ. Mà đâu cần gì lớn lao, làm những công việc đơn giản hằng ngày như pha trà rót nước nhưng với tất cả tâm hồn!  Thường những chuyện lớn lao là do mình tưởng tượng ra mà thôi, chứ thật ra sự lớn lao bắt nguồn từ sự đơn giản nhất : cười nói, ăn uống, trao đổi thân tình với nhau; rất đơn giản! Chứ không phải những dự án lớn lao gì! Chuyện đó thuộc phạm vi khác. Nếu dự án phụng sự cho cái cụ thể thì được, còn ngược lại cho cái mơ hồ thì việc đó không xuất phát từ sự yêu mà là từ sự hoang tưởng. Làm từng chút việc như vậy, nhưng hết sức cụ thể và rõ ràng.

Thông thường, trường hợp một người làm việc kề cận bên tôi mà ra đi như vậy, nếu có điều gì đó không may mắn thì tôi hay có những cảm nhận trước. Trong trường hợp của Chính Niệm, gần như là cái gì đó hết sức bất ngờ, không ai có cảm giác gì, chỉ có cách đây vài ba ngày tôi có bài chia sẻ đột xuất về các loại cảm xúc của con người. Sự ra đi của Chính Niệm gần như sự sắp đặt để cho tất cả hiền giả Minh triết thấm thía được thế nào là tình yêu, là bài học về yêu thương.

Người ra đi để lại yêu thương là người trong lúc sống huệ mạng được hình thành qua hành động, cung cách cư xử, qua sự cống hiến và thái độ làm việc của mình. Tình yêu chân thật là một mạng sống thật và mạng sống đó là vĩnh hằng.

Quý vị chú ý đây là bài pháp rất quan trọng, từ đây quý vị biết các xây dựng mạng sống của mình, không còn mơ hồ nữa! Trong tất cả những gì tôi chia sẻ, tôi ráng tìm mọi cách để diễn đạt một cách rõ ràng nhất, không mơ hồ.

Chúng ta bàng hoàng trước sự ra đi của Chính Niệm, bên cạnh đó còn có nỗi buồn vì chúng ta không còn được tiếp xúc với hữu tướng với Chính Niệm để chia sẻ với nhau qua ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng có một Duy Chính Niệm đang tồn tại. Có một cái mất đi và một cái không mất đi, và cái không mất đi nằm sâu mãi trong tâm hồn chúng ta. Quý vị thấy đó, mạng sống vĩnh hằng sâu thẳm và đẹp biết bao, nó làm cho chúng ta không thể nói được mà chỉ có chiêm nghiệm, trải nghiệm. Sự hộ trì hay sự nhiệm mầu bắt nguồn từ mạng sống này.

Trích Duy Chính Niệm và Huệ Mạng