"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Nhật ký ngày em ra đi




Để chúng ta đem ánh sáng và tình yêu đến cho mọi người thật nhanh, không chậm trễ! Để những bài dạy đầy tình thương và trí tuệ của Thầy nhanh xua tan tăm tối và khổ đau trên đất nước Việt Nam và thế giới này. Anh sẽ cần cả trăm, cả ngàn người như em!

Nhật ký ngày em ra đi


Thứ Sáu, 11.3.2011

6h30: Ngồi thiền, hướng ra bể bơi. Nhập vào một cảm giác lâng lâng sung sướng - trước kia mình đã có những cảm giác tương tự, nhưng không rõ nét bằng hôm nay, và cũng không kéo dài như hôm nay. Hình như đó là một trong các trạng thái Tỉnh Thức mà Thầy mô tả trong cuốn “sống Minh Triết”. Mở mắt xả thiền, tình trạng trên vẫn còn nguyên. 

Đã có lúc tôi không dám đứng dậy làm việc vì sợ mất cái trạng thái đó. Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải đứng lên làm việc này việc khác, và phát hiện ra rằng mội lần mình nghĩ về “nó” thì nó vẫn ở đó! Có lẽ tôi đã trở thành người may mắn được an trú trong trạng thái này. Sung sướng quá, không thể nghĩ bàn!

16h30: Ra sân bay cùng Phổ Tánh. Hôm nay đưa nó đi Trại cai nghiện ở Hải Phòng. Lại thêm một lần tái nghiện.
Máy bay chậm đến 2 giờ, 20h10 mới bay. Hai cậu cháu ngồi vật vờ tại khu chờ hạng Thương gia. Phổ Tánh lần đầu đi máy bay, ngơ ngác.

TV chiếu cảnh cơn động đất khủng khiếp và sóng thần ở Nhật bản: nhà cửa và mọi thứ trên đường đi của sóng thần bị cuốn phăng đi, nhà máy lọc dầu cháy, nhà máy điện hạt nhân bị đe dọa, cả thế giới hồi hộp.

22giờ: Máy bay hạ cánh. Trông Phổ Tánh đi xiêu vẹo, người như chỉ có bộ xương, thương nó quá.

Tôi nói với nó, “Phổ Tánh hôm nay có biết là ngày đặc biệt gì với cậu không”, rồi trả lời luôn, “hôm nay là ngày đầu tiên mà cậu lâng lâng sung sướng suốt từ sáng”. Tôi mong mọi hiền giả khác của môn Duy Tuệ sẽ có được cảm giác như tôi đang có. 

23 giờ: Đến trại, cách trung tâm TP Hải Phòng 30 cây. Tại đây người ta tiếp nhận bệnh nhân cai nghiện như tội phạm. Phổ Tánh bị sốc. Nó trách tôi sao lại đưa nó đến chỗ như vậy. Tôi đâu có biết, đi là đi thôi, vì để lâu ngày nào thì hại cho nó thêm ngày đó. Chống cai nghiện là như vậy, vả lại, tôi làm gì có nhiều thời gian. Hiền giả Giác Tuệ đã giúp nhờ Giám đốc của trại giúp. Trước đó tôi đã làm hộ chiếu cho nó để gửi đi cho một nhà thờ ở Malaysia, nhưng nghe nói tại đây đang có một loại thuốc kiêm thực phẩm dinh dưỡng thần kỳ do Bác Cương bào chế được có thể chữa được HIV, và tôi muốn Phổ Tánh được dùng sớm. 

Trước khi đi tôi đã cho nó cả một va-li quần áo, nhưng người ta không cho đem vào trại, thậm chí bộ trên người cũng phải thay ra. Cậu nhân viên ở đấy hỏi tôi:

- Bộ quần áo này đốt đi hả anh?
Tôi choáng, nghĩ bụng, làm như quần áo của người chết do bệnh lây nhiễm không bằng!
Mấy hôm trước, Phổ Tánh còn được Duy Chính Niệm và Minh Đạo hướng dẫn làm phiên tả những Pháp âm của Thầy Duy Tuệ, tuy nhiên ma lực của Ma túy vẫn kéo nó đi, thoắt cái lại biến mất ra ngoài, về nơi có ma túy.

Tôi nhớ, cái lần gặp Duy Chính Niệm đầu tiên tại Hội quán vào ngày giỗ Vua Trần Nhân Tông: một thanh niên có cặp mắt sáng và thân thiện, ở đó toát lên một sự trong sáng, một khao khát hiểu biết. Người như thế luôn tạo niềm tin cho người khác. Tôi thấy mến cậu ấy ngay.

11h30: Các thủ tục nhập trại cho Phổ Tánh đã hoàn tất, tôi phóng taxi như bay, về đến Hà Nội lúc 1 giờ sáng. Ngày mai là ngày có nhiều việc phải làm.

Thứ Bảy, 12.03.2011

Đang ăn sáng, nhận được tin dữ từ Liễu Thức Tuệ (LTT): Duy Chính Niệm bị tai nạn xe tải, mất lúc sáng sớm nay!

Vô lý, không thể như thế! Tôi gọi ngay LTT, đầu kia nấc nghẹn: tôi biết đó là sự thật, nhưng ngơ ngác, chẳng hiểu sao lại như thế.

Lẽ ra, nếu hôm nay tôi không đi Hà Nội thì tôi đã họp với em, với mọi người bàn về kế hoạch làm các Pháp âm của Thầy. Thực ra việc này đã được giao cho em trong cuộc họp tuần trước, và tôi rất tin tưởng là em sẽ hoàn thành xuất sắc. Mọi lần trước, em đã hoàn thành rất nhanh và hoàn hảo bất cứ yêu cầu gì của tôi, từ việc gửi những bài pháp âm riêng biệt của Thầy để tôi nghe, đến việc đưa Phổ Tánh đi khám và xét nghiệm HIV.
10h00: Gặp Tuệ Tri bàn về các dự án. Em đang gánh vác trọng trách trong việc tổ chức phiên tả và biên tập các bài của Thầy cùng một núi việc khác: Dự Án cuốn sách “Duy Tuệ Học” khoảng 800 trang, 3 dự án truyền thông làm cho rất nhiều người VN biết đến môn Duy Tuệ. Tôi nghĩ em là người có sứ mệnh, và việc em gặp tôi là duyên đã được bày sẵn. 

Rồi nhiều cuộc gặp khác, với nhiều việc được bàn và quyết với sự khẩn trương.

Duy Chính Niệm vẫn đâu đó trong tôi, xen vào giữa các ý nghĩ, các công việc.

Buổi chiều, tự nhiên cả vùng lòng trắng của mắt trái đỏ bầm. Mình có dụị mắt hay khóc đâu, cũng chẳng cảm thấy đau mắt mà lại thế nhỉ. Thật kỳ lạ!

Đêm về, tôi lên giường nằm và thiếp đi rất nhanh, tôi vẫn vậy, được Trời phú cho cái ngủ-rất-nhanh, và sâu, dù có bất cứ việc gì xảy ra.

Nhưng đêm đó tôi phát hiện mình tự nhiên thức giấc, nước mắt đầm đìa. Tôi đang nhớ về em, và tôi rất tiếc em đã đi, đi thật rồi!

Kể cũng lạ, con người ta chỉ thật sự tiếc cái gì đã mất, mà hiếm khi thấy trân quý cái mình đang có.
Tôi đâu có khóc, nước mắt tự nó cứ ứa ra vậy vậy thôi.

Tôi còn nhớ, ngay cả khi bố tôi mất đi, tôi cũng không bị ứa nước mắt như vậy, vì mình đã chuẩn bị  sẵn trong tư tưởng, là ông đã sống trọn vẹn cuộc đời của ông, và giờ là lúc ông phải thanh thản ra đi. Hơn nữa, tôi cũng đã dành trọn tình yêu của mình cho ông như một đứa con có hiếu, và không thấy việc ra đi của ông hụt hẫng. Ngày xưa, khi còn là sinh viên Đại Học ở nước ngoài, đôi khi ngồi một mình và nghĩ đến sự hy sinh và tình yêu của Mẹ, tôi cũng ứa nước mắt, có khi còn nấc lên.

Vẫn biết là mình rất quý em, nhưng chưa thể hiện đầy đủ cái tình yêu đó để em cảm nhận. Phải chăng, tôi đã quá nghiêm khắc với em như một ông tướng đối với người lính trước giờ xông trận? Và ông tướng chỉ khóc khi người lính của mình đã hy sinh sau trận chiến? Mà đúng thế, chúng ta đang có một trận tuyến cực đẹp, ở đó các hành giả Minh Triết (HGMT) như những người lính xung kích lao mình vào công việc để đem ánh sáng và tình yêu đến cho mọi người, xóa tan đi các nguyên nhân của khổ đau, của mê tín dị đoan, của những cực đoan mê muội, của những thứ vọng ngoại lố lăng và để tôn vinh Dân tộc mình, Tổ quốc mình, tôn vinh sự Tự Do và sự cao quý của con người, làm cho Thế giới này bình an và nhiều tình thương hơn.

Tôi đã nghĩ đến em, như một ông tướng nghĩ về một người lính mà mình hoàn toàn tin tưởng trước khi vào trận đánh: người này quá trong sáng, có lý tưởng thực sự và sẵn sàng phụng sự. Tôi biết em sẽ tiến xa nếu em còn ở đây với chúng ta. Một người lính như thế sẽ trở thành một vị Tướng trong tương lai! Một HGMT như thế sẽ đem lại được hạnh phúc cho rất nhiều người. 

Nếu chúng ta có nhiều người như em, đất nước này, Tổ quốc này nhất định sẽ phục hưng nhanh chóng!

Đọc Nhật ký của em do LTT gửi, tôi lại càng cảm thấy thương yêu và cảm phục em hơn.

Tôi thấy Thầy có nhiều bài giảng cho Thanh niên và Thiếu niên, và càng cảm phục Ông vì cách nhìn của Ông: 

Ông biết rất rõ họ là tương lai của đất nước và là chính chủ nhân của tương lai đó.

Chủ Nhật, 13.3.2011

Dậy 4h30 sáng để ra sân bay kịp bay đi Huế chuyến 6h10.

Sông Hương mơ mộng dường như đang bị các con đập chặn ở thượng nguồn làm cho thiếu nước.

Thăm khu tưởng niệm Huyền Trân Công chúa và Vua Trần Nhân Tông. Người Huế bỏ quá nhiều tiền và quỹ đất để xây mộ cho người chết. Có lẽ về điểm này họ na ná như những Pharaon của Ai Cập cổ đại cách đây 4-5 ngàn năm, những người lo về cuộc sống sau cái chết nhiều hơn là thực tại.

Tượng đồng Huyền Trân và Trần Nhân Tông đây rồi, tọa trên một ngọn đồi cao và đẹp. Đây là công trình tuyệt vời của công ty Hương Giang, sau bao lãng quên. Kể cũng kỳ quặc, sao lại có cái chuyện những người có công với đất nước to lớn như vậy lại bị lãng quên lâu như vậy! Chuyện như đùa! Chúng ta đã trở thành vô ơn và vô cảm hết rồi sao!?

Huyền Trân thì, nếu có vinh danh, phải là Một-Nghìn-Lần Người-Mẹ-VN-Anh-Hùng, vì đã có công đưa về 2 quận về cho đất nước và giữ được hòa hiếu với lân bang, và sau này đi tu giúp đỡ cho được rất nhiều người nghèo khổ. Theo truyền thống của nước Chiêm Thành, khi vua chết lẽ ra bà cũng phải chết theo (bị thiêu sống) nhưng đã được vua cha giải cứu. Lẽ ra bà phải là biểu tượng của Phụ nữ VN: hy sinh, vì nước, đức độ.

Lại chạnh lòng nghĩ đến các bà mẹ VNAH hiện nay: người ta đo sự anh hùng phần lớn theo sự mất mát của người mẹ đó, nhưng ngay cả sự tri ân cũng chỉ là những thăm hỏi, những “căn nhà tình thương”, nơi mà nhiều doanh nghiệp và nhiều quan chức chụp hình hoặc quay TV quảng cáo cho cái “công đức” của họ.

Vị Vua và vị Phật Viêt Nam Trần Nhân Tông cũng vậy. Quá tài năng để mà bị lãng quên. Công của Ngài như một nhà tổ chức kháng chiến tài ba chống quân Nguyên hung bạo nhất Thế giới thời bấy giờ, đáng được ngàn lần tri ân. Nếu báo chí và TV có ca ngợi ai nhiều nhất thì Trần Nhân Tông phải là người đó! Nhưng sao lại không phải như thế!? Tôi thực sự không hiểu tại sao, tại sao và tại sao? Một Trần Hưng Đạo mà không có Trần Nhân Tông thì làm gì có nghĩa lý gì? Trần Nhân Tông không sai Trần Hưng Đạo và duyệt các kế hoạch chiến tranh, thì Trần Hưng Đạo làm gì và trở thành ai trong lịch sử? Ở đây tôi không đánh giá thấp tài ba và quyết tâm đánh giặc của Trần Hưng Đạo, một vị tướng huyền thoại, nhưng Vua Trần Nhân Tông phải có vị thế xứng đáng hơn nhiều. Ai tổ chức Hội Nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than để hiểu được ý chí nhân dân và quân đội, để từ đó ra hiệu triệu cả nước xung trận giết giặc? Ai? Chỉ có vị Vua và thông qua chiếu của nhà Vua, Vua Trần Nhân Tông!

Theo lịch sử để lại, quân Nguyên đi đến đâu là giết sạch người chống đối đến đó để không còn người nổi dậy. Các vụ thảm sát thời đó do quân đội của Thành Cát tư Hãn (Ghigis Khan) ước chừng giết từ 30-40 triệu người khắp châu Á và châu Âu! nếu so với số dân Thế giới thời đó (thế kỷ 12-13) mới thấy số liệu thật khủng khiếp. Phải đặt quyết tâm đánh giặc của nhân dân ta và Vua Trần Nhân Tông vào hoàn cảnh đó mới thấy hết cái Vĩ Đại của Ngài.

Ngày 14.3.2011

Máy bay từ Huế ra lại chậm, gần 1 giờ sáng mới về đến nhà.

Lại vào giấc ngủ nhanh, rồi lại phát hiện mình thức giấc giữa đêm, nước mắt chảy vòng quanh. Đúng rồi, anh lại đã nghĩ đến em, hay đã gặp em trong giấc ngủ. Có lẽ lúc đó là lúc sâu lắng nhất, không còn những công việc, những lo toan, lúc anh em mình gặp nhau được, không cần lời. Anh biết em vẫn đang ở đây, bên cạnh anh và vẫn đau đáu về các công việc mà em không thể hoàn thành nốt vì bây giờ em không còn ở trong thân xác cũ. Nhưng em vẫn dõi theo, xem ai sẽ làm cái công việc đó và sẽ làm tốt như thế nào. Em vẫn dõi theo, xem ai sẽ tình nguyện hiến dâng đời mình như em đã từng, cho Minh Triết.

Chiều nay Minh Triết sẽ họp, anh sẽ để một cái ghế trống cho em. Anh biết em sẽ ở đó.

Ngày mai anh sẽ bay đi Mỹ công tác và anh sẽ gặp Thầy. Anh sẽ báo với Thầy về các công việc em đã làm cho Minh Triết, và chắc thầy sẽ rất hài lòng. Mà em biết rằng Thầy vẫn thấy biết mọi thứ, đâu cần anh báo với Thầy?
Anh đã không thể gặp em để đưa tiễn em lần cuối: lúc người nhà đưa em ra quê thì anh lại phải bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Thôi em ạ, anh đã gặp em nhiều lần, trong không gian yên lặng, trong giấc ngủ bình an, khi anh ở một mình, và đó cũng là niềm an ủi to lớn với anh.

Em đi rồi, ai sẽ là người lính sát cánh với anh đây, để anh tin tưởng giao các việc mà không cần ngoái lại để kiểm tra, đốc thúc, và biết chắc rằng việc đó sẽ hoàn thành? Để chúng ta đem ánh sáng và tình yêu đến cho mọi người thật nhanh, không chậm trễ? Để những bài dạy đầy tình thương và trí tuệ của Thầy nhanh xua tan tăm tối và khổ đau trên đất nước Việt Nam và thế giới này.

Anh sẽ cần cả trăm, cả ngàn người như em!

Ai? Ai? Ai?

Có ai nghe thấy tiếng của tim tôi không?

(Hoàn thành sáng 16.3.2011, sau khi nhớ đến em và tỉnh giấc với nước mắt lúc 4h sáng)

DUY TRUNG Ý