Thầy Viết Cho Tuệ Đức Và Duy Minh
Nhớ lại thuở xưa.
Sau khi thầy làm lễ xuất gia theo Phật
Tâm thầy cũng chưa thật rõ ràng giữa “đời” và “đạo”
Thầy cũng nhiều đắn đo lo ngại như trước lúc xuất gia.
Sau đó
Thầy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để ôn lại đời mình
Ôn đi ôn lại nhiều lần như vậy
Tâm thầy hình như sáng hơn
Mọi việc có vẻ rõ ràng hơn.
Thầy nhận ra rằng:
Các khái niệm ở đời đã giết chết tâm thầy
Đã làm cho tâm thầy không còn hồn nhiên
Không còn vẻ trinh nguyên của nó.
Thầy trong quá khứ
Là con người của các khái niệm ở đời kết lại
Chứ không phải là con người của tự do như hồi trẻ thơ.
Lúc ấy thầy nhận ra rằng:
Các khái niệm sống ở đời
Đã làm cho tâm thầy không phát sinh trí tuệ
Chỉ có phát sinh kiến thức để tìm kiếm sự tồn tại qua ngày
Nếu thành công thì thầy cho là giỏi quá
Nếu thất bại thì thầy nói là số mình đen đủi.
Những khái niệm thành bại, nhục vinh, khổ đau-hạnh phúc ấy
Đã dẫn thầy vào triền miên bất toại.
Khi tâm bừng sáng
Tình yêu với con người dâng tràn trong tâm hồn
Có lẽ nguyên nhân đầu tiên của tình yêu cháy bỏng ấy
Là nỗi khổ của con người qua kinh nghiệm sống của thầy
Đặc biệt là nỗi khổ của tuổi thanh niên.
Tiền bạc hay sự nghiệp gì đó
Không đủ sức làm cho tuổi trẻ khổ đau
Không đủ sức gây ra vết thương lòng cho tuổi trẻ.
Trong tất cả mối quan hệ của cuộc đời với tuổi trẻ
Kể cả quan hệ với mẹ cha
Không có điều gì dễ để lại vết thương lòng sâu xa cho tuổi trẻ.
(Có thể sau cái tuổi bốn mươi sẽ khác.)
Nhưng hầu hết tuổi trẻ mang vết thương lòng
Từ tình yêu đôi lứa của họ
Vì vậy
Trí tuệ đầu tiên xuất hiện trong tâm thầy là dành cho tuổi trẻ
Và quyển sách nhỏ đầu tiên thầy viết dành cho họ
Là “Hành Trang Vào Đời”.
Trong sách ấy
Có nhiều bài khó hiểu
Nhưng có một điều dễ thấy
Là tình yêu của thầy dành cho họ.
Tình yêu chân thật là biểu hiện của Phật tính
Trong chuyến thăm các đạo hữu năm nay
Có dịp quan sát cuộc sống của Tuệ-Đức và Duy-Phước
Quan sát các cháu Sarah và Johny
Thầy nhận ra Chất Phật làm chủ tâm hồn của các con.
Thầy nghe về chuyện tình yêu của hai con thời tuổi trẻ
Tình yêu ấy mạnh đến mức vượt qua sự không đồng ý của hai gia đình
Các con đã dám rời Đan Mạch để qua Úc tìm cho tình yêu một chỗ trú thân.
Nghĩ cũng thật thương cho tuổi trẻ
Đôi khi tình yêu chân thật của họ
Cũng không có chỗ nương thân
Mặc dù trời cao đất rộng thênh thang.
(Cũng có nhiều người trẻ khác,
Tình yêu của họ bỗng dưng lạc loài, biến thành vết thương lòng khó xóa.
Họ muốn gửi gắm tình yêu
Nhưng chẳng biết gửi vào đâu!)
Tâm trí Phật hiện hữu trong hạnh phúc gia đình.
Qua chuyện kể của hai con,
Qua quan sát cuộc sống bây giờ
Thầy thấy rõ:
Bên cạnh tình yêu chân thật ấy
Là trí tuệ biết cư xử với nhau
Biết cư xử hợp người, hợp thời
Biết cư xử hợp với những người cần cư xử.
Chẳng những thế
Các con cũng biết mình chân thật sống, chân thật yêu
Nên nhẫn nhục, chịu đựng, thông cảm với mọi bất đồng về mình
Nhưng miễn sao mình sống cho ra sống
Cho trọn tình, trọn nghĩa, hợp đạo làm người.
Thầy cho trí tuệ và phẩm cách này là thực phẩm nuôi dưỡng tình yêu
Nếu thiếu thứ thực phẩm này
Tình yêu chưa chắc sống.
Mà nếu có sống
Tình yêu ấy cũng đã biến thành ma ảo ảnh
Sống không đẹp, chỉ đẹp trong tưởng tượng
Đẹp chỉ để tự an ủi trong nỗi đắng cay!
Cái vẻ đẹp ấy cũng giống như trang trí vết thương lòng bằng hoa hồng tươi thắm!
Sống không tham tiền để giữ hạnh phúc gia đình
Trong hai lần hai năm liên tiếp
Thầy nghe và thấy cách sống của các con
Sống không tham tiền để giữ hạnh phúc gia đình
Các con biết mình cần bao nhiêu là đủ
Cho vợ chồng, con cái khỏe mạnh, học hành, bình yên tâm hồn
Các con đã chọn mục tiêu cho sự tồn tại bất đắc dĩ đời mình
Giống như các con đã ngộ được một điều:
Nỗi khổ đầu tiên bởi mình là người
Nên bây giờ sống sao cho bớt khổ.
Chẳng cần nghĩ đâu xa
Chỉ kiểm soát lòng ham tiền của mình
Biết thật rõ mình cần bao nhiêu là đủ
Để giữ cho tâm luôn bình yên.
Không sống quá thiếu thốn
Không mong cầu quyền quý cao sang theo tiền bạc
Không nghĩ ra nhiều nhu cầu không thiết thực
Không lấy làm vui vì kết quả tiền nhiều.
Đời mấy ai được vậy
Ngay như những người nói rằng họ tu hành
Nhưng thâm tâm vẫn lấy bạc tiền đo lường thành công của cuộc sống!
Giữ niềm tin của mình là điều khó
Bên kia có đức Phật Thích Ca
Bên này có đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Đã thực hiện sự từ bỏ vật chất cao sang
Chối bỏ bên ngoài đã khó
Các Ngài đã chối bỏ luôn cả bên trong
Để sống đời đơn giản.
Thầy nay cũng theo gương Phật-Tổ
Nghiệm thấy được rằng:
Từ bỏ những nổ lực ham tiền, ham tiếng, ham người tôn vinh
Từ bỏ ham muốn đời sống vật chất dưới mọi danh nghĩa và hình thức
Lòng thật rỗng rang!
Dù làm việc ngày đêm
Nhưng giống như chẳng làm việc gì.
Hạnh phúc là tình yêu với mọi người không phân biệt
Là tình yêu thiên nhiên
Yêu cả những gì vô hình không thấy.
Hạnh phúc là sự hiểu biết mênh mông vô tận
Hạnh phúc không có trong khôn hay dại
Không có trong thành hay bại
Không có trong thắng hay thua
Không có trong những khái niệm vinh hay nhục
Không có luôn trong chuyện “tu hành”.
Hạnh phúc thật sự hiện hữu trong tình yêu tự do
Trong hiểu biết tự do với mọi khái niệm, mọi kiến thức ở đời.
Thầy tán thán tình yêu, hiểu biết, cách ứng xử
Và sự khẳng định cuộc sống của các con.
Thầy cầu nguyện cho các con
Thường phát triển những điều hay ấy!
Thầy
California, ngày 27/9/2007