"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Trực Tiếp Trao Truyền 09

BạchThầy! 

Con tên là B. T. L, 50 tuổi, hiện con đang làm việc tại Bưu điện thành phố... Cuộc sống đời thường con không khổ mà sao trong lòng con lúc nào cũng thấy khổ đau và buồn tủi. Con luôn nghĩ đến cái chết. Con rất sợ ban đêm vì con không ngủ được, con luôn phát nguyện được vãng sinh. Sau mấy đêm con nằm mơ đi trên 2 con đường đều bị chặn lại. Con chọn con đường thứ 3 cũng bị cụt nốt. Trước mặt con là một biển nước mênh mông. Con sợ quá đành quay lại và tỉnh ngủ. Con nghĩ nếu con vượt qua biển nước sang bờ giác thì phải có phương tiện… Vậy phước duyên đã cho con được gặp Thầy, con xin Thầy hãy đưa con đến bến bờ giác ngộ và giải thoát.

Con xin Thầy bớt chút thời gian sẻ chia giúp con vơi đi nỗi buồn để có niềm tin nhiệm mầu trên con đường học đạo. Thưa Thầy, con biết đến đạo pháp mới được 3 năm, con học tu thiền, kinh sách con đọc nhiều, hạnh bố thí con cũng rất cố gắng. Con biết mình tu học còn kém cỏi, còn mê lầm và chấp ngã. Càng cố gắng bao nhiêu thì tinh thần và thể xác con càng đau đớn, bệnh tật càng tăng. Không thầy thuốc nào chữa bệnh cho con được cả, con đành bất lực, con nghĩ mình tự làm khổ mình, vì con rất hay lo nghĩ, không biết buông xả, giữ khổ đau như nuôi rắn độc trong lòng. Giờ đây, con phải trả giá quá đắt. Khi ngồi thiền, con không tĩnh tâm được, đầu óc cứ loạn tưởng, thân tâm đau đớn. Sống không được, chết cũng chẳng được. Con cầu xin Thầy hãy rủ lòng thương cứu con qua kiếp nạn này, cho con một liều thuốc đắng để trị bệnh, cho con những phương pháp hữu hiệu nhất để con vững tin vào đạo pháp. Vì vô minh che lấp từ vô lượng kiếp mà con không biết được. Xin Thầy cho con biết được lỗi của con để con tìm lại chính mình. Thầy cho con một Phật tâm danh, một trí tuệ sáng suốt để con tính tấn tu hoc. Con có thể biết được quá khứ và vị lai được không Thầy? Con tin luật nhân quả nên con tu trong hiện tai, con sẵn sàng trả nghiệp quả không hối hận và con đang cố gắng sửa tâm mình. 

Cửu huyền thất Tổ nhà con điêu linh. Nhà con không thờ Phật. Con biết nhà con có bùa ngải tai hại vô chừng mà không tìm được, không trừ được. Con không ăn chay trường. Những điều đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tu tập không Thầy? Hàng ngày, con đọc kinh và trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, mà sao con không thấy thay đổi gì cả. Nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng cứ bùa vây lấy con không ngơi nghỉ. 

Vậy con mong Thầy bỏ quá cho con và cho con niềm vui cùng những nụ cười. Trên con đường tầm sư học đạo gặp được Minh Sư, chân tu như Thầy con quyết nương theo. Con xin Thầy quy y cho con để con làm chọn bổn phận của một người Phật tử.


Cuối thư con kính chúc Thầy mạnh khỏe để hóa độ chúng sinh!

PH, ngày 12/12/2007

Hôm nay, thầy mới sắp xếp thời giờ nói chuyện với thiện hữu ít lời.
Trong thư con, có mấy vấn đề cần lưu ý:

1. "…Cuộc sống đời thường con không khổ mà sao trong lòng con lúc nào cũng thấy khổ đau và buồn tủi. Con luôn nghĩ đến cái chết…”
2. "..con cứ phát nguyện được vãng sinh.."
3."..con xin Thầy hãy đưa con đến bến bờ giác ngộ và giải thoát..."
4. "..con biết đến đạo pháp mới được 3 năm, con học tu thiền, kinh sách con đọc nhiều, hạnh bố thí con cũng rất cố gắng. Con biết mình tu học còn kém cỏi, còn mê lầm và chấp ngã. Càng cố gắng bao nhiêu thì tinh thần và thể xác con càng đau đớn, bệnh tật càng tăng…”
5. "…con nghĩ mình tự làm khổ mình…"
6. "…Khi ngồi thiền con không tĩnh tâm được, đầu óc cứ loạn tưởng, thân tâm đau đớn. Sống không được chết cũng chẳng được….” 

Thầy muốn nhắc lại để thiện hữu đừng quên những gì mình đã nói, từ đó sẽ tỉnh thức lại mà trở về với thực tại.

Khi thầy dùng hai chữ tỉnh thức trong bài này cho thiện hữu, nó có nghĩa là chính thiện hữu phải tỉnh với những gì do đầu óc mình tưởng tượng hay tin theo một giáo điều gì đó một cách mù quáng, mình chưa thực sự hiểu được, ví dụ "muốn vãng sinh". Cũng có thể tỉnh thức với những khái niệm mình dùng mà mình không hiểu, ví dụ như khái niệm "giải thoát". Cũng có thể tỉnh thức với những gì mình thực hành mà ngày càng nguy hiểm cho sức khỏe, như mục số 6 nêu trên. Và cũng phải thức tỉnh ngay với khái niệm "tu" nữa. 

Thiện hữu cần phải hiểu thật rõ những vấn đề sau đây:

-    Thái tử Tất Đạt Đa tuyên bố Ngài là Phật ngay lúc Ngài chứng được nguồn tâm vô lậu ngay nơi Ngài. Sự chứng ngộ ấy dẫn đến tâm của Ngài hoàn toàn biến đổi khác thường so với người chưa chứng ngộ.

Sự khác thường ấy là gì? Trước nhất, tâm trở lại trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng mà mình chưa bao giờ được biết đến, mặc dù nó nằm ngay trong chính mình. Rồi người chứng ngộ luôn thấy rõ tâm mình, và do cái thấy này mà người ấy có cái thấy rất xa, rất rộng, rất sâu tận bản chất của các vấn đề vô hình và hữu hình. Rồi tất cả mọi tình trạng tâm tiêu cực sẽ biến mất và tất cả tình trạng tâm tích cực xuất hiện, mà tiêu biểu nhất là bi-trí-dũng hiển lộ hoàn toàn. Chúng ta có thể hình dung một người mà tâm được như vậy thì người ấy sống vượt lên trên cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Trạng thái không phải là hạnh phúc hay khổ đau như mình hiểu trong đời thường có thể tạm dùng chữ Niết bàn để chỉ, nhưng vẫn sống bình thản ở thế gian này. 

-Trong trường hợp một người chưa có khả năng chứng được như vậy, thì Phật Thích Ca đã nói đến tám cách dụng tâm và dụng thân sao cho tất cả những ưu điểm của tâm được hiển lộ để con người ấy sống thật có lợi ích và thật có hạnh phúc cho chính họ và dĩ nhiên ảnh hưởng tốt cho môi trường sống chung quanh người ấy, bao gồm cả con người, loài vật, và môi trường xã hội, môi trường sinh sống cho chúng sinh. Tám cách đó được nói trong kinh như là tám con đường tu tập căn bản cho mỗi người, Bát Chánh Đạo: Sự hiểu chân chính về Bốn chân lý Phật dạy; Khát vọng chân chính về tâm tự do với lòng chấp, ý niệm và cảm xúc; Lời nói chân chính tạo hòa hợp trong cuộc sống; Hành động chân chính dựa theo năm giới cấm Phật dạy; Làm nghề chân chính để nuôi sống mình; Siêng năng chân chính trong việc hành thiện, tránh ác; Quán tưởng chân chính về thân và tâm để lìa sự chấp ngã; Hành thiền chân chính để tâm định tĩnh. Mặc dù đây là cách thật xưa cũ, nhưng nó vẫn là cách đi căn bản. Nếu dụng tâm và thân theo tám cách ấy thì các phẩm chất thật hoàn hảo của tâm sẽ phát triển. Một trong những tính chất quan trọng là cái nhìn và sự hiểu biết, nhìn thực tại, nhìn cái đang là để hiểu biết rõ ràng về nó, chứ không phải nhìn về quá khứ hay tương lai. Đặc biệt nhìn và thấy rõ, hiểu rõ về bản chất của tâm, của thân, của các hiện tượng, bản chất cuộc sống hữu hình luôn thay đổi hay không nhất đình là thế nầy hay thế kia. Từ đó dễ xa lìa lòng chấp và phát sinh trí tuệ không dính mắc. Khó mà nói thật rõ về tính chất của cái nhìn và sự hiểu biết nầy. Nhưng có thể tóm tắt rằng, cái nhìn và sự hiểu biết ấy đem lại sự bình yên cho người có được cái nhìn đó, bởi vì người ấy hiểu thật rõ về mình, về cuộc đời nên không còn lòng chấp vào ý nghĩ hay những ham muốn của mình nữa. Cái nhìn đó giúp cho người nhìn phát ra nhiều trí tuệ thật sự an lạc và hạnh phúc. 

Như vậy, thiện hữu nên thức tỉnh cách tu tập của mình mà nên trở về cách tu tập căn bản theo Bát Chánh Đạo có trong rất nhiều kinh sách của Phật Giáo. Thầy cũng cho rằng đây là con đường căn bản cho mọi người áp dụng để các phẩm chất hoàn hảo của tâm có đủ nhân duyên hiện ra. 

Bài nói cho thiện hữu như vậy cũng tạm đủ rồi. Nếu có điều gì cẩn hỏi thêm thì thiện hữu cứ hỏi đừng có ngại. Đôi khi thầy trả lời chậm vì ưu tiên cho những vấn đề đã sắp đặt trước. Thầy mong thiện hữu nên thức tỉnh từng vấn đề đã nêu cho thầy. Ngoài ra, thiện hữu cũng cần sinh hoạt chung với nhóm đồng đạo gần nhất để cùng nhau tham khảo cách dụng thân và tâm sao cho phù hợp với mình và kết quả là tâm bình yên, sáng suốt, siêng năng học tập và siêng năng làm việc với ý chí cao nhất. Chỉ có như vậy mới mong sống hạnh phúc.

Thầy cầu nguyện cho thiện hữu và gia quyến tâm thường bừng sáng và gặp nhiều may mắn trong đời!

Tạm biệt

Ngày 31/12/2007

Duy Tuệ