"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Trực Tiếp Trao Truyền 01

1.Thưa thầy, có số mệnh đối với con người không? (Thiện hữu Th. Bắc Âu)

2.Thưa thầy, xem câu chuyện một người phụ nữ tự kể lại cuộc đời đau khổ của mình khi sống với một người chồng luôn đánh đập bà ta, có vợ bé, ngoại tình và lại đánh đập rất nhiều năm tháng nhưng bà ấy cứ chấp nhận sống. Chuyện ấy cũng có xãy ra đối với một số trường hợp tại Bắc Âu, vì là một phật tử nên thường đến chùa xin lời khuyên cuả các thầy và các thầy thường nói, “ Do nghiệp của con quá nặng, cũng lại do trước đây mình thiếu nợ người ta nên bây giờ kiên nhận chấp nhận và dùng tình thương để cải biến người ấy.” vậy xin thầy cho biết có nghiệp nặng từ đời trước kéo dài tới kiếp nầy không và có phải do mình mắc nợ tình hay tiền gì đó mà bây giờ mình phải chịu hành hạ cả đời như vậy để trả nghiệp và trả nợ không? (Thiện hữu Tuệ Đăng, Bắc Âu)

Phần trả lời.

Câu hỏi 1. Thiện hữu hãy thật tỉnh táo để lắng nghe cho thật rõ. Hai chữ “số mệnh” bao gồm hai ẩn ý rất quan trọng. Thứ nhất là lòng ham muốn và thứ hai là sự thấy và sự hiểu biết không rõ ràng.

Hầu hết con người khó thoát khỏi lòng ham muốn trong cuộc sống của mình. Thậm chí những người không thích sống cảnh hơn thua ở đời, không muốn sống đầy dẫy ham muốn ở đời làm cho họ khổ não nên họ nguyện từ bỏ chuyện hơn thua và lòng ham muốn để sống đơn giản gọi là tu hành trong các tu viện, trong rừng núi, trong am thất, trong các chùa chiền cũng chưa chắc là không tăng trưởng lòng ham muốn và lòng hơn thua. Rất nhiều và rất nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau khi sống trên đời nầy ít ưa thích làm những việc giúp đỡ con người để thể hiện tình thương và sự thông cảm với nổi thống khổ của con người nhưng lại siêng năng tu tập những pháp môn để được về thiêng đường hay thế giới cực lạc mà thọ mạng vĩnh viễn và thọ hưởng tất cả những thứ mà họ thiếu thốn ở thế giới nầy. Cũng rất nhiều vị tự mình mong là đệ tử của những bậc giác ngộ nhưng khi tuổi già thì lại lấy tiền bạc của người nhẹ dạ để đi xây dựng các lăng tẩm cho mình ngay tại chùa chiền trong đô thị mà không bao giờ ngại người đời cười chê.

Điều thứ hai là không nhìn rõ chân tướng của sự sống đã hiện hữu như thế nào. Con người không thấy rằng chúng ta không thể sống theo ham muốn chúng ta được mà chúng ta phải đáp ứng cuộc sống. Con người không có sinh mà cũng không có tử. Con người đã bị cái chữ dẫn dắt vào sự lầm lẫn. Tất cả sự sống của các loài sở dĩ lần lượt hiện hữu là do những điều kiện môi trường phù hợp như khí oxy để hô hấp, nước để nuôi dưỡng vân vân. Những điều kiện cơ bản để sự sống xuất hiện thì nó xuất hiện. Khi điều kiện cho sự sống không còn đủ thì sự sống không hiện hữu nữa. Sự sống không hiện hữu theo ý muốn con người, con người chỉ có quyền mong muốn đối ứng phù hợp với sự hiện hữu của sự sống, không thể làm khác.

Vì không thấy rõ và hiểu rõ sự sống hiện hữu và không hiện hữu như thế nào nên con người lầm lẫn có sinh có tử. CHỈ CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ SỰ SỐNG HIỆN HỮU VÀ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN CHO SỰ SỐNG HIỆN HỮU CHỨ SỰ SỐNG KHÔNG CÓ SANH CÓ TỬ.

Cái gì anh thích, anh muốn mà nó xảy ra thì anh thấy khoái trá và anh nói số anh tốt. Còn cái gì anh không thích, không muốn mà nó xảy ra và anh cảm thấy khó chịu, bực bội, đau lòng thì anh cho là số anh xấu. Nếu anh vô tâm trước cái gì xảy ra hay không xảy ra và anh đừng để cảm xúc vừa ý hay không vừa ý trổi dậy thì anh đâu có thấy gì là số mệnh hay không có số mệnh; anh cũng đâu có thấy gì là hạnh phúc hay khổ đau.

Vậy, sẽ có hạnh phúc, có khổ đau, nếu anh cứ sống với lòng ham muốn cho mình. Còn nếu anh sống với ý thức đối ứng với thực tại đang diễn ra mà đừng để ý nghĩ xen vào, đừng để cảm xúc xen vào, anh có thái độ đừng đưa ý nghĩ riêng của mình vào những gì đang hiện hữu hay chưa hiện hữu  thì cuộc đời là cuộc đời như nó đang là. 

Câu hỏi 2. 

Nếu anh sống chỉ bằng cảm xúc và sống bằng kiến thức hay trí tuệ của người khác, sống bằng những quy ước của phong tục tập quán ngàn xưa, sống trong sự ảnh hưởng của văn hóa như văn hóa của một tôn giáo hay truyền thống giáo dục nào đó trong quá khứ thì đó là sống với nghiệp chướng và nợ nần mà anh phải trả. Nhưng nếu anh mở mắt thật to ra và nhìn thực tại đang diễn ra cho cuộc sống của anh và anh quyết định ứng xử theo trí tuệ do cái thấy tự do mà anh có đó thì anh đã thoát ra khỏi cái gọi là nghiệp và nợ nần. Anh là con người có trí tuệ và tâm hồn tự do, anh là người thông minh và sáng suốt, anh có đời sống của một người làm chủ hoàn toàn sự sống đang hiện hữu của mình. 

Anh không nên sống như là một kẻ nô lệ cho các công thức xa xưa hay ngay cả hôm nay. Anh không nên để cho các khái niệm về truyền thống đạo đức nào đó làm cho anh đánh mất chính anh. Anh cứ ham sống theo sách vở và những ảnh hưởng của truyền thống hay phong tục, thì anh không còn là anh nữa. trong trường hợp đó anh đừng ngu xuẩn nói rằng anh đang sống cho một lý tưởng nào đó hay cho một đấng thiêng liêng nào đó. Không có đấng nào cần anh sống cho họ cả, nếu có đấng đó thì anh phải xem lại đấng mà anh đang sung bái.  

Chỗ anh dựa duy nhất cho các quyết định quan trọng trong đời anh là hãy tỉnh táo nhìn rõ mọi thứ đang diễn ra cho anh để anh có trí tuệ riêng mà quyết định việc của mình sao cho hợp với thế giới thực tại mà anh đang hiện hữu. Quyết định như thế nào cho phù hợp với thời đại mà anh đang sống và quyết định thế nào mà có lợi cho thân và tâm của anh nhất. Anh phải bảo vệ mạng sống chánh đáng của anh. Nếu anh không vì anh trước thì anh phải là kẻ nô lệ hoặc vô minh. 

Master Duy Tuệ - 2003