"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Mục đích học phương pháp Duy Tuệ của các cháu Vườn Hoa Mơ Ước


Các con phải biết mục đích học Phương pháp Duy Tuệ để phát triển điều gì ? Để được tốt về điều gì ? 

Tất các con, bên trong đầu, đều có bộ não. Khi các con học với ông, ông chỉ cho các con biết cách sử dụng và phát triển bộ não cho thật tốt. 

Các con có lỗ tai để nghe thì khi học với ông, ông huấn luyện cho các con biết cách nghe. Biết cách nghe để làm gì? Để cho não phối hợp với lỗ tai thì các con hiểu bài vở, hiểu những cô giáo dạy. Hễ các con biết cách nghe thì bộ não sẽ cho các con hiểu đúng, rõ ràng và sâu sắc. 

Các con có cái miệng dùng để nói thì khi học với ông, ông chỉ cho các con cách nói làm sao cho người khác dễ chịu, thích nghe. Cách nói làm sao diễn tả những điều trong đầu thật chính xác. Các con có đôi tay thì ông huấn luyện cho các con diễn tả ra bằng bài viết, những điều mà mắt con thấy, não con hiểu. 

Các con có đôi mắt thì ông huấn luyện cho các con nhìn như thế nào để phát triển sự thông minh. Như vậy thì học với ông là rất tốt. Cho nên ông mới đề nghị các con sưu tầm những bài hay, và viết lại những chuyện mà các con thích. Các con khi đi đây đi đó phải tập quan sát, tìm ra những điều mình thấy cần phải có ý kiến. Tức là quan sát để có sáng kiến. Sáng kiến để giải quyết vấn đề. Ví dụ, các con quan sát thành phố rồi có sáng kiến, thấy rằng thành phố cần làm thế này, chỗ này cần bổ sung cái này, cái kia. 

Các con có toàn quyền có sáng kiến riêng của mình, các con cho rằng cần phải làm như thế này thì sẽ tốt hơn, chẳng hạn. Các con phải tập có sáng kiến thêm chứ không chỉ biết trầm trồ khen ngợi. Ví dụ, Hồng Bảo hay Định Lực ra đường nhìn thấy một chiếc xe hơi chạy ngang qua rất mới, rất đẹp. Tuy xe hơi này mới và đẹp nhưng cần phải sửa chỗ này thêm chút xíu nữa thì sẽ đẹp hơn. Tức là phải có sáng kiến thêm. 

Do đó, các con tập quan sát và sử dụng bộ não để sau này trở thành người thông minh, nhà thông thái. Không được nghe người ta nói và thấy như vậy là được rồi. Các con cần phải có sáng kiến, phải làm thêm, cần làm thêm là vậy. Ông thường yêu cầu các con trước khi đọc bài sưu tầm, các con phải tập kể một câu chuyện nhỏ trong tuần qua mà các con thấy. Ví dụ như tuần vừa rồi em đi chơi Vũng tàu, em thấy có tai nạn xa hơi xảy ra trên đường, có một người chết, bốn người bị thương. Em thấy lái xe như vậy nguy hiểm quá. Em thấy sợ quá và buồn! Việc tập kể chuyện rất quan trọng, đó là cách các con diễn tả cái thấy và cái hiểu của bộ não, thông qua cái miệng, nói chuyện. 

Khi các con kể thì các con biết là mình kể như vậy thì bạn mình sẽ dễ hiểu, dễ nghe, sẽ thân thiện với mình. Khi kể, các con không chỉ kể nội dung mà phải biết diễn tả cảm xúc, tình cảm của mình bằng giọng nói. Chỗ nào cần lên giọng, xuống giọng. Chỗ nào cần nói to, nói nhẹ. Không kể đều đều mà không diễn tả tình cảm của mình. Ví dụ khi các con nhìn thấy tai nạn xe hơi trên đường, xe nọ đâm xe kia kêu cái ‘Rầm !!!’, sau đó bao nhiêu người đổ xô ra, máu chảy lai láng … ‘Tôi sợ quá !’ Các con tập như vậy sẽ rất mau tiến bộ! 

Trích Tuổi Thơ và Thiên Đàng 08, 20.02.2011