"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Những điểm quan trọng cho các cháu Vườn Hoa Mơ Ước


Bây giờ ông nhắc lại cho các cháu những điểm quan trọng để các cháu nhớ. Các cháu chịu khó lấy máy ghi âm hoặc máy vi tính ghi lại. Nhất là Duy Thiện, nhớ ghi ra tờ giấy riêng để học. Ông nhắc lại những bài gần đây thôi, còn những bài cũ Duy Huệ ghi lại rồi chuyển qua cho Duy Thiện và chuyển qua cho ông một bản.


1. Phải giữ lời hứa

Thứ nhất là các cháu phải giữ lời hứa, đã hứa với ai làm chuyện gì thì phải giữ lời hứa. Giữ lời hứa với bố với mẹ, với anh chị em, với bạn bè, với thầy cô giáo, với ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, với thầy cô giáo nhé. Phải giữ lời hứa.

2. Phải nghĩ đến người khác

Thứ hai, mình phải nghĩ đến người khác. Nghĩ đến người khác là nghĩ làm sao? Mình nghĩ tới ông nội, bà nội, nghĩ tới ông ngoại, bà ngoại... mình nghĩ tới anh mình, mình nghĩ tới chị mình, mình nghĩ tới bố mình, mình nghĩ tới mẹ mình, mình nghĩ tới các em mình, mình nghĩ tới thầy cô giáo, bạn bè… rồi xem mỗi người có cần mình giúp gì không? Đừng nghĩ xấu cho ai, mình chỉ nghĩ tốt cho mọi người thôi nhé.

3. Xem lại bổn phận của mình

Nội dung thứ ba, hôm trước ông dạy rồi, các cháu phải xem lại bổn phận của mình. Tức là xem lại những việc mình phải làm, mình đã làm tốt chưa. Ví dụ như, việc mình phải làm là phải học bài, phải nghe lời thầy cô giáo, phải nghe lời bố mẹ, phải giữ nhà cửa sạch sẽ, phải giữ sách vở mình học sạch sẽ, phải học bài ở nhà cho tốt, phải học với ông Duy Tuệ cho tốt, phải thực hành những lời ông dạy sao cho tốt. Rồi phải giúp đỡ bố mẹ làm vườn, quét nhà, quét cửa… Mình đã dọn quần áo mình sạch sẽ chưa, mình đã dọn phòng học của mình sạch sẽ chưa, mình đã dọn giường chiếu của mình ngăn nắp chưa, quần áo của mình có sạch sẽ không, giày dép của mình để có đúng chỗ không, mình có đi chơi về khuya không, mình có đánh lộn không, mình có cãi lộn với ai không, mình có ham muốn đòi hỏi gì nhiều không, mình có lấy đồ của ai không…Tất cả những cái đó mình phải tự hỏi hết, để mình biết là mình có làm chưa và có vi phạm gì hay không. Việc gì mình đã làm tốt thì phát huy, việc gì mình chưa làm thì phải ráng làm. Đó là nội dung thứ ba ông nhắc.

4. Đoàn kết, giúp đỡ, hòa hợp với bạn bè

Nội dung thứ tư ông nhắc các cháu là chơi với người này, chơi với người kia, chơi với anh chị em… là phải hòa thuận, phải đoàn kết, phải giúp đỡ với nhau. Ví dụ như lấy nước cho nhau uống, lấy đồ ăn cho nhau ăn, dỗ dành em, chơi với em, chơi với bạn bè, chơi với anh chị. Phải có tính hòa hợp khi chơi với bạn bè. Mình đừng ép người khác, mình đừng ép bạn bè mình mà mình phải bình đẳng. Mình phải chơi bình đẳng với bạn bè, đừng có ăn hiếp bạn bè, đừng có hơn thua với bạn bè nhé. Đó là điểm thứ tư.

5. Thành thật với mọi người

Điểm thứ năm là mình phải có một lòng thành thật với cha mẹ, lòng thành thật với cô giáo, lòng thành thật với anh em. Mình phải có lòng thành thật với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, mình phải có lòng thành thật với bạn bè… phải có lòng thành thật với mọi người. Đó là điểm thứ năm ông nhắc.

6. Cùng nhau vui chơi

Sang điểm thứ sáu, khi mình chơi với bạn bè trong lớp, mình chơi với anh em, mình phải làm siêng trong các sinh hoạt chung. Ví dụ như, mấy anh chị em dẫn nhau đi chơi ở công viên thì mình chơi là phải vui với nhau, rồi giúp đỡ nhau, không được làm người khác buồn và phải biết phục vụ cho nhau ăn uống sinh hoạt vui chơi trong cuộc đi chơi đó cho nó vui, cho nó trọn vẹn cuộc vui.

7. Biết kiểm soát và kiềm chế cảm xúc

Điều thứ bảy ông nhắc là các cháu phải vui vẻ với bạn bè, vui vẻ với anh chị em, không được cau có, mình lỡ sai sót cái gì, anh chị em đóng góp ý kiến thì mình nghe.

Các cháu phải thường xuyên để ý, kiểm tra và phải điều khiển cho được những chuyện trong đầu óc của mình. Thí dụ bây giờ Duy Thiện bị ai đó chọc giận, khi biết mình đang giận thì mình ráng cố gắng tìm cách kiềm chế cái giận lại bằng cách đi uống nước, bằng cách đi tiểu, bằng cách ra rửa mặt hay chạy ra ngoài vườn để mình kiềm chế cơn giận lại.. Đó là cách mình kiểm soát cảm xúc của mình.

Lúc mình đang khóc, mình cũng kiểm soát cảm xúc của mình, giờ mình lỡ khóc rồi thì mình vào rửa mặt để kiểm soát cảm xúc của mình. Các cháu phải biết phát triển ý chí, sức mạnh của đầu óc để kiểm soát cho được tất cả những cảm xúc như đang buồn, đang giận, đang hờn, đang khóc, đang tức tối với ai… Tất cả những cảm xúc đó, mình phải tự biết kiểm soát hết. Nếu mình lỡ khóc rồi thì không được kéo dài, mình lỡ giận thì không được kéo dài. Hay nếu mình có cảm xúc lo sợ, thì mình phải tìm cách làm sao cho hết sợ…Ví dụ như điện thoại cho ba, điện thoại cho mẹ, điện thoại cho anh chị em thì tự nhiên hết sợ.

8. Biết khen ngợi người khác

Rồi một điều nữa ông nhắc là phải biết khen ngợi người khác. Mình chơi với bạn phải biết khen bạn. Chơi với em thì phải biết khen em ngoan, đừng đánh em. Ví dụ như bạn mình học giỏi, mình đừng có ganh tỵ, bạn mình học giỏi mình khen: ‘Bạn ơi bạn học giỏi quá mình rất thích bạn, mình khâm phục bạn, bạn thật đáng khen, mình sẽ cố gắng theo gương của bạn.’

9. Phải có ý chí mạnh mẽ thay đổi những thói quen không tốt

Một điều nữa ông nhắc các cháu, đầu óc của các cháu phải ở tình trạng đừng có để một cái gì đó trở thành một thói quen lâu ngày. Mà khi nó trở thành thói quen trong đầu con rồi đầu con sẽ cứng lại, đầu óc không phát minh được nữa, nó hết minh mẫn rồi. Cho nên muốn đầu mình, não mình phát triển minh mẫn và mình trở thành một nhà phát minh sau này thì mình phải dùng khả năng sức mạnh trong đầu óc để mình thay đổi những thói quen không tốt. Ví dụ thói quen chơi game, bây giờ mình quyết định thay đổi thói quen này, mình không chơi game, mình chơi chút xíu thôi. Mình phải có cách, phải có một ý chí mạnh mẽ trong đầu của mình để mình thay đổi những thói quen xấu, những thói quen không thuận lợi. Mình thay đổi được thói quen như vậy thì sau này đầu mình mới mềm ra, mới loãng ra, bộ não của mình mới phát triển, mình mới có nhiều phát minh.

10. Không bỏ việc giữa chừng, phải dứt khoát làm cho xong

Một điều nữa ông nhắc các cháu là tính tình của các cháu, làm cái gì thì phải làm cho dứt khoát, phải làm cho rõ ràng, làm cho nó xong việc, không làm dở dở ương ương nhé. Ví dụ bây giờ ra ngoài vườn cắt cỏ là phải cắt cho xong, xuống giúp bố mẹ là phải giúp cho xong. Hễ làm cái gì là phải làm cho dứt khoát, làm cho xong, phải hăng hái làm cho xong việc. Tính đó rất là quan trọng cho các cháu sau này. Không làm chuyện giữa chừng rồi bỏ đó, mình đang học bài đó, học chưa xong tự nhiên mình hứng mình bỏ đi làm chuyện khác là không có được nhé. Ví dụ mình đang làm bài toán, đang làm giữa chừng có người gọi điện thoại đến, Duy Thiện lên máy tính chơi game, xong mình bỏ đó mình lên máy tính chơi game, không được làm như vậy. Hay Duy Huệ đang học bài có bạn gọi điện thoại đến, Duy Huệ đi chợ, rồi mình bỏ đó mình nói thôi đi chợ xong về học tiếp. Không được! Việc gì phải xong việc đó thì mới làm việc khác.

11. Phải có tính tự lập

Một điều nữa ông nhắc, các cháu phải có tính tự học, tự mình tắm, tự mình giặt quần áo, tự mình học bài, tự mình sắp xếp quần áo, tự mình sắp xếp phòng ngủ, không cần nhờ tới bố mẹ. Thậm chí tự mình dọn cơm ăn nếu không có bố mẹ ở nhà. Phải có tính tự lực, tự làm việc, tự làm chủ lấy mình nhé. Không có hở một chút là kêu bố, không có hở một chút là kêu mẹ, phải tự mình làm.

12. Phải biết để dành để có tiền chi tiêu riêng

Tiền xin bố mẹ thì để dành, bỏ trong một cãi hũ nào đó để khi có lúc mình cần tiền mình lấy mình mua đồ, không có đụng một chút là hỏi bố mẹ tiền, đụng một chút là hỏi bố mẹ tiền. Xin, để dành mình cất đó, có những lúc mình không còn, mình cần tiền mình lấy ra để xài chứ không phải lúc nào cũng xin tiền ba mẹ. Phải biết để dành để mình có tiền chi tiêu riêng nhé.

13. Phải biết yêu thương, thông cảm và tha thứ

Ông nhắc thêm một cái nữa là phải biết thương em, biết thương anh, biết thương chị, thương người nghèo, biết thương người tàn tật, thương người già, biết thương người lớn tuổi, biết thương bố mẹ, biết thương ông bà ngoại, biết thương cô chú gì, các anh em của cô của chú của bác cô gì. Phải phát triển tình thương đó, phải thông cảm với họ, phải hiểu họ, thông cảm với họ. Nếu lỡ bạn bè anh em mình có gì sai lầm, lỡ có gì làm cho mình không vui thì mình cũng sẵn sàng bỏ qua nhé.

14. Phải có tinh thần cứu giúp người gặp nạn

Kế tiếp là các cháu phải có tinh thần giống như là Duy Thiện đó là đi học cứu hỏa để giúp người. Nếu lỡ trong làng có nhà cháy thì mình chạy ra mình giúp người ta. Hoặc là nếu mình không đi học phòng cháy chữa cháy nhưng mà hàng xóm có lụt lội, nhà cháy… hay xảy ra những điều không may mà mình thấy mình có thể giúp được thì giúp cho người ta. Hay bạn bè của mình có gì khó khăn, ví dụ như không may mắn bị tật nguyền, đi đứng khó khăn thì mình ráng giúp cho người ta trong khi người ta đang khó khăn.

15. Phải có tinh thần thi đua học tập

Rồi khi vào trong trường học các cháu phải có tinh thần thi đua học tập. Người ta học đứng nhất được, người ta học điểm cao được thì dứt khoát các cháu cũng đạt điểm cao được. Không phải là mình ganh đua thế này là mình xấu đâu, nhưng mà phải có tinh thần cạnh tranh hay tinh thần mà người ta làm được thì mình làm được. Người ta phát minh được thì mình phát minh được, người ta phát minh tàu thủy thì mình phát minh chuyện khác, người ta phát minh máy bay thì lớn lên mình phát minh chuyện khác. Người ta phát minh được một trăm bằng sáng chế thì ít nhất mình cũng có một hai bằng sáng chế. Phải có tinh thần đó.

16. Phải có sự kiên nhẫn

Phải có sự kiên nhẫn, làm gì cũng vậy phải có sự kiên nhẫn. Thất bại lần thứ nhất thì làm lần thứ hai, thất bại lần thứ hai thì làm lần thứ ba. Lần thứ nhất chưa được điểm cao thì ráng lần thứ hai cho được cao. Tức là phải hết sức kiên nhẫn không được nản chí. Hôm nay xin bố mua cái máy, xin bố chưa cho, đừng nản chí, ngày mai xin, ngay mai xin chưa cho ngày mốt xin, ngày mốt xin chưa cho ngày kia xin. Năm nay xin chưa cho sang năm xin, không nản chí nhé. Ví dụ như vừa rồi ông nghe Duy Thiện bảo 18 tuổi mua xe mà không có tiền, bây giờ tới xin việc làm để có tiền mua được xe. Đó là kiên nhẫn, đó là có ý chí, đó là siêng năng, ông khen.

17. Không làm việc hời hợt, lấy lệ

Rồi bây giờ các cháu phải học một tính cách: khi các cháu làm cái gì thì các cháu phải làm sao cho vừa ý mình nhất chứ đừng làm lấy lệ. Ví dụ bây giờ mình vẽ một bức tranh thì mình phải ráng vẽ cho đẹp. Mình viết một bài văn thì mình phải ráng viết, phải sửa chữ, cảm nhận đọc đi đọc lại, chữ nào cần thì bỏ bớt đi, chữ nào không cần bỏ bớt đi, chữ nào cần bỏ thêm vào, sửa tới sửa lui. Mình viết một bài văn, mình phải đọc xong rồi mình sửa, đọc đi viết lại ít nhất là ba đến năm lần để cho bài thật tốt chứ đừng viết một lần xong rồi thôi, nếu làm như vậy thì kết quả làm không được hoàn hảo.

Làm việc gì phải ráng cố gắng giống như con viết một lá thư cho ông nội, phải đọc đi đọc lại chỗ nào cần thêm, chỗ nào cần bớt, chỗ nào cần bỏ đi, chỗ nào cần viết vào, làm cho nó rõ ràng ra. Chỗ nào mình nói chưa rõ khiến ông nội chưa hiểu, phải nói rõ hơn. Chỗ nào mình quên chưa nói thì phải nói vào, phải làm, phải sửa tới sửa lui ít nhất ba lần đến năm lần để mình thấy lá thư đó gửi cho ông nội là một lá thư thật sự có giá trị, thật sự đầy đủ, thật sự đẹp đẽ. Nhớ không? Không được viết lấy lệ, không được viết hai ba câu cho xong chuyện, không được làm như vậy nhé.

18. Tập bình tĩnh không sợ những sự khó khăn và hiểm nguy

Một điều nữa, các cháu phải học phát triển sự can đảm, bản lĩnh trước nguy hiểm - không sợ, trước cháy nhà - không có sợ. Mình phải tập can đảm - không có sợ. Nếu đi một mình không dám đi thì kêu người này, người kia đi với mình. Mình không sợ ai hù dọa mình, không sợ ai nhát ma mình, mình phải can đảm. Mà muốn can đảm thì gặp những việc đáng sợ - mình không được sợ. Phải tập, tập bình tĩnh không sợ những sự khó khăn và hiểm nguy.

Ví dụ như khi các cháu leo núi thì rất nguy hiểm, dễ bị té nhưng mà không phải mình sợ té mà mình không dám leo, mình leo cẩn thận, trèo núi cẩn thận tránh té. Tức là lúc mình leo núi, mình quyết tâm không sợ, mình biết là nguy hiểm sẽ té nhưng mà mình không sợ, mình luôn duy trì sự tỉnh táo và leo cẩn thận. Mình phải tập làm những chuyện như vậy thì mình mới trở thành người thanh niên, khi lớn lên trở thành một người đàn ông không biết sợ là gì. Mình làm đàn ông mà sợ là không được, ai đánh mình, mình cũng không sợ. Mình không đánh lại nhưng mình không sợ người ta, mình tìm cách tránh đi. Người ta hù dọa mình, dĩ nhiên mình không đánh lại nhưng dứt khoát mình không sợ.


19. Đừng thấy cái xấu, hãy chỉ nhìn cái đẹp

Một điều nữa là khi mình nhìn ba, nhìn mẹ, nhìn người khác thì mình phải cố gắng làm sao khám phá vẻ đẹp của mỗi người. Vẻ đẹp có mấy phần, ví dụ khi mình nhìn mẹ, mẹ mình đẹp cái gì. Về mặt hình dáng bên ngoài, mẹ có vóc dáng đẹp, mẹ có mái tóc đẹp, có quần áo đẹp, mẹ căn nói đẹp, ăn nói cư xử nhẹ nhàng, mẹ nói những lời rất nhẹ nhàng với người lớn, nói những lời nhẹ nhàng rất lịch sự với khách hàng, mẹ nói nhẹ nhàng với bố …. Đó là vẻ đẹp bên ngoài.

Nhưng bây giờ mình xem thêm vẻ đẹp bên trong đầu óc của mẹ là cái gì, mẹ mình thường suy nghĩ tốt cho các con, mẹ mình thương các con, mẹ mình thương bố, mẹ mình có suy nghĩ tốt cho hàng xóm, mẹ mình có suy nghĩ tốt cho ông ngoại bà ngoại, ông nội bà nội. Đó là vẻ đẹp bên trong đầu óc của mẹ. Như vậy mình quan sát làm sao để mình thấy được vẻ đẹp của mẹ mình từ bên ngoài và vẻ đẹp của mẹ mình từ bên trong đầu óc. Ví dụ như là mẹ giận ba nhưng mẹ nói rất nhẹ nhàng. Ví dụ như vậy.

Khi cnhìn mẹ, nhìn bố hay nhìn bạn bè, nhìn cô giáo, thầy giáo thì mình đừng có nhìn cái xấu của mỗi người. Nhớ đừng có nhìn cái xấu mà hãy nhìn cái đẹp của mỗi người. Cái xấu thì ai cũng có nhưng mà mình nhìn cái đẹp thì mình mới đẹp, mới tiến bộ. Còn mình nhìn cái xấu thì mình sẽ bị bắt chước cái xấu, nhớ không? Cho nên chỉ nhìn cái đẹp thôi, còn cái xấu người ta kệ người ta, mình đừng có để ý tới nhé! Đó là vấn đề quan trọng, mấy cháu nhé!

20. Siêng tập thể dục thể thao

Một điều nữa, ông nhắc các cháu phải tập thể dục thể thao để cho tay chân mình mẩy mình cứng, cơ bắp của mình rắn chắc nhé. Đạp xe, đi bộ, tập chạy… để cho cơ bắp mình phát triển tốt để mình tránh bệnh hoạn.

21. Ứng xử khi trong bữa ăn

Còn điều này nữa, khi ăn cơm trong nhà là các cháu phải ăn cơm chung với bố mẹ nhé, bởi vì bố mẹ đi làm suốt ngày, chỉ có giờ ăn cơm là các con gặp bố mẹ dễ nhất. Trong bữa ăn đó, mình ngồi ăn với bố mẹ để nghe bố mẹ kể chuyện nhé. Khi nào trong bữa cơm có bố, có mẹ ăn mà bố cãi với mẹ, mẹ cãi với bố thì các cháu cứ tự động nói, bố ơi mẹ ơi mình đang ăn cơm, bố mẹ đừng cãi nhau, ăn cơm không ngon nhé. Các cháu có quyền nói chuyện đó. Mẹ ơi, bố ơi, gia đình mình đang ăn cơm, để ăn cho ngon, bố mẹ không nên cãi nhau, ông dạy như vậy! Cứ nói ông dạy như vậy nhé. Trong lúc ăn cơm, bố mẹ không được la mắng các con, nói ông dạy là trong bữa ăn cơm bố mẹ chỉ ăn cơm, kể chuyện cho con nghe về ông nội, bà nội, những cái gì hay về ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thôi. Kể những món ăn ngon, kể hồi đó bà nội cho ăn món gì ngon, bà ngoại choăn món gì ngon, ông nội cho ăn món gì ngon.

Duy Huệ, DuyThiện có hiểu ông muốn nói gì không?

Dạ có ạ.

Ừ. Thế thôi ông chúc các cháu ăn cơm tối ngon nhé. Cảm ơn các cháu. Ông tạm biệt các cháu.

Duy Huệ, Duy Thiện: Chúng cháu chào ông!

(Nội dung được trích từ chương trình giáo dục Vườn Hoa Mơ Ước số 22, thầy Duy Tuệ giảng cho Duy Huệ và Duy Thiện, Cộng Hòa Séc ngày 12/11/2010)