"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Sức Mạnh nào giúp Ngài từ bỏ những Cái Khó Bỏ Nhất?



Trước hết, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao Trần Nhân Tông quyết định rời bỏ cuộc sống sang trọng, rời bỏ quyền lực của hoàng cung để đi theo con đường của đức Phật? Động cơ và mục đích thật trong chuyện này là gì?”





Nếu nói để thành Phật thì không phù hợp với những gì ngài đã khẳng định về các vị Phật rằng “Di Đà là tính sáng trong, Tịnh Độ là lòng trong sạch, Di Lặc là giữ giới đoạn tham, Thích Ca là rèn luyện đạo làm người và làm các việc thiện ở đời để tích đức”. Nhờ Tuệ Trung Thượng Sĩ, thầy của Trần Nhân Tông khai tâm, cho nên ở tuổi hai mươi chín, ngồi trên ngai vàng, ngài nhận ra yếu chỉ của chư Phật là nhận ra chân tâm hay tánh sáng sẵn có nơi chính mình.

Chính nhờ nhận thức sâu sắc này mà ánh sáng trong đầu óc của ngài bừng sáng lên, đưa ngài đến quyết định rời bỏ ngôi vua khi mới chỉ ba mươi sáu tuổi.

Và sáu năm sau, ngài quyết định rời đời sống hoàng cung đầy quyền lực, sang trọng, rời bỏ hoàng hậu yêu quý, xa lìa hàng trăm cung tần mỹ nữ để theo bước chân của đức Phật.


Sự bừng sáng bên trong đã tạo ra một sức mạnh vĩ đại. Sức mạnh ấy là nguyên nhân chính giúp ngài đủ sức từ bỏ một cuộc sống hết sức khó bỏ. Trong mỗi chúng ta, nếu tự kiểm điểm lại, bây giờ chúng ta nhìn thấy rất rõ ở đời không phải là quyền lực hay là quyền lợi to lớn mới khó bỏ, mà có khi chỉ là một thứ quyền nhỏ nhoi hay quyền không thực tế mà ở tuổi sáu mươi bảy mươi cũng khó có ai tự nguyện rời bỏ vị trí, rời bỏ quyền lực của mình.

Vấn đề ở Trần Nhân Tông khi đi theo bước chân trí tuệ của đức Phật, ngài đã chọn mục đích phụng sự cho dân tộc. Ngài đã tiến hành một cuộc giáo dục rộng lớn cho toàn dân, cho cả triều đình, không sót một ai. Lúc bấy giờ, Ngài đã sáng tạo ra những nội dung và phương pháp cụ thể để phát triển tâm linh, phát triển tính sáng của họ. Bởi vì, tâm linh và tính sáng của mỗi người quyết định tất cả mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, mọi hành vi của người ấy, quyết định con người ấy sống hạnh phúc hay đau khổ, và cũng quyết định dân tộc ấy tồn tại một cách khỏe mạnh, minh mẫn, hay là tồn tại một cách yếu đuối hay nghèo nàn.

Để phát triển tính sáng này, ngài xác định thế nào là tính sáng bên trong. Để không lầm lẫn, ngài nói rằng tính sáng bên trong chính là lòng trong sạch, trước nhất là lòng trong sạch. Lòng trong sạch chính là Phật. Mỗi người chúng ta là Phật, Phật chính là ta, ta chính là Phật, không khác, nếu như mình gìn giữ được lòng trong sạch.

Trong công cuộc giáo dục toàn diện, từ nhân dân đến triều đình, ngài phân định:

- Người dân bình thường thì nên học và thực hành năm giới luật trong đạo Phật. Đó là: không giết người; không trộm cắp, không cướp của; không uống rượu say sưa be bét; không ngoại tình, không quan hệ nam nữ bừa bãi; không hút sách, không nghiện thuốc. Bên cạnh đó, ngài còn dạy dân tránh xa những hình thức thờ cúng, thờ phượng mang tính chất mê tín dị đoan. Ngài không nhắc gì đến tội, phước, nghiệp chướng, rửa nghiệp, trả nghiệp, v.v. Ngài không nói gì đến luân hồi, nhân quả. Ngài không nhắc gì đến địa ngục, thiên đàng. Chúng ta lưu ý điều này.

- Còn đối với quan lại thì thế nào? Trong hệ thống quan lại triều đình, bao gồm cả các nhà trí thức, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các doanh nhân, quan văn, quan võ, v.v. ngài hướng dẫn tất cả các vị quan ấy sống theo tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Đại thừa.

Bồ Tát là người có đủ bi, đủ trí, đủ dũng, đủ sáng suốt, và có tri thức chuyên môn để giúp dân, giữ nước. Đó là Bồ Tát.

Và bên trong đầu của người Bồ Tát thường kiểm soát những xúc cảm tiêu cực, những suy nghĩ tiêu cực, những ý muốn tiêu cực, để tính sáng bên trong phát triển, nghiên cứu và học tập những phương pháp phát triển tính sáng bên trong. Còn bên ngoài, ăn mặc phải đàng hoàng, nghiêm trang, đúng đắn, quan hệ phải rõ ràng, minh bạch. Không kết bè kết nhóm, hà hiếp người yếu, không hối lộ, móc ngoặc, tham ô, không chơi bời trác táng. Phong cách của người quan phải thể hiện một đời sống đạo hạnh, làm người dân chung quanh tin tưởng mình, gần gũi và dựa vào mình.

- Đối với mọi người trong xã hội, ngài dạy chung rằng mỗi người đều phải lưu tâm đến tất cả các phương pháp hay cách thức mà lay động nhận thức sâu sắc bên trong, vì nhận thức sâu sắc là nguồn gốc của sự phát minh, là nguồn gốc của sự thấy để con người vượt qua vô thường.

Hãy tìm cách lay động nhận thức bên trong chứ đừng chạy theo lòng chấp của mình. Phải thờ thầy học đạo, phải thờ cha kính mẹ. Có như thế, tính sáng mới mong phát triển.
Ngài cũng khẳng định rằng nếu ai đó tình cờ may mắn gặp được người tri thức thì hạt giống bồ đề một đêm sẽ mọc, khai hoa ưu đàm, tức là nguồn hạnh phúc sâu thẳm bên trong tâm hồn dù ngàn năm chưa hiển lộ, chưa nở thì bây giờ cũng sẽ phải nở.

- Đối với giới tăng lữ, ngài đã sử dụng một thứ diệu lực chứ không sử dụng quyền lực của một chủ tịch giáo hội, hay quyền lực của một ông vua, hay quyền lực của vị Thượng Hoàng, mà sử dụng diệu lực của trí tuệ, diệu lực của tính thấy bên trong, và diệu lực của lòng thương dân thương nước mà tiến hành cải tổ toàn bộ hình thức và nội dung của lực lượng tăng sĩ thời bấy giờ.

Ngài khuyến khích toàn bộ số tăng sĩ trẻ tuổi trở về đời sống bình thường dân dã để tiếp tục lao động sản xuất. Bởi vì bất cứ một xã hội nào, tuổi trẻ là nguồn lực lao động chính để phát triển kinh tế, phát triển toàn diện đất nước ấy. Nếu đất nước ấy có rất nhiều tuổi trẻ mà lại lấy cớ tu hành mà xa lìa hay ra khỏi nguồn lực lao động của xã hội thì sự phát triển của xã hội sẽ vô cùng khó khăn, trong khi việc tu hành thì không nhất thiết phải vào rừng sâu núi thẳm, không nhất thiết phải vào am cốc. Có thể phát triển tính sáng của mình ngay trên đồng ruộng, ngay trong xí nghiệp, ngay trong việc làm, ngay trong đời sống gia đình.

Còn những người còn lại, những vị sư lớn tuổi, ngài cũng xem xét, đánh giá lại, xem những vị nào thực tâm tu hành thì ở lại và nhận thẻ. Còn những vị nào không thực tâm tu hành cũng trở về đời sống bình thường để bớt gánh nặng cho tín đồ. Bởi vì tín đồ sản xuất lúa gạo đã dành một phần rất lớn để nuôi tăng đoàn, mà rất nhiều tăng sĩ như vậy cũng là gánh nặng cho dân chúng chứ không phải đơn giản.

Tóm tắt mà nói, ngài dạy rằng hãy yêu tính sáng trong đầu óc mình hơn là yêu ngọc ngà châu báu. Phải thờ cha kính mẹ, phải thờ thầy học đạo. Phải sống thanh tịnh, sống thanh nhàn, sống đơn giản. Đó là những điều kiện, những cơ hội cho tính thấy hay tính sáng bên trong của mỗi người phát triển. Tính thấy quyết định sinh mạng của mỗi con người và góp phần quyết định sự tồn tại như thế nào của một dân tộc.

Trích bài nói chuyện của Thầy Duy Tuệ với các vị quan khách, tăng lữ và gia đình Minh Triết tại Lễ Giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông năm 2010.