"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

155 - Thầy Duy Tuệ nói gì về tình yêu?


Thông thường, khi chúng ta yêu ai thì phần nhiều tình cảm này ít khi nào hoàn toàn vô tư và bất vụ lợi. Người đời yêu ai đều muốn bày tỏ cho người ấy biết là mình yêu họ và chờ đợi đối tượng đáp trả, ít nhất cũng đáp lại bằng cử chỉ âu yếm. Do đó, hễ mỗi khi thương ai chúng ta thích phơi bày ra ngay:
- Tao thương mày, mày không thấy sao?
- Anh thương em lắm, em có biết không?
- Tôi thương ông đến thế mà ông không biết hay sao?
Có nghĩa là ta thường đòi hỏi đối tượng mà ta thương cũng phải biết điều đó. Biết để làm gì? Để đáp ứng trở lại. Lối yêu đó chính là tình yêu sở hữu của chúng sinh, nghĩa là yêu có điều kiện. Cách yêu này cũng chỉ đắp đổi mà thôi, nó do nhân duyên tạo ra rồi với thời gian sẽ đến lúc không còn hoặc biến hoá đi. Loại tình yêu ấy có mặt trái của nó nên chúng ta phải dè chừng!

Tình yêu sở hữu đó không phải là tình yêu của Đức Phật. Đức Phật thường nói rằng điều quan trọng nhất là từ bi tức tình yêu lớn lao không điều kiện và không do duyên sinh. Tình yêu của Đức Phật là tình yêu của tự do, một thứ tự do tuyệt đối, chúng ta đừng nên quên điều này. Tình yêu của Phật, lòng từ bi của Phật luôn tràn đầy để an ủi chúng sinh, cũng như tình thương của Quán Thế Âm Bồ Tát phát ra phủ lên chúng sinh chẳng khác gì một nguồn suối không bao giờ cạn và không kèm theo điều kiện nào. Tình yêu vĩnh hằng của chư Phật như suối nguồn tuôn chảy phù hộ độ trì cho toàn bộ chúng sinh mà không thu về bất cứ thứ gì. Cho nên, tình yêu của Đức Phật là tình yêu tự do tuyệt đối. Nó từ cõi tự do mà ra và lan tỏa tự do khắp các cảnh giới.

Chắc hẳn ai cũng đã từng yêu ít nhất là một lần trong đời, có khi già rồi cũng vẫn còn yêu. Chúng ta thử nhớ lại xem có phải đôi lúc mình cảm thấy rằng tự do có khi nào cao cả và đáng quý hơn tình yêu do các điều kiện thuận tiện mà nảy sinh, phải thế không?

Có những lúc quả thật tự do còn quý hơn thứ tình yêu ấy. Vì vậy, một khi chúng ta phát tâm thương ai mà không xuất phát từ sự tự do tuyệt đối của "Phật tính" thì không phải là tình thương của Phật trong chúng ta. Đó có thể là tình thương của ma, tình thương của quỷ, tình thương của Atula hoặc có thể là tình thương của con người bình thường chứ không phải tình thương mang tính Phật. Thế nên, đừng nghĩ rằng hễ đem lòng thương ai là ta muốn làm trời làm đất gì thì làm, tuyệt đối không được như thế. Ta nên hết sức lưu ý điều này. Thông thường hễ ghét ai, mình ý thức được ngay đó là cái tâm sân hận, cái tâm Atula phóng ra và ta không mong đợi sự đáp trả. Nhưng ngược lại, một khi cái tâm thương phóng ra thì mình lại thích rêu rao ồn ào là mình thương người ta mà người ấy không đếm xỉa gì tới mình. Chúng ta phải tự chủ đừng để cho bị nhầm lẫn vì tình thương đó không phải là tình thương của Phật.

Duy Tuệ