"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Để ý lại bộ não của mình trong vấn đề học tập ở nhà trường



Việc học trong nhà trường

- Trong trường học, các con học tổng số bao nhiêu môn học?

- Dạ tám.

- Môn gì thì con thích nhất và con xuất sắc nhất?

- Dạ môn toán và môn vẽ.

- Môn toán và môn vẽ là con xuất sắc nhất và con cũng thích nhất, đúng không?

- Dạ.

- Môn gì là con chán nhất?

- Dạ môn tiếng Cộng hòa Séc.

- Tại sao lại chán môn đó?

- Dạ tại vì cái môn đó khó lắm!

- Nếu môn nào nó cũng dễ hết thì làm sao con biết được khả năng học của con? Nó phải cố cái môn nào khó thì con mới biết khả năng học của con tới đâu chứ. Cho nên cái môn nào khó thì cái môn đó con phải mừng. Mình biết là khả năng của mình nó đang thấp hơn môn học đó. Thì bây giờ mình phải làm cho khả năng của mình nó cao hơn môn học đó, cái đầu của mình phải làm sao cho nó cao hơn môn học đó, cái hiểu biết của mình nó rộng hơn môn học đó và cao hơn môn học đó, thì con sẽ hết chán nhé!

- Dạ.

- Cảm ơn con. Duy Huệ nói cho ông nghe chuyện học của con ở trường? Tổng số bao nhiêu môn?

- Con thì nhiều môn nhưng con chưa đếm. Nhưng đợt này thì con học hơi kém.

- Bao nhiêu môn? Bây giờ ngồi đếm đi, nói ông nghe.

- Toán, lịch sử, sinh vật, vẽ, thể dục, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Cộng hòa Séc, vi tính, … khoảng mười môn.

- Lấy tờ giấy và cây bút ghi ra đàng hoàng không có “khoảng” được. Có bao nhiêu môn thì nói chính xác bấy nhiêu môn.

- Dạ con suy nghĩ ạ.

- Đếm cụ thể. Không phải suy nghĩ mà nhớ lại và đếm.

- Ông ơi con có tổng cộng là 15 môn học.

Môn tiếng Cộng hòa Sec, môn “Chuẩn bị đi vào cấp ba”, tiếng Anh, Lịch sử, môn về “Những người có tính gì?”, sức khỏe, địa lý, toán, sinh vật, vật lý, hóa học, vi tính, vẽ, tiếng Đức và thể dục, thể thao.

- Vậy bao nhiêu môn con học khá, bao nhiêu môn học trung bình, bao nhiêu môn học dở?

- Dạ, con bắt đầu từ môn dở là môn tiếng Cộng hòa Sec. Sau đó môn dở là về tính của con người, người này là người gì, người kia là người gì? Và môn về sinh vật.

- Người này là người gì, người kia là người gì? Nghĩa là người này là người Cộng hòa Sec hay người này là người dân tộc nào, nguồn gốc gì đó hả?

- Dạ không. Mà  người này là người hay dỗi hờn. Người hay dỗi hờn là người chỉ biết mỗi mình bản thân mình và chỉ chơi với những người không tốt hay chưa được tốt đấy. Đó là tính nết của con người.

- Ok. Còn môn gì là môn con học khá?

- Dạ tiếng Anh, môn lịch sử, sức khỏe, địa lý là con được điểm 2 (tương đương điểm 7-8 tại Việt Nam). Và điểm tốt là môn tiếng Đức, môn thể thao, vẽ, vi tính. Con còn điểm 2 môn toán, hóa học và vật lý. Mà ba môn đó là con lại thích nhất.

- Ba môn dở nhất là điểm mấy?

- Dạ điểm 3 (Tương đương điểm 5 – 6 tại Việt Nam) ạ.

- Điểm trung bình của lớp con là điểm mấy? Điểm cao nhất là bao nhiêu và điểm thấp nhất là bao nhiêu?

- Điểm thấp nhất là 5 điểm.

- Vậy điểm 3 là điểm thấp rồi, dưới trung bình rồi.  Vậy con không có môn nào điểm 1(điểm 9 – 10 tại Việt Nam) hết hả?

- Dạ có ạ.

- Môn tiếng Đức, thể thao, vẽ, vi tính và môn “Chuẩn bị vào cấp ba”.

- Tại sao những môn đó là những môn được điểm 1?

- Dạ vì con ham. Môn vẽ thì đơn giản rồi nè. Môn tiếng Đức là con ham, môn thể thao con ham, môn máy vi tính con ham. Và “Chuẩn bị lên cấp ba”là con ham, vì sau này lên cấp ba thì con mới hiểu được nhiều chuyện.

- Khi con ham thì con học làm sao mà được điểm 1?

- Dạ con chú ý lắng nghe và con học bài.

- Học bài nhiều hơn các môn khác hay là học bài bằng các môn khác? Thời gian mà con dành cho cái môn con ham là nhiều hơn hay là ít hơn hay là bằng những môn mà con không ham?

- Mấy môn này thì con học ít vì mấy môn này nó dễ. Môn toán, thì con học nhiều nhất. Môn tiếng Cộng hòa Sec, tiếng Anh là con học nhiều. Lịch sử thì con không học nhiều. Và mấy môn con có điểm 3 thì con cũng không có học nhiều. Nhưng học nhiều là con học môn Hóa học, Vật lý, Toán.

- Ba môn đó thì con học nhiều nhưng cũng là điểm 2, đúng không? Lý do nào mà học nhiều nhất nhưng vẫn điểm 2?

-Dạ vì nhiều lúc cô giáo cho trực tiếp vì con chưa học môn đó, con chưa học những gì cô giáo vừa cho mình ghi vào giấy.

- Có lẽ sự chú ý của con nó không có chú ý nhiều hơn những môn khác. Cái sự chú ý đó nó có nhiều không? Những môn mà điểm 2, điểm 3 đó ? Mức độ chú ý là cô giáo giảng bài, thầy giáo giảng bài con có chú ý nhiều, con có nhìn vào mắt cô giáo, con có hiểu bài nhiều không?

- Dạ, chỉ khi cô giáo đứng phía trước thì con nhìn được vào mắt cô giáo.  Và trong trường thì cô giáo không cho phép quay ra phía sau, nên con không nhìn được vào mắt cô giáo ở phía sau, nhưng con vẫn nghe cô giáo.

- Khi con nghe cô giáo thì cái đầu con có nghĩ chuyện đi chơi ở ngoài đường không, có nghĩ tới bạn bè gì ở ngoài đường không?

- Dạ không.

- Cái lúc mà con lắng nghe thì con có nghĩ gì về chuyện gia đình hay nghĩ về chuyện gì vui khác ở bên ngoài không?

- Dạ, khi con đang học môn này rồi môn kế tiếp là đến môn toán. Khi sắp hết thời gian của môn này thì con nghĩ về môn toán rồi. Con nghĩ tới cô giáo bảo là cô sẽ thử các cháu là đã biết được gì hôm trước cô đã giảng gì về toán thì ngày mai cô sẽ thử xem.

- Những nội dung mà cô giáo nói thì con có nghe được hết 100% không, con có hiểu được hết 100% không?

- Dạ không. Nhưng sau đó thì cô giáo đã ghi hết trên bảng rồi và con chép hết vào giấy rồi.

- Con chép vào xong, con về coi lại thì con có hiểu được hết hay con hiểu được 80 - 90%?

- Dạ học thuộc hết thì con không học được nhưng con vẫn hiểu.

-Tại sao lại không học được hết?

- Vì cô giáo cho nhiều trang quá. Rồi cô giáo bảo tuần sau cô giáo sẽ ôn lại tất cả. Trong đó vì nhiều quá nên con không nhớ hết. Khi học nhiều rồi thì nói lại bị lặp lại, lặp lại và có lúc không có nhớ được cái câu đó.

- Đúng rồi. Như vậy là con chưa biết cái cách chia bài ra để con học. Con chưa biết cách sắp đặt một cái bài khi nó nhiều.

Ví dụ cái bài đó thì cô giáo nói mười nội dung chẳng hạn. Con không có chia nó ra thành từng nội dung một, từng nhóm một, từng chủ đề một, từng đề tài một… nên thành ra con lẫn lộn. Con phải tập phương pháp, ví dụ hôm nay cô giáo nói cái bài toán này có bao nhiêu nội dung? Mười nội dung, chín nội dung, tám nội dung, bốn nội dung, ba nội dung hay là bao nhiêu nội dung? Xong rồi con mới xem nội dung một mình hiểu chưa? Nội dung hai mình hiểu chưa? Nội dung ba mình hiểu chưa? Nội dung bốn mình hiểu chưa? Nội dung năm mình hiểu chưa? Bảy, tám, chín, mười… mình hiểu chưa? Nội dung nào mình chưa hiểu? Xong rồi thì con lại lặp lại, phải đi ngược trở lại là từng nội dung như vậy thì mình hiểu chưa? Và con phải nắm chắc là cô giáo giảng bài này có bao nhiêu nội dung?

Con không thể nào mà con lầm lẫn được nếu con chia, con  phân tích từng nội dung. Ít nhất là con phải biết cô giáo giảng bài này thì có bao nhiêu phần? Năm phần, bảy phần, một phần hay ba phần, mười phần…? Con phải biết rất rõ là bao nhiêu phần? Không thể nào cô giáo nói tràng giang đại hải mà không phân ra thành nhiều phần cả. Nó phải có bao nhiêu phần chứ không thể nào nó không có được. Nó có bao nhiêu phần thì buộc con trước nhất là phải nhớ là có bao nhiêu phần trước.

Ví dụ hôm nay ông dạy con sáu điểm, thì con phải biết là hôm nay ông dạy con sáu điểm, sáu vấn đề, sáu nội dung. Con không thể nói là: “Không biết hôm nay ông dạy mình mấy nội dung?”. Con không thể nói giống như hồi nãy, khi ông hỏi con là con học bao nhiêu môn? Thì con không thể nói là “khoảng, khoảng, khoảng…” được. Mà con phải nói rất rõ là 15 môn. 15 môn thì con  phải nói là môn gì, con phải kể ra cho được.

Cái cách nhớ thì trước nhất là con phải nhớ như vậy!

Trong khóa học này cô giáo dạy bao nhiêu bài? Trong quyển sách này năm nay con học 10 bài. Là nguyên một quyển sách cho khóa học con là 10 bài. Bài thứ nhất bao nhiêu phần? Bài thứ hai bao nhiêu phần? Bài thứ ba bao nhiêu phần? Con tập nhớ như vậy thì con không bao giờ lẫn lộn được, cái đầu óc con không thể rối bù được. Con giải quyết từng phần, từng phần, từng phần xong thì con về con học, con bảo: “Bài toán hôm nay cô giảng thì mình biết mười phần. Bây giờ mình hiểu hết mười phần rồi. Chắc chắn mười phần rồi”. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, chín mười … Lặp lại đúng mười phần. Rồi con hiểu được mười phần rồi thì con nắm hai bàn tay lại, đứng thẳng người lên và giơ lên: “Ok rồi, ta hiểu rồi. Ngày mai đi học cô giáo nói gì ta hiểu hết”.

Con hiểu cách học đó chưa? Con phải nhớ cách học ông chỉ nhé.

Con không thể lộn xộn, không thể nói khoảng, khoảng được. Nếu con không tập tính chi tiết, chia ra từng phần thì sau này con không có thành công được cái gì hết và lớn lên thì con không có tốt được. Cho nên phải ráng cố gắng như vậy!

Nhiệm vụ số một

Một trong những nhiệm vụ trong độ tuổi của mấy con, nhiệm vụ số một là nhiệm vụ gì?

- Học giỏi và chú tâm khi cô giáo giảng bài.

- Có phải nhiệm vụ một là dọn nhà cho bố mẹ không?

- Dạ không ạ.

- Có phải nhiệm vụ một là học với ông không?

- Dạ cũng không.

- Có phải nhiệm vụ một là con đi đá bóng không?

- Dạ không.

- Có phải nhiệm vụ một là con chơi với em không?

- Dạ không.

- Có phải nhiệm vụ hàng đầu của con là con giúp bố mẹ không?

- Dạ có một phần.

- Không. Không có cái phần nào hết. Cái đó là phần phụ. Nhiệm vụ số một của con là phải học và phải hiểu tất cả những gì mà con học ở nhà trường. Hiểu không Duy Huệ?

- Dạ con hiểu.

- Cái đó là hàng đầu. Cái đó là ưu tiên một. Cái đó là trên hết tất cả những thứ khác. Bởi vì không có hoàn thành nhiệm vụ này thì làm sao cái đầu óc của mấy con, cái não của mấy con có thể mở được?

Bộ não 100% vàng ròng

Bây giờ ông quay trở lại ông hỏi mấy con. Bây giờ ông hỏi Duy Huệ, con thích cái xe gì nhiều nhất?

- Dạ xe Ferari.

- Tại sao con thích xe đó?

- Vì nó đẹp, nó hay và nó thể thao.

- Nó hay làm sao?

- Nó hay là nó cái dáng đẹp.

- Tức là nói tới cái đẹp thì nói tới cái dáng của nó. Rồi nó hay là nó hay làm sao?

- Nó hay là nó có nhiều chức năng. Trên vô lăng của nó có bốn chức năng.

- Nó có nhiều chức năng trong cái xe của nó. Nó đắt tiền hay nó rẻ tiền?

-Dạ thời bây giờ nó đắt tiền. Nhưng thời của con thì nó sẽ rẻ tiền.

- Ngoài con thích ra thì có nhiều người thích cái xe này không?

- Dạ có ạ.

- Có nhiều người thích cũng giống như con. Là xe này nó khỏe, chạy nhanh, trẻ trung, nhìn nó đẹp. Mặc dù nó đắt tiền nhưng người nào mà ngồi lên trên cái xe đó là phải nói người đó vui, hạnh phúc, may mắn gì đó, là vì có chiếc xe rất tốt, đúng không?

- Dạ.

- Duy Thiện thích xe nào?

- Dạ xe Volvo.

- Tại sao con thích?

- Tại vì xe đó to.

- To không thì còn gì nữa không? Xe buýt nó cũng to vậy.

- Dạ nó không đắt.

- Nó không đắt lắm. Nhưng mà xe đó tốt hay xấu?

- Dạ đó xe đó đi nhanh thì không bị hư máy.

- Cái thùng xe nó có chắc không?

- Dạ có.

- Chạy nó an toàn không?

- Dạ có.

- Ok. Nó có hơn cái xe nào không? Hay là nó thấp nhất? Hay là nó trung bình?

- Dạ nó bình thường.

- Có xe nào rẻ hơn nó không?

- Dạ con không biết.

- Xe Volvo thì nó có nổi tiếng trên nước Cộng hòa Sec và trên thế giới không?

- Dạ con không biết.

- Nhưng mà chắc chắn xe đó là xe mà nhiều người thích không?

- Dạ cũng nhiều.

- Ok. Bây giờ ông hỏi con với Duy Huệ, các con có biết vàng không?

- Dạ có.

- Cái này thì các con phải nhờ bố mẹ giải thích thêm. Một chiếc nhẫn đeo tay của mẹ hay của bố ví dụ nó cân nặng là bao nhiêu gam đó. Rồi một chiếc nhẫn khác cũng bằng vàng, cũng cân nặng chừng đó gam. Ví dụ chiếc nhẫn mẹ con đeo nặng là 10 gam. Rồi một chiếc nhẫn khác người ta bán trong tiệm cũng là 10 gam. Mẹ con đi vào trong tiệm mua, chọn cái nhẫn. Nhưng nhẫn thì có bốn loại, loại nào cũng nặng 10 gam hết. Nhưng bốn loại thì bốn giá tiền khác nhau. Loại thì 10 đồng, loại thì 7 đồng, loại thì 6 đồng, loại thì 5 đồng. Nhưng vàng giống nhau, nặng giống nhau, kích cỡ đeo vào tay giống nhau. Thì bây giờ ông hỏi con với Duy Huệ, tại sao nó khác nhau cái giá? Tại sao có cái giá cao nhất, tại sao có cái giá rẻ hơn? Lý do gì? Nếu có mẹ con ở đó thì mẹ con trả lời giúp cho con.

- Dạ vì người ta nhìn cái dáng của nó đẹp thì người ta sẽ tăng giá lên tý.

- Cái dáng thì giống nhau hết, không có khác gì hết.

- Vì loại này người ta đã bán lâu và loại này người ta mới bán đây, người ta bắt đầu cho lên kính, cái này mới hơn. Và người khác bán cho họ thì họ sẽ cho giá khác. Ví dụ người ta bán cho một cái hãng và một siêu thị, người ta bán 10 đồng nhưng người ta muốn ăn 3 đồng thì người ta sẽ bán là 13 đồng. Rồi có người khác đem bán chỉ có 7 đồng và người ta cũng muốn ăn 3 đồng thì người ta sẽ bán 10 đồng.

- Nó có nhiều nguyên nhân khác giá. Ví dụ cái chỗ thuê địa điểm bán nó mắc hay rẻ? Cái chỗ thuê địa điểm bán nó trung tâm hay là không trung tâm? Nó có nhiều yếu tố làm cho cái giá khác nhau. Nhưng trong đó nó có một yếu tố thế này, người ta gọi là chất lượng. Ví dụ chiếc nhẫn 10 đồng này thì vàng nó tốt hơn chiếc nhẫn 8 đồng. Tất cả những nguyên nhân phụ thuộc khác ông không có kể. Nguyên nhân về chỗ thuê, nguyên nhân về tiệm vàng đó có tiếng tăm hay sao thì ông không kể cái đó. Nhưng bây giờ ông kể nguyên nhân chính của chiếc nhẫn. Cái nguyên nhân nó nằm trong chiếc nhẫn đó, tức là vàng này tốt hơn nên là 10 đồng. Chiếc nhẫn này vàng này không được tốt bằng chiếc nhẫn này cho nên giá 8 đồng. Chiếc nhẫn này vàng nó không được tốt hơn chiếc nhẫn này và chiếc nhẫn này, cho nên giá nó 7 đồng. Khi nào mẹ con dẫn con đi chợ thì con sẽ hiểu chuyện đó. Nhưng đại loại nó khác nhau là vì vàng trong chiếc nhẫn này nó tốt hơn vàng trong chiếc nhẫn này. Khi người ta nói vàng tốt hơn và vàng xấu hơn thì các con chưa có hiểu được nhiều. Bữa nào nói với mẹ dẫn đi chợ thì sẽ hiểu. Như vậy nó có trong đó cái yếu tố chính đó là vàng xấu hơn và vàng tốt hơn.

Cũng như cái xe, nếu con thích xe Fefari, nhiều khi cũng là xe thể thao của hãng khác, đời nó giống nhau, nhưng chiếc xe hãng khác là 20.000 đô, trong khi chiếc xe con thích là 50.000 đô. Như vậy thì nó có thể khác chất lượng của cái máy. Cái xe đó cái máy nó tốt hơn, cái xe đó cái sườn nó tốt hơn, cái vỏ xe nó tốt hơn. Đương nhiên nó phải có điều gì đó tốt hơn xe khác nên nó mới đắt tiền.

Các con hiểu không, Duy Huệ và Duy Thiện?

- Duy Thiện: Dạ con hiểu.

- Duy Thiện hiểu, ok. Vậy thì bây giờ Duy Huệ và Duy Thiện hay Duy Huệ cùng với một đứa bạn khác, cũng con trai, cũng sinh cùng năm, học cùng lớp. Mà Duy Thiện cũng vậy, trong lớp Duy Thiện cũng có một số con trai sinh cùng năm, nhiều lắm vì cùng tuổi mà, cân nặng giống nhau, chiều cao giống nhau.

Con cao bao nhiêu? Con cao 1m50 thì bạn con cũng cao 1m50. Con 12 tuổi, bạn của con cũng 12 tuổi. Con học lớp 6, bạn con cũng học lớp 6. Con có hai con mắt thì bạn con cũng có hai con mắt. Con nặng 50 kg thì bạn con cũng nặng 50 kg.

Vậy thì cái gì làm cho con và bạn con khác nhau? Hay là cái gì cũng giống nhau hết? Duy Huệ trả lời ông trước coi?

- Duy Huệ: Dạ không giống nhau được ông ơi.

- Tại sao không giống nhau? Kể cho ông nghe.

- Mọi người thì có những tính khác và có ước mơ khác và muốn cái gì thì cũng muốn khác.

- Ngoài cái khác về tính tình, ngoài cái khác về giấc mơ, ngoài cái khác về ý muốn, còn có khác gì nữa? Cái đó nó cũng không quan trọng. Nhiều khi con thì tính hiền, người kia thì tính nóng hơn, cái đó nó không quan trọng. Ý muốn cũng không quan trọng, giấc mơ cũng không quan trọng luôn.

Bây giờ con học 2 điểm, 3 điểm, còn một số bạn nó giống y chang con hết nhưng nó học thì cái nào cũng là điểm 1, thì các bạn đó với con giống nhau cái gì và khác nhau cái gì? Có giống nhau không?

- Dạ không.  Khác nhau là người ta học giỏi hơn mình.

- Thì bây giờ y chang như cái vàng trong tiệm mà người ta bán thôi. Chiếc nhẫn này cân nặng cũng bằng chiếc nhẫn kia, hình thức giống như nhau nhưng chiếc nhẫn này là 10 đồng mà chiếc nhẫn kia chỉ có 8 đồng, nó khác nhau về cái gì? Về chất lượng bên trong đó. Vàng này tốt hơn vàng này. Vàng này tốt hơn là vì nó 100% vàng. Còn vàng này nó không tốt hơn vì trong đó nó có pha một chất khác chứ không được 100% vàng, nó pha thêm chì. Con có biết chì không Duy Thiện?

- Dạ không?

- Con có biết chất khác không, chất không phải là vàng? Một chiếc nhẫn 100% vàng với một chiếc nhẫn có 90% vàng, còn 10% là cái chất khác. Như vậy thì bây giờ ông hỏi con, một chiếc nhẫn là 100% là vàng, còn một chiếc nhẫn 90% là vàng, còn 10 % là chất đồng thì nhẫn 90% là chất vàng đó có bằng chiếc nhẫn 100% là vàng không?

- Duy Thiện: Dạ không.

- Đương nhiên nó thấp hơn đúng không?

- Dạ.

- Ok. Thì cái đầu của con và cái đầu của người khác nó giống y chang vậy. Hiểu không Duy Huệ?

- Dạ con hiểu.

- Não con giống não người ta, không có khác gì trọi trơn. Nhưng hiện nay trong đầu con, chất lượng học thì con mới có 90% còn cái người học mà được điểm 1 đó thì chất lượng của nó là 100%. Như vậy thì cái sự khác nhau này là do đâu mà có? Duy Huệ kể cho ông nghe đi?

- Duy Huệ: Do hoàn cảnh, một phần cũng là do bố mẹ.

- Do cái gì nào, hoàn cảnh làm sao, bố mẹ làm sao, kể cho ông nghe coi?

- Do bố mẹ như là ít lo cho con học thì con đó không chịu học và lười. Còn bạn kia thì bố mẹ hay nhắc nhở học thì bạn đó lại học nhiều.

- Rồi gì nữa? Đó là phần bố mẹ, còn phần các con là sao?

- Hoàn cảnh là bố mẹ sẽ cho đi ra ngoài chơi. Và hoàn cảnh của ban kia là phải ở nhà suốt ngày không được đi ra ngoài chơi, thì bạn đó phải ở nhà học.

- Cái bạn mà ở nhà suốt ngày, không đi chơi nên học giỏi hơn đúng không? Cái đó kêu là hoàn cảnh. Thì còn khác cái gì nữa không?

- Dạ có khác là bạn đó chú tâm học hơn và ham học hơn.

- Rồi còn khác cái gì nữa? Vậy thì bây giờ cái phần chú tâm học thì nó có lệ thuộc hoàn cảnh, nó có lệ thuộc bố mẹ không hay là nó lệ thuộc do mình thôi?

- Dạ có. Ví dụ bây giờ bố mẹ đi làm như thế này thì nó sẽ học giỏi và khỏi làm như bố mẹ cái việc đó.

- Có nhiều cháu học sinh ở Việt Nam, bố mẹ nghèo lắm, rất nghèo. Nghèo có nghĩa là không có đủ cơm ăn, không có đủ quần áo mặc. Các cháu đó phải vừa học, phải vừa nấu cơm, phải vừa trồng rau, phải vừa đi bắt cá, phải vừa đi kiếm củi cho mẹ. Mà mấy cháu đó thì bố mẹ không có nhắc nhủ gì vì bố mẹ nghèo và dốt nữa thì đầu có biết đâu mà nhắc nó học.  Bố mẹ thứ nhất là dốt, không biết chữ, không có thời gian, cứ làm ở ngoài ruộng, bắt cá, bắt tôm với trồng cây kiếm tiền để sống, để nuôi cả nhà. Tức là như vậy thì bố mẹ không có thời gian để nhắc nó học. Những cháu đó chẳng những không có thời gian để học, mà nó vừa học và phải dành thời gian để giúp bố mẹ bắt cá, bắt tôm, với đi lượm củi, nấu cơm nhưng vẫn học giỏi như thường, học rất là xuất sắc. Vậy cái đó là có phải lỗi do hoàn cảnh hay lỗi do bố mẹ không?

- Duy Huệ: Dạ không.

- Như vậy thì cái đó là không có lỗi gì do bố mẹ hay lỗi gì do hoàn cảnh cả. Mà tại sao mấy cháu đó học xuất sắc, học giỏi, lý do làm sao, nói cho ông nghe?

- Lý do là tại vì mấy cháu đó không muốn lớn lên là ngày nào cũng mãi mãi làm cái việc là trồng rau và bắt cá. Các bạn học giỏi để lớn lên có công việc tốt.

- Đừng có nói các bạn khác, ông hồi nhỏ nè. Mười ba tuổi ông đã ra khỏi gia đình, ông phải đi ở đợ cho người ta. Ông vừa đi giặt quần áo cho con người ta, ông phải vừa dạy cho con người ta học và ông lại vừa học. Ông vừa đi giặt quần áo cho thầy giáo để thấy giáo dạy cho ông học và ông học rất giỏi. Vậy đâu phải do hoàn cảnh, đâu phải do bố mẹ đâu? Bố mẹ đâu có ở gần ông đâu.  Mà hoàn cảnh thì ông đi ở đợ. Nhưng tại sao ông học được? Vậy thì không phải do hoàn cảnh, không phải do bố mẹ mà là do cái gì?

- Dạ do cái thông minh.

- Do mình quyết tâm, chứ không phải do thông minh. Ông không thông minh, ông là người rất là kém nhưng ông cực kỳ quyết tâm, cực kỳ chịu khó. Sau khi ông giặt quần áo cho con người ta rồi, sau khi ông chỉ cho con người ta học rồi, con người ta đi ngủ rồi, thì ông chong đèn ông học, thức khuya,dậy sớm ông ráng ông học. Ông kiên trì ông học. Ông quyết tâm ông học. Còn cái nào ông chưa hiểu thì ông kiếm sách, kiếm vở ông đọc cho hiểu, ông đi hỏi thầy giáo cho hiểu. Cái gì mà ông không hiểu thì không bao giờ ông chấp nhận để đó. Không hiểu thì ông phải đi kiếm người ông hỏi, hỏi cho bằng được. Khi nào hiểu xong thì ông mới chấp nhận.
Như vậy thì học được hay không học được thì do lỗi của mình chứ không phải do lỗi của người khác. Có đúng không, Duy Huệ?

- Dạ đúng.

- Như vậy từ nay về sau, con không có được đổ lỗi cho bất cứ ai. Nhớ không?

- Dạ.

- Cái gì con học không xong, con phải biết là lỗi tại con. Mà trong cái lỗi đó thì cái lỗi quyết tâm của mình không cao. Quyết tâm là sao, con biết không? Con giải thích cho ông nghe.

- Quyết tâm là khẳng định. Ví dụ hôm nay…

- Phải làm cho được. Phải, phải, phải làm cho được. Đó là quyết tâm đúng không?

- Dạ.

- Duy Thiện có hiểu quyết tâm là gì không?

- Dạ có.

- Thứ nhất cái lỗi của mình là lỗi thiếu quyết tâm. Cái lỗi thứ hai là gì?

- Dạ cái lỗi thứ hai là mình không chịu đi học bài.

- À không chịu đi học bài, đúng rồi. Còn cái lỗi gì nữa? Cái lỗi này quan trọng lắm, cái lỗi này lớn lắm! Nếu con biết được cái lỗi này thì con sẽ không bao giờ học dở nữa. Chắc chắn ông đảm bảo là con sẽ không bao giờ học dở nữa, nếu con biết được cái lỗi này.

- Dạ làm mình không ham học.

- Cũng không phải vậy. Nhiều khi mình học chán chết đi nhưng mình phải học chứ không phải là mình ham.

- Vì mình lười học.

- Đó là một chuyện. Chuyện đó không phải là chính. Lười là một phần nhưng chưa phải là chính.

- Mình không học nhiều và mình mải chơi.

- Cũng đúng nhưng chưa phải chính. Con mà biết cái lỗi này thì không có gì mà con không học được hết, không có cái gì mà con không xuất sắc hết, tất cả môn học nào con cũng xuất sắc hết.

Khi con biết được cái lỗi này rồi, con sẽ xuất sắc và con sẽ có thời gian con đi chơi, tha hồ đi chơi.

- Mình phải tập trung và nghe cô giáo giảng bài.

- Đó là một chuyện. Bây giờ có hai cách con đi chơi. Con kể cho ông nghe thử, sau khi con ở trường về, con học bài rồi con dành thời gian con đi chơi. Thì khi nào con đi chơi, con nói cho ông nghe?

- Dạ khi nào con thích và con đã làm nhiệm vụ xong hết rồi.

- Có cái nào mà con chưa xong mà con vẫn đi chơi không?

- Dạ có.

- Đó, nó nằm ngay chỗ đó đó.

- Khi con lười học thì con đi ra ngoài chơi.

- Khi nào thì con sẽ đi chơi một cách vui, Duy Huệ?

- Khi nào con đã làm mọi việc xong hết rồi.

- À, con đã làm xong hết bài học rồi thì con đi chơi con thấy vui. Có đúng vậy không Duy Thiện?

- Dạ đúng ạ.

- Làm sao con nói cho ông nghe coi? Khi nào thì con đi chơi vui nhất?

- Khi mình được nghỉ học một tuần.

- Con đi chơi mà con vui là con không lo lắng gì hết. Tại sao con không lo lắng gì hết? Nếu như con nghỉ được mấy ngày đó mà con có nợ bài vở gì đó, có một số bài gì đó con chưa hiểu thì con đi chơi có vui không?

- Dạ con không vui.

- Vậy thì cái lỗi quan trọng số một là lỗi gì, con nói cho ông nghe coi? Tới đó là con có thể hiểu rồi đó.

- Là phải học đến nơi đến chốn.

- Duy Thiện bổ sung thêm cho ông nghe?

- Dạ phải học cả ….

- Bất kể một người học sinh nào cũng vậy, cái lỗi quan trọng nhất hay là cái điểm quan trọng nhất, cái điều quan trọng nhất để làm cho người học sinh đó giỏi hay là không làm cho người học sinh đó giỏi…

Bây giờ Duy Huệ có tất cả 15 môn. Mỗi môn có nhiều  phần học, mỗi môn có nhiều bài học và mỗi bài thì có nhiều phần học. Đúng không Duy Huệ?

- Dạ đúng.

- 15 môn. Mỗi môn có nhiều bài. Mỗi bài có nhiều phần. Ví dụ mỗi môn thì có bảy bài. Mỗi bài có ba phần. 7x3 = 21. Ví dụ bây giờ cuối tuần, con có thời gian nghỉ thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Thì con chỉ vui được thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật khi 21 phần của bảy bài này thì phần nào con cũng hiểu hoàn toàn, không có phần nào mà con chưa hiểu. Nếu con chưa hiểu một phần của 21 phần thì con không có vui được. Con phải hiểu hết tất cả 21 phần. Con không được bí phần nào hết. Phần nào con chưa hiểu trong 21 phần thì con phải đi kiếm thầy giáo, kiếm bạn của con, kiếm bố mẹ của con để con hỏi. Con hỏi cho đến khi nào con hiểu xong thì con mới vui được chứ, đúng không Duy Huệ?

- Dạ đúng.

- Như vậy thì cái điều cơ bản nhất là mấy con phải biết rằng trong tất cả các môn học, trong tất cả các bài học, trong tất cả các phần học, luôn luôn con phải biết rằng có phần nào mình chưa hiểu không, mình còn mập mờ, mình chưa hiểu thật rõ ràng, mình hiểu còn lờ mờ? Cũng như con học chữ Cộng hòa Sec, cái nghĩa của nó con đã thực sự hiểu nó chưa, con thực sự biết cách dùng nó chưa? Nếu có thấy lờ mờ, lờ mờ thì con không thể vui được. Mà con đã hiểu nó rồi và con không còn nghi ngờ gì nữa hết thì con mới vui được.

Vậy thì cái quan trọng hết sức cơ bản cho cái việc mấy con học là mấy con phải tự hỏi rằng, bao nhiêu môn học này, bao nhiêu phần học này, bao nhiêu chữ học này, có chữ nào, có phần nào mình hoàn toàn chưa hiểu, mình còn hiểu lầm hay mình còn mơ hồ, mình hiểu chưa thật rõ ràng? Như vậy cái nào mà hiểu chưa thật rõ ràng thì phải kiên quyết hiểu cho thật sự rõ ràng. Hiểu xong rồi thì con mới đi chơi. Nếu con hiểu xong rồi, hiểu một cách rõ ràng, không mơ hồ nữa thì con có thể đi chơi. Đâu có nhất thiết là con không đi chơi? Nhưng với điều kiện là con phải hiểu thật rõ từng môn học, từng phần của bài học, xong rồi thì con cứ đi chơi. Mà chưa hiểu thì phải đi kiếm người hỏi cho hiểu.

- Dạ con hiểu rồi.

-Vậy thì cái chìa khóa chính nằm ở chỗ đó. Ví dụ bây giờ con nói tại sao cái bài này, cái môn này cứ vẫn là điểm ba hoài? Thì dứt khoát trong đó có chỗ chưa hiểu thì nó mới thành điểm 3 được. Nếu con nói con hiểu hết thì là sao thành điểm 3 được. Nếu hiểu hết mà có điểm 3 thì lâu lâu con làm nhưng con không chú ý nên con lỡ phạm lỗi, chứ không thể là lần nào cũng điểm 3 được. Con biết hết, con hiểu hết nhưng con làm, con tính toán cộng trừ nhân chia con quên một chút xíu gì đó, thành ra điểm nó tuột xuống. Thì ok, đó là cái lỗi của mình chứ không phải là do mình chưa hiểu, là cái lỗi mình làm không kỹ. Mình làm bài xong mình coi lại bài không kỹ, coi qua loa thôi nên sót cái lỗi này.

Cũng như khi con viết một bài tiếng Cộng hòa Sec, con biết chữ đó nhưng khi con viết thì sai một lỗi chính tả. Thay vì chữ t thì con viết thành chữ c hay là nó hai chữ e thì con viết thành một chữ e. Cái lỗi là không phải do con không biết. Con biết rất là rõ. Nhưng khi con viết thì con viết nhầm và con thiếu kiểm tra.Thì cái đó ok, lần sau mình rút kinh nghiệm, mình kiểm tra cho kỹ. Thì cái đó nó khác với việc là con hoàn toàn không hiểu một cách rõ ràng.

Cho nên cái công việc đầu tiên là môn nào, phần nào, chữ nào thì phải hiểu cho nó thật rõ. Rồi kế tiếp, khi làm bài phải nhớ làm xong thì kiểm tra lại để xem mình có bị lỗi hay không? Và sau khi làm cái gì cũng vậy, thì cũng phải sửa lỗi. Con viết một bài văn, viết xong thì con phải sửa chứ. Ông viết một bài văn nào cũng vậy. Khi ông viết một bài nào thì giống như là ông viết thao thao bất tuyệt. Nhưng viết xong, ông phải sửa lần thứ nhất, ông phải sửa lần thứ hai, ông phải sửa lần thứ ba, ông phải sửa lần thứ tư, ông sửa lần thứ năm. Xong rồi ông đưa lên trang web ông đọc, ông thấy chưa được ông lại kéo xuống sửa lần thứ sáu. Đưa lên, ông đọc, ông thấy không được, ông lại kéo xuống sửa lần thứ bảy. Ông bảo: “ Ok, tạm thời vậy thì cũng được rồi. Mình chưa ưng lắm nhưng như vậy thì cũng được rồi”. Nghĩa là không thể nào con không sửa được. Làm xong phải sửa tới, sửa lui, đọc đi, đọc lại… rất nhiều lần. Hiểu không Duy Huệ và Duy Thiện?

-Dạ có.

Viết một bài văn

- Bây giờ con viết một bài văn. Con vào ngồi, con viết thao thao xong. Ồ xong. Con bỏ bút xuống con đi chơi. Đâu có được.

Con viết xong bài văn tả về em của con là Duy Phật Hiền. Viết xong, con đọc cho bố mẹ nghe, ý kiến bố mẹ làm sao? Bố mẹ bảo con viết thiếu cái này, con phải thêm cái này thì con lại phải bổ sung vào. Thì con sửa lần thứ nhất.

Lần thứ hai con đọc to lên thì con nghe lỗ tai của con nó vui chưa? Con thấy mình đọc nó còn lấn cấn chỗ này chứ nó chưa có trơn. Thì con lại phải sửa cái chữ nào đó để con đọc thì con nghe nó giống như một bản nhạc, nghe nó êm lỗ tai. Sau khi con đọc êm lỗ tai rồi, con thấy ok được rồi. Con đọc lại cho bố nghe lần nữa, bố bảo: “Ui, được rồi con”. Như vậy thì mới sửa lần thứ hai thôi.

Lần thứ ba, con phải coi lại mình có sai lỗi chính tả nào không? Cuối cùng xong được rồi.
Lần thứ tư là lần cuối cùng. Trình bày nó lại. Dấu chấm, dấu phảy, xuống dòng, lên dòng làm… cho nó đẹp.

Ít nhất cũng phải bốn lần. Xong rồi con mới đem cái bài văn đó con đọc cho ông nghe. Con không thể ngồi con viết thao thao bất tuyệt, xong con bỏ viết xuống một cái cụp:  “Xong rồi mẹ, xong rồi bố, con đi chơi”. Xong rồi bữa sau con đọc cho ông, đọc cho nó có lệ, không có được.

Cái công việc ông đưa ra để cho mấy con học là để mấy con phải rèn luyện một đức tính. Để làm cái gì? Để cái đầu của con nó cùng với cái lứa tuổi của con, cái đầu của con nó đẹp hơn cái đầu người khác, nó dễ thương hơn cái đầu người khác, nó có giá trị hơn cái đầu người khác. Cái giá trị cái đầu của con nó cao hơn cái giá trị của những cái đầu bằng lứa tuổi của con.

Người ta khác nhau, có hai cách khác nhau. Khác nhau bên trong cái đầu và khác nhau về cơ thể bên ngoài. Cái gương mặt của con với gương mặt của bạn con cùng một lứa tuổi, cùng một lớp, ánh mắt của con với ánh mắt của bạn con cùng một lứa tuổi, cùng một lớp trong trường thì nó chững chạc, ăn nói đàng hoàng, ăn nói đâu ra đó, cười đâu ra đó, đi đứng nó nhìn thấy đàng hoàng. Còn con thì liếc qua, liếc lại thì đâu có được. Rồi đi tới, đi lui thì quẹo chân qua, quẹo chân lại, về hình thức là không có được, không có đẹp bằng cái người kia.

Mấy con có xem phim con chim trên ti vi chưa?

- Dạ con xem rồi.

- Con thấy con chim trống nó đẹp không? Nó đứng, nó bay, nó làm cái gì cũng thấy đẹp.
Ông nói là cái đẹp nó có hai phần.

Cái phần bên ngoài: cách đi, cách đứng, cách mặc quần áo, cách hớt tóc, cách nói năng, cách cười, gương mặt trơn tru, mặt mày không có nhăn nhó, không có cau có, lúc nào cũng cười.
Còn vẻ đẹp bên trong là cái bộ não của con đó. Bộ não của mấy con trong thời kỳ là học. Học thì không thể điểm 2 với điểm 3 hoài được. Não mình cũng giống não người ta, người ta được điểm 1 thì cũng đạt điểm 1 được.

Mà cái phương pháp thì ông chỉ rồi. Luôn luôn kiểm tra xem cái gì mình chưa có hiểu đến nơi đến chốn thì phải đi kiếm người giúp cho mình hiểu. Thì nó chỉ có vậy thôi. Sau khi hiểu xong rồi thì làm bài rất cẩn thận, kiểm tra tới, kiểm tra lui thì làm sao không điểm 1 được?

Như vậy thì có hai sự khác nhau. Sự khác nhau bên trong của đầu óc, của não, của cách làm việc bên trong cái đầu, cách suy nghĩ. Và sự khác nhau về hình thức bên ngoài.

Vậy thì mấy con phải tập như thế nào?

Hình thức bên ngoài có thể con giống người khác nhưng trong đầu của con là vàng, 100% vàng không có pha đồng. Không có được 99% vàng, còn 1% là đồng.

Hiểu không Duy Thiện?

- Dạ có.

- Ông nói là trong việc học, hôm nay ông không có nói chuyện khác, ông chỉ nói việc học ở nhà trường. Vậy thì Duy Huệ, Duy Thiện sẽ tiếp tục phát triển những môn mà còn điểm 2 đưa lên điểm 1. Còn Duy Huệ từ cái bài hôm nay gặp ông, bắt đầu sắp đặt, sửa soạn lại chuyện trong nhà, chuyện bài vở, bài tập, phòng ngủ, phòng ăn, phòng học, sắp xếp lại cái đầu. Tập trung chú trọng lại để kiểm tra bài nào mình chưa hiểu, môn nào mình chưa hiểu, chưa thực sự hiểu thì tìm mọi cách giải quyết làm bài, rồi nâng từ điểm 3 lên điểm 2, từ điểm 2 lên điểm 1. Cái nào đã điểm 1 thì duy trì giữ nó là ở điểm 1 không được tụt xuống điểm 2. Duy Huệ, con có tin là con làm được không?

- Duy Huệ: Dạ con tin con làm được.

- Ok, đó mới là cái đầu con. Nếu con tự tin thì nó sẽ là 100% vàng. Bộ não con tự tin thì sẽ 100% vàng. Còn nếu bộ não của con mà con bảo con không tin, con lười lắm thì nó chỉ 50% là vàng còn 50%  là đồng, là chì, là kẽm. Nếu cái xe Ferari mà con thích mà cái bộ máy nó làm bằng chất liệu không tốt thì làm sao người ta thích được đúng không? Người ta chế cái máy đó phải bằng là chất liệu thật là tốt, thì nó mới đắt tiền và người khác người ta mới ưa chuộng được. Còn nếu cái chất liệu nó xấu thì người ta đâu có ưa. Cái máy của nó thì cũng giống như cái não của con vậy đó. Cái não của con có 100% chất liệu tốt trong não của con thì con mới có vẻ đẹp lộng lẫy bên trong của con được.

Ông hy vọng là bài hôm nay sẽ giúp cho con để ý lại bộ não của mình trong vấn đề học tập ở nhà trường.

Chủ đề hôm nay là ông gặp lại mấy con sau hai tuần ông nghỉ bệnh, là ông giúp cho mấy con hiểu thế nào là cái bộ não 100% là chất vàng và một bộ não chỉ có 90% là vàng, 10 % là đồng hay 80% là vàng, 20% là đồng hay 50% là vàng, 50% là đồng. Vậy thì ông mong rằng các con phải giữ cái bộ não, phát triển bộ não 100% là vàng. Quyết tâm thì sẽ được.

Duy Thiện, tin tưởng là được há?

- Dạ có.

- Thôi bữa nay ông chỉ nói chuyện với mấy con như vậy. Ông mong rằng cái bộ não của mấy con luôn luôn là 100% là vàng. Ít nhất là 99% là vàng. Không được dưới 99% nhé. Giữ mãi cái chất vàng trong cái đầu của mình không có bao giờ suy giảm.

Buổi làm việc hôm nay của ông với mấy con là xong. Nghe đi, nghe lại cái bài này Duy Thiện, Duy Huệ nhé.

- Dạ.

- Ok, ông chúc mấy con mạnh khỏe, đẹp từ bên trong bộ não cũng như đẹp từ hình thức bên ngoài. Quần áo, tóc tai, vóc dáng khỏe mạnh, người không có quá mập, không có quá gầy, thể lực tốt, đầu óc mạnh khỏe.

- Dạ, chúng con cảm ơn ông.

Trích: VHMU73 – Thầy Duy Tuệ giảng cho Duy Huệ và Duy Thiện – CH Séc - 24.02.12