"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Khám phá thông điệp: "Coi Chừng Đuôi Mọc!"


Tôi kể cho quý vị câu chuyện nói về một người đệ tử học đạo với một vị đạo sư trên núi. Người đệ tự ấy đã đắc đạo, rồi xuống núi và sau này làm vua.

Chuyện kể rằng, một người có cuộc sống rất hàn vi, cực khổ và gia đình rất khó khăn. Người ấy rất buồn nên đã lên núi tìm thầy học đạo. Khi lên đó thì gặp được một vị đạo sư. Người ấy học đạo với đạo sư và sau 10 năm đã đạt trình độ giác ngộ rất cao. Khi đó, đạo sư nói với học trò:


“Này con à! Con học thế đủ rồi và đã đủ trình độ. Nay đã đến lúc con xuống núi để phụng sự chúng sinh. Từ đây về sau không được ở bên thầy nữa mà hãy về sống với chúng sinh để độ họ."

Trong 10 năm học đạo, người học trò quý trọng thầy vô cùng và rất thương thầy. Vì người thầy là chỗ dựa tinh thần trong suốt thời gian 10 năm nên người học trò không chịu xa thầy. Người thầy đã phải đuổi mãi thì người học trò mới xuống núi. Và dù đã xuống núi nhưng vẫn nhớ đến thầy mãi. Sau một thời gian đi hành đạo, người học trò cũng khá nổi tiếng.

Ở nước mà vị học trò đang hành đạo có một vị minh quân sắp mất. Trong khi đó, vị vua ấy có những đứa con không tốt và ông quyết định không truyền ngôi cho ai cả. Nhà vua quyết định thông báo tuyển người để làm vua.

Người học trò đắc đạo thấy vậy liền lên núi thưa với thầy:

“Thầy ạ, dưới nhân gian có chuyện như thế và con đã quyết định nộp đơn dự thi làm vua. Nếu con thi đậu và làm vua thì việc đầu tiên là đền ơn thầy đã dạy dỗ con 10 năm qua. Bởi vì, từ trước đến nay, đời sống của con khó khăn, vất vả, thiếu tiền, thiếu bạc nên con không có cơ hội đền ơn thầy được. Việc thứ hai, con sẽ đem sự giác ngộ đã đạt được để giúp bá tính và làm cho dân giàu nước mạnh.”

Qua chuyện người học trò thưa, người thầy thấy "cái đuôi bên trong" của học trò bắt đầu ló ra sau 10 năm học đạo rất tốt.

Đạo sư nói với người học rằng: “Này con à! Theo đánh giá của thầy, nếu con dự thi thì chắc chắn sẽ đậu, trúng cử mà không ai có thể qua nổi con. Nhưng khi đã lên làm vua thì thầy cũng biết chắc chắn, con sẽ xuống địa ngục nên thầy không đồng ý con làm như vậy”.

Thấy vậy, người học trò trả lời:

“Thầy ạ! Không, con đã học đạo với thầy suốt 10 năm và cũng đắc đạo rồi nên con không thể nào sa vào địa ngục được. Con không thể nào có tham, sân, si, con đã hoàn toàn kiểm soát được suy nghĩ và không có những xúc cảm từ suy nghĩ, nên thầy cứ yên lòng.”

Đạo sư nói với học trò:

“Con à! Thầy nói rồi, con không tin thì cứ việc làm, rồi con sẽ thấy. Bây giờ, con xuống núi đi.”

Người học trò không nghe lời đạo sư và đã nộp đơn dự thi. Quả thật, khi dự thi thì người ấy trúng cử liền và đã được làm người kế vị ngôi báu. Đúng như lời đã nói, việc đầu tiên, người học trò cho lập vườn Ngự Uyển và lên núi đón thầy. Người thầy từ chối lời mời của người học trò nhưng do người học trò năn nỉ mãi nên đạo sư đã đồng ý, và đạo sư vẫn nói vẫn nói rằng:

“Thầy nói trước là con sẽ xuống địa ngục."

Người học trò nói với thầy:

“Thầy cứ yên tâm và tin vào con đi ạ! Con sẽ kiểm soát được."

Đạo sư lại nói tiếp:

“Nếu con không tin lời thầy thì… rồi con sẽ thấy.”

Khi lên làm vua thì người học trò đã xây dựng đất nước và có lực lượng quân đội rất hùng hậu, làm kinh tế rất giỏi và làm cho dân giàu nước mạnh thật.

Ở thời đó có hai nước lân cận A và B đánh nhau. Mục đích của nước A là muốn thanh toán nước B. Họ đã đánh nhau suốt mấy tháng mà vẫn bất phân thắng bại. Tình hình rất rắc rối và cứ để kéo dài thì nước A sẽ yếu đi.

Trước tình huống đó, mấy quân sư của nước A tâu với nhà vua: tâu bệ hạ, ở nước C có ông vua đắc đạo và có lực lượng quân đội rất hùng mạnh, nếu mượn quân đội của họ để giúp nước mình đánh nước B thì chắc chắn thắng.

Ông vua nước A nói với các quân sư: trời ơi, ông ta đã đắc đạo thì làm sao giúp mình thanh toán nước B được?

Mấy quân sư nói tiếp: Tâu bệ hạ! Bệ hạ đừng lo, mặc dù ông ta đã đắc đạo nhưng gốc của hắn ngày xưa là nghèo khổ, mồ côi, không đủ tiền ăn học. Cho nên, hắn chưa bao giờ biết đến sung sướng, gái đẹp, tiền tài… là gì ạ!

Vì vậy, "cái đuôi" thèm gái, thèm tiền vẫn còn trong tâm thức của hắn. Nếu biết cách… thì hắn sẽ sa bẫy liền và nghe lời chúng ta. Theo chúng thần, ta cứ đem qua cho hắn 100 cô gái đẹp và mấy xe vàng để nhờ quân viện minh. Thấy như vậy, dứt khoát hắn sẽ chịu giúp liền. Các hạ thần cam đoan với bệ hạ là kế này sẽ thành công.

Vua nói với các hạ thần: Hiện giờ, nước mình nhỏ thế này mà gái đẹp đã đưa hết vào triều đình rồi thì còn đâu 100 người để đem qua đó.

Các quân sư lại tâu tiếp: Tâu bệ hạ! Ngày xưa, hắn chưa bao giờ có điều kiện để biết thế nào là gái đẹp nên ta cứ bắt con gái nông thôn rồi trang điểm, mặc quần áo đẹp vào thì hắn sẽ cho là đẹp. Bởi vì, từ xưa đến nay hắn đã biết thế nào là đẹp đâu ạ!

Thấy vậy, vua nước A nói: Ta nghe cũng có lí, các khanh cứ làm như vậy đi!.

Các quân sư đã làm như kế hoạch dự tính. Họ kiếm đủ 100 cô gái rồi trang điểm, mặc quần áo đẹp với mấy xe vàng và mang sang nước C. Tới nước C, ông vua giác ngộ thấy 100 cô gái đẹp với mấy xe vàng thì đồng ý ngay khi họ đặt vấn đề. Ông nghĩ vấn đề rất đơn giản, chỉ cần đem quân xuống đánh nước B mà nước B đã yếu sẵn mấy tháng nay. Như vậy, chỉ cần đánh thì họ sẽ bỏ chạy ngay và giúp nước A thắng một cách dễ dàng, không có gì khó khăn mà quân lính lại không bị mệt mỏi, tổn hao. Mặt khắc, mình lại có 100 cô gái để bổ sung vào cung tần mĩ nữ và thêm được mấy xe vàng để giúp dân chúng khá lên thêm.

Ông vua nước C đã chấp nhận và hẹn ngày đem quân sang đánh nước B. Và ông trực tiếp chỉ huy quân đội cùng với nước A để tấn công, thanh toán nước B, bắt vua nước B đầu hàng. Trước tình hình như vậy, vua nước A bàn với các đại thần rằng: Nhân cơ hội này, ta xua quân bắt sống vua nước C, không cho hắn trở về, đồng thời thanh toán luôn nước B và lấy luôn nước C.

Quả thật, kế hoạch đã được thực hiện, vua nước C bị bắt tại nước B và nước A lấy luôn nước C.

Bấy giờ, vua nước C nhớ lại lời thầy nói mà thốt lên rằng: Đúng thật! sư phụ là người quá sáng suốt, một bậc đại Minh Triết. Thầy thấy rõ mình mà mình lại không thấy chính mình.

Quý vị hãy khám phá thông điệp qua nội dung câu chuyện này!

DT
2008