"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

136 - Tự Giải Mã Bằng Trí Thấy Của Mình


Khi nghe hay đọc mình phải lưu ý khi người ta nói và viết điều gì đó với mục đích gì, những hình ảnh được người ta đưa ra thường có nhiều mục tiêu, nhiều ý nghĩa.

Nếu như quý vị cứ mải tranh luận đúng hay sai thì không bao giờ mở trí được. Tất cả các câu hỏi quý vị đặt ra từ trước tới giờ đều là những thắc mắc ở cái ngọn rồi đi giải quyết chuyện của cái ngọn. Với cách học như thế này, nếu có đầu thai một tỷ kiếp thì quý vị cũng sẽ không đi tới đâu, không có chút tiến bộ gì. Tôi đã nhắc biết bao nhiêu lần mà quý vị vẫn không chịu để ý, không chịu áp dụng, không chịu thực hành. Quý vị luôn luôn muốn biết, muốn hiểu cái chuyện có thể phân tích được. Nếu quý vị cứ giữ mãi khuynh hướng này thì vĩnh viễn sẽ không đi tới đâu hết. Cuối cùng mình chỉ trở thành ông thầy cãi mà thôi. Mình cãi người ta không nghe thì mình lại nổi giận. 

Đến khi nào quý vị mới có thể suy luận và diễn giải bất cứ cái gì mà không cần hỏi ai cũng không cần đọc sách ? Mà sự thật là chẳng có sách nào giải mã trúng cả. Anh phải có sự thông thái để anh tự giải mã bằng trí thấy riêng của anh. Khi nhìn một vấn đề, anh phải nhìn năm, bảy kiểu khác nhau chứ không thể nhìn một kiểu được và anh có khả năng giải thích theo cách nhìn của anh. Anh có thể chọn một trong bảy kiểu nhìn đó để phục vụ cho mục đích của anh chứ không giải thích hết tất cả các cách nhìn đó. 

Người nào học mà để ý một cách sâu sắc những gì tôi hướng dẫn thì đến hôm nay quý vị tiến nhanh lắm rồi. Mình không thể nhìn thấy hệ thống thần kinh bên trong bộ não thì hãy nhìn bàn tay của mình, nếu mình nắm con gà mà không biết cách thì con gà sẽ nhảy ra khỏi tay mình. Tương tự như với hệ thần kinh, nếu nó chụp thông tin một cách hời hợt thì thông tin đó, tức là việc học, chẳng có giá trị gì hết. Học đâu quên đó, không sâu sắc mà rất hời hợt nên không đủ khả năng, không đủ bản lĩnh suy luận theo đường lối riêng của mình.

Từ nhiều góc độ nhìn khác nhau anh phát triển bản lĩnh giải thích, và giải thích vì mục tiêu gì. Một sự việc quý vị có thể giải thích hàng trăm cách khác nhau, nhưng phải xác định cho được mục đích, từ đó sẽ chọn cách nhìn nào để giải thích cho phù hợp với mục đích đó nên phải học những cách đó. Ví dụ, người ta nói ăn mặn là có tội thì quý vị phải có đủ can đảm bảo rằng ăn mặn rất tốt. Nếu người khác nói ăn chay rất tốt thì quý vị bảo ăn chay không tốt. 

Quý vị phải đủ bản lĩnh và trí tuệ để vận dụng cái thấy của mình để đưa ra giả thuyết, vấn đề hay đường lối nhằm giải quyết mục đích của mình. Có như vậy quý vị mới giúp người khác được. 

Dĩ nhiên khi quý vị học với tôi, tôi không sử dụng phương pháp ngoại giao. Bởi vì tôi mong mỏi quý vị thực sự có khả năng giúp đỡ người khác. Quý vị đang ở trong một lò luyện rất nghiêm khắc chứ không phải ở trường đại học mà nói chuyện ngoại giao. Tôi nói rất nặng, tôi dùng rất nhiều cách thức khác nhau để làm cho cái đầu vỡ ra.

Nếu quý vị liên tưởng, liên kết tất cả những câu hỏi với dụ ngôn hang động của Platon thì quý vị sẽ giải mã được hết. Ông Platon đưa ra bức phóng dụ như vậy vì ông ấy thấy khó mà diễn đạt cho người ta hiểu cái thấy của ông. Cái thấy của ông là gì ? Ông thấy đầu óc con người buồn cười lắm, nó cứ chấp vào cái bóng và cho là thật. 

Ở Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự kể về người thiếu phụ Nam Xương có chồng đi lính xa nhà. Chồng đi chưa được nửa tháng thì cô sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách và nói đùa với con là ‘’Bố kia kìa!’’. Một ngày nọ bố nó về thì người mẹ bảo đó mới là bố của con. Thằng bé giãy nãy không chịu, nó nói bố con tối mới về. Do thằng bé chỉ biết người xuất hiện trên vách tường là bố nó, lâu ngày nó tưởng thật. Đến khi bố nó về thì nó lại sợ, nó nói ông này lạ quá, tối nay con về con mách với bố. Ông chồng kia mới nghe qua loa không thèm suy xét đã nổi cơn lên quát vợ buổi tối có thằng nào tới kiếm bà mà bây giờ nó làm bố cái thằng này. Ông chồng bất kể tình cảm vợ chồng bao nhiêu năm chửi bới đánh đập vợ. Người vợ buồn quá trầm mình dưới sông tự vẫn chết. Sau này, ông chồng mới vỡ lẽ là thằng bé thấy cái bóng hắt lên vách tường ban đêm. Câu chuyện này rất hay cho thấy cách làm việc rất ư là kì cục của con người. Dù anh có thanh minh, giải thích gì đi chăng nữa thì cũng tốn công. Dụ ngôn hang động của Platon cũng vậy, những kẻ tù nhân chỉ tin vào những cái bóng hắt lên tường, nên nếu mình có giải thích cho nó thì nó cũng nói mình khùng. 

Hiện nay, người dân Việt Nam thậm chí là các hiền giả Minh Triết vẫn bị dính và tin câu chuyện Mục Kiền Liên là có thật. Tôi giả sử nay mai có một ông đạo Bà La Môn hay Hinđu gì đó, cũng kể một câu chuyện y chang như vậy, nhưng bà mẹ thay vì không khinh mấy ông sư đạo Phật mà khinh mấy ông đạo Hinđu. Rồi mình thấy cái gì cũng thiệt, giết con gà con chó hay con heo cũng y như giết ông nội mình luôn. Nếu hồi đó trong sách nói bà chặt cây trên rừng là bà chặt ông nội bà, bà đốt rừng là đốt ông nội bà ở kiếp trước thì chẳng lẽ cứ vào rừng là toàn thấy ông nội mình sao. Thành ra đụng đâu dính đó, đã dính vào đầu là thấy nó thiệt 100%.

Tất cả những câu chuyện trong kinh sách, quý vị đừng cho là thật, về mặt ý nghĩa thì có nhiều ý nghĩa lắm. 

Nhưng tôi thật sự không hiểu tại sao quý vị lại không hiểu khi tôi nói mỗi một sự việc có nhiều ý nghĩa, mà quý vị lại cứ muốn ‘’ Xin thầy cho biết bao nhiêu ý nghĩa’’. Bây giờ, tôi sẽ không dùng cụm từ ‘’nhiều ý nghĩa’’ nữa mà dùng cụm từ khác. Tôi bảo: ‘’Mỗi một sự việc, anh muốn dùng nó kiểu gì thì kệ anh’’.

Ví dụ, anh ra đường chơi bời bồ bịch, về anh nói dối vợ trăm bề, anh bảo cái chuyện anh đi với cô gái ấy có nhiều ý nghĩa lắm tức là anh muốn nói gì thì nói miễn sao vợ anh đừng có nghi anh, để gia đình anh hạnh phúc. Đằng này khi tôi nói: ‘’Cái việc cậu đó đi với cô đó có nhiều ý nghĩa lắm, thì quý vị lại đòi ‘’Xin thầy giảng nghĩa cho con được hiểu’’. Vậy thì tôi phải giảng cái đó ra làm sao? Có bao nhiêu ý nghĩa? Anh muốn có bao nhiêu thì có chứ, anh muốn ba mươi nghĩa hay một trăm nghĩa cũng được. Anh muốn không có nghĩa nào cũng được, tùy anh chứ ? 

Tôi nói như vậy không biết quý vị có hiểu được không? Hay lại tiếp tục chạy đi liệt kê các ý nghĩa? Hay tình cờ nghe được, đọc được trong kinh rồi xuýt xoa: ‘’Chà, Đức Phật nói gì ra cũng vô lượng nghĩa. Như vậy chắc đức Phật biết hết tất cả mấy nghĩa này!’’. Điều này cũng có thể đúng nhưng ai lại đi hiểu như vậy? 

Anh phải luôn luôn bám vào mục đích, tìm hiểu cho rõ xem người ta nói vậy để làm cái gì ?Ví dụ như dụ ngôn hang động của Platon, ông ấy vẽ cái hang ra như vậy để làm gì ? Giống như tôi thấy quý vị trích từ bài giảng nào đó và đưa lên trên web một câu đại ý là cái gì mình thấy được thì nhỏ xíu nhỏ xiu còn cái còn lại thì nhiều lắm, mình muốn nói gì thì nói. 


Đừng dựa vào những chuyện có khả năng phân tích

Có thời kỳ tôi đã dùng luôn cụm từ ‘’hãy thánh hóa cái nhìn của mình’’ nhưng quý vị học mà không chịu để ý và suy tư sâu sắc cách thức tôi hướng dẫn, dùng chữ cũng như mục đích của tôi. Bởi tôi thấy mọi việc hết sức rõ ràng nên tôi bỏ công bỏ sức ra chia sẻ những điều sâu sắc vô cùng. Tôi đã đem hết nhiệt tâm thì quý vị cũng phải đón nhận bằng nhiệt tâm, bằng sự sâu sắc, lắng đọng tâm tư của mình chứ! Cho nên những gì tôi nói thì quý vị hãy ráng mà lắng nghe. 

Như sáng nay bé Tịnh Hiếu chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn về chiếc bình vôi, kể về một thằng ăn trộm sống bên cạnh ngôi chùa. Chùa không trị nó được vì sợ phạm luật của Phật. Mấy ông thầy chùa thì trông cho nó chết quách đi cho rồi nhưng nó cứ sống sờ sờ ra đó. Một hôm nó sang chùa sám hối thế là ông thầy chùa bày cách cho nó chết. Ổng bày cho nó leo lên cái cây đó rồi nhảy xuống một cái là coi như Phật rước đi luôn. Lý do là vì nó đã sám hối rồi. Nhưng trong thâm tâm, ổng muốn cho nó chết. Thằng ăn trộm này chẳng cần suy nghĩ gì, nó cứ làm thinh làm theo, và khi nó làm thì nó lại không chết. 

Chính cái chi tiết nhảy xuống không chết này rất là thú vị. Bởi ngay bản thân tôi đã có trải nghiệm: Tôi dám chấp nhận sống và không biết sống làm sao. Nếu như tôi biết phải sống như thế nào thì đâu có cái gì hay xảy ra?! Tôi đi cũng không biết tôi đi đâu, hoàn toàn không có cái đích để đến và cũng không biết làm chuyện gì. Thì bỗng dưng lọt vào chuyện hay. 

Ông hòa thượng kia khi thấy thằng ăn trộm đã được lên cõi trời. (Quý vị đừng có tin cõi trời là có thật vì câu chuyện này có mục đích khác, không phải nghe gì là tin ngay). Ông hòa thượng mới thắc mắc tại sao mình đi tu lâu như vậy, từ lúc 6 tuổi, mà không thấy có gì mầu nhiệm hết. Trong khi thằng ăn trộm lại được phước lớn nên tự nhủ hay là mình cũng leo lên nhảy đại thử xem. Khi ổng leo lên thì ổng rớt xuống trúng một cành cây, bị đâm thủng bụng và chết luôn. 

Tôi luôn luôn hướng dẫn quý vị hãy dựa vào cái chuyện không thể biết và cái hay nằm ở chỗ này. Thế nhưng, quý vị lại không làm được mà chỉ toàn  dựa vào những chuyện có khả năng phân tích. Tôi ráng đưa quý vị tới chỗ không có khả năng hiểu biết, phân tích, chứng minh nhưng cái đầu của quý vị thì tìm mọi cách làm ngược lại. Chính vì vậy nên cuộc sống của quý vị không có gì xảy ra, gặp toàn chuyện xui rủi và không được may mắn. Và quý vị cứ mải đi theo con đường này.

Tôi hướng dẫn cho quý vị chứ không nói cho người thường. Đối với người thường tôi sẽ nói khác. Bởi tôi biết quý vị là ai, tôi nói vì mục đích gì và tôi nói theo kiểu đó. Còn người thường tôi không có nói giống như vậy được.


Trích Master Duy Tuệ - Sự Hòa Hợp Của Các Loại Tình Thương – 30.4.2011