"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

137 - Phát Triển Sự Rõ Ràng Và Tính Thấy Nhiệm Màu Trong Đầu Óc


1.Nếu cái đầu không mở ra được thì không bao giờ quý vị hiểu được chuyện gì. Quý vị thấy người ta khổ nhưng không biết có phải người ta khổ hay không? Quý vị tưởng người ta sướng nhưng không biết có phải họ sướng thật hay không? Quý vị thấy người ta hồ hởi, người ta sung sướng thì cho rằng có lẽ họ không có gì để buồn cả. Hay là mình thấy một người đang rầu rĩ, chép miệng, lo lắng thì mình nghĩ chắc là họ đang khổ.

Nếu còn thấy người ta khổ hoặc không khổ thì cái học đó không đi tới đâu cả! Bởi vì, con đường mà tôi hướng dẫn là để quý vị thấy họ đang kẹt cái gì trong đầu họ mà họ kêu khổ, hoặc họ kêu là đang sung sướng quá. Có nghĩa là mình phải thấy trạng thái cái đầu của họ chứ không nói là người ta sướng hay khổ. Vì có thể nay người ta thấy khổ mai họ lại thấy sướng. Vấn đề không phải là anh chạy đi giải mã, chứng minh cái chuyện nó khổ hay sướng. Quý vị học như vậy thì học để làm gì?

2. Quý vị học là để khám phá cho được bí mật của cái đầu để bất cứ cái gì quý vị cũng có thể giải mã được hết, không gì là không thể! Lúc cần làm thinh thì làm thinh, cần nói thì nói, cần la thì la, cần cãi thì cãi. Do hiểu tận tường nên mình tùy nghi mà ứng xử. 

Tôi cho rằng tôi nói như vậy là dễ hiểu lắm rồi. Người nào để ý thật sâu sắc sẽ nhận ra được bí quyết của vấn đề. Khi nhận ra được thì quý vị sẽ không còn những thắc mắc kiểu như tại sao nó mê cái đó quá, tại sao nó cực đoan quá. Vì quý vị biết rõ hết rồi. 

3. Những gì tôi nói, ngoài việc hướng dẫn, đào tạo, khai mở cái gốc cho quý vị, thì nhiệm vụ còn lại là tôi góp phần giúp cho dân tộc Việt Nam bớt cực đoan, đầu óc của người dân phải thông thoáng, rộng mở chứ không phải có bao nhiêu kiến thức, có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu tiền. 

Tức là cái đầu không dính vào hướng này hay hướng khác để chiến đấu - chiến đấu với vợ, với chồng, với bạn mình, với hàng xóm. Phải thật là khôn! Khôn thì có nhiều loại khôn. Khi nói tới chữ khôn thì quý vị lại giở Lão tử ra và thắc mắc tại sao Lão tử nói khôn cũng chết, dại cũng chết còn thầy Duy Tuệ dạy phải khôn. Tôi có quyền nói Lão tử dốt. Ai cấm tôi được? Hoặc là tôi bảo: “Lão tử không nói câu đó, câu đó do mấy thằng cha bá láp nói. Tôi gặp Lão tử rồi, Lão tử bảo ổng không nói gì hết. Mấy đứa sau này nó bày ra vậy thôi. Ổng bảo ‘’Thầy Duy Tuệ biết tôi rồi, làm sao tôi nói được vì nói ra cái gì là kẹt cái đó nên ngu gì tôi nói? Tôi đâu phải người ngu. Chúng nó thấy con mắt tôi nhướng nhướng lên, cái miệng tôi nhép nhép nên chúng nó bày ra vậy chứ tôi không có nói cái gì cả!’’. 

Chính khuynh hướng cực đoan bên trong đầu óc con người đã gây nên sự chia rẽ trong lòng dân tộc một cách sâu sắc. Nó làm cho gia đình mình chia rẽ, nó làm cho những bản chất tốt đẹp của con người không thể phát huy ra được. Cho nên, tôi nói một dân tộc văn minh đúng đắn thì tôn giáo sẽ tốt, tôn giáo sẽ biết làm chuyện gì cho người khác vui. 

Giống như một người khôn ngoan, trí tuệ họ sử dụng của cải khác so với người không khôn ngoan, không có trí tuệ. Cũng cùng một lượng vàng, người có trí tuệ dùng khác so với người không có trí tuệ. Người không có trí tuệ đem vàng ra khoe thì bị thằng ăn trộm nó lấy mất. 

Quý vị phải tập, phải có phương pháp nhìn vấn đề, cái gì có khả năng biết được, phân tích được thì phải nhìn cho hết tất cả các góc cạnh của vấn đề. Còn lại là những gì mình chưa biết, và cái đó rất nhiều. 

4. Cái đầu của mình nó kỳ cục như vậy nên tôi khuyên quý vị nếu có suy nghĩ thì nên suy nghĩ đến những vấn đề tích cực, đến những người đau khổ, đến những vấn đề giúp mình phát triển lòng thương người chứ đừng suy nghĩ tiêu cực mà đầu óc lại suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm. Không nên hờn giận ai, không nên trách móc ai, không nên có những ý tưởng có những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Bởi cái đầu mình rất tiêu cực, mình huấn luyện nó thế nào nó sẽ ra như vậy nên ba cái chuyện hồn ma, bóng vía cũng không nên để ý tới vì để ý tới thì cái đầu sẽ đi theo hướng như vậy. 

Do đó phải ráng cố gắng phát triển cái đầu của mình theo khuynh hướng tích cực. Lúc nào cũng nghĩ mình may mắn, đừng có nghĩ mình xui. Lỡ có té cũng nghĩ mình may mắn: ‘’May quá, té vậy mà chưa chết, mới gãy chân thôi’’. Chứ đừng nghĩ: ‘’Tháng này xui quá là xui, gãy cha cái chân rồi’’. Thay vì nghĩ vậy, anh nghĩ khác đi: ‘’Trời ơi, sao hôm nay nó hên quá là hên, đáng lẽ chết rồi mà nó không chết, chỉ gãy chân thôi à!’’.

Giữa suy nghĩ tích cực với suy nghĩ tiêu cực thì suy nghĩ tích cực luôn luôn tốt hơn nhiều chứ? Không được nghĩ tiêu cực! Người ta có lỡ thất hứa với mình thì mình cũng không nghĩ tiêu cực: Thằng cha đó xấu quá, lưu manh quá. Thằng đó nó thất hứa này kia khác. Không, phải suy nghĩ tích cực lại. 

Cho nên, tôi nói hãy thánh hóa cái nhìn của mình. Thánh hóa là làm sao? Chẳng những nghĩ tích cực mà còn cao hơn nữa. Tôi hay dùng chữ mầu nhiệm là vì nó ít dính tới chuyện thế gian, chuyện tranh cãi. 

5. Vấn đề của đầu óc là cực kì phức tạp. Nó luôn luôn có khuynh hướng cực đoan hoặc dễ chấp nhận hoặc khó chấp nhận. Hễ khoái thì nó chấp nhận, không khoái thì nó chống lại chứ nó không biết đâu là thật hay không thật, đâu là ý nghĩa của vấn đề, đâu là mục tiêu của người bày ra chuyện.

Tôi có khả năng bày ra nhiều chuyện hay nhưng tôi chỉ chọn một chuyện đó là làm sao cho dân tộc mình thông minh, đĩnh ngộ; đất nước phú cường, dân tộc khôn ngoan. Tôi có cái may mắn, khi cái đầu mở, không còn kẹt trong cái thế dễ tin, không còn tin vào những câu chuyện, chữ nghĩa, quan điểm, lập trường… Cái đầu tôi tự do hoàn toàn nên tha hồ muốn thiết lập cái gì là tùy tôi thôi. Nhưng mục đích cuối cùng của tôi là dành hết cuộc đời cho trí tuệ của dân tộc, dân tộc phát trí khôn ra và không để cho ai lừa phỉnh, dọa nạt. 

Tôi thấy không biết bao nhiêu câu chuyện trong các sách đều đã biến hết thành sự thật. Hễ đọc vào là tin có thật, thành ra cứ sống với sự thật ấy, chấp và cực đoan, không cách chi thay đổi được. Cái chết của dân tộc ta là ở chỗ này, bị dính nhiều lắm chứ không phải ít! Thử hỏi anh có bỏ được chuyện xem ngày tốt giờ tốt không? Anh làm đám cưới anh có coi ngày không ? Anh có bỏ được không? - Không! Anh làm đám ma anh có coi ngày chôn không? - Dứt khoát có! Anh bỏ được không ? – Không ! Anh xây nhà, anh dám bỏ chuyện coi ngày không? – Không ! Anh cho cái chuyện đó là có thiệt. Cái đầu anh chỉ có bây nhiêu mà anh còn không điều khiển được thì nói được gì nữa bây giờ ? Trong khi anh biết rất rõ chuyện đó hết sức vô duyên, không có thật mà anh không dám bỏ. 

Có rất nhiều hiền giả bỏ được và họ sướng, sướng ghê lắm ! Họ viết thư bày tỏ sự sung sướng với tôi chẳng hạn như cô Nghĩa Tuệ ở Quảng Ngãi, cô Diệu Ngôn Tuệ ở Hà Nội. Các vị ấy sung sướng vì cởi trói được nỗi lo sợ về ngày tháng, về cúng quải. Quý vị thấy đó, mới bỏ được chuyện đó mà đã sung sướng mê ly.

Anh có cái đầu tự do, anh mới chế biến sáng tạo được chứ ! Anh cũng có thể chế bùa chú, chế sao La hầu, Kế đô – muốn chế sao thì chế để anh giúp những người yếu đuối còn phải dựa dẫm vào chuyện này chuyện kia. Anh có khả năng chế cho những người này, còn những người cứng đầu anh không chế được. Đối với người cứng đầu phải dọa bằng cách khác. Khi cái đầu tự do rồi thì quý vị tha hồ sáng tạo, sáng tạo để cứu người. 

Tại sao có người bị vợ bỏ thì vui, có người lại buồn ? Anh lại bảo người vui khi vợ bỏ là vô đạo đức còn cái người buồn là đạo đức quá. Anh không thể nói như thế được. Cho nên cái khổ về tâm lý là cái khổ có điều kiện. Khi điều kiện cho cái cảnh xảy ra mất đi thì trong đầu nó đâu còn gì mà khổ. Tất cả do cái nhìn trong đầu, nếu cái nhìn không thoáng, không rộng mở, không chuẩn thì nó có nỗi khổ về tâm lý. Khi giải tỏa xong sự việc thì hết khổ ! 

Những người đi ăn xin ngoài đường ít khi có nỗi khổ về tâm lý mà có nỗi khổ về tiền bạc, vật chất. Tuy nhiên, chưa chắc nói vậy là người ta chịu. Thiếu gì người ăn xin được phát đất, người ta không nhận mà thích lết về thành phố kiếm ăn hàng ngày. Quý vị nhìn rồi cho là người ta khổ ?! Mình không nói người này khổ, chỉ cần biết người này không có nhà cửa, xe cộ, không có học hành. Dùng khái niệm khổ là không đúng vì nó đi xin xong tối về nó uống bia, ăn nhậu thì sao?

Quý vị cứ nhìn theo kinh nghiệm của quý vị rồi cho là người ta khổ. Có chắc là khổ không? Cho nên người ta ra làm sao thì nhìn đúng y như vậy, đây là người ăn xin, người ta không có nhà cửa đàng hoàng, người ta sống thế này, còn tâm lý ra sao mình không biết. Chớ có đem quan niệm của mình ra mà đánh giá: Đây là những người đau khổ!

Cái đầu đã rõ ràng thì nhìn cái gì, thấy cái gì cũng rõ ràng mồn một. Nó không liên quan gì đến thành kiến hay nhận định của mình. Đó là mục tiêu mà quý vị phải tiến tới : Để cái đầu tự do. Tôi cũng không biết là có khó hay không ? Nhưng quý vị phải chú ý, cố gắng thực hành những gì tôi đã chia sẻ rất nhiều lần, đó là ưu tư về những chuyện không thể hiểu trong đầu óc. 

Trích Master Duy Tuệ - Sự Hòa Hợp Của Các Loại Tình Thương – 30.4.2011 - (Tựa bài trích đăng do BBT tạm đặt)