"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

115 - Thận trọng khi suy nghĩ về tương lai và thận trọng khi tin vào chuyện mình tính toán là đúng.


Câu chuyện của Hg Tâm Định:

Tâm Định xin kính chào thầy và các đồng đạo. Thời gian gần đây TĐ gặp phải vấn đề khi hoàn cảnh đi ngược lại với mong muốn của mình. TĐ không thể bình tĩnh giải quyết công việc thành ra đầu óc chạy lộn xộn mà lại còn bàn chuyện với những người sử dụng kinh nghiệm đối phó đời thường. 

Chuyện là, TĐ đang có ý định chuyển sang bộ phận mới vì bộ phận đó đang rất cần người. Mặc dù bộ phận hiện nay của TĐ cũng đang thiếu người nhưng bắt buộc phải chuyển người đi. Từ trước, TĐ lúc nào cũng kêu với sếp là, từ khi về đây thì sức khỏe không tốt và không có bạn bè nên mong muốn chuyển lên Tokyo. Đúng lúc này trên Tokyo có bộ phận mới thành lập và cần người từ tất cả các bộ phận khác chuyển về. Sếp hỏi TĐ có muốn chuyển không thì TĐ bảo là có, tức là có sự đồng ý của mình chứ không phải mình phản đối. 

Lúc đó, TĐ nghĩ là thôi cứ lên đó rồi xin nghỉ sau cũng được vì TĐ muốn về hẳn Việt Nam trong vài tháng nữa. Sau đó, thì nghĩ đi nghĩ lại nếu mình lên đó có vài tháng rồi nghỉ thì không ổn vì bộ phận đó rất quan trọng và đang thiếu người. TĐ cũng rất ngại đề nghị chuyện nghỉ việc, trong khi TĐ đã đặt vé về VN chơi trước 1 tuần. Nếu phải lên Tokyo phỏng vấn thì chắc chắn TĐ phải hủy vé. TĐ cũng đồng ý nhận cái thiệt về mình, tức là hủy vé. Đến khi nói chuyện với đồng nghiệp và bạn bè thân thiết thì họ nói là thế thì em nên nghỉ sớm đi, càng sớm càng tốt. TĐ lại phân vân cái chuyện nếu đã quyết định nghỉ thì hôm nay không lên Tokyo nữa mà nói thẳng với sếp là TĐ về nước hoặc là lên Tokyo về sẽ nói chuyện với sếp sau. TĐ quyết định nói trước. Nhưng TĐ thấy là nếu đã không làm thì không nhận lời với sếp là lên Tokyo luôn ngay từ đầu. TĐ nghỉ việc luôn thì thấy cũng không ổn vì các bộ phận có liên quan với nhau, sẽ gây mối quan hệ không tốt cho các bộ phận. 

Thực sự TĐ muốn về VN nghỉ ngơi, bây giờ phải hủy vé thì TĐ thấy cũng "ok", không sao cả. Một người đồng nghiệp nói với TĐ là : ‘’Thôi chị cứ lên Tokyo đi và giải thích với sếp trên Tokyo là đợt này chị đã đăng ký nghỉ phép để về VN. Công việc là công việc nhưng cũng còn phải quan tâm đến gia đình, họ phải thông cảm cho chị.’’ 

Bên Nhật, thông thường họ đặt công việc lên trên. TĐ nghĩ đó là văn hóa chung cho khắp mọi nơi. TĐ lo lắng nhưng cũng thưa với sếp là không thể đổi vé được, nét mặt sếp lúc ấy rất mệt mỏi. TĐ cũng nhớ lời thầy là phải dùng tình thương thật sự của mình để đối đãi với người ta, nhưng những câu nói của người bạn đồng nghiệp kia vẫn cứ gợi lên trong đầu nên TĐ nói luôn là không đổi được vé, lời nói lúc đó cũng không được mềm mại cho lắm! Nói xong TĐ nhìn thấy nét mặt sếp có vẻ rất là cáu. TĐ ngồi trên ghế và cứ gọi Phật Tâm Danh một cách rất thực tâm là Tuệ Như Tâm Định hãy giúp cho Hồng Hà giải quyết công việc này’’. Sau đó TĐ nói tiếp với sếp là tôi xin lỗi nếu tôi có dùng lời lẽ gì đó khiến ông không vui, tôi về VN thì cũng chưa nghĩ ra được lí do gì nên nhờ sếp dàn xếp giúp cho. Lúc đầu TĐ cũng sợ vì trước khi sếp đi họp thì TĐ nhìn thấy ông ấy rất mệt mỏi. Ông ấy làm quản lý nên thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi, đi công tác nhiều. TĐ cứ tiếp tục gọi Phật Tâm Danh mãi. Sau khi ông đi họp về thì vẻ mặt của ông khác hẳn, ông rất thoải mái. Ông nói chuyện với TĐ một chút về sự chuẩn bị lên Tokyo. Khi lên Tokyo, sau khi trao đổi với sếp trên đó, TĐ mới thấy là họ yêu cầu rất cao, kỹ thuật rất cao trong khi TĐ chưa hề có kinh nghiệm về kỹ thuật đó. Ông sếp cũ nói khéo cho, phía bên kia thấy TĐ chưa có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này thì cho làm lại từ đầu, và để người kèm. Cuối cùng là TĐ sẽ lên Tokyo làm việc từ mùng 9/5.

Kết quả công việc là như vậy, con xin báo cáo với thầy ạ! Con biết rõ cái đầu của mình đang suy nghĩ, đang chạy lung tung nhưng không có cách để dừng nó lại. Cố gắng dừng suy nghĩ được một lúc nhưng nó lại chạy tiếp. Nó làm con rất nhức đầu, cộng thêm việc di chuyển hôm nay nhiều quá nên mệt mỏi. Con xin báo cáo đến đó, con cảm ơn Thầy và các đồng đạo đã lắng nghe! 

Thầy Duy Tuệ:

Cảm ơn Tâm Định đã chia sẻ! Thông thường ai cũng nói đã làm người thì phải tính toán cho tương lai. Ai cũng nghĩ như vậy và tin việc đó là đúng. Còn sự thật ra sao thì có lẽ quý vị biết nhiều hơn tôi, quý vị đã tính cho tương lai nhiều rồi nhưng không biết nó trúng được bao nhiêu phần trăm. Chúng ta có thể làm cái gì đó thật tốt cho bây giờ để hy vọng rằng ngày mai chuyện tốt sẽ xảy đến với mình, chứ không phải ngồi tính cho tương lai rồi đấu tranh, giành giựt vì nó. Cái chuyện tranh thủ lợi ích, tính toán cho riêng mình khác với chuyện mình ráng làm việc và học tập, chỉ có làm việc và học tập.

Mình làm công ty nào thì xem công ty đó như công ty của mình mà phụng sự chứ không quá coi mình như là kẻ làm công cho công ty đó. Mình vừa làm công, vừa là nhân viên nhưng cũng vừa xem công ty như là của mình, chí ít là trong giai đoạn làm việc và đừng có quan niệm gì khác hơn nữa. Mình làm hết sức mình còn chuyện tương lai đừng có bàn tới thì chẳng những quý vị làm việc tốt, vui khỏe, không mệt mà chắc chắn sẽ có những mầu nhiệm thuận lợi đến với quý vị. Tuy mình không nghĩ đến tương lai nhưng tương lai sẽ tốt đẹp, vừa lòng. Trái lại, nếu quá nghĩ cho tương lai thì tôi thấy sẽ chẳng ra cái gì. Mình biết gì trong tương lai mà nghĩ cho tương lai cơ chứ? Càng nghĩ nhiều thì càng cảm thấy bế tắc và khó chịu. Nhưng mình lại không dám buông bởi vì mình cho rằng làm người thì phải thế! Đó là người cẩn thận, biết lo xa. Sự thật là tôi không hiểu được, cũng không tin cái chuyện một người ra sức đấu tranh trong hiện tại để giành cái gì đó cho tương lai lại có thể có được một đời sống tốt. Tôi không tin! 

Người có đời sống tốt là người dù tạm thời đang làm việc gì đó cho ai khác thì cũng coi như làm cho mình. Mặc dù đang làm cho hãng, công việc là của hãng nhưng cứ coi như đó là hãng của mình mà làm thật tốt, học tập thật tốt và cư xử thật tốt với những người xung quanh. Đừng có bị ảnh hưởng bởi cái triết lý nhân quả đại loại như bây giờ làm là làm cho tương lai. Không cần phải nghĩ như vậy! Ba cái thứ triết lý nhân quả đó không đáng để học. Chúng chỉ được dạy cho người ngu, người khùng, người không có trí bởi họ mờ mịt, họ ngu quá. Mà chính những kẻ khờ khạo, thiếu sáng tạo mới tối ngày đem ba cái chuyện đó ra nói mà thôi, nói xong thì gật gà gật gù ra vẻ ta đây là triết gia, là đạo đức gia hay một nhà tương lai học, ví dụ thế. Chứ thực ra những người dạy như thế tôi cho rằng xuất phát từ chuyện cái đầu óc họ ngu quá, không có chuyện gì khác để dạy nên đem chuyện đó ra dạy. Chẳng có gì hay ho cả!

 Hai chuyện phải thận trọng

Các hiền giả Minh Triết học chương trình này thì tôi đề nghị quý vị thận trọng với việc suy nghĩ về tương lai. Có hai chuyện phải thận trọng: một là suy nghĩ về tương lai; hai là tin vào chuyện mình tính toán là đúng, mình cần phải tính toán cho mình. Tôi không biết con người ta như thế nào nữa khi đi khẳng định những điều đó.  Riêng cá nhân tôi mà nói thế thì có lẽ tôi là kẻ ngu nhất trên thế gian này, không ai trên thế gian này ngu hơn tôi.

Tính toán cho tương lai thì được cái gì? Anh nổi tiếng, anh nhiều tiền và anh cho đó là anh thành đạt chăng? Đó là một sự lố bịch về bản ngã. Anh tự hành hạ anh thôi! “Tôi phải như thế thì tôi mới không thua ai! Tôi phải như thế tương lai tôi mới rực sáng trên thế giới này!” Có “ngôi sao” nào rực sáng mãi trên bầu trời này không? – Tôi không thấy! Sáng được một chút rồi tắt, rồi thở dài, rồi khóc, rồi than! Để được cái “sáng một chút rồi tắt” thì anh phải trả giá không biết bao nhiêu mà nói. Cuối cùng anh cũng chỉ thấy đau khổ chẳng được vui sướng gì. Chẳng sống, chẳng hưởng được một chút xíu nào! Nhưng vẫn luôn bao biện là “Tôi không cần, tôi phục vụ, tôi làm cho người ta vui, tôi nổi tiếng vậy là tôi sướng rồi!”. Làm gì có mấy chuyện đó! Mình không có nói như vậy! Nếu có là siêu sao điện ảnh thì cũng mình cũng không nghĩ rằng mình là siêu sao điện ảnh. Chỉ đơn giản nói là ‘’Tôi thích đóng phim, tôi say mê phim ảnh, tôi học tập làm phim, không biết lý do gì nhưng tôi thích lắm! Tôi thích vô cùng và có lẽ giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời của tôi chắc là giai đoạn tôi say mê làm phim rồi được nhiều người mến mộ. Nhưng không phải vì tôi say sưa chuyện được mến mộ đâu mà vì tôi thích nghề này! Giai đoạn này là giai đoạn tôi sung sức nhất để tôi phát triển khả năng của tôi trong nghề này”. 

Nếu nói như vậy thì được! Nghĩa là anh có hưởng, có thưởng thức cuộc sống được. Ít nhất là anh đã thỏa mãn được sự đam mê của anh, sự yêu thích làm nghề của anh. Còn cứ hễ một chút là tính toán từng quyền lợi cho mình thì không được. Khi học Minh Triết rồi anh nên bỏ đi, bỏ sớm chừng nào, khỏe chừng ấy. Gia đình Minh Triết cuối cùng chỉ còn lại 2, 3 người cũng được nhưng những người đó không còn tính toán gì nữa hết. Ít ra cũng có những người họ vui thực sự, họ sống thực sự, thực sự hạnh phúc khi đi theo con đường Minh Triết. 

Quý vị khi làm việc nên chú ý hai chuyện : nay mình đang ở công ty này thì coi công ty này là của mình. Mai mình sang công ty khác thì lại xem công ty khác là của mình. Làm việc và học tập theo những gì mà mình được giao phó và coi như là mình làm việc cho hãng mà hãng đó là của mình. Hãng đó giống như tài sản riêng của mình và mình là một trong những người chủ của hãng đó. Công ty cổ phần chính là khái niệm làm chủ tập thể đấy chứ! Theo khái niệm cổ phần thì các thành viên chính là chủ của công ty đó. Nói đến làm chủ tập thể là nói đến thú vui, lòng say mê học tập, cống hiến và làm việc chứ không phải nói đến vấn đề quyền lực. Ai là người có quyền? Tập thể hay cá nhân? Bởi chúng ta ở xứ nghèo nên mình đem tiền với quyền làm trọng. Đối với những người đã có tư chất tốt, trí tuệ đã thông tuệ, đầu óc hết sức mở rộng không còn chật hẹp thì khái niệm làm chủ tập thể để chỉ tinh thần say mê làm việc, say mê chia sẻ, say mê nhún nhường, say mê nhịn cái lợi của mình mà chia  cùng với người khác, không có liên quan gì đến quyền lợi và quyền lực. 

Điều tiếp theo cần chú ý đó là, mặc dù chúng ta không thật rõ ràng khái niệm thế nào là cái đầu rộng và cái đầu chật nhưng trong quyển “Mở rộng tâm” tôi có hàm ý chỉ cái đầu nên mở ra, đừng có đóng lại. Ví dụ thế này, “Tôi có pháp tu tốt rồi, tôi niệm phật A di đà, ai nói gì tôi không nghe.” Đó là cái đầu đóng chặt. Cái đầu mở thì: “Tôi thấy cái gì cũng vui mà, lúc nào đầu óc bấn loạn quá thì mình kêu A di đà, hết bấn loạn thì làm việc khác, nếu còn thì kêu núi rừng hay kêu ông bà chứ đừng có đóng.” Tất cả những người đóng cái đầu đều khổ, không có sung sướng gì. Còn cái đầu mở thì: “Đâu có đạo nào hay, đâu có đạo nào dở, đạo nào cũng nói chuyện đạo đức thôi mà! Thôi mình cứ vui vẻ chơi với nhau nhưng mình hạp cái cây thập tự giá hơn là cái tượng nhắm mắt, vậy thôi.” Đó là cái đầu mở và cái đầu đóng. Cái đầu đóng thì ít cởi mở hơn so với bên ngoài, nó tin vào suy nghĩ của nó, nó bị định vị là: “Phải tin cái này! Nếu không linh hồn của mày bị đọa địa ngục đấy cho nên thôi ai nói gì đừng tin nhé! Cứ đóng cứng ngắc với Phật với Chúa là được rồi.”

Từ đó cho thấy, yêu cầu trước nhất đối với các hiền giả Minh Triết là cái đầu phải mở dù quý vị có nghiên cứu, có tiếp xúc với tài liệu nào thì cũng nghiên cứu và tiếp xúc trong trạng thái cái đầu mở. Đừng quá tin, đừng quá chạy theo và dính vào cái đó mà hãy tin vào khả năng cái đầu sẽ mở ra vô cùng. Chỉ trân trọng, tin vào giáo lí nào, triết lí nào giúp cho cái đầu mở ra. Còn những lời dạy, khái niệm nào khiến cho cái đầu mình đóng lại thì phải hết sức thận trọng. Giữa cái đầu mở và cái đầu đóng thì cái đầu mở lúc nào cũng sống sung sướng, sống hạnh phúc mà không thể nghĩ bàn. Thậm chí nó khôn đến mức : “Tao phải mượn Phật giáo hay Thiên Chúa giáo để ứng cử vào Thượng viện chứ! Tao phải tốt nghiệp số một trong lĩnh vực Phật giáo để giành phiếu thượng viện chứ. Đâu phải tao tốt lành gì với Phật giáo đâu!”. Cái đầu mở rất khôn, cái gì nó cũng thấy tốt cả và nó biết rất rõ nó là ai. 

Cho nên, quý vị phải học và áp dụng các biện pháp để cái đầu mở rộng chứ cái đầu suốt ngày ‘’Tôi như thế này mới là tôi, thế kia không phải là tôi'' thì không xong. Mình không nên dạy như vậy, cứ để cái đầu mở càng rộng càng tốt. Còn cái đầu chật thì khó mà chấp nhận một cái gì. Yêu nước nó cũng phải yêu nước theo cách của nó. Bởi thế nên thế giới mới có chiến tranh, cũng là do cái đầu chật chội mà ra, có gì lạ đâu! Chiến tranh miết, chiến tranh liên miên từ khi có loài người đến giờ, giành giựt đất đai, phụ nữ... Cũng giống như mấy người làm tướng cướp thôi. Có những người hết làm đại ca tới gặp tôi, tiếp xúc với họ tôi mới thấy buồn cười vì nguyên nhân họ làm đại ca là do sợ chết. Cho nên, đa số đại ca là nhát gan và sợ chết! Tức là liều mạng vì đằng nào cũng chết thì thôi liều mạng luôn. Từ tình huống đó mà mấy thằng khác tôn lên làm đại ca thôi chứ có gì đâu! 

Trích Master Duy Tuệ - Suy Nghĩ Và Tính Toán Đánh Mất Hạnh Phúc  - 19.4.2011 (* Tựa đề do người ghi tạm đặt)