"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

121 - Tuổi Trẻ Và Kinh Doanh [01] - Đặt niềm tin tuyệt đối vào trạng thái đặc biệt của đầu óc



Hôm nay, chúng ta trao đổi với nhau về vấn đề “Tuổi trẻ và Kinh doanh’’. Đề tài này rất cần thiết cho mỗi quý vị nhưng nó không phải dễ mà vô cùng khó, vô cùng gian khổ!

Quý vị muốn đề nghị Hg Duy Trung Ý tư vấn cho công việc của mình thì quý vị cần đưa ra câu hỏi thật cụ thể. Ví dụ, bây giờ mình đang là sinh viên, mình thắc mắc có nên hay không nên tham gia vào lĩnh vực kinh doanh và chọn kinh doanh cái gì? Hg Duy Trung Ý có thể nhớ lại thời sinh viên và chia sẻ kinh nghiệm của mình ở thời ấy.

Sự cụ thể có thể như thế này chẳng hạn, mình ra nhà sách mua một quyển sách nói về các ngành nghề kinh doanh và làm thử một nghề, coi như là kiếm tiền đi học. Và từ đó bắt đầu mình mới hỏi cách thức làm như thế nào.

1. Kinh doanh thì tất nhiên là có nhiều rủi ro và cần tránh sự tưởng tượng

Nói tới kinh doanh là có rất nhiều thứ cần phải lo, mà mình phải chấp nhận nỗi lo lắng đó. Mình coi việc lo lắng là chuyện tất nhiên chứ không có gì phải ghê gớm cả vì nó đầy rủi ro. Có tránh thì nên tránh sự tưởng tượng. Ví dụ như mình lên kế hoạch, suy tư tính toán rồi nhân ra cho một việc như là nuôi một con gà mái, tính toán là gà mái này sẽ đẻ ra 10 quả trứng, mỗi quả trứng lại nở ra 10 con gà... mình nhân ra một hồi mình thấy mình thành triệu phú, mình thấy hay quá rồi đi mượn tiền về làm. Nhưng mượn tiền về làm không thành công, thế là vỡ nợ. Do đó, nên tránh sự tưởng tượng đó.

2. Đặt vấn đề

- Đặt vấn đề là đam mê kiếm tiền theo kinh nghiệm của người đời liệu có còn phù hợp không? Hay nên đặt vấn đề theo hướng khác?

- Chúng ta có thể đặt vấn đề theo hướng khác: Đặt vấn đề là mình cần tiền

- Vậy cần tiền để làm gì?  Trong khi mình hai bàn tay trắng, chưa biết nghề nào lại không có vốn?

Tôi rất thích đặt vấn đề như thế này! Bởi vì đa số những người làm nên sự nghiệp đều bắt đầu từ chỗ mình không biết làm cái gì và mình cũng không có đồng xu nào. Còn khi mình đã biết mình làm gì và đã có vốn rồi thì cần coi chừng có khi lại đi tới phá sản. Nhiều vị cứ bảo bây giờ đi buôn, đi bán, đi kinh doanh mà không có vốn thì làm sao làm? Tôi thì hoàn toàn không ủng hộ phương án đó.

3. Nghề nghiệp đến từ tấm lòng chân thực nhất, với một tình cảm hết sức đẹp đẽ và hồn nhiên nhất.

Hôm qua, tôi nhận một bức thư của một vị thanh niên khoảng 22 tuổi sinh ở Nghệ An hay Quảng Trị gì đó, kể rằng học lớp 12 xong thì không đi vào đại học trong khi anh trai trưởng thì học đại học, cậu này quyết tâm vào Sài gòn lập nghiệp dù không hề quen biết ai, không có tiền, không có nghề nghiệp gì hết và thích chuyện này hơn là đi học đại học.

Khi vào đến nơi thì may mắn xin được vào làm trong một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Người này viết thư rất hay, văn chương câu chữ rất sắc sảo, cách trình bày rất chặt chẽ. Tôi không cho rằng người này trình độ mới học xong lớp 12. Tôi rất khen ngợi vì người này rất dũng cảm. Nếu vị này hôm nay có nghe online cũng đừng xúc động. Như DTY có nói khi nãy, hình như chưa có ai thành công mà không qua thất bại. Tuy nhiên, thất bại và lầm lỡ là hai chuyện khác nhau. Lầm lỡ có hai khía cạnh: cố ý lầm lỡ hay sơ suất lầm lỡ. Anh cố ý lầm lỡ thì chuyện nó khác còn anh sơ suất lầm lỡ thì chuyện nó khác.

Ở Mỹ có rất nhiều người làm công như vậy, ban đầu là lau nhà, lau cầu tiêu, rửa chén, sau đó được ra chạy bàn phục vụ khách và được khách cho tiền típ. Khi làm khá rồi ông chủ mới cho vào phụ bếp, phụ bếp rồi mới nấu, nấu khá rồi coi như được lương cao. Tóm lại, là phải trải qua khoảng 7-8 năm. Những ai có tính kiên trì và trung thực thì sẽ thành công, sau đó họ trở thành ông chủ của nhà hàng khác với tất cả tấm lòng làm việc và cuộc sống đơn giản của mình.

Còn vị này được chỗ làm việc ổn định thì đáng lẽ phải thật thà, mình trung thực, tâm hồn mình nhẹ nhàng thoải mái, hồn nhiên, không tính toán mưu mô, không có ham muốn gì và coi việc của cửa hàng là việc của mình mà làm hết trách nhiệm. Nhưng do tuổi trẻ, khi vào Sài gòn thấy xe cộ dập dìu, nam thanh nữ tú, ăn mặc đẹp đẽ, quần áo lượt là, bắt đầu lòng mình xao xuyến thì mới tìm cách lấy mấy cái đồ lặt vặt. Lấy xong thì bắt đầu sửa soạn, để ý tới kiếm bồ bịch chứ không tập trung vào công việc, không có chí hướng làm ăn. Bồ bịch xong lại tiếp tục có nhu cầu và thế là lại lấy đồ nhiều hơn mà cứ nghĩ chủ cửa hàng không biết. Cuối cùng, chủ cửa hàng thử lần cuối, bỏ ra đó vài trăm ngàn xem có lấy không, thì vị này lấy luôn. Tôi rất thông cảm, tôi cho rằng đây là bài học chung hết cho tất cả quý vị và nhiều bạn trẻ khác.

Chàng trai này diễn tả quá trình hư hỏng của mình như vậy do không kiểm soát được sự ham chơi, ham muốn của mình rất đầy đủ, rất chi tiết, rất hay. Người chủ dùng tiền cài bẫy xác định bằng chứng để người ta nói chuyện, chứ cũng không gây khó dễ. Chàng trai này cũng nhận sạch hết chứ không chối. Người ta đưa lên công an lập biên bản bắt cậu ta phải trả nợ, không cho ở nhà nữa. Cậu ta ra đi chủ cửa hàng cho cái điện thoại và giấy ghi nợ để cậu ấy đi làm và trả dần hết số tiền mà cậu ấy đã lấy.

Nhưng cậu ấy đã không đi làm vì khủng hoảng tinh thần, bắt đầu nghĩ tới chuyện mình đã làm cho mẹ mình thất vọng, đã làm cho chủ cửa hàng thất vọng…rồi nghĩ tới chuyện tự tử. Tiền bạc đem sắm sửa cho cô bồ và cho bản thân hết, giờ bị đuổi ra khỏi nhà, phải ngủ đêm ngoài công viên nên cậu ta mới thấy thấm thía, đau buồn nhưng không biết làm sao có tiền nên đành nghĩ đến cái chết. Cậu ta nghĩ chết là hết, coi như khỏi phải trả nợ mấy chục triệu gì đó. Rồi cậu ta quyết định bây giờ chết thì cũng về quê chết chứ không chết ở Sài Gòn và thế là bán điện thoại đón xe đò về quê.

Trở lại quê, cậu ta chưa dám về nhà gặp mẹ vì sợ mẹ buồn nên đi gặp người yêu, vì người yêu cùng quê. Người yêu cản bảo đừng chết. Lúc ấy, bà mẹ cũng đi kiếm cậu ta về. Bà mẹ rất buồn khi biết chuyện rồi điện thoại cho người chủ trong Sài Gòn xin lỗi và hứa sẽ trả. Hứa là hứa vậy thôi chứ tiền đâu mà trả vì nghèo quá. Được cái là dù nghèo khó nhưng bà ta cũng nuôi được người con lớn đi học và tốt nghiệp đại học, còn lại hai người con nữa cũng đang đi học. Qua đó mới thấy, người phụ nữ Việt Nam mình nghèo thì rất nghèo, bán xôi bán bánh gì đó nhưng đều muốn con cái đi học, đặt hết hy vọng cho con. Cuối cùng, hai vợ chồng người chủ này cũng khá tốt nên tạo cho cơ hội lần nữa, nhận anh vào làm lại 1 năm, chỗ ăn ngủ thì chủ cho. Công việc có gì đâu, vị này diễn tả bằng một cụm từ trong thư rất hay là “nắng không đến đầu, mưa không đến chân’’. Tức là công việc làm khá nhàn, làm trong vòng 1 năm thì trừ nợ này. Người chủ cho cậu ta cơ hội làm lại cuộc đời nhưng kèm theo điều kiện là phải liên lạc với thầy Duy Tuệ để xin học và làm đệ tử của thầy. Hai vợ chồng chủ đó vì ở trong gia đình Minh Triết nên mới cư xử tốt như vậy.

Qua câu chuyện của vị thanh niên này (tôi đã cho Phật tâm danh), nếu một lòng một dạ làm ăn như là mình làm cho chính mình, tháng qua tháng, năm qua năm với một ý chí và sự hồn nhiên thì trước sau gì mình cũng có nghề. Nghề nghiệp đến từ tấm lòng trong sạch, từ bản tính thật thà của mình, từ sự quan tâm của mình cùng lo công việc với  người chủ chứ không phải mình lo cho riêng mình. Việc này tôi nói rất nhiều rồi, mình phải như vậy thì từ từ sẽ hình thành cho mình con đường đi, từ chỗ không biết gì thành biết. Rồi nhiều điều hay, may mắn và hạnh phúc xảy đến cho mình lắm!

Tôi đã giảng khá lâu, cách đây hơn 10 năm trong quyển “Tình thương là tài sản vô giá’’, anh hãy dùng tấm lòng với sức lao động tốt của anh thì anh sẽ có nghề, có trí tuệ, có việc làm, anh sẽ có tiền và anh sẽ sống thoải mái. Đó là tôi nói là khi anh không có tiền đi học đại học, đi học nghề. Và có khi người tốt nghiệp đại học ra chưa chắc đã thành công bằng người làm bằng tấm lòng của mình, hết sức trung thành, trung thực. Mình làm với tấm lòng như vậy thì tự trong bản chất ấy, trí chủ của anh sẽ phát ra và nó cho chúng ta nghề nghiệp. Nghề nghiệp sẽ đến với anh một cách mầu nhiệm, không biết là nghề gì nhưng chắc chắn sẽ có. Đó có thể là nghề buôn hay nghề nấu ăn, nhưng dứt khoát là sẽ có nghề và có một cuộc sống vững vàng.

Tôi đã nói với các bạn trẻ khá nhiều, đừng nghĩ đến chuyện mượn tiền, chuyện thủ đoạn, chuyện toan tính mà hãy bắt đầu bằng một cuộc sống đơn giản nhất, bằng một tấm lòng chân thực nhất, với một tình cảm hết sức đẹp đẽ và hồn nhiên nhất thì quý vị sẽ thấy sự màu nhiệm của trí chủ, quý vị sẽ thấy sự mầu nhiệm của đầu óc đặc biệt của chúng ta. Đầu óc đặc biệt ấy sẽ cho chúng ta đi đến sự thành đạt, nếu có là doanh nhân thì cũng là một nhà doanh nhân xứng đáng, có là một nhà khoa học cũng là một nhà khoa học xứng đáng mặc dù trước đó chúng ta chưa biết gì hết.

4. Đặt niềm tin tuyệt đối vào trạng thái đặc biệt của đầu óc của mình, hồn nhiên làm việc và có tinh thần làm việc cho người khác.

Quý vị hãy tin và tin tuyệt đối vào trạng thái đặc biệt của đầu óc chúng ta. Không tin vào tiền trong ngân hàng, không tin vào sự tính toán của mình cũng như không tin vào sự bày mưu vẽ kế mà hãy tin vào tâm hồn, vào tình huống đặc biệt của tâm hồn mình.

Mình khoan vội nói tới chuyện kinh doanh mà hãy nói chuyện tình cảm trước với nhau. Nếu anh giữ gìn được một sự trong sáng gọi là đừng tính toán, đừng bày kế gì, đừng giở quẻ gì, cũng đừng tìm mọi cách để bắt người ta chú ý đến anh và không làm chuyện gì để mình có thể kiểm soát được người ta thì tình cảm đó mới là tình cảm chắc chắn nhất. Còn nếu anh có khả năng bày ra đủ thứ chuyện và cho là người khác không thể khôn hơn anh thì chắc chắn anh sẽ sụp ngay cái bẫy do chính anh tạo ra. Chính anh giết anh, chính anh thắt cổ anh, chính anh thắt họng anh. Đó là trong quan hệ tình cảm chứ chưa nói đến chuyện làm ăn. Quý vị cứ hồn nhiên làm việc và có tinh thần làm việc cho người khác. Đây chính là chìa khóa cơ bản nhất.

Ví dụ, trên đoạn đường nào đó anh dùng âm mưu tính toán để thành công. Nhưng trong lòng, trong đầu anh lúc nào cũng có cái gì đó bất ổn. Cuối cùng một ngày nào đó cũng có những vấn đề không tốt, phức tạp sẽ xảy ra cho chính mình.

Cho nên tôi thấy khó nhất là khó giữ tâm hồn của mình. Quý vị hãy thử xem. Hồi Hg Duy Chính Niệm còn sống, chính tôi là người huấn luyện cậu ấy hãy xuống dưới nhà hàng mỗi tuần phục vụ khách mấy ngày, còn lại thì làm việc cho thầy. Vì việc mình làm dịch vụ cho người khác nó có giá trị lạ lùng, giá trị lớn lắm! Từ một hoàng tử cho đến tổng thống, khi người ta trở thành người lớn và nổi tiếng rồi mà người đó có chắc chắn hay không thì phải coi hồi trẻ người ta có sống như cu li hay không, tức là lao động rất vất vả, làm việc rất nhiệt tình, cống hiến rất lớn và không nghĩ đến quyền lợi riêng cho chính mình. Dĩ nhiên quyền lợi sẽ đến nhưng mình không cần nghĩ tới. Và đó là tầm vóc của tuổi trẻ. Quý vị hãy thử xem.

Do đó, quý vị tuổi trẻ không nên băn khoăn là không có vốn làm nghề, đầu tiên tôi xin đi làm mướn. Nhưng phải hết sức trung thực, phải kiểm soát cái đầu hết sức chặt chẽ, không để phát sinh bất cứ mưu mô, quỷ kế, lòng ham muốn nào. Mình cứ làm mướn, cứ làm việc với một tâm hồn tốt nhất rồi một ngày nào đó mình cũng sẽ có những may mắn đặc biệt. Sự thực là đúng y như vậy nên tôi không bao giờ nói là quý vị bế tắc trong chuyện đi làm ăn hay bế tắc trong chuyện kiếm tiền. Có chăng là do anh tính toán nhiều quá.

Los Angeles, Hg Duy Trí Thông có một đứa em nuôi đỡ đầu, cậu đó nhận tiền hàng tháng do Hg Duy Trí Thông gửi về, mà chỉ là tình cờ gặp rồi kết nghĩa anh em khi Hg Duy Trí Thông về thăm quê thôi. Hai người quen nhau, Trí Thông thấy hoàn cảnh cũng tội nên nhận lời làm anh đỡ đầu, lâu lâu gửi tiền về cho học nghề thợ điện. Hai vợ chồng Hg Duy Trí Thông giúp đỡ như vậy trong vòng hai, ba năm gì đó. Sau khi anh đó học nghề thợ điện xong, có nghề trong tay rồi mà vẫn cứ viết thư xin tiền Hg Duy Trí Thông, bảo là em chưa tìm ra được việc làm thích hợp. Hg Duy Trí Thông hỏi thế nào là việc làm thích hợp thì bảo vừa rồi em cũng tìm được việc làm nhưng công việc tuốt ở trên Biên Hòa, em thấy xa quá nên không làm. Tôi bảo Hg Duy Trí Thông nên dừng ngay, không giúp đỡ gì hết, đó là những người lười biếng, bày mưu vẽ kế. Những người trẻ tuổi mà như thế là không thể tin tưởng được. Khi anh được người ta giúp đỡ cho tiền đi ăn học, học nghề xong thì lại bảo chưa có ngề phù hợp, chưa có chỗ anh ưng, thế thì vứt quách cho xong, không tính tới, không giúp những người như vậy. Tôi nói với Hg Duy Trí Thông là nên dứt khoát với họ.

5. Hãy chăm lo cho đời sống tâm linh của mình

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ là đừng bao giờ sợ mình thất nghiệp, mình thiếu ăn, không có nhà ở, không có áo mặc. Cái sợ nhất là đời sống tâm linh của mình như thế nào, tâm hồn mình như thế nào, cảm xúc của mình như thế nào đối với cuộc đời, đối với những người xung quanh.

Khi tôi nói tới tâm linh không phải tôi nói chuyện trên trời dưới đất, nói tới tâm linh là nói tới những cảm xúc mạnh mẽ của anh, cảm xúc lành mạnh từ chuyện anh có tinh thần thể thao, có tinh thần thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc, có những ý tưởng trong sáng. Đó chính là đời sống tâm linh, cái đáng sợ nhất chính là cái đó. Anh thành công, anh giữ vững cái đó thì không thể nói anh không đủ ăn, anh thất nghiệp cả!

Chúng ta không bắt đầu bằng một sự lựa chọn mà bắt đầu từ những gì trong hoàn cảnh của chúng ta. Hễ hoàn cảnh của mình ở đâu, tình huống mình ở đâu thì mình cứ việc chấp nhận, mình làm rồi mình mới tự rèn luyện mình được. Qua đó, mình bắt đầu đổ mồ hôi sôi nước mắt, phát triển cảm xúc, phát triển đời sống tâm linh, tâm hồn của mình và cộng thêm người giúp đỡ thì dứt khoát chắc chắn được. Những người chủ lớn đều như thế.

Còn trường hợp như thế này là thất bại này, anh đi vay vốn vì anh tin vào kế hoạch làm ăn của anh, anh làm rồi sạch bong, tiêu hết. Rồi anh ngụy biện là giỏi, mình tính toán kỹ rồi nhưng tại vì mình không may nên mình lỗ hết vậy thôi, chứ không phải mình dở, không có kinh nghiệm. Quý vị phải cố gắng tránh điều đó!

Tất cả những người Việt nam khi di cư sang các nước khác trên thế giới, quý vị nghe kể về lịch sử của người ta rồi. Người nào cũng chỉ có 5, 3 đô la trong túi thôi, bây giờ thì người ta trở thành triệu phú khá nhiều. Khởi nghiệp bằng vài đô, 100 đô là nhiều thôi!

Hg Duy Pháp Thông kể cho tôi nghe về chuyện khởi nghiệp khi qua Mỹ, tiền bạc có nhiều nhưng gửi qua mất hết. Lúc đầu Hg Duy Pháp Thông đi làm tài xế chở người ta đi đánh tứ sắc, ngày được cho mấy chục USD. Hg Duy Pháp Thông thì không biết đánh bài. Khi lang thang đi đây đi đó, Hg Duy Pháp Thông nhìn thấy người ta buôn bán xe hơi, trong đầu không dám nghĩ đến chuyện buôn bán xe hơi vì đâu có tiền. Lân la đây đó cũng kiếm được chiếc xe cũ, đem chùi rửa rồi bán lại, tiền lời được 200, 300 đô. Cứ lần lần như vậy mà có luôn một tiệm bán xe hơi cũ. Nghề đó, Hg Duy Pháp Thông không hề biết là mình có làm được hay không, ngày xưa cũng chưa từng nghĩ tới. Khi nghĩ tới thì chỉ là một giấc mơ lớn chứ không có tiền. Khi cơ hội đến thì nghề dạy nghề, công việc cứ đi lên cho tới bây giờ. Và xuất phát là không biết cái gì về xe, không biết mua xe bán xe cũng không có tiền trong túi luôn. Có lẽ Hg Duy Trung Ý cũng đã kể cuộc đời của mình cho quý vị nghe rồi, hình như tất cả đều xuất phát như thế.

Cho nên, tôi mà nghe ai nói thầy cho con vận động vốn để làm ăn là tự nhiên da gà tôi nó nổi lên hết! Cũng may là mình không có tóc, chứ có tóc là nó dựng lên hết! Vì mình biết chắc thế nào nó cũng thua! Mà mình nói thì nó cãi. Tôi còn nhận mấy cái thư nữa kể chuyện Tiến sĩ khoa học vì tin tưởng vào cái bằng Tiến sĩ khoa học của mình rồi lên kế hoạch làm ăn, đi vay chỗ này chỗ kia, rút cuộc phá sản hết.

Cho nên quý vị đừng có quá tin vào cái đầu của mình mà đi tắt.

Tôi nhớ khi xưa, tôi còn ngơ ngơ ngáo ngáo, biết gì đâu mà làm ăn. Nhưng mình lân la đi chơi chỗ này chỗ kia mình thấy người ta làm ngành này ngành kia hay hay, mình làm quen rồi xin học nghề. Người ta chỉ cho mình, khi họ chỉ cho mình thì tôi thấy họ bí công việc, bí hàng hóa, bán không chạy. Tiếng thở người ta nặng nề lắm thì mình biết người ta sống cũng khó khăn. Tôi mới tìm hiểu thấy người ta bán không được, thị trường không có. Thế là bắt đầu từ đó tôi đi liên lạc người này, người kia dò la tin tức xem có chỗ nào có thể mua hàng này cho người ta hay không? Cũng do tôi đi chơi, tuy đi chơi nhưng cũng cố tình tìm hiểu để giúp cho người ta bán được hàng. Rút cuộc, không biết may mắn thế nào mà cuối cùng người ta cũng giao hết cho tôi luôn. Mà tôi làm việc toàn tâm toàn ý, tôi phụng sự hoàn toàn mà không ra một điều kiện gì hết. Tôi cũng không xin họ một đồng lương. Tôi thấy người ta bế tắc như vậy thì mình làm cái gì cho người ta hết bế tắc vậy thôi chứ mình không có khái niệm gì hết, hoàn toàn không có! Không có khái niệm kinh doanh, khái niệm xin việc… Sau khi họ tháo gỡ và tự lo được công việc, người ta kêu tôi tới và giao hết để tôi lo hết. Chuyện chỉ có đơn giản vậy thôi. Đó là kinh nghiệm mà tôi cho là vô cùng quan trọng.

Tôi nói một số nguyên tắc mà nguyên tắc quyết định trước nhất chính là tâm hồn của mình. Nếu cậu thanh niên kia có cơ hội làm lại mà không kiên quyết xây dựng tâm hồn của mình thì dứt khoát nếu gặp cơ hội làm ăn thành công một thời gian thì cũng không có tốt, nguy hiểm lắm!

Cho nên nền tảng căn bản trước nhất chính là tâm hồn của chúng ta. Quý vị đừng nghĩ quan tâm tới tâm hồn là đói đâu. Quý vị thấy ông Giác Tuệ, cô Tịnh Tuệ, các vị Hiền giả trẻ Tuệ Tri, Trung Ý người thì nhiều tiền, người thì không nhiều tiền lắm nhưng quý vị thấy đời sống tâm linh của người ta như thế nào? Các vị trẻ khác như Duy Minh Trí, Chính Lực, Liễu Thức Tuệ, Nhiên Tịnh Linh Tuệ…v.v, một loạt! Phải nói là tôi rất là vui, vui lắm quý vị ! Tôi có thể nói nếu tối nay tôi có nằm ngủ và đi luôn thì tôi cũng mãn nguyện hoàn toàn. Mình thấy rất hài lòng vì người ta được cái hạnh phúc là cống hiến và không hề để ý tới cái chuyện là người ta được cái gì. Gia đình Minh Triết của chúng ta hầu hết là như vậy. Quả thiệt là quá đẹp! Cái này có thể là tôi không nói cho quý vị mà nói cho một số vị chưa thấm, mới vào học để hiểu thêm. Còn vị nào thấm rồi thì đem ý tưởng này truyền tải cho giới trẻ trong trường học trước khi ra trường: hãy chuẩn bị đời sống tâm linh của mình cho thật tốt!

Đời sống tâm linh không phải là tới chùa cầu nguyện tụng kinh. Lúc nãy tôi đã nói rồi là hãy chuẩn bị chất lượng đời sống tinh thần, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, tất cả những gì trong đầu óc của mình là phải đẹp hết. Lòng trung thực, tâm hồn nhẹ nhàng và luôn luôn phải loại khỏi hết trong đầu óc mình mọi sự tính toán, hơn thua, so đo. Mình làm tốt, ông chủ cho ăn rồi cho 5 đồng xài cũng được, không sao ! Không có mất mát gì, ông chủ không cho thì ông trời sẽ cho, tôi nói chắc với quý vị như vậy. Dứt khoát không có để cho sự ham muốn riêng tư của mình phát triển trong đầu óc. Cho nên việc chuẩn bị cho thanh niên trong trường đại học trước khi ra đời là chuẩn bị tâm hồn cho thật tuyệt vời.

Ví dụ, có bằng đại học nhưng sẵn sàng ra làm giữ xe, có bằng đại học nhưng sẵn sàng ra làm gác cổng, có bằng đại học nhưng sẵn sàng đi về nông thôn nuôi gà, nuôi vịt, có bằng đại học nhưng sẵn sàng làm công việc quèn. Đừng có vì có bằng đại học mà ở đó chờ kiếm cái gì xứng đáng với bằng đại học. Không phải vậy! Nhiều người thậm chí đi mua bằng hoặc ra nước ngoài mua bằng, hối lộ móc ngoặc mua bằng đem về. Cái đó hoàn toàn không có giá trị gì đối với cuộc sống của chúng ta cả.

Nếu chúng ta có qua mặt được nhiều người khác thì chính là chúng ta đang giết chết đời sống tâm linh của chính mình. Đời sống tâm linh chính là đời sống thật. Nếu chúng ta làm chuyện hoen ố chính là chúng ta giết chết đời sống tâm linh của mình. Tức là mình là một con người còn tệ hơn một con rô bốt. Sống như vậy làm sao sống nổi?

Đó là chuyện căn bản nhất, các bạn trẻ trong gia đình Minh Triết đều biết hết rồi. Quý vị cũng đỡ, cũng khá rồi thì bây giờ truyền tải thông điệp này đến cho các bạn trẻ khác ở trong trường. Còn các bạn nào mới vào gia đình Minh Triết đang đi học thì hãy nhớ rằng đây là bài học ngàn vàng cho quý vị. Đây mới là cái chính rồi sau đó ra kiếm nghề gì, nghề gì làm, quản lý làm sao, kinh nghiệm thiếu sót ra sao. Tất cả những gì mang tính chất kỹ thuật và trải nghiệm thì những hiền giả đi trước, có kinh nghiệm làm ăn như Hg Duy Trung Ý chẳng hạn thì có thể chia sẻ, đóng góp để cho quý vị biết cách quản lý, biết cách sử dụng đồng tiền, biết cách chấp nhận những thất bại.

Quý vị đã từng nghe vợ chồng Duy Đạo và Tuệ Linh chia sẻ trong hội nghị bên Thái lan, rất xúc động đúng không? Đang làm TGĐ mà biết công ty mình phá sản, chiều về TGĐ phải ôm đồ đi bỏ mối ban đêm vì sợ người ta thấy nhưng cũng cắn răng đi. Rồi tập dần, tập xuống dần vì biết trước sau gì cũng bể. Khi mình đứng dưới đất được rồi thì đỡ bị sốc. Duy Đạo và Tuệ Linh kể rất xúc động và đó chính là sức mạnh của một con người học Minh Triết. Cuối cùng, công ty bị phá sản nhưng không bị sốc nhiều. Quý vị có thể xem lại đoạn video đó, rất xúc động! Khi những vị đó lên chia sẻ ăn mặc rất đẹp, rất vui vẻ, hồn nhiên. Đấy! Quý vị thấy một sự chịu đựng như vậy. Đó chính là sự trưởng thành của các Hiền giả Minh Triết.

Bây giờ làm sao ? Bây giờ Duy Đạo, Tuệ Linh đã đổi nghề khác. Lúc làm TGĐ công ty in ấn, media có vẻ uy phong lẫm liệt như vậy mà đang trên đà phá sản thì tối đi bỏ mối cái gì quý vị biết không ? Đi bỏ mối cơm gạo lức, muối mẻ để trả nợ, để đối phó. Rất là xúc động, bây giờ tiền hết rồi ! Sau cơn đại khủng hoảng như thế bây giờ hai vợ chồng sống lại từ đầu. Bản lĩnh lắm quý vị! Tấm lòng lớn lao lắm!

Vì vậy mà vợ chồng Duy Đạo, Tuệ Linh chính là người cưu mang cậu thanh niên mà tôi đã kể ở trên và rất thông cảm, nhìn thấy được sự thiếu sót của tuổi trẻ.

Nếu vị đó có đang nghe online thì phải thấy cho được lỗi lầm của mình vừa qua. Đó là cú sốc đầu tiên trong cuộc đời và nó có giá trị ghê gớm lắm ! Mình không than oán mình, đương nhiên không than oán ông chủ bà chủ vì người ta tốt với mình quá rồi, cũng không than oán mẹ cha mình. Coi đó là những bài học vô giá, nhờ những nỗi đau đó mà sau này mình mới biết thương người. Nhờ những nỗi đau đó mà mình mới có trí tuệ đặc biệt, mình mới nên người. Không có gì phải giấu, nói công khai – đó mới đáng quý.

Quý vị thấy ông Onexis là một tỷ phú lớn trên thế giới về tàu biển. Nhưng khi ông viết hồi ký ông nói rõ hồi nhỏ ông còn đi giành ăn với chó, dụ chó để lấy đồ ăn chứ không có đồ để mà ăn nữa. Không có gì mắc cỡ hết. Hồi xưa tôi đi học thời sinh viên cũng vậy thôi, ba đứa ở chung một phòng, nhiều hôm không đủ tiền thì 3 đứa mua một phiếu ăn thôi. Đứa này ăn xong ăn hết cơm nhưng không được ăn hết đồ ăn, để cho người ta nhìn thấy còn đồ ăn mà người ta bưng cơm thêm tới. Vừa bước ra thì đứa thứ hai nhảy vào đó ăn. Tức là 3 đứa ăn một phiếu thôi – đó là ăn gian ! Ăn gian cơm thôi, chứ không có gì! Nhưng cậu thứ ba phải đem cái túi nylong, ăn xong đem một bát cơm ra đổ vào túi nylong đem về buổi tối chiên ăn bù, bởi vì cái ngày đó đói. Hồi trẻ mà, ăn bao nhiêu cũng không đủ.

Thời kỳ mình trẻ, nhiều chuyện đau buồn nhưng rất là vui thành ra không có sợ mình sai lầm. Nhưng cố ý sai lầm hoài thì không được, do hoàn cảnh nhất thời nào đó mình sai lầm và kiên quyết không bao giờ tái phạm nữa.Vị trẻ ở trên sau này nếu có thành tỷ phú của Việt Nam thì viết lại hồi ký như vậy, không có gì phải xấu hổ hết. Cứ viết lên, quá đẹp ! Tôi đọc mà rất cảm động, rất thương, rất nể phục và tôi cho rằng đó mới là người thanh niên dũng cảm.

Tôi chia sẻ sơ sơ cho quý vị nắm rõ phần nào là phần then chốt trong nghề nghiệp của mình. Quý vị hãy nhớ những điều đó, còn công việc chuyên môn khác thì tôi nhường lại cho Hg Duy Trung Ý góp ý thêm với quý vị. 

Trích Master Duy Tuệ - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Phát Triển Kinh Doanh với Hg Duy Trung Ý - 23.4.2011 (* Tựa đề do người ghi tạm đặt)