"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

087 - Giá Trị Sống Ở Nông Thôn



Trong những giờ phút đầu tiên của đêm giao thừa, thông qua những quý vị là những người có quê hương, gia đình sống ở những vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa hay ở hải đảo, biên giới…Tôi muốn gửi lời chúc Tết, thăm hỏi cũng như ca ngợi tất cả những tấm lòng sống đẹp của đồng bào chúng ta tại những vùng này.

Tôi xin chia sẻ nhanh những vấn đề thuộc về những người đang sống ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa để động viên và giúp họ mở mang những nhận thức với mong muốn họ có cuộc sống thực sự hạnh phúc.

Như quý vị đã biết, tất cả mọi người khi sinh ra thì không ai có thể định nghĩa được gì về mình, không ai có thể nói là mình là như thế nào được.

Tất cả những cách xác định ấy là cách hiểu biết, cách dùng chữ không chính xác.

Chúng ta cần tập sử dụng ngôn ngữ hết sức rõ ràng. Nếu chúng ta sử dụng ngôn ngữ không rõ ràng tức là đầu óc chúng ta không rõ ràng.
Và khi đầu óc chúng ta không rõ ràng thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ rất mơ hồ, cũng từ đó mà không thể sống có hạnh phúc được và cũng không thể có kết quả được. Kết quả có hai phần gồm vật chất và tinh thần. Nếu đầu óc chúng ta không rõ ràng thì dứt khoát là cuộc sống vật chất của chúng ta cũng không mấy tốt đẹp và đời sống tinh thần cũng không tốt đẹp.

Sự không rõ ràng này nó thể hiện qua cách chúng ta dùng ngôn ngữ để nói chuyện với nhau. Cách mà chúng ta dùng chữ để nói chuyện về chính mình, nói chuyện về người khác. Chúng ta cần nhận thức được như vậy!

Do vậy, khi lớn lên chúng ta lại nói tôi là một người nông dân thì không đúng, tôi là một doanh nhân…. thì cũng không đúng. Chúng ta chỉ có thể nói: Tôi đang làm việc kinh doanh; tôi đang sống ở nông thôn và làm nghề trồng trọt, chăn nuôi; tôi đang điều hành một công ty kinh doanh…

Tôi là ai? Tôi không phải là công nhân, không phải là nông dân, không phải là giám đốc, không phải là tổng thống…Chính do sự hiểu lầm từ việc dùng ngôn ngữ không rõ ràng mà dẫn đến những suy nghĩ, những hành động, cảm xúc không chính xác.

Từ đó, quý vị cần truyền đạt tới bà con mình không thể nói tôi là nông dân được! Khi người ta nói tôi là nông dân thì tự nhiên họ sẽ thấy rằng mình là người bất hạnh, họ thấy rằng người thành phố mới là tốt, người thành phố mới là người giàu sang phú quý, mới là mục tiêu mà mình theo đuổi.
Không thể nhận thức như thế được! Quý vị cần nhận thức rằng : “Tôi là người đã và đang chấp nhận xây dựng đời sống riêng của mình tại vùng đất hay vùng núi ở nông thôn, hải đảo…vì tôi yêu cách sống này, vì tôi thích sự tồn tại này…”

Cho nên, trước nhất về mặt nhận thức quý vị phải giúp đỡ những người ở nông thôn hiểu như vậy để tránh đi những sự sai lầm về nhận thức dẫn tới sự mặc cảm cho rằng mình không có đời sống tốt đẹp.

Vấn đề thứ hai là quý vị cần giúp cho những người ở nông thôn hiểu làm sao cho họ nhận ra được giá trị thực sự mà họ đang sống tại nông thôn là gì?

Môi trường trong sạch, cách sống đơn giản, suy nghĩ đơn giản, tình cảm chan hòa gắn bó làng xóm. Giá trị đời sống ở nông thôn rất cao, từ đời sống bên ngoài, môi trường bên ngoài, đời sống tinh thần bên trong, sức khỏe…rất tốt.

Từ thực tế cho thấy như vậy, tuy nhiên thì những giá trị đó phần lớn người sống ở nông thôn lại không để ý tới giá trị mình đang có là cái gì.

Dĩ nhiên là khi sinh con ra thì cần cho con cái tới trường, phải mở rộng thế giới quan của con cái ra tới các thành phố và các nước trên thế giới. Nhưng không có nghĩa là đời sống nông thôn, miền núi, hải đảo…không phải là đời sống có giá trị thật.

Ngày xưa, người ta làm để có tiền mua thịt, mua cá ăn. Ngày hôm nay tại các thành phố ở Mỹ, ở châu Âu…người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt để nhịn đói, để ăn kiêng, hễ ăn cái gì cũng sợ mập, sợ béo phì, sợ cao máu, sợ bị hóa chất…

Do vậy, thực phẩm có giá trị chính là ở nông thôn. Từ con cá, con tôm, ngọn rau…đều có thể nuôi trồng trong lành, tránh được hóa chất…Môi trường sinh hoạt ở nông thông khiến cho con người ở đó được đi bộ nhiều, lao động chân tay nhiều, được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, được đầy đủ về ánh sáng tự nhiên, ăn uống đồ tươi….rất tốt!

Tuy rằng có rất nhiều người trẻ mắc sai lầm, nghĩ rằng đời sống nông thôn của mình hẩm hiu quá cho nên muốn đi lấy chồng ở nước ngoài bằng bất cứ giá nào!? Muốn ra thành phố bằng bất cứ giá nào!? Tại sao vậy?

Tại vì, sự giáo dục ở nông thôn của chúng ta chưa đủ cho những người sống ở nông thôn, miền núi, hải đảo …nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống của họ là cái gì? Họ chưa thấy họ có giá trị gì nơi họ nên họ nhìn thấy giá trị ở một nơi khác.

Vì vậy họ luôn có khuynh hướng từ bỏ nông thôn, miền núi, hải đảo…để đi tìm một cuộc sống khác. Cuộc sống khác ấy phần lớn là sự trả giá hết sức đau thương.

Vậy chúng ta hãy làm cách nào đó, có những sự tự nguyện như thế nào để giúp cho những đồng bào tại những vùng đó nhận thức đầy đủ về những giá trị mà họ đang có.

Vì họ chưa nhận thức được đầy đủ những giá trị mà mình đang có cho nên họ tìm cách thoát ly nơi họ sinh sống.

Họ tìm cách từ chối những giá trị một cách thiếu tri thức, hoặc sống tạm qua ngày để chờ cơ hội ra thành phố. Họ chất phác nhưng thiếu điều kiện được giáo dục về vấn đề này.

Hơn nữa, lại bị tác động tiêu cực bởi sự mê tín dị đoan, những hướng dẫn vô học của những người được gọi là hướng dẫn tâm linh.

Có rất nhiều vị thầy hướng dẫn tâm linh làm cho người nghe mặc cảm với đời sống của mình, không thấy được những giá trị mà mình đang có mà lại được chỉ cho những huyễn hoặc của kiếp sau, những giá trị ở một cảnh giới khác…Họ chính là nô lệ của sự vô minh.

Quý vị thấy rõ như vậy để suy tư tìm ra những cách chia sẻ giúp họ, để tránh đi những câu chuyện đau lòng từ tình trạng bằng mọi giá lấy chồng nước ngoài, bằng mọi giá chạy về thành phố chen lấn mà bỏ nông thôn, vùng núi, hải đảo…

Từ việc chạy về các thành phố mà sinh ra trộm cắp, thiếu chỗ ở, thất nghiệp, đĩ điếm…một cách hết sức tội nghiệp mà không tìm được một giá trị gì ở xứ người, không tìm được một giá trị gì từ thành phố….

Ở nông thôn sống rất đơn giản. Nông thôn là những vùng đất sinh ra và nuôi dưỡng những tâm hồn vĩ đại, có ý chí lớn cho dân tộc.

Những người về thành phố lập nghiệp rồi đến khi thất bại thì chỗ dựa duy nhất của họ chính là nông thôn chứ không phải chỗ dựa của họ là những người giàu có ở thành thị.

Quý vị cố gắng giúp họ về cách cư xử, cách tổ chức cuộc sống, tổ chức ruộng vườn, xây dựng gia đình, sống đơn giản…

Đời sống ở nông thôn nếu tổ chức tốt thì rất phù hợp với bản chất tốt đẹp của phật giáo.

Ví dụ như về vấn đề giới luật: Không uống rượu, chè chén, không ăn cắp, không ngoại tình…Tuy nhiên, trong giới luật của phật giáo ngày xưa thiếu phần quan liêu, gia trưởng.

Phần này lại rất phổ biến ở đời sống nông thôn. Tôi cũng nói thêm là trong kinh sách tới 98% là hiểu lầm, 98% là dẫn người ta tới sự sai lầm.

Tôi cho rằng đây là một sứ mệnh rất cao cả và thiêng liêng của các HGMT trong vấn đề giáo dục.

Trước nhất là quý vị giúp cho người thân của mình ở những vùng đó bằng cách an ủi, động viên, mở nhận thức…Rồi từng bước, người thân của mình chia sẻ với bà con lối xóm.

Đây cũng là một trong những mơ ước rất lớn của cuộc đời còn lại của tôi, làm sao nhìn thấy ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo…người dân ở đó nhận ra được giá trị thực sự của vùng đất, giá trị thực sự tốt đẹp của con người mình

Thông thường thì người ta chỉ biết cách thức làm cho người ta nổi tiếng chứ không biết cách thức làm cho người ta hạnh phúc.

Trong cử xử ở nông thôn, quý vị cố gắng giúp cho họ biết chia sẻ, biết rộng lượng, tha thứ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, trong cách ứng xử với những vấn đề nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm… và tôn trọng nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của chúng ta.

Văn hóa truyền thống là kết tinh của trí tuệ, tình cảm của con người qua ứng xử với nhau, trong khi những ảnh hưởng từ các tôn giáo chưa chắc đã tốt. Bởi vì, văn hóa của các tôn giáo là đi từ các nước khác để vào Việt Nam chứ không phải có gốc rễ từ Việt Nam.

Do đó, nhiều khi nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Và rất nhiều học giả Việt nam ngày xưa muốn biến văn hóa trong tôn giáo của các nước xâm nhập vào Việt Nam để trở thành văn hóa Việt Nam.

Điều này hoàn toàn sai lầm, cho dù vị học giả đó có thể được công nhận từ một viện hàn lâm nào đó là triết gia Đông phương…Những cái đó cũng chẳng có ý nghĩa gì cho hạnh phúc của người Việt Nam, cũng chẳng có ích lợi gì cho dân tộc.

Văn hóa thuần túy của người Việt Nam là những sáng tạo về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, đời sống tình cảm từ nước mắt của hạnh phúc, từ nước mắt của tình yêu, từ nước mắt của đau khổ, thậm chí là từ nước mắt của hận thù…của người dân Việt Nam quyện lại trên mảnh đất của họ chứ không phải từ bên ngoài xâm nhập vào.

Những danh tiếng hão huyền của một cá nhân rất nguy hiểm! Anh không thể đem học hàm, danh tiếng của riêng anh để phủ đầu lên kiến thức của dân tộc, để anh áp đặt lên dân tộc những thứ mà dân tộc Việt Nam không có.

Người ta chỉ tôn trọng, học hỏi tinh thần dân tộc chứ không ai đề cao cá nhân – Đó là lý do mà tôi đã nói với quý vị nhiều lần là cho dù tôi có đóng góp to lớn tới cỡ nào cho dân tộc Việt Nam thì tôi cũng không bao giờ có nhu cầu để nói ai đó tôn trọng tôi, quý trọng tôi, tôn kính tôi, tôi sùng tôi.

Người ta quý trọng tinh thần của cả dân tộc. Nếu không có dân tộc ấy thì cá nhân có xuất chúng tới cỡ nào cũng không xứng đáng!

Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận giá trị, công lao của một cá nhân.

Nhưng cá nhân ấy không thể thay thế cho tinh thần của một dân tộc, cho dù cá nhân đó có xuất sắc tới cỡ nào.

Cuộc trao đổi nhanh với quý vị về đồng bào nông thôn tạm dừng tại đây, đây là ấp ủ của tôi từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp để chia sẻ với quý vị.

Trích: Master Duy Tuệ - Chúc Tết Giao Thừa Tân Mão - P1