"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Tham khảo: TTVMPT 02 - Ai Cập Cổ Đại (The Ancient Egyptians)



Một miền sa mạc trải dài, những ngôi mộ khổng lồ, một tín ngưỡng tôn sùng sự bất tử và một vị vua có thể đảm bảo cho ánh mặt trời soi sáng mỗi ngày. Đâu là lý do khiến nền văn minh này có thể tồn tại trường kỳ hơn bất cứ nền văn minh nào khác – trong 3000 năm đáng kinh ngạc? 



Văn minh Tây Phương thực sự bắt đầu từ phương Đông, đó chính là phương mặt trời mọc. Đó chính là nơi những nền văn minh đầu tiên xuất hiện và từ đó phát triển nên những văn minh mà chúng ta đang có hiện nay. Nơi đây chính là vùng Trăng Lưỡi Liềm màu mỡ mà tới nay vẫn được miêu tả trong nhiều sách vở là cái nôi của nền văn minh.

Như ta có thể thấy, đây là một phần tương đối nhỏ của Châu Á và Châu Phi, chạy từ Lưỡng Hà và Syria đến Ai Cập. Tuy nhiên, tầm quan trọng của vùng đất bé nhỏ này lại hiếm khi được phóng đại nhiều như thứ mà ngày nay ta coi như chuyện tất nhiên đều bắt nguồn từ hàng ngàn năm về trước  - từ đồng tiền mà ta đang có trong túi tới quan điểm về sự bất tử…. 

Đây quả thực là một nghịch lý, nhưng hầu hết vùng được gọi là Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ này lại tương đối khô hạn. Khoảng 5.000 năm trước đây, những khu đô thị định cư đầu tiên chỉ tập trung ở ven một dòng sông hay bên một trong những con suối mà mùa hè vẫn có nước. Trong khi đó, ba dòng sông chính – Tigris, Euphrates và sông Nin – thường xuyên ngập lụt 2 bên bờ và biến các thung lũng thành đầm lầy. Vì vậy mà nông nghiệp nơi đây phần lớn dựa vào công tác trị thủy và thủy lợi. Ban đầu cần phải thực hiện thoát nước sau đó tưới tiêu thường xuyên. Tuy nhiên, nếu thực hiện được tất cả những công đoạn trên, ta có thể có một mảnh đất vô cùng màu mỡ, có thể cho những mùa vụ đều đặn không chỉ một lần mà vài lần trong năm. Vì vậy, đây là một mảnh đất vô cùng hứa hẹn; nhưng nó cũng đặt ra những đòi hỏi đặc biệt cho những người lao động trên mảnh đất đó.

Người Ai Cập thường minh họa dòng sông Nin và sự gắn kết giữa họ với dòng sông thành những bức tranh treo trên tường. Đào kênh tưới tiêu và bảo trì kênh là các công việc cộng đồng thậm chí còn quan trọng hơn việc xây tường phòng thủ của làng. Và những công việc chung này càng quan trọng bao nhiêu thì xã hội càng phải đoàn kết chặt chẽ bấy nhiêu để cùng thực hiện.


Việc trị thủy ở vùng Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ này cũng mang đến cho xã hội một lợi thế lớn: Những ai không tuân lệnh có thể bị cắt khẩu phần nước. Với khí hậu ôn hòa như ở châu Âu thì nguồn nước luôn dồi dào và việc bị cắt khẩu phần nước không có gì đáng sợ. Nhưng nếu ở một vùng khô hạn ta có thể chết vì thiếu nước. Do đó, ta có thể hiểu được lý do vì sao ở vùng này lại sớm hình thành các cộng đồng với tổ chức cao như vậy. Một trong những cộng đồng văn minh nhất trong vùng Trăng lưỡi Liềm này (dù không nhất thiết là cộng đồng đầu tiên) được tìm thấy ở Ai Cập – vùng đất mà cách miêu tả chính xác nhất là một ốc đảo giữa sa mạc. Trạng thái tương đối biệt lập này đã khiến dân Ai Cập đoàn kết hơn so với dân cư các quốc gia lân cận và giúp tạo nên con người Ai Cập kiên định, vững vàng, biết bằng lòng với chính mình và rất khác biệt so với chúng ta. Chúng ta năng động, xông xáo, luôn hiếu kỳ và quan tâm tới những biến đổi, những điều mới lạ cũng như mong muốn phát triển. Còn người Ai cập, họ tương đối bị động. Họ không nghĩ nhiều tới việc phát triển, họ quan tâm tới sự ổn định hơn, tới sự quy củ, lặp đi, lặp lại và sự bảo tồn. Đặc điểm này giúp văn hóa của họ được giữ gìn nguyên vẹn suốt 3.000 năm, một kỳ tích!
Đối với người Ai cập, cũng như với nhiều dân tộc khác, đặc điểm địa lý chính là vận mệnh. Chỉ riêng sông Nin đã có thể mang lại sự sống cho vùng sa mạc bao quanh nó. Đó là vào khoảng 10.000 năm trước, ở vùng mà sau này là thung lũng và đầm lầy bên dòng sông Nin, thổ dân địa phương đã chuyển từ săn bắn và đánh cá sang trồng trọt. Qua hàng ngàn năm, họ tìm ra cách thức thoát nước khỏi đầm lầy, biến đầm lầy thành đất trồng trọt, khai thác nước sông. Thế là sông Nin vĩ đại đã trở thành một nguồn sống đối với người Ai cập và cũng đòi hỏi người Ai Cập phải nỗ lực hợp tác cũng như chung sống một cách có tổ chức. Từ đó Ai Cập đã có những bước phát triển quan trọng trước 3.000 năm trước CN: bản đồ thiên văn và hệ thống lịch có thể giúp họ theo dõi sự luân phiên của thời tiết để cấy cày và lưu giữ lại thông tin. Người Ai cập sử dụng một hệ thống chữ viết dựa trên các hình ảnh được gọi là chữ tượng hình. Ban đầu mỗi hình ảnh, mỗi chữ tượng hình là kí hiệu cho một từ. Người Ai Cập cũng dùng các kí hiệu để biểu thị một âm hay một kí tự. Tuy nhiên, vì người Ai Cập tư duy rất cụ thể . Họ luôn muốn dùng các hình ảnh ngay sau các biểu tượng. Cuối cùng, họ còn tìm ra một thứ tiện dụng hơn để viết chữ lên – đó là một thứ chất liệu tương tự như giấy và được làm từ cây cói – giống cây sinh trưởng dọc vùng châu thổ sông Nin. Sau đó hình xòe quạt rất tao nhã của các đám cây cói đã trở thành các gợi ý cho các thiết kế cơ bản của các cột trụ (hay ít nhất là các đầu cột) điển hình trong kiến trúc Ai Cập mà ta vẫn còn thấy ngày nay trong các ngôi đền đã đổ nát. Và nhờ vậy, văn hóa Ai cập mang hình hài môi trường xung quanh theo trăm hướng hình thành khác nhau. Ví dụ như khi nhìn vào bản đồ, ta có thể thấy mặc dù trải ra rất dài nhưng lưu vực sông Nin chỉ rộng có bảy dặm - một ốc đảo giữa hai sa mạc nóng bỏng. Vì Ai cập co cụm giữa sa mạc nên rất dễ phòng thủ trước các cuộc tấn công. Và nhờ có dòng sông Nin, mọi sự dòm ngó đều dễ bị phát hiện.  Sông Nin, nói một cách khác, bảo bọc một xã hội tĩnh, một cuộc sống khá bình an và hạnh phúc. Điều này ta có thể thấy được qua giọng điệu đầy tự tin trong các văn bản thời kỳ đầu của Ai Cập. Thế nhưng, còn có một thế lực thậm chí quyền năng hơn dòng sông Nin ngự trị - đó là Mặt Trời. Mặt trời hoàn thiện những gì dòng sông gây dựng và luôn bùng cháy mạnh mẽ đến nỗi nó trông như một vị thánh thần. Một nhà nghiên cứu về Ai Cập đã nhắc đến trong câu: “Sông Nin buộc con người phải chung sức đồng lòng. Mặt trời cho họ biết chỉ có một thế lực duy nhất thống trị cả thế giới.” Sự cộng sinh giữa mặt trời, sông Nin và lưu vực sông được tái hiện trong 2 vị thần quyền uy nhất của Ai cập là thần Ra và thần Osiris.  Thần Ra là thần Mặt Trời và chính là vị thần tạo ra các vị thần khác, là tạo hóa của sự sống và các quy luật trong cuộc sống của cả con người lẫn thần linh. Orisis là thần Đất, vị thần của sự phì nhiêu, của nước và của cây cối, cũng là vị thần mang đến cái chết và sự hồi sinh. Orisis có một người anh em độc ác tên là Seth, vị thần đại diện cho tất cả những điều chẳng lành và khắc nghiệt: Đó là sa mạc, bóng đêm, người ngoại quốc, sự hỗn loạn và chiến tranh. Đối với người Ai cập, cuộc chiến giữa thần Seth và thần Orisis là biểu tượng cho hàng loạt các sự kiện của vũ trụ, vòng tuần hoàn cái chết sau sự sông và cuộc sống sau khi chết. Trong khi đó, phía dưới lưu vực sông có một vị nửa thần nửa vua. Người này được gọi là Pharaoh, trong tiếng Ai Cập là THEPER-O nghĩa là Hoàng Cung – nơi ngài thiết triều. Từ thời thủ lĩnh đầu tiên tự xưng là Pharaoh khoảng 3.000 năm TCN đến thời Cleopattra, nữ hoàng cuối cùng của Ai cập qua đời 30 năm TCN, Ai Cập đã trải qua 31 vương triều Pharaoh khác nhau. 

Đối với người Ai Cập, chính Pharaoh là người giữ cho mặt trời luôn mọc sau mỗi hành trình xuyên qua màn đêm – biểu tượng là con báo – và an toàn kết thúc hành trình lúc bình minh. Chính Pharaoh là người đảm bảo cho vụ mùa khi là người đầu tiên cầm trên tay cây cuốc trong các nghi lễ và cũng chính Pharaoh là người ném các chiếu chỉ xuống dòng sông Nin để quy định khi nào có lũ, khi nào không. May cho Ngài là mệnh lệnh của Ngài thường được thi hành một cách rất linh hoạt. Nếu Pharaoh là một vị thần, ông cũng là nhà nước. Ngài sở hữu tất cả mọi tài sản của thần dân và thậm chí còn sở hữu cả chính những con người ấy. Mọi quan lại trong vương triều nhân danh Ngài mà hành động. Tất cả thi hành nhiệm vụ của mình vì niềm vui thích thiêng liêng của Ngài. Luật lệ không được soạn thảo mà chỉ dựa trên thông lệ và nó chỉ đơn thuần là lời nói của Vua – tức là cách ông giải thích ý chí của thần thánh và công lý tối cao. Những quyết định này chẳng có quy luật gì hết vì mỗi quyết định trong đó chỉ đúng trong thời điểm và hoàn cảnh của nó. Và hơn nữa, một khi luật được soạn ra thì bản thân bộ luật đó phải có quyền lực – một quyền lực có thể sánh ngang với quyền lực của Đấng Tối Cao mà chính ý nguyện và ý thích ngẫu nhiên của Ngài đã là pháp luật. Chỉ có Pharaoh cơ sở thể hiện duy nhất chân lý tột cùng, công lý, tính thiện và quyền năng vũ trụ, của sự hài hòa và trật tự mà người Ai Cập gọi là MA’AT. Khi phán quyết cuối cùng cho người đàn ông đã chết, người ta so cân nặng của trái tim ông ta với một chiếc lông vũ của nữ thần chân lý và điều thiện. Quyền lực của Pharaoh lớn đến nỗi, Ngài không những nắm trong tay luật sinh tồn trên trái đất mà Ngài còn bất tử. Chỉ có Ngài mới chắc chắn có kiếp sau hạnh phúc vĩnh hằng. Những người có thể hy vọng về một cuộc sống trường tồn chỉ có thể là người trong Hoàng Gia Pharaoh và những người đi theo Hoàng Gia để phục vụ họ trong kiếp sống sau khi chết. Các Kim Tự Tháp này cho ta biết công trình mai táng Pharaoh quan trọng như thế nào. Càng lùi về sau này, các Pharaoh càng xây những lăng mộ vĩ đại hơn. Kim Tự Tháp đầu tiên được xây nên ở Sakkara vào vương triều Pharaoh thứ 3. Nó có thể là ví dụ đầu tiên về kiến trúc đá trong lịch sử. 

Dọc theo công trình Kim Tự Tháp này ta vẫn thấy một ngôi mộ nhỏ hơn của một người quý tộc. Việc ông ta được chôn cất gần ngôi mộ hoàng gia và việc được khắc tên hay sơn tên lên ngôi mộ của mình cho thấy người này đã phục vụ Pharaoh rất tận tụy trong quá khứ và có thể tiếp tục phục vụ vua ở thế giới bên kia. Và vì vậy người đó được đưa đi theo vua sau khi chết. Tất nhiên, vinh dự hơn nữa là được vẽ hình ở ngay bên trong lăng mộ hoàng gia như viên đại quan của nữ hoàng Hatshepsut đã được khắc chân dung đằng sau cửa ra vào của ngôi đền nữ hoàng. Và như vậy, vị quan lại đó có thể bước vào cuộc sống trường tồn cùng với bà. Đỉnh cao của các công trình lăng mộ này bắt đầu vào năm 2.600 TCN với những Kim Tự Tháp của vương triều thứ 4 và đặc biệt là KTT vĩ đại của Kheops ở Giza, ngay phía bắc Memphis, thời đó là thủ đô của Ai Cập. KTT vĩ đại cao gần 174m và là khối kiến trúc với gần 2 triệu khối đá vôi. Hầu hết những tảng đá vôi này đều nặng từ 2 đến 3 tấn, một số trong đó nặng đến 15 tấn. Vua Napoleon một lần đã đứng dưới bóng của KTT này và tính toán rằng khối đá phía trên ông đủ để xây một bức tường bao quanh nước Pháp với chiều cao hơn 3m và bề dày hơn 0,3m. Tất cả số đá này đều được kéo lên và đặt liền lề nhau với độ chính xác phi thường chỉ bằng sức kéo của những phu lao động theo nghĩa vụ. Trong suốt những tháng mùa hè, họ sống trong các trại lao động. Khi nước sông đã tràn ngập các cánh đồng thì chính nước lũ đã hỗ trợ đắc lực cho việc vận chuyển đá từ các mỏ đá một bên bờ sông tới các KTT ở bờ bên kia. Pho tượng nhân sư cận kề đó cũng là một công trình lớn – dài 83,52m và cao gần 23m – nhưng ít nhất thì người ta cũng không phải kéo đá để dựng lên nó mà chỉ khắc lên phiến đá đã có sẵn ở đó từ lâu. Tuy nhiên, những công trình dễ mô phỏng nhất của người Ai cập lại là những kết cấu cột tháp – những cột trụ cao hình chóp. Mỗi cột trụ được khắc từ duy nhất 1 khối đá granite với chiều cao khoảng từ 23 – 35m. Ngày nay, ta có thể thấy chúng ở các thủ đô của các nước châu Âu và tất nhiên là ở cả Washinton – nơi người Mỹ như thường lệ đã cải tạo trên kiến trúc cũ  và tạo ra một khối kiến trúc lớn hơn gấp 5 lần. Tương tự như các KTT, các cột trụ tháp này đại diện và là biểu tượng cho vầng ánh sáng tròn khi các tia nắng mặt trời tỏa ra và khát vọng tìm đến sự bất tử của con người – tìm đến sự hòa hợp với thần linh.

Tuy nhiên nỗ lực xây dựng nên các công trình lăng mộ đã không thể duy trì trong thời gian dài. Công việc này huy động quá nhiều nhân lực và vật lực của đất nước. Giữa giai đoạn năm 2.500 và 2.300 TCN các vị vua ở các vương triều thứ 5 và 6 đã xây nên những KTT có kích thước nhỏ hơn nhiều. Việc giảm đi về kích cỡ này gắn liền với việc thu hẹp về địa vị của vua chúa, cùng lúc đó là sự nổi lên của các tăng lữ và tầng lớp quý tộc.  Đây chính là giai đoạn văn minh Ai Cập phát triển rực rỡ nhất. Những thương vụ vượt biên giới tới Lebanon để nhập về cây tuyết tùng, tới Crete để nhập dầu Oliu, và tới tận miền sa mạc để khai thác đồng đỏ. Toàn bộ quốc gia phát triển vượt bậc cả về kinh tế lẫn tri thức trong 4 vương triều đầu tiên. Những thành tựu đó ban đầu đã mang lại cho Pharaoh 1 quyền lực và danh tiếng lớn hơn. Tuy nhiên, khi nhà nước trở nên mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn, Pharaoh cần phải có nhiều quan lại hơn nữa. Khi chính quyền trở nên phức tạp hơn, nhiều bộ phận hơn và các quan lại được cử đi xa khỏi thủ đô thì họ càng ngày càng tự tung, tự tác. Các quan lại này có trách nhiệm hành xử theo ý nguyện của nhà vua nhưng trong thực tế họ có thể đưa ra những phán xét độc lập. Và rất phi lí rằng, với tham vọng mở rộng tầm kiểm soát của mình, các quyền lực trung tâm của chính quyền chuyên chế hoàng gia lại tạo nên những nhân tố đối trọng mới để triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân này. Khi các quan lại hoàng gia thực hiện lệnh của Pharaoh thành công, họ được cấp đất phong và chức vụ của họ cũng có thể được truyền cho con cháu. Tài sản và địa vị của quan lại đã trở nên vững chắc hơn. Họ không còn phụ thuộc nhiều vào Pharaoh trong kiếp này và kiếp sau nữa. Trong khi đó, những công trình mai táng vĩ đại bao quanh các lăng mộ hoàng gia chiếm nhiều đất đai để giữ cho các tăng lữ luôn cầu nguyện và các vị vua đã chết luôn hạnh phúc – những thành phố chết rộng lớn ấy không chỉ ngốn hết rất nhiều của cải trong quá trình xây dựng mà còn chiếm luôn vùng đất này. Ai cập dành rất nhiều đất để xây đền chùa và lăng tẩm sau khi đã hoàn thành và Pharaoh được chôn cất đến nỗi số lượng các tăng lữ và cả sự giàu có của họ đã tăng lên đáng kể. Đồng thời, các vua Pharaoh mất nhiều đất hơn, mất đất là mất đi 1 nguồn tài sản lớn.

Khi tài sản và quyền lực của Pharaoh giảm đi , quyền lực của ngài cũng bị phân tán cả về chính trị lẫn phép thuật.

Vào năm 2.600 TCN, vương triều thứ 4 và sau đó là vương triều thứ 5, các lăng mộ của người quý tộc tập trung thành cụm xung quanh khu vực lăng mộ của vua chúa. Cho đến năm 2.300 TCN, vương triều thứ 6 thì nhiều nhà quý tộc đã xây mộ ngay trên đất của ông ta, ở xa lăng mộ của vua. Họ cùng nhiều tăng lữ và các  quan to trong triều đình ngày càng tin tưởng rằng họ rất có thể có một cuộc sống vĩnh hằng của riêng họ. Họ không còn phải làm phiền Pharaoh và cũng không bị Pharaoh làm phiền nữa. Họ không chỉ có thể xây dựng nên một cõi vĩnh hằng mà còn có thể giải thích về trật tự MA’AT, công bằng và chân lý – những cái mà trước đây chỉ thuộc quyền định đoạt của các vị vua Pharaoh. Và như thế vương triều thứ 6 đã kết thúc vào năm 2.200 TCN. Cùng với sự suy vong đó đã kết thúc 1 giai đoạn được biết đến với cái tên thời kỳ Cổ Vương Quốc.

Trong 2 thế kỷ sau đó, sự phân tán quyền lực của các vị vua thất thế của Ai cập đã tạo ra những vết rạn nứt về tình trạng hỗn loạn trong đó quý tộc và hoàng thân tranh giành nhau quyền lực tối cao.

Một giai đoạn được gọi là Trung Vương Quốc bắt đầu khi 1 triều đại Pharaoh mới vãn hồi được trật tự. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của vương triều này cũng rất yếu kém: Lời nói của Pharaoh không còn là luật pháp nữa – các đạo luật bắt đầu được soạn ra và các đề nghị của Pharaoh cũng chỉ được chấp nhận nếu Ngài sáng suốt và có quyền lực. Cùng với việc giai cấp thượng lưu ngày càng trở nên độc lập hơn, khả năng hoàng gia mất đi sự kiểm soát của mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Một thời kỳ chiến tranh, loạn lạc và mất trị án khác mở ra vào những năm 1.700 và 1.500 TCN. Tuy nhiên, trong giai đoạn này quân xâm lược từ các nước vùng Đông Bắc đã đổ bộ vào – đó là những người hiếu chiến, trang bị quân đội tốt hơn người dân Ai Cập. Họ sở hữu ngựa chiến, xe ngựa kéo và cung nỏ mạnh mẽ hơn. Đó là Hykos – một dân tộc Xê Mít đến từ châu Á. Lúc này Ai cập không còn là một ốc đảo nữa mà đã bị biến thành một bãi chiến trường. Lần đầu tiên trong lịch sử, một phần lãnh thổ của Ai Cập đã bị chiếm giữa bởi quân ngoại quốc. Sự an toàn tuyệt đối trước các cuộc xâm lấn của ngoại bang – từ lâu là cơ sở cho vương triều – nay đã sụp đổ. Khi quân ngoại quốc cuối cùng bị đuổi ra khỏi lãnh thổ thì các vị Pharaoh – chiến binh vĩ đại lên ngôi vào thế kỉ 16 TCN với những chiến tích hào hùng được khắc họa thành các bức tranh trên các tường thành.

Dưới thời Tân Vương Quốc, Ai Cập có nhiều giai đoạn vinh quang hơn và nhiều năm tháng hòa bình hơn, trong khoảng từ năm 1.500 tới 1.000 TCN. Rõ ràng là mọi thứ vẫn không phải là quá tệ vì chính trong giai đoạn này đã ra đời một vài bức họa khắc tuyệt đẹp vẫn còn tồn tại đến nay. Những bức họa cảnh săn bắn và những bữa tiệc, và trong một bữa tiệc một nhạc công mù đã ca lên một bài cổ xưa, cổ xưa như tất cả những điều tốt đẹp ở Ai cập, vẫn luôn được cất lên trong một thời gian dài. Bài hát đã kết thúc như sau: “Dành một ngày vui vẻ. Hân hoan trong những hương thơm ngọt ngào nhất. Điểm tô cổ và vòng ta vợ ta bằng những bông sen. Và giữ cho người thương luôn ở bên ta. Ca hát và nhảy múa không ngừng nghỉ, để mọi lo lắng trôi đi. Để suy nghĩ thảnh thơi trong hư vô và thanh thản vì sẽ sớm tới phiên ta chu du tới miền đất bình yên.”  Quả là ngọ ngào! Thế  nhưng người Ai Cập không thể quên được nỗi hổ thẹn vì sự xâm lược của người Hykos, họ trở nên rất lo lắng và bất an.

Tân Vương Quốc lại đối mặt với những cuộc xâm lược mới và một đội chiến binh thiện chiến hùng hậu với các nhà cầm quyền trị vì quốc gia cùng với tăng lữ ở khắp mọi nơi. Tới thời điểm này, quyền lực của các vị vua tối cao chỉ còn là hình thức. Vì bộ máy nhà nước và hệ thống quan lại mang tính hình thức nay đã bớt phụ thuộc vào truyền thống và thông lệ mà chuyển sang quy tắc và luật pháp – bớt phụ thuộc vào trật tự MA’AT mà chuyển sang kỷ luật chính thống và lòng mộ đạo. Nhưng thật không may cho Tân Vương Quốc, khi người dân Ai cập lại ham thích hưởng thụ cuộc sống hơn là các cuộc tranh đấu. Quân đội không được phổ biến rộng rãi, trang bị quân đội cũng lỗi thời. Do đó, khi Ai cập bị tấn công bởi những lực lượng hùng mạnh họ thường thua trận và đó chính là điều mà ta thấy đã diễn ra trong hàng ngàn năm trước CN.    

Sau khi Ai cập bị xâm lược lần cuối cùng vào năm 330 TCN bởi Alexander Đại đế, đất nước này nằm dưới quyền cai trị của vương triều Ptolemy. Họ là hậu duệ của một trong những tùy tướng của Alexander cho đến khi vương triều cuối cùng kết thúc thảm hại với sự kiện nữ hoàng Cleopatra tự vẫn và Ai cập trở thành thuộc địa của La Mã.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu nhất đó là dọc qua suốt thời gian này hình ảnh về vị vua Pharaoh vẫn luôn vẹn nguyên. Lý tưởng của người Ai cập, với phong thế quen thuộc và những hình mẫu đã được gây dựng 3.000 năm trước đó – những điều đó đã tồn tại lâu hơn bất cứ thứ gì thuộc nền văn minh Tây Phương. Và trong khi hình thức còn vững bền thì nội dung lại thay đổi: Sự bình yên và thanh thản của người Ai cập lúc đó đã bị rạn nứt. Lời ca của người đánh đàn hạc vẫn tiếp tục được cất lên nhưng những ca từ của bài hát đó không còn mang ý nghĩa gì nữa hoặc nếu có thì chỉ nhắc nhở ta về một thời kỳ vàng son từ rất lâu và xa xôi.

DDT phiên tả và chuyển thể - 12.2010