"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Bản Chất Văn Hóa Sâu Thẳm Của Người Việt Nam


Bây giờ, ông trở về đề tài chính hôm nay mà ông muốn trao đổi với các cháu, đề tài chính mà các cháu cần phải biết. Cái này mang một tính chất khác. Nó mang tính chất để cho các cháu biết cách nhìn về mình, biết cách nhìn về người khác, biết cách ăn nói, biết cách trả lời. Làm sao nhìn về giá trị người khác cũng như nhìn giá trị của mình, nó là cái gì ? Mình nhìn về người của các dân tộc khác như thế nào ? Các dân tộc khác tuy có những điểm nào đó giống chúng ta nhưng cũng không thể giống hệt như chúng ta được.


Đã lâu lắm rồi, ông có nhắc đến đề tài ‘Khi các cháu đi ra ngoài, các cháu biểu hiện thế nào là văn hóa Việt Nam ?’ Các cháu sinh ra ở nước ngoài, các cháu cũng không thể hiểu được thế nào là văn hóa Việt Nam vì bố mẹ cũng không thể dạy mình. Cái này khó dạy lắm! Ông nói cái điều cốt lõi này thôi chứ ông không nói chuyện lễ lạy, cách tổ chức sinh nhật, đám cưới, ăn Tết hay những truyền thống… Ông không nói những cái đó nhé! Ông nói những vấn đề cốt lõi, những vấn đề quan trọng chứ không nói mấy cái chuyện kia. Vì nói về văn hóa thì nhiều lắm, văn hóa ăn uống, văn hóa lễ hội, văn hóa này, văn hóa kia đủ thứ…

Bây giờ, ông nói về vấn đề văn hóa cốt lõi nằm trong con người của chúng ta mà tất cả các cháu phải biết. Nếu các cháu không biết thì các cháu sẽ lúng túng khi gặp các dân tộc khác trên thế giới bởi thế giới ngày càng hội nhập, chúng ta không thể sống một mình mà đóng cửa ở trong nhà được.

Vậy điều gì làm nên đặc tính hay tính chất của người Việt Nam ?

Khi nói đến người Việt Nam thì bao gồm những tính chất đặc biệt nào trong suy nghĩ, trong cách mình nhìn thiên hạ, mình nhìn mình? Nếu mình là người Việt Nam thì bản chất về tầm nhìn, tầm suy nghĩ, nó là cái gì?

Đây là ông muốn nói tới một thứ văn hóa chiều sâu. Người ta ít để ý tới văn hóa chiều sâu này lắm, còn văn hóa chiều cạn thì ai cũng nói được và người ta cũng nói nhiều lắm rồi. Ông không cần mất thời giờ để nói chuyện ấy cho các cháu nghe. Nhưng ông muốn chỉ, muốn truyền trao cho các cháu, các cháu cùng với ông bàn thảo cái văn hóa chiều sâu trong đầu óc của người Việt Nam khác với dân tộc khác trên thế giới là cái gì ?

- Cháu nào biết ? Nói thử vài điểm ông nghe.

Ông ví dụ, nếu tổ chức một trại hè quốc tế cho độ tuổi của các cháu, thì khi gặp nhau trẻ em mỗi một dân tộc trên thế giới bộc lộ khác hết. Có những cái rất giống nhưng có những cái rất khác.

- Các cháu bộc lộ làm sao ? Ông hỏi cách các cháu bộc lộ chiều sâu trong đầu óc chứ ông không nói quần áo, ông không nói màu da, ông không nói chuyện áo dài, khăn đóng…. Các cháu bộc lộ làm sao?

Không phải các cháu nói tôi mặc áo dài còn cô bạn tôi người Nhật Bản thì mặc kimono, còn mấy bạn châu Âu thì mặc áo đầm… Ông không nói chuyện đó! Mà ông nói chuyện văn hóa chiều sâu trong đầu óc, thể hiện trên gương mặt của các cháu đó. Nó thể hiện hành vi làm việc, đi đứng nằm ngồi, nói năng. Nó thể hiện qua gương mặt của mình và nó thể hiện qua cách mình cư xử, làm việc và sinh hoạt trong một trại hè thế giới, thì nó khác nhau làm sao giữa dân tộc Việt Nam, dân tộc Thái Lan, dân tộc Mỹ, dân tộc Nga, dân tộc Trung Quốc… ?

Sau khi trại hè tan, các cháu chia tay các bạn, dân tộc nào trở về dân tộc đó, thì cái lưu lại trong tâm hồn, tâm trí mỗi người, chắc chắn phải có cái gì đó lưu lại. Các cháu sẽ để lại hình ảnh gì của các cháu trong tâm trí, trong đầu óc, trong cháu tim của các bạn ở dân tộc trên thế giới ? Cái mà các cháu để lại, cái mà các chinh phục được, làm cho người ta lúc nào cũng nhớ dân tộc mình, cái đó là văn hóa tâm hồn của các cháu. Đó là điều gì ?

Có phải là, ‘Ôi trời ơi, cô bé Thập Nhãn người Việt Nam kể chuyện hay quá, nó xem phim nó kể chuyện hay quá…’ ? - Cái đó nó không để lại ấn tượng gì nhiều.

Hay là : ‘Nó chưa có lớn mà nó làm nhiều chuyện giỏi ha !’  - Cái đó cũng được, nói về tài năng thì có thể có một ít ấn tượng. Nhưng nó không đi vào chiều sâu của người ta được. Nó không chinh phục cháu tim. Cái đó không phải văn hóa, cái đó là kiến thức, là khả năng.

Chính cái văn hóa chiều sâu nó mới chui sâu vào trong tâm hồn. Nó làm cho người khác được chinh phục. Khi đi thi, các cháu có thể nói nhiều thứ tiếng nhưng cái đó không thuộc về văn hóa, nó thuộc về khả năng. Các cháu hãy nhớ điều này, rất là quan trọng!

Khi nhận thức được điều này các cháu mới thấy là, cái tính chất, cái bản tính văn hóa chiều sâu quan trọng vô cùng - mình phải biết. Mình là người Việt Nam, mình phải biết cái này của người Việt Nam mình. Có thể dân tộc nào đó có thể một phần nào đó giống dân tộc chúng ta nhưng đa số là khác.

- Nguyệt Thiên, Thập Nhãn.. các cháu có ý kiến gì không ?

Ông với các cháu thảo luận về vấn đề này, các cháu có quyền nói theo suy nghĩ của các cháu. Ông không có giảng bài, ông đang trao đổi với các cháu. Các cháu thảo luận, bàn với nhau chuyện này xem sao, ông chỉ thắc mắc vậy thôi chứ chưa biết là chuyện gì nữa, ông cần lắng nghe các cháu.

Thập Nhãn : Cháu nghĩ khi đi trại hè, có rất nhiều cái để lại ấn tượng cho người ta, mỗi người có cách để lại ấn tượng riêng. Ví dụ ấn tượng về những tật xấu hoặc những cái tốt của mình. Ấn tượng tốt là mình dành tình cảm cho người ta, ánh mắt mình nhìn người ta…

Ông : Cảm ơn cháu. Các bạn khác ?

Ấn tượng các cháu để lại trong trại hè quốc tế là rất tự nhiên nhé, tức là cái gì bao gồm cách thức suy nghĩ, cách thức cư xử, cách thức ăn nói… mà các cháu không cố gắng làm cho người ta thấy ấn tượng, nó rất tình cờ, chính các cháu cũng không biết mới là bản chất văn hóa chiều sâu. Còn cái gì các cháu cố gắng làm thì cái đó không phải, các cháu phải lưu ý như vậy!

Khi các cháu sinh hoạt, ăn nói, cư xử đi đứng với nhau mà làm cho một số các dân tộc bạn bè khác người ta ấn tượng, người ta không thể nào quên mình được - Đó cũng là điều mà chính các cháu cũng không hề biết vì các cháu không có cố ý nào để gây ấn tượng. Thì cái đó mới đúng là nằm trong bản chất văn hóa sâu thẳm. Còn mấy cái các cháu cố gắng làm là không phải. Cái gì mà diễn ra tự nhiên thôi, tự nhiên đến mức chính cháu cũng không biết.

- Mời các bạn khác! Nguyệt Thiên, Phổ Sơn, Tuệ Như Ước Mơ…

Các cháu cứ thấy gì nói nấy, giống như Thập Nhãn nói vậy đó. Ông nói rồi, ông biết là có cái đó nhưng chưa biết là cái gì, ông đang nghe ý kiến của các cháu. Có cháu nào có ý nào không?

Chú Duyên Nhẫn, chú Tịnh Trí giúp các cháu xem!

Duyên Nhẫn : Thế theo Hóa Kiếp, điều gì mà các cháu thể hiện hay những người thân xung quanh thể hiện mà để lại ấn tượng tốt với khách nước ngoài hoặc người nước khác nhỉ ? Ví dụ cháu gặp họ cháu có chào họ không ? Họ mà đi không biết đường họ hỏi cháu thì cháu có chỉ cho họ không ?

Ông : Các cháu không để ý phải không? Từ nãy tới giờ bài viết của các cháu thể hiện hết rồi đấy. Nó có rất nhiều chứ không phải một phần đâu. Nó thể hiện trong bài viết của các cháu mà hồi nãy các cháu đọc cho ông nghe đó. Các cháu nhớ lại bài viết của mình là các cháu sẽ thấy có cái đó.

Ông nói ví dụ, trong trại hè quốc tế có các bạn đến từ Trung Quốc mà các cháu nghe kể về chiến tranh, nước Trung Quốc đánh mình bao nhiêu lần, chính phủ Trung Quốc người ta ăn hiếp nước mình… Rồi lính Mỹ bắn giết đồng bào mình khá nhiều, những nước khác đem quân đội đến giết nước mình nhiều. Hồi đó Đại Hàn cũng đem quân sang đánh nước mình , rồi Nhật Bản cũng đem quân sang đánh nước mình … Thì trong trại hè đó, các cháu cũng gặp gỡ với các bạn đến từ các nước đó. Các bạn đó cũng nghe kể ngày xưa lính Đại Hàn, lính Trung Quốc, lính Mỹ, lính Pháp… vào đánh người Việt Nam…. Rồi bây giờ gặp các cháu tại trại hè, các bạn ấy mới thấy người Việt Nam, có mấy cậu bé, cô bé đến cắm trại hè này. Mấy đứa bé Trung Quốc thấy thì nghĩ thầm rằng : ‘À mấy đứa Việt Nam này cũng nhỏ nhỏ cháu. Nước nó cũng nhỏ, mình khinh nó,  thôi mình cũng ăn hiếp luôn mấy đứa này.’

Các cháu thấy vậy, hiểu được như vậy nhưng các cháu cư xử rất bình thường.

Ví dụ như mấy bạn Đại Hàn nói :

‘À, mình nghe ba mình nói lính Đại Hàn giết người Việt Nam nhiều lắm hả bạn? Bạn đọc lịch sử, bạn có biết không?

- Có, mình có biết. Mình đọc lịch sử, mình biết.

- Thế bây giờ, bạn có giận mấy ông lính Đại Hàn đó không ?

- Không, mình không giận, không để ý gì đâu. Chuyện chiến tranh hồi xưa mà, thôi vui chơi trại hè đi, không có bàn chuyện đó, chuyện của lịch sử. …Nhà bạn có mấy anh em, bố bạn hiện đang làm gì ? Mẹ bạn hiện đang làm gì ? Kể mình nghe…’

Rồi các cháu cư xử rất bình đẳng, thấy các bạn ấy cần gì thì mình giúp. Khi nói thì mắt mình cười, môi mình cười. Mình nói : ‘Trời ơi, người Đại Hàn dễ thương quá nhỉ, lịch sự quá nhỉ! Mình thích mình chơi với bạn, mình muốn giúp bạn’.

Khi đó, cô bạn Đại Hàn hay cô bạn Trung Quốc mới suy nghĩ ‘Đúng ra cô bạn Việt Nam này phải ghét mình chứ nhưng tại sao lại chơi thân với mình ? Còn hỏi thăm gia đình, cho địa chỉ ở Việt Nam, mời ghé thăm nhà chơi.’ Nó thấy cô bạn Việt Nam không đố ky, tị hiềm, thành kiến gì… Tự nhiên vậy thôi.

Mặc dù, người ta có thành kiến có khinh mình thì mình cũng không để ý là người ta khinh luôn. Bạn đó có coi nước mình là nước nhỏ, nước nghèo, thôi kệ mình không để ý tới. Mình cứ hồn nhiên vui chơi với bạn ấy vậy thôi.

Nhưng rồi, những bạn chơi với mình tại trại hè đó, sau này lớn lên hai lăm, hai mươi sáu tuổi, rồi được làm chức này, chức kia, làm nhà khoa học, nhà chính trị hay làm nhà văn… Rồi chính những bạn đó nhớ lại hồi đó, ở trại hè mười mấy năm trước, nó điều chỉnh chính sách...

Vậy chiều sâu thẳm của văn hóa Việt Nam xuất phát từ cái nhìn trong đầu óc rồi tạo ra thói quen cư xử, như là :

1.Không nhớ tới quá khứ đau buồn.

Khi người ta nói tới chuyện đau buồn mình cố gắng thuyết phục người ta đừng có nói chuyện đau buồn nữa. Nói chuyện bây giờ, nói chuyện ngày mai, nói chuyện tương lai, không có nói chuyện quá khứ. Đó là một nét văn hóa sâu thẳm trong tâm hồn của người Việt Nam, không có nhìn về quá khứ đau buồn. Quên cũng như sẵn sàng tha thứ những chuyện không tốt đẹp của quá khứ.

Đa số người Việt Nam là có dòng máu này hết. Nó từ trong dòng máu của mình rồi, không phải là một sự cố gắng tha thứ hay không phải là một sự cố gắng thông cảm, hay không phải là một sự cố gắng quên đi những chuyện đau buồn trong quá khứ. Nó là một cái tự nhiên thôi, nó ngấm trong máu, sâu trong người mình rồi. Cho nên nó thể hiện trong ánh mắt mình rất là thân thiện chứ không đóng kịch.

Cũng như bây giờ, ông là người lớn tuổi hơn các cháu, ông cũng nghe những chuyện người Trung Quốc ăn hiếp người Việt Nam, đủ thứ chuyện hết chứ. Ông cũng có ít nhiều thành kiến không có thiện cảm với chính quyền Trung Quốc hay người Trung Quốc. Nhưng ông có phải hoàn toàn như vậy không? – Không! Ông vẫn nhìn thấy những điều hay, những điều tốt đẹp thân thiện của người ta. Ông cũng có một nửa trái tim để yêu người ta được. Không có gì ông phải thành kiến một cách nặng nề. Đó là bản chất của mình nó vậy thôi. Chứ không phải vì mình yếu thế quá cho nên thôi, mình ráng mình nhịn nó. Không phải vậy! Nếu nói trong lịch sử thì có khi nào Trung Quốc đánh thắng Việt Nam bao giờ đâu ? – Chưa bao giờ! Mặc dù Việt Nam nhỏ.

Đó là một đặc điểm trong tâm hồn của người Việt Nam thể hiện qua cách mình nhìn, cách cư xử, thể hiện qua gương mặt của mình, mình ăn nói, mình làm việc. Đó là một điểm.

2. Tính hiếu học của người Việt Nam rất lớn.

Một điểm nữa là các cháu thấy là tính hiếu học của người Việt Nam rất lớn. Học ở trường, học ngoài trường, tự học. Giống như cái máu trong người, đi tới đâu cũng học, làm cái gì cũng học. Tính hiếu học này hay lắm, bây giờ làm cho người Mỹ khâm phục, châu Âu khâm phục, thế giới khâm phục. Cha mẹ người Việt Nam mà sống ở nước ngoài thì dồn hết sức cho cháu cái đi học và việc này trở thành nổi tiếng trên thế giới. Tại Đức, người ta thống kê số sinh viên giỏi nhất trong các trường học ở Đức là người Việt Nam. Ở Mỹ cũng vậy và ở nhiều nước. Dĩ nhiên cũng có một chút ma lanh trong chuyện học. Nhưng ý chí và quyết tâm học rất lớn.

Cũng có thể người ta bình luận là nó làm siêng, hay nó cũng có ý chí trong chuyện học nhưng cũng có sự ma lanh trong chuyện học để được điểm cao… Cái đó mình không bàn tới. Nhưng cái ý chí và quyết tâm học lớn lắm, trong nước cũng như ở hải ngoại. Mà nó tự nhiên như vậy chứ không phải là không tự nhiên.

3.Sự quan tâm tới đời sống của gia đình

Một điểm văn hóa trong chiều sâu nữa trong tâm hồn người Việt Nam là gì ? Đó là sự giúp đỡ, quan tâm đến đời sống của gia đình.

Các cháu thấy trong bài viết của các cháu, mặc dù các cháu còn nhỏ nhưng cũng để ý đến không khí gia đình. Xem bố mẹ làm ăn có tốt không ? Các cháu không nói ra nhưng các cháu nhìn, các để ý biết hết. Rồi tự các cháu cũng nghĩ rằng sau này mình lớn lên mình cũng góp phần giúp cho bố mẹ mình đừng có lời qua tiếng lại cãi nhau mất hạnh phúc nữa. Lớn lên mình cũng kiếm việc làm để góp phần kinh tế cho bố mẹ. Thì cái tính giúp đỡ trong gia đình lớn lao lắm.

Còn tất cả những người sống ở hải ngoại do ngày xưa vì điều kiện nào đó hay thấy như nào đó mà vượt biên, ông nghe người ta kể rất là cảm động. Không phải một người, không phải ở  một quốc gia mà ông đi đến quốc gia nào người ta cũng kể giống nhau cả. Mà khi người ta kể mình không cầm được nước mắt. Người ta kể thế này : Những ngày đầu đến xứ người rất là lạ nhưng không sợ chết, không sợ đói, không sợ nguy hiểm nơi xứ người. Mà làm được đồng nào là ăn ít lại mà gửi cho gia đình. Có nhiều người kể ông nghe: Ở xứ Mỹ, nơi thực phẩm dư thừa quá nhiều cho nên người ta ăn cái gì ngon thì người ta nhớ đến gia đình không chịu được.

Tính chăm lo cho gia đình của người Việt Nam dù ở xứ mình hay ở xứ người đều hết sức lớn lao. Trong khi ở rất nhiều nền văn hóa khác người ta chỉ lo cho cá nhân người ta. Và người ta còn buộc hay trách móc người khác sao không lo cho người ta. Còn người Việt Nam mình là như vậy đó - lo lắng, quan tâm, đùm bọc cho nhau.

Cho nên, nói người Việt Nam không đoàn kết là nói vậy thôi chứ tinh thần lo lắng cho nhau nó hiếm hoi, nó lớn lao lắm so với các dân tộc khác trên thế giới. Tình cảm gia đình của người Việt mình lớn lắm, lúc nào cũng lo lắng cho bố mẹ, lúc nào cũng nghĩ tới anh chị em, ông bà, dòng họ mình đang khó khăn.

4. Người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn được tôn trọng nhất

Và cái tính nữa, đặc biệt nhất là ở đàn ông Việt Nam, người ta chê đàn ông đối xử với phụ nữ không tốt đẹp bằng đàn ông Tây… Nhưng mà ông không có nhìn thấy như vậy.

Ông đi khắp nơi trên thế giới, mặc dù các tài liệu tôn giáo trên thế giới đều xem thường vai trò người phụ nữ trong xã hội. Riêng người Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo mà mình đã theo, nhưng có một chuyện mà mình không bao giờ bị ảnh hưởng và ông rất khâm phục người Việt Nam – đó là dù anh theo đạo nào thì người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn được tôn trọng nhất.  Còn đối với thế giới, thí dụ như người ta theo đạo Hồi thì người ta sẵn sàng chết trong kinh sách. Và các cháu biết là trong tất cả, phần lớn tôn giáo, không có tôn giáo nào tôn trọng phụ nữ, đề cao phụ nữ cả. Đây là chuyện có thật, rành rành trong tôn giáo, không có che giấu ai được.

Bản thân người phụ nữ cũng tự phát huy vai trò của mình trong xã hội mà không bị ảnh hưởng bởi các truyền thống trong tôn giáo. Mặc dù mình theo tôn giáo đó. Thí dụ, một số phụ nữ Việt Nam theo đạo Hồi, nó khác với phụ nữ các dân tộc khác theo đạo Hồi. Cái tính bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam vẫn nổi trội hơn nhiều. Và đặc biệt người đàn ông theo đạo Hồi ở Việt Nam thì cũng tôn trọng người phụ nữ nhiều lắm !

Ông nói chuyện liên quan đến vấn đề tôn giáo để ông chỉ ra vấn đề chính cho các cháu rõ hơn thôi. Nhưng mà nói chung, đa số người đàn ông Việt Nam tôn trọng và bình đẳng với phụ nữ. Và nói chung, phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ được tôn trọng, bình đẳng là vô cùng cao so với Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác.

Và ông đánh giá cái điểm này rất lớn. Thì đây là một đặc điểm văn hóa sâu thẳm trong đầu óc con người Việt Nam.

Dĩ nhiên chúng ta nhìn đây đó có những hiện tượng này, hiện tượng kia, hiện tượng xấu nhưng đó không phải là bản chất. Cũng như một kẻ từ nhỏ được cho ăn học, ngoan hiền, chưa gây tiền án, tiền sự nhưng khi lớn lên bỗng dưng nổi khùng hay ham tiền ham bạc nó đi cướp, giết người để lấy tiền. Cái hiện hung ác đó không phải là bản chất, nhất thời nó vậy thôi. Người Việt Nam đặc biệt như vậy.

5. Người phụ nữ Việt Nam có tấm lòng chung thủy

Và một điểm nữa mà ông cho rằng rất cao quý ở người Việt Nam, từ tính chất tôn trọng sự bình đẳng, tự do giữa đàn ông và phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam trong xã hội rất được trân trọng. Người phụ nữ Việt Nam có tấm lòng chung thủy, rất chung thủy.

Dĩ nhiên đây đó cũng có những vấn đề thiếu chung thủy. Nhưng thiếu chung thủy không có nghĩa là không trí tuệ. Người ta thấy ăn ở không phù hợp nữa người ta li dị, điều đó không có nghĩa là không chung thủy. Ăn ở không phù hợp nữa thì chia tay, cái đó chúng ta không đặt vào vấn đề phản bội được. Đa số đàn ông lẫn đàn bà đều chung thủy.

6. Mỗi người Việt Nam đều có một ý chí độc lập, một ý chí tự cường lập nghiệp

Và một đặc điểm nữa trong đầu óc dân tộc Việt Nam, cũng có thể dân tộc mình bị đánh, bị đập, bị các nước lớn ăn hiếp nhiều quá cho nên mỗi người Việt Nam đều có một ý chí độc lập, một ý chí tự cường lập nghiệp. Bỏ chỗ nào thì người Việt mình cũng làm được hết, cũng sống được hết, rất là độc lập. Không xoay sở kiểu này, thì cũng xoay sở kiểu khác. Không xoay sở kiểu khác thì cũng xoay sở kiểu nọ, kiểu kia rồi cuối cùng vẫn sống được. Và rồi người ta cũng phát triển lên được hết.

Bây giờ các cháu nhìn thấy cộng đồng Việt Nam ở trong nước cũng như trên thế giới, ở Mỹ hay các nước châu Âu, càng ngày càng có vai trò tích cực trong guồng máy hoạt động kinh tế lẫn chính trị cũng như khoa học, giáo dục tại các nước. Người Việt Nam lần lượt, lần lượt tiến lên và tiến sâu vào hệ thống xã hội của các nước.

Cái tính độc lập, cái tính lập nghiệp, cái tính để mà hòa nhập vào người bản địa để đi sâu để tiến lên, rất là cao. Không có một người Việt Nam nào mà ông từng gặp mà thiếu tình thương với dân tộc, với tổ quốc của chúng ta. Có thể họ thể hiện qua lời ăn, tiếng nói khác nhau nhưng thật sự họ đều có lòng yêu thương đối với dân tộc. Có thể có sự khác biệt về suy nghĩ, về cách nhìn, về quan điểm… nhưng tấm lòng và tình yêu thì giống nhau. Cái đầu thì hay phân biệt nhưng cảm xúc tình yêu của cháu tim thì giống nhau hết.

Hôm nay ông chia sẻ chừng nó nội dung về bản chất văn hóa chiều sâu trong tâm hồn người Việt Nam. Ông thấy được tới đâu thì nói tới đó, dĩ nhiên là còn nhiều lắm nhưng mà ông chưa có thấy hết được. Các cháu có thể tiếp tục thảo luận đề tài này. Đây là những điều tiềm ẩn trong tâm hồn của các cháu. Các cháu phải biết.

Ít nhất khi người ta hỏi các cháu những bản chất văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam là gì, các cháu trả lời là : Chúng tôi không nói đến lễ hội, chúng tôi không nói đến hình thức văn hóa bên ngoài. Tôi chỉ đặt nặng tới văn hóa chiều sâu bên trong tâm hồn thôi, mà mỗi người Việt Nam đều có hết. Và chính những điểm này định hình được ‘Thế nào là người Việt Nam ?’ khác với các dân tộc khác trên thế giới.

Đây là điểm khác biệt giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới, các cháu phải biết những điểm này để đi đối đáp với người ta trên thế giới, hay là các cháu biết những điểm này để mà mình nuôi dưỡng và phát triển những điểm này. Và định nghĩa ‘Thế nào là người Việt Nam ?’ bao gồm những nội dung cơ bản này.

Định hình được người Việt Nam khác người Nhật chỗ nào, người Việt Nam khác người Trung Quốc chỗ nào, người Việt Nam khác người Ấn Độ, khác người Malaysia… như thế nào? Thì những nội dung ông trao đổi là những nội dung căn bản, nó nằm trong máu người Việt Nam và nó định hình được sự khác biệt giữa người Việt Nam chúng ta và các dân tộc trên thế giới. Chứ không phải nó khác kiểu quần áo. Ông không bàn đến kiến thức, ông không bàn đến học vấn. Đây là những nền tảng cơ bản.

Cho nên khi ai hỏi đến sự khác biệt thì phải trả lời cho được. Khác biệt ở đây là khác biệt trong chiều sâu và thể hiện cách cư xử ra bên ngoài một cách tự nhiên, không gò bó, không gượng ép, không đóng kịch. Nó tự nhiên vậy thôi.

Ông trao đổi chừng đó nhé!

(Nội dung được trích từ chương trình giáo dục Vườn Hoa Mơ Ước số 74, thầy Duy Tuệ giảng cho thiếu nhi Việt Nam ngày 26.02.2012)