"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

166 - Cái đầu của mình có luôn "MỚI" hay không?





Sáng nay lúc đi trên xe, tôi nói với quý vị trên xe: Đêm hôm qua khoảng 3g sáng tôi đã thức dậy. Bởi vì hẹn quý vị hôm nay là 8g sáng nên tối qua tôi đi ngủ sớm. Tôi tỉnh dậy và tôi viết mấy dòng chữ thế này: Từ cơ thể của mình, từ sợi tóc cho đến móng tay của mình, rồi tới tất cả các tế bào trong người của mình, tất cả cây cối xung quanh chúng ta, tất cả mọi hệ thống toàn bộ trên thế giới này đều đang thay đổi từng giây. Sự thay đổi này không đi lùi mà luôn tục đi tới. Chỉ có một điều duy nhất mà tôi thấy không thay đổi đó là ĐẦU ÓC CON NGƯỜI. 

Cái mà luôn luôn cũ rích chính là đầu óc con người! Chính sự cũ rích này nó làm cho chúng ta trục trặc, khó chịu. Đó là điều hết sức kỳ lạ mà tôi nhìn thấy. Nó gồm những ý nghĩ, những quan niệm sống, những thói quen…nói tóm lại là rất nhiều thứ trong đầu óc chúng ta không chịu thay đổi. Vậy khi chúng ta sống, mọi thứ xung quanh và kể cả cơ thể chúng ta liên tục thay đổi từng giây mà trung tâm xử lý cơ thể của chúng ta chính là cái đầu lại không thay đổi thì làm sao chúng ta sống dễ chịu được?  Quý vị suy tư xem! Cho nên chúng ta chỉ có thể sống tạm vừa lòng chứ thực chất là luôn sống không vừa lòng.    

Hàng ngày chúng ta có thường xuyên để ý xem đầu óc của chúng ta có thay đổi gì mới không? Nếu trong đầu óc không có sự đổi mới thì chúng ta khó mà giải quyết những rắc rối khác xung quanh chúng ta như trong quan hệ vợ chồng, trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái, trong quan hệ với các đồng nghiệp cùng công ty, trong quan hệ giữa chúng ta với công ty hay rắc rối trong các quan hệ với bạn bè, với họ hàng xa gần….và các quan hệ xã hội khác.

Chắc chắn rằng, đầu óc của chúng ta khó mà đạt được trạng thái vừa lòng, trạng thái dễ chịu. Đó là tôi chưa kể tới những vấn đề mà đôi khi quý vị phạm phải sai lầm hay những sai lầm mà chúng ta đã gây ra rồi cũng khó mà khắc phục, sửa đổi được – nó sẽ gây ra sự bất an trong đời sống của chúng ta.

Vậy chủ đề chính mà hôm nay tôi muốn trao đổi với quý vị là chìa khóa chính cho đời sống của chúng ta là làm sao chúng ta hiểu được cái đầu của mình có thay đổi mới hay không? Hay là từ trước tới giờ nó vẫn như cũ?

Như cũ là thế nào? Ví dụ như mình quan niệm cuộc sống của mình khi mình lớn lên thì ai có chồng mình cũng có chồng, ai có vợ mình cũng có vợ, rồi mình kiếm việc làm, rồi sinh con, cho con học…tức là thấy người ta làm sao thì mình làm vậy. Đó là quan niệm sống mình nghiễm nhiên chấp nhận mà mình cũng không hiểu sao mình cần có vợ hay có chồng, mình cũng không hiểu sao mình cần có con và tại sao cần có mấy đứa, có con trai, có con gái…Rồi về quan niệm đi làm cho công ty, cho hãng thì mình cũng quan niệm là mình có việc làm rồi ban giám đốc phân công việc gì mình làm việc nấy, mình làm sao để làm không quá sức mình và thậm chí tôi thấy nhiều người còn ăn gian giờ giấc, ăn gian trong công việc hay tìm kiếm mối manh từ công ty kiếm lợi riêng. Đó là điều phổ biến trên thế giới, nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trong các hãng đều từ nhân viên. Và bất cứ một hãng nào thì điều kiện khó khăn nhất trong những vấn đề của hãng là quan hệ giữa người điều hành với nhân viên.

Vấn đề nhân sự luôn là vấn đề vô cùng khó khăn trong bất kể công ty nào. Tại sao lại như vậy? Công ty đó có thành hay bại, ổn định hay phát triển được cũng do nhân sự. Nhân sự quyết định mọi thắng lợi của công ty.

Trên thế giới này đã xuất bản rất nhiều sách vở nói về làm sao để giải quyết được vấn đề nhân sự, nhưng thực chất cũng chưa có sách vở nào có thể giải quyết được. Vì nó có liên quan tới vấn đề khá sâu sắc mà không dễ gì người ta có thể nhìn thấy được. Không phải chỉ giải quyết vấn đề lương thưởng là xong, dĩ nhiên nó là cơ bản nhưng cũng không xong. Vậy cho nên, vấn đề quý vị đổi mới cái đầu, đổi mới cách suy nghĩ hay là chúng ta để ý tới sự thay đổi trong đầu óc chúng ta sẽ dẫn tới thái độ chúng ta sống và làm việc trong đời sống.

Tôi nói chữ thái độ ở đây được hiểu như thế này : Chúng ta thực sự làm việc với thân phận là một người công nhân thấp hèn hay chúng ta làm việc thực sự với thân phận là người lấy công việc của mình làm niềm vui ?  

Tôi sống tại Mỹ và thấy thế này, các trường ở Mỹ thì tôi không thấy họ dạy nhưng tất cả người Mỹ đều thừa nhận rằng niềm vui lớn nhất của con người là có công việc để làm. Tất cả công dân Mỹ, từ nhỏ cho tới lớn, từ tổng thống cho tới người dân bình thường, quý vị có thể gặp bất cứ người nào, da đen hay da trắng, da màu đều trả lời giống nhau khi quý vị hỏi thì niềm vui lớn nhất của họ là có việc làm. Và người ta cũng nói, đạo đức lớn nhất của họ là có việc làm. Người mà người ta không tin tưởng nhất là người không có việc làm. Đó là điều đặc biệt mà tôi cho rằng nó vừa thuộc về đạo đức và cũng vừa thuộc về niềm hạnh phúc của con người.

Điều đặc biệt hơn nữa là họ không coi trọng họ giữ chức vụ gì ở trong xã hội cả. Tôi nói ở đây là người Mỹ thuần túy, những người mang quốc tịch Mỹ thì chưa hẳn họ đã có máu Mỹ trong người đâu. Tất cả mọi tầng lớp, địa vị họ đều thể hiện tính cách người làm chủ nhưng rất bình đẳng. Tức là không có ai thấy mình là kẻ nô lệ của người khác và cũng không thấy mình là người nô lệ cho công việc. Họ làm việc với tinh thần như là một người chủ thực sự và họ có trách nhiệm bảo vệ giá trị chung của hãng. Họ không nghĩ rằng mình cố gắng làm cho xong việc mình còn chuyện hãng ra sao thì mặc kệ.

Những gì tôi vừa giới thiệu đó là bản chất tự nhiên của người lao động Mỹ. Người Mỹ thuần túy không bao giờ mở ra những quán cafe chiêu dụ khách bằng những trò phơi ngực như quý vị thấy báo chí có nêu. Họ rất nghiêm túc và xứ Mỹ thuần túy không phải là xứ ăn chơi, chuyện gì cũng có như nhiều người lầm tưởng đâu!

Vậy họ chú ý tới cái gì để họ có thể hạnh phúc được như vậy ? Mặc dù người ta là người công nhân hay người lao động rất bình thường mà sao người ta vui được ?

Quý vị thấy thế này, trong đầu óc của bất kể người Mỹ nào, không bao giờ họ nghĩ là họ làm một cái gì đó để họ có lợi nhất về tài sản cho họ. Cái mà họ say sưa nhất là lúc nào cũng thích phát triển khả năng chuyên môn. Cũng không phải là do hãng yêu cầu họ, nhưng họ không bao giờ vừa lòng với những kiến thức mà họ đang có.
   
Tôi quay lại vấn đề cái mới trong đầu óc chúng ta. Trong cái mới của đầu óc có hai vấn đề quan trọng. Đó là cái mới do phát triển khả năng nhận thức của mình và cái mới do phát triển khả năng chuyên môn của mình. Đó là hai yếu tố rất quan trọng.

Tôi nói về nhận thức tức là khả năng hiểu biết các vấn đề. Hiểu biết các vấn đề về xã hội, về gia đình, về chồng/vợ, hãng/xưởng, luật pháp, thời tiết…hiểu biết các vấn đề về trí tuệ con người đang đi tới đâu, rồi hiểu biết về khoa học kỹ thuật…Tức là sự nhận thức liên tục được phát triển. Không bao giờ chấp nhận là ngày hôm nay mình biết cỡ này, ngày mai mình biết cỡ khác…Không bao giờ có. Kể cả học sinh hay trẻ em, không bao giờ họ vừa lòng với sự hiểu biết của họ mỗi ngày. Ngày hôm nay phải giỏi hơn ngày hôm qua, ngày hôm sau phải biết nhiều hơn ngày hôm trước.

Tôi là người Việt Nam thuộc thế hệ già, tôi đến Mỹ tôi cũng rất già nhưng gần như suốt những năm qua tôi ở Mỹ, vì tôi có điều kiện tiếp xúc với trường đại học, với xã hội nên ngày nào tôi cũng quan sát sự phát triển của họ theo cách thức của người có nhiều thời gian nghiên cứu. 


Gần như từng giờ tôi đều phải phát triển sự nhận thức của mình. Nếu một giờ trôi qua mà tôi không có nhận thức gì mới thì tôi cảm thấy trong người tôi không chịu nổi nữa. Lúc nào tôi cũng cần có những nhận thức mới và nó đã trở thành thói quen. Gần như trong guồng máy hoạt động của toàn nước Mỹ như vậy, do đó cho nên tôi không thể nào để những nhận thức của mình đứng một chỗ mãi được. Vì vậy cho nên đầu óc của người ta nó mang tính chất tổng quát của toàn thế giới, bất kể người Mỹ nào cũng có cái nhìn, cũng có nhận thức tổng quát trên toàn nhân loại này chứ không phải chỉ có nước Mỹ. Đó là điều đặc biệt và có tính chất tự nhiên từ nhỏ. Cho nên về khả năng phát triển nhận thức khi sống ở Mỹ là dù cho anh có bận mấy đi nữa cũng cần dành một chút thời gian để phát triển nhận thức của mình. 

Tuy vậy, rất nhiều người Việt Nam lại tách ra khỏi guồng máy hoạt động đó, và cuối cùng thì đầu óc của họ còn cũ kỹ hơn người sống trong làng quê hẻo lánh. Tức là ngày xưa người ta ra đi làm sao thì bây giờ đầu óc vẫn giống y như thời đó chứ không có gì mới hết. Và dĩ nhiên, những người đó bị cô lập hoàn toàn. Họ sống rất đơn độc.

Còn về vấn đề thứ hai là phát triển khả năng chuyên môn. Bất kể người Mỹ thứ thiệt nào, cho dù đang làm nghề gì đi nữa thì không có lúc nào họ vừa lòng với kiến thức chuyên môn mà người ta đang có. Lúc nào người ta cũng học cái mới.

Người ta học cái mới bằng cách nào ? Hãng xưởng tổ chức để phổ biến những kiến thức mới, hay cho đi học một hai tuần theo định kỳ…Nhưng cái chính là tự mỗi bản thân người ta tự học. Bây giờ trên google rất nhiều kiến thức nên chỉ việc tìm thế nào là ra hết. Trong khi nhiều kiến thức hãng xưởng xũng chưa phổ biến kịp. Gần như là người ta tự học và cũng không phải người ta phát triển kiến thức chuyên môn của người ta trong công việc làm cho hãng với mục đích chỉ để tăng lương mà nó giống như một thứ tình yêu, một thứ nhu cầu mà người ta cần phải có mà nếu không có thì người ta thấy không hạnh phúc. Đó là đặc điểm rất quan trọng.

Mình không yêu sự phát triển nhận thức của mình, mình không yêu sự phát triển chuyên môn của mình hàng ngày thì mình không hề yêu cuộc sống này và mình cảm thấy cuộc sống này rất chán. Thấy làm công ty rất chán, lấy chồng/vợ rất chán, nếu không phải lo cho con thì có lẽ là mình không cần sống nữa… nó chán đến mức như vậy!

Trong khi với người Mỹ thì họ lại không quan tâm tới đứa con. Đứa con khi sinh ra không bao giờ ràng buộc người mẹ và cũng chẳng bao giờ ràng buộc người cha. Sinh con là sinh con chứ không làm sự phát triển trong đầu óc phải dừng lại hay phải ngừng phát triển kỹ năng chuyên môn.

Tôi cho rằng đó là điều rất tích cực mà chúng ta cần nghiên cứu tham khảo.

Còn bây giờ, quý vị thử nghĩ coi. Nếu chúng ta không say mê với phát triển nhận thức của mình, không say mê với những phát triển mới trong đầu óc của mình, không say mê với những phát triển ý tưởng mới của mình, với kiến thức mới của mình thì một điều chắc chắn là chúng ta đang làm việc trong trạng thái vì đồng lương mà phải làm, vì bị kiểm soát mà phải làm, vì thu nhập nuôi con mà phải làm. Và nếu chúng ta quả thực như thế thì đúng là cực kỳ chán ngán!

Tôi không biết là tôi chia sẻ như vậy nó có đụng chạm gì tới quý vị hay không nhưng tôi giới thiệu sự thực cuộc sống của người Mỹ thuần túy là như vậy!
   
Quý vị cũng biết là tôi đi khắp nơi trên thế giới. Tôi qua châu Âu và cũng có nghiên cứu cuộc sống của người nơi đây và chủ yếu là nghiên cứu cách làm việc của đầu óc con người thôi. Gần như tôi chỉ có một việc duy nhất là tôi nghiên cứu cái đầu của con người ở khắp hành tinh này. Xem người ta làm việc làm sao, người ta suy nghĩ làm sao, người ta tính toán làm sao, người ta chia sẻ tình cảm làm sao,  các nền văn hóa khác nhau người ta làm việc làm sao, thời kỳ cổ đại người ta sống làm sao, thời kỳ trung cổ, thời kỳ hiện đại làm sao…

Tôi chỉ nghiên cứu một đề tài là cách làm việc của đầu óc con người trên hành tinh này. Đó là thứ mà tôi rất say mê và không bao giờ tôi chấp nhận dừng lại một ngày nào mà tôi không hiểu biết, và liên tục phát triển sự hiểu biết. Từ đó tôi có thể cống hiến, chia sẻ nhưng đó cũng chưa phải là việc quan trọng mà quan trọng là tôi rất yêu việc ấy. Khi tôi yêu việc này rồi thì khi có nhân duyên như quý vị đang ngồi đây, tôi chia sẻ thoải mái. Quý vị cũng đã thấy, tôi chia sẻ rất nhiệt tình, rất say sưa và tự nhiên. Thói quen làm việc của tôi là như vậy. Tôi chia sẻ quý vị nghe hay không nghe, hiểu hay không hiểu, ưng hay không ưng thì tôi cũng không cần biết nhưng nhiệm vụ của tôi là rất say sưa chia sẻ và yêu say đắm cái sự chia sẻ của mình. Đó là bản tính làm việc của tôi mà tôi đã rèn luyện thuần thục khá lâu ngày
.    
Tại sao tôi lại đưa vấn đề này ra để chia sẻ với quý vị ? Là vì tôi chưa bao giờ thấy chán cuộc đời, tôi chưa bao giờ thấy hận thù với ai, chưa bao giờ thấy ghét ai, chưa bao giờ thấy có chuyện gì để buồn, để lo. Mặc dù tôi không có tiền bạc, quý vị còn có lương – tôi không hề có, có thể nói là tôi không có gì cả. Tất cả những thứ tôi dùng là đều mượn hết. Cái máy này tôi cũng mượn, quần áo thì có người tặng thế nào thì tôi dùng thế ấy. Tất cả những gì tôi dùng là tôi đều mượn một thời gian rồi trả lại. Gần như tôi không có gì cả, nhưng tại sao tôi không chán cái gì cả ? không lo, không ưu tư… ? Lúc nào tôi cũng cảm thấy tôi rất yêu cuộc sống, tôi yêu việc tôi làm, tôi yêu tất cả mọi người… Thì từ đó tôi kết luận rằng nếu chúng ta không có tình yêu này thì chúng ta không thể sống nổi, chúng ta sống sẽ rất nhàm chán, chán lắm!  


Nếu chúng ta vì mục đích phải chứng minh cho thiên hạ biết rằng ta đây có khả năng làm giầu thì đúng thật là chán quá!  Bởi vì nếu chúng ta có khả năng làm giầu thì chẳng thể bằng ai đâu. Tôi nói nhưng xin lỗi các ông chủ VN, mình chẳng bằng ai đâu! Những người giầu nhất trên thế giới này người ta cũng thấy người ta chẳng bằng ai cả, cho nên để giải quyết sự căng thẳng từ sự giàu có của người ta, người ta đã ký cho từ thiện hết. Có thể quý vị chưa có nhiều tiền nên chưa biết, bởi vì tới đó người ta thấy bế tắc cuộc sống chứ không hẳn là tấm lòng của người ta quá tốt. 

 Làm từ thiện là cách để cứu mạng sống của người ta khi người ta quá căng thẳng với số tiền bạc ấy rồi. Cho nên, họ phát triển một thứ tình yêu với nhân loại, với động vật để cứu chính bản thân họ chứ không phải để họ cứu người khác. Trước nhất là họ cứu bản thân họ ra khỏi sự bế tắc của đầu óc bởi vì khi nhiều tiền quá họ không biết để làm gì mà nó còn làm cho họ khủng hoảng. Bởi vì anh không thể làm gì được nữa mà mỗi ngày không biết bao nhiêu tiền lời đưa tới cho anh, anh phát khùng lên luôn. Do đó, người ta chuyển sự căng thẳng đó vào vấn đề cho xã hội, vấn đề từ thiện. Đó là cách mà người ta tự cứu người ta, tôi chưa nói tới vấn đề người ta tốt đâu. Bởi vì tôi sống thì hay để ý tới những vấn đề này rất sâu sắc. Và mỗi người, làm bất cứ chuyện gì trên cõi đời này thì trước nhất là để người ta cứu người ta trước. Quý vị đừng có lầm lẫn rằng người ta cứu người khác. Nhưng trong quá trình người ta tìm con đường người ta cứu chính họ thì người khác được hưởng lợi. Điều tất nhiên xảy ra như vậy!


Cũng giống như khi anh làm động tác thiền, tức là anh làm mọi động tác để đầu óc của mình nó dễ chịu nhất. Nhưng không phải là anh chỉ ngồi tréo chân lại, lim dim mắt và hít thở là thiền. Anh có thể đi bộ, ngắm cây, ngắm cảnh mà đầu óc anh yên tịnh thì động tác đó gọi là thiền. Anh có thể ngồi câu cá rồi chăm chú theo dõi cái phao xem có động đạy hay không, đầu óc của anh quên đi những chuyện khác và chỉ để ý tới cái phao thôi và cảm thấy dễ chịu – đó cũng là một hình thức thiền. Hay là đi đánh golf…Nó chỉ khác một chuyện là sau những động tác thiền đó nó có để lại hậu quả gì cho anh không ? Nếu không để lại hậu quả gì cho anh thì tốt, nếu không để lại hậu quả gì cho người khác thì càng tốt hơn. Ví dụ như khi anh hút thuốc để giảm căng thẳng nhưng hậu quả là anh sẽ bị ho, bị viêm họng, bị ung thư phổi. Vậy anh cần phải kiếm hành vi khác để thay thế hút thuốc và thư giãn cái đầu của anh.

Tóm lại là cái gì làm cho đầu óc anh dễ chịu thì cái đó gọi là thiền. Khi người ta nói tới thiền tức là người ta nhằm vào đầu óc. Tôi thì lại có rất nhiều năng khiếu để thiền, trong đó phát triển nhận thức và phát triển tình yêu là một thứ mà nó giúp cho tôi hoàn toàn hạnh phúc. 

Cho nên tôi làm tất cả mọi việc mà tôi có thể phát triển tình yêu của tôi với cây cỏ, với động vật, với cuộc sống này, với bản thân tôi cũng như với tất cả mọi thứ thì đầu óc của tôi vô cùng dễ chịu và tôi quên hết tháng ngày, giờ giấc, tôi cũng không biết tôi là người VN hay người nước nào, tôi không biết mình bao nhiêu tuổi, mình sinh ra từ đâu…bởi vì suốt ngày mình chìm đắm trong tình yêu ấy. Thỉnh thoảng có ai hỏi : Ông là người Việt Nam hả ? thì ok, tôi là người Việt Nam. Vì tôi chìm đắm trong tình cảm rất đặc biệt như vậy cho nên tôi không còn nhớ gì nữa, tôi không biết sống hay chết, cực hay khổ, buồn hay vui…

Phát triển tình yêu là một thứ thiền cực kỳ đặc biệt, cực kỳ khó nhưng cực kỳ vui và cực kỳ hay.

Cho nên quý vị bây giờ thử tập đi! Mình yêu vợ, yêu chồng, yêu con, yêu công ty, yêu hãng xưởng, yêu sự phát triển khả năng hiểu biết của mình – hằng ngày mở rộng sự hiểu biết, yêu sự phát triển kỹ năng chuyên môn của mình khi mình làm việc.

Ví dụ như khi anh là người phụ trách về Marketing, anh đi chào hàng, anh đi bán hàng…Nếu anh phát triển nhận thức về tâm lý con người, về các nền văn hóa khác nhau, về những cách suy nghĩ khác nhau của con người…rồi anh lại phát triển khả năng chuyên môn quảng cáo và anh say đắm trong cái đó, anh đừng nghĩ tới lương và anh đừng nghĩ tới sự giàu sang. Nếu anh nghĩ tới lương, nghĩ tới sự giàu sang thì khả năng chuyên môn của anh không phát triển và tình yêu của anh cũng không phát triển được. Tất cả những suy nghĩ tính toán ấy sẽ làm cho tình yêu của anh dừng lại. Khi tình yêu dừng lại thì anh sẽ cảm thấy rất chán chường cho dù mình có thành công, mình có nhiều tiền đi nữa!  Ngoài ra, khi quý vị hiểu được sự khác nhau giữa các nền văn hóa, hiểu được tâm lý con người từ đó mình phát triển khả năng để biết rằng : hàng này thị trường đã có rồi, mình cũng giống người ta vậy thì mình nói làm sao để người ta thấy có nhu cầu mua hàng của mình ? Khi anh làm thành công việc này, anh sẽ cảm thấy yêu quý công việc của anh. Nên một trong những điều nữa tôi muốn chia sẻ, muốn cống hiến cho quý vị là hãy phát triển tình cảm, sự say đắm của mình trong việc chúng ta phát triển nhận thức và phát triển kiến thức chuyên môn của chúng ta. 

Tôi cũng nhắc lại là chúng ta cần phát triển rất nhiều nhận thức, ví dụ khi quý vị làm vợ thì cần có kiến thức làm vợ, khi quý vị làm chồng thì cần có kiến thức làm chồng…nhưng chúng ta cần phải say mê với vấn đề phát triển kiến thức làm vợ hay làm chồng ấy. Quý vị đừng nghĩ rằng, mình làm vợ thì người chồng phải lo cho mình, mình không cần hiểu biết kiến thức làm vợ để làm gì! Hay mình làm chồng thì mình có thể ra lệnh cho người vợ phải nghe theo mình, mình không cần hiểu biết kiến thức làm chồng! Không phải như vậy mà chúng ta phải say mê sự hiểu biết này, bởi vì nó không phải là đem lại hạnh phúc cho người vợ hay chồng của mình mà nó đem lại hạnh phúc cho chính mình trước. Cái gì mình cũng cần đem lại hạnh phúc cho mình trước, còn hạnh phúc của chồng hay của vợ, của người khác là kết quả đi theo thôi.

Bây giờ dễ lắm, quý vị có thể vào google hay vào các trang web trong hệ thống Duy Tuệ có đủ hết những bài giảng sâu sắc về những kỹ năng này để quý vị phát triển.
Đó là điều thứ hai mà tôi đưa ra để quý vị sống hạnh phúc, yêu đời.

Tóm lại có 2 điều mà quý vị cần nhớ là :

- Thường xuyên chú ý tới sự đổi mới trong đầu óc hay sự phát triển nhận thức. Thường xuyên để ý tới sự phát triển chuyên môn của mình.
  
- Phát triển nhận thức và kiến thức chuyên môn trong sự say mê, trong tình yêu (tức là sự say mê không liên quan tới chức vụ, tiền bạc. Nếu dính tới chức vụ, tiền bạc thì sự say mê chấm dứt). Điều lớn lao nhất là quý vị yêu được cuộc sống này.

Quý vị cũng đừng có lo mình sẽ thiếu tiền, có giá trị từ sự nhiệm màu trong tình yêu này. Từ sự nhiệm màu này của tình yêu mà tiền bạc sẽ đến, nó hay là ở chỗ này! Nếu tôi chia sẻ với quý vị mà quý vị nghe theo để thiếu tiền sống thì đúng là không hợp lý.

Tiền bạc có được từ sự say mê của chúng ta thì chúng ta không bị nhức đầu, chúng ta không thấy khó chịu với ai và cũng không bị bế tắc trong đời sống kinh tế. Cho nên, sự nhiệm màu trong tình yêu, trong sự say đắm phát triển nhận thức và phát triển nghề nghiệp của mình cho chúng ta kết quả là chúng ta được bảo vệ bởi đời sống vật chất của chúng ta mà cách thức nó đến với chúng ta theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ như công ty trả cho chúng ta chừng đó lương thôi, nhưng khi chúng ta gặp một hoàn cảnh nào đó, đau ốm hay sao đó mà quý vị cần một số tiền nhiều hơn để trang trải thì quý vị sẽ thấy sự nhiệm màu của tình yêu mà quý vị đã phát triển. Lúc ấy quý vị sẽ có sự hỗ trợ từ công ty, sẽ có bạn bè, các mối quan hệ khác giúp đỡ mình. Tại sao vậy ? Bởi vì công ty, bạn bè hay tất cả các mối quan hệ khác sẽ đến bên chúng ta một cách tự nguyện bởi lực hấp dẫn từ lòng say mê của mình, bởi lực hấp dẫn từ tình yêu của mình trong cuộc sống. Nếu chúng ta dùng thủ đoạn để hấp dẫn người khác thì không thể thành công được, có thể chỉ thành công nhất thời nhưng sau đó sẽ thất bại.

Lực hấp dẫn từ lòng say mê sẽ hấp dẫn những người trung thực chứ không hấp dẫn kẻ thủ đoạn. Quý vị cần lưu ý ! Nếu quý vị dùng thủ đoạn thì sẽ hấp dẫn những kẻ thủ đoạn và quý vị sẽ phải trả giá bởi những thủ đoạn đó. Còn nếu quý vị dùng lòng say mê của mình để hấp dẫn những lực xung quanh mình thì những người mà sẽ được hấp dẫn đó chính là những người có tấm lòng trung thực, những người tốt, những người sẵn sàng và vui vẻ chia sẻ với mình khi mình gặp hoàn cảnh khó khăn. Như vậy thì quý vị đâu còn thấy cô đơn nữa, đâu phải lo lắng, đâu phải có một đống tiền để cất giữ chỗ này, chỗ kia.

Với các ông chủ hãng cũng vậy, có thể hồi xưa mình làm kinh tế là do mình cần tiền quá, mình không chấp nhận nghèo nhưng sau đó thì đã khác đi, sẽ phát triển theo hướng là mình chỉ say mê làm việc như vậy thôi, làm việc một cách rất tự nhiên chứ không còn là mục đích như hồi xưa nữa. Mình cứ thế mà làm và cái quan trọng của ông chủ hãng là làm sao anh yêu được nghề nghiệp, yêu được công việc, yêu được sự phát triển khả năng, yêu được nhân viên, yêu được khách hàng – đó là cái khó ! Và nếu thiếu những tình yêu này thì công việc cũng nhàm chán lắm, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng sẽ không hề đơn giản mà sẽ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ngày đêm phải trăn trở đối đầu kinh khủng.

Bên cạnh sự say mê là sự tỉnh táo và chi tiết

Quý vị cũng cần nhớ rằng, khi tôi nói như vậy cũng là nguyên tắc chung, chìa khóa chung mà chúng ta phải giữ. Nhưng bên cạnh sự say mê ấy thì chúng ta phải có sự tỉnh táo và chi tiết.   

Sự tỉnh táo và chi tiết là gì ?

Khi ta biết tới cái ly thì nó phải liên quan tới nước, liên quan tới đồ uống, liên quan tới cái bàn, cái ghế. Tức là chúng ta phải biết chi tiết xung quanh vấn đề của cái ly này sẽ có những thứ gì mà nó sẽ ảnh hưởng tới và nó bị ảnh hưởng. Đó gọi là sự chi tiết. Ví dụ như khi đi du lịch thì anh phải có đầu óc sắp xếp ngay từ khi lấy túi xách. Cái gì có thể đựng trong nó và cái gì cần bỏ vào…Rồi các vấn đề về quy định, về luật pháp, quy tắc…Phải thật rõ ràng và tôn trọng pháp luật. Cho nên, lòng say mê phải đi liền với sự nhìn thấy rõ ràng, chi tiết các mối liên hệ mà mình cần phải tôn trọng. Ngay trong tình cảm trai gái cũng vậy. Khi hai người yêu nhau say đắm thì anh cũng phải hiểu rõ chứ không thể mù quáng được. Anh phải hiểu lý do nào anh yêu say đắm, anh ở sự thấy như nào với người kia mà anh yêu say đắm ? Trong say đắm ấy, anh cũng phải xem là người ấy có phù hợp với mình về lời ăn tiếng nói, về cử chỉ, về sức khỏe, về ước mơ, về quan điểm sống…Anh phải biết rất rõ. Nếu anh yêu mù quáng, yêu không chi tiết thì khi mọi việc vỡ lở mới biết tới chi tiết thì lúc ấy anh tá hỏa, biết sao mà gỡ! 


Cho nên, trong say mê anh cần biết rất rõ và biết rất chi tiết. Tất cả những người làm việc chung với tôi, tôi đều luôn quan tâm tới cách làm việc đầu óc của người ấy có khả năng nhìn thấy các vấn đề chi tiết hay không, có khả năng liên kết các vấn đề chi tiết hay không? có khả năng phù hợp, thích nghi và xử lý với các vấn đề chi tiết hay không? Nếu thiếu yếu tố này thì đầu óc của anh sẽ luôn không rõ ràng. 


Khi đầu óc không rõ ràng thì anh tha hồ mà vi phạm những sai lầm, dứt khoát anh sẽ thường xuyên mắc sai lầm và cuộc sống của anh không có gì vui. Cho nên, trong lòng say mê ấy cần phải phát triển sự nhìn chi tiết và thấy rõ những mối quan hệ chi tiết với những vấn đề mà chúng ta đụng chạm tới. Để từ đó chúng ta luôn đảm bảo ổn định theo những quy định, những trật tự của môi trường mà chúng ta làm việc, chúng ta sinh sống. 


Đó là nội dung chính mà tôi chia sẻ, vì thời gian không có nhiều. Quý vị có thể vào các trang web duytue.org, daosuduytue.net, duytuequote.com, duytuechildgenius.com, duytuetv.com, minhtriet.vn để tìm thêm các bài giảng khác.  

Trích từ bài nói chuyện "Cái gì không thay đổi trong đầu" tại Ostrava - CH Séc ngày 30.7.2011 của Thầy Duy Tuệ.


Mời quý vị nghe đầy đủ tại đây