"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Cần hướng dẫn cho trẻ em bên ngoài quan sát cuộc sống, bên trong quan sát cái đầu



Mở con đường cho con mình sao cho ham học và thông minh 

Quý vị làm cha làm mẹ không chỉ dạy cho con mình không hư mà cần biết mở con đường cho con mình sao cho ham học và thông minh chứ không phải là để làm sao nhồi nhét kiến thức vào đầu con mình! Nào là phải biết Phật thế này, Pháp thế này, tăng thế kia…hay là cấm cái này, cái khác. Cần cho con em mình được vui chơi theo hướng ham học hỏi, phát triển trí nhớ và khả năng thông minh trong đầu óc của chúng.

Mình cần biết khi mình làm cha làm mẹ thì mình đúng cái gì? Cái gì mình không chắc chắn là đúng? Cho nên quý vị cần phải có kiến thức dạy con thật tốt. Ở một số nước, trong chương trình đào tạo cho học sinh thì trong trường người ta dạy rất ít mà người ta cho học sinh đi thăm những công trình, nhà máy, viện bảo tàng, thăm nông thôn, cảnh đẹp quê hương, núi, biển… tức là dẫn các em đi quan sát cuộc sống - học các bài học từ cuộc sống để phát triển trí tuệ và tình thương.

Coi chừng khi nhồi nhét kiến thức theo ý mà mình cho là đúng vào đầu óc con em mình.

Quý vị hãy nhận thấy qua hai hình ảnh mà tôi đưa ra : Một em nhỏ ngoài giờ học ở trường được học thuộc lòng răm rắp các kiến thức từ trong sách vở, kinh sách….và một em nhỏ thì ngoài giờ học ở trường, được cha mẹ tranh thủ đưa đi mọi lúc mọi nơi để quan sát xem cảnh đẹp, xem cuộc sống, xem động vật, thiên nhiên, chợ búa…Quý vị sẽ thấy hai em này có sự sâu sắc và phản ứng hoàn toàn khác nhau. Một em thì phản ứng giống như con gà nhốt trong lồng và em kia thì phản ứng rất tự tại và minh mẫn, gần như cái gì cũng có thể nhìn qua được.

Trong cuộc sống có 3 quyển kinh thì quyển kinh không có chữ ở trong đầu và quyển kinh ở ngoài cuộc sống là hai quyển kinh quan trọng nhất, còn quyển kinh ở trong trường lớp, thư viện là những chữ chết, câu chuyện chết, tờ giấy chết…chỉ làm cho con người mình cứng đơ lại, trở thành chai sạn và cực đoan. 

Tạo động cơ, gieo cho con em mình những hạt giống để khi có cơ hội là nảy mầm

Quý vị hãy dẫn con em mình nhìn thấy một hình ảnh một ông giầu có, to béo, phương phi ở trong thành phố và một hình ảnh một bà lão gầy còm, ốm yếu và nghèo đói ở nông thôn thì tự khắc các em ấy sẽ mở trí, sẽ suy tư. Mở trí và nhồi nhét kiến thức hoàn toàn khác nhau. Quý vị chỉ cần dẫn dắt cho các em biết được các kiến thức phổ thông và cho thấy hình ảnh của các kiến thức ấy qua phim, mạng internet, ...nhưng tốt nhất là thực tế. Từ đó, trẻ em sẽ nảy sinh tình thương, xúc cảm và mở trí tuệ.

Quý vị đừng dạy con mình theo ý mà mình cho là đúng, như vậy là sẽ vô tình biến con mình thành nô lệ của kiến thức với một cái đầu chết. Cần hướng dẫn cho trẻ em bên ngoài quan sát cuộc sống, bên trong quan sát cái đầu. Cho con em mình công thức, bài tập quan sát và tạo nhiều cơ hội cho con em mình quan sát.

Quý vị cần cho con em mình một kiến thức về công dân của Quốc tế, cần có một ý tưởng lớn và tạo động cơ, gieo cho con em mình những hạt giống để khi có cơ hội là nảy mầm. Thời đại công nghệ thông tin thì vấn đề liên lạc giữa các quốc gia rất dễ dàng và do đó cần có tầm hiểu biết rộng để ứng xử với thời đại. Cần tạo cho trẻ em trau dồi ngôn ngữ quốc tế, văn hóa các nước....Cần cho trẻ em có tầm nhìn nghĩ tới khả năng làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới để quan sát dần dần một cách tổng quan và lớn lên thì không còn ngỡ ngàng.

Nếu quý vị nào đã hướng cho con em mình học theo Đức Phật thì cần hướng cho con em mình về những hình ảnh thương người, chủ đề tình thương của Đức Phật chứ không nên đề cập tới vấn đề tu hành.

25.5.2009

Duy Tuệ