"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

144 - Đừng đánh mất dấu vết văn hóa của dân tộc mình


Tôi kể một câu chuyện rất đời thường cho quý vị nghe. Trong lớp tiếng Anh tôi học có khoảng mười sáu học sinh đến từ mười sáu nước. Tôi thấy nước nào cũng hay cả. Họ có những phản ứng rất lanh lợi, rất nhanh. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến hai người phụ nữ Hàn Quốc, một người khoảng gần năm mươi tuổi, một người khoảng hai mươi mấy, ba mươi. Người lớn tuổi hơn đã có gia đình và gần có sui gia rồi. Còn người kia thì có gia đình nhưng chưa có con. Họ sống ở Mỹ cũng khá lâu, khoảng bảy, tám năm trở lên. Nhưng ở họ lưu giữ một nét văn hóa dân tộc chìm sâu, khó thấy. Và chính nét văn hóa đó lôi cuốn những người có sự lắng đọng trong cái nhìn và cái nghe. Quý vị sẽ bị sức mạnh đó cuốn hút mình lại gần họ. 

Đặc điểm dân tộc của người ta sẽ cuốn hút mình, chứ không phải người đó có trí tuệ hay tài ba lỗi lạc gì cả. Chính dấu vết dân tộc trong đầu óc họ, trong tâm hồn họ lôi cuốn mình. Hay như hiền giả Ái Tuệ sống ở bên này, lo công việc cho tôi. Cô qua Mỹ từ nhỏ, làm ăn sinh sống cho tới giờ, nhưng tâm hồn lúc nào cũng chẳng thấy nước nào khác, chỉ thấy nước Viêt Nam thôi. Sống ở xứ người nhưng trong đầu chỉ thấy toàn nước Việt Nam thôi chứ không thấy nước khác.

Cho nên quý vị phải nâng tầm nhìn của mình cho thật sâu. Không phải tài giỏi, nổi tiếng, khôn lanh, thông minh đĩnh đạc là hấp dẫn người ta đâu. Dấu vết dân tộc trong con người mình là vô cùng quan trọng. Dù anh có tài giỏi tới cỡ nào trên thế giới mà người ta không thấy dấu vết dân tộc gì trong đầu anh thì những người có tầm nhìn lớn sẽ không có thiện cảm và quý trọng anh. Quý vị phải nhớ điều đó. Dù anh có là nhà bác học Việt Nam, nghiên cứu về một người nào đó trên thế giới và viết sách về chuyện đó rất hay, trở nên rất nổi tiếng, nhưng sự thật anh không có giá trị gì hết.

Tâm hồn của con người hay lắm. Mặc dù có sự khác biệt văn hóa trong hàng ngàn hàng vạn thứ trên hành tinh này, nhưng một người để lại dấu vết văn hóa của dân tộc mình sẽ có sức chiêu cảm các tâm hồn khác nhau của các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Do đó, đừng đánh mất điều này. Đừng nghĩ rằng mình là người hiện đại, là người học sâu hiểu rộng. Ngay như chuyện anh nghiên cứu đức Phật, say sưa viết sách về Phật và người ta nói anh là nhà nghiên cứu Phật giáo giỏi nhất thế giới, thì đó chỉ là lời nói của những người tầm thường mà thôi. Người ta có thể viết sách ca ngợi anh, nhưng đó là sách của những người tầm thường. Chứ đối với những người sâu sắc, có tâm hồn đặc biệt thì anh không có giá trị gì cả. Anh hoàn toàn vô nghĩa với những người khác, nếu không muốn nói rằng anh chỉ là trò cười cho thiên hạ.

Vậy nên, chớ làm mất sự đoàn kết của dân tộc. Anh tài giỏi đến đâu thì cũng chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi. Anh giỏi nghiên cứu Khổng Tử, Lão Tử, hay anh viết về đức Thích Ca như thế nào đi nữa, thì anh cũng phải coi chừng, anh chỉ là trò hề trên sân khấu của thiên hạ thôi. Anh tưởng là nó có giá trị, nhưng nó chỉ có giá trị đối với những người mê muội thôi, chứ nó mất cái mùi vị dân tộc rồi.  

Người nào mất mùi vị văn hóa dân tộc mình, thì người ấy gần như không có linh hồn. Anh chỉ còn thứ ma thuật trong đầu óc anh thôi chứ không còn sự ướt át của linh hồn. Dĩ nhiên là anh tránh không được cực đoan về dân tộc của mình. Anh càng khai thác giá trị của dân tộc anh bao nhiêu, anh càng sử dụng giá trị dân tộc anh để anh sống bao nhiêu, thì nó chiêu cảm sự yêu quý của tất cả các dân tộc khác trên thế giới bấy nhiêu, chứ đừng nghĩ rằng người ta không có thiện cảm hay nó sẽ làm mất đoàn kết với các dân tộc khác. Đó là sự hiểu lầm. Tức là anh đánh trúng vào trung tâm tình yêu của con người, mà không có người nào trên thế giới này không có tình yêu, trước nhất là tình yêu với dân tộc của mình. Đây là một giá trị lớn lao vô cùng nhưng lại rất khó thấy. Kể cả những nhà dân tộc học cũng khó mà thấy được vấn đề này. Không dễ mà thấy được. Cho nên, anh không thể nào có hạnh phúc thật sự khi anh là một người sống mang tính quốc tế mà dấu vết tâm hồn dân tộc của anh lại thiếu. Anh cứ đem chữ nghĩa của các dân tộc khác gắn vào trong đầu anh, rồi giảng dạy và viết sách. Như vậy là xoàng xĩnh lắm. Cái việc giảng dạy và viết sách xoàng lắm, không có giá trị bao nhiêu đâu, đừng để ý tới nhiều. Nổi tiếng như thế không giá trị nhiều đâu, đừng để ý tới.

Người phụ nữ Hàn Quốc lớn tuổi chung lớp với tôi bên Mỹ học ngành y tá, sau đó có việc làm. Cô thương người già lắm nên vào làm ở trung tâm dưỡng lão. Cô thấy mấy y tá Mỹ chăm sóc người già bằng cách vả vào mồm người già khi cho ăn thì rất tội nghiệp. Vì người già lú lẫn, ăn thì không ăn mà nói lẩm bẩm như người điên, ngồi trên xe lăn thì sùi bọt mép. Nên mấy y tá ấy đánh họ như đánh trẻ con, bạt tai họ, cho họ uống thuốc ngủ, hoặc chửi mắng họ... Cô thấy như vậy bất nhẫn quá nên bỏ việc luôn, không làm nữa. Cô nói người Hàn Quốc không có cách đối xử như vậy. Cô kể lại lịch sử dân tộc Hàn Quốc đã trải qua chiến tranh đau thương như thế nào, tình cảm như thế nào, quý trọng người lớn như thế nào, và cô sống trong một đại gia đình như thế nào, có ảnh hưởng về sự giáo dục của gia đình như thế nào… Cô nói chuyện rất hồn nhiên và đầy tính dân tộc.

Còn cô trẻ hơn thì lấy chồng là người Hàn Quốc sinh ra ở Mỹ. Cô nói chuyện với tôi anh đó không có chỗ nào chê được. Anh ta cưu mang cô bao lâu, cách xử sự cũng lịch sự, văn minh, cũng chiều vợ, nhưng cô nói cũng không thể nào hạnh phúc được. Cô tâm sự với tôi có cách nào giúp cô tập yêu thương để cô có thể sống hạnh phúc với người này. Cô nói là cô thương chồng, mà anh này cũng thương cô. Tôi hỏi lý do của vấn đề thì cô nói chỉ có một điều duy nhất là người này sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nên không hiểu được giá trị của dân tộc Hàn Quốc, người này trong đầu không thể hiện chiều sâu giá trị văn hóa của Hàn Quốc. Đó chính là nguyên nhân mà cô thấy không hạnh phúc khi sống với chồng.

Sống chung với nhiều dân tộc trên thế giới thú vị lắm. Mình trực tiếp học được văn hóa người ta, qua cách nói chuyện, ứng xử, mình nghiên cứu mà học. Chứ không phải đọc sách vở. Mà cái đó mới ám ảnh mình rất lớn, chứ đọc sách không ăn thua gì đâu. Sách làm sao như người sống mà có hồn. 

Cho nên các hiền giả Minh Triết phải chú ý làm sao để dấu vết giá trị tâm hồn dân tộc thể hiện được trong mỗi con người. Anh mặc cái áo tu của Trung Quốc, áo tu của La Mã, của một nước nào đó không biết, rồi cầm sách rao giảng. Anh theo đạo Khổng thì anh rao giảng Khổng, anh theo đạo Lão thì anh rao giảng Lão, anh theo triết học Freud thì anh rao giảng Freud, anh theo triết học Socrates thì anh rao giảng triết học Socrates, anh theo Platon thì anh giảng Platon, anh theo Thích Ca thì anh giảng Thích Ca, anh theo Giê-su thì anh giảng Giê-su… nhưng trong người anh không toát lên mùi thơm của dân tộc anh thì quả là đáng buồn cười, đáng tội nghiệp. Chẳng có gì đáng để anh tự hào mà giảng say sưa. Anh là người Việt Nam, chẳng có gì tự hào mà anh khóc vì một ông Thích Ca nào đó mà anh chưa hề biết mà chỉ đọc qua câu chuyện huyền thoại. Trong khi đó, nói tới dân tộc anh thì anh bĩu môi. Những loại người ấy chẳng có giá trị gì. Thế mà một số người ngu thì lại chổng khu lạy và đưa tiền cho người ta xài. Sao dân tộc mình có nhiều người ngu như vậy, tôi không thể hiểu nổi. 

Cho nên quý vị hãy cố gắng gỡ điều này cho một số người ngu trong cộng đồng chúng ta. Ngu lắm chứ không phải ngu vừa. Ví dụ ông Thích Ca tái sinh đi nữa, nói “ông Duy Tuệ ơi, tôi xuống đây rồi. Chiều nay tôi với ông đi chụp hình để người ta biết là tôi với ông có quen nhau, để ông có uy tín”, thì tôi cũng kệ ông ấy thôi. Can cớ chi tôi phải đi chụp hình với ông ấy. Khi cái đầu quý vị đã mở ra rồi thì quý vị mới thấy thật thú vị. Không chừng tôi nói vậy mà có ông Phật Thích Ca thiệt thì ông Thích Ca sẽ bảo “Đúng là nước Việt Nam có ông Duy Tuệ là số một. Quý vị nên tin ông Duy Tuệ, đừng tin tôi. Ông Duy Tuệ nói đúng chứ không sai đâu. Quý vị tới chụp hình với tôi, nghĩ là có phước, chứ tôi thì tôi cười quý vị.”.

Bây giờ tôi tâm sự riêng với quý vị để quý vị mở trí. Khi cái đầu quý vị mở ra rồi, tôi không thể hình dung ông Phật là ông như thế nào, ngay những ngày đầu đến bồ đề đạo tràng, ngồi dưới gốc cây bồ đề, tôi nói là “Nói thật với các ngài là tôi không thể hiểu được Phật là gì, Ông Phật là ông gì, ông làm những chuyện gì. Nói chuyện về ông Phật được hiểu trong sách thì tôi nói thật là tôi không thể hiểu được ông Phật trong sách. Nếu ông Phật mà như trong sách thì xin lỗi, đối với tôi, ông Phật chả có giá trị gì hết.”. Có thể có ông Phật thật, nhưng ông Phật đó ra làm sao thì tôi không biết. Ông nói cái gì, tâm hồn ông ra làm sao, cách ông suy nghĩ ra làm sao, cách ông sống thế nào, tôi hoàn toàn không biết. Tôi tin có thể có ông Phật thiệt, nhưng nếu ông Phật giống như trong kinh sách nói thì ông Phật đó đối với tôi là con zero, không có giá trị gì hết. Tôi dám nói thẳng như vậy. Có gì đâu mà mình phải đánh mất mình, đánh mất đất nước mình trước một quyển sách. Chỉ là một câu chuyện trong một quyển sách, tại sao mình lại đánh mất giá trị vĩ đại trong con người của mình. Sao mình ngu xuẩn đến mức như vậy? Rồi mình lôi kéo cả một bộ phận dân tộc đi vào con đường ngu xuẩn với mình, đi vào những cảm xúc khùng điên, hẹp hòi và lệch lạc của mình. Ông Phật thiệt mà thấy như vậy thì đau lòng lắm. Một linh hồn, một năng lực đại giác của một vị Phật thiệt, người ta rất đau lòng. Người ta bảo thế gian này tụi nó bày trò ra đủ chuyện để nói về mình, mà chả chuyện nào nó nói đúng cả, mà nó cứ càng ngày càng bày ra để nó thêu dệt và làm chuyện riêng cho nó thôi, chứ chả có cái gì nó nói trúng về mình cả.

Lý do gì anh phải sợ một hình ảnh trong một quyển sách? Lý do gì anh để mất anh trước một câu chuyện trong một quyển sách? Thế anh còn là người nữa không? Anh đánh mất anh, và anh đánh mất luôn cả tính dân tộc của anh. Công lý luôn luôn bảo vệ cho văn hóa dân tộc. Không có một nước nào có quyền hủy diệt văn hóa của một dân tộc khác, dù dân tộc ấy số lượng người không đáng kể là bao nhiêu, có thể là một trăm hay một ngàn người, nhưng họ có văn hóa riêng của họ. Anh không có lý do gì mà anh dùng sức mạnh của anh để đánh tan văn hóa dân tộc khác, vì đó là vẻ đẹp thiêng liêng của con người, của dân tộc ấy. Anh không thể bắt chước Hit-le là thế giới này chỉ có một dân tộc thôi, còn bao nhiêu là giết sạch.

Nói về giá trị trong đầu óc chúng ta thì vô tận vô biên. Nhưng chúng ta phải ở chỗ nào thì mới thấy được giá trị. Nếu ở trong kiến thức sách vở, anh không thể thấy được giá trị của dân tộc. Tại sao một người Tây đến châu Á ngủ với một cô gái điếm cũng người châu Á, điếm rõ ràng, 100% là điếm, thế mà sau đó anh vào động điếm, năn nỉ cô điếm ấy, thuyết phục gia đình cô điếm ấy để được cưới cô về làm vợ? Tại sao? Không phải một mà rất nhiều người đàn ông phương Tây như vậy. Đâu phải Tây họ tốt mà người châu Á mình xấu. Không phải. Là do người ta có một cái thấy gì đó, người ta thấy hồn văn hóa gì đó ở người kia. Đó là cái hồn văn hóa dân tộc. Cái hồn văn hóa dân tộc không thể làm điếm được. Đĩ điếm chỉ là xác thân bên ngoài tạm thời, vì miếng cơm manh áo nhất thời thôi. Còn tâm hồn văn hóa dân tộc không thể làm đĩ điếm được. Đó là một mùi thơm riêng ẩn bên dưới sự việc anh làm mà người đời cho là xấu nhất. Người Tây thấy được điều đó và bị lôi cuốn bởi nó bởi nó chính là giá trị thật của con người. Cho nên họ mới năn nỉ người ta chấp nhận cho họ cưới làm vợ.

Linh hồn văn hóa dân tộc không phải là một thứ lý sự, không phải là một thứ văn chương, cũng không phải là một loại ngôn ngữ của người bình thường. Tôi không có ngôn từ để diễn tả điều này. Nhưng dứt khoát nó không phải là một thứ lý sự, không phải là một thứ lý luận, không phải là một thứ tư tưởng, không phải là một thứ đúng - sai. Nó vượt ra ngoài sự đúng sai. Không phải là triết lý tánh không vượt ra ngoài sự đúng sai mà tâm hồn văn hóa dân tộc cũng vượt ra ngoài sự thẩm định đúng sai của kiến thức loài người. Nó không dính gì tới kiến thức thẩm định đúng sai của loài người cả. Chính điều đó đánh thẳng vào chiều sâu của loài người. Chứ không phải là triết học Ấn Độ, triết học về tánh không là vượt ra ngoài sự đúng sai. Đầu óc chúng ta vượt ra khỏi sự đúng sai không có nghĩa là một đầu óc vô cảm, không phải là một viên đá, không phải là một viên gạch. Nó là một sự sống, một linh hồn sống thực sự, tạm gọi là linh hồn văn hóa dân tộc. Chúng ta hãy gìn giữ nó. Dân tộc nào cũng có điều này, người nào cũng có điều này. Nhưng cái hay là ở chỗ dù cho nền văn hóa có khác nhau, dân tộc có khác nhau, nhưng các linh hồn văn hóa dân tộc lại có khả năng yêu thương được nhau. Một linh hồn rỉ máu thì các linh hồn văn hóa khác cũng rỉ máu, mặc dù nó khác nhau về địa lý, về màu da, về cách thức sinh hoạt, về hình thái sinh hoạt, nhưng về tình cảm, nguyện vọng, về chiều sâu tình người thì giống nhau.

Thật không hiểu nổi tại sao một số người Việt Nam chúng ta lại tự hào với việc đánh mất linh hồn văn hóa của mình để làm nô lệ cho những hình ảnh về văn hóa của dân tộc khác, rồi lại tự hào về điều đó, giảng dạy điều đó, viết sách về điều đó, ca ngợi về điều đó, thậm chí biến nó thành một thứ linh thiêng trong con người mình để mình trở thành một con người khác, để được lễ lạy, chứ không còn là người Việt Nam nữa. Thật là tồi tệ quá mức. Có thể đó cũng vì sự hiểu lầm, sự ngu dốt, hay vì miếng cơm, bát gạo mà thôi. Cho nên, khi để quyền lợi chi phối cái đầu của mình thì nhiều thứ phức tạp xảy ra, trong đó vấn đề đầu óc vọng ngoại, khuynh hướng vọng ngoại, hay những quan niệm hết sức ngốc nghếch hình thành trong đầu mình, rồi từ đó mình điên cuồng chạy theo đời sống của vật chất, của tiếng tăm, của quyền lực.

Quý vị cố gắng tập. Trong chúng ta có con người sâu thẳm. Hãy tập nhận thức về con người vô biên của chúng ta, nhưng không đánh mất cái hồn của dân tộc trong thế giới vô biên đó. Cho nên tôi nói hãy trồng hạt giống tình yêu dân tộc vào tính thấy vô tận vô biên, vào năng lực nhiệm màu vô tận vô biên trong con người chúng ta. Không có cái này là thất bại. Không có gì mà phải hãnh diện với Tào Động, với Lâm Tế, với quần áo của xứ người, hay với bất kể vị nào trên thế giới này. Hãy tự hào là mình giữ được linh hồn của dân tộc, thì anh có thờ phượng ai, có tôn kính ai cũng có giá trị, chứ anh không phải là một kẻ nô lệ, khác nhau ở chỗ đó. Chúng ta hãy ở chỗ thật sâu thẳm ấy và đừng quên linh hồn văn hóa dân tộc của mình, từ đó mới đem vào ứng dụng những cái khác.