"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Ngôn Ngữ, Màu Sắc, Âm Thanh và Bốn Sự Thấy



Bốn sự thấy

Hôm nay, tôi có buổi nói chuyện đột xuất với quý vị trong ban biên tập. Không biết thế nào, mấy tuần nay cứ bốn giờ sáng là tự động tôi không ngủ được nữa, tôi thức dậy, rồi trong đầu tôi có nhiều cái thấy phát ra. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với quý vị, nếu không, nay mai làm công việc khác lại quên mất. Cứ bốn giờ sáng, cái đầu của tôi không buồn ngủ nữa và tự động tỉnh ra. Khi đó, tôi hay thấy những vấn đề trí tuệ rất có lợi cho quý vị, rất có lợi cho mọi người.

Như quý vị đã biết từ trước tới nay, tôi không có bàn tính, không có thảo luận hay là đề cập đến những vấn đề gì khác ngoài cái thấy của tôi đối với đầu óc của con người. Tôi cứ thường nhìn thấy những sự thấy xuất hiện trong đầu óc của mình. Và tôi đem những sự thấy ấy trình bày lại với quý vị hiền giả. Tôi không thấy những chuyện thế sự trong cái đầu của tôi, cũng như trong cái đầu của quý vị, cũng như trong cái đầu của người khác. Tức là không thấy những chuyện của cuộc đời, của xã hội, của tiền bạc, của kinh tế, của chính trị, của tôn giáo hay là những thứ khác…

Tôi chỉ thấy những vấn đề gì làm cho con người phải trải qua sự thất vọng. Từ thất vọng dẫn tới cảm xúc đau buồn. Đó là sự thấy thứ nhất.

Sự thấy kế tiếp là tôi thấy cái gì trong đầu óc cản trở sự khôn ngoan, sự thông minh sâu thẳm đầy tình người của một con người. Điều đó cũng đồng nghĩa là tôi thấy con người chúng ta hoàn toàn có rất nhiều khả năng vô cùng vô tận để phát triển trí khôn và sự thông minh sâu thẳm đầy tình người của mình. Đó là sự thấy thứ hai.

Sự thấy thứ ba là tôi thấy tại sao đầu óc con người lại có những vấn đề cản trở sự may mắn hay cản trở những cơ hội, cản trở chính đầu óc của mình hay là con người của mình tiếp cận với những cơ hội tốt đẹp cho cuộc đời của mình. Hay nói một cách khác, con người sao lại không nhìn thấy được những cơ hội thuận lợi cho cuộc đời của mình? Cái gì cản trở đầu óc con người để cho con người không nhìn thấy được những cơ hội thuận lợi xung quanh chúng ta để cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn?

Sự thấy thứ tư là tôi thấy cái gì cản trở vẻ đẹp bên trong đầu óc chúng ta với phong cách đẹp đẽ của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Đây là bốn sự thấy mà tôi thường thấy. Gần như là lúc nào cũng thấy. Và tôi không muốn bàn đến bất cứ chuyện gì khác ngoài bốn sự thấy này. Tôi không muốn thấy chuyện khác. Tôi không thích thấy, tôi không có mong mỏi để thấy những vấn đề khác. Lúc nào tôi cũng thường thấy bốn vấn đề này.

Và bốn vấn đề này là tôi thường thấy nhất.

Còn trước đây, đã lâu lắm rồi thì tôi thấy sự dối trá trong đời sống. Tức là đầu óc con người sống trong sự dối trá mà mình không hề biết là mình sống trong sự dối trá. Người ta dối trá mình, mình dối trá người khác. Nhưng sự thật là không biết, cứ tưởng nó là thật. Chứ không phải mình có tính xấu, mình đi dối người khác. Không phải người khác có tính xấu, sống dối trá với mình. Mà hầu hết là, mình không biết mà người ta cũng không biết, chứ không phải mình xấu mà cũng không phải người ta xấu.



Khám phá những thông điệp bí mật ẩn chứa phía dưới các ngôn ngữ, cảm xúc

Với những cái thấy đó thì quả thật là tôi chỉ có thể trình bày bằng xúc cảm. Tôi trình bày bằng xúc cảm chứ không phải trình bày bằng sự sắp đặt tính toán hay theo kiểu chữ nghĩa văn chương, văn học. Xúc cảm nó đẩy mình tới. Xúc cảm là một năng lực bắt mình phải nói cái thấy đó. Chứ không phải mình trình bày cái thấy đó giống như người máy. Khi tôi trình bày lại cái thấy cho quý vị thì lúc đó có cảm xúc nổi và cảm xúc chìm. Cảm xúc nổi là những lời tôi nói mà quý vị nghe thấy. Còn cảm xúc chìm là cảm xúc của tình yêu, của tình thương. Cảm xúc chìm nó giống như là một loại cảm xúc của động cơ. Còn cảm xúc nổi là cảm xúc của một sự biểu hiện cho động cơ ấy. Người nghe nếu thực sự chú ý cũng có thể cảm nhận những cảm xúc ấy, nhưng thường thì đa số lại bám vào cảm xúc bề nổi, thích thú hay không thích thú cái cảm xúc của bề nổi. Phần lớn đầu óc của người nghe khó có thể chìm sâu được trong cảm xúc của sự sâu thẳm bên dưới. Vì vậy mà ban biên tập có cố gắng biên tập bằng cách nào đi nữa thì cũng chỉ biên tập được phần bề nổi, không thể biên tập được phần chìm sâu bên dưới lời tôi nói.

Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bề sâu bên dưới lời tôi chia sẻ với quý vị có chứa đựng rất nhiều sự bí ẩn. Chỉ những người nào tha thiết muốn khám phá trí tuệ của mình thì người ấy sẽ lắng sâu, sẽ cảm nhận được những cảm xúc sâu lắng bên dưới những lời tôi trao truyền. Còn đa số thì chúng ta dừng lại ở cái chỗ là đọc, nghe bề nổi, cảm nhận cho nhanh, hiểu cho nhanh và biến thành kiến thức cho nhanh! Vì vậy, cho nên quý vị chưa có thực sự mở được trí riêng của mình. Cho nên, chỉ thấy người nói chuyện mình thích nhưng mà mình chưa thật sự thích những điều gì mà mình khám phá sâu thẳm hơn. Thì cũng không có cách nào khác được, ban biên tập làm hết sức mình thì cũng chỉ làm được vậy thôi.

Còn tất cả những người nghe thì cần chú ý là phải khám phá cho được những thông điệp ẩn chứa qua các ngôn ngữ, qua các lời nói tôi dùng hay qua cảm xúc của tôi. Qua các làn sóng cảm xúc, quý vị cảm nhận được những thông điệp ẩn chứa bên trong. Có lúc tôi nói nhanh, có lúc tôi nói chậm, có lúc tôi nói trầm, có lúc tôi nói bổng, có lúc tôi dừng lại, có lúc tôi làm thinh, có lúc tôi nói rất giận dữ, có lúc tôi nói rất hiền hòa…, thì đó là các biểu hiện của cảm xúc.

Do đó, ban biên tập chú ý ghi chú cho độc giả. Khi đọc, người ta cố gắng cảm nhận được những cảm xúc chìm đắm bên dưới các từ ngữ này. Từ đó, họ có thể nhận ra các thông điệp bí mật. Những thông điệp bí mật, thứ nhất là không thể dùng ngôn ngữ để nói được; thứ hai là những cái gì có thể dùng bằng ngôn ngữ thì tôi cũng không được phép sử dụng để nói những điều ấy ra. Vì vậy, người nghe phải chịu khó, phải lắng đọng. Quý vị phải ghi chú những điều ấy cho độc giả.

Đối với những thính giả, tức là những người nghe, thì quý vị cũng lưu ý là phải nên có những lời mở đầu hướng dẫn cho họ để họ cảm nhận được những thông điệp bí mật ẩn chứa phía dưới các ngôn ngữ, phía dưới các cảm xúc đó. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở trên bề mặt của cảm xúc hay bề mặt của ngôn ngữ thì hoặc là chúng ta khen hay, hoặc là chúng ta thấy không hay. Chúng ta chỉ ở trong trạng thái đó. Và chúng ta có thể hiểu nhầm rằng chúng ta đã thật khá hoặc chúng ta hiểu nhầm rằng chúng ta chưa khá. Do vậy, quý vị cần phải ghi chú những nội dung ấy cho các độc giả và thính giả biết.



Triết lý cảm xúc kỳ diệu

Tôi trở lại phần cơ bản của một loại triết lý đầy cảm xúc mà tôi đã trao truyền suốt mười mấy năm qua cho quý vị. Tôi gọi là một loại triết lý cảm xúc kỳ diệu. Chúng ta phải sử dụng trở lại ngôn ngữ, xây dựng và sáng tạo trở lại các ngôn ngữ làm sao cho nó đáp ứng được với tất cả các nền văn hóa khác nhau, các tình huống khác nhau, các tần số xã hội khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau. Vì những sự truyền trao của tôi không dành cho một tôn giáo nào, không dành cho một địa phương cá biệt nào. Tôi đã nhiều lần nói là tôi đi qua con đường của tình thương dân tộc để gửi gắm những cảm xúc của mình, những tình cảm của mình vào cho loài người. Tôi đi qua cánh cổng của tình yêu quê hương để đi ra ngoài thế giới, để đi vào trong lòng con người trên hành tinh này.

Do vậy, chúng ta cố gắng sáng tạo ngôn ngữ để đáp ứng được cái đó, đáp ứng được con đường đó. Bây giờ con đường của chúng ta thực sự rõ rồi, không có gì để mà mơ hồ nữa thì đến giai đoạn này, quý vị bắt đầu gác lại những phương tiện cũ mà chúng ta đã sử dụng. Những phương tiện cũ chúng ta không vứt bỏ nó đi mà chúng ta đưa nó vào viện bảo tàng Minh Triết để cho con cháu chúng ta sau này có cơ hội xem xét là chúng ta đã thiện xảo sử dụng tất cả các phương tiện để đưa con người tới khai mở trí tuệ, vượt qua tất cả những nỗi bất bình, tồn tại một cách kỳ diệu và có ý nghĩa nhất.

Như lúc đầu tôi đề cập những cái thấy của mình, tôi thường xuyên thấy, lúc nào cũng thấy, mở mắt ra là thấy, nằm ngủ, thỉnh thoảng trong giấc chiêm bao cũng thấy. Và con đường Triết lý Sống Kỳ Diệu mà chúng ta đang theo đuổi cho cuộc đời của chúng ta mang bốn sự thấy đó. Bốn sự thấy chính và một sự thấy phụ. Triết lý sống của chúng ta mang đượm màu sắc như vậy.

Chúng ta thấy đầu óc của mình tại sao lại dính vào cái nhìn bế tắc để các cảm xúc đau buồn của sự bế tắc nổi lên. Do cái thấy bế tắc ấy dâng trào lên và có thể nó dẫn chúng ta đến tự kết liễu cuộc sống của mình. Rồi tự than thân trách phận, tự mình lao đầu xuống vực thẳm hay là tự mình đầu hàng cuộc sống, tự mình cảm thấy chán chường và bế tắc với cuộc đời này. Đó là cái thấy đầu tiên mà chúng ta cần phải biết để chúng ta vượt qua.

Cái thấy này nó có liên quan đến việc mà chúng ta vô tình sống trong chuyện mà chúng ta tự lừa dối mình và người khác cũng tự lừa dối mình. Cuối cùng, chúng ta lừa dối qua, lừa dối lại lẫn nhau, mà chúng ta vẫn cứ cho rằng đó là thật. Chưa thực sự bế tắc thì chúng ta vẫn cho là thật. Bế tắc rồi, đang bế tắc, chúng ta chưa thừa nhận là chúng ta tự lừa dối mình mà chúng ta chỉ mới thừa nhận là chúng ta bị xui rủi, chúng ta không được may mắn. Chứ chúng ta chưa thực sự dám thừa nhận rằng là mình dốt. Mình đang lừa dối mình. Mình đang lừa dối người khác. Và người khác cũng đang lừa dối họ và cũng lừa dối cả chính mình. Mình chưa thấy được điều ấy.

Tôi còn nhớ hồi ấy cô TTH và ông NXO mời tôi đến chơi. Tôi đã kể cho quý vị nghe rồi. Điều may mắn là người đại trí thức ấy chấp nhận là mình chưa từng nghĩ rằng mình thực sự dốt. Tại sao anh đau khổ? Tại sao anh khó chịu? Tại sao anh khó chịu với chính anh? Và tại sao anh khó chịu với người khác? Tại sao anh cảm thấy thất vọng? Hay là tại sao anh thấy anh thành công, anh thành tựu mà anh vẫn khó chịu? Cái chính là anh chưa nhìn thấy được một điều rất quan trọng, đó là anh thấy rằng là anh chưa thực sự nhìn thấy sâu sắc về chính mình, mình chưa bao giờ có điều kiện để nhìn ra được chuyện này. Vì vậy, cho nên mình không chấp nhận… Do vậy, tôi đề nghị ban biên tập làm sao làm cho rõ chỗ này.



Sáng tạo từ ngữ
Còn về vấn đề từ ngữ, chúng ta sử dụng từ ngữ không liên quan gì đến tôn giáo nào. Bởi vì trạng thái bế tắc, thất vọng, đau buồn, không phải chỉ người có tôn giáo mới bị mà người không có tôn giáo cũng bị cái này, người không có đức tin nào hết cũng bị cái này. Nay làm tổng thống, ngày mai vào tù. Nay làm tỉnh trưởng, ngày mai vào tù hoặc có thể bị tội tử hình. Nay làm tỷ phú ngày mai trắng tay. Khi người ta trở thành tỷ phú thì sự giàu sang, phú quý vô cùng tận, nhưng khi đi xuống rồi thì không còn cái gì cả, không có cái gì còn hết. Tiền cũng không còn và có nhiều khi mạng sống cũng không còn. Mạng sống có còn thì cũng giống như người không có linh hồn, người mất hồn. Người chỉ còn cái xác, sống mất hồn, ăn không ngon, ngủ không ngon. Tức là ở trạng thái chết mà chưa chôn, theo cái nghĩa hết sức tiêu cực.

Từ ngữ chúng ta sử dụng phải sáng tạo làm sao đáp ứng được với tất cả mọi người trên thế giới. Ví dụ như chúng ta sử dụng chữ “đau khổ” thì chưa chắc đã nói rõ được. Nhưng chúng ta sử dụng chữ căng thẳng, thất vọng, bất bình, tuyệt vọng, chán chường thì có thể nó sẽ đúng với tất cả các nền văn hóa khác nhau. Người ta dùng chữ “đau khổ” thì mang tính cá biệt của một tổ chức, một tập thể, một quan niệm, một trường phái. Cho nên chúng ta không dùng từ đau khổ. Từ “đau khổ” thì quý vị có thể chuyển hóa lại, chuyển đổi đi thành “cái nhìn thất vọng, cái nhìn bế tắc dẫn tới cảm xúc đau buồn, chán chường, thất vọng, thiếu tự tin - nó đi liền với nhau”. Tôi đề nghị ban biên tập ghi rất là rõ chỗ này và đưa vào quyển từ điển nhỏ bỏ túi của chúng ta.

Còn từ “vượt qua đau khổ”, vì hi xưa ta không có từ để dùng thì chúng ta phải dùng những từ mà nhân gian dùng thông qua ảnh hưởng của các tôn giáo thì nay chúng ta phải đổi lại. Ví dụ những từ như là “giải thoát”, “hạnh phúc”, “thiêng đàng”, “địa ngục”, hay là “cứu cánh”, hay là “tỉnh thức”.... Tức là với một “đầu óc bấn loạn” thì chúng ta chỉ nói ngược lại với từ này là từ “đầu óc tỉnh táo”. Nhưng để cho dễ hiểu từ “tỉnh táo” chúng ta có thể nói là “đầu óc của mình không bấn loạn, không bận rộn, không u u ve ve như tiếng con ong kêu trong tổ ong. Giống như quý vị nghe những câu ngạn ngữ của phương Tây: “Bận rộn như là con ong”, lúc nào cũng nghe tiếng ong ve ve trong đầu óc.

“Đầu óc bận rộn” nó khác. “Đầu óc căng thẳng” nó khác. Nhiều khi đầu óc nó bận rộn nhưng ít căng thẳng. Các cụm từ như “Đầu óc không bận rộn”, “Đầu óc tỉnh táo”, “Đầu óc thảnh thơi”, “Đầu óc nhẹ nhàng”, “Đầu óc tập trung”, “Đầu óc thường để ý vào những chuyện chi tiết”, “Đầu óc không có để ý vào chuyện chi tiết”, “Đầu óc lơ đễnh”… Chúng ta tập trung phân tích nó ra và sử dụng các từ ngữ ấy.

Chúng ta không cần phải dùng chữ “thiền định, định tâm”. Bởi vì, tôi thấy có nhiều cái mà chúng ta có thể nghiên cứu. Nhật Bản người ta nói chữ “zen” chứ người ta không nói chữ “thiền”. Người ta sáng tạo ra từ ngữ riêng cho trường phái của người ta. Nhưng ở đây chúng ta sử dụng ngôn ngữ nào, từ ngữ nào mà ai cũng có thể hiểu được. Tất cả mọi thành phần trong xã hội, trên hành tinh này đều có thể hiểu được.

Ví dụ như, đầu óc căng thẳng quá, đầu óc tôi thất vọng quá. Tôi nhìn vấn đề làm sao không biết mà tôi thất vọng quá, tôi khó chịu quá, tôi bực bội quá, tôi giận dữ quá, tôi đau buồn quá, tôi bị trầm cảm quá. Từ “trầm cảm” thì quý vị biết rồi, là suốt ngày nó không muốn nói gì hết, không tự tin gì hết, không tiếp xúc với ai cứ ngồi một mình, nói lảm nhảm, gần như nó không còn sự sống nữa. Nó còn đang sống nhưng nó không có sự sống, không có hành động sống nữa, nó không có động cơ để sống nữa. Chữ “trầm cảm” là không có động cơ để sống, không có mục tiêu để sống, không có nội dung để hành động. Có thể mình sẽ làm rõ như vậy.

Chúng ta cố gắng tìm những từ ngữ không hoang đường. “Chứng ngộ” là một từ ngữ rất hoang đường. Vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi những từ ngữ như vậy cho nên chúng ta đi tìm một con đường hoang đường. Chúng ta bỏ hết tất cả những cái đó không sử dụng đến! Chúng ta qua thời kỳ ấy rồi. Thời kỳ chúng ta sử dụng ngôn ngữ để diệt ngôn ngữ đã qua rồi. Chúng ta sử dụng nó để vô hiệu hóa sự mơ hồ của nó, giai đoạn ấy chúng ta qua rồi.

Ngôn ngữ rất quan trọng! Tôi nhắc đi nhắc lại, chúng ta cố gắng làm việc sáng tạo ngôn ngữ. Không phải chỉ có mình tôi sáng tạo ngôn ngữ được. Quý vị cứ mạnh dạn sáng tạo ngôn ngữ, rồi quý vị gửi tôi xem. Tôi xem thì có thể tôi có ý kiến mà cũng có thể tôi không có ý kiến, rồi quý vị có ý kiến với nhau. Chúng ta cũng xứng đáng để sống khi chúng ta làm công việc này. Làm công việc này vui lắm! Biết bao nhiêu người có tiền, có của, có địa vị bây giờ người ta sống trong sự chán chường, trong sự bực bội, trong sự chửi thề suốt ngày. Còn chúng ta sống ung dung lắm. Đừng có nghĩ quá nhiều về vật chất, chúng ta sống rất ung dung. Mà chúng ta làm việc và cống hiến như thế này thì rất là tốt, rất là ung dung, tự tại.

Tôi mới nói sơ qua một phần về chuyện từ ngữ, chuyện này cần phải nói tới nhiều lắm. Chúng ta phải thường xuyên làm việc, thường xuyên sáng tạo. Những chữ gì mang tính mơ hồ, tiêu cực thì chúng ta không dùng nữa. Bởi vì mình dùng từ ngữ mơ hồ: thứ nhất thì người ta không hiểu mình; thứ hai là mình cũng không hiểu mình; thứ ba là mình cũng không hiểu người ta; thứ tư là mình cũng không hiểu từ ngữ mình dùng để nói cái gì. Mình cứ dùng nhưng mình không biết cái gì thì cuối cùng mình giống như một con robot vậy thôi. con robot nó nói nhưng hoàn toàn nó không biết nói cái gì. Quý vị có dám chắc là con robot nói thì nó hiểu không? Chúng ta không muốn là con robot như vậy. Có những trường hợp, chúng ta cần đóng vai con robot thì con robot này có cảm xúc và có khả năng hiểu những lời mà con robot này nói ra. Còn nếu những lời chúng ta dùng mà chúng ta không hiểu thì mỗi người nên đặt mua một con robot, rồi nhờ nó nói giúp cho mình, để mình đỡ phải nói. Cái miệng mình chỉ nói ra những từ ngữ mà mình hiểu chắc là từ ngữ đó nói gì.

Hàng ngày khi quý vị dùng từ ngữ gì nói ra thì phải lấy tay bịt cái miệng mình lại và tự mình hỏi rằng “Từ ngữ này mình dùng mà mình có biết nó là cái gì không?”. Nếu mình cảm thấy mập mờ, chưa trả lời được thì mình không sử dụng nó, kiếm từ khác sử dụng. Anh dùng chơi thì được nhưng nếu anh dùng từ mà với tinh thần trách nhiệm của anh thì khác, hoàn toàn khác. Anh có thể nói đùa với một cô gái nào đó “Tôi yêu cô!” hay một cô nào đó có thể nói đùa với cậu nào đó “Tôi yêu anh!”. Nói đùa thì được nhé. Nhưng anh nói với tính trách nhiệm thì nó khác, hoàn toàn khác. Mình nói đùa với nói trách nhiệm thì nó khác. Mình nói ngu ngơ với nói đùa là nó khác. Còn anh đã dùng từ đó thì anh phải hiểu rất rõ từ đó nó nói cái gì, khi đó anh sẽ nói đầy tình cảm và đầy trách nhiệm sâu thẳm.

Khi tôi nói cho quý vị những điều gì, thì những chữ tôi dùng, tôi rất có trách nhiệm với quý vị qua từng câu chữ đó với mục đích là không dẫn quý vị đi lạc đường, không dẫn quý vị tới mơ hồ, không dẫn quý vị tới thất vọng, điêu linh, không dẫn quý vị tới tốn tiền tốn của, tiền mất tật mang. Tôi dám cam đoan điều đó chắc chắn như vậy!

Vấn đề về từ ngữ thì chúng ta tạm gác ở đây, cứ mỗi lần nói một chút chứ nói nhiều thì cũng không thể nói hết được, vì nó nhiều quá. Nhưng quý vị phải làm việc chứ không phải chỉ ngồi đó chờ tôi nói. Chúng ta phải làm việc, phải động não, phải chắp bút, rồi chúng ta mới đọc lên, chúng ta nghe âm điệu của chúng ta. Chúng ta viết một dòng chữ, rồi chúng ta đọc to lên để mình nghe thử dòng chữ đó nghe có êm tai chưa? Nó thật rõ ràng chưa? Mình hiểu rõ nó chưa? Cứ thế, cứ làm việc như thế, rồi tôi sẽ sửa dần.



Tập sử dụng màu sắc

Còn về vấn đề màu sắc, mình sử dụng màu sắc gì từ cái đầu, cái cổ, cái tay, cái chân, cái quần, cái áo, cái giày, cái dép? Sử dụng màu sắc gì nó thể hiện sự không mơ hồ, không cực đoan, nó thể hiện sự minh mẫn, sự rõ ràng, sự bình dị, sự dễ chịu, sự lịch sự nhưng mà có tính lôi cuốn, có tính hấp dẫn, có tính gây cảm hứng cho người khác, có tính thu hút một cách vô hình lẫn hữu hình - tức là có tính thu hút dễ thấy và không thấy được. Từ màu sắc trong nhà cho đến màu sắc trên cơ thể chúng ta, cho đến màu sắc chúng ta trang trí ngoài sân vườn..v.v….Màu sắc thì thường đi với hình thức. Màu sắc với hình thức thường đi đôi với nhau.



Tập sử dụng âm thanh

Về vấn đề sử dụng âm thanh thì chúng ta cũng bắt đầu phải tập. Tôi cũng phải tập nhiều. Mình phải rút kinh nghiệm tập mỗi ngày. Khi anh dùng âm thanh nói chuyện với ai đó, phải sử dụng âm thanh làm sao cho rõ ràng, trong sáng, dễ chịu, thân thiện, trung thực, gây cho người ta sự tin cậy, phát ra sự tự tin, phát ra lòng nhiệt tình. Một người có thể có quyền lực từ âm thanh, mình nói là quyền lực nhưng thực ra là nó tạo ra sức thu hút chứ không phải là quyền lực. Cũng một nội dung nói như vậy, cũng ba chữ “Tôi thích bạn” nhưng anh nói nghe sao nó nhạt. Anh nói làm sao đó mà làm cho người ta có cảm hứng thật sự với anh. Còn anh nói sao mà hai hàm răng muốn rớt, hai tròng mắt muốn rớt ra ngoài luôn thì thấy chán lắm! Cái âm thanh sử dụng như vậy nghe nó chán lắm! Lời nói đó không thể hiện sự nhiệt tình, nó không có trung thực, nó không có vui, nó không có sức sống, nó giống như lười lười, âm thanh nó thiếu trách nhiệm, âm thanh nó đùa cợt mà không có minh mẫn. Âm thanh mình nói ra sao cho vừa dễ chịu, vừa trách nhiệm, vừa vui, vừa hấp dẫn, vừa lôi cuốn, vừa gây cho người ta sự cảm hứng. Còn bữa nào anh bệnh quá, âm thanh anh không tốt thì thôi đừng có tiếp khách. Bữa đó chịu khó ngồi trong nhà một chút xíu, uống nước, uống này uống kia, bớt tiếp khách đi. Bởi vì âm thanh nó phát ra làm cho người ta phiền quá, thì thôi. Ngày nào mà âm thanh mình kém thì quý vị đừng tiếp khách, đừng nói chuyện với ai.



Một số điều căn dặn

Còn trong các bài có tên tuổi cụ thể thì quý vị cố gắng có cách trình bày nào đó mà giấu bớt tên thật đó đi, đừng có nên đưa ra trong văn viết của mình. Mình có một cách nào đó nêu ra chứ đừng có nêu cụ thể, nêu cụ thể không tốt. Bởi vì người đọc hay ưa có những sự bình luận bất lợi cho họ.

Đặc biệt trong các hiền giả, tránh các hình thức mơ hồ trong cuộc sống của mình. Lễ nghi mơ hồ, cúng tế mơ hồ, phép tắc mơ hồ - nên tránh. Trừ trường hợp anh đóng kịch với người khác có lý do. Đóng kịch vì tình thương với người khác, vì muốn giúp người ta hay là vì muốn tránh sự nguy hiểm cho mình vì mình đang đóng kịch thì được.

Ví dụ như hôm nay anh biết là anh đi tới cuộc hẹn đó, nó không tốt cho họ mà cũng không tốt cho anh nhưng anh lỡ hẹn rồi thì anh giả bộ điện thoại bảo là “Mình hẹn với cậu rồi nhưng mình coi lại ngày mình thấy ngày đó nó xấu quá, giờ đó nó cũng xấu quá, cho nên thôi để khi khác. Khi nào có điều kiện thì mình làm lại cái hẹn gặp nhau sau nhé.  Mình xin lỗi”. Trong những trường hợp như vậy thì anh có thể đóng kịch. Là anh nói chuyện mơ hồ, là anh làm những hành động mơ hồ. Mà những cái đó không thể làm hoài được, làm một hai lần thôi, chứ làm hoài thì nó không phải chuyện anh đóng kịch nữa mà là chuyện chính anh là người sống mơ hồ.

Một số mục nhỏ, những chủ đề nho nhỏ trong sách thì quý vị xem những chủ đề nào nó chưa phù hợp thì đổi lại. Ví dụ quyển ‘Thiền Minh Triết” thì mình có thể đổi lại là “ Cửa vào triết lý sống kỳ diệu”. Tức là anh muốn vào triết lý sống kỳ diệu thì anh đi qua cửa đó. Quý vị trong Ban Biên Tập trao đổi với nhau thêm về những chủ đề này.

Quý vị là những người bạn trẻ, thế hệ của quý vị nó khác với thế hệ của tôi. Thế hệ của tôi là thuộc thế hệ cổ lắm rồi, cho nên nhiều khi tôi sử dụng từ ngữ không phù hợp với quý vị. Chính quý vị mới là những người mở đường cho các thế hệ sau. Cho nên, đó là lý do tôi muốn trao đổi với quý vị, tôi muốn giao trách nhiệm cho quý vị. Bởi vì, dù cho có tỏ tường cỡ nào thì trong quá trình sống của mình ở thế hệ trước, thế nào cũng có những sự quên, có những sự dính mắc rồi mình quên đi và mình cứ dùng mãi mấy chữ đó, trong khi đó những chữ mới thì mình không biết.
Bây giờ các từ mới luôn được cập nhật rất nhiều, làm sao tôi biết được. Tôi có học đâu mà tôi biết. Mà tôi dùng toàn những từ ngữ ngày xưa. Còn quý vị là thế hệ sau tôi… Đáng lẽ hôm nay phải cho mời cháu Tuệ Nguyệt Thiên dự để có một thế hệ thật là trẻ trung. Những thế hệ trẻ trung như Tuệ Nguyệt Thiên thì cháu sẽ biết được những từ ngữ cập nhật mới mà chính thế hệ quý vị cũng chưa biết tới. Tôi thấy vừa rồi Tuệ Nguyệt Thiên góp ý cho tôi một số từ ngữ trong “Chắp cánh thiên thần”, tôi thấy rất là hay. Những từ ngữ đó chính các thế hệ trước cũng không biết,  mà ngay thế hệ tôi cũng không biết được và thế hệ quý vị cũng không có thể hiểu được. Vấn đề này chúng ta buộc phải tôn trọng. Chúng ta không thể đem ý muốn chủ quan của chúng ta để chúng ta áp đặt lên được. Còn khi biên tập thì quý vị phải ghi rất rõ là: “Các từ ngữ sử dụng này thuộc thế hệ nào…”. Quý vị dành riêng một trang riêng dành cho phần lưu ý độc giả. Để sau này những thế hệ con cháu chúng ta đọc thì nó biết là từ ngữ chúng ta sử dụng là cho thế hệ đó thôi, cho thế hệ cha ông nó thôi, có thể không còn phù hợp cho thế hệ chúng nó nữa. Quý vị cũng cần ghi rất rõ “Các kiến thức và tài liệu sử dụng trong quyển sách này thuộc thế hệ nào”, để cho con cháu chúng ta khi đọc thì nó chỉ tham khảo thôi. Đây là những kiến thức thuộc thế hệ cha ông của nó, chưa chắc đã phù hợp với thế hệ của nó bây giờ. Ban biên tập chịu khó làm một trang như vậy, tôi sẽ góp ý thêm. Nhưng quý vị nên sáng tạo thêm trang đó, rồi đưa cháu Nguyệt Thiên góp ý.

Cháu Tuệ Nguyệt Thiên đại diện cho thế hệ tuổi mười bốn, mười lăm. Và Tuệ Nguyệt Thiên như là một nhân chứng để biết rằng những kiến thức và những từ ngữ này là thuộc thế hệ cha chú của Tuệ Nguyệt Thiên và thuộc thế hệ của Tuệ Nguyệt Thiên mà cũng chỉ mới biết sơ sơ, từ kiến thức cho đến những câu chuyện sử dụng. Chúng ta cố gắng làm như vậy để cho các thế hệ mai sau, khi các cháu đọc lại thì thấy những gì chúng ta thực hiện rất là khoa học. Quý vị cần ghi rất rõ là “Các con cháu đời sau phải lưu ý rằng những kiến thức và từ ngữ sử dụng trong tác phẩm này thuộc thế hệ như thế này…”

Chúng ta làm như vậy thì chúng ta thực sự mới có trách nhiệm với con cháu của chúng ta. Đa số người lớn có cái bệnh là những gì mình nói ra thì buộc con cháu ngàn đời phải nghe theo. Mà trong khi đó thì đời sống con cháu nó khác rồi. Bây giờ chúng ta ăn gạo, ăn khoai, chúng ta lấy vàng làm bản vị, lấy xăng dầu cho xe hơi chạy nhưng sau này nó có thể khác đi, không giống nữa; hình thức xã hội sau này nó có thể khác đi không giống như bây giờ. Cho nên chúng ta sử dụng kiến thức và các hình ảnh của xã hội bây giờ là thuộc thế hệ nào để cho con cháu chúng ta biết và sau này trở thành cái gì đó thuộc về lịch sử của quá khứ.

Cuộc trao đổi đột xuất với quý vị trong ban biên tập chắc có lẽ tới đây là như thế thôi, nó tạm tạm như thế thôi. Tôi chờ thêm mấy buổi sáng nữa xem có gì mới nữa không. Quý vị biên tập lại bài này và đưa lên trang web để cho các hiền giả cùng có thể tham khảo thêm.

Chúc quý vị mạnh khỏe
25.9.2012
Cực Quang Aurora