« Nếu quý vị đang là Phật tử và có thói quen thực hành phương pháp Niệm Phật thì phải hiểu mỗi khi lần chuỗi, niệm Nam mô A Di Đà Phật là Nam mô ánh sáng của sự thấy biết và tình yêu trong chính mình. "Nam mô" là dựa vào, "A Di Đà" là ánh sáng của sự thấy biết và tình yêu. Nam mô A Di Đà Phật nghĩa là nương vào ánh sáng và sự kì diệu của sự thấy biết và tình yêu. Ánh sáng đó sẵn có bên trong mình rồi, vậy ai hay cái gì nương vào đó? Chính là đầu óc hay chấp nê, kinh nghiệm, sự hơn thua, suy nghĩ, sự quá tin tưởng vào bản thân... cần phải dừng lại và nương vào, không còn gì khác. Phật không nương vào Phật, ánh sáng không nương vào ánh sáng, tình yêu không nương vào tình yêu. Chỉ có tối tăm, sự rối loạn đầu óc nương vào ánh sáng hay sự hận thù nương vào tình yêu mà thôi.
Sự rối loạn hay tối tăm của đầu óc là do suy nghĩ, đắm chìm và tin tưởng vào những vấn đề đang chấp. Toàn bộ những thứ đó phải nương vào ánh sáng của sự thấy biết và tình yêu nguyên sơ. Cái đang vận động hay cái được sinh ra phải nương vào cái đã có sẵn, giống như đứa con mới chào đời phải nương vào người mẹ. Nam mô A Di Đà Phật, tức là "con xin nương vào" hay "hãy nương tựa vào ánh sáng nguyên thủy". Hãy buông bỏ những lòng chấp để trở về với trạng thái không nhiễm ô quan điểm. Đó chính là ý nghĩa đích thực của việc niệm Phật.
Miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, tay lần chuỗi hạt và cái đầu thì nghĩ về ánh sáng, sự thấy biết và tình yêu, để sự thấy biết biết động tác lần chuỗi và cái đầu đang hướng về sự thấy biết ấy, chứ không phải đang suy nghĩ lung tung bên ngoài.
Đang niệm Phật mà phát hiện mình suy nghĩ về việc bên ngoài, thì cố gắng tập trung trở lại bên trong. Hình dung mình đang làm tổng chỉ huy lực lượng suy nghĩ, chúng rất hay đi lung tung bên ngoài. Bây giờ mình chỉ huy lực lượng suy nghĩ chạy vào và an trú bên trong sự nhận biết.»
« Quý vị cao tuổi khi niệm Phật hãy nhớ tới ánh sáng của mình và biết ánh sáng, sự thấy biết, khả năng tự nhiên có sẵn trong đầu óc mình là bất sinh bất diệt, vĩnh hằng, là chính mình. Như vậy, quý vị sẽ không sợ chết nữa, và một thời gian sau sẽ biết cách từ bỏ xác thân, biết sau khi chết mình đi về đâu, biết cái gì là linh hồn thật của mình và cái gì là bóng ma của mình. Cả linh hồn thật và vô lượng bóng ma cùng nằm trong con người mình.
Linh hồn thật của mỗi người chính là sự thấy biết và tình yêu. Còn ý tưởng và lòng chấp chính là bóng ma. Người trước khi chết nếu không nắm được điều đó thì không thể an trú được trong con người thật, mà sẽ ẩn náu trong hình bóng những con ma khác nhau. Nếu trước khi chết nhớ tới linh hồn thật của mình thì sẽ không thành ma và sẽ rời bỏ xác thân một cách nhẹ nhàng, không hề luyến tiếc và sợ hãi. Từ bỏ xác thân nhẹ nhàng, đồng nghĩa với việc tan biến trong thế giới Phật pháp, trong vô lượng chư Phật vì bản chất của vô lượng chư Phật chính là sự thấy biết và tình yêu.
Nếu biết rõ sự thấy biết và tình yêu là mình thật, hãy giữ mãi con người thật ấy, đừng tin vào suy nghĩ hay thế giới quan điểm sống của mình. Làm được như vậy thì chết rất an toàn. Khi niệm tưởng không phát sinh, người chết sẽ lên thiên đàng chứ không thành ma quỷ hay xuống địa ngục. Thiên đàng là gì? Là toàn bộ con người thật sẽ tan biến, hòa hợp với vô lượng chư Phật, hòa thành một với chư Phật. Điều đó rất rõ ràng, không nhầm lẫn, không mơ hồ và không hão huyền.
Người cao tuổi hãy đọc đi đọc lại và tập bài này. Tập đúng thì tuổi già được sống bình yên, chết sẽ nhập vào với chư Phật. Còn nếu không tập được, mà lại chạy theo suy nghĩ, lòng chấp hay sự đánh giá của mình, lo sợ ắt sẽ xảy ra, khi tắt thở sẽ trở thành ma lảng vảng hoặc sống trong cảnh địa ngục. Đây là bài học giá trị cho những người cao tuổi tu pháp môn niệm Phật. Hãy thường xuyên chú ý để thấy sự nhiệm màu xảy ra xung quanh mình, rồi hoàn cảnh, mối quan hệ trong gia đình, bản thân, đầu óc, đời sống vật chất, tình xóm giềng... chắc chắn sẽ thay đổi tốt đẹp hơn.
Đừng sợ khi thấy phương pháp này không giống những phương pháp của mấy ngàn năm trước để lại. Bởi vì những phương pháp như tập để lên thiên đàng, được Phật cứu rỗi cũng chỉ là nghe từ người khác thôi. Người ta còn bày vẽ và thêu dệt ra biết bao câu chuyện xung quanh vấn đề đó, nhằm chứng minh hay thuyết phục người khác. Việc đó giống như các hãng hay công ty đều cố tìm cách chứng minh sản phẩm của công ty mình làm ra là số một. Nhưng sự thật không phải vậy. Quý vị cứ tập phương pháp tôi chia sẻ rồi sẽ thấy.»
Trích từ cuốn sách Ta là ai? của tác giả Duy Tuệ