"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Câu chuyện tiền kiếp của Joe


Thập Nhãn : Thưa ông, con mời ông giảng bài!

Ông : Bây giờ, từ nội dung các bài văn mà mấy con viết, ông sẽ căn cứ trên cái thấy riêng của mấy con mà có bài cho mấy con. Cách làm việc sẽ như vậy nhé, ông không có chuẩn bị bài trước. Mấy con đồng ý cách làm việc như vậy không ?

Thập Nhãn : Dạ, con đồng ý ạ.

Ông : Nguyệt Thiên? Con đồng ý không ?

Nguyệt Thiên : Dạ, con đồng ý ạ.

Ông : Căn cứ trên mấy bài của mấy con ông sẽ góp ý thêm. Qua các bài viết, ông thấy con nào viết cũng rất hay. Ông rất là vui mừng khi thấy con các con có những cái nhìn, có những ý tưởng sâu sắc trong bài viết. Các con hình dung cách làm việc giữa ông và các con là như thế này.

Trong bộ não của mấy con, giống như một mảnh vườn, mà công việc của ông là giúp làm sạch cỏ, tươi tốt, đầy đủ nước và phân bón. Trong cái vườn đất mênh mông này, ông giúp các con trồng một cái cây giữa trung tâm, cái cây thật là lớn đó là cây Tình Thương. Rồi chung quanh đó trồng những cây gì, những hoa gì đó là quyền của mấy con, cái đó ông không có tham dự, tham gia vào. Có thể mấy con sẽ trồng cái cây kỹ sư, trồng cây bác sĩ, trồng cây nhà văn, trồng cây nhà báo, trồng cây làm tổng thống, làm bộ trưởng, làm tổng giám đốc… Cái đó là tùy mấy con, cái đó là quyền quyết định của mấy con.

Nhưng mà tất cả những cái cây mà các con trồng đều ảnh hưởng bởi hai yếu tố : Điều kiện thứ nhất là mảnh vườn của mấy con luôn luôn tốt, không có cỏ và không có cây dại. Điều kiện thứ hai là cây luôn luôn nở hoa, thì những thứ khác mà mấy con trồng đều sẽ rất đẹp.

Ông nói như vậy Duy Thiện có hiểu không ?

Duy Thiện : Dạ có.

Ông : Nếu chưa hiểu thì mẹ Duy Thiện đang cùng nghe, mẹ sẽ hướng dẫn lại thêm nhé!

Nhưng mà, ví dụ là mảnh đất thôi, toàn bộ bộ não của mấy con ví dụ như là một mảnh đất đẹp thiệt đẹp. Nhưng nó không phải bằng những hạt đất kết lại thành mảnh đất lớn. Mấy con thấy, một mảnh vườn, một mảnh đất nếu đem phân tích thì nó thành những tế bào đất cộng lại, cộng lại. Nó liên kết lại và mình nhìn thì thấy nó là mảnh đất, nhưng sự thật là từng tế bào đất một, nó liên kết lại. Từng hạt đất nho nhỏ liên kết lại, nó giống như mấy con thấy bãi cát ngoài bờ biển.  Một bãi cát mênh mông, mấy con bốc một nắm cát lên mấy con thấy từng hạt cát một liên kết lại thành cát. Chúng ta không nói là những viên cát mà là bãi cát mênh mông. Giống như ông nói mấy con có một mảnh vườn ảo, mảnh đất mênh mông nhưng mảnh vườn này không phải là đất thiệt, ông chỉ ví dụ thôi. Mà cái sự liên kết nho nhỏ, nho nhỏ lại để thành bộ não của các con đó là những con mắt. Như vậy, bộ não của các con là hàng tỉ con mắt liên kết lại thành mảnh đất. Như vậy, mảnh đất mà ông ví dụ nó không phải là đất mà nó là hàng tỉ tỉ con mắt liên kết lại mà thành.

Mà con mắt là để làm gì ?

Thập Nhãn : Dạ, con mắt là để nhìn.

Ông : OK. Bây giờ ông lấy cái ví dụ này nhé, ngay giữa ngã tư bên Mỹ, bên châu Âu, bên Việt Nam chắc cũng có, người ta gắn bốn con mắt tại ngã tư. Bốn con mắt này chĩa vào trung tâm ngã tư, nếu xe nào mà vượt đèn đỏ thì con mắt này sẽ báo cho hệ thống camera biết và hệ thống camera sẽ chụp hình cái xe đó, chụp phía trước, chụp phía sau, chụp cái bảng số xe, rồi nó về nó phạt, 400 đô la, bắt đi học thêm mấy tháng nữa.

Như vậy ông đố mấy con, cái việc chụp hình nó chụp trước hay cái việc thấy nó thấy trước?

Hồng Bảo : Dạ thưa ông, nó thấy trước. 

Ông : OK. Như vậy nếu nó thấy không chính xác thì nó chụp có chính xác không ?

Hồng Bảo : Dạ, nếu nó thấy không chính xác thì dĩ nhiên nó chụp không chính xác rồi.

Ông : Ví dụ như bây giờ cái đèn thấy, cái con mắt thấy nó có cái óc ghét cái xe nào đó thì nó thấy chính xác không ? Ví dụ nó thấy cái xe đó dễ ghét quá, mày ngang tao chụp cái chơi thì như vậy nó có thấy chính xác nữa không ? Ông đố mấy con đó.

Thập Nhãn : Dạ, thưa ông là không.

Ông : Còn nếu như nó thương xe nào quá thì nó thấy có chính xác không?

Thập Nhãn : Dạ, thưa ông là không.

Ông : Thí dụ như bây giờ cái con mắt này nó thương Thập Nhãn quá, nó biết xe này là của Thập Nhãn mà con bé này dễ thương lắm cho nên tới ngã tư lỡ nó có vượt đèn đỏ thì thôi tha cho nó, không chụp. Như vậy thì nó ghét nó chụp không chính xác mà nó thương thì nó chụp cũng không chính xác luôn. Hễ nó ghét thì không phạm lỗi vượt đèn đỏ, nó cũng chụp. Mà nó thương thì vượt đèn đỏ nó cũng bỏ qua, nó không chụp.

Như vậy, nếu con mắt thấy có thương có ghét thì con mắt đó có thấy chính xác không?

Hồng Bảo : Dạ thưa ông là không.

Ông : À, như vậy là khi thấy mà có thương, có ghét là cái thấy không chính xác.

Ông lấy ví dụ đó để liên quan trở lại tới mấy bài viết mà hồi này mấy con đọc cho ông nghe. Nguyệt Thiên viết bài thì rất hay nhưng mà phải coi chừng chỗ này nhé, nhiều khi con ghét ba quá thì nhiều khi con thấy ba con không chính xác. Hay là nhiều khi con thương mẹ con quá thì chưa chắc con thấy mẹ chính xác. Đó là một điều ông nhắc về cái thấy của các con.

Điều thứ hai là bài của Quế Trâm. Quế Trâm có Phật tâm danh là Tuệ Như Ước Mơ. Bài của Quế Trâm là ca ngợi mẹ như là một anh hùng. Thì cái đó, nếu mình bỏ chuyện thương mẹ qua một bên đi, mình quan sát mẹ như là một nhà khoa học trong cách cư xử với con cái thì đúng quả thiệt mẹ mình là anh hùng chứ không phải vì mình thương mẹ mình quá mình ca ngợi mẹ là anh hùng thì được.

Bài của mấy con, nhất là bài của Quế Trâm đã cho ông cái thấy như thế này, và bài của Nguyệt Thiên nói về vấn đề khả năng thấy linh hồn, thì ông phối hợp hai bài này kể cho các con nghe một câu chuyện có thật như thế này.

Ngày xưa khi ông còn sống trong gia đình, ông còn đi làm ăn, ông có nuôi tất cả là 7 con chó : 1 con chó Bắc Kinh, 1 con Tokyo Nhật là hai, 1 con chó ở đảo Phú Quốc của Việt Nam mình là ba, 1 con chó Joe ở phần Bắc cực của Nga là bốn, 1 con chó cụt đuôi Đô-bẹc-man của Đức là năm, 2 con chó Bẹc-giê của Đức là bảy. Mỗi sáng là có người đem xích lô đến đón nó đi học, rồi trưa người ta chở về người ta trả lại.

Mấy con chó này làm công việc là bảo vệ cho ông, bảo vệ cho nhà, bảo vệ cho ông riêng, đặc biệt là có mấy con chó lớn là nó bảo vệ riêng cho ông. Thì trong đó ông đặt tên thế này, con chó của Đức ông đặt là Đô-bẹc-man, con chó Bẹc-giê ông đặt là Tô, con chó Phú Quốc ông đặt là Q, con chó Nhật ông đặt là Tô, con chó Nga ông đặt là Joe, con chó Bắc Kinh ông đặt tên là Đô. Trong những con chó đó, chúng đều là những người thân của ông hết tại vì nhiều khi mình dùng chữ chó mình có mặc cảm chứ ông không có mặc cảm khi dùng chữ chó. Ông coi tất cả những con vật này như là người thân của ông hết cho nên ông rất lịch sự ông chỉ kêu tên chứ không kêu gì khác.

Đặc biệt nhất là con Joe. Con Joe tốt nghiệp trong một trường huấn luyện chuyên môn về ma túy, nhưng mà người ta không xài nó vì nó không có ưu điểm gì đó mà bán ra thị trường. Và có người mua lại nó cho ông. Những con vật, những người bạn này của ông, không ai đến gần nó được, ngoại trừ ông ra, đến gần là nó sẽ tấn công.

Định Lực : Ông ơi bây giờ ông còn nuôi chó nữa không ông?

Ông : Bây giờ ông không còn nuôi nữa con.

Định Lực : Vậy mấy con chó đó ông bán hết rồi hả ông?

Ông : Bây giờ nó mất hết rồi, có một con chó con, con của con Joe thì nó mới vừa mất, nó được 10 tuổi. Người nhà ông mới vừa báo, người ông nhớ thương nó lắm, khóc thương và mất ngủ.

Con Joe thì nó to như sư tử, nhìn thấy nó thì giống như thấy sư tử vậy. Con Đô-bẹc-man nó to, lông sát da, nó dữ lắm. Người nhà của ông mà loạng quạnh là nó cắn, nó cắn người nhà thì nó cắn không sâu mà nó ngậm đó thôi. Nó ngậm cũng có thể chảy máu. Còn người lạ thì nó cắn dữ lắm. Không có tốt!

Con chó Joe là con chó kỉ niệm nhất mà ông không bao giờ quên nó được. Tất cả những con chó này, từ Tô, Joe, Q, Đô-bẹc-man… ông kêu tên nó như vậy và nó rất là thân thiện với ông nhưng đặc biệt nhất là chỉ có một mình con Joe là nó không thân thiện.

Ông ngủ trong phòng của ông, phía trước phòng ông là 5 người làm việc cho ông, ngủ trước cửa phòng của ông, trên mấy bộ phản. Thì con Joe nó nằm ngay trước cửa phòng ông mà nó cũng nằm dưới chân mấy bộ phản của mấy chú thanh niên ngủ đó. Mà mấy chú thanh niên này mà thức dậy đi tiểu thì nó mừng. Hễ đương nằm ngủ mà ai thức dậy đi tiểu là nó mừng. Nhưng mỗi một mình ông thức dậy, mở cửa ra đi tiểu là nó sủa, mà nó cứ canh nó sủa có một mình ông thôi.

Còn ban ngày có khách vào thăm ông thì nó cứ thấy người ta vào là nó ngoắc đuôi nó mừng lắm, mừng như thấy mẹ đi chợ về. Trong khi nó vừa mừng khách, ông ra tiếp khách, thì quay vô nó sủa ông. Nó sủa thật chứ không phải theo kiểu sủa yêu nhé, sủa ghét chứ không phải sủa yêu. Ông thắc mắc mãi, ông bảo con chó này nếu nó là người thì cho nó làm Thứ trưởng Bộ ngoại giao được. Nhưng mà chỉ có cái dở là ưa sủa chủ thì không cho nó làm lớn cũng không có xong, thì cũng nguy hiểm cho đất nước.

Ông cứ nhớ câu chuyện đó. Rồi có một hôm, ông mới thấy linh hồn của 7 con vật yêu quý này – nó như linh hồn của 7 người bạn của ông trở về. Ông nói chuyện với 7 cái linh hồn này và ông biết là 7 cái linh hồn này vẫn đang theo bảo vệ ông cho đến giờ phút này.

Có một hôm ông bảo : “Các linh hồn hiện ra cho ta thấy”. Ông liền thấy được hết 7 linh hồn này, trong đó ông nhớ lại linh hồn người bạn Joe của ông. Ông hỏi Joe : “Lý do nào xưa khi người còn sống thì cứ sủa ta mà mừng khách là thế nào?”

Thì Joe trả lời thế này :

“Thưa ông, không phải tôi có ý gì với ông. Tôi biết ông nuôi nấng và chăm sóc tôi rất chu đáo, nhưng có một kiếp tôi là người của một nước ở bên trời Tây. Lúc tôi làm người ở nước đó thì nước đó nghèo lắm. Dân chúng ở trong nước đó thường chửi nhau. Người nào trong nước đó mà có những sáng kiến làm giàu cho đất nước đó thì bị người khác chửi. Tức là dân tình của nước đó cứ chửi nhau trong nội bộ và những người nào tốt thì đều bị những người khác chửi rủa và lên án. Nhưng ngược lại ở  nước đó, cứ tối ngày có người đi tìm kiếm nhưng lời hay ý đẹp hay những con người của nước khác để mà ca ngợi. Tức là cứ ca ngợi một dân tộc khác những cứ chửi dân tộc mình. Cho nên cái nước đó nghèo suốt, không có lên được. Dân tình thì sống khổ sở. Và vì tôi sống ở nước đó cho nên đầu óc tôi nó có bị nhiễm cái tính đó, cho nên tôi cứ sủa người ở nhà tôi chứ tôi không có sủa người ngoài. Hễ người ở xứ người tới thì tôi mừng. Vì hồi đó tôi làm người ở xứ đó cho nên tôi bị ảnh hưởng vậy. Mà cái ảnh hưởng đó nó lâu đời rồi, nó nằm trong cái não của tôi, tôi rửa không được. Cho nên khi tôi đầu thai lại thành một con vật rồi tôi qua xứ ông tôi sống thì tôi cũng bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm đó. Cho nên, thói quen của tôi là tấn công người trong nhà nhưng mà bảo vệ người ngoài đường, bảo vệ người lạ ở xứ người”.

Thế rồi, ông hỏi nó:

“Bây giờ ta hỏi nhà ngươi, cái xứ mà nhà ngươi làm kiếp người ngày xưa đó, bây giờ cái xứ đó nghèo hay giàu? Lý do tại sao?”

Thì con Joe nó mở trả lời với ông:

“Bây giờ cái xứ đó giàu lắm, rất giàu”.

Thế ông mới hỏi là:

“ Bây giờ họ còn chửi nhau trong xứ họ, rồi họ ca ngợi nước ngoài không?”

“ Không. Từ ngày họ bắt đầu nhận thức được cái sai lầm của họ thì họ bắt đầu ca ngợi lẫn nhau trong nước và họ đề phòng cái việc khen ngợi người nước ngoài. Bây giờ nước ấy giàu có lắm. Và giờ họ sợ văn hóa các nước khác xâm nhập vào làm ảnh hưởng tới văn hóa của họ, nên họ bảo vệ văn hóa của họ. Lúc nào họ cũng đề cao quốc gia của họ, họ đề cao con người của họ. Còn những quốc gia và những con người ở xứ khác, cái hay thì họ nghiên cứu họ đem về họ áp dụng  chứ họ không đề cao, không quảng bá, không quảng cáo những người ở các nước khác. Họ chỉ quảng bá những cái tốt của người nước họ mà thôi. Cho nên bây giờ nước của họ giàu có và dân họ thật là sống hạnh phúc và đầy đủ.”

Thì đó là chuyện mà linh hồn con Joe nó kể lại cho ông nghe. Là cái lỗi của ngày xưa, lúc con Joe nó còn là một hình tướng mà sống bên cạnh ông là không phải nó cố ý mà do nó tiêm nhiễm một thói xấu khi nó còn làm kiếp người ở một cái nước nghèo.

Bây giờ cũng vậy, qua câu chuyện mấy con viết thì ông thấy thế này, dù cho bố mẹ mình có nghèo thì bố mẹ mình cũng có những điểm mà mình phải cố gắng tìm hiểu để mình ca ngợi bố mẹ mình như là những anh hùng. Chứ không thể nói là tại sao là bố mẹ người khác quá giỏi, làm lớn, giàu có, còn bố mẹ mình tại sao lại nghèo, bố mẹ mình sao không giỏi bằng bố mẹ người khác. Đừng nói như vậy. Không có được chê bố mẹ mình mà đi khen bố mẹ của người khác. Nếu mà cháu nào chê bố mẹ mình thì gia đình mình sẽ không giàu có và bản thân mấy con cũng không nên người. Hãy tìm kiếm ngay trong chính mình những điều tốt lành. Hãy tìm kiếm nơi bố mẹ mình những điều tốt lành. Dứt khoát có! Dứt khoát có những điều tốt, không thể nào không có được! Ít nhất là tình thương bố mẹ mình thương mình. Nhưng có thể người ta thể hiện tình thương đó bằng nhiều cách. Có thể là cách mình thích thì mình lại bảo là thương mình. Nhưng có thể là cách mình không thích thì mình bảo là không thương mình. Nhưng sự thật là dù bố mẹ thể hiện bằng cách nào thì cũng là thương mình.

Cho nên Quế Trâm viết bài văn ca ngợi mẹ mình, ông thấy rất là phù hợp. Đó là biết cách nhìn cái đẹp của gia đình mình. Đừng bao giờ nhìn cái xấu! Các con không được nhìn vào cái xấu gia đình mình. Nếu mà mấy con tập nhìn cái đẹp của gia đình mình, của từng thành viên trong gia đình mình và của chính mình thì mấy cháu sẽ nên người, mấy cháu xứng đáng làm người. Còn nếu mấy cháu mà chỉ nhìn thấy cái xấu của gia đình mình và chính mình không thôi thì mấy cháu sẽ không nên người. Và như vậy thì mấy cháu phải biết sử dụng cái thấy.

Bài hôm nay ông chia sẻ là mấy cháu phải biết sử dụng cái thấy của mình. Mà nên thấy điều hay chứ đừng thấy điều dở. Thấy điều hay để mình vui. Thấy điều hay để mình hy vọng. Thấy điều hay để mình thực hiện giấc mơ. Mấy cháu đều có giấc mơ hết rồi. Thấy mình hay để mình không buồn chán. Thấy mình hay để mình không thất vọng. Mình thấy những điều hay của gia đình, để mình tin rằng một ngày nào đó bản thân mình và gia đình mình càng ngày càng tốt đẹp.

Cũng như trong đất nước của mình cũng vậy, phải thấy những điều hay của đất nước mình, thấy những con người Việt Nam mình hay ở trong đất nước mình. Không được thấy điều dở của người trong đất nước mình. Hãy né tránh, đừng có moi móc, đừng có nhìn thấy những cái xấu của họ. Đất nước mình nhiều con người hay lắm. Từ Nam chí Bắc, từ người nông dân cho đến trẻ em chăn trâu cũng đều hay, đến người bắt cá dưới biển cũng hay. Đừng có thấy những người bắt cá dưới biển thì cho là họ ở ác. Cái thấy đó là cái thấy điên khùng.

Những cái luồng tư tưởng ở nước ngoài người ta xâm nhập vào đất nước mình, người ta làm cho dân tộc mình có những cái thấy rất lệch lạc. Rồi từ đó mà dân tộc mình lại tự chê dân tộc mình, dân tộc mình phỉ báng dân tộc mình. Một đất nước mà những người trong dân tộc mình lại cứ phỉ báng chính dân tộc mình, cứ chê dân tộc mình thì đất nước đó chỉ có đi làm mọi cho đất nước khác thôi, đất nước đó chỉ có đi làm tôi tớ cho đất nước khác thôi, chứ đất nước đó không thể giàu. Đất nước mà người trong nước cứ moi móc với nhau, người trong nước cứ moi ra chửi nhau thì đất nước đó không thể giàu có được.

Một đất nước người ta khôn, người ta moi móc ra với nhau là để cho người ta làm cho đất nước người ta tốt hơn. Và người ta moi móc với nhau để người ta quảng cáo cho các nước khác thấy rằng đất nước của họ là công minh chính trực. Khi mình nghèo mình moi móc, mình chửi nhau thì nó hoàn toàn xấu. Nhưng khi một đất nước giàu có và mạnh khỏe trên toàn thế giới nêu những khuyết điểm với nhau thì  nó lại có một ý nghĩa khác hơn nhiều. Hai cái nó khác nhau xa lắm. Mình nhà nghèo không thể bắt chước cái cách moi móc của nhà giàu được. Nhà giàu người ta moi móc có ý nghĩa của nhà giàu. Mình nghèo, mình không thể bắt chước được. Mình nghèo mình phải bảo vệ nhau, mình phải đùm bọc với nhau, mình phải khen nhau, rồi từ đó mình mới mạnh được. Từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, cho đến cả đất nước đều giống như vậy cả thì đất nước đó mới tốt. Trong gia đình mà các thành viên trong gia đình cứ nói xấu nhau thì dứt khoát là cái gia đình đó tan nát. Hai vợ chồng mà nói xấu nhau thì dứt khoát vợ chồng đó tan nát, không thể có hạnh phúc được, không thể mạnh khỏe được. Mình muốn thỏa mãn sự nói xấu hay mình muốn thực sự có hạnh phúc?

Cho nên mấy con phải tập làm những con người đúng đắn. Miệng không được nói những điều xấu. Lỗ tai không được nghe những điều xấu. Đầu óc không được nghĩ những điều xấu. Con mắt không được thấy những điều xấu. Cơ thể mình không được tiếp xúc với chỗ xấu. Không được ngủ ở những chỗ xấu xa, nguy hiểm, dơ dáy. Ăn cũng vậy, cũng phải tránh những trường hợp đó.

Đó là cái cách thức, nội dung mà ông hướng dẫn cho mấy cháu bảo vệ hàng triệu triệu triệu con mắt trong bộ não của mấy cháu. Mỗi cháu trong bộ não của mình nó có hàng triệu con mắt. Phải biết cách nào để những con mắt này nó mở ra. Nó mở ra, đằng trước có, đằng sau có, ở trên có, ở dưới có…. Mình thấy đầy đủ hết. Mình thấy một cách khoa học, mình thấy một cách khách quan, không thấy bằng tình cảm, không thấy bằng cái chuyện ghét hay là từ chuyện thương.

Thương thấy cũng trật, ghét thấy cũng trật. Mình hận thù mình thấy cũng trật. Mình tưởng tượng mình thấy cũng trật luôn!  Mình không có thực tế, mình thấy nó cũng trật luôn. Cho nên mấy con phải biết điều chỉnh cái thấy trong bộ óc của mấy cháu. Từ cái thấy đó, mấy cháu sẽ có quyết định đúng, mấy cháu sẽ có những bài văn hay, mấy cháu sẽ có những việc làm chuẩn xác và phù hợp cho đời sống của mình.

Ông chỉ có chừng đó để kể cho mấy cháu! Mấy cháu có ý kiến gì, có hỏi những điều để ông nói thêm không?

Đấy, hôm nay ông chỉ chia sẻ bấy nhiêu thôi chứ chia sẻ nhiều quá mấy cháu không có nhớ hết.
Tóm lại nhiệm vụ của ông đối với các cháu là gì? Là giúp cho mấy cháu hiểu rằng bộ não của mấy cháu là kết tinh lại hàng triệu triệu triệu con mắt bên trong rồi các con phải làm sao để thấy được, kích hoạt được, sử dụng được những con mắt này chính xác nhất.

Thấy như thế nào chính xác để có những quyết định đúng đắn? Khi mắt mấy con sáng rồi, thấy chính xác rồi, mấy con có thể là bác sĩ, là kỹ sư, làm tổng thống, là nhà báo, là luật sự, là nhà văn, là nông dân, là công nhân, là người đi bắt cá ngoài biển.v.v.v… Không có nghề nào hay hơn nghề nào cả, nghề nào cũng tốt. Nghề nào cũng rất là đẹp. Miễn là mình có tâm hồn, có đầu óc, có cái nhìn đẹp. Không có nghề nào gọi là nghề nào kém, nghề nào dở hơn nghề khác. Nghề nào cũng tốt cả. Miễn là cái nghề đó đem lại cho mình sự tồn tại, có cơm no áo ấm một cách chính đáng là được rồi. Không phải nghề bác sĩ hay hơn nghề kỹ sư. Không phải nghề kỹ sư là hay hơn nghề công nhân. Không phải nghề công nhân thì hay hơn nghề nông dân. Không phải nghề nông dân,nghề công nhân thì hay hơn nghề bắt cá dưới biển.  Miễn làm sao có nghề nghiệp, làm ăn đúng pháp luật, lấy pháp luật làm đầu, không vi phạm pháp luật. Pháp luật người ta quy định bắt chỗ này là bắt cá chừng này thì mới đem lên được, còn nếu bắt nhỏ hơn là phải thả xuống dưới nước thì mình phải tôn trọng. Không có được giấu, không có được qua mặt luật để bắt mấy con cá con, rồi nó chết hết thì lấy gì còn nữa? Tức là cái nghề nghiệp nào cũng tốt. Căn cứ vào luật pháp mà làm việc, để có thu nhập đủ tiền nuôi sống gia đình,  ăn học và chăm lo sức khỏe.

Các con chú ý để phát triển con người mình cho tốt thì phải biết bảo vệ, không được nghĩ xấu về cha mẹ mình. Phải luôn luôn tìm thấy nét đẹp của bố mẹ mình, tìm kiếm những cái đẹp của anh chị em mình để đề cao lên. Bố có cái này hay quá! Mẹ có cái này hay quá! Anh có cái này hay quá! Chị có cái này hay quá! Đề cao những cái đẹp, những cái quý của anh chị mình, của em mình, của cha mẹ mình, của dân tộc mình, của những người trong đất nước mình. Chứ đừng bảo là ở nước ngoài có ông Khổng Tử hay quá, nước mình không có Khổng Tử. Không. Không có được nói vậy. Hay là ở bên Hy Lạp có ông Socrates hay quá, nước mình không có. Không có được nói vậy. Nước mình có. Nước mình sẽ có. Nước mình cũng có những cái hay của đất nước mình. Trong lịch sử mình có nhiều ông hay lắm tại vì mình không có chịu tìm thôi. Nhưng khi tìm thì tìm cái hay, cái đẹp. Còn những cái gì không hay thì đừng tìm, đừng thấy nó. Mà mấy con tập được như vậy thì mấy con sẽ sống rất vui đời, yêu đời lắm. Còn mấy con thấy cái xấu thì mấy con sẽ chán đời!

Bây giờ bên Việt Nam khuya rồi, ông để cho các con đi ngủ sớm để sáng mai đi học…

Tạm biệt các con nhé !

Các bé : Chúng con chào ông!

Phiên tả  từ nội dung lớp học Vườn Hoa Mơ Ước số 71 – Ngày 05.02.2012