"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Thư gửi các Hiền giả Minh Triết nhân Ngày Giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông lần thứ 704



Quý Hiền giả Minh Triết thân mến!

Nhân Ngày Giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông năm nay, tôi chia sẻ với quý Hiền giả một số điểm chính mà chúng ta là thế hệ con cháu vẫn cần học tập ở Ngài để phát triển Tình Thương và Trách Nhiệm Tự Nguyện đối với chính mình, gia đình, quê hương, dân tộc và với nhân loại trên hành tinh này.

Nói về Đức Trần Nhân Tông thì điều rõ nét nhất, hay là nói về những điều có ích lợi nhất cho các thế hệ ngày nay và mai sau học tập ở Ngài chính là lòng thương người và tấm lòng đối với quê hương, dân tộc. Chúng ta có thể thấy được thông qua một số câu chuyện về Ngài:

-Khi Ngài nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ra khỏi triều đình, đi khắp nơi giảng đạo thì có một hôm Ngài về lúc nửa đêm và ghé ngang triều đình. Khi đó vua Trần Anh Tông đã say rượu và ngủ rồi. Ngài mới sai người lấy sổ sách của triều đình cho Ngài xem. Đích thân Ngài lật sổ sách ra xem và Ngài thấy rằng triều đình tuyển người nhiều quá, lương bổng nhiều quá và chi tiêu lớn quá. 

Ngài ngồi kiểm tra sổ sách tới gần sáng. Khi đó, Ngài mới cho gọi Trần Anh Tông dậy và khi Trần Anh Tông biết rằng có vua cha về thăm vương triều bất ngờ không báo trước và đang ngồi trong triều đình xem sổ sách từ khuya tới giờ thì Trần Anh Tông sợ quá, đến trước cha mình quỳ lạy xin lỗi. Nhưng Ngài Trần Nhân Tông rất cứng rắn với Trần Anh Tông. Ngài nói với Trần Anh Tông thế này: “Nhà ngươi đừng có tưởng rằng ta chỉ có một người con trai thôi sao? Nếu nhà ngươi làm không xong thì ta sẽ cho đứa con trai khác lên thay thế. Một đất nước nhỏ và nghèo như thế này, mà triều đình lại tuyển người đông như thế này, trả lương và chi phí lớn như thế này thì làm sao mà dân chịu cho nổi?! ”.

Trần Anh Tông nghe vậy vội quỳ lạy và xin lỗi và hứa sửa lại điều đó. Đó là một ví dụ về tình thương của Ngài đối với dân và sự nghiêm khắc với người con đang làm vua. Ngoài Trần Anh Tông ra Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng thường nhắc nhở quan lại hãy sống gương mẫu và làm cho dân tin yêu mình.

-Một câu chuyện khác là đối với những người nghèo khổ đang gặp nhiều khó khăn, tình thương của Ngài được thấy qua hình ảnh trên đường vi hành, khi đi ngang qua chỗ người ăn xin đang đói rét ngồi bên đường, Ngài đã dừng lại thăm hỏi và khích lệ người ấy tự tin vào khả năng của mình để vượt qua đói nghèo.

-Một ví dụ nữa để chỉ tình người lớn lao của Phật Hoàng là khi Ngài còn đang làm vua, vào một ngày mùa đông giá rét, Ngài đích thân xuống thăm nhà tù để kiểm tra xem những tù nhân ở đó có bị các quan lại cai quản nhà tù bỏ bê phải chịu đói rét hay không – họ là những người có tội phải đi tù, nhưng họ cũng là con người. Rồi ngài chỉ đạo phải giải quyết cho các tù nhân có chăn màn, chiếu gối, quần áo đủ ấm trong mùa đông. Một ông vua mà đích thân xuống nhà tù xem các tù nhân có đủ ấm, đủ no trong mùa đông hay không – đây là một chuyện hiếm có mà cho đến tận bây giờ, chưa chắc đã có một ông tổng thống nào, một vị lãnh đạo quốc gia nào mà đích thân đi xuống thăm các tù nhân và coi họ cũng là con người và cũng cần đến tình người như trẻ con cần tình thương của bố mẹ. 

-Hay là trong một câu chuyện khác, khi đó trong triều đình có một vị tướng bị thất sủng thì Đức Trần Nhân Tông đã đích thân tới thăm và động viên an ủi vị tướng này rồi khuyến khích vị tướng đó tham gia trở lại với công việc – Đó là một câu chuyện điển hình nói lên tình thương của Ngài đối với các quan lại, tướng tá, chiến sỹ.

-Còn đối với quân thù, khi mà quân Nguyên Mông thua trận thì Ngài ra lệnh phải cho người ta rút lui, không được đánh chặn giữa đường. Với những người bị tử trận thì Ngài cho gửi về nước họ hoặc cho mai táng đàng hoàng. Trong đó có một vị tướng tài của Nguyên Mông bị chặt đầu thì Đức Trần Nhân Tông cho nối lại và Ngài lấy áo của mình phủ lên rồi cho đạy nắp quan tài và gửi về nước họ.  Coi như Ngài tỏ lòng khâm phục vị tướng này có tài và trung thành với triều đình nhà Nguyên hồi đó chứ không phải vị tướng này chủ mưu đi xâm lấn đất nước.

-Đối với các nhà sư, những năm khó khăn thiếu thốn lương thực, thực phẩm thì Ngài cho xuất kho để nuôi các nhà sư. 

-Đối với sự giáo dục trách nhiệm của quan lại triều đình với dân thì Ngài dạy rất kỹ là mỗi người quan phải làm gương mẫu để phục vụ người dân. Không làm cho dân sợ, mà phải sống cho dân tin, dân thích gần gũi mình và tin mình, không hối lộ, móc ngoặc, hà hiếp nhân dân. Ngài đề nghị vua Trần Anh Tông triệu tập tất cả các quan lại để Ngài dạy.

-Đối với phương Bắc, trước đó có một lệ là bất cứ vua nước Nam nào khi lên ngôi đều phải qua phương Bắc báo cáo và được chuẩn y thì mới chính thức được làm vua. Nhưng với Ngài thì Ngài đã tìm cách từ chối đến nỗi mà phương Bắc phải cất quân qua đánh để trừng phạt. Tính độc lập dân tộc trong Ngài hết sức mạnh mẽ. Dù nước của tôi có nhỏ nhưng anh không thể bắt tôi qua nước anh để xin phép anh cho tôi làm vua được. Cho nên, đường lối chính trị, kinh tế hay là các chính sách của quốc gia của triều đình nước ta thời bấy giờ rất độc lập với phương Bắc, họ không thể nào ảnh hưởng được.

Còn về trách nhiệm và tình thương đối với gia đình:

-Đối với người vợ: Ngài rất mực yêu thương cho đến trọn đời. Khi biết trước mình sắp từ biệt thế gian, Ngài đã cùng vợ là Thái Hậu Tuyên Từ dùng bữa cơm tối cuối cùng đầy tình nghĩa vợ chồng.

- Đối với con gái: Phật Hoàng dạy Huyền Trân Công Chúa hãy xây dựng cuộc sống riêng tư trên tình yêu dân tộc. Vì dân tộc và quê hương mà xây dựng đời sống cá nhân chứ không phải như người thường. Cái gì có lợi cho dân thì quyết tâm thực hiện dù là nhỏ nhất.

- Đối với cha mẹ Ngài một lòng hiếu thảo luôn làm cho vua cha la Trần Thánh Tông không thất vọng về người con trai thông minh, hiếu học, yêu thương giống nòi, có lòng thương người như Ngài.

-Đối với bản thân Ngài, khi cuối đời cũng chỉ ở trong một am cỏ đơn sơ, rồi khi viên tịch thì Ngài cũng chỉ cho phép quan quân hoả thiêu thành tro để hoà lẫn với sông núi…

Đó là một số điểm sáng chói của Đức Trần Nhân Tông. Chúng ta là những thế hệ con cháu của ông bà tổ tiên chúng ta và Đức Trần Nhân Tông là một nhà vua gương mẫu về trách nhiệm đối với dân tộc, về tính độc lập dân tộc, về tình thương dân, thương người, về sự giáo dục quan lại trong triều đình để phục vụ nhân dân...đó là tấm gương mà chúng ta cần phải học trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày.

Kỷ niệm Ngày Giỗ của Ngài năm nay, tại các CLB Trần Nhân Tông ở trong nước cũng như ở Na Uy và các nước khác thì các Hiền giả, các hội viên của trung tâm hay các hội viên của hội thiền Trần Nhân Tông ở hải ngoại hãy chú ý tới những điểm sáng đó. Chúng ta hướng tới tinh thần đó để rèn luyện phát triển tình thương của chúng ta giữa con người với con người, tình thương của chúng ta với quê hương, với dân tộc. Chúng ta cần tham khảo học tập Ngài và phát triển theo tư tưởng của Ngài. Nghĩ cho cùng thì tình yêu, tình thương của mỗi một con người đối với dân tộc và quê hương của mình luôn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho toàn bộ sự sống suốt trong cuộc đời của họ, dù họ ở trong nước hay ở ngoài nước.

Nhân kỷ niệm Ngày giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông năm nay, tôi có một số chia sẻ với các hiền giả trên toàn cầu như vậy. Chúc quý vị mạnh khoẻ! 

Ngày 08.12.2012

Duy Tuệ