"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Đối mặt với thực tế phải vĩnh biệt và đối mặt với sự hư vô mà mình không biết được



Từ xưa tới nay, tất cả người lớn tuổi đều rất quan tâm tới cái chết, bao gồm cả người theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Khi bình thường và chưa tới thời điểm gần kề với cái chết mà đề cập tới cái chết thì thấy như không có gì, không sợ. Sự thật, đến lúc lớn tuổi thì người ta bắt đầu nhìn về tuổi già của mình. Và nhìn lại sự nghiệp, tuổi trẻ, quá khứ đã trải qua, giống như nhìn dòng sông chảy ngược thì tâm lý chung đều thấy đó là cả một chuỗi ngày sống với thân phận làm người thật não nề!

Lúc còn khoẻ thì đi nghe thuyết giảng, đến chùa, đến nhà thờ có vẻ vẫn hăng hái… Nhưng khi bắt đầu đối mặt với tuổi già của mình thì tự nhiên mất hết khí thế, không còn niềm tin nữa. Thực sự cũng không biết có Phật, Chúa… thật hay không? Không biết có ai cứu mình hay không? Có đúng là khi chết sẽ lên đài sen chín phẩm hay không? Có lên được thiên đàng hay không? Có gặp được thượng đế hay không?...

Vấn đề lớn của con người là đối mặt với sự thật đời sống. Và trong lúc còn đang khỏe mạnh thì quý vị nên tập đối mặt trước.


Bốn trường hợp ra đi viên mãn

Để trực diện với cái chết và rời bỏ xác thân một cách thanh thản, bình an, không còn vướng bận điều gì là rất khó khăn mà lâu nay, không mấy ai trên thế giới làm được trọn vẹn. Nhưng điều đặc biệt là ở ngay chính Việt Nam, thời nhà Trần có bốn trường hợp bỏ xác rất viên mãn được ghi trong một số sử sách, trong đó gồm cả Sử Ký Toàn Thư. Tôi nêu ra bốn trường hợp này như là một gợi ý về vấn đề đối mặt với cái chết và từ bỏ xác thân.

Thứ nhất là trường hợp Đức Thượng Hoàng Trần Thánh Tông bỏ xác. Ngài là một người tu thiền nhưng khi biết mình chuẩn bị ra đi thì cũng thấy lúng túng. Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ngài chỉ cho phép duy nhất Đức vua Trần Nhân Tông ở bên cạnh. Lúc đó, Đức vua Trần Nhân Tông đã trợ duyên cho cha mình ra đi đúng chính pháp. Và không một nhà sư nào được vào tụng niệm.

Thứ hai là trường hợp bỏ xác của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, thầy của Đức Vua Trần Nhân Tông. Tuệ Trung Thượng Sĩ là người sống thiền và dạy thiền cho các nhà sư. Lúc biết mình sắp đi, Ngài bảo người nhà lấy bộ phản kê giữa đại sảnh tư gia để Ngài nằm lên chờ chuẩn bị ra đi. Các nhà sư biết tin, xin được vào tụng kinh cho Ngài đi nhưng Ngài không đồng ý. Người ruột thịt, thân thích cũng không được tới gần Ngài. Ngài rửa sạch mặt mũi, chân tay rồi nằm xuống và đi.

Đời nhà Trần là thời kì Phật giáo thịnh hành nhất và các sư sãi rất được ưu ái, nhưng sự ra đi của hai người có quyền lực lớn trong triều đình và quyền lực trong con tim dân chúng đều không có tiếng tụng kinh, gõ mõ, không có cúng tụng một tuần, hai tuần… hay 49 ngày để dẫn dắt linh hồn đầu thai hoặc lên đài cửu phẩm liên hoa… các vị sư chỉ về dự lễ tang sau đó như những người khác mà thôi.

Thứ ba là trường hợp công chúa Thiên Thụy bỏ xác với sự trợ duyên của em trai là Vua Phật Trần Nhân Tông. Công chúa Thiên Thụy không tu thiền, cũng không biết về nghi lễ tu hành… Công chúa rất yêu quý và tin tưởng Đức Trần Nhân Tông. Khi ốm nặng, biết không sống được bao lâu nữa, công chúa cho người nhắn tìm Đức Trần Nhân Tông về để gặp lần cuối, vì khi đó, Đức Trần Nhân Tông đã rời khỏi hoàng tộc để đi hành đạo. Về thăm chị, Vua Phật Trần Nhân Tông đã giúp công chúa Thiên Thuỵ bỏ xác viên mãn bằng câu nói “Thời tiết đến, chị cứ đi. Nếu Diêm Ma hỏi thì chị bảo rằng, chờ em tôi là Trúc Lâm Đại Sĩ sẽ đến”. Thông điệp của Đức Trần Nhân Tông là gì? Mấu chốt ở đâu? Tại sao chỉ bằng vào những lời ngắn ngủi ấy của Ngài mà công chúa Thiên Thuỵ lại bỏ xác viên mãn?

Thứ tư là trường hợp Đức Vua Phật Trần Nhân Tông bỏ xác tại am Ngoạ Vân, Đông Triều, Quảng Ninh.

Từ lúc rời hoàng tộc đi hành đạo, Đức Trần Nhân Tông đã sắp xếp cho Hoàng thái hậu Tuyên Từ có một cuộc sống riêng để tu hành vào những ngày cuối đời. Tình thương sống động thiêng liêng giữa Thượng hoàng Nhân Tông và Hoàng thái hậu Tuyên Từ được thể hiện đầy đủ vào lần gặp mặt cuối cùng. Hoàng thái hậu luôn dõi theo từng bước hành đạo của Ngài đi nên rất thuộc đường đi lối lại. Hoàng thái hậu biết được Đức Trần Nhân Tông trên đường trở về Đông Triều đang nghỉ tại chùa Sùng Nghiêm nên đã đã mời Ngài dùng bữa cơm chay cuối cùng tại am Bình Dương. Nhận lời mời của Hoàng thái hậu, Đức Điều Ngự Giác Hoàng cười đáp, “Đây là bữa cơm sau cùng”. Bữa cơm chay cuối cùng với khung cảnh ngập tràn yêu thương mà không nói được gì, đây là cách thể hiện sự cao quý và đẹp đẽ nhất của con người cho những đôi vợ chồng lúc xế chiều, hết sức tự nhiên và thực tế. Ngài đã không để suy nghĩ dẫn dắt mà để cho xúc cảm đẹp nhất của con người tuôn chảy! Quả thực, sau bữa cơm đêm ấy, Vua Phật Trần Nhân Tông từ giã Hoàng thái hậu Tuyên Từ và lên am Ngọa Vân bỏ xác.

Tại sao biết sắp bỏ xác mà Ngài lại không nói gì, vẫn an nhiên hưởng thụ bữa cơm chay cuối cùng với Thái hậu? Tại sao Ngài không ở trong hoàng tộc và cũng không yêu cầu thực hiện bất cứ thứ nghi lễ nào cho người sắp từ giã cõi đời? Tại sao ngay cả với Thái hậu mà Ngài cũng không đưa ra lời dặn dò gì?

Không thể nào tìm cái đẹp, tìm sự giải thoát nằm ngoài quan hệ giữa con người với con người. Cái đẹp chỉ có từ quan hệ giữa con người với con người trong cư xử hết sức đời thường với cách hành xử giải thoát. Giải thoát đúng nghĩa là sự đối mặt trong trạng thái tự nguyện. Tránh né thì không bao giờ giải thoát, mà là hèn yếu và mê hoặc. Rất tiếc là không nhiều người nhận ra điều này!

Do đó, Hiền giả minh triết cần mang thông điệp “GIẢI THOÁT CHÂN CHÍNH LÀ ĐỐI MẶT” đi vào cuộc đời!

Đối mặt mà không để suy nghĩ, kinh nghiệm, đánh giá chạy ra, đối mặt chỉ để cảm xúc tuôn trào từ trực diện, trực giác. Cảm xúc trực giác tuôn trào từ sự đối mặt trong tình yêu vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, dân tộc, đất nước, quê hương, nhân loại… thì sự đối mặt gây ra cảm xúc rất đặc biệt và đẹp đẽ! Đó là cảm xúc giải thoát.

 Cảm xúc giải thoát

Cảm xúc giải thoát là cảm xúc không phải từ suy nghĩ, kinh nghiệm, đánh giá mà ra. Cảm xúc này thuần khiết từ sự đối mặt qua cái nhìn thuần khiết, cái nhìn tự do với các khái niệm trong đầu óc. Cái đẹp nhất, quý nhất của con người phải qua cảm xúc này chứ không phải là sự hiểu biết. Cảm xúc này chỉ hiện ra trong những người sắp vĩnh biệt cuộc đời, hoặc đi liền với sự biệt ly đã thấy trước.

Đối với quý vị lớn tuổi, quý vị đang sống trong thế giới mà quý vị phải quay lưng trở lại để nhìn về hướng vô tận. Quý vị có hai sự đối mặt là đối mặt với thực tế phải vĩnh biệt và đối mặt với sự hư vô mà mình không biết được!
 
Quý vị hãy cư xử từ cảm xúc giải thoát, cảm xúc thuần khiết chứ đừng từ suy nghĩ của mình thì sẽ đón nhận sự quý giá và hạnh phúc vô tận mà chỉ con người mới có được!

Nếu cứ lấy kinh nghiệm, quá khứ, đánh giá đúng sai… ra cư xử với nhau thì quý vị vĩnh viễn sống trong khổ đau, nghèo khổ, không hưởng thụ được vẻ đẹp của con người, nhất là trong những ngày cuối đời.

Một ngày êm đềm cư xử trong đầu óc không có quá khứ, đánh giá và suy nghĩ hiện lên, hãy để cho cảm xúc thuần khiết tuôn chảy! Quý vị chỉ cần được hưởng một ngày như vậy cũng đủ làm kiếp con người!

Muốn tận hưởng phúc lạc ấy phải qua thực hành chứ không dừng lại ở lí luận hay thu nhận kiến thức. Cảm xúc hạnh phúc tuyệt hảo không hiện hữu kiến thức!

Biên tập từ Audio: "Giải thoát chân chính là đối mặt" của tác giả Duy Tuệ, 08.05.2009