Bây giờ tôi nói cho Duy Diệu Đảnh một chủ đề chính, để rồi từ đây quý vị giữ lấy lời dặn dò này mà suy tư, ôn đi, ôn lại để sống tới cuối đời cho khỏe tấm thân mình.
Đây là điều rất quan trọng mà ít có người được biết tới, đó là có một thế giới tâm linh ngay trong đầu óc của mình. Nó cũng không phải nằm trong não và cũng không phải nằm ở ngoài não. Nhưng nếu như không có bộ não tốt thì thế giới tâm linh này không thể hiện ra được. Cho nên, quý vị phải gìn giữ bộ não cho tốt. Bất cứ quan niệm nào mà mình đang thực hành khiến cho bộ não không tốt thì mình phải tránh tối đa. Bộ não có tốt, có làm việc ở trạng thái bình thường thì thế giới tâm linh này mới hiện ra.
Còn về cơ chế hoạt động của thế giới tâm linh này thì nó hoạt động y như là cơ chế vận hành bí mật của tạo hóa ở bên ngoài. Vì thế giới tâm linh này nó trực tiếp liên quan tới não bộ, do vậy, mình ăn, uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, thể dục thể thao như thế nào đó …thì điều kiện tiên quyết là cần giữ cho đầu óc bình yên, giữ cho bộ não thật tốt.
Thế giới tâm linh ở ngay trong đầu óc, nó kiểm soát tất cả đời sống hữu tướng của mình. Thế giới tâm linh này không có chứa đựng bất cứ thứ lịch sử nào cho nên nó không có tuổi tác, thời gian, không gian… Nó như là một năng lực vô hình bao la nhưng nó hoạt động y như cơ chế hoạt động bí mật của tạo hóa ở bên ngoài chúng ta. Khi mình dùng ý của mình để mình tưởng tới nó thì nó sẽ hoạt động tốt hơn. Mình nhớ tới nó, mình tưởng tới nó, gần như mình tâm sự với nó, mình luôn lưu ý tới nó…thì thế giới tâm linh này hiện ngày càng rõ. Còn nếu như mình không được ai chỉ ai bày, mình không để ý, mình không quan tâm tới nó thì nó không hiện ra. Nếu mình cứ tin nó hoài, nghĩ tưởng tới nó hoài, chơi đùa với nó hoài, lắng nghe với nó hoài… thì càng ngày nó càng hiện ra rõ.
Mỗi người chúng ta đều có khả năng kích hoạt, phát triển thế giới tâm linh bên trong đầu óc của mình để nó bảo vệ lại đời sống hữu tướng của mình. Nó có khả năng bảo vệ lại cơ thể mình, nó có khả năng chữa bệnh cho cơ thể mình, nó có nhiều khả năng giữ cho cơ thể mình tốt và an toàn. Chúng ta hãy dùng nó để gia trì cho chính đời sống hữu tướng của mình: từ việc chăm sóc sức khỏe cho tới việc làm ăn, các quan hệ bên ngoài…Đồng thời, chúng ta cũng có thể dùng nó để gia trì cho gia đình, người thân, họ hàng quyến thuộc của mình. Nếu một người thường xuyên lưu tâm tới thế giới tâm linh này thì chẳng những nó bảo vệ đời sống hữu tướng của mình, chẳng những nó có thể gia trì được đời sống hữu tướng cho người thân của mình mà nó còn có thể hộ trì thêm cho đời sống hữu tướng cho nhiều bạn bè và những cộng đồng lớn hơn, thậm chí nó có thể gia trì được cho cả quốc gia, dân tộc của mình ở một mức độ nào đó.
Đây là điều vô cùng thú vị mà ít có người biết đến! Bao nhiêu lời nói, bao nhiêu kiến thức sách vở…người ta cũng chỉ hướng tới đời sống tâm linh nằm bên ngoài đầu óc mà người ta không hề biết rằng có một thế giới tâm linh hết sức kỳ bí, lý thú nằm ngay bên trong đầu óc chúng ta. Nó nằm ngay bên trong đầu óc nhưng nó không phải nằm bên trong hay bên ngoài não bộ, nhưng nếu không có bộ não tốt thì nó không thể hiện ra được.
Nếu như một người khi sinh ra mà không may bị hư não (người ta không chết) thì tính sống của người đó vẫn có nhưng tính linh của người đó thì không có. Một em bé khi đang nằm trong bụng mẹ thì chỉ tới khi nào bộ não phát triển hoàn chỉnh thì mới có tính linh. Còn nếu vì lý do này khác mà bộ não chưa hoàn thành mà chẳng may em bé ấy bị hư thai trong bụng mẹ thì lúc ấy chưa có tính linh. Có rất nhiều người khi hư thai thì sợ em bé đó ra phá mình hay không, người ta lo lắng… nhưng sự thật thì nó chưa có tính linh. Tính linh chỉ có khi bộ não đã hoàn chỉnh và nó phát triển dần dần theo bộ não.
Và như vậy, chúng ta phải luôn chăm sóc thế giới tâm linh này. Tuy rằng, mình hết sức chú ý và không thể coi thường đời sống hữu tướng được nhưng thế giới tâm linh bên trong đầu óc mình nó lại quyết định hết, còn đời sống hữu tướng lại không thể nuôi dưỡng, bảo vệ lại được đời sống tâm linh. Nhưng chúng ta không thể xem thường đời sống hữu tướng được, nó cực kỳ quan trọng!
Đến một lúc nào đó thì đời sống hữu tướng thể hiện toàn bộ diệu dụng của đời sống tâm linh bí mật bên trong. Cho nên trong mọi hoạt động ăn ở, nhà cửa, tắm rửa sạch sẽ… thì những điều đó là những điều diệu dụng của đời sống tâm linh. Còn nếu mình nói là mình tu hành một pháp môn nào đó để mình trở thành một cái gì đó thì không thể có được. Nhưng nếu mình chú ý, mình quan tâm tới thế giới tâm linh này thì thế giới tâm linh này cứ dần dần hiện ra và nó giúp cho toàn bộ hữu tướng của mình trở thành một hữu tướng diệu dụng. Cho nên, trong cuộc sống để đảm bảo phát huy tốt thế giới tâm linh bên trong đầu óc chúng ta thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong những vấn đề của đời sống hữu tướng. Ví dụ như trong giao tiếp với bên ngoài thì khi giao tiếp với những người nào mà mình thấy đầu óc của họ quá phức tạp, quá cố chấp thì mình nên tránh tiếp xúc, vì sẽ mất thời gian và nó làm ảnh hưởng tới thế giới tâm linh bên trong của mình. Mình chỉ giao tiếp với những người có đầu óc đơn giản, họ có nhu cầu tha thiết sự thay đổi, có nhu cầu được lắng nghe, tìm hiểu về đời sống tâm linh bên trong đầu óc…
Trong giao tiếp thì mình vừa hạn chế và mình vừa mở rộng. Mình hạn chế tối đa với những người cố chấp, cứng đầu, những người tin vào những điều mơ hồ…và thậm chí mình phải cắt đứt luôn. Mình mở rộng tiếp xúc với những người có đầu óc thoáng, không có chấp , đầu óc rộng mở, đầu óc tìm hiểu, học hỏi để có những thay đổi tốt hơn cho đời sống của họ.
Trong thế giới tâm linh này nó có một chức năng đặc biệt thế này: Đó là nó có một chức năng thấy, nói chuyện và làm việc mà không liên quan tới bộ nhớ của não. Cho nên, có thể nói là trên 95% những lời tôi nói, những trí tuệ tôi thấy hay những việc tôi làm đều không liên quan tới bộ nhớ nên nó không vào được bộ nhớ và tôi không thể nhớ được gì hết. Tôi thấy rồi tôi nói, tôi làm gì đó thì sau đó tôi quên hết. Do biết như vậy cho nên trước đây tôi có một thói quen để cho nó đi vào bộ nhớ thì hàng ngày trước khi đi ngủ hoặc là lúc ăn cơm tối xong thì tôi mới tổng kết lại là cố gắng nhớ xem hôm nay mình tiếp ai rồi mình dựng lại cảnh như một cuốn phim lúc ấy để cho nó vào bộ nhớ và để cho bộ nhớ làm việc. Và lúc mình dựng lại được cảnh đó thì bộ nhớ sẽ giúp cho mình nhớ lại, tuy rằng không thể nhớ được đầy đủ mà chỉ nhớ mấy ý chính. Từ những ý chính đó tôi mới có thể viết ra được. Bây giờ thì tôi cũng bỏ luôn thói quen đó rồi cho nên gần như 95% những điều tôi nói là tôi không còn nhớ nữa. Thậm chí nói buổi sáng rồi buổi trưa tôi quên mất, làm gì rồi cũng quên luôn.
Nhưng cái phần tỉnh thức trong thế giới tâm linh thì nó luôn hiện hữu và hoạt động bình thường. Ví dụ như khi tôi lái xe trên đường xa lộ thì nhiều khi do thế giới tâm linh trong đầu óc nó hiện ra mạnh quá cho nên nó vượt ra ngoài bộ nhớ và ở những đoạn đường đó mình không biết mình đang ở đâu, mặc dù bình thường thì mình biết rất rõ, vì nó gần nhà mình. Khi đó, thế giới tâm linh trong đầu óc hiện ra sâu thẳm quá nên tất cả những tên đường hay những dấu hiệu nào đó thì mình đều không thể nhớ. Nó xảy ra tích tắc trong thời gian 1 phút, 3 phút, 5 phút…nhưng trong lúc đó lái xe vẫn đúng luật rồi sau đó bộ nhớ làm việc trở lại và mình biết vùng mình đang đi qua là ở đâu. Khi đó chỉ mất thông tin trong bộ nhớ về lịch sử, tên tuổi, những khái niệm… còn mình đi trên đường thì vẫn bình thường. Lúc ấy cái biết vẫn cho mình biết là bộ nhớ không có. Mình biết là mọi thứ đều xa lạ vậy thôi, rồi khi bộ nhớ hoạt động trở lại bình thường thì mình mới biết lúc ấy bộ nhớ đã không hoạt động. Quý vị chú ý vấn đề đó như vậy!
Nếu mình để cho bộ nhớ làm việc nhiều quá thì nhớ những chuyện hay cũng không tốt và nhớ chuyện dở cũng không tốt. Trong cuộc đời mình, nhớ cái gì cũng đều không tốt cả! Đó cũng là một điều hay!
Nhân đây thì tôi cũng nhắc lại là hôm trước tôi có đưa cho Duy Diệu Đảnh đọc mấy bức thư trong đó anh em có đặt mấy câu hỏi, trong đó có câu hỏi về chuyện đồng tính là làm sao để chuyển được trở lại với người nam thì chuyển trở lại về tính nam, với người nữ thì chuyển về tính nữ? Hay như có câu hỏi về giá trị của tính biết và nhận thức cụ thể như nào về bản ngã? Thì tất cả những nội dung này tôi đều nói chuyện hết rồi, tôi không nhắc lại nữa để làm gì. Nhưng có một điều tôi cần nhắc lại để cho tất cả mọi người nên lưu ý và dùng nhận thức của mình để tập luyện và vượt qua những khó khăn bên trong đầu óc của mình – đó là vấn đề bản ngã.
Bản ngã sự thật thì nó không có nhưng khi mình có ý tưởng về mình thì lúc đó bản ngã hiện hữu. Bản ngã là một loại ý tưởng về mình. Khi mình có ý tưởng về riêng mình và mình có ý tưởng về người khác thì xuất hiện bản ngã. Nếu mình không có những ý tưởng đó thì không thể có bản ngã được.
Thí dụ như khi anh đi làm từ thiện mà anh có ý tưởng anh là người tốt và người kia là người đau khổ nên anh đi giúp người ta thì lúc ấy bản ngã dễ hiện ra cho anh thấy anh là người đi cứu giúp người khác rồi từ đó dẫn tới chỗ anh là người cao ngạo rồi hiểu lầm chính mình. Từ chuyện anh cao ngạo, từ chuyện anh buồn khổ, anh vui…cũng đều có những hiểu lầm từ bản ngã này. Ví dụ như một người bị thất tình mà đừng có ý tưởng riêng về mình và ý tưởng về người tình đó thì làm gì có đau khổ. Anh đau khổ về thất tình vì anh có ý tưởng riêng về anh. Anh thấy anh là người yêu người ta thật lòng, rồi anh có ý tưởng về người ta là người phản bội nên anh mới đau khổ. Giải quyết vấn đề đó hết sức đơn giản mà chẳng cần tập gì hết cả. Chẳng có chuyện phải tu hành hay là có nghiệp chướng, luân hồi, nhân quả gì ở đây. Chỉ có vấn đề là do nhận thức sai lầm mà cơ bản nhất là nhận thức sai lầm về chính mình và nhận thức sai lầm về người khác. Khi anh chấm dứt sai lầm trong nhận thức về chính anh, khi anh không có ý tưởng riêng về chình mình hay nói cách khác là anh trở về trạng thái zero, tức là trở về với thế giới tâm linh vĩ đại nhất thì có gì đâu mà anh khổ đau.
Khi anh có ý tưởng riêng về anh và anh có ý tưởng riêng về người khác tức là anh muốn dính sâu vào đời sống hữu tướng thì anh sẽ thấy bế tắc ngay. Về nhận thức thì không có gì là khó cả nhưng chủ yếu là vấn đề thực hành để vượt qua nó thì vô cùng khó. Cũng như hôm trước, Diệu Đảnh có nói với tôi là: Nhiều khi bản thân cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Thấy thiếu thiếu một cái gì đó tức là mình có ý tưởng về mình rồi. Nhất là tuổi già mà còn có nhiều ý tưởng về mình thì càng rắc rối nữa.
Vấn đề mà anh đang đau khổ, anh khó chịu không phải là vấn đề do nó diễn ra. Thí dụ như người đó mất người tình rồi người đó đau khổ và không muốn sống nữa thì không phải là do chuyện mất người tình làm cho anh đau khổ mà vấn đề làm cho anh đau khổ là do anh có ý tưởng về chính anh và ý tưởng riêng về người kia cho nên cảm xúc khổ đau mới hình thành. Nó chỉ đơn giản vậy thôi! Vậy anh cần làm sao? Có thể anh chỉ cần vỗ vỗ vào cái đầu của mình mà nói rằng: Zero, Zero, mình có là cái gì đâu mà mình cứ định nghĩa về mình mãi thế! Người kia có là cái gì đâu mà mình cứ định nghĩa về người đó mãi thế, tại sao mình phải làm vậy cho cảm xúc nó nổi lên? Zero, zero, tất cả là zero hết, thế thôi!
Cho nên, mình đừng có ý tưởng mình coi trọng mình quá. Nào là: tôi là thế này, tôi là thế nọ, tôi là số một…anh cứ tôi là thế này miết thì anh phải khổ thôi! Còn nếu như anh không có ý tưởng đó thì thôi, anh sẽ ở trong thế giới tâm linh vĩ đại trong đầu óc của anh thì anh tha hồ vui chơi. Giống như anh không biết gì nữa hết nhưng sự thật thì anh biết hết tất cả. Nó giống như vậy nhưng sự thật thì anh biết sâu sắc lắm.
Hôm nay tôi trao đổi với Diệu Đảnh chút xíu trong chuyến xe này qua điện thoại ghi âm. Coi như làm kỉ niệm với Diệu Đảnh trước khi Diệu Đảnh về Việt Nam nhé!
TST
Bài truyền trao cho Hiền giả Duy Diệu Đảnh
Hoa Kỳ, ngày 10.02.2012