"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Tham luận của GS.TS Ivo Vasiljev (Hiền giả Duy Phật Nhãn) tại Hội thảo

GS.TS Ivo Vasiljev, (Phật tâm danh Duy Phật Nhãn) đọc tham luận tại Hội thảo "Trần Nhân Tông và Con đường chính pháp, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội ngày 24.11.2011 
Cho tôi được phép phát biểu ở Hội thảo Trần Nhân Tông và con đường chính pháp hôm nay với tư cách là người nước ngoài trong 52 năm nay đã và đang nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá Việt Nam, do đó được gắn bó với Việt Nam, với nhân dân Việt Nam, với nhiều bạn bè Việt Nam cũng khá sâu sắc. Cho tôi được phép thành thật tỏ lòng cảm tạ Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam đã mời tôi đến tham gia Hội thảo mà tôi cho rằng có thể có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, đồng thời tôi nhiệt liệt cảm ơn Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Séc vui lòng tạo điều kiện cho tôi có thể bay xa nửa vòng trái đất đế đến với các quý vị.

Trong quá trình tiếp xúc với người Việt Nam tôi đã cảm thấy rõ các chữ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc đã được khắc sâu vào tấm lòng của người dân Việt Nam không kém gì ba từ LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) được ăn sâu vào tấm lòng của người dân Pháp cũng như mọi người tha thiết với công bằng xã hội trên thế giới.


GS.TS Ivo Vasiljev gặp Thầy Duy Tuệ tại Praha 
Qua tiếp xúc với Đạo sư Duy Tuệ và sinh hoạt với nhiều Hiền giả Minh Triết ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam trong quá trình gần hai năm nay tôi được hiểu rằng tư tưởng Minh Triết lấy vấn đề hạnh phúc con người làm trọng. Nên hôm nay tôi xin được trình bày một số suy nghĩ về Hạnh phúc, là giá trị thứ ba trong khẩu hiệu chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước đây cũng như nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Qua khẩu hiệu này chúng ta dễ nhìn thấy rằng các cụ thành lập nước Việt Nam độc lập đã cho rằng, xét đến cùng, hạnh phúc của người dân là mục đích cao nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập nước nhà và xây dựng đất nước. Chỉ tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hiện nay cũng có thể được coi là cụ thể hoá khái niệm “hạnh phúc” trên phương diện xã hội.




GS.TS Ivo Vasiljev thăm Am Ngọa Vân , nơi 703 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch
Nên thiết tưởng rằng bàn về hạnh phúc không những phù hợp với chuyên đề của Hội thảo mà còn rất phù hợp xu thế của thời đại. Như vậy khái niệm hạnh phúc không chỉ liên quan đến tấm lòng, tâm hồn và trí óc của từng cá nhân con người. Ngoài phương diện này là phương diện vi mô, hạnh phúc còn có phương diện vĩ mô, liên quan đến toàn xã hội. Có lẽ không thể xác định được mặt nào là quan trọng hơn. Vì xét đến cùng, toàn xã hội lại do tổng thể các cá nhân mà thành. Ngược lại, những thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội, dù to lớn đến đâu, chưa nhất thiết đem lại hạnh phúc cho mọi người dân một cách tự động. Đạt đến hạnh phúc đâu phải là dễ. Trong khi đó hạnh phúc, một giá trị vô hình, một cảm xúc thấm suốt tấm lòng và trí óc của con người lại làm cho chúng ta càng yêu đời, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu nước, yêu nhân loại và ngược lại, tình yêu đó làm cho chúng ta càng thấy hạnh phúc. Những tấm lòng hạnh phúc là bảo vật của xã hội. Trái lại việc gây nỗi bất hạnh, bất mãn, bất tin, bất tin cậy, buồn chán trong người dân, trong cán bộ, trong trí thức, trong thanh niên, là việc làm nguy hiểm dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, chia rẽ trong các tầng lớp và toàn bộ xã hội, do đó có thể dẫn đến thất bại của xã hội, thậm chí đến thảm hoạ mất nước. Nhiều khi thời bình còn gay gắt hơn thời chiến.

Nói tóm lại, như trong công cuộc đấu tranh để giành độc lập nước nhà và xây dựng đất nước đã phải có đường lối đúng đắn, khoa học, thì trong việc xây dựng hạnh phúc cũng phải có phương pháp, thiết thực và có hiệu quả. Phong trào Minh Triết Việt Nam có phương pháp như vậy. Nó thiết thực và có hiệu quả vì nó dựa vào những nét đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam và căn cứ vào giáo hóa trí óc và tấm lòng con người. Giáo dục đóng vai trò chủ đạo. Một yếu tố quyết định là phía gia đình cần giáo dục con em ngay tại nhà mình trước khi tin vào xã hội, ít ra vì một lý do rất đơn giản: bắt đầu giáo dục con cái ở tuổi đi học là chậm quá. Chỉ tiêu truyền thống Tiên học lễ, hậu học văn chỉ có thể thực hiện được một cách triệt để ở cấp độ gia đình. Vả lại nhà trường quá bận với phần văn nên có ảnh hưởng đến phần lễ. Cũng cần lưu ý đến tình hình toàn cầu hoá thế giới truyền thông, nó đã và đang làm thay đổi môi trường giáo dục, có phần tích cực nhưng cũng có phần tiêu cực. Dùng yếu tố tích cực, trừ yếu tố tiêu cực một cách có hiệu quả chỉ ở tầm tay gia đình.

Do đó hoàn toàn có thể nói là phương pháp Minh Triết có cơ sở khoa học. Đặc trưng của phương pháp Minh Triết là xuất phát từ truyền thống Phật giáo Việt Nam, từ quan điểm “Phật tại tâm” của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhưng không có tính chất tôn giáo, càng không có tính chất mê tín dị đoan, là trái ngược mê tín dị đoan ở chỗ rất căn bản: trong khi mê tín dị đoan xúc tiến tính ỷ lại vào những lực lượng không thật, quan niệm „Phật tại tâm“ khám phá tinh thần tự chủ, tự lực của con người.

Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, rất may mắn vì có đức Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể lấy làm thầy, làm gương mẫu. Vì Đức Trần Nhân Tông vừa là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao anh hùng dân tộc, thời chiến thì góp phần một cách quyết định vào việc đoàn kết dân tộc và thành công chống lại kẻ ngoại xâm nguy hiểm nhất thế giới thời thế kỷ 13, thời bình thì lại biết giáo dục toàn xã hội từ tập đoàn lãnh đạo đến quần chúng rộng rãi giữ được đoàn kết, khắc phục hậu quả của thảm họa chiến tranh và xây dựng quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Vả lại Đức Trần Nhân Tông còn là nhà tư tưởng và triết học vĩ đại hiểu được triệt để bản chất của đạo Đức Phật để lại với nhân loại và giải thích cách kết hợp đạo với đời để con người có thể vừa tìm hạnh phúc cá nhân, vừa thực hiện sứ mạng xã hội của mình ở mọi vị trí xã hội. Theo tôi việc đó, tức việc trở lại vói bản chất nhân đạo của lời Đức Phật dạy chúng ta thật có ý nghĩa cách mạng. Nếu như nhân dân Việt Nam biết tôn vinh Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông qua thực tiễn trên cơ sở quan niệm “Phật tại tâm” và thực hiện triệt để đạo làm người trong quan hệ xã hội, thì thế giới cũng sẽ biết nhiều hơn về Ngài và sẽ làm cho Ngài trường sinh bất tử không những trong lòng của nhân dân Việt Nam mà lại trong lòng của toàn thể loài người.