"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Trần Nhân Tông và Ánh Sáng Độc Lập Tự Do


Trân trọng kính chào quý đại biểu!

Thật khó mà nhấn mạnh điểm nào là kiệt xuất của Trần Nhân Tông bởi vì điểm nào cũng quá lớn lao và xứng đáng là một biểu tượng gần như đáp ứng nhiều yêu cầu tiến bộ của từng con người Việt Nam nói riêng và con người nói chung. Riêng tôi vì quá chú trọng đến tính hoàn hảo của đầu óc con người nên tôi quan tâm thật sâu vào tính độc lập tự do của Trần Nhân Tông trong cách nhìn về mình, về dân tộc và đất nước, và về thiên hạ bên ngoài.



Trong bài tham luận ngắn ngủi này, tôi chỉ giới hạn trong ba chủ đề ấy. Dĩ nhiên sự vĩ đại của Người bắt nguồn từ tư chất thông thái bẩm sinh quyện những ước mơ hay hoài bão lớn lao và đầy đam mê về ngày mai tươi sáng của dân tộc và con cháu của Người.

Trước nhất và trên hết, Người có cách nhìn và nhận thức về chính mình mang tính độc lập và tự do với quyền lực, lợi ích, và điều kiện hưởng thụ vật chất. Ngài nhận thức độc đáo rằng quyền lực tối cao của vị Hoàng Đế không phải thật sự là mình. Ngai vàng mà Ngài đang cai quản không phải thật sự là Ngài. Sở hữu và hưởng thụ những điều kiện sống vật chất quá đầy đủ muốn gì cũng có, thích gì cũng được không phải là Ngài. Hưởng thú vui với cung tần mỹ nữ của cả quốc gia luôn sẵn sàng phục vụ cũng không phải là Ngài. Mà Ngài thầm nhận thức rằng cái gốc hay sự tinh khiết và an nhàn thanh tịnh và luôn ổn định của đầu óc độc lập tự do trong bộ não mới là chính mình. Cho nên Ngài mới diễn đạt trong Đắc Thú Lâm Tuyền Đắc Đạo Ca rằng:

Tuần này mà ngẫm,
Ta lại xá ta;
Đắc ý cong lòng,
Cười riêng ha hả.”

Từ sự nhận thức thẳm sâu này mà bên ngoài Ngài hoàn toàn tự do với những điều nêu trên, thích sống đơn giản và thư thái như Ngài đã tự ngợi khen trong diễn đạt:

“Công danh chẳng trọng,
Phú quý chẳng màng;”

Ngài không dựa vào những triết lý sống nào hay ý tưởng về hạnh phúc nào xâm nhập từ bên ngoài. Do vậy cho nên, Ngài mới đúc kết một chân lý sống hay một cách kiểm soát tốt nhất cái đầu của mình sao cho luôn cảm xúc hạnh phúc ổn định để sáng suốt trong cuộc sống. Đó là, “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên” - Cư Trần Lạc Đạo Phú - chứ đừng suy tư và hành động tùy vào ý tưởng của mình.

Kế đến, Người có cách nhìn và tư duy về dân tộc và đất nước Việt Nam rất phù hợp với thực tế. Ngài chú tâm đến giáo dục dân phát triển kiến thức về đời sống kinh tế từ đồng áng đến kinh doanh, nghề tiểu thủ công nghệ. Sau chiến tranh, Ngài kêu gọi xây dựng cầu đường, phát triển đường sá như một phần công đức và phẩm hạnh của  mọi người. Ngài dạy và làm gương đoàn kết trong triều đình, trong toàn dân, và đặc biệt là cư xử tôn trọng mọi tài năng mà quên đi những thiếu sót của họ. Ngài thật sự trọng nhân tài và không thành kiến về quan điểm hay đã mắc phải những sai lầm. Sau chiến thắng quân Nguyên, Ngài cho đốt tất cả các thư tố cáo một số quan lại hàng giặc để bảo vệ nhân tài và tạo đoàn kết trong toàn dân tộc để cùng nhau xây đắp nước non cho bấy giờ và mai sau. Ngài thể hiện hòa hiếu với lân bang như Chiêm Thành và Phương Bắc. Hòa hiếu nhưng vẫn một lòng cương quyết giữ gìn độc lập tự do từ bờ cõi bên ngoài đến bên trong đầu óc. Ngài dạy quan lại học hạnh người Bồ Tát trong tinh thần Phật Giáo Đại thừa rằng, hãy xác định làm quan là để phụng sự dân. Quan lại phải xác định như vậy để an định đầu óc của mình. Hãy lấy tấm lòng rộng rãi với dân mà hàng phục sự chao đảo của đầu óc. Ngài dạy dân thực hành những điều đạo đức có tính giá trị phổ quát chung cho con người như đừng sống dối trá, đừng hãm hại người khác vì riêng tư của mình, đừng tiêu hủy đầu óc và tâm hồn mình trong thói quen uống rượu khó kiểm soát. Đừng dùng tiền bạc, quyền uy, hay đầu óc lanh lợi mà quan hệ tình dục không phù hợp cho giá trị làm người có trí tuệ và lương tâm. Đừng vì thú vui hay cảm xúc khoái lạc tình dục mà tạo ra những quan hệ và hành động không thể hiện vẻ đẹp của con người, còn gây bất an cho người khác và xã hội. Không vì tham của tham tiền mà giết người hay đánh người để chiếm đoạt. Không tàn nhẫn với người khác nhất là với trẻ em và phụ nữ.

Có điều rất thú vị và vô cùng sáng suốt nơi Ngài là những nỗ lực lành mạnh hóa, nhân bản hóa, và độc lập tự do hóa từ ý tưởng về hình ảnh các vị Phật, về thành phần xuất gia, và bãi bỏ các hủ tục và mê tín dị đoan trong Phật giáo Việt Nam. Ngài xây dựng cách suy tư về Phật như là người dạy ta sống đạo đức chứ không phải mơ hồ về sự linh thiêng hão huyền. Trong Cư Trần Lạc Đạo, Ngài chỉ dạy người Phật tử rằng, ai sống tốt với mình, với gia đình, với xã hội và với quốc gia thì người ấy chính là Phật Thích Ca. Ai không tham lam và vui vẻ với mọi người là Phật Di Lặc. Ai quý trọng sự thanh tịnh và trong sáng của đầu óc bình yên, người ấy là Phật Di-Đà. Phải nói rằng, đây là sự sáng suốt, sự tự do, độc lập, thương người và dũng cảm bậc nhất trên hành tinh này, cho đến mãi tận hôm nay, sau hơn 700 năm tuyên bố thông điệp vô cùng vĩ đại và lợi lạc này, nhất là cho các tín đồ Phật giáo.  Thông điệp vô giá này đã góp phần và sẽ mãi mãi góp phần dành lại sự độc lập, tự do của đầu óc những người Việt Nam theo niềm tin Phật giáo, dù thuộc trường phái Phật giáo nào để tránh mê tín dị đoan.

Cuối cùng là cách nhìn của Ngài đối với thiên hạ chung quanh dân tộc và đất nước chúng ta. Ngài hết sức tôn trọng độc lập của các quốc gia, các dân tộc khác lân bang chúng ta. Dù có lúc Đại Việt hùng cường hay mạnh hơn vài nước lân bang, nhưng Ngài không hù dọa, ăn hiếp triều đình hay dân chúng họ. Ngài tìm cách bang giao và giữ hòa hiếu. Như việc Ngài đến thăm vua Chiêm Thành và gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm để tạo hòa hiếu lân bang. Tuy nhiên, Ngài lại tỏ ra hết sực độc lập với việc Triều đình phương Bắc ỷ thế dân đông, thế mạnh mà bắt các vua Việt Nam phải chấp nhận sự chuẩn thuận của họ thì mới chính thức làm vua. Ngài khéo léo cương quyết từ chối để giữ thể diện cho dân tộc, để truyền cái tinh anh độc lập tự do cho muôn đời con cháu. Không vì bả danh lợi hay hèn yếu mà khuất phục sự chuẩn thuận. Rồi cuối cùng Ngài và quan, và  toàn dân chấp nhận chiến tranh do triều đình phương Bắc “trừng phạt”. Toàn dân một lòng chống giặc để giữ độc lập và cuối cùng đã chiến thắng oanh liệt.

Thưa quý vị đại biểu kính mến,

Tôi sơ lược trình bày chủ đề Ánh sáng độc lập tư do trong đầu óc Trần Nhân Tông và ảnh hưởng tích cực của ánh sáng này đối với dân tộc Việt Nam, cách nay hơn 700 năm, căn cứ vào những lịch sử cụ thể còn ghi lai nhằm mục đích tôn vinh Người, tôn vinh tính tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng để nhắc nhở cho chính tôi người may mắn được sinh ra trên đất nước Việt Nam nhớ phẩm chất quý báu này của người Việt Nam, mà nó cũng quý báu như tài sản thiêng liêng của mỗi con người trên hành tinh này và luôn ưu tư thực hiện nó cho chính mình trước đã, dù đang sống ở đâu, làm bất cứ việc gì để giúp người. Với lòng ngưỡng mộ đặc biệt, tôi tin chắc rằng những ai theo niềm tin Phật Giáo rồi sẽ tôn vinh Ngài là vị Phật lịch sử của Việt Nam mà tôi và nhiều bạn bè Việt Nam gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Những ai chọn tôn thờ Ngài, người ấy cũng là Phật dù muốn gán cái khái niệm này hay không. Nghĩa là người có phẩm chất tự do và lòng thương người tha thiết nhất.

Trân trọng kính chào và cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Duy Tuệ


(Bài tham luận tại Hội thảo: "Trần Nhân Tông và Con đường chính pháp" tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội - ngày 24.11.2011)