"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

088 - Tránh Tái Nghiện Ma Túy


Nguồn gốc của tệ nạn ma tuý phần lớn bắt nguồn từ sự giáo dục sai về tình thương từ khi họ còn nhỏ. Người nghèo thì giáo dục sai theo kiểu người nghèo: đánh đập, chửi bới con em một cách quá đáng, làm tổn thương đến tình cảm non nớt của các em và phá vỡ nền tảng gia đình.


Còn giàu có thì thương theo kiểu nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy, cung cấp tiền bạc cho con em một cách vô lối mà không cần biết chúng sử dụng đồng tiền ấy để tiêu xài vào việc gì...

Tất cả điều đó đều không có sự giáo dục cân bằng và không hợp lý trong tình thương.

Đó cũng là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh thiếu niên sa vào các tệ nạn xã hội, sa ngã vào ma tuý.

Các nạn nhân ma tuý không phải đến lúc dính đến ma tuý mới hư hỏng, thực ra họ đã có mầm mống từ trước đó rất lâu, nhưng không được sự quan tâm và ngăn cản kịp thời của những người thân.

Tư vấn giáo dục cho người nghiện ma tuý ra sao? Trước hết người làm công tác này phải hiểu rõ thực trạng của các học viên. Họ đã suy sụp cả tinh thần lẩn thể lực. 

Vì thế cần:

* Dạy cho họ tình yêu thương: Trong mỗi con người luôn luôn có sẵn tình yêu thương. Nó là động lực cho con người sống hạnh phúc, sống có ý nghĩa. Nó cũng chính là năng lượng sống của xã hội loài người. Vì vậy năng lực tình yêu thương cần được nhận biết và sử dụng để người nghiện xoá đi nỗi mặc cảm, thù hận và sự ích kỷ trong lòng.

Người nghiện ma tuý cũng là con người và họ không thể thiếu tình yêu thương được. Hai trạng thái của tình yêu thương là tình yêu bị ý nghĩ xâm phạm và tình yêu không bị ý nghĩ xâm phạm. Khi bị ý nghĩ xâm phạm, tình yêu thương bị mờ ám và đôi khi dẫn đến đấu tranh, giành giật - đó là lúc tình yêu đã bị bản ngã chi phối. Khi không bị ý nghĩ xâm phạm, nó đưa đến huỷ diệt bản ngã.


*Tình yêu chân thật xuất hiện, bản ngã sẽ biến mất.*

Trước hết cần gợi về tình Mẹ cho họ. Tạo cơ hội cho họ nhớ và nghĩ về Mẹ, họ sẽ tìm thấy điều thiêng liêng ở Đấng sinh thành của mình, chứ không phải nghĩ về túi tiền của Mẹ.

Nếu thực sự đạt được điều đó, họ sẽ bị sốc mạnh về tình cảm. Cú sốc này có nhiều khả năng đưa họ đến sự thay đổi thực sự.

Dạy cho họ nhìn thẳng vào chính mình: Dạy cho họ biết thương hại bản thân. Sự ca ngợi người nghiện ma tuý trong việc cai nghiện sẽ không đem lại hiệu quả giúp đỡ, mà phải cho họ nhận ra những sự thật phũ phàng đen tối ấy.


Phương pháp đối mặt như vậy sẽ có hiệu quả hơn trong nỗ lực tự cải tạo của chính họ.

Phương pháp tốt nhất là phải dạy cho họ thực hành Thiền, Thiền sẽ giúp cho họ nhìn thấu tận đáy lòng họ; Thiền giúp trục ra khỏi tâm họ những ký ức, những cảm giác ma tuý.

Nhưng hiện nay Thiền hay bị hiểu sai lệnh và hay bị lạm dụng nên khi áp dụng phương pháp này cần phải đảm bảo tính thực tiễn và khoa học.

Tạo cho người cai nghiện cảm giác vui sống: trung tâm cai nghiện nên tổ chức nhiều sinh hoạt văn hoá voán nghệ tập thể cho các học viên của mình, giúp họ yêu đời và vui vẻ.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là huyễn hoặc họ sống trong ảo tưởng mà còn giúp cho họ chấp nhận các thực tại mà họ đang trải qua. Họ phải chấp nhận chúng một cách tự giác.

Ví dụ vấn đề kỷ luật, nội quy của Trung tâm là điều kiện kiên quyết họ phải chấp nhận, vì chính như vậy là họ đang chấp nhận sự thay đổi cuộc sống đang đến với họ. Khi các học viên này chấp nhận hay sẵn sàng đón nhận thực tại thì sự phản kháng mất đi và sự chán chường cũng không còn nữa.

Tạo cho người cai nghiện chuyên tâm làm việc thật nhiều: Điều này sẽ giúp cho họ không còn phải suy nghĩ về quá khứ hay tương lai. Họ sẽ chỉ biết ra sức tập trung hoàn thành những gì cuộc sống cần họ và đòi hỏi họ. Để cho họ chỉ luôn sống với thực tại, càng tránh cho họ suy nghĩ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu vì suy nghĩ sẽ khiến họ hành động cùng quẫn : Đánh nhau, trốn trại, thậm chí tự tử...


Có thể nói, dùng tình yêu thương để quản lý và giáo dục cho người cai nghiện đem lại nhiều kết quả trong công việc đầy thử thách này.

Đối với những người nghiện, ma tuý là chỗ dựa duy nhất cũng là cách tự tử thê thảm nhất. Dính vào ma tuý, con người chỉ còn lại ma tuý và lừa dối. Lừa dối để có ma tuý. Xã hội phải hứng chịu tất cả những gì mà nạn nhân ma tuý gây ra nhưng xã hội vẫn dành may mắn cuối cùng cho những nạn nhân của ma tuý là đưa họ vào các trung tâm cai nghiện.

Trong buổi toạ đàm với các học viên của Trung tâm cai nghiện ma tuý Phú Văn, Đạo sư Duy Tuệ đã nói với họ những điều tâm huyết sau:

Đời người có hai việc trọng đại là sống và chết. 

Sống thì phải hạnh phúc và chết thì được bình yên. 

Nghiện ma tuý nghĩa là chưa biết sống và chưa hiểu về cái chết, chưa từng hiểu được mình; chưa từng thương yêu, kể cả thương yêu chính bản thân mình. 

Chính vì vậy học viên cai nghiện cần phải ra sức chấp hành kỷ luật để cải tạo mình hay nói đúng hơn là để chính mình làm một cuộc cách mạng đích thực cho mình - sự thay đổi tận gốc rễ trong tâm hồn.

Muốn thực hiện được cuộc cách mạng ấy, thì phải vui vẻ chấp nhận hai thứ kỷ luật: kỷ luật bên ngoài và kỷ luật bên trong.

*Kỷ luật bên ngoài: Là luật pháp, là phong tục tập quán, là nội quy của Trung tâm, là lòng yêu thương của cha mẹ và người thân, mong muốn người nghiện trở về với cuộc sống lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần, biết sống yêu thương và có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng. Chấp hành một cách tự giác, chấp hành trong tinh thần đón nhận nó như những thứ quý báu để giúp mình thành người có ích.

*Kỷ luật bên trong:Đó là điều kiện tiên quyết nhưng chưa đủ. người cai nghiện muốn thành công còn phải chấp nhận cả kỷ luật bên trong nữa. Tức là phải nhìn sâu vào bên trong tâm hồn mình để hiểu rõ nội tâm mình, xem mình đang thèm khát gì. 

Các bạn sẽ nhận ra là mình còn nguyên vẹn tình yêu thương trong trái tim. Từ đây hãy tập thương yêu mình, tập thương yêu sâu sắc với mẹ mình. Rồi từ đó mở rộng tình yêu thương với những người xung quanh, với cộng đồng... Phải tập nói, tập nghĩ, tập hành động từ tình yêu thương và phục vụ cho tình yêu thương. 

Trong quá trình cai nghiện, cảm giác ma tuý tuy lắng chìm vào tiềm thức rồi lại sẽ trỗi dậy hành hạ người đã dính líu tới nó. Nếu khôi phục lại được tình thương yêu thì người nghiện sẽ dần bớt đi sự ích kỷ, sẽ lựa chọn được cho mình một cuộc sống vì tình yêu thương. 

Khi tình yêu thương ấy đã đủ lớn mạnh cũng là lúc người được cai nghiện nên dũng cảm để kiến tạo một cộng đồng mới, một cuộc sống mới trong cộng đồng đó. Hãy thắp đuốc nội tâm lên tự mình kiến tạo cộng động mới và luôn cảnh giác với ý nghĩ của mình.

Đừng mong chờ sự thay đổi bên ngoài mà phải dõi theo sự thay đổi ở bên trong. Sự kiến tạo cộng đồng mới sẽ là một cú sốc lớn nhưng không thể nào khác. Người cai nghiện chỉ có quyền đòi hỏi xã hội giúp mình kiến tạo cộng đồng mới chứ không quá trông chờ vào việc xã hội phải đối xử thật tốt với mình trong cộng đồng cũ.

(Master Duy Tuệ toạ đàm với các học viên của Trung tâm cai nghiện ma tuý Phú Văn - Bài đăng tại Giáo Dục & Thời Đại - số 216 ngày 19/10/2002 - www.gdtd.com.vn)