Ông Ngô Văn Quán (Hiền giả Giác Tuệ) đọc tham luận tại Hội thảo " Trần Nhân Tông và Con đường chính pháp" diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội ngày 24.11.2011 |
Thực hiện tiêu chí của tổ chức Liên Hợp Quốc về Văn hóa, Khoa học, Giáo dục và Điều lệ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam ra đời tháng 6 năm 1999, do Đạo sư Duy Tuệ là Chủ tịch Hội đồng sáng lập với chức năng tập hợp trí tuệ của cộng đồng, nghiên cứu các nguyên lí Phật học một cách khoa học, có hệ thống nhằm ứng dụng vào đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân, trong đó đặc biệt ưu tiên các biện pháp giải quyết những vấn đề giáo dục nhân cách cộng đồng, giáo dục trách nhiệm công dân đối với đất nước.
Để ứng dụng những tinh hoa giáo lí Phật vào cộng đồng, chúng tôi chọn phương cách thông qua các hội thảo, trao đổi, sinh hoạt học thuật, xuất bản sách về Trần Nhân Tông. Từ năm 2000, Trung tâm vận động xây dựng lại chùa Vân Tiêu, Yên Tử, nơi Đức Điều Ngự Giác Hoàng tu hành và dạy đạo làm sáng rõ thêm trong nhân dân và Phật tử về những bài học quý trong công cuộc lãnh đạo nhân dân Đại Việt thế kỉ XIII, bảo vệ và xây dựng đất nước và công cuộc hoằng dương Phật pháp của Ngài, hoàn toàn có ích cho con người và dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển.
Trung tâm đã tổ chức ba cuộc hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp thơ, văn của Trần Nhân Tông, tham gia các cuộc hội thảo và trao đổi về Ngài do các cơ quan, đơn vị bạn tổ chức. Qua đó, hiểu Ngài là tấm gương sáng đa chiều, bản lĩnh sâu thẳm về đạo đức, nhân cách, tình thương yêu, lòng dũng cảm, trí tuệ vô ngã, sống hữu ích khi thực hiện niềm tin tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng… Ngài đã đặt nền móng và phát triển giáo lí truyền thống, mà hạt nhân là: Phật không phải ở đâu xa, không bí ẩn, diệu kì mà chính ở trong tâm, tâm thanh tịnh, tâm trong sáng, chính là chân Phật. Ngài giáo hoá cho nhân dân tu tại tâm, rèn đức, phát triển trí tuệ để thành người có ích cho xã hội; Phật là đời, mà đời là nghĩ và làm tốt cho hạnh phúc của mọi người, cho sự nghiệp cao cả bảo vệ, xây dựng mái nhà chung là Tổ quốc; Ngài để lại bài học cho các thế hệ Phật tử nói riêng, con người nói chung phải biết kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đạo đức và tâm linh; con người muốn hoàn thành bổn phận làm người một cách vinh quang và đời sống giải thoát, phải biết tôn trọng, cung kính chính pháp, coi chính pháp là mình, để sống và cống hiến cho lợi ích cộng đồng, đem lại sự an vui cho mọi người, đem lại lợi lạc cho quốc gia, cho chính mình và an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh...
Trung tâm xuất bản hơn 20 đầu sách, với hàng vạn cuốn, trong đó tập "Những điều dạy về Phật của Trần Nhân Tông" tái bản hai lần. Tập thơ "Vua Phật Trần Nhân Tông" cùng nhiều tập sách của tác giả Duy Tuệ có liên quan đến các tác phẩm và lời dạy của Trần Nhân Tông là những tư liệu qúy giúp cho hội viên sinh hoạt tư tưởng, học tập gương sáng của Ngài, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, phát huy trí tuệ, sáng tạo để xây dựng cuộc sống mới, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại TP Hồ Chí Minh, CLB Trần Nhân Tông, Linh Xuân, Thủ Đức, nơi thờ Trần Nhân Tông, tám năm liên tục tổ chức giỗ Ngài. CLB Trần Nhân Tông, Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa làm nòng cốt trong việc xây dựng một quần thể Văn hóa và Di tích Lịch sử thờ Phật, thờ Trần Nhân Tông và Đại vương Lê Trung Giang với tổng trị giá hơn 30 tỉ đồng.
Trung tâm đưa tư tưởng và hình ảnh vị Vua Phật Việt Nam đến các nước qua sách, tạp chí và các sản phẩm văn hóa nói về Ngài; hỗ trợ các hiền giả minh triết tại các nước thành lập các Trung tâm, các Hội thiền mang tên Trần Nhân Tông. Trong đó, Hội thiền Trần Nhân Tông Hà Lan, Na Uy, Ốt-xtrây-li-a được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Tượng thờ Trần Nhân Tông đã được kiều bào ta cung thỉnh về Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch và một số nước khác. Kỉ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông, hiền giả tại các nước Pháp, Mỹ, Cộng hòa Séc, U-crai-na, Ốt-xtrây-li-a, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy… đều tổ chức lễ tưởng niệm Ngài. Tháng 3 năm 2010, các Hội viên của Trung tâm cùng gần 300 hiền giả minh triết dự cuộc gặp gỡ và giao lưu toàn cầu trong đó có một hoạt động hết sức ý nghĩa là trao tượng Đức Phật Hoàng cho Trung tâm Phật giáo Quốc tế Thái Lan và chùa Việt Nam thuộc hệ phái đại thừa Việt Nam tại Thái Lan. Nhân Ngày Hòa giải - Yêu thương mồng 9 tháng 9 năm 2011, đại diện của Open Minds Foundation, do Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch thuộc Đại học Harvard Hoa Kỳ đề nghị được cung thỉnh tượng Phật hoàng sang Đại học Ha-vớt, Mỹ.
Mọi hoạt động của Trung tâm đều hướng tới đệ trình với Nhà nước chủ trương đề nghị UNESCO vinh danh Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa thế giới.
Ngô Văn Quán
Giám đốc Trung tâm UNESCO
Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam
Bài đã đăng trên báo Người Cao Tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6985&lang=vn&zone=3&zoneparent=0
Giám đốc Trung tâm UNESCO
Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam
Bài đã đăng trên báo Người Cao Tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6985&lang=vn&zone=3&zoneparent=0