"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

169 - Những thông tỏ về Vu Lan Báo Hiếu sau hàng ngàn năm mờ mịt


1. Chúng ta mượn ngày báo hiếu như một cơ hội để phát huy những phẩm chất tốt đẹp giữa chúng ta với người xung quanh ở tất cả các mối quan hệ, chứ không riêng gì giữa cha mẹ và con cái. Nhân ngày này, chúng ta kiểm tra lại, đánh giá lại, và cố gắng thể hiện mối quan hệ bình đẳng, trách nhiệm, thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm đến nỗi cô đơn, nỗi khó khăn riêng của nhau. Đó là cách báo hiếu đúng theo nền văn minh Việt Nam. 

2. Phù Châu là chùa ở miền nông thôn nên rất thanh tịnh cho quý thầy và quý Phật tử học. Cuộc sống ở nông thôn là một cuộc sống rất đơn giản không như cuộc sống ở thành phố, nó góp phần nuôi dưỡng linh hồn, đầu óc của chúng ta. Mà giá trị cao nhất của một con người chính là sự thanh tịnh, sự sáng suốt trong đầu óc, cái đầu chính là điểm trung tâm trong con người của chúng ta. 

Do đó quý vị không được để cho cái đầu đi ra khỏi thực tại của cuộc sống, không để cái đầu chạy theo những suy nghĩ theo kiểu của quá khứ hay theo kiểu của kinh sách. Phải biết điều khiển, biết chỉnh sửa cái đầu của mình để nó luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng Khai mở ánh sáng của Trí Huệ.

3. Trở lại vấn đề báo hiếu, tôi muốn quý thầy, quý Phật tử trở lại con đường sống thực sự, trở lại con đường minh tâm kiến tánh, trở lại giá trị sống thực sự, chứ tôi không nói theo các câu chuyện cổ tích - không có giá trị thực tiễn trong đời sống của chúng ta, dẫu cho những câu chuyện cổ tích đó nằm trong tôn giáo mà chúng ta đang theo.

Thí dụ câu chuyện cổ tích về báo hiếu của Mục Kiền Liên mà quý vị nghe qua đều biết. Nó là một câu chuyện có tính chất cổ xúy cho khuynh hướng, cho phong trào Phật giáo đại thừa thời bấy giờ, nó giúp lôi kéo mọi người chú ý đến Phật giáo đại thừa. Vấn đề thứ hai trong câu chuyện này là nó giúp cho người Phật tử nghe và nghĩ đến cung cách cư xử của họ đối với các vị tăng của Phật giáo.

Phật giáo là tôn giáo ra đời sau cùng ở Ấn Độ, các vi tăng đồ của Phật giáo sau Đức Phật không đủ sức thuyết phục, nên mới hình thành rất nhiều câu chuyện tương tự truyền đi trong dân gian để giúp Phật giáo phát triển. Nó giúp cho người dân Ấn Độ khi tiếp cận những câu chuyện ấy có cung cách cư xử tôn trọng các vị tăng đồ của Phật giáo, sau nữa là tạo điều kiện sống cho các tăng ni. Phải hiểu câu chuyện báo hiếu của Mục Kiền Liên là như vậy.

Khi câu chuyện này được chuyển về Việt Nam theo Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta không thể sao chép nguyên cả câu chuyện rồi  kể lại và cảm thấy vui sướng, thỏa mãn về câu chuyện đó đối với Phật tử được!

Việc ca ngợi câu chuyện ấy, coi nó như là chủ đề chính trong vấn đề báo hiếu thì thứ nhất nó thể hiện phong cách của người tu sĩ Việt Nam là không đủ trình độ để chuyển hóa một câu chuyện, một nghi thức tôn giáo của nước ngoài vào đất nước mình.

Ví dụ ngày lễ Noel của châu Âu là một quá trình biến đổi từ những ngày lễ của La Mã, khi chuyển đến Nhật Bản chẳng hạn, lễ Noel chỉ là một cái cớ để người ta phát huy nền văn hóa của người Nhật, là ngày để thể hiện tình thân giữa gia đình, bạn bè chứ không còn chỉ là một ngày tưởng nhớ đến sự ra đời của Đức Giêsu nữa.

Trong khi đó, chúng ta đem nguyên câu chuyện của Mục Kiền Liên vào đất nước mình, một câu chuyện vu vơ, không có giá trị gì đối với văn hóa Việt Nam cảVà hết đời này sang đời khác cũng vẫn câu chuyện ấy không có gì thay đổi, nên chúng ta phải có đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ để sửa lại câu chuyện này, trước hết vì quyền lợi của dân tộc ta, không phải lo sợ điều gì cả.

4. Về ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, chúng ta phải trở về thực tế của dân tộc Việt Nam - Cha mẹ đã hy sinh cho con cái như thế nào, con cái trở lại yêu thương cha mẹ, báo hiếu cho cha mẹ như thế nào - để biến ngày Lễ Vu Lan báo hiếu có một nội dung hoàn toàn khác. Ngày này, chúng ta nhớ câu chuyện về Mục Kiền Liên, nhưng toàn bộ khung cảnh sinh hoạt trong cộng đồng Phật giáo cần phải vì mục đích thực sự thuần khiết là báo hiếu.

Ở địa phương chúng ta có những tấm gương báo hiếu nào, gương cha mẹ đối với con cái ra sao, những tấm gương ân nghĩa trong tình chồng vợ, những tấm gương ân nghĩa trong tình thầy trò, những tấm gương ân nghĩa giữa các vị Tăng và Phật tử, công đức của Phật tử đối với Chùa, các Tăng ni trong Chùa đối với Phật tử như thế nào, họ sống tình nghĩa với nhau như thế nào cần được chú trọng. 

Phải tạo được sự bình đẳng, gần gũi, tôn trọng lẫn nhau, sống trách nhiệm với nhau, động viên nhau trong cuộc sống. Ai cũng có khó khăn trong cuộc sống, vậy nhân ngày lễ này, hãy biến nó thành ngày để cùng nhau chia sẻ những niềm vui, quên đi những nỗi nhọc nhằn, đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp tại địa phương của chúng ta.

5. Với mục tiêu làm sáng cái đầu, sáng cái trí của mình mà chúng ta theo Đức Phật. Vì cái đầu của chúng ta hiện chưa đủ sáng nên chúng ta cần phải theo đức Bổn sư. Vậy làm sao để đời sống của chúng ta bật ra được những phẩm hạnh mà đức Bổn sư mong muốn ở những đệ tử đi theo con đường của Ngài. Sự truyền thừa giáo lý căn bản nhất, cốt lõi nhất của Phật giáo nằm ở phong cách sống của quý vị tăng ni chứ không nằm ở chỗ quý vị tăng ni đi giảng kinh sách.

6. Chúng ta cư xử với cha mẹ ta khi chúng ta đã xuất gia như thế nào, mình phải đóng tròn cả hai vai, một vai là đệ tử của Đức Phật, một vai là đứa con của cha mẹ. Các tăng ni cũng phải báo hiếu với cha mẹ của mình bằng những việc làm cụ thể chứ ngày Vu lan không chỉ là ngày mà các Phật tử báo hiếu với cha mẹ mình thông qua hình thức mời các vị Tăng ni cúng cầu an, cầu siêu cho cha mẹ.

Đời sống tự nhiên, ví dụ như sự thăm viếng của các Tăng Ni đới với cha mẹ mình, đối với bà con mình chính là nội lực của một con người đang tiến tới sự giác ngộ. Ví dụ ngày hôm qua mình còn sống trong gia đình, nhưng hôm nay vì một lý do nào đó, vì lý tưởng, mình đã cạo đầu đi theo con đường của Đức Phật thì mình phải bộc lộ toàn bộ tính hồn nhiên, không đóng kịch, không thấy mình quan trọng, trở lại như một người bình thường để thể hiện cái tình, cái ân nghĩa đối với cha mẹ, thầy cô giáo, đối với anh em dòng họ

Từ cái gương đó của Tăng ni mà người Phật tử sẽ học theo và đó là cách thuyết giảng chân lý của đức Bổn sư hiệu quả nhất, truyền cảm nhất, nhanh nhất, ấn tượng nhất cho Phật tử.

7. Nếu chúng ta chỉ kể chuyện Mục Kiền Liên, hay các hình thức như bông hồng cài áo thì chỉ là đóng kịch. Thầy nói quý vị đừng buồn nhưng tất cả những cái đó chỉ là đóng kịch với nhau.

Mẹ của mình, dù mất vẫn là mẹ trong trái tim mình, dòng máu đang chảy trong cơ thể mình chính là dòng máu đỏ của Cha mẹ mình, vậy thì tại sao phải cài hoa hồng màu trắng?

Vậy thì không cần phân biệt giữa bông hồng màu trắng hay bông hồng màu đỏ. Trở lại một thực tế khác, mỗi lần nghĩ đến mẹ, nghĩ đến bao nhiên tình yêu, bao nhiêu sự hy sinh của mẹ cho chúng ta, chúng ta kích hoạt tình yêu này và quý vị Tăng ni có thể san sẻ tình yêu này cho Phật tử, san sẻ bằng hành động, bằng cách sống, bằng sự làm việc, sự cống hiến của chúng ta .

8. Chúng ta không phải đi tu để chờ chứng ngộ, vì không bao giờ có sự chứng ngộ trong việc tu hành, điều đó là chắc chắn. Do đó chúng ta đi theo Đức Bổn sư không phải để chứng ngộ mà là để sống và chúng ta truyền cái sức sống ấy cho cộng đồng Tăng ni, cho đồng bào Phật tử và cho những người không phải là Phật tử. Sức sống ấy là có thật, nó nằm ngay trong tâm hồn, trong đầu óc của chúng ta, và đó không phải là sự chứng ngộ. Do đó, sự truyền tải linh hồn của Đức Phật cho tất cả mọi người chính là nếp sống, là phong cách sống của các Tăng ni.

9. Ngược lại, đối với các Phật tử, vấn đề báo hiếu cho cha mẹ , hãy lấy gương của các thầy, lấy gương của các Tăng ni mà làm theo. Những vị đó đã theo con đường của Đức Phật, không còn chạy theo quyền lợi riêng tư nữa, dù muốn dù không họ đều phải từ bỏ những đòi hỏi bình thường của con người bình thường, những vị đó dù cho học hành đến đâu chăng nữa, dù là Tiến sĩ, là Đại đức, là Thượng tọa mà còn có những cung cách cư xử tốt đẹp với Cha mẹ như vậy thì chúng ta hãy học lấy tấm gương ấy. 

Mẹ mình là người vĩ đại nhất, Mẹ mình là người anh hùng của chính mình, là bậc đạo sư cho chính mình và còn hơn thế nữa.

10. Thực tế, một người Phật tử bình thường đến cung kính đảnh lễ một vị sư, có thể họ 30, 40, hay 60, 70 tuổi – lớn tuổi hơn mình - vị sư ấy nếu là Đại đức trở lên thì có thể cho là người Phật tử ấy có phước báu. Nhưng nếu giả sử người ấy là mẹ ruột mình thì có lẽ điều này không xảy ra. Thầy nói điều này để quý vị thấy rằng mình phải trở lại đời sống bình thường, phải phát huy hết phẩm hạnh của người đi theo con đường của Đức Bổn sư, không thể tự đưa mình lên cao, ra khỏi đời sống bình thường được.

11. Ngày Vu lan báo hiếu không chỉ là ngày của con cái đối với cha mẹ, mà còn là ngày của cha mẹ đối với con cái, không phải chỉ là ngày của Phật tử đối với Tăng ni mà còn là ngày các Tăng ni cư xử với Phật tử như thế nào cho tròn tình, tròn nghĩa đôi bên, không thể chỉ có một chiều như từ xưa tới nay được, vì nó không hiệu quả, không thực tế, nó làm cho chúng ta tự thấy mình không thành thật. 

Người Phật tử cũng vậy, họ sẽ cảm thấy mình lừa dối, lúc cha mẹ còn sống, mình không tận tụy, không mặn mà, lúc cha mẹ mất đi thì kiếm tiền nhờ các thầy cúng kiếng là xong.

Cho nên, ngày Mục Kiền Liên báo hiếu chỉ là ngày chúng ta mượn để thể hiện tình cảm hai chiều, bình đẳng theo văn hóa Việt Nam.

12. Có thể nói dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc có mức độ bình đẳng rất cao trên thế giới, hơn hẳn Trung Quốc, hơn hẳn Ấn độ. Đó là hai quốc gia trong lịch sử không hề có bình đẳng, sống theo giai cấp, coi khinh phụ nữ. Vậy mà chúng ta lại đi học theo hai quốc gia đó! 

Chúng ta là một nước có đầu óc văn minh, không thể du nhập tư tưởng bất bình bẳng theo kiểu “ Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” hay kiểu “ Phu xướng, phụ tùy “ được. Sự bất bình đẳng ấy chui vào tôn giáo tạo nên bất bình đẳng giữa Phật tử và người tu sĩ trong tôn giáo. Nó giống như hai giai cấp khác nhau, một giai cấp ngồi bên trên, một giai cấp ngồi bên dưới. Chuyện ấy là không có được trên đất nước Việt Nam và chúng ta cũng không chấp nhận chuyện ấy trong Tôn giáo

13. Tu là một sự tự nguyện hy sinh cuộc đời của mình để phát triển những phẩm hạnh cao quý nhất theo gương của Đức Bổn sư. Do đó, trong ngày báo hiếu, quý Tăng và các Phật tử cần phải giữ sự bình đẳng với nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là một bên quyết định từ bỏ đời sống riêng của mình

Thầy cũng kêu gọi quý Phật tử thông cảm, thấu hiểu và thương mến các vị Tu sĩ vì dù muốn dù không các vị ấy cũng đã dám từ bỏ, quyết tâm đi trên con đường để đạt tới sự minh tâm kiến tánh và hằng ngày từ bỏ sự riêng tư của mình để sống một cuộc sống khác, nhất là những người theo Phật giáo Đại thừa với sứ mệnh của mình là dùng mối quan hệ với Phật tử để giúp cho họ bình tâm, tỉnh trí.

14. Khi quý thầy và quý Phật tử gắn bó với nhau, sẽ biểu hiện sâu sắc một tinh thần Phật giáo nhân bản cho người dân Việt Nam. 

Sống tự nhiên, đó là cách sống của quý thầy và quý Phật tử. Trên nền tảng đó, quý Phật tử đã góp phần hỗ trợ đời sống của các thầy ở mức độ không thiếu thốn về vật chất căn bản tại các tu viện, các tịnh xá. 

Các thầy cũng vậy, hãy thường xuyên để ý đến đời sống tinh thần của mỗi Phật tử ở chùa của mình, đầu óc của họ như thế nào, có bình yên không, có bấn loạn không, phải để ý và thuộc lòng tâm tính hết mọi Phật tử . Có như vậy mới có thể đỡ dần được họ chứ không cần phải giảng giải kinh sách gì cao siêu cả. Người Phật tử đang có tâm sự, chúng ta hãy tạo điều kiện cho họ tâm sự, chúng ta có đủ lòng kiên nhẫn, có đủ lòng thanh thản để nghe họ tâm sự, thực tế người Phật tử đôi khi cũng chỉ cần thế thôi.

Mỗi con người, mỗi gia đình của Phật tử như một phẩm kinh mà mình đọc để trợ duyên, tạo lợi ích cho Phật tử. Đồng bào ở nông thôn thiếu thốn đủ thứ, đời sống văn hóa của họ cũng có nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết, chưa kể thiên tai, bão lụt, nên các thầy đã bỏ đời sống riêng của mình ra thì nên làm chỗ dựa cho các Phật tử xung quanh sinh sống và tu hành.

Tu hành là gì? Đó là giữ cho cái đầu của mình bình tĩnh nhất, sáng suốt nhất, trong trẻo nhất để cho mình có phước báu, để làm chỗ dựa cho chính mình và cho Phật tử xung quanh mình. Đó chính là sứ mệnh của người xuất gia đi theo con đường của Phật.

Quý thầy làm như vậy chùa sẽ càng ngày càng mạnh, Phật tử sẽ càng ngày càng đông. Quý thầy càng bình đẳng, càng đơn giản, không cần thuyết giảng nhiều chỉ cần thể hiện qua cách sống của mình thì Phật tử càng tin tưởng.

Làm sao quý thầy có thể nói là mình đã thấu hiểu và ứng dụng thông thạo Bát Chánh Đạo - là tám phương pháp cơ bản để định tâm? Bát Chánh Đạo là nguyên tắc căn bản giúp cho con người luôn luôn giữ cái đầu bình tĩnh để có một cái nhìn sáng suốt. Tứ diệu đế cũng giúp cho con người có đầu óc bình tĩnh sáng suốt gồm có phương pháp chấp nhận thực tế và phương pháp luyện tập thiền định để ổn định nội tâm. Chúng ta chỉ cần hiểu những nguyên tắc cơ bản mà không cần giảng sâu bên trong, hãy thực hành sống , trải nghiệm và chia sẻ với mọi người.

Đời sống chúng ta ngắn ngủi, nên chúng ta sống với nhau là chính chứ không phải nhồi nhét kiến thức là chính. Và một loại trí tuệ đặc biệt sẽ phát sinh là trí tuệ từ con tim. Cái gì từ con tim phát sinh ra thì cái đó là trí huệ, cái gì từ cái đầu của mình nghĩ ra thì gọi là kiến thức.
Chỉ có những kiến thức chuyên môn là cần thiết còn trí huệ chính là bản chất thật của cuộc sống.

Trong ngày lễ báo hiếu truyền thống, chúng ta tập trung ôn lại và dành thời gian để thể hiện xem những phẩm hạnh thanh tịnh, nồng ấm, thông cảm, tha thứ, khoan dung, đại lượng, kiên nhẫn, chịu đựng của chúng ta cao đến mức độ nào giữa các Tăng ni với nhau, giữa Tăng ni với Phật tử, giữa các vị Tu sĩ với gia đình của chính mình, giữa các Phật tử với gia đình của họ, tức là chú ý đến việc xử lý các mối quan hệ hai chiều.

Chúng ta sử dụng hình ảnh của Đức Bổn sư như là một chỗ dựa để phát huy hai sức mạnh nơi chính chúng ta. Sức mạnh thứ nhất là những phẩm hạnh cao quý của con người như lời ăn tiếng nói đàng hoàng, cái nhìn chánh trực, đi đứng nghiêm trang, quan hệ trong sáng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Nội dung thứ hai khi nghĩ về Đức Bổn sư là khi ta gặp khó khăn, quá tuyệt vọng hay quá đau khổ, quá cô đơn, chúng ta nghĩ về Đức Bổn sư để ấm lại nỗi cô đơn đó, để xoa dịu nỗi tuyệt vọng trong cuộc đời. Chúng ta thờ Đức Bổn sư là vì hai điều đó, nếu không nắm được hai vấn đề cơ bản này thì việc thờ Đức Bổn sư trở thành một việc không có ý thức, không có trí tuệ và việc thờ phượng như vậy không có ích lợi gì. Thờ Đức Bổn sư không có nghĩa là phải thuộc kinh Pháp hoa, phải thuộc kinh Kim Cương, phải niệm chú cho hay, hay là phải thuộc những tạng kinh khác mà chúng ta thờ Đức Bổn sư chính là vì hai vấn đề cơ bản ở trên Thầy đã nói. Đó cũng chính là lý do mà người ta chọn một tôn giáo nào đó.

Cầu nguyện cho quý Phật tử tại Phù Châu hạnh phúc, an lạc. Nguyện cho các thầy, các Tăng chúng ở chùa ngày càng phát huy tính sáng trong phẩm hạnh của mình, dần dần từng bước trở thành chỗ dựa cho những nỗi khó khăn và cô đơn của Phật tử, phát huy được một trong những phẩm hạnh lớn nhất là phẩm hạnh sống đơn giản, tự nhiên, hồn nhiên của mình. Sự hồn nhiên, trong trắng này sẽ cho chúng ta những trí tuệ đặc biệt, những tình yêu đặc biệt. Một lần nữa tôi cầu nguyện cho quý vị xây dựng được mối quan hệ giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau giữa Phật tử và các Tăng chúng trong chùa, mà không chạy theo cuộc sống đua đòi của một số các vị khác đang sống ở thành phố.

Nội dung được trích từ bài giảng Báo Hiếu, Thầy Duy Tuệ thuyết giảng cho TNPT Phù Châu ngày 10.10.2009. Quý vị có thể liên hệ mua CD tại trang web minhtriet.vn để thực hành tiếp nhận trọn vẹn giá trị tinh thần quý báu này. 

Quý vị có thể đọc và thực hành bài này để phát triển tình yêu với tha nhân qua việc báo hiếu: link