"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

122 - Tuổi Trẻ và Kinh Doanh [02] - Nền Tảng Của Sự Tự Tin


 Tiếp theo bài Tuổi Trẻ và Kinh Doanh [01]


Nền tảng cho các mối quan hệ là đôi bên cùng có lợi

Ở phần này, tôi sẽ trang bị cho quý vị một kiến thức nền, một kiến thức bản chất để quý vị ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh hay các hoạt động mang tính chất quan hệ giữa đôi bên. Quý vị tập cho mình có một cái nhìn mang tính bản chất hay mang tính nền tảng để trên cơ sở đó, quý vị sẽ triển khai kinh nghiệm của mình hay áp dụng một số kinh nghiệm của người khác.

Như tôi đã nói hôm trước, vốn liếng cơ bản cho một người làm ăn là đời sống tâm linh, đời sống cao thượng tốt đẹp của mình. Đó chính là vốn liếng cơ bản nhất. Hôm nay tôi chia sẻ cho quý vị cái nhìn cơ bản trong quan hệ làm ăn, mua bán hay trong quan hệ lợi ích đôi bên. Sở dĩ tôi muốn chia sẻ những điều trên vì tôi thấy những câu hỏi sau của quý vị:

 - Làm sao để giữ được sự trung thực trong kinh doanh? Không nói dối, không lừa lọc mà vẫn ký được hợp đồng, vẫn có tiền?

 Phương thức, cách thức, khả năng thuyết phục đối tác trong làm ăn hiệu quả?

 Để kinh doanh tốt, người lãnh đạo cần có những tố chất gì?(DTT)

 Để làm kinh doanh, nên chọn phương tiện kinh doanh thế nào?Điều gì khó khăn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp? Thế nào là một chiến lược kinh doanh có hiệu quả?

 -  Giới trẻ hiện nay nên quan tâm vấn đề kinh doanh như thế nào? Và hướng kinh doanh nào là phù hợp nhất cho những người trẻ?

Những người trẻ tuổi khi kinh doanh cần trang bị cho mình những điều gì, và đâu là chìa khóa dẫn tới thành công của họ?(DPĐ)

Mình cần phải chuẩn bị những gì để khi giao tiếp với các đối tác nước ngoài , mình có thể giao tiếp một cách tự tin nhất?

Làm thế nào để nói chuyện với khách hàng một cách thuyết phục nhất? (TTT)

Những gì Hg Duy Trung Ý đã chia sẻ cho quý vị rồi, tôi không lặp lại, tôi chỉ cung cấp cho quý vị một nền tảng để từ đó quý vị có được một cái nhìn nhằm mục đích áp dụng vào thực tiễn hay sáng tạo ra kiến thức khác. Từ những câu hỏi này tôi sẽ chỉ cho quý vị cách mở trí như thế nào, không khó nhưng nếu không tập trung chú ý thì quý vị sẽ bị rối. 

Tôi lấy ví dụ đơn giản thế này, cũng giống như trong kinh doanh, anh quan hệ với bất cứ ai thì phải có lợi. Mà cái lợi tối thiểu, cái lợi căn bản và cái lợi đơn giản nhất là khi người ta quan hệ với anh người ta thấy vui, chứ tôi chưa nói đến chuyện lợi ích về tiền bạc, vàng vòng, châu báu… Người ta quan hệ với anh người ta thấy đỡ buồn, đỡ cô đơn, đỡ thất vọng. Thiếu anh người ta cảm thấy khó chịu nên người ta cần gặp anh để thấy vui, ít nhất là vui. Còn gặp anh mà không vui là tôi không muốn gặp rồi. Đó là chưa kể nếu tôi bị stress, gặp được anh tôi bớt stress đi thì cái lợi đó là vô giá. Vô giá không có nghĩa là mình căn cứ vào vật chất để mình biết ơn người ta, cũng không thể dùng chữ vô giá theo cái kiểu mình phủi ơn được



Cái lợi đơn giản nhất là mình có thể đem lại niềm vui cho người khác.

Cái lợi đơn giản nhất là anh đem lại niềm vui cho người khác. Cái lợi tinh thần khó có thể đem tiền bạc ra trả được, đong đếm được chính là anh giúp cho người khác giảm stress, anh giúp cho người khác tự tin hơn, minh mẫn hơn, can đảm hơn, mạnh mẽ hơn… cái đó tiền bạc mua không được. Nhưng không có nghĩa là không có sự đáp trả vật chất để biết ơn. 
Nói như vậy nghĩa là cái đó không mua được thôi, bởi vì anh trao tâm hồn của anh cho tâm hồn người khác để tâm hồn người khác nở hoa thì làm sao có thể tính bằng vật chất được. Nhưng không thể có sự biết ơn kiểu suông suông, nó không công bằng, không sòng phẳng. Cái này là căn bản của việc kinh doanh, kinh doanh là đề cập đến lợi nhuận, mà lợi thì phải hai bên cùng lợi, anh không thể thấy cái lợi của anh không được.

Cho nên điều kiện gì, tiêu chuẩn gì để thuyết phục được đối tác, để ký được hợp đồng, mình có lợi hay người ta có lợi, nó thật đơn giản thôi. Anh chơi với bạn anh mà nó mê anh, nó thích chơi với anh thì có nghĩa là nó có lợi. Mà cái lợi đơn giản là nó vui, chưa nói đến tiền bạc, cái lợi đơn giản là nó vui. Cái lợi thứ hai là nó tâm sự được với anh, nó giảm được stress. 

Còn nếu anh là người HGMT khá thì anh có thể giúp người ta khai tâm mở trí để họ tự tin hơn, đầu óc, trí tuệ họ mở mang ra để giúp họ thay đổi thế giới bên trong đầu óc, thay đổi tầm vóc của họ. Một con người thay đổi tầm vóc đâu hề đơn giản. Anh đang sống trong một cái hang mà bây giờ được khai tâm mở trí, đầu óc rộng lớn, tầm vóc anh khác xa đi thì điều đó là to lớn lắm chứ không nhỏ được. Cho nên nếu anh giúp người ta thay đổi được thế giới trong đầu người ta, thay đổi tầm vóc người ta thì điều ấy lớn lao lắm, nếu làm được đương nhiên người ta thích chơi với anh. 

Như vậy cả hai bên là sự trao đổi, nếu người ta chơi với anh mà hoàn toàn không có lợi gì hết thì dù anh có đóng kịch cách mấy người ta cũng chẳng chơi với anh, anh có nói hay cách mấy đi nữa thì người ta cũng chẳng chơi với anh. Đó là cái nhìn căn bản, cái nhìn mang tính chất rất căn bản.

Điều mà bản thân thấy tự tin nhất là gì?

Lần đầu tiên các đối tác gặp nhau thì rất khó xác định nhau như thế nào. Phải gặp nhau năm lần bảy lượt, tự bộc lộ ra mới hiểu cái này, cái kia của nhau, rồi sau đó xem qua xét lại mà thấy đôi bên đều có lợi thì mới hợp tác làm ăn. Cho nên trong quan hệ với các đối tác dù mới hay cũ, điều mà anh tự tin nhất là cái gì? Cái gì làm anh tự tin khi xây dựng mối quan hệ với họ và thuyết phục họ?  
Đó chính là anh tin rằng người kia chơi với anh thì sẽ có lợi mà bản thân anh cũng có lợi. Không lợi lớn thì lợi nhỏ, không lợi về công về của thì cũng lợi về tinh thần. 

Còn bây giờ anh đóng kịch, anh làm đủ trò, đủ chuyện như thể anh là một người cao sang phú quý, nhưng khi quan hệ với anh năm lần bảy lượt mà người ta thấy không có một cái lợi gì để chơi với anh thì làm sao anh có sự tự tin trong vấn đề giao tiếp với người khác. Anh không hề tự tin chút nào, anh chỉ phủ một lớp son phấn lên mặt mà thôi chứ anh không hề tự tin. Chính vì thiếu tự tin nên anh trang bị son phấn càng nhiều, trang bị vàng vòng càng nhiều trang bị hình thức càng nhiều để tỏ ra anh là người rất tự tin nhưng thật sự anh chẳng tự tin chút nào. 

Tự tin thật sự là gì, là anh biết chắc rằng anh sẽ đem lại niềm vui cho người khác.

Do đó quý vị làm kinh doanh hay quan hệ với bạn bè nó cũng y như vậy, không khác gì. Mặc dù đối tác chưa hiểu anh, nhưng trong lòng anh rất tự tin, cái tự tin đó nó tỏa ra từ ánh mắt và gương mặt anh, nó tỏa ra cái sự tự tại của anh và làm cho đối tác kia chú ý đến anh. Tại sao nó tỏa ra được, tại sao sự tỏa ra đó làm đối tác chú ý anh? Vì anh thầm biết rằng, tự biết rằng anh sẽ là người công bằng, anh sẽ là người đem lại quyền lợi cho người khác, trong đó có quyền lợi của  anh. Đôi bên cùng hưởng, cùng chia đều, mà nếu không chia đều thì ít nhất bên kia cũng có lợi. Và đó là sự tự tin đích thực nhất. Còn nếu anh chuẩn bị đủ thứ mà thiếu cái trên thì tất cả cũng chỉ là thủ đoạn, thủ đoạn để người ta tin nhưng trước sau gì người ta cũng không chơi với anh. Điều này là vô cùng căn bản trong quan hệ với đối tác. 

Ngày xưa tôi làm với một hãng của Nhật, mỗi tháng cỡ chừng 500.000 USD chứ không nhiều, nhưng sau bảy lần làm ăn chung tôi nói thẳng với đối tác của tôi rằng: “Tôi xin lỗi anh là tôi làm ăn với anh vì chưa có người nào tốt hơn anh, chưa người nào tôi tin tưởng hơn anh. Nghĩa là anh không có lừa gạt tôi, anh không có gian lận với nhưng làm với anh tôi toàn hòa vốn chứ không bao giờ tôi có lãi. Cho nên trong lòng tôi, tôi không muốn làm với anh chút nào cả. Tôi không biết anh có lãi bao nhiêu, nhưng về phần tôi chẳng có lãi gì cả’’. Người đó có họ là Suzuki, tên thì tôi không nhớ rõ. Tôi nói thẳng luôn: “Anh là doanh nhân một nước lớn chơi với một doanh nhân nước nghèo mà anh chơi không sòng phẳng”.

Từ lĩnh vực kinh doanh đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống đều phải như vậy hết. Anh không thể nhờ vả người ta hoài được, không thể cứ theo một chiều. Người ta tự nguyện đem niềm vui cho anh thì anh cũng tự nguyện đáp lại  niềm vui cho người ta mà không có tính toán.
Còn nếu có tính toán thì phải công bằng và sòng phẳng. Có lẽ trời đất sinh tôi ra là để đấu tranh cho sự sòng phẳng và công bằng. Cho nên người nào vi phạm luật công bằng và sòng phẳng này thì nói thật là tôi không phục. 

Mười mấy năm qua tôi luôn nói đến chuyện này, và đây là bản chất của sự quan hệ.  Mặc dù chẳng có ai đòi hỏi quyền lợi, nhưng đây là bản chất của sự quan hệ. Và người hành giả minh triết khi làm ăn buôn bán phải đặt vấn đề này lên làm đầu. Đây là điểm dẫn anh đến sự tự tin chính đáng nhất. Còn những thứ thêu dệt khác để cho anh tự tin đều không căn bản. Do đó tôi mới chia sẻ với quý vị nền tảng của tự tin. 

Nền tảng của sự tự tin

Tức là anh phải hiểu rất rõ khả năng có thể  làm vừa lòng người khác của anh, khả năng thực sự, làm vừa lòng người khác bằng tiếng nói, bằng lao động chân tay, bằng sự trung thực, bằng sự có lợi về tiền bạc, bằng việc giúp cho đời sống tinh thần người ta vui, hay ít nhất cũng an ủi người ta trong lúc buồn. 


Nếu anh thiếu cái này thì dù trước mắt có thể thành đạt nhất thời nhưng nó cũng giống như anh xây nhà trên cát ở dưới bãi biển. Anh có thể nói ngoại ngữ dở, có thể vụng về nhưng người ta thích chơi với anh vì khi chơi với anh người ta cảm thấy có lợi thật sự, anh làm vui lòng người ta. Còn anh hay cách mấy, nếu chơi với anh một thời gian mà tôi thấy không có lợi thì tôi cũng chào tạm biệt. Anh là người chơi đàng hoàng, anh không có giựt tôi, anh không lừa dối tôi, nhưng tôi không có lợi gì cả mà công nhân tôi cũng không có đồng lương tương xứng nữa. Đáng lẽ lương công  nhân tôi được 500 usd một tháng thì bây giờ chỉ có hai trăm đô thôi, lương không đủ sống nên  buộc họ kiếm thêm đâu đó hai trăm đô để sống. Cho nên tôi tuyên bố tôi chơi tạm với anh một thời gian thôi, sao này tôi không chơi với anh nữa nếu anh không nâng quyền lợi của tôi lên. Khả năng của anh lớn cũng kệ anh, người anh có chững chạc cũng kệ anh.

Quý vị phải chuẩn bị chỗ đó, tự tin từ chỗ đó. Nếu như quý vị cho rằng: bây giờ tôi biết thông thạo 5, 7 thứ tiếng nên tôi tự tin lắm, tôi tự tin lắm vì tôi có cái bằng thạc sỹ về kinh doanh, tôi tự tin lắm vì tôi quen với ông thủ tướng, tôi tự tin lắm vì tôi quen với bộ trưởng bộ tài chính, tôi quen với ông tổng thống, tôi quen với thống đốc ngân hàng…  thì quý vị nhầm lẫn rồi. Cái đó không phải tự tin, cái đó không có giá trị gì về sự tự tin, cái đó không phải tự tin thật mà là tự tin giấy, giống như con cọp giấy, không có giá trị gì hết. Anh quen với ai kệ anh, không liên quan gì đến việc tôi và anh làm việc có lời hay không có lời. Không có lấy thành tích ra kể, không có lấy hình ảnh ra khoe, vấn đề tôi chơi với anh là tôi được cái gì? Hết! Và quý vị phải xây dựng sự tự tin của mình trên nền tảng đó.

“Anh làm ăn với tôi đi, thủ tướng là tôi quen thân lắm, thống đốc ngân hàng tôi quen thân lắm, anh làm ăn với  tôi đi” thì không có giá trị gì đối với một doanh nhân chân chính, khi người ta nghe anh nói như vậy là người ta sẽ bỏ đi tức khắc. 

Vừa rồi là phần tôi bổ sung thêm cho buổi chia sẻ ngày hôm qua của quý vị.

PHẦN CHIA SẺ VỚI HG DUY TRUNG Ý:

DPĐ : Em muốn biết giới trẻ quan tâm về kinh doanh như thế nào ? Và hướng kinh doanh nào là phù hợp nhất cho giới trẻ hiện nay ạ ?

Hg Duy Trung Ý: Cảm ơn em đã đặt câu hỏi, nhưng có lẽ câu hỏi này anh muốn hỏi ngược lại em vì mục đích của diễn đàn này là tháo gỡ các vướng mắc cụ thể trong kinh doanh hoặc chuẩn bị đi kinh doanh. Nếu anh nói về các vấn đề như em hỏi thì có vẻ như một bài tham luận mang tính thống kê hoặc mang tính học giả. Như thế thì không phải vì anh là một nhà kinh doanh, anh đang muốn chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm của mình để giúp các em đi vào cụ thể. Như vậy, em có thể hỏi câu hỏi nào phù hợp hơn không ? Ví dụ, em hỏi hướng kinh doanh nào phù hợp nhất cho những người trẻ thì thật ra là mỗi người một hướng thôi, tùy theo khả năng của từng người và nhu cầu của xã hội. Cái đó thì anh cũng không thể trả lời ngay cho bất cứ bạn trẻ nào được. 

DPĐ : Vậy theo anh, khi kinh doanh mình cần trang bị những gì và đâu là chìa khóa quan trọng nhất dẫn đến thành công của mình ?

Hg Duy Trung Ý : Chìa khóa thì nhiều lắm và còn tùy theo ngành nghề mà em chọn. Nếu em chọn nghề bán phở, bán phở là kinh doanh, thì chìa khóa là em phải biết cách nấu phở, phải biết chọn địa điểm sạch sẽ và quảng cáo… Nếu em chọn nghề đi bán sách chẳng hạn thì chìa khóa của nó là hiểu biết về thị trường sách, khả năng marketing cũng như khả năng thương thảo và đàm phán để đặt các hệ thống đại lý, hệ thống kinh doanh. Không biết anh trả lời như thế có phù hợp với ý em không ? 

DPĐ : Em cũng nghĩ như vậy, vấn đề là bây giờ cần xác định cụ thể hơn, em hỏi chung chung thế cũng khó trả lời. Có lẽ là khi hình thành một chiến lược kinh doanh thì mình sẽ quan tâm đến những việc cụ thể hơn. Bản thân em đang làm sinh viên và chưa hình thành ý tưởng kinh doanh nào. Em cũng thích làm kinh doanh, nhưng sự chuẩn bị cũng rất là khó.

Hg Duy Trung Ý : Kinh doanh là điều rất cụ thể, rất chi tiết. Có lẽ ta cũng không nên dùng từ chiến lược khi chưa đi vào kinh doanh lớn. Cái mà các em cần là phải thực sự yêu thích, có ý tưởng và lao đến mà thử nghiệm thay vì ngồi tính toán. Cũng chẳng thể nào tính được, có tính đến bạc đầu cũng không tính được. Khi tính như thế em sẽ mất đi hết nhuệ khí. Em có thể dùng cảm nhận hay khái niệm trí chủ như thầy thường dùng để hiểu về thị trường và xông vào thị trường. Lúc ấy mình mới biết được vấn đề nằm ở đâu. Việc lập kế hoạch chỉ làm khi mình có một bức tranh tương đối rõ rồi. Khi xông ra ngoài làm, sẽ có những vấp ngã, thất bại chính những kinh nghiệm sẽ giúp cho mình thành công. Hầu như không có người nào thành công mà không có thất bại.

( Còn tiếp)

Trích Master Duy Tuệ - Phát Triển Tầm Nhìn Bản Chất Từ Trí Chủ - 24.4.2011 (* Tựa đề do người ghi tạm đặt)