Pattaya, buổi sáng. Lúc 09:30, ngày 22.10.2012
Thầy: Mời Duy Phật Trí phát biểu trước đi.
Duy Phật Trí: Thưa Thầy và các anh chị em, chúng ta còn lại 3
chủ đề: sự dối trá, mê tín dị đoan và phát triển trí thấy. Bây giờ mình bắt đầu
bằng chủ đề dối trá.
Thầy: Ok. Quý vị phát biểu ý kiến về chủ đề dối trá của con
người đi. Dối trá từ đâu mà có? Con vật có biết dối trá không?
Tuệ Lực Nhãn: Có ạ. Có những con vật im lặng để con mồi tới gần
rồi đớp con mồi.
Thầy: Cái đó có phải là dối trá không? Đó là một cái luật. Khi
nó hiện hữu thì nó phải chịu sự chi phối bởi luật sinh tồn của nó.
Tuệ Lực Nhãn: Có khi sự dối trá là điều cần thiết để người ta
tồn tại.
Thầy: Bây giờ chưa biết, cứ bàn thảo thôi. Chưa hẳn dối trá là
xấu đâu. Mình đặt câu hỏi: Dối trá tốt hay xấu? Nếu mình lên án dối trá không
chưa chắc đã hay.
Làm sao biết người ta dối trá?
Định nghĩa thế nào là dối trá? Cái này là mình mở trí cho độc
giả. Đọc vào một loạt câu hỏi này thì tự nhiên người ta sẽ tự do được với khái
niệm dối trá. Phương pháp mở trí này hay lắm. Chỉ cần đọc vô một loạt câu hỏi
thì tự nhiên người đọc được giác ngộ thôi.
Có mấy loại dối trá? Có bao nhiêu hình thức dối trá? Nơi nào có
dối trá?
Duy Đức Tịnh: Sự dối trá thường có ở loại người nào?
Thầy: Trên thế gian này có ai không dối trá không?
Duy Đức Tịnh: Dối trá có giá trị gì không?
Thầy: Dối trá và nói láo khác nhau chỗ nào?
Tuệ Bảo Tánh: Dối trá và nói láo… Nói dối và nói láo thầy ạ. Dối
trá nghe nó tiêu cực.
Thầy: À, nói tới dối trá là tiêu cực rồi đúng không?
Tuệ Bảo Tánh: Vâng ạ, nó có chữ “trá” đó thầy.
Thầy: Bây giờ mình có mấy khái niệm thế này: khái niệm nói dối,
khái niệm làm dối, khái niệm dối trá, khái niệm nói không đi đôi với làm. Phải
làm cho rõ cái này, nếu không có khi người ta hiểu lầm đủ thứ. Ví dụ như, nói
không đi đôi với làm là một chuyện nè.
Nói không đi đôi với làm có thực sự xấu hay không? Trường hợp
nào thì xấu, trường hợp nào thì không xấu?
Nói dối có xấu hay không? Trường hợp nào là xấu, trường hợp nào
thì không xấu?
Dối trá có phải là nói dối, hoặc làm dối để qua mặt người khác
để thủ lợi cho cá nhân mình? Có phải như vậy không? Tức là anh nói dối, anh nói
không đúng sự thật, anh nói thiếu trung thực, làm thiếu trung thực nhưng mục
đích là anh qua mặt người khác để đem lại quyền lợi cá nhân cho chính anh, anh
thủ lợi cho cá nhân anh mà bất chấp sự nguy hiểm hay sự thiệt hại của người
khác. Có phải như thế là dối trá hay không? Mình không có định nghĩa, mình chỉ
hỏi vậy thôi. Còn nói dối là nói không đúng sự thật xảy ra, hay không nói đúng
sự thật của một sự kiện, có phải vậy hay không? Mình cũng không định nghĩa,
cũng chỉ đặt câu hỏi có phải vậy hay không.
Một hiện tượng, một sự kiện có chắc rằng nó thể hiện một sự thật
hay không hay là nó che dấu một sự thật nào đó?
Đã có hiện tượng, đã có sự kiện thì phải có những cái điều mà
chìm sâu bên dưới sự kiện ấy mà con người ít có khi thấy. Có phải như vậy hay
không?
Người ta che dấu sự thật, hay ý nghĩ thật, ý muốn thật, hay mục
đích thật dưới các sự kiện, có phải như vậy hay không? Đại loại như vậy, nhưng phải
sửa lại câu nha.
Các ý muốn, các mục đích thật có phải thường được che dấu dưới
các hình thức, kể cả hình thức nghiêm trang, thánh thiện, đạo đức…, có phải như
vậy hay không?
Tuệ Lực Nhãn: Làm sao để thấy được nội dung bên dưới các sự kiện
này?
Thầy: Bây giờ mình phân tích hết tất cả các sự kiện đi, rồi mình
mới đi sâu thêm.
Những hình thức nào chứa đựng sự gian dối nhiều nhất, sâu kín
nhất, khó thấy nhất, dễ qua mặt người ta nhất?
Cái này liên quan đến niềm tin nè, tạo niềm tin nè. Những hình thức
tạo niềm tin cho nhiều người khác có khi nào chứa đựng rất nhiều những điều
gian dối bên trong hay không?
Tuệ Lực Nhãn: Những nhà hiền triết, những người thế gian cho là
giác ngộ có bao giờ nói dối không?
Thầy: Những người được gọi là “thầy” có khi nào nói dối hay
không? Tại sao?
Tuệ Bảo Tánh: Làm sao nói dối mà không bị phát hiện?
Thầy: Làm sao biết người ta nói dối?
Làm sao phát hiện được điều gian dối dưới các hình thức long
trọng nhằm mục đích tạo niềm tin cho người khác?
Có phải tất cả các hình tướng đều chứa những điều bí ẩn mà con
người khó biết được? Đây là mình gieo rắc sự hoài nghi trong độc giả. Những câu
hỏi này tạo sự hoài nghi, không hẳn phải trả lời. Cái gì mà người ta cũng hoài
nghi hết thì ok. Tạo sự hoài nghi là rất tốt bởi vì khi tạo sự hoài nghi thì
đầu anh sẽ loãng. Một trong những phương pháp để đầu của anh loãng là hoài
nghi.
Trường hợp nào những người gian dối biết là mình gian dối?
Trường hợp nào người gian dối không thể biết được là mình đang
gian dối? Có nhiều cái người ta cứ tưởng thiệt, chứ không phải là người ta xấu.
Người ta không biết là người ta đang gian dối chứ không phải là người ta xấu.
Bởi vì người ta đường đường chính chính cho rằng người ta nói hay. Sự thật
người ta cứ chăm bẳm vô chuyện người ta nói hay chứ người ta đâu biết mình đang
gian dối.
Có trường hợp nào người hành động gian dối mà không thấy mình
gian dối?
Trường hợp nào người hành động gian dối biết rõ rằng mình đang
gian dối mà ở ngoài không ai biết mình gian dối? Thành ra mình phải chừa chổ
cho người ta sống hết (cười). Tạo hoài nghi nhưng phải chừa chổ cho thiên hạ
sống.
Tuệ Tri: Con thấy cái này đa số là họ không biết.
Thầy: Đa số là không biết.
Tuệ Bảo Tánh: Thật ra nói đến gian dối là nói đến hành động có
chủ ý. Còn trường hợp thầy nói là bao gồm cả trường hợp không chủ ý và có chủ
ý.
Thầy: Có thể mình thêm thế này.
Người gian dối có chủ ý có nhìn thấy được những gì trong tương
lai sẽ xảy ra hay không? Có thấy hết được tất cả những gì xảy ra trong tương
lai hay không? Chắc chắn là không thấy hết được, nếu thấy hết được thì người ta
không hành động gian dối.
Tuệ Lực Nhãn: Có người nào ban đầu làm rất trung thực nhưng sau
đó lại trở nên gian dối?
Thầy: Có trường hợp nào bắt đầu từ sự trung thực mà kết thúc
bằng gian dối?
Có những trường hợp nào mở đầu bằng gian dối mà kết thúc là phải
trung thực? Cái này vui lắm. Độc giả đọc vào là người ta mở trí hết à.
Tuệ Bảo Tánh: Nói dối có làm người ta vui không?
Thầy: Cái tốt hoặc lợi ích của gian dối là gì?
Sự nguy hiểm của gian dối là gì và ai chịu sự nguy hiểm ấy? Hay
là hậu quả xấu của gian dối là gì và ai chịu hậu quả ấy?
Lợi ích của gian dối là gì và ai là người nhận được lợi ích ấy?
Chưa chắc người tạo ra gian dối nhận được lợi ích.
Tại sao người ta phải gian dối?
Tại sao một con người lại hình thành và thực hiện được ý tưởng
gian dối một cách chủ động?
Tuệ Lực Nhãn: Người ta có làm chủ được sự gian dối của mình
không?
Thầy: Người gian dối có làm chủ được hành động gian dối của mình
hay không? Câu hỏi đó hay lắm! Có kiểm soát được hành động và kết quả gian dối
của mình hay không? Chỗ này lý thú thế này. Người gian dối thì có thể tạo ra ý
tưởng và hành động gian dối, nhưng mà họ chắc chắn không thể nào kiểm soát được
hoàn toàn kết quả gian dối. Khi người ta hành động gian dối thì có một cái lực
khác, có một cái luật khác sẽ kiểm soát sự gian dối.
Tuệ Bảo Tánh: Mình đặt câu hỏi: cái gì kiểm soát được sự gian
dối?
Thầy: Có mấy cái lực kiểm soát sự gian dối?
Ngoài lực cá nhân người gian dối kiểm soát sự gian dối của họ, có
còn một cái luật nào khác kiểm soát, chi phối vào sự gian dối ấy hay không?
Duy Đức Tịnh: Thầy nói rõ là ngoài ý muốn cá nhân ạ.
Thầy: Đúng rồi, ngoài ý muốn cá nhân. Tức là người gian dối thực
hiện ý muốn của họ nhưng khi hành động xong thì họ không thể kiểm soát được kết
quả của sự gian dối. Và có 1 cái lực khác tiếp nhận sự gian dối ấy và nó sẽ tác
động ngược trở lại. Người ta
thấy cái này là người ta sợ ngay. Mình phải đưa ra một câu hỏi cho nó dễ hiểu
như thế này nè:
Ví dụ một người chủ động có ý tưởng và hành
động gian dối, liệu họ có thấy trước rằng kết quả của sự gian dối tạo ra một
cái lực khác mà cái lực ấy nó quánh ngược trở lại họ? Liệu họ có thấy cái đó
không, bởi vì khi nó tạo ra 1 kết quả thì kết quả đó lại tạo ra 1 cái lực khác.
Cái lực khác đó quánh ngược trở lại cái người tạo ra sự gian dối ấy.
Tuệ Lực Nhãn: Có phải người có ý tưởng gian
dối cho rằng họ có thể kiểm soát được kết quả sự gian dối của mình hay không?
Thầy: Đương nhiên nó rất tin rằng nó sẽ
kiểm soát được. Mình đặt thêm 1 câu hỏi nữa là:
Vậy thì xã hội có cần thiết phải quá lo
lắng với sự lừa dối của kẻ khác hay không? Hay là có quá sợ với sự lừa dối của
kẻ khác hay ko? Câu trả lời là không, không quá sợ, không quá bận tâm, bởi vì
chính sự gian dối tạo ra một cái lực khác, lực đó sẽ xử lý cái người gian dối.
Làm sao một người không gian dối có thể
sống tự tại trong thế giới gian dối mà không hề bị xúc động tiêu cực bởi những
điều gian dối trong xã hội? Đọc cái này tuổi trẻ mới có niềm tin bởi vì tuổi
trẻ thường cảm thấy thất vọng với sự gian dối của xã hội.
Con người có khả năng vui sống tự tại một
cách thanh thản trước 1 thế giới gian dối hay không?
Con người có cần thiết phải quá lo lắng, sợ
sệt, bất mãn, thất vọng trước các hiện tượng gian dối của xã hội loài người?
Ở hành tinh này có ai thấy được tất cả sự
gian dối của xã hội loài người nhưng người ấy vẫn thấy luôn luôn tự tại, hạnh
phúc và yêu đời không?
Tuệ Lực Nhãn: Người mà đi lừa gạt người
khác có bao giờ phát hiện mình rằng bị lừa gạt không? Họ sẽ phản ứng thế nào
khi họ bị lừa gạt?
Tuệ Bảo Tánh: Ứng xử thế nào khi bị lừa dối
ạ? Ứng xử như thế nào để có lợi cho sức khỏe khi mình bị lừa dối?
Thầy: Anh ứng xử thế nào mà mình tin rằng
mình không dối trá kẻ khác? Cái này nó liên quan đến trách nhiệm. Cái người lừa
dối hay dối trá… cái chữ dối trá mình cũng không biết nó chỉ xấu hay chỉ tốt… Thầy
muốn chỉ thế này nè: người mà sống với một tình thương và trách nhiệm cao,
người ta hành động gì cũng biết rất rõ vì mục đích gì, người ta kiểm soát được
cái đó, người ta biết rất rõ. Với những người như vậy, không thể nào bình luận
người ấy hành động dối trá hay chân thật bởi vì cái dối trá và chân thật nó
không còn có nghĩa nữa. Đối với người có tình cảm, tình thương, trách nhiệm
lớn, hành động của người ấy không liên quan gì đến dối trá hay chân thật, nó
chỉ liên quan đến động cơ, mục tiêu, kết quả cuối cùng là tốt cho mọi người hay
là tốt cho ai đó.
Tuệ Lực Nhãn: Có những người lừa dối người
khác mà cũng chẳng cần để ý họ có dối trá hay không.
Thầy: Có hai loại người, một loại
người sống tỏ tường trong đầu rồi, người ta không quan tâm đến dối hay không
dối. Cũng có loại người chưa tỏ tường gì hết nhưng người ta cũng chẳng quan tâm
đến dối hay không dối, người ta chỉ quan tâm đến chuyện mục tiêu cá nhân, lợi
ích cá nhân của người ta đạt được. Mình đặt vấn đề:
Anh hành động vì lợi ích cho người khác hay
hành động vì lợi ích cho cá nhân anh? Mình đặt vấn đề đó nói mới ra vấn đề là
dối trá hay không dối trá, vấn đề dối trá hay không dối trá nó mới có ý nghĩa.
Nó liên quan đến mục đích cho cá nhân anh hay mục đích cho người khác. Nếu mục
đích cho người khác thì cái chuyện dối trá và chân thành không còn nghĩa. Những
nếu mục đích cho cá nhân anh thì chữ dối trá hay chân thật có nghĩa.
Phải chăng chữ dối trá hay chân thật chỉ có
ý nghĩa khi nó liên quan đến mục đích cuối cùng của hành động ấy là cho anh hay
cho người khác? Nếu nó hơi khó hiểu thì
quý vị phải tách nó ra. Bởi vì nếu như anh hành động cho người khác thì vấn đề
dối hay chân chật không còn là vấn đề nữa, không có nghĩa nữa. Khi anh còn đặt
vấn đề dối hay chân thật nghĩa là đầu óc anh chưa rõ ràng về mục tiêu anh làm,
mà cái đầu anh chỉ dính vào khái niệm chứ không dính vô mục tiêu. Nếu cái đầu
anh dính vô mục tiêu thì khái niệm này không chi phối nữa.
Tuệ Bảo Tánh: Nhưng mà đôi khi người ta
cũng chẳng biết cái đấy là họ làm cho họ hay làm cho người khác. Có khi là họ
tự lừa dối mình trong đấy là họ làm cho người khác nhưng lại là làm cho chính
họ.
Thầy: Đó là vấn đề khác. Mình đưa ra một
câu hỏi khác.
Trường hợp nào một người hành động mà không
để ý đến chân thật hay dối trá mà chỉ để ý đến mục đích thôi ?
Có phải chăng có hai trường hợp người ta
không để ý đến khái niệm dối trá hay chân thật là: mục đích hành động ấy là cho
lợi ích của tha nhân hay mục đích hành động ấy là vì quyền lợi cá nhân của
người hành động? Cả hai trường hợp đó người ta đều không quan tâm đến khái niệm
dối trá hay chân thật. Bây giờ đặt câu hỏi làm sao cho nó rõ cái đó. Ví dụ như
rất nhiều người trong xã hội không cần bàn đến dối trá hay chân thật, miễn tôi
đạt được cái đó cho tôi thôi.
Tuệ Lực Nhãn: Như vậy, dối trá bao giờ cũng
đi liền với mục đích, còn chân thật thì không nhất thiết phải đi kèm với mục
đích?
Thầy: Cũng có trường hợp nó có mục đích tốt
và cũng có trường hợp nó hành động không có mục đích gì hết.
Tuệ Bảo Tánh: Không có mục đích thì làm gì
có động cơ để dối trá?
Thầy: Không. Thầy nói đến hành động chứ
chưa nói đến dối trá. Còn dối trá đương nhiên là có mục đích rồi. Còn hành động
thì không nhất thiết phải có mục đích.
Duy Phật Trí: Liệu không có mục đích thì
người ta vẫn có thể dối trá được không?
Thầy: Phải đặt câu hỏi như thế này nè:
Trong trường hợp nào thì một hành động được gọi là xuất phát từ dối trá và
trường hợp nào có thể không xuất phát từ sự dối trá? Một hành động nào có thể
xuất phát từ sự dối trá hay chân thật và một hành động nào có thể là không xuất
phát từ sự dối trá hay chân thật?
Tuệ Lực Nhãn: Hôm trước thầy nói là hành
động do hoàn cảnh thúc đẩy, do tự nhiên mình hành động như vậy, và do ý của
mình.
Thầy: Mấy câu hỏi bữa trước mình lắp vào
đây luôn.
Duy Phật Trí: …Có những trường hợp người ta
chỉ nghĩ tốt không thôi, liệu chăng là đã đủ chưa?
Thầy: Chỗ đó rất là hay ở chỗ này nè: Liệu
một hành động chân thật với một mục đích tốt có dẫn đến một kết quả là hoàn
toàn phục vụ cho mục đích tốt đó hay không, hay nó còn ra những kết quả khác
nữa?
Mà nó ra kết quả khác thì chắc chắn người
hành động đó không thể kiểm soát được. Mình đang thấy ở Việt Nam và trên thế
giới đang xảy ra chuyện đó. Một bên thì hành động xấu nhưng không biết kết quả
xấu đó sẽ như thế nào. Ngoài cái mình có thể dự đoán được, mình không thể biết
được những kết quả khác nữa. Còn một bên hành động vì mục đích tốt nhưng cũng
không hề biết rằng mình hành động vì mục đích tốt nhưng mà lại xảy ra chuyện
không tốt. Cho nên, câu hỏi đặt ra là:
Anh hành động với một động cơ và mục đích
tốt, liệu kết quả có xảy ra đúng như anh định là nó tốt hay không?
Để thầy mở ra cho quý vị một sự thấy này
nè. Nó có một thế lực mà nó nằm ngoài ý muốn của mình. Khi mình quyết tâm với
một động cơ và mục đích tốt mình hành động, thì nó ra một kết quả mà kết quả đó
chỉ một phần nó phụ thuộc vào ý muốn của mình thôi, còn biết bao nhiêu kết quả
khác do cái lực khác điều động mà mình không thể kiểm soát được. Cho nên, thầy
nói: Khi một hành động mà không xuất phát từ mục đích, động cơ, từ một ý đồ mà
nó do hoàn cảnh mà mình hành động hoặc tự nhiên mình hành động mà không thể
hiểu lý do gì, vì mình hành động như vậy nên kết quả đó mình không quan tâm đến
sự kiểm soát, và có một cái lực điều hòa kết quả đó phù hợp với tất cả mọi
người. Tự nhiên tôi hành động như vậy, tôi không biết vì lý do gì; hoặc là hoàn
cảnh nó như vậy buộc tôi phải đối phó nó như vậy chứ tôi không có thể nào làm
khác hơn được. Thì cái phần ấy chúng ta không quan tâm đến kết quả và kết quả
thì sẽ có một cái lực khác nó giải quyết.
Tuệ Lực Nhãn: Nếu mình hành động mà chỉ
quan tâm đến kết quả thì nguy hiểm lắm. Chạy theo kết quả thì thế nào mình cũng
bị kết quả chi phối và bị cột trong cái kết quả đó luôn.
Thầy: Thì đó, cái mà thầy hay giảng, mà nãy
giờ mình cũng nói đó là: Người xuất phát từ mục đích và động cơ tốt cũng chỉ có
thể kiểm soát một phần nhỏ trong kết quả hành động của mình. Mình đã có mục đích, có động cơ nghĩa là mình quan
tâm đến kết quả. Còn người hành động xấu có mục đích, động cơ xấu, người ta
cũng quan tâm đến kết quả. Nhưng cả hai đều không thể thấy được, khi kết quả
xảy ra, có một phần rất lớn mà người ta không thể kiểm soát được. Cả người xấu
lẫn người tốt đều không thể kiểm soát được. Quý vị có thể hình dung được cái
này không? Bảo Tánh hình dung được không?
Tuệ Bảo Tánh: Nghĩa là lúc nãy thầy có nói là nếu có mục đích
nghĩa là mình quan tâm đến kết quả, thì có khi nó xảy ra mà không nằm trong ý
muốn của mình. Nếu như mà… làm như thế nào…
Thầy: Ví dụ như thế này, anh có mục đích và động cơ rất tốt là
trồng cái cây đó trong cái làng này là để cho người ta có trái ăn để chữa bệnh.
Đó là cái mục đích tốt của anh. Nhưng mà khi anh trồng cái cây đó xuống, mục
đích đó là chỉ có một phần thôi. Khi cây ra lá, ra trái rồi, thì những kết quả
khác anh không thể kiểm soát được. Có nhiều thứ khác anh không thể kiểm soát
được. Nếu anh có mục đích và động cơ xấu, ví dụ như bây giờ mình phải làm một
phát để kiếm 1 tỷ cho cá nhân mình để mình mua cái nhà. Thì rõ ràng anh theo
đuổi kết quả đó và anh hành động thì nó ra kết quả đó thiệt. Nhưng mà không hẳn
tới kết quả đó thì nó sẽ dừng, mà nó sẽ đẻ ra không biết bao nhiêu kết quả
khác. Anh chỉ kiểm soát được, biết được là kết quả mà anh muốn là nó ra 1 tỷ và
anh có cái nhà, nhưng những kết quả khác thì anh không thể kiểm soát được và
anh không thể thấy trước được.
Tuệ Lực Nhãn: Khi mình đặt câu hỏi như vậy, người ta thấy vấn đề
là người ta không thể kiểm soát hoàn toàn được, cho nên là họ sẽ không thấy
thất vọng phải không ạ?
Thầy: Tức là anh chỉ kiểm soát được cái phần theo ý anh muốn
thôi, còn cái phần còn lại có nhiều khi nó tốt cho anh, có nhiều khi nó không
tốt cho anh, có nhiều khi nó tốt cho thiên hạ, có nhiều khi nó không tốt cho
thiên hạ, anh không thể biết được, anh không có khả năng thấy trước được cái
đó.
Tuệ Bảo Tánh: nếu làm thì mình có mục đích, nhưng mà một cái
cách để cho kết quả tốt nhất là đừng quá quan tâm đến kết quả khi hành động.
Thầy: Ví dụ, nếu quý vị lanh trí mà để ý thầy trả lời, hay thầy
nói. Tôi không biết tại sao tôi lại phải đi làm cái chuyện này? Tôi không biết
làm chuyện này nó có tốt cho ai không? Nếu quý vị lanh trí mà để ý từ trước đến
giờ thầy nói chuyện, quý vị sẽ phát hiện ra được là thầy đã sử dụng tất cả các
quy luật của tạo hóa hết. Nếu quý vị chịu khó để ý. Tôi không biết tại sao tôi
lại phải bỏ nhà tôi đi? Tôi không biết tại sao tôi lại phải đi chia sẻ với
người này người khác những điều mà tôi thấy? Tôi cũng chả biết tại sao tôi lại
như thế này như thế khác? Sự thật nhiều khi nằm đêm tôi cứ trăn trở suy nghĩ
miết, không biết mình làm chuyện này có nên hay không, có tốt hay không và tại
sao mình phải làm như vậy. Nếu người nào phát hiện được những điều thầy hay
chia sẻ như vậy, quý vị sẽ thấy rằng là nó rất là lý thú. Tại vì thấy nói rồi
quý vị cứ nghe nghe cho nó vui cái lỗ tai thôi, chứ không phát hiện là những
điều thầy nói rất là chân lý, chứ không phải thầy nói đùa chơi. Và thầy nói như
vậy là để thầy hủy hết tất cả những cái ý muốn về kết quả của mình. Thầy hủy
hết tất cả những nguyện vọng về kết quả. Mặc dù mình có nguyện vọng, nhưng mà
khi hành động, xóa luôn tất cả nguyện vọng.
Tuệ Lực Nhãn: Giống như ước mơ đó thầy, con thấy có những người
bị chính ước mơ của mình cản đường. Chính sự mong đợi ước mơ thành hiện thực
cản đường người ta, khiến người ta đi không được.
Thầy: Thì thầy đã giảng về giá trị của ước mơ rằng ước mơ có ba
giá trị rồi, nhưng tại vì người nghe nghe không có đã, không có thấm thía nên
không có nhận thức sâu được. Ví dụ, hình dung anh đang lái một con tàu trên đại
dương mênh mông. Thì ước mơ như một chiếc la bàn giúp cho anh biết con tàu này
chạy về đâu, còn chạy tới hay không là chuyện khác à.
Tuệ Lực Nhãn: Thì người ta cứ muốn là tới, cứ bị hình ảnh tới ám
ảnh.
Thầy: Không. Thầy đang nói cái chuyện khác, còn cái chuyện người
ta muốn thì kệ người ta. Thầy đang nói cái chuyện quý vị phải nhận thức điều
thầy nói là cái gì để quý vị học. Cái đó rất là thấm thía nhưng quý vị không đủ
khả năng để mà nhìn thấy cái điều lý thú trong chuyện thầy nói. Không nhất
thiết là con tàu anh phải chạy tới đó, nhưng mà anh phải biết là con tàu mình
đi về hướng đó. Nếu không biết đi về hướng đó thì anh biết chạy đi đâu?
Tuệ Bảo Tánh: Tức là ban đầu phải có mục đích nhưng không nhất
thiết là phải đến nơi.
Thầy: Không nhất thiết đến nơi. Rồi, cái nội dung thứ hai của
ước mơ là nó giống như một thứ năng lượng cho cái máy nổ để con tàu chạy. Nếu
không có ước mơ thì không có động cơ. Giá trị thứ ba của ước mơ là nó đóng vai
trò rất nghệ thuật, hay là rất lãng mạn. Nó làm cho người lái chiếc tàu ấy say
sưa trên biển cả mà không bao giờ lo sợ, không bao giờ thấy buồn, không bao giờ
thấy cô đơn, bởi vì có giấc mơ đó nó ôm ấp trong người mình cho nên nỗi cô đơn,
nỗi buồn, nỗi chán không bao giờ có, cho nên con tàu cứ chạy mãi trên biển
khơi. Đó là giá trị của ước mơ.
Còn bây giờ, anh ước mơ mà anh muốn phải đến thì cái chuyện đó
khác. Như vậy, có thể đặt câu hỏi là: Khi anh tạo một ước mơ lớn, có cần thiết
là anh phải đến được điểm cuối cùng của giấc mơ đó hay không? Có một số lần
thầy đã nói chuyện rồi, giả dụ như bây giờ anh đụng được cái giấc mơ của anh,
anh nắm được giấc mơ của anh rồi, anh đã đến nơi rồi, liệu cái đó nó có tốt hay
không? Chắc chắn là không tốt. Cho nên phải có cái giấc mơ mà anh không bao giờ
có thể rờ tới được. Còn nếu một giấc mơ mà anh rờ tới được, thì anh phải coi
chừng. Ví dụ bây giờ một cô gái mơ ước trong đầu là phải có một người yêu hay
phải có một người chồng theo mẫu người nào đó. Cuối cùng, điều đó thành sự
thật, mình có một người yêu như vậy và một người chồng như vậy. Coi như giấc mơ
anh đã đạt được và chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn nhiều vấn đề phức tạp, khổ
đau và chán chường sẽ xảy ra. Cho nên có giấc mơ nhưng không được mơ đến cái
chỗ là mình phải lấy cho được cái giấc mơ đó thì nó mới có giá trị. Còn giấc mơ
mà anh lấy được thì anh phải biết rằng, mình tạo giấc mơ để mình lấy được thì
đó chỉ là giấc mơ tạm thời, chứ mình biết rằng khi lấy được thì mình phải có
giấc mơ khác ngay lập tức. Nếu như anh không có giấc mơ khác để nối tiếp thì
anh sẽ chết ngay ở đây, anh sẽ bất mãn ngay tức khắc, cuộc sống của anh chán
chường và anh không muốn sống nữa. Người ta sống lâu được là nhờ người ta chưa
thực hiện được giấc mơ và cuộc sống sẽ chấm dứt và chán chường khi người ta đã
thực hiện được giấc mơ rồi.
Tuệ Lực Nhãn: Xin thầy chỉ rõ sự khác biệt giữa một người không
có ước mơ và một người đã thực hiện xong ước mơ. Hai cái đó liệu có giống nhau?
Thầy: Một người không có giấc mơ thì sống ù ù cạc cạc, chẳng
biết gì, sống như vịt như gà thôi. Còn một người đã đạt được giấc mơ, tưởng
xong rồi thì người đó sẽ bắt đầu đi xuống, chán chường. “Trời ơi, tôi cứ tưởng
Mỹ là thiên đàng. Không ngờ tôi tới thiên đàng rồi mà bây giờ tôi lại chết ngay
ở cái thiên đàng này. Tôi đang là giáo sư ở Việt Nam, bây giờ tôi phải đi chạy
bàn trong nhà hàng. Ôi, thiên đàng là thế này sao?” Bây giờ bắt đầu đau khổ
quá, quay trở lại thì sợ quê mùa, còn ở đây thì chỉ đi chạy bàn thôi. Tức là
anh không biết xây dựng giấc mơ của anh, nên anh chết vì giấc mơ của anh đã đạt
được.
Đấy, quý vị thấy lý thú về ước mơ chưa. Thầy giảng rõ lắm mà tại
sao quý vị không thấm thía, thầy không hiểu tại sao. Giống như Nguyên Trí bảo,
“Thầy nói thì rất hay. Anh em công nhận là đúng. Nhưng mà thầy làm sao để gỡ
cho anh em vô được”. Thầy nói trắng ra hết rồi, còn gì nữa mà gỡ với không gỡ?
Tại vì anh không đủ khả năng nhận thức thôi, chứ có gì nữa đâu mà gỡ với không
gỡ nữa. Thầy nói sạch trơn hết rồi. Chỉ có điều là anh nghe mà anh không có để
ý. Chứ nếu anh để ý thì thầy nói thiệt là đã lắm. Anh để ý là anh thực hiện
luôn. Sướng vô cùng!
Anh phải dám thử thách. Còn đằng này anh không dám thử thách.
Bởi vì cái thói quen của chúng ta là gì? Cha mẹ dạy chúng ta ở trong sự an
toàn. Cha mẹ không bao giờ dám dạy con cái là chấp nhận sự thử thách, sóng gió,
có thể làm con mất mạng. Không cha mẹ nào dám dạy như vậy cả. Vì chúng ta bị
ảnh hưởng từ giáo dục an toàn nên lúc nào chúng ta cũng mong muốn sống trong sự
an toàn. Sống trong sự an toàn, cái tốt chỗ nào, cái xấu chỗ nào, cái hay chỗ
nào, cái dở chỗ nào? Và liệu sống trong sự thử thách, có chắc là đã xấu không?
Có chắc là đã mất an toàn không? Và chuyện mất an toàn có hẳn là xấu không? Cho
nên chấp nhận thử thách là điều vô cùng lý thú. Bây giờ thế này, anh đang đi
dưới đất, anh thấy khỏe mạnh. Cỡ đó thôi thì anh thấy nó bình thường. Nhưng bây
giờ anh thử chấp nhận leo lên một ngọn núi 1000 mét, đương nhiên khi anh leo
lên tới đỉnh 1000 mét rồi anh mệt lắm. Lên đến đỉnh xong rồi, bắt đầu anh đi xuống
dưới này, rồi anh ngồi uống nước thì anh mới thấy cái thú vị khi anh đã đi
xuống anh uống nước. Còn nếu anh không lên, anh không chấp nhận thử thách kia
đó, thì anh không có cái thú vị lên xong hết rồi, ngồi uống nước thấy nó đã vô
cùng. Anh không bao giờ hưởng được cái đó. Tức là trong thử thách thì nó mệt,
nhưng sau thử thách đó là cả một thế giới mà anh chưa bao giờ biết. Anh chưa
bao giờ biết nó (Thầy cười hahahaha).
[Bản phiên tả, chưa biên tập]