"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Hưởng Niềm Hạnh Phúc Ngày Xuân


Ngày Tết – Là những ngày mà mỗi người được nghỉ ngơi, thư giãn để vui chơi, chia sẻ hồn nhiên với người thương, người thân và bè bạn.

Những cuộc vui đôi khi làm chúng ta mệt mỏi, những câu chuyện đôi khi làm chúng ta chưa vừa lòng, lòng trắc ẩn đôi khi nổi lên làm cho chúng ta khó ngủ…

Mọi người có thể chọn cho mình một trong những cách sau để lấy lại sự bình tĩnh, tự tin và hồn nhiên nhất để hưởng nhiều phút giây hạnh phúc và chiêu cảm may mắn trong dịp đầu xuân. Chúng ta có thể chọn cách nào mà khi áp dụng mình thấy dễ chịu nhất thì cách đó là phù hợp với mình:

Phương pháp dùng hơi thở

- Đứng, Nằm, Ngồi hay đi dạo bộ trong tư thế thư giãn thoải mái, thả lỏng toàn thân

- Hướng cái nhìn về đầu mũi và đưa sự chú ý vào hơi thở đang đi vào, ra. Hơi thở đi vào thì biết rõ đang đi vào, hơi thở đi ra thì biết rõ đang đi ra

- Một chu kì hơi thở vào và ra đếm là 1. Đếm từ 1 đến 20 lần (20 chu kì) rồi lặp lại từ đầu. Làm như vậy ít nhất từ 3 đến5 phút cho mỗi lần. Nếu đang đếm mà quên thì bỏ đi và đếm lại từ đầu.Khi tập như thế, sẽ thấy ý nghĩ có thể xen vào làm quên số lần đã đếm. Nếu quên thì đếm lại từ đầu. Lúc nào không quên là ở trạng thái tỉnh thức tuyệt đối, còn quên là đã bị mất tỉnh thức. Phương pháp đếm hơi thở là căn bản nhất

- Cách thở: nên nhẹ nhàng, hơi kéo dài hơn thông thường một chút cho khí oxy vào nhiều hơn thông thường để tăng thêm sức khoẻ sau nhiều giờ “làm việc quên thở”

Khi hít vào thì dùng sự chú ý đẩy hơi thở đi vào lần lượt cho tới khắp cơ thể. Nếu chỗ nào mình đang bị đau hay nhức mỏi thì lưu hơi thở tại đó lâu hơn.

Khi thở ra cũng dùng sự chú ý mà kéo luồng không khí đã thở vào và ý thức là đang cuốn đi những buồn bực, lo lắng, bệnh tật…ra ngoài qua mũi.

Đây có thể gọi là Quan sát hơi thở,  nghĩa là mình biết rõ thở ra, thở vào và đường đi của hơi thở như thế nào. Giống như ta đang quan sát một dòng nước chảy trong không khí, mang oxy sạch chảy từ ngoài vào rồi đem những chất độc từ trong người ra thông qua hai lỗ mũi.

Lắng nghe sự im lặng giữa hai lần thở

Lắng nghe sự im lặng của hơi thở hoàn toàn khác với lắng nghe hơi thở. Phải nhận ra được sự yên lặng của hơi thở. Muốn vậy, phải đi từ chỗ đầu mối là giữa nửa chu kì của hơi thở (giữa lần hít vào và thở ra) nhất định có một khoảng trống mà không có âm thanh và lắng nghe khoảng trống đó. Nghĩa là lắng nghe chỗ yên lặng không có âm thanh giữa lần hít vào và thở ra.
Từ sự lắng nghe chỗ yên lặng không có âm thanh đó, mình cố gắng quán tưởng đến điều căn bản là nền của hơi thở hay của tiếng ồn chính là sự yên lặng. Ồn ào được sinh ra từ nền tảng là sự yên lặng.

Có thể hình dung sự yên lặng là một thế giới tĩnh lặng tuyệt đối, bao la, rộng khắp, không giới hạn, còn sự ồn ào mọc lên như nấm từ nền của sự yên lặng.

Đầu tiên, mình thở tự nhiên và nghe có hơi thở. Tiếp đến, thở thật nhẹ đển như là không nghe không thấy hơi thở nữa. Cho đến khi mình lắng nghe toàn bộ sự im lặng tuyệt đối bên dưới hơi thở mà đầu mối là chỗ giữa lần hít vào và thở ra, để nghe khoảng cách trống của chỗ giữa lần hít vào và thở ra đó thì đấy chính là chỗ tuyệt đối im lặng. Từ khoảng cách tuyệt đối im lặng này, mình mở rộng tầm nghe ra thì sẽ nghe toàn bộ nền tảng của hơi thở, âm thanh thở là không có âm thanh.

Tập dừng suy nghĩ - Nhận biết ý nghĩ xuất hiện và di chuyển sự chú ý về hiện tại.

Trong các tư thế khác như đang làm việc, đọc sách, nói chuyện… thì thường chú ý trong đầu óc mình có hiện ra ý nghĩ hay hình ảnh nào không. Nếu ý nghĩ hay hình ảnh nào hiện ra thì biết rõ đang hiện ra và kéo sự chú ý về chuyện mình đang làm, kéo sự chú ý về thực tại hiện hữu.

Trước khi đi vào giấc ngủ hay là khi bị khó ngủ thì khép mắt xem thử trong đầu mình có ý nghĩ nào hay hình ảnh nào hiện ra không (vẫn luôn để ý tới hơi thở đều đặn). Nếu có thì quan sát nó và giống như mình xem phim về ý nghĩ vậy, vì ý nghĩ chỉ là cái bóng của quá khứ vẫn lưu lại do tự mình chấp vào, như mình đóng một vai tuồng hay vai tuồng người khác đóng là quan trọng, là có thật và bền vững. Hay nói cách khác, không nhận ra giữa cuộc đời và sự tỉnh thức là hoàn toàn khác nhau.

Tỉnh thức là một sự hiện hữu vô hình, viên mãn, còn cuộc đời là dòng chảy bất tận không đầu đuôi của tất cả mọi hình tướng, kể cả các ý nghĩ, ý tưởng, chữ viết, ý nghĩa, khái niệm, giá trị triết lí… Nên đừng chấp, đừng đồng hoá mình với dòng chảy này, mình chính là sự hiện hữu vô hình toàn vẹn, vĩnh cửu của tỉnh thức.

Hòa mình với con người, thiên nhiên và cảnh vật xung quanh

Khi đi chơi Tết với gia đình hay bè bạn, nơi mà có khi chúng ta phải dày công sắp xếp, phải tốn rất nhiều sức khỏe và tiền bạc mới có thể tới đó chơi được.

Rồi chỉ vì một chuyện nào đó khiến mình không thể vui được, không thể hòa đồng được. Vậy khi đó chúng ta phải làm sao?

Mình lưu ý chỉ quan sát không thôi, không để ý nghĩ trong đầu mình khởi lên. Nếu ý nghĩ khởi lên thì ta biết ý nghĩ đang khởi lên và nhắc đi nhắc lại rằng, “ý nghĩ đang khởi lên” cho tới khi nó mất đi và mình trở lại sự quan sát.

Trong khung cảnh thiên nhiên, ngoài quan sát khung cảnh chung thì chúng ta cần chọn quan sát tập trung vào đối tượng duy nhất như một bông hoa hay một thân, cành hay lá cây… Toàn bộ sự quan sát chỉ tập trung vào đối tượng duy nhất đó, không để sự quan sát tản mạn các nơi. Nghĩa là mình cần tập trung toàn bộ sự nhìn vào đối tượng duy nhất được chọn để quan sát mà không hề có ý kiến, suy nghĩ gì, chỉ biết nhìn không thôi không để bất cứ thứ gì chi phối sự nhìn đó.

Ngoài quan sát bằng mắt trong khung cảnh thiên nhiên thì mình có thể tập trung lắng nghe. Đầu tiên, mình lắng nghe xem có bao nhiêu loại âm thanh trong khu vực đó, nếu nghe tiếng chim thì có bao nhiêu loại chim kêu? Nếu nghe tiếng người, tiếng gió hay tiếng động khác thì tiếng ấy như thế nào? Cố gắng lắng nghe đủ tất cả những âm thanh đang diễn ra cùng lúc trong khung cảnh thiên nhiên đó! Nghĩa là, trong khung cảnh thiên nhiên đó có bất cứ âm thanh nào thì mình đều lắng nghe hết, chỉ hoàn toàn lắng nghe mà không có bất cứ thành kiến, suy nghĩ gì, hoàn toàn lắng nghe với sự tập trung, chú ý hết sức.

Sau đó, chúng ta tập trung lắng nghe một loại âm thanh của một tiếng chim chẳng hạn. Khi đó, ta sẽ phát hiện, trong loạt âm thanh của một con chim đó có sự đứt quãng giữa hai tiếng kêu kế cận. Mình lợi dụng sự đứt quãng đó để lắng nghe sự yên lặng ở giữa hai tiếng kêu liền kề. Khi lắng nghe được sự yên lặng giữa hai tiếng hót của một con chim thì ta sẽ khám phá ra nền yên lặng của tiếng động. Khi đó ta thấy rõ rằng, toàn bộ nền yên lặng của bầu trời là nền tảng căn bản cho tất cả mọi âm thanh hiện hữu.

Càng ngày càng đi sâu thì càng thấy rõ, suy nghĩ chính là hung thủ ngăn cách giữa sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài, nhiều khi khiến cho chúng ta không hồn nhiên, tươi mát, hòa đồng với cảnh, với người – khi kiểm soát được chúng thì mình sẽ thực sự hấp dẫn và hạnh phúc.

Duy Tuệ


Trích từ cuốn sách sắp xuất bản: "Chiêu Cảm May Mắn" - tác giả Duy Tuệ - Cty Minh Triết tổ chức bản thảo và Nhà xuất bản VHTT ấn hành.