1.“Dù trong hoàn cảnh nào mỗi một người cũng có thể phát huy khả năng của mình tới tối đa - Hình ảnh bức tượng Đức Phật Thích Ca trên toàn thế giới đều ngồi trong tư thế nhắm mắt mà thấy biết tất cả với trí thấy vô biên – đó là thông điệp mà chúng ta nhận thấy rằng người khiếm thị có khả năng nhìn thấy bên trong rất lớn, tức là có khả năng tập trung rất lớn cùng với một trái tim nhạy cảm phối hợp với các giác quan (con mắt khác) trên cơ thể cho cái đầu bừng sáng mà không phải nhìn qua con ngươi!”
2.“Phong cách sống cho người khiếm thị để được bình an và hạnh phúc là luôn quan sát sự suy nghĩ, kiểm soát các cảm xúc, kiểm soát các thói quen không tốt cho sự bình an trong đầu óc, không chấp nê vào ý nghĩ chủ quan, không còn mặc cảm hay hiểu lầm về những khái niệm “nghiệp – quả” mà dựa vào sự quan sát và lắng nghe, để con người luôn sống an tâm, luôn bừng sáng trong tâm hồn, tỏ tường mọi việc, sử dụng chính nghịch cảnh để phát triển tình thương và khai mở trí thấy rộng lớn… từ đó sống có lợi ích và thực hiện những ước mơ tốt đẹp.”
3.“Đời sống cơ thể thiếu hai con mắt để nhìn thấy màu sắc nhưng đã được thay thế bằng những giác quan khác như thấy qua nghe, thấy qua ngửi mùi, thấy qua xúc giác...để tiếp xúc với bên ngoài giúp cho người khiếm thị sự thấy - biết. Từ sự thấy biết này cho người khiếm thị những sự quyết định và những cảm xúc buồn vui. Do vậy, người khiếm thị cần tập làm sao để phát huy khả năng tập trung sẵn có rất cao để phát triển khả năng của các giác quan khác mà giúp đầu óc mình phát triển khả năng nhìn thấy rộng lớn từ bên trong.. Người càng tập trung cao thì càng có cuộc sống an toàn. Rất nhiều người khiếm thị trở thành những nghệ sỹ tài ba vì họ làm việc hết sức tập trung. Họ hát bằng con tim, họ thấy từ tình yêu nữa, tình yêu với con người và dân tộc. Họ có sự nhạy cảm của con tim – đó là ân huệ của trời đất đã ban cho người khiếm thị khi con tim làm việc nhiều hơn đầu óc! Khi con tim làm việc càng nhiều thì cái đầu càng êm dịu, càng tập trung và càng phát ra cái thấy nhiệm màu của tình yêu – bớt đi những suy nghĩ lung tung.
4.”Người khiếm thị hiếu học, tập trung vào việc phát triển khả năng theo một con đường lâu dài để trở thành người có trình độ chuyên môn cao thì sẽ có được rất nhiều người có khả năng hỗ trợ.
Khi người khiếm thị có đủ tài năng để biểu diễn tâm hồn của mình thì chẳng những đón nhận cuộc sống ổn định mà còn đem lại sự hài lòng rất lớn cho người cảm nhận vì năng lực này được truyền ra từ con tim.
Người khiếm thị nên dùng ngôn ngữ, âm điệu riêng của mình để diễn đạt cái thấy của tình yêu, diễn đạt cảm xúc yêu đời của mình sẽ dễ làm rung động con tim của người sáng mắt. Và như vậy, người khiếm thị có quyền tự hào về những nỗ lực của mình góp phần vào đời sống cộng đồng - tăng phần ý nghĩa cuộc sống cho nhiều người.
5.”Tài năng của một con người không phải nằm trong việc sáng mắt hay không sáng mắt mà bí quyết nằm ở chỗ người đó có quyết tâm, có tha thiết chọn cho mình một mục tiêu duy nhất để luyện tập, để học hành, để tìm thầy dạy…và tìm mọi phương cách khác cho việc học ấy. Người khiếm thị không có lý do gì để mặc cảm ngoài việc mình không chịu khó học và thực hành để phát triển tài năng của mình.”
6. “Cực chẳng đã mới cần nhận sự giúp đỡ của người khác, người khiếm thị nên thay đổi lại chiều hướng trong đầu óc – không phải đặt mình vào trong hoàn cảnh đau khổ để chờ người khác giúp đỡ mà cần biết vui vẻ - tự hào tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác khi nỗ lực làm việc tốt cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Vì thiếu điều kiện nên cần sự giúp đỡ của người khác để tiếp sức với mình. Đó là nhận sự giúp đỡ trong vinh quang chứ không nhận sự giúp đỡ trong nỗi đau tuyệt vọng. Nếu chúng ta vẫn cứ tiếp nhận sự giúp đỡ như những người khổ đau thì không thay đổi được cuộc đời mình và không có hạnh phúc trong khi khả năng từ đầu óc và con tim sẵn có bên trong mình để đem lại sự thay đổi cuộc đời còn rất lớn.”
7.” Người khiếm thị hay nghĩ tới thân phận. Do vậy, cần có ý chí, sự tỉnh táo và thông minh để phát huy sức mạnh của mình. Ý chí chỉ mạnh khi lòng yêu thương đủ mạnh. Do vậy cần phát sinh lòng thương, tập thương mình, thương người ví dụ như là việc cầu mong sự tốt đẹp cho mình, cho gia đình, cho những người giúp đỡ mình, cho việc học tập của mình ngày càng tiến bộ cùng với việc học và thực hành phát triển sự hiểu biết và nhận ra những khả năng sẵn có của mình, phát triển chuyên môn, phát triển các khả năng đặc biệt trong đầu óc, phát triển sự thông cảm, phát triển những phẩm hạnh của mình.”
Biên soạn từ các bài Thầy Duy Tuệ hướng dẫn mở các con mắt bên trong cho người khiếm thị. Bài này đã được đọc cho những người khiếm thị tại Buổi lễ khánh thành hội sở Hội Người Mù Lâm Đồng.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bốn Con Mắt Bên Trong
(Thầy viết cho Tuệ Nguyệt Minh)
Nguyệt Minh con!
Ngày xưa, thầy cũng trải qua thời thơ dại như con
Cũng ba bốn rồi tám tuổi như con bây giờ
Nhà nghèo nhưng không thấy nghèo
Cha mẹ tảo tần nuôi dưỡng các con
Nhưng thầy không cảm nhận được nỗi gian truân của Đấng sinh thành.
Thầy đến trường vui chơi với bè bạn
Những ngày nghỉ học vào rừng hái sim lượm củi
Về nhà lại nấu cháo cho heo
Sao thầy vẫn không cảm nhận được thế nào là bất hạnh.
Nhớ hồi còn nhỏ như con
Thầy thường nhìn những người phu kiếm củi đổi cơm
Họ đi trên đôi chân trần
Mang áo tơi che mưa
Đội chiếc nón cời che nắng
Thầy tự hỏi
Có phải họ bán bớt một phần thân thể để lấy miếng cơm?
Có phải họ chấp nhận cơ thể mang bệnh để kiếm áo quần?
Bởi những đồng tiền họ kiếm được
Không đủ bù đắp sự đớn đau hao mòn cơ thể
Không đủ để mua áo quần hay chi tiêu cho con học chữ.
Bây giờ thấy con
Biết con không được hồn nhiên trong mọi hoàn cảnh
Biết con đã nhận thức nỗi bất hạnh khi biết mình mù
Biết con đã sớm hình thành trong đầu một mơ ước khó thành
Là thấy được ánh sáng ban ngày như bao trẻ khác
Tuổi thơ của con chắc khó mà hồn nhiên như thầy ngày xưa trong cảnh nghèo nàn.
Con cao quý và đáng yêu!
Trong đời dù khổ đau đến đâu
Ai cũng có thể thấy vui khi nhớ lại sự hồn nhiên thời thơ ấu
Cái sự nhớ lại này ít nhiều họ cũng cảm nhận hạnh phúc tuổi thơ
Còn con?
Không bao giờ được nữa!
Đời con không có tuổi thơ
Bây giờ con phải đem tiếng hát
Gửi nỗi niềm của mình qua tiếng trống lời ca
Phục vụ cho người để mong có chút tiền hời.
Nhưng may quá con ơi!
Thầy kể con nghe câu chuyện người hạnh phúc vô danh
Để an ủi và ích lợi đời con.
Ngày xưa và tới bây giờ trên đời này
Có một người chẳng trẻ chẳng giàu sang
Nhưng cũng có cuộc sống đàng hoàng
Có vợ hiền con xinh nhưng lòng cũng bất an
Đầu luôn căng thẳng
Nhìn thấy quanh mình ai cũng khổ
Nhìn thấy quanh mình chẳng việc gì được giải quyết thoả lòng.
Một ngày kia
Người ấy quyết định rời xa công việc hàng ngày
Từ biệt gia đình
Để đi lang thang đây đó tìm chút an lòng
Rồi một hôm dưới chân núi xứ lạ quê người
Người ấy ngồi nhớ lại khoảnh khắc hồn nhiên thời thơ ấu
Và tự hỏi:
“Sao hồi ấy mình hạnh phúc quá chừng
Mình chẳng biết thế nào là khổ là đau
Rồi lớn lên biết suy biết nghĩ
Tự cho là đã trưởng thành
Nhưng chẳng thấy việc gì được vừa lòng
Mà thấy toàn đau với khổ.”
Người ấy lại tự hỏi:
“Vậy khổ từ đâu ra?
Hạnh phúc tuổi thơ từ đâu đến?
Hạnh phúc ấy bây giờ đâu rồi?
Sao nó không ở mãi với ta?”
Bỗng nhiên
Người ấy cảm nhận hạnh phúc xưa hiện về
Cũng cảm nhận có một không gian trống rỗng trong đầu
Thấy thiếu vắng một con người
Con người luôn luôn suy nghĩ.
Người ấy nói:
“Như vậy hạnh phúc tuổi thơ vẫn còn đây sao mình không biết?”
Rồi người ấy tự hỏi
“Lâu nay hạnh phúc đã biến đi đâu
Để cho ta phải khổ phải sầu?”
Rồi người ấy tự trả lời
“Bởi người suy nghĩ
Quá nhiều ý tưởng
Nên tuổi thơ hồn nhiên
Phải tạm ẩn mình
Nay người suy nghĩ đã đi rồi
Trẻ thơ mang thiên đàng trở lại.”
Lúc bấy giờ chuyện quan trọng gì xảy ra con biết không?
Người ấy may mắn nhận biết trong não bộ có nhiều con mắt
Mỗi con mắt có một thứ riêng dùng để thấy
Con mắt này dùng mũi để thấy khi ngửi các mùi
Con mắt kia dùng tai để thấy khi nghe âm thanh trầm, bổng
Con mắt nọ dùng lưỡi để thấy khi nếm vị ngọt, đắng, chua, cay
Con mắt khác dùng tay chân đụng chạm để thấy vật gì
và cuối cùng là
Con mắt thịt dùng con ngươi để thấy khi nhìn màu xanh hay đỏ.
Khi biết được những con mắt này
Đầu óc của người kia bừng sáng
Và thề rằng không bao giờ tin vào suy nghĩ của mình nữa
Chỉ tin vào sự thấy của những con mắt kia
Nên từ đó
Người ấy không so sánh hơn thua với ai
Người ấy biết được nguyên nhân của khổ đau
Là vì tin vào suy nghĩ của mình.
Người ấy bây giờ luôn được an tâm
Người ấy có thể lý giải mọi chuyện ở đời
Mặc dầu ngôn ngữ và chữ viết người ấy không giỏi
Người ấy có thể cưu mang người khác
Người ấy có thể đốt ngọn lửa sáng trong lòng những ai tăm tối
Người ấy có thể giúp sáng lại bốn con mắt của kẻ mù loà
Và người ấy nguyện những ngày còn lại
Lang thang đây đó
Thắp sáng những ngọn đèn chưa đủ sáng
Để đời bớt tối tăm
Để thế giới này bớt khổ đau vì cái đầu của nhân loại.
Này con!
Vào một chiều Cali mùa thu
Mẹ cha con cả hai cùng mù
Đã nói trong nghẹn ngào ứa lệ
Rằng, “Các con chẳng hiểu vì sao
Mà cả ba lại bất hạnh thế này!”
Đang rảo bước trong đêm trên bờ biển
Thầy chỉ ra rằng chỉ tại bởi con ngươi
Chẳng phải vì trước kia tội lỗi
Chẳng tại ông bà cha mẹ kém tu
Ngày nay cũng có người mù
Đảm đương chức vụ kém gì ai đâu
Một người là Thống đốc Bang New York
Người kia là một bộ trưởng nước Anh
Cho nên đừng thấy mình bất hạnh
Hãy toàn tâm khai sáng bên trong
Dù cho cả ba có mù loà
Đó cũng chỉ là mù con ngươi của mắt thịt.
Nay con may mắn
Được thầy chia sẻ
Về câu chuyện của kẻ hạnh phúc vô danh
Con nhớ câu chuyện này
Và thường nghĩ về kẻ vô danh ấy
Mắt con sẽ bừng sáng
Hạnh phúc lại trở về!
Rồi con cũng sẽ tiếp tục hát ca
Cho người đời thưởng thức âm điệu sâu thẳm của con
Nhưng không phải hát vì miếng cơm manh áo
Hát như để truyền cảm xúc hạnh phúc mà con đang trải nghiệm
Đến với mọi người.
Trời và Đất sẽ cho con sự sống
Những người tốt bụng sẽ bên cạnh con.
Bốn con mắt kia đang chờ con
Thầy cầu nguyện con sớm nhìn ra nó
Thầy chúc con nhìn thấy gương mặt thật của hạnh phúc đời con
Khi nào bất an
Đừng quyên gọi tên thầy
Thầy luôn bên cạnh con!
Hoa Kỳ, ngày 27/11/08 (1/11/Mậu Tý - Ngày tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch)
Duy Tuệ