"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Phước Họa Do Đâu?



Hỏi: “[...] Mọi việc làm của tôi hình như có sự sắp đặt của một đấng linh thiêng nào đó; có những điều đạt được ngoài sức tưởng tượng của mình, không thể nghĩ bàn được. Tôi còn thắc mắc: Dùng lập luận nào để giải thích các hiện tượng: “Ở hiền lại gặp ác, ở ác lại gặp lành” và “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” là do đâu? Nguyên nhân nào mà có phước họa?” (Trích thư chia sẻ của hiền giả Duy Ca-Na Bình Tâm gửi thầy Duy Tuệ ngày 11/10/2012)

Trả lời:

Vấn đề là ở chỗ này: Tôi đặt câu hỏi rằng: Ở cực Bắc của quả đất luôn băng giá và con người cũng như loài vật rất dễ bị chết ở khí hậu băng giá này. Liệu người hiền ỷ lại vào sự hiền hậu hay lòng tốt của mình để tin rằng mình đến đây sẽ không bị chết? Hoặc ngược lại, người ác có thể tin rằng do mình lanh lợi và liều lĩnh nên có thể không chết nơi vùng đất luôn băng giá này? 

Tóm lại, có thể nào dựa vào hiền hay ác để tin rằng mình có thể sẽ không bị chết nơi đây? Dựa vào cái gì để tồn tại nơi này, nếu không phải dựa vào sự khôn ngoan và minh mẫn?

Chính vì vậy mà mọi người học cần biết rằng: Học và thực hành phương pháp Duy Tuệ để phát triển những khả năng tích cực trong cái nhìn và tập chúng thành thói quen trong cuộc sống. Một trong những cái nhìn tích cực là mọi người thấy rằng sống trung thực và mở rộng tình người là điều kiện tốt lành để cho sự khôn ngoan và minh mẫn phát triển. Từ sự minh mẫn và trí khôn sâu thẳm này mà mình ứng xử nhanh nhẹn và phù hợp với những gì xảy ra cho mình mọi lúc mọi nơi. 

Nếu thiếu minh mẫn, khôn ngoan và lanh trí một cách tự nhiên thì sẽ không phản ứng kịp thời và thích hợp với những điều xảy ra cho mình. Hoặc nếu thiếu minh mẫn và trí khôn sâu thẳm thì mình cũng không có những hành động thích hợp kịp thời cho những nhu cầu chính đáng (nghĩa là những nhu cầu có tính khách quan chứ không có tính chủ quan theo ý muốn).

Tóm lại, thực hành là để mở trí khôn sâu thẳm và đầu óc luôn minh mẫn, bình tĩnh trước muôn ngàn sự thay đổi xung quanh mình. Từ đó mà có ứng xử thích hợp và kịp thời. Như vậy sẽ không còn bị tâm lý ác lại gặp may, lành lại gặp dữ chi phối đầu óc mình nữa. Không còn ỷ lại rằng “Cứ ở hiền nhất định sẽ gặp lành.” Tâm lý ỷ lại này đồng nghĩa với sự tối tăm của đầu óc.
Chúc Hiền giả vui khỏe.

15/10/2012

DT