"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Làm thế nào để thanh niên có điều kiện tốt nhất phát huy sáng kiến biến lý tưởng trở thành hiện thực.



Lễ khai mạc Đại hội Thế giới lần thứ 8 và kỷ niệm 30 năm thành lập liên hiệp UNESCO Thế giới (WFUCA) vừa diễn ra sáng 19/8/2011 tại Khách sạn Grand Plaza Hà Nội, 117, Trần Duy Hưng, Hà Nội.


Tham dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam; bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam; ông Koichiro Matsuura - nguyên Tổng GĐ UNESCO (1999 - 2009); ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức đại hội; và 300 đại biểu quốc tế là các lãnh đạo chủ chốt của phong trào UNESCO phi chính phủ đến từ hơn 100 quốc gia thành viên và từ nhiều khu vực trên thế giới. 



Đạo sư Duy Tuệ, chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm UNESCO Nghiên Cứu và Ứng Dụng Phật Học Việt Nam gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại gia đình Minh Triết toàn cầu cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.


Hiền giả Giác Tuệ, Ủy viên thường vụ Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Giám đốc trung tâm đã dẫn đầu đoàn đại biểu đại diện cho toàn thể hội viên các CLB Trần Nhân Tông trên toàn quốc và trên thế giới, các Hiền giả Minh Triết là hội viên Trung tâm UNESCO Nghiên Cứu và Ứng Dụng Phật Học Việt Nam về tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào UNESCO phi chính phủ, khi lần đầu tiên đại hội thế giới của Liên hiệp UNESCO thế giới (WFUCA) được tổ chức tại một nước Châu Á kể từ đại hội đầu tiên thành lập WFUCA tổ chức tại Sendai (Nhật Bản). Đại hội Thế giới lần thứ 8 còn có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 30 năm thành lập Liên Hiệp UNESCO Thế giới (1981 – 2011). 

UNESCO hoạt động dựa trên sự hợp nhất giữa giữa những người hoạt động đa dạng trong một cộng đồng phù hợp với cộng đồng quốc tế. Các mạng lưới của UNESCO và các đối tác là hạt nhân của cộng đồng này. Tất cả ăn ý với nhau sẽ hiện thực hoá được các ý tưởng của UNESCO và các giá trị chân chính của thế giới này, ở mức độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Ngoài ra UNESCO còn đóng vai trò liên kết trong hệ thống Liên Hợp Quốc và hoạt động gần gũi với hàng loạt các tổ chức quốc gia và khu vực.

Lời mở đầu của Công ước UNESCO nói rằng: “Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hoà bình”, và rằng: “ Một nền hoà bình chỉ xây dựng trên các hiệp định kinh tế và chính trị giữa các chính phủ không thể nào giành được sự ủng hộ nhất trí lâu dài và chân thành của các dân tộc, vì vậy nền hoà bình ấy phải được thiết lập trên cơ sở đoàn kết trí tuệ và tinh thần của nhân loại.”

Bởi vậy UNESCO xác định mục đích cơ bản của mình là: “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hoá để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc”.
 
Như vậy: Thông qua việc thành lập hoặc gia nhập tổ chức UNESCO, các dân tộc và các quốc gia mong muốn thực hiện ý tưởng về một sự “đoàn kết trí tuệ và tinh thần” với tầm nhìn của toàn nhân loại và lấy đó làm nền tảng để vun đắp cho một nền hoà bình vững chắc. Đó cũng là điểm khác biệt của UNESCO so với nhiều tổ chức chuyên môn khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế nói chung.

Nhằm đạt tới mục tiêu của mình, Công ước thành lập UNESCO quy định các chức năng:

1. Khuyến khích sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc qua những phương tiện thông tin rộng rãi, khuyến nghị những hiệp định quốc tế cần thiết để khuyến khích tự do giao lưu tư tưởng bằng ngôn từ và hình ảnh.

2. Thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục quần chúng và truyền bá văn hoá bằng cách:
- Hợp tác với các nước thành viên trong việc phát triển các hoạt động giáo dục theo yêu cầu của mỗi người;
- Hợp tác giữa các quốc gia nhằm thực hiện từng bước lý tưởng bình đẳng về giáo dục cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, hoặc bất cứ một sự phân biệt nào khác về kinh tế xã hội;
- Đề xuất những phương pháp giáo dục thích hợp để chuẩn bị cho trẻ em thế giới về trách nhiệm đối với tự do.

3. Duy trì và nâng cao ứng dụng kiến thức bằng cách:
- Bảo tồn và bảo vệ di sản thế giới về sách báo, tác phẩm nghệ thuật và các công trình lịch sử hay khoa học và khuyến nghị với các nước hữu quan về các công ước quốc tế cần thiết;
- Khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia về tất cả các ngành hoạt động trí tuệ, trao đổi quốc tế cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông, kể cả trao đổi sách báo, trao đổi các sản phẩm có giá trị khoa học, nghệ thuật và các tư liệu thông tin khác;
Khởi xướng những phương thức hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở tất cả các nước tiếp cận được với tất cả các ấn phẩm của những nước khác.
 
UNESCO đặc biệt coi trọng nguyên tắc: “Quan tâm đảm bảo tính độc lập, toàn vẹn và đa dạng phong phú của các nền văn hoá và hệ thống giáo dục của các nước thành viên và không can thiệp vào những công việc thuộc quyền giải quyết nội bộ của mỗi nước.”
• Hiện tại có 192 Uỷ ban Quốc gia UNESCO tại các nước thành viên có cơ cấu từ đại diện của các ngành giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin tại quốc gia sở tại.
• UNESCO có khoảng 100 uỷ ban cố vấn, các uỷ ban quốc tế và các hội đồng liên chính phủ được thành lập nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt có liên quan đến nhiệm vụ và chức năng của tổ chức.
• Có gần 5.000 Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO và các Hội UNESCO ở tại các quốc gia thành viên đang thúc đẩy các ý tưởng và ủng hộ các nỗ lực của UNESCO trong quần chúng nhân dân.
• Có khoảng 7.900 Trường Liên kết có chức năng giúp thanh thiếu niên phát huy thái độ khoan nhượng và hiểu biết quốc tế
• Có 229 tổ chức phi chính phủ (NGOs) duy trì quan hệ thường xuyên với UNESCO.
• Có một nhóm người có uy tín quốc tế với 42 nhân vật kiệt xuất được UNESCO phong tặng danh hiệu là Đại sứ Thiện chí – là những người vận dụng tài năng, địa vị và uy tín của mình để giúp đỡ UNESCO bằng cách hướng sự chú ý của thế giới vào sứ mệnh và các hoạt động của UNESCO.
• Có trên 300 công ty, tổ chức kinh doanh và đối tác mới cam kết thực hiện các mục tiêu liên quan đến phúc lợi xã hội và phát triển con người đang tiến hành hợp tác với UNESCO.
• Có 174 quốc gia thành viên duy trì Phái đoàn Thường trực bên cạnh UNESCO (đóng ở Paris).

Phát biểu chào mừng đại hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những tiêu chí tiến bộ và những khuyến nghị mang tính hành động do UNESCO đề xuất đưa ra hướng đến việc giải quyết một cách hợp lý và có hiệu quả những vấn đề rất căn bản, mang tính toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đến tương lai của toàn nhân loại. “Chính phủ Việt Nam ghi nhận những chia sẻ và đóng góp tích cực từ phía UNESCO, đặc biệt trong các lĩnh vực về hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, xây dựng các chính sách phát triển văn hóa, khoa học ứng dụng và công nghệ thông tin, bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển...” - Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng theo Phó thủ tướng, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao phong trào của trí thức và nhân dân trên toàn thế giới ủng hộ những mục tiêu và lý tưởng của Tổ chức UNESCO. Phong trào đó đã góp phần hiện thực hóa những mục tiêu mà UNESCO đề xướng, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển tại các quốc gia thành viên. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, luôn hướng tới những giá trị nhân văn trong sáng, sẵn sàng ủng hộ những mục tiêu và chương trình hành động của UNESCO”.

Chương trình nghị sự của đại hội cũng tập trung vào việc đánh giá vai trò quan trọng của thanh niên trong việc cùng thế giới đối diện, giải quyết các vấn đề toàn cầu: Hòa bình, thảm họa môi trường, khủng hoảng của các nền văn minh… Làm thế nào để thanh niên có điều kiện tốt nhất phát huy sáng kiến của mình để lý tưởng trở thành hiện thực.

Với các tiêu chí của UNESCO từ “Thập kỷ quốc tế về văn hóa, hòa bình” và tiếp tục ở thập kỷ này (2010 - 2020) là “Thập kỷ quốc tế về giáo dục và phát triển bền vững”, đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh năm 2010 - 2011 được coi là năm quốc tế thanh niên.


“Đầu tư vào thanh niên giống như lợi nhuận của cổ phần, cung cấp lợi ích lâu dài cho xã hội. Việc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã làm cho thế giới mất an toàn hơn đối với thanh niên, đặc biệt là với các nhóm người dễ bị tổn thương hoặc chịu hoàn cảnh thiệt thòi. Những chính sách ban đầu nhằm đẩy mạnh sự công bằng và hoạt động trực tiếp vì thanh niên cần được tăng cường. Chính sách hỗ trợ muốn phát triển tốt hơn thì cần phải hướng đến những nhu cầu và mối quan tâm thiết thực của thanh niên.

UNESCO cam kết nâng cao vị thế Thanh niên và đảm bảo rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe. Chúng tôi hiện đang phối hợp chủ trì với Liên Hợp Quốc về Hệ thống Phát triển thanh niên, được chính thức thành lập vào tháng 2 năm 2010 tại trụ sở chính của UNESCO. Việc thành lập mạng lưới này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phản ánh hành động của thanh niên thông qua sự phối hợp kiến thức của chúng tôi. Tổ chức sẽ tăng cường hỗ trợ cho thành viên trong việc phát triển các chương trình, chính sách một cách hiệu quả: tạo ra cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao; trao quyền cho nữ thanh niên và đối tác trong công tác phòng chống HIV và AIDS; thúc đẩy đa dạng văn hóa; các biện pháp giải quyết bạo lực trong thanh thiếu niên; phát triển thể thao và hòa bình.

Bằng cách công nhận sự đóng góp đa dạng của thanh niên trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, Năm quốc tế về Thanh niên bao trùm cả tầm nhìn của UNESCO "Xây dựng hòa bình trong tâm trí của nhân dân" và ngang hàng với mục tiêu của Năm Quốc tế tái lập giữa các nền văn hóa, mà UNESCO là tổ chức dẫn đường. Thanh niên phải được coi là đối tác quan trọng, có cơ hội tham gia quyết định và hành động ở các cấp. Trong sự quan tâm của tất cả mọi người, thanh niên sẽ tiếp cận với các kỹ năng cần thiết để xây dựng tương lai bền vững hơn nữa. Tôi kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế bắt tay với thanh niên; khuyến khích những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng nắm bắt cơ hội này: Năm Thanh niên quốc tế - cùng nhau chia sẻ ý tưởng và sáng kiến để thúc đẩy hòa bình, sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển cho tất cả” - Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO
“Thanh niên xây dựng cho mình một phương châm hành động dài hạn, mà trước hết là tự nâng cao nhận thức để hiểu rằng hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và thế giới đó đang trở thành ngày càng nhỏ bé với đầy những cơ hội và thách thức to lớn. Trong thế giới đó những người trẻ tuổi như chúng ta phải đứng trước rất nhiều lựa chọn. Thế giới của chúng ta liệu có duy trì phát triển và phát triển bền vững hay không, liệu có hạn chế được những hậu quả do biến đổi khí hậu đang đe doạ nền văn minh của chúng ta, các dân tộc liệu có thoát khỏi những bất công và bất bình đẳng hay không, loài người trong tương lai liệu có được sống trong một nền hoà bình bền vững lâu dài hay không... Tất cả những điều đó phụ thuộc rất nhiều vào 1 tỷ 200 triệu những người trẻ tuổi trên hành tình này, lứa tuổi từ 17 đến 25 như chúng ta.Chúng tôi mong rằng, thanh niên Việt Nam, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, bằng trí sáng tạo và sức bật của thế hệ 8x và 9x, chúng ta sẽ cùng nhau hành động cho quê hương mình và cho một thế giới tươi đẹp hơn. Chúng ta sẽ sống tự giác hơn, hữu ích hơn cho chính mình, cho người thân của mình, cho đồng bào mình và cho cả thế giới bằng một ý thức trách nhiệm cao nhất: Trách nhiệm của Thế hệ Công dân Trẻ Việt Nam.” Trích thông điệp của đại sứ thiện chí UNESCO Thế giới WFUCA.














Dịp này, nhiều hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức bên lề Đại hội góp phần quảng bá về những giá trị văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế: Triển lãm thành tựu văn hóa, khoa học, giáo dục của Việt Nam; diễn đàn giới thiệu thông tin dành cho các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án về văn hóa, khoa học và giáo dục; đặc biệt là festival nghệ thuật..


Được biết, bên cạnh chương trình nghị sự, Đại hội còn tổ chức một số hoạt động văn hóa bên lề như: Đại nhạc hội quốc tế chào mừng Đại hội Thế giới lần thứ 8 của WFUCA diễn ra tối 19-8 tại Thiên đường Bảo Sơn với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của đoàn nghệ thuật các nước: Anh, Ấn Độ, Nga, I-xra-en và Việt Nam; Triển lãm thành tựu văn hóa, khoa học, giáo dục của Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra đại hội và Diễn đàn giới thiệu thông tin dành cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án văn hóa, khoa học, giáo dục.

Đại hội bế mạc vào ngày 21/8/2011.

BBT tổng hợp