"Khai mở nhận thức sâu thẳm và duy trì cảm xúc tình người thiêng liêng"

....

.

.
.

ABA Quotes

Phần Bổ Sung Cho Sách "Ta Là Ai?" : Hiểu Và Dùng Luật Nhân Quả


Phần Bổ Sung Cho Sách "Ta Là Ai?" : Hiểu Và Dùng Luật Nhân Quả



Đêm qua tại khu nghỉ dưỡng biển Oddane Sand Camping, Lavrik, Na-Uy, bỗng dưng như có ai đó nhắc tôi phải thêm phần này vào quyển sách quý giá này.
Đối với người yêu mến và có cảm tình với Phật Giáo thì việc hiểu và dùng luật nhân quả như thế nào là rất quan trọng cho cuộc đời họ nói chung và cho trí tuệ nói riêng.
Tôi đề cập đến hai điều:
- Luật nhân quả xét trên thực tế người hiểu và dùng hàng ngày.
- Luật nhân quả cần được nhận thức sâu sắc về nội dung cũng như sự lợi hại của luật này.

Nói về phần 1, hàng ngày nhiều người dùng khái niệm nhân quả mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Ví dụ, khi họ bị ai đó lường gạt tình hay tiền, nạn nhân hay đem luật nhân quả ra để an ủi mình bằng cách, “Đời trước mình gây khổ đau cho người ta, bây giờ đời này mình phải trả.” Hoặc một trường hợp hiểu lầm khác là sao mình làm phước mà cứ mang họa. Đem chuyện này hỏi các nhà sư, kể cả các sư ngoại mà tín đồ Phật Giáo Việt Nam tin tưởng như sự linh thiêng, các sư ấy lại nói, “Họa là do nhân xấu kiếp trước gây ra bây giờ mới trổ. Còn phước mình tạo bây giờ kiếp sau phúc mới đến.” Việc giải thích và hiểu tiêu cực này đã gây không biết bao nhiêu hoang mang cho người Phật tử.

Luật nhân quả còn được hiểu rất buồn cười và khá nguy hiểm như  “Giết con vật nào thì đầu thai làm con vật đó.” Vậy muốn làm người thì phải giết người sao? Cho nên hậu quả của việc hiểu sai và hời hợt này sẽ giết chết tinh thần tự tin và khả năng phát triển nhận thức, kiến thức, cùng các phẩm chất tốt đẹp khác nơi con người. Đó là chưa nói đến việc con người sai lầm mà không chịu hiểu những hạn chế về trí tuệ của mình, hay thiếu hiểu biết về cốt lõi tài sản tinh thần vô giá nơi chúng ta nên không phát triển được chúng. Tôi sẽ có bài giảng chi tiết về vấn đề nhân quả này. Trong phạm vi bổ sung, tôi muốn lưu ý đến phần sai lầm được biết tổng quát như trên.

Bây giờ tôi chia sẻ phần hai, “Luật nhân quả cần được nhận thức sâu sắc về nội dung cũng như sự lợi hại của luật này.” Trong đầu óc chúng ta có hai trạng thái cơ bản dẫn đến cái nhìn, cách suy nghĩ và hành xử hàng ngày. Trạng thái thứ nhất là trạng thái đầu óc nhận các quan điểm sống mà mình tích lũy được để nhìn, suy nghĩ, cảm xúc và ứng xử. Trạng thái thứ hai là phần còn lại của đầu óc, còn gọi nôm na là trạng thái trong suốt của nhận thức để khởi lên cái nhìn, các ý tưởng và cách hành xử.
Con người đến tận ngày nay chỉ sử dụng trạng thái thứ nhất được nêu trên. Do vậy, không thể tránh các hậu quả dẫn đến là khổ đau. Nhưng từ đây, hầu hết các Hiền giả Minh Triết đã nhận thức được hai trạng thái này nên đã hạn chế phần nào các hậu quả đau buồn, lo lắng. Nếu các Hiền giả Minh Triết tiếp tục phát triển sâu thẳm và nhuần nhuyễn trạng thái thứ hai và làm chủ được tráng thái thứ nhất, thì luật nhân quả hay khái niệm nhân quả là không cần lưu tâm đến. Hay nói cách khác, các Hiền giả Minh Triết đã từng bước vượt qua mọi khái niệm gọi là chân lý của các kinh sách hay kiến thức con người để lại mà đi thẳng vào thực tại sống động nhiệm màu không chứa đựng ngôn từ.

Phần bổ sung này tôi cố ý dành cho các Hiền giả Minh Triết sẵn sàng giúp đỡ cho các độc giả hay các tín đồ Phật Giáo đi theo trí tuệ Phật một cách có hiệu quả nhất cho họ, chứ không như truyền thống ngàn năm đã không hiệu quả gì. Đó là tôi chưa đề cập đến sự tai hại cá nhân dẫn đến tai hại cho sức mạnh của dân tộc hay giống nòi Việt Nam minh mẫn và dễ yêu mến của chúng ta.

Tôi xin tạm dừng tại đây.

Duy Tuệ
23.06.2011
Viết tại Khu nghỉ dưỡng biển Oddane Sand Camping, Lavrik, Na-Uy